Bài 10
Tiếp theo Bài 9 "TRUYỆN
KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"
- "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"
2.
SỐ 3 - SỰ ĐỦ TỐI THIỂU CỦA MỘT NỘI DUNG, MỘT VẤN ĐỀ, MỘT TÍNH CHẤT. CÁCH DÙNG
SỐ 3 TRONG TRUYỆN KIỀU
Như trên chúng ta
đã phân tích:
Số 3:
Phương Tây: đại
diện cho đầu, giữa, cuối (thành phần của một nội dung, một quá trình).
Phương Đông: 1, 2
không thể là số, chưa là số. 3 mới là số (2+1=3) cho nên một nội dung, một quá
trình gồm các thành phần, giai đoạn phải khởi từ 3 yếu tố (tối thiểu).
Do đó, trong dân
gian Việt Nam, số 3 là tượng số để diễn đạt sự đủ một nội dung, một vấn đề, một
tính chất...
Vì vậy, trong kho
tàng văn hóa dân gian Việt Nam, tính ước lệ của số 3 phổ biến trong khắp ca
dao, tục ngữ, thành ngữ, thơ ca, văn học và trong lời ăn tiếng nói hằng ngày
của người dân Việt Nam xưa và nay.
Ví dụ:
Ba gian hai trái: Nói về nhà cửa sơ sài, nghèo túng.
Sự đủ với một căn
nhà là ba gian (dùng số 3 để biểu thị), nhưng chỉ có hai trái thì thành nghèo
túng (số 2 biểu thị sự chưa đủ).
Nếu nói: Ba gian
ba trái - thì sẽ được hiểu là giàu có.
Ba gai ba đồ: ngang bướng, gây gổ, sinh sự.
Dùng số 3 để biểu
thị sự đủ của gai, đồ nên hiểu là ngang bướng, gây gổ. Nếu nói ba gai hai đồ thì thành ra cũng thường
thường, không phải loại ngang bướng, gây gổ nhiều lắm.
Ba ngày té re một ngày rắn cứt đã khoe ầm ầm.
Chỉ tính cách khoe
khoang, vội vã, không chín chắn.
Sự đủ với một yếu
tố ốm yếu, chẳng ra gì thì chỉ cần biểu diễn bằng con số 3, thế mà mới có 1 yếu
tố khoẻ, tốt mà đã khoe khoang rồi.
Ba đánh một chẳng chột cũng què:
đề cao sức mạnh tập thể.
Nói sự đủ của một
sức mạnh thì cũng dùng số 3 để biểu trưng.
Một nắng hai sương: Thời tiết ẩm ương.
(nghĩa khác: sự
chịu đựng gian khổ từ sáng đến tối)
Để muốn nói cái
nắng đầy đủ phải nói ba nắng. Mới chỉ có một nắng, còn lại hai sương thì chẳng
thể nói là nắng, là khô ráo.
Trong Truyện Kiều
có nhiều câu Nguyễn Du dùng cách nói số 3 sau đây:
A. Ngoài nghìn dặm chốc ba
đông (543)
B. Ba thu dọn lại một ngày
dài ghê (248)
C. Liệu đem tấc cỏ quyết đền
ba xuân (620)
D. Giấm chua lại tội bằng ba
lửa nồng (1352)
E. Chữ tâm kia mới bằng ba
chữ tài (3252)
A. "NGOÀI NGHÌN DẶM CÁCH BA
ĐÔNG" (543)
Theo bản Kinh đời
Tự Đức, Nguyễn Quảng Tuân - Phiên âm - khảo dị, câu này là:
Ngoài nghìn dặm cách
ba đông
Câu 543: Cách ba đông: Tản Đà chú rằng: "Có
người nói là vì Kim Trọng đứng lập tự cho ông chú ấy, cho nên phải để trở ba
năm". Thế mà mới có sáu tháng đã trở về Bắc Kinh và rồi... cưới ngay Thúy
Vân!
Còn cách hiểu phổ
biến là:
Ngoài nghìn dặm: đi xa hơn một
nghìn dặm đường, tức là từ Bắc Kinh đến Liêu Dương hộ tang. Ba đông: ba mùa Đông, tức ba năm, là
thời gian Kim Trọng phải để tang chú ruột, theo lễ giáo phong kiến thì hết thời
gian ấy mới được lập gia đình.
Cái vấn đề gây tranh cãi, gây thắc mắc trong câu này là cách hiểu từ
"ba đông". Vì không xác định được chắc chắn là 3 đông có phải là 3
năm hay không nên Tản Đà chú rằng "Có người nói là...", cách chú này chỉ là sự gợi ý,
không dám khẳng định. Mặt khác, vì đinh ninh hiểu rằng 3 đông là 3 năm nên
người chú giải mới đi tìm cách giải thích theo phong tục để tang "Kim
Trọng đứng lập tự cho ông chú ấy, cho nên phải để trở ba năm". Cách giải
thích theo phong tục này cũng không có cơ sở vững chắc vì Kim Trọng không phải
để tang cha mà hộ tang ông chú. Việc để tang chú là phải 3 năm và không được
cưới vợ trong 3 năm đó cũng không có cơ sở vững chắc, xác quyết theo phong tục.
Cách giải thích trên chỉ để minh chứng cho cách hiểu 3 đông là 3 năm. Trên thực
tế xã hội Truyện Kiều, Kim Trọng trở về sau nửa năm (6 tháng) rồi cưới Thúy
Vân. Điều đó cho thấy chú thích theo hướng trên không thuyết phục.
Nếu hiểu ba đông
là ba năm liệu có thuyết phục không khi có thể hiểu ba mùa đông là 9 tháng, có
thể hiểu là 2 năm (mùa Đông năm ngoái đến năm nay là 1 năm, mùa Đông năm nay
đến mùa Đông sang năm là 1 năm. Vậy chỉ 2 năm có 3 mùa Đông)...
Xét trong Truyện
Kiều, Nguyễn Du dùng từ để chỉ thời gian là:
... Nửa năm hương lửa đang nồng,
... Cách năm, mây bạc xa xa,
... Chầy ra là
một năm sau vội gì
... Năm năm
hùng cứ một phương hải tần,
... Rằng ngày hôm nọ giao binh
... Bèo trôi
sóng vỗ chốc mười lăm năm,
... Tháng tròn như gửi cung mây,
... Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai.
Để chỉ thời điểm lễ hội:
... Thanh minh
trong tiết tháng Ba
Để chỉ diễn biến thời gian theo mùa màng,
khung cảnh thiên nhiên:
... Sen tàn
cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày
ngắn đông đà sang xuân
...
Còn các từ liên quan đến cách nói số với
mùa: 3 đông, 3 thu, 3 xuân đều không liên quan đến yếu tố thời gian trong văn
cảnh Truyện Kiều.
Vì vậy, không thể diễn tả một vấn đề thời
gian lại có thể để người đọc hiểu là 3 tháng, 9 tháng, 3 năm, 2 năm...
Như vậy, chú thích ba đông là ba năm là chú
thích không tường nghĩa, không có cơ sở.
Mặt khác, không thể cho rằng Nguyễn Du dùng
ba đông, ba xuân, ba thu từ các sách Trung Quốc, cổ thi, hay điển tích khác
nhau mà từ đó hiểu ba đông là 3 năm, ba xuân là 3 tháng xuân hoặc công sinh
thành của cha mẹ, ba thu là 3 năm... một cách không thống nhất về thời gian,
không đồng nhất về sự việc.
Cuối cùng câu hỏi đặt ra là tại sao để diễn
tả 3 năm, Nguyễn Du lại phải dùng "mùa" để chỉ thời gian?
Do
đó, phải tìm hiểu lại ba đông được Nguyễn Du sử dụng như thế nào, trong văn
cảnh nào và hiểu ba đông là thế nào?
Đây là một câu (hay mẫu câu) dùng số để diễn
đạt tính chất ước lệ của một nội dung.
Trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có mẫu câu
sử dụng cách nói số rõ ràng như sau:
Ba năm giặt
váy phải ngày trời mưa
Ý nói vận đen đủi, gặp xui
Ba năm được
vua vời lại đúng kỳ kinh nguyệt.
Ý nói số phận hẩm hiu, không may.
Ở hai câu trên, để diễn đạt sự đủ của một
thời gian dài thì dùng số 3. (cho nên dùng là 3 năm chứ không phải là 4 năm hay
7 năm...)
Ở góa ba đông, lấy chồng hay ngủ
Ở góa đã nếm đủ
cái sự lạnh lẽo, cô đơn, đến khi lấy được chồng tưởng được "ấm áp"
hơn thì lại gặp ông chồng hay ngủ.
Trong câu này dùng
số 3 để nói sự đủ, nói mùa Đông để diễn đạt tính chất lạnh lẽo, thèm khát hơi
ấm của mùa đông. (3 cái lạnh lẽo)
Làm đĩ ba đông lấy chồng cũng đẹp
Làm đĩ mà lạnh nhạt,
không vương vấn tình cảm với ai, không nồng ấm với ai thì lấy chồng cũng đẹp.
Trong câu này dùng
số 3 để nói sự đủ, mùa Đông để nói tính chất lạnh nhạt về tình cảm. (3 cái lạnh
nhạt)
Những là thương gió nhớ mây,
Một ngày cách bạn cũng tày ba đông.
Thương nhớ nhau,
một ngày phải xa cách, không đến được với nhau thì cũng như sự cách trở của mùa
Đông phải chịu đựng sự lạnh lẽo, thiếu vắng tình cảm. (3 cái cách trở, thiếu
vắng)
Như vậy, trong
thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng dùng "ba đông" là cách diễn
đạt số ước lệ và tính chất ước lệ của mùa Đông để giải thích nội dung cần diễn
đạt. Đó là cách dùng "ba đông"
không với nội dung là thời gian là trải qua ba mùa Đông hay ba năm. Trong
ca dao Việt Nam còn nhiều những bài sử dụng cách nói số và mùa ước lệ như sau:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Đá vàng trót hẹn, dạ càng đinh ninh.
- Chốn hữu tình đâu hơn chỗ cũ?
Gió thuận hòa văn vũ non sông
Nhớ lời nguyện ước ba đông
Đêm khuya chẳng ngủ, ngày không nói cười.
Nói lời phải giữ lấy lời
Tạc vàng bia đá để đời cho nhau.
Hay:
Ai về nhắn nhủ cô hay
Có thương anh, thì đợi cho đầy ba đông
Hay là cô vội lấy chồng
Mặc ý tùy lòng anh chẳng dám ngăn
Trở lại với Truyện
Kiều, khi Kim Trọng nhận được tin xấu từ gia đình nên vội lén đến gặp Kiều và
dặn dò cặn kẽ (535-546):
Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,
Băng mình đến trước đài trang tự tình.
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,
Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi:
-“Sự đâu chưa kịp đôi hồi!
“Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ!
“Trăng thề còn đó trơ trơ,
“Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
“Ngoài nghìn dặm
chốc ba đông,
“Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.
“Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
“Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!”
Lời thề dưới trăng
còn đó, anh không dám quên mặc dù xa xôi nghìn dặm, lạnh lẽo, thiếu thốn tình
cảm, mặc dù đến lúc xong việc cũng còn lâu. Em hãy giữ mình!
Như vậy, câu:
Ngoài nghìn dặm chốc (cách) ba đông
Nguyễn Du sử dụng
"ba đông" cũng giống như
nội dung trong tục ngữ, thành ngữ, ca dao mà thôi. Sử dụng với ý nghĩa là lạnh
lẽo, cách trở, thiếu thốn tình cảm (tính ước lệ của mùa Đông) còn số 3 diễn đạt
cho sự đủ của tính chất lạnh lẽo, cách trở, thiếu thốn tình cảm đó.
Do vậy, ba đông không phải là nội dung thời
gian - 3 mùa Đông hay 3 năm nên câu này dùng từ cách (xa cách, cách trở) hợp lý hơn chốc - chỉ thời gian:
Ngoài nghìn dặm cách
ba đông
B. "BA THU DỌN LẠI MỘT NGÀY DÀI
GHÊ" (248)
Khi Kim Trọng gặp
hai chị em Kiều ở tiết Thanh minh trở về, nhớ Kiều khôn nguôi (245-246)
Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Cái nỗi nhớ ấy,
nỗi niềm tương tư ấy được Nguyễn Du tả như sau (247-248):
Sầu đong càng lắc
càng đầy,
Ba thu
dọn lại một ngày dài ghê.
Bản Qn4: "Câu
này lấy trong Kinh Thi mà tứ văn nồng đậm hơn, đem ba thu mà dồn lại trong một
ngày, cho nên thấy là dài ghê". Đào Duy Anh: "Chữ Hán là tam thu, tức
ba mùa thu, ba năm".
Nguyên câu trong
Kinh Thi, phần Vương Phong, bài "Thái cát": "Bỉ thái cát hề,/ Nhất nhật bất kiến/ Như tam
nguyệt hề./ Bỉ thái tiêu hề,/Nhất nhật bất kiến,/ Như tam thu hề./ Bỉ thái ngải
hề,/ Nhất nhật bất kiến,/ Như tam tuế hề."
Bài thơ này tạm
được dịch nghĩa như sau:
Cô gái hái dây sắn ơi
Một ngày không gặp
Như ba tuần trăng
Cô gái hái lá tiêu ơi
Một ngày không gặp
Như ba thu.
Cô gái hái lá ngải ơi
Một ngày không gặp
Như ba năm trời.
Nếu phân tích góc
độ biểu đạt con số, chúng ta sẽ thấy cấu trúc của bài thơ này như sau: về đại
lượng thời gian, mức độ tăng tiến tuần trăng (tháng) - mùa (Thu) - năm. Tất cả
đại lượng thời gian trên đều được dùng số 3 để biểu đạt sự đủ của tính chất ước
lệ mà đại lượng thời gian biểu đạt. Tính chất biểu đạt của đại lượng thời gian
như sau:
Tuần trăng - trăng (một tháng có một lần trăng Rằm):
gợi sự lãng mạn, tơ tưởng, bâng khuâng. Cũng là thời gian để khởi điểm một cảm
xúc.
Điển hình trong
thơ ca xưa và trong Truyện Kiều để tả về tình cảm lứa đôi không thể thiếu
trăng, cảnh trăng, ánh trăng. Kiều và Kim Trọng thề lời tình yêu cũng dưới
trăng. Kim Trọng thuê trọ bên cạnh nhà Kiều được Nguyễn Du tả là chưa đến một tuần trăng để gợi sự tơ tưởng đến Kiều
của Kim Trọng, sau đó Kim Trọng nói với Kiều là "tháng tròn".
Mùa thu: Sầu, buồn, nhớ nhung, tương tư.
(Tại sao tác giả
không dùng mùa Đông, mùa Xuân. Vì cần
biểu đạt đặc điểm ước lệ gì của mùa Thu?. Nếu ta thay mùa đông hay mùa xuân hay
chỉ 3 tháng chung chung liệu bài thơ còn giá trị không?)
Năm: thời gian dài, lâu (so với ngày, tháng, mùa) để đủ khẳng định
một tình cảm.
Như vậy, thông qua
tính chất ước lệ của các đại lượng thời gian được khẳng định sự đủ là số 3, ta
thấy tâm trạng của tác giả đã chuyển hóa
từ tình cảm lãng mạn, tơ tưởng, bâng khuâng phát triển lên thành tương tư, sầu,
khổ và nỗi niềm đó day dứt mãi không thôi theo thời gian.
Nếu chỉ hiểu là
nỗi nhớ như trải qua 3 tháng, 9 tháng, 3 năm thì nỗi nhớ đó vẫn chỉ là nỗi nhớ
không màu, không mùi, không vị, không sầu khổ, thì có đến 100 năm cũng vẫn vậy
mà thôi. Mặt khác, nếu ta thay mùa Thu bằng mùa Đông, hay mùa Xuân thì chắc hẳn
ta lại minh chứng sự cô đơn, cách trở hay công ơn sinh thành cha mẹ hay sao?
Cho nên ta có thể
hiểu câu thơ:
Sầu đong càng lắc
càng đầy,
Ba thu
dọn lại một ngày dài ghê.
Là số 3 diễn đạt
sự đủ của tính chất ước lệ của mùa Thu, đó là cái sầu đã nói trên, cái sầu của
mùa Thu, của mùa yêu đương, tương tư, sầu, khổ...Và vì sầu, buồn nên ngày dài
lê thê là vậy.
Nhạc sỹ Trịnh Công
Sơn có bài hát "Nhìn những mùa Thu đi" nói về cái sầu Thu và nghe cái
sầu Thu:
Nhìn những mùa Thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong Thu vàng
Nhìn những lần Thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người rồi lạnh lùng riêng
...
C. "LIỆU ĐEM TẤC CỎ QUYẾT ĐỀN BA
XUÂN" (620)
Câu này, Nguyễn Du
viết trong đoạn Thúy Kiều quyết định bán mình để cứu cha trong cơn gia biến. Và
đây là 4 câu Nguyễn Du bình phẩm về hành động của Thúy Kiều (617-620):
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên?
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
Cái quy luật muôn
đời tử biệt, sinh ly thì đành là vậy, nhưng trong trường hợp này thì thật đau
lòng. Cái "thân hạt mưa" vốn đã được khắc họa sâu đậm trong ca dao
tục ngữ cũng là đôi chút làm điểm tựa an ủi người con gái Thúy Kiều:
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Cái thân hạt mưa
quyết đền ơn sinh thành của cha mẹ cũng giống như tấc cỏ quyết đền ba xuân vậy.
Mà Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người con hiếu không ai là không
nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Phổ biến các chú
giải Truyện Kiều đều ghi chú câu "tấc
cỏ quyết đền ba xuân" là Nguyễn Du lấy tứ thơ từ bài thơ: "Du tử
ngâm" của Mạnh Giao.
Tuy vậy, sự dùng
tứ thơ này cũng khác nhau. Vì vậy, cũng cần điểm qua sự khác nhau này.
Mạnh Giao là nhà
thơ Đường thuộc trường phái khổ ngâm. Với chất thơ hàm xúc, ông là nhà thơ tài
hoa trong dòng thơ ngũ ngôn và tuyệt cú. Bài "Du tử ngâm" là bài đặc
sắc nhất của ông. Ông nghe lời mẹ khuyên thử thi tiến sĩ lần nữa (lần thứ ba).
Mẹ ông đã đúng, ông đã thi đỗ lúc 46 tuổi. Mãi đến năm 50 tuổi, ông mới được bổ
đi nhậm một chức quan nhỏ là huyện úy Lật Dương, tình Giang Tô. Ngày nhậm chức,
khi suy nghĩ về việc rước mẹ hiền lên và thương nhớ mẹ nên bài thơ này được ra
đời.
遊子吟
慈母手中線, 遊子身上衣;
臨行密密縫, 意恐遲遲歸。
誰言寸草心, 報得三春輝?
Du tử ngâm
Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy.
Dịch Nghĩa:
Sợi chỉ trong tay mẹ hiền nay đang ở trên áo người đi xa. Mẹ khâu
kỹ càng cho con lên đường, ý sợ con chậm trễ trở về. Ai dám nói rằng tấm lòng
của một tấc cỏ lại có thể báo đáp được ánh nắng của ba xuân?
Bản dịch của Khương Hữu Dụng:
Khúc ngâm của người đi xa
Sợi chỉ trong tay mẹ
Tấm áo trên mình con
Kịp đi khâu nhặt mũi
Sợ về còn chậm chân
Ai bảo lòng tấc cỏ
Báo được ánh ba xuân?
Theo: http://www.hoasontrang
Trong câu "Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân."
chúng ta lưu ý cách dùng số của người xưa như đã phân tích các mẫu câu trong
các mục trên. Ba xuân - số 3 đại diện cho sự đủ của tính chất ước lệ của mùa
Xuân mà tác giả muốn chuyển tải, diễn đạt. Ở trong câu này, ai cũng hiểu tính
chất ước lệ muốn diễn đạt của Nguyễn Du là công sinh thành của cha mẹ khi dùng
từ "Xuân". Như vậy, 3 xuân, không phải là 3 tháng mùa Xuân, hay 3 năm
cũng giống như trường hợp Nguyễn Du dùng ba
đông, ba thu là không diễn đạt
về thời gian, mùa màng. Điều đó cho thấy sự thống nhất trong cách diễn đạt số,
cách nói số của người xưa, cụ thể trong Truyện Kiều.
Nhiều bài viết,
nghiên cứu khi bình về câu thơ này thường nói tắt rằng: điển (điển tích) ba xuân trong Truyện Kiều là hoàn toàn
không chính xác vì ba xuân không phải là điển tích, điển cố mà chỉ là cách dùng
số 3 ước lệ mà trong văn thơ xưa ở đâu chúng ta cũng bắt gặp...
Thêm nữa, sự khác
nhau trong cách dùng tứ thơ của Nguyễn Du và Mạnh Giao là ở chỗ Nguyễn Du dùng tấc cỏ - ba xuân để nói chung về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha
mẹ. Còn Mạnh Giao dùng tấc cỏ - ánh ba xuân (ánh sáng mùa Xuân) để
nhấn mạnh ngoài công sinh thành dưỡng dục thì chúng ta cho dù đã trưởng thành,
thành đạt thì cha mẹ vẫn là bậc soi đường chỉ lối cho chúng ta trong suốt cuộc
đời. Đó chính là cái tâm sự của Mạnh Giao về người mẹ đã khuyên ông đi thi vậy.
Và đương nhiên,
giữa Mạnh Giao và Nguyễn Du không cao thấp, hơn kém nhau trong việc sử dụng tứ
thơ này mà chỉ đơn giản là Nguyễn Du dùng ngôn từ chính xác, đúng nội dung hoàn
cảnh gia đình Kiều. Nên ông không dùng ánh
ba xuân.
D.
"GIẤM CHUA LẠI TỘI BẰNG BA LỬA NỒNG" (1352).
Về ý nghĩa dùng số
3 trong câu này cũng giống như chúng tôi phân tích trong các mẫu câu trên, số 3
đại diện cho sự đủ tính chất của lửa. Lửa mà chỉ 1 nồng, 2 nồng thì chưa được
gọi là lửa nồng (vì trong tổng số 3, vẫn còn 1 yếu tố có thể làm tắt lửa). Vì
vậy, 3 cái nồng mới được gọi là lửa nồng.
Tuy nhiên, việc
Nguyễn Du dùng giấm chua để đối lập
với lửa nồng hay để chỉ mối tương
quan giấm chua - lửa nồng lại gây tranh cãi, khó hiểu từ trước tới nay, từ phía
các nhà nghiên cứu chữ nghĩa, điển tích Truyện Kiều đến các nhà bình luận văn
chương nói chung. Mà nguồn gốc của sự khó hiểu này lại tập trung chủ yếu ở từ
"lửa nồng" vì lửa, đơn
giản chỉ là lửa, lửa to, lửa nhỏ, lửa cháy âm ỷ chứ "nồng" nghĩa là
sao? Mặt khác, trong dân gian ít dùng từ "lửa nồng", nên vì khó giải
thích các nhà chữ nghĩa đi tìm chữ "hỏa
khanh" trong Phật giáo để giải thích. Từ đó lại càng làm vấn đề trở
nên phức tạp hơn.
Huỳnh Tịnh Của giải thích: làm cho người ta ghe
tương (tuông) lại càng nặng tội hơn làm đĩ. Trong bản Qn4: "Giấm chua,
người ta thường ví với sự ghen. Lửa nồng thời là nói cái cảnh khổ ở lầu
xanh. Song cũng chỉ biết vậy thôi, còn gốc tích của chữ này như sao, nay chưa
khảo được rõ. Bản Qn6: " Chưa rõ điển tích trong câu này. Đại thể câu này
có nghĩa là: sự khổ sở vì bị vợ cả đánh ghen, hành hạ còn khổ hơn là nỗi khổ ở
lầu xanh".
Từ những ghi chú tạm thời, một sự gợi ý còn không
chắc chắn về nguồn gốc của các tác giả chú thích Truyện Kiều xưa, nên nhiều
người sau này đi tìm nguồn gốc của chữ "Lửa nồng" và cho rằng:
"Lửa
nồng" là lửa đương
cháy, dịch ý chữ "hỏa khanh" tức hang lửa. Trong "Diệu
pháp liên hoa kinh" của nhà Phật có câu: "Giả
sử hưng hại ý suy lạc đại hỏa khanh" (nếu cái ý làm hại
người nổi dậy thì phải xô xuống hang lửa lớn). Về sau, để nói cái cảnh
khốn khổ cùng cực, người ta thường dùng hai chữ "hỏa khanh",
cả cái cảnh trụy lạc của phụ nữ ở lầu xanh cũng gọi thế. Do đó, "lửa
nồng" ở đây chỉ cảnh khổ ở lầu xanh.
Trích trong Điển
tích: Trước hàm Sư Tử gởi người
Đằng la - Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng
Tháp
Để giải thích câu:
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
Chúng ta sẽ lần
lượt tìm hiểu:
D.1. Thế nào là lửa nồng:
Các chú thích,
giải nghĩa trên đây làm cho chúng ta tưởng rằng "lửa nồng" là Nguyễn
Du phải dịch từ chữ "hỏa khanh". Thực tế thì chúng chẳng liên quan gì
đến nhau. Cái lửa "hỏa khanh" mà phật giáo nói đến là cái nạn (tam
tai) con người dễ bị mắc phải đó là: Nước, Lửa, Gió (Triết học phương Đông chia
không khí gồm 3 yếu tố: nước, lửa, gió) và khi đó cần phải cầu Phật mới thoát
nạn.
Ba nạn đó trong
kinh như sau:
Năng miễn tam
nạn
(thoát được ba
nạn)
Chính kinh:
Giả sử hưng
hại ý,
Thôi lạc đại
hỏa khanh,
Niệm bỉ Quán
Âm lực,
Hỏa khanh
biến thành trì.
Hoặc phiêu
lưu cự hải,
Long, ngư,
chư quỷ nạn,
Niệm bỉ Quán
Âm lực,
Ba lãng bất
năng một.
假使興害意。
推落大火炕。
念彼觀音力。
火炕變成池。
或漂流巨海。
龍魚諸鬼難。
念彼觀音力。
波浪不能沒。
(Nếu kẻ nổi ý
hại,/ Xô rớt hầm lửa lớn,/ Nhờ sức niệm Quán Âm,/ Hầm lửa biến thành ao. /Hoặc
lênh đênh biển cả, /Mắc nạn quỷ, cá, rồng, /Nhờ sức niệm Quán Âm, /Sóng mòi
chẳng chìm được). Từ đây
trở đi, trùng tụng những sự Quán Âm cứu nạn, cứu tai. Hai bài kệ tụng này ý nói
có thể tránh được tam tai: hỏa tai, thủy tai, phong tai.1
1Trích trong: QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT. PHỔ
MÔN PHẨM GIẢNG KÝ (phần 4) Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Diễn Bồi. Pháp sư Thích Khoan Nghiêm ghi. Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, tháng 04, năm 2004)
Chúng tôi đồng ý
rằng có thể người xưa ví von hay so sánh việc bị rơi vào lầu xanh hay sự khổ
cực trong lầu xanh chẳng khác nào bị rơi vào hang lửa (hầm lửa) một trong
"tam tai" mà Phật giáo nói đến. Nhưng để nói ngược lại hang lửa hay
"hỏa khanh" để chỉ cảnh khổ trong lầu xanh là không thể, là thiếu
khoa học. Thêm nữa, từ đó dùng phép bắc cầu (tam đoạn luận) để chứng minh lửa nồng = hỏa khanh = nỗi khổ lầu xanh thì
phi lý hết sức.
Còn từ "lửa
nồng" chúng ta cũng chẳng phải tìm đâu xa mà ngay trong Truyện Kiều,
Nguyễn Du dùng:
Lửa tâm càng dập càng nồng (1537)
Đối với Hoạn Thư
khi hay tin Thúc Sinh lấy Kiều
Nửa năm hương lửa đang nồng (2213)
Đối với Từ Hải
sống với Kiều.
Như vậy, Nguyễn Du
dùng lửa để nói cái lửa tình cảm con người. Cái lửa lòng, lửa tâm của Hoạn Thư
càng dập thì càng nồng, càng bùng lên, còn cái lửa của vợ chồng Thúy Kiều và Từ
Hải những ngày đầu nóng cháy, những ngày đầu bùng lên, nồng lên. Trong việc
dùng lửa để chỉ về tình cảm thì người ta chỉ dùng trong trường hợp nam nữ, lứa
đôi, vợ chồng chứ không ai ví tình cảm anh chị em, hay bố mẹ với con cái là như
lửa cả vì điều này theo nguyên lý âm, dương cọ sát mới sinh lửa. Ngày nay, ta
thường nói "bốn mắt nhìn nhau tóe lửa tình" hay trong ca dao có câu:
Tưởng rằng đá nát thì thôi,.
Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng
Đó cũng là cái lửa tình cảm nam nữ tưởng chừng
đã nguội lạnh rồi, đến khi hàn gắn hoặc nung mới thì lại nồng lên, lại bùng
lên.
Cho nên, lửa (nồng) là cái lửa bản thể của
tình yêu nam nữ từ thuở khai sinh lập địa mà A-đam và E-va đã mang theo đến
giờ.
Do đó, ở chốn lầu xanh thì "lửa
nồng" hay lửa tình giữa khách làng chơi với kỹ nữ thì là chuyện thường
tình. Và có thể dân gian xưa nói lửa nồng ở chốn lầu xanh là loại lửa
nồng, bùng lên trong chốc lát rồi thôi với hàm ý giễu cợt là loại lửa không bền
lâu.
Trở lại với câu:
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
Nếu theo các chú
giải trên, lửa nồng để nói cảnh khổ ở lầu xanh thì cả Hoạn Thư, Từ Hải cũng
trong cái cảnh lầu xanh hay sao? Mặt khác, nếu nói như Huỳnh Tịnh Của giải thích: làm cho người ta ghe tương (tuông) lại càng nặng
tội hơn làm đĩ. Hoặc bản Qn6: "Sự khổ sở vì bị vợ cả đánh ghen, hành hạ
còn khổ hơn là nỗi khổ ở lầu xanh" thì rất mâu thuẫn với tâm lý nhân vật,
tâm lý của Thúy Kiều.
Việc Thúc Sinh có vợ là Thúy Kiều đã biết, việc
Thúc Sinh lấy Kiều là việc sẽ được xã hội thừa nhận, việc bà cả ghen tuông
(giấm chua) là tất yếu sẽ xảy ra không nhiều thì ít, chỉ còn trông chờ vào cách
giải quyết của Thúc Sinh trong tương lai để được thuận buồm xuôi gió.
Rõ ràng, Kiều đang muốn lấy Thúc Sinh mà lại có
thể nói hàm ý về sống với anh để vợ anh ghen thì tội nặng hơn làm đĩ, hay vợ
anh mà ghen thì khổ hơn làm đĩ thì chẳng khác nào chửi vào mặt Thúc Sinh
rằng với gia cảnh nhà anh thì tôi ở lầu xanh sướng hơn. Đó là ngôn ngữ bất nhã
(dù là hàm ý) của một cô gái ở lầu xanh chứ không thể là một cô gái Thúy Kiều
được ăn học.
Thêm nữa, cách giải thích như chú giải trên bỏ
qua ý nghĩa chữ "lại tội". Chữ "lại tội' ở đây là làm khó, làm
tội làm tình chứ không phải tội lỗi, tội nghiệp. Giấm chua làm tội, làm
khó lửa nồng, hay Giấm chua lại tội cho lửa nồng.
Thúy Kiều nói câu "Giấm
chua lại tội bằng ba lửa nồng" là nói cái ghen của Hoạn Thư làm tội, làm khó cái lửa nồng của Thúc Sinh và Thúy Kiều.
D.2. Quan hệ giữa giấm chua và lửa nồng
Từ cách hiểu sai
lệch về lửa nồng là chỉ cái nỗi khổ ở
chốn lầu xanh nên nhiều người thấy giấm
chua dùng trong câu này trở nên lạc lõng, không hề liên quan đến lửa - nỗi
khổ lầu xanh. Từ đó, đi tìm hướng giải thích khác đó là tìm những từ liên quan
đến lửa và âm "giấm". Rồi qua khảo sát thực tế đời sống việc dùng lửa
trong dân gian có việc rấm lửa hay
giấm lửa (giữ mồi lửa) như Vũ Ngọc Khánh chú giải:
"Một số cố lão ở Hà Tĩnh thuộc hai chữ đầu
câu này là rấm vùi hay nhúng vùi. Ý nói: lửa bếp vùi âm ỉ cháy (chỉ thói
ghen tuông) còn khó chịu hơn cả lửa nồng".
Cách tìm hiểu
phong tục, thực tế đời sống để giải thích Truyện Kiều là việc làm rất khoa học
vì không phải văn chương của bậc đại thi hào Nguyễn Du lúc nào cũng phải dựa
vào từng câu, từng chữ hay điển tích Trung Hoa để viết.
Tuy nhiên, việc
phát hiện ra từ rấm vùi đồng âm với
giấm lại không thể giải thích cái mồi lửa vùi, âm ỉ cháy làm sao có thể làm
tội, làm khó lửa nồng. Để nói mồi lửa
cháy âm ỉ như thói ghen tuông thì hoàn toàn là cách hiểu thiếu chính xác vì
không thể hiện được tính đặc trưng của việc ghen tuông. Chỉ có thể nói lửa cháy
âm ỉ trong lòng như sự bực bội, bực tức không giải tỏa được nên nó âm ỉ cũng
giống như Nguyễn Du đã dùng: Lửa tâm càng
dập càng nồng.
Có một thực tế phổ
biến là các nhà chú thích văn bản Truyện Kiều đa phần là đàn ông nên mối quan
hệ, tương quan giữa giấm chua và lửa khó được phát hiện.
Xét trong quan hệ
yêu đương, vợ chồng lửa tình cảm mà nồng là nóng lên, là bùng phát to lên.
Đương nhiên, trong quan hệ tình cảm, lửa
nồng rồi phải lắng xuống, phải dịu lại như quy luật vốn có của đời sống tâm
lý tình cảm. Hình ảnh bùng lên của lửa
nồng cũng giống như ngọn lửa ngoài tự nhiên khi bùng to lên, khi dịu lại,
khi âm ỉ...
Tại sao, đàn ông
lại khó phát hiện mối tương quan của giấm
và lửa?. Vì trong đời sống xã hội
Việt Nam xưa, người đàn ông không tham gia việc bếp núc. Việc ở bếp, đun nấu là
thuộc về phụ nữ, nên người phụ nữ hiểu rõ nhất công dụng của giấm chua. Kinh nghiệm làm bếp, đun nấu
của người xưa là:
Khi đun nấu, gặp
lửa bùng to lên (có thể do mỡ bắn ra hoặc củi lửa có dầu bỗng dưng cháy nỏ) thì
người ta thường dùng giấm để dập lửa to, lửa bùng lên gây cháy nhà. Tại sao
phải dùng giấm? Vì nếu dùng nước lã thì bếp sẽ tắt, sẽ bị mất lửa, để mồi lại
lửa thì "Cơm chẳng lành, canh chẳng
ngọt" nên phải dùng giấm dập được lửa bùng lên mà không bao giờ tắt
bếp, mất lửa. Đó là kinh nghiệm ngàn đời của việc bếp núc xưa.
(Các bạn có thể
tìm hiểu công dụng của giấm qua mạng intrenet, hay các sách nấu ăn đến nay vẫn
lưu truyền kinh nghiệm dập lửa và giữ lửa này của giấm.)
Như vậy, Nguyễn Du
viết câu thơ:
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
là hoàn toàn xuất
phát từ kinh nghiệm phổ biến trong dân gian về việc bếp núc, việc của đàn bà
như Hoạn Thư, Thúy Kiều. Vì thế, đây là câu từ miệng của Thúy Kiều (một người
phụ nữ) nói ra.
Do đó, hiểu câu
thơ này là việc ghen tuông (giấm chua) của Hoạn Thư làm tội (khó) cho lửa nồng (nhất thời) của Thúc Sinh với
Thúy Kiều. Câu này đồng nghĩa với việc Kiều dò xét về lửa tình cảm của Thúc
Sinh với Thúy Kiều có bền lâu hay không.
E. "CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ
TÀI" (3252)
Một trong số rất
nhiều các bình luận về câu này trong Truyện Kiều là lời bình rất xác đáng của
tác giả Nguyễn Hoàn như sau:
"Những người
có “chữ tâm” đích thực trong đời này không phải là ít và hết thảy họ đều yêu
mến, nâng niu câu Kiều nhân nghĩa lung linh này.
Nhưng những người
nhân danh “chữ tâm” lại cũng không phải là ít và đôi khi “chữ tâm” nhân danh
này bị đem đối lập với chữ tài. Và như thế chữ tài lại bị dè bỉu, bị đố kỵ. Và
như thế hai chữ “tâm, tài” tương đố. Ngày xưa, khi viết Truyện Kiều để
chứng minh cho thuyết “tài mệnh tương đố” (Chữ tài chữ mệnh khéo là
ghét nhau), Nguyễn Du đã không ngờ đến cái tình cảnh “tâm, tài tương đố”
này.
Thực ra, đại thi
hào Nguyễn Du chỉ đem chữ tài đối lập với chữ mệnh chứ chưa hề đem chữ tài đối
lập với chữ tâm bao giờ cả. Không đối lập hai chữ “tâm-tài” nhưng lại bảo: “Chữ
tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “rắc rối” chữ nghĩa là ở chỗ đó."
Trích trong bài:
Để hiểu đúng câu Kiều về chữ “tâm” của Nguyễn Du.
Tác giả - Nguyễn Hoàn. Nguồn: Văn hóa Nghệ An.
Chúng tôi rất
thích nhận xét của tác giả Nguyễn Hoàn về câu này trong Truyện Kiều:
"Câu Kiều nhân nghĩa lung linh"
và tác giả nhận
xét rất đúng rằng, Nguyễn Du "chưa
hề đem chữ tài đối lập với chữ tâm bao giờ cả".
Vậy, hiểu thế nào
về câu:
Chữ tâm kia mới
bằng ba chữ tài
Như phân tích, các mẫu câu nói số, diễn đạt số của Nguyễn Du trong các
mục trên, thì đây là mẫu câu dùng số để diễn đạt nội dung tương tự: 1, 2 chữ
tài thì chưa được gọi là tài mà phải 3 chữ tài thì mới là chữ tài đầy đủ, chữ
tài đúng nghĩa. Có thể hiểu 3 chữ tài để diễn đạt nội dung thực tài, hay cái
tài thực.
Như vậy câu này chỉ đơn giản là:
Chữ tâm kia mới
= chữ tài (thực tài).
Như vậy, Nguyễn Du chỉ ra mối quan hệ tương đương chứ không nói chữ tâm
hơn và gấp bao nhiêu lần tài. Nói một cách khác, Nguyễn Du chỉ ra mối quan hệ
của hai khái niệm tâm, tài. Mặc dù, tâm và tài là hai khái niệm có nội dung
khác nhau, nhưng trong một ý nghĩa nào đó chữ tâm và chữ tài là bằng nhau, là
như nhau. Do đó, đây là một mối quan hệ biện chứng, qua lại giữa hai khái niệm
này. Vậy ý nghĩa nào mà tâm và tài có thể bằng nhau, có thể là
như nhau?
Trong khuôn khổ chương mục này, chúng tôi không bình luận, đi sâu vào
khái niệm triết học, tư tưởng của nội dung chữ tâm và chữ tài, không đi sâu vào
nội hàm, ngoại diên của hai khái niệm này. Chúng tôi chỉ xét trên diễn biến, sự
kiện trong Truyện Kiều và thông qua hình tượng Thúy Kiều để chỉ ra mối tương
quan tâm = tài.
Như chúng ta đã biết, sau khi báo ân, trả oán, Thúy Kiều đã bước lên
ngôi vương "nghiêng nước nghiêng thành" đúng nghĩa với nội
dung đầy đủ của thành ngữ đó như đã phân tích trong mục thành ngữ "Nghiêng
nước nghiêng thành" ở phần đầu sách. Từ đó, Thúy Kiều đã bước sang giai
đoạn mới của cuộc đời là tham mưu
cùng Từ Hải đã trụ vững năm năm ở vùng biên thùy với ranh giới rạch đôi sơn hà,
chuẩn bị lực lượng phát động chiến tranh tiến về Bắc kinh. Vì thế Hồ Tôn Hiến
xuất hiện để chiêu an. Đây chính là thời điểm diễn ra cuộc tranh đấu nội tâm của
Thúy Kiều.
Thúy Kiều đã trải qua tuổi xuân vô vàn nỗi cự khổ, nhục nhã rồi tận
hưởng cuộc đời phong lưu, xa hoa bên Từ Hải...để rồi tất cả đều vô nghĩa trước
mong muốn giản dị đời thường là đoàn tụ gia đình, gặp lại người thân.
Qua lời chiêu an của Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều đã nhận thức ra chính nghĩa
quốc gia, nhận ra cái ơn đức của vua đã bao năm ổn định thiên hạ mà ai ai cũng
hàm ơn và mong muốn giản dị như chính Thúy Kiều đang mong mái ấm gia đình yên
ổn, đoàn tụ, xum họp. Từ đó, bài toán "Công, tư, vẹn cả hai bề"
và đáp ứng được "Trên vì nước, dưới vì nhà, một là đắc hiếu, hai là đắc
trung". Và bài toán này đáp ứng được cá nhân Kiều cũng như muôn dân.
Trong sự đấu tranh nội tâm này, cái tài của Thúy Kiều ảnh hưởng
tới muôn dân (toàn xã hội) có hai tình huống sau:
- Nếu phát động chiến tranh tiến về Bắc Kinh mà Từ Hải và Thúy Kiều
thắng thì cái tài được khẳng định, nhưng tâm không xuất hiện vì
chỉ đáp ứng được Thúy Kiều. Còn muôn dân đau khổ. Cái tài của Thúy Kiều
là cái tai (họa) cho muôn dân. Việc thay đổi một triều chính mới không
phải là cách mạng từ lòng dân, không phải là dân mong muốn. Nếu thua, cái tài
là tai (họa) với chính Thúy Kiều và với muôn dân. Đương nhiên, tâm
vẫn không xuất hiện.
Nếu giải binh, cho dù Từ Hải không chết, hay chết, hay cả Thúy Kiều
cũng chết thì cái tài vẫn được khẳng định và tâm xuất hiện.
Như vậy, trong 3 tình huống của tài thì chỉ có một tình huống
duy nhất tâm xuất hiện - đó là giải binh - đem thái bình cho muôn dân. Vì thế nói tâm = tài là ở tình huống này,
là ở tính mục đích của tài - đáp ứng thái bình cho muôn dân.
Do đó, tâm, tài sẽ bằng nhau ở tính mục đích. Nếu tài mà có tâm
thì tai (họa) không xuất hiện.
Qua sự phân tích trên, cái tài của hình tượng nhân vật Thúy Kiều
đã phát triển từng bước theo thời gian từ ấu thơ tới trưởng thành, ảnh hưởng
từng bước, từng cấp độ tới xã hội và toàn xã hội (muôn dân). Đó là sự phát
triển biện chứng của cái tài.
Song song bên cạnh đó, cái tâm cũng phát triển từng bước từ thấp
đến cao:
Tâm - hiếu: Gia đình
+ Là người con gái trong trắng, đoan chính, có ăn học, có lễ giáo với
cha mẹ.
+ Bán mình chuộc cha, cứu gia đình.
(Bán mình đã động hiếu tâm
đến trời)
Tâm - hạnh: Xã hội
Phẩm hạnh của Thúy Kiều được phát triển qua những năm tháng lưu lạc.
Bố Thúc Sinh đã phải thốt lên:
Thương vì hạnh, trọng vì tài
Tâm - nhân: Quốc gia, dân
tộc
Thúy Kiều đã từ bỏ con đường danh vọng lớn, chọn giải pháp giải binh để
cứu muôn dân khỏi chiến tranh - cứu người là nhân.
Tâm thành đã thấu đến trời
Bán mình là
hiếu, cứu người là nhân.
Sự phát triển giữa tài và tâm không chỉ đơn giản là sự
riêng biệt, mà còn là một quan hệ đồng hành, quan hệ tương tác, biện chứng. Nếu
không đủ tài lèo lái, khuyên dụ Từ Hải quy hàng, giải binh thì dù Thúy Kiều có tâm - nhân, muốn
cứu nhân dân khỏi cuộc chiến tranh thì cũng không có kết quả. Chiến tranh, đau
thương vẫn xảy ra, cho nên: tâm không được thực thi - lực (tài)
bất tòng tâm.
Vậy định giá thế nào về hành động của Thúy Kiều:
Quan điểm của
Trời, Phật thông qua bà Tam Hợp đạo cô (2679):
Sư rằng: -“Song chẳng hề chi,
“Nghiệp duyên cân
lại nhắc đi còn nhiều.
“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
“Mắc điều tình ái, khỏi điều tà tâm.
“Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,
“Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
“Hại một người, cứu muôn người,
“Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
“Thửa công đức ấy ai bằng,
“Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
“Khi nên trời cũng chiều người,
“Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên
sau."
Quan điểm của
đồng cốt...thông qua Đạm Tiên (2715-2724):
“Chị sao phận mỏng, đức dày?
“Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai.
“Tâm thành đã thấu đến trời,
“Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
“Một niềm vì nước vì dân,
“Âm công nhắc một đồng cân đã già.
“Đoạn trường sổ rút tên ra,
“Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
“Còn nhiều hưởng thụ về sau,
“Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào.”
Bởi vậy, Nguyễn Du đưa ra lời kết thúc truyện nhắc nhở người đời rằng:
con người sinh ra vốn thiện, trong quá trình rèn, dưỡng và dụng tài đừng
quên tu tâm, tích đức.
Thiện căn ở tại
lòng ta
Chữ tâm kia mới
bằng ba chữ tài.
(Xin xem tiếp Bài 11
"TRUYỆN
KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")