NGỌC HÂN CÔNG CHÚA (玉忻公主)
Hồ Quang
24.12.2022 14:26:00
Tượng thờ Ngọc Hân Công Chúa tại đền Ghềnh
Việt Nam Sử Học xin được giới thiệu cùng độc giả bài viết về Ngọc Hân Công Chúa. Đây là bài viết mà chúng tôi thấy tác giả nghiên cứu rất công phu không chỉ về việc sưu tầm sách vở mà còn mở rồng tầm nhìn ra khắp nhằm giúp người đọc thấy được sự so sánh nhiều nhân vật liên quan để có thể kết luận rõ ràng giữa đúng và sai... NGỌC HÂN CÔNG CHÚA (玉忻公主) BẮC CUNG HOÀNG HẬU (北宮皇后) Hồ Quang
Sách “Các Nữ tác giả Hán Nôm Việt Nam”, tr. 331, tác giả
Trương Đức Quả viết về tiểu sử của bà Lê Ngọc Hân ((黎玉忻) ở bài “Ai Tư Vãn” (哀思挽) như sau: “Bà công chúa Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần
(1770) tại Hoàng Cung Nhà Hậu Lê (Thăng Long)”. Ngô Cao Lãng trong “Lịch Triều Tạp Kỷ” và “Hoàng Lê Nhất
Thống Chí” viết: “Bà Ngọc Hân là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông”. Còn “Ngự Chế Ngọc Phả Ký” lại ghi: “Lê Ngọc Hân là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông và bà
Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (bà Nguyễn Thị Huyền - (阮氏玄) là con gái trưởng của ông Nguyễn
Đình Giai, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là xã
Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)”. Vào tháng 5 năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (Nhà Tây
Sơn) theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh đưa quân ra Bắc dưới chiêu bài “Phù Lê Diệt Trịnh”,
đã diệt được Chúa Trịnh, vào yết kiến vua Lê xin trả lại quyền hành mà xưa nay
Chúa Trịnh chiếm doạt lại cho Nhà Lê. Vua Lê Hiển Tông rất vui mừng vì từ đây đã
thoát được sự không chế của phủ Chúa. Và để kết chặt tình nghĩa Bắc, Nam thêm
thắm thiết, Nguyễn Hữu Chỉnh đứng ra làm mai để Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân Công
Chúa (con gái của vua Lê Hiển Tông)... Lúc nầy công chúa Ngọc Hân vừa tròn tuổi
16 tuổi, còn Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang ở tuổi 33. Người viết xin mở ngoặc để viết thêm về việc lên ngôi vua
của các vua Lê khi bị chúa Trịnh lộng quyến như họ Trịnh tự lập vua, phế vua, kể
cả các tước vị Hoàng Hậu, Thế Tử, cũng phải có sự đồng ý của bên Phủ Chúa. Cụ thể gần nhất là trước thời vua Lê Hiển Tông, chuyện
lên ngôi của các vua đều do Chúa định đoạt, như trường hợp vua Lê Dụ Tông (黎裕宗), ông nội của vua Lê Hiển Tông. Theo
“Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cưng Mục”, quyển 37, ghi rằng: “…Vua Lê Dụ Tông bị Chúa Trịnh Cương ép phải nhuờng ngôi
cho con thứ là Lê Duy Phường (黎維祊) để làm Thuận Thiên Thừa Vận Hoàng Thượng, phải ra sống ở
cung Kiến Thọ, quá buồn bực, Thuận Thiên Thừa Vận Hoàng Thượng bệnh nặng rồi mất
(1731), lúc đó ông mới 52 tuổi”. Đến thời Trịnh Giang (con của Trịnh Cương) phế bỏ vua Lê
Duy Phường và ép phải xuống làm Hôn Đức Công, đến tháng 9 (1735) Trịnh Giang buộc
Hôn Đức Công uống thuốc độc mà chết. Trịnh Giang lại đưa người con trai cả của
vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Tường (黎維祥, 黎維祜),
trước đây là Thái Tử nhưng Trịnh Cương không cho lên ngôi, Lê Duy Tường được
lên ngôi lấy hiệu là Lê Thuần Tông (黎純宗). Theo “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” vua Lê Thuần
Tông có con trưởng tên Lê Duy Diêu đã 19 tuổi, nhưng Trịnh Giang sợ không thể
khống chế, nên lập cháu mình là Lê Duy Thận (gọi Trịnh Giang bằng cậu) và cũng
là em của vua Lê Thuần Tông mới 17 tuổi lên kế vị tức vua Lê Ý Tông. Để bào chữa
việc làm sai trái của mình, Trịnh Giang đã ngụy biện: “Diện mạo Duy Thận giống
như Tiên Đế”. Lê Ý Tông được lập lên từ tháng 4/1735 đến tháng 5/1740 thì Trịnh
Doanh ép vua phải nhường ngôi lại cho Lê Duy Diêu (黎維祧), con trưởng của vua Lê Thuần Tông tức
vua Lê Hiển Tông (黎顯宗). Sau khi lên ngôi, vua Lê Hiển Tông xuống chiếu, cho tuyển
phi, Nguyễn Thị Huyền người đẹp Bắc Ninh ở xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ
Sơn, được chọn trúng tuyển. Là một giai nhân, bà Huyền rất được vua sũng ái,
luôn cho cận kề. Về sau người ta thường gọi bà là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền.
Công chúa Ngọc Hân chào đời do kết quả của cuộc tình này. Càng lớn lên, công chúa Ngọc Hân càng xinh đẹp, trong số 21
người con của vua Lê Hiển Tông (tính riêng số công chúa thì Ngọc Hân là người
con thứ 9, có sách ghi là con thứ 6), ông thương và quí Ngọc Hân nhất, do đó
khi mới lên ba, Ngọc Hân được vua cha sau các phiên thượng triều, thường nói với
bá quan văn võ rằng: - “Con bé này ngày sau nên gả làm vương phi, không nên gả
cho hạng phò mã tầm thường!” Lên 16 tuổi, Ngọc Hân đã là một mỹ nhân đài các, không cần
đem so sánh theo kiểu “Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình” của Ôn Như Hầu, mà
chính là sự toàn vẹn của Nguyễn Du: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. Hoa cười, ngọc thốt đoan trang...” Ảnh hưởng nhiều ở cách giáo dục từ người mẹ, Ngọc Hân
không chỉ là thân “lá ngọc cành vàng”, suốt ngày nũng nịu với phụ hoàng, mà
nàng công chúa còn luôn trau dồi thơ văn, nên về sau được người đời gán cho bà
là bậc “nữ sĩ tài danh”. Tác thành hôn nhân cho con gái xong, vua Lê Hiển Tông đã ở
vào tuổi 70, sức yếu, và sau đó băng hà. Triều đình Nhà Lê lại rơi vào tình trạng khủng hoảng việc
chọn người kế vị, mặc dầu Hoàng Tộc đã quyết định đưa cháu đích tôn của vua Lê
Hiển Tông (Hoàng Thái Tôn Lê Duy Kỳ - 黎維祁) lên ngôi, nhưng bị Công Chúa Lê Ngọc Hân phản đối. vì
bà đã dựa vào thế lực của chồng (Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ) chỉ muốn đưa anh của
mình là Lê Duy Cận (em của Lê Duy Vỹ) lên ngôi. Điều nầy dĩ nhiện làm khựng lại
lễ đăng quang mà Hoàng Tộc Nhà Lê đang tiến hành. Trước sự kiện nầy, triều thần Nhà Lê cũng như hoàng tộc tuy
sợ uy thế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, nhưng vẫn phản đối quyết liệt, không
thừa nhận Ngọc Hân là người trong dòng họ Nhà Lê nữa... Biết mình đã gặp sự chống đối của cả triều đình, nên bà
Ngọc Hân đành phải van xin với chồng sửa lại ý định (lập Lê Duy Cận) mà là lập Hoàng
Thái Tôn Lê Duy Kỳ (con trai trưởng của vua Lê Hiển Tông, tức Thái Tử Lê Duy Vỹ,
anh của Lê Duy Cận, đã bị Trịnh Sâm giết hại) lên ngôi. Bắc Bình Vương Nguyễn
Huệ lại phải thuận theo lời vợ. Cuối cùng lễ đăng quang của Lê Duy Kỳ cũng được
thực hiện vào cuối tháng Bảy (ÂL) năm 1786, vua lấy niên hiệu Chiêu Thống, nên
sử sách gọi ông là vua Lê Chiêu Thống (黎昭統) (Tên thật của ông là Lê Duy Khiêm (黎維
), khi lên
ngôi, đổi tên là Lê Duy Kỳ (黎維祁). Ổn định triều đình Nhà Lê xong, bà Ngọc Hân theo chồng (Bắc
Bình Vương Nguyễn Huệ) về Phú Xuân. Xuất thân là một công chúa (lá ngọc cành vàng) sống trong
cubng vàng gác tía, được hưởng sự giáo giục rất chuẩn mực từ hoàng cung, nên
khi bà Ngọc Hân theo chồng về Phú Xuân sống rất nề nếp. Từ đây cuộc sống của bà
với Bắc Bình Vương là những chuỗi ngày thật êm đềm đầy hạnh phúc… Yên phận
mình, tuy “phận gái xuất gía tòng phu”, nhưng thâm tâm bà cũng nhìn về Thăng
Long, vì nào mẹ, nào anh chị em, vẫn còn sống tại đấy, biết có được bình yên
như bà không?... Nơi ngàn năm văn vật mà các tiên vương và phụ vương của bà tạo
dựng mới vừa thoát khỏi sự chuyên quyền của Chúa Trịnh thì bây giờ đang xảy ra
lắm tai ương, người cháu gọi bà bằng cô (vua Lê Chiêu Thống) đang sống dở chết
dở ở đó… Bè đảng Chúa Trịnh lại nổi lên đòi chuyên quyền như trước, Nguyễn Hữu
Chỉnh từ Nghệ An ra dẹp, dẹp xong ông ta lại chuyên quyền theo kiểu họ Trịnh... Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (chồng bà) lại phải sai Vũ Văn
Nhậm đưa quân Tây Sơn ra dẹp. Dẹp xong Nguyễn Hữu Chỉnh, thì Vũ Văn Nhậm lại tác
oai tác quái… Lần nầy đích thân Nguyễn Huệ phải đưa quân ra Bắc dẹp loạn. Tuy dẹp
được Vũ Văn Nhậm nhưng triều đình Nhà Hậu Lê (trung hưng) tan tác, nguy hiểm nhất
là vua Lê (Chiêu Thống) bỏ nước, chạy sang cầu cứu Nhà Thanh (Trung Quốc). Trước
tình thế như vậy, việc cai quản Bắc Hà, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ phong cho Ngô
Văn Sở làm Đại Tư Mã thống lĩnh quân binh, tổng quản công việc tại Bắc Hà với sự
giúp sức của nhiều người tài giỏi khác như Ngô Thì Nhậm, rồi kéo quân trở về
Phú Xuân. Vào khoảng gần cuối năm 1788, tin quân Mãn Thanh do Tôn
Sĩ Nghị chỉ huy dưới chiêu bài “phù Lê diệt Nguyễn Tây Sơn” đưa vua Lê Chiêu Thống
trở về Thăng Long, nhưng thực chất là thực hiện mưu đồ xâm lược đê hộ An Nam của
vua Thanh (Càn Long) giống như các vua Trung Quốc trước đó. Nghe tin quân Thanh
đã vào Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ liền lên ngôi Hoàng Đế. Trong chiếu
lên ngôi, nhà vua có đoạn: “… truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân theo
giáo lệnh của nhà vua. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, trẫm nay
cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước, lấy giáo
hóa trị thiên hạ...). Lấy niên hiệu Quang Trung, nhà vua cho định lại quan vị của
triều thần, phong bà Lê Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng Hậu (Chính Cung Hoàng Hậu là
bà Phạm Thị Liên, cùng mẹ khác cha với Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, và là mẹ của Nguyễn
Quang Toản tức vua Cảnh Thịnh sau này. Bà Chánh Cung mất, bà Bùi Thị Nhạn em của
Thái Sư Bùi Đắc Tuyện lên làm Chánh Cung Hoàng Hậu). Ổn định tô chức triều
chánh xong, nhà vua liền cho ban “hịch” đánh quân xâm lược Mãn Thanh!… Sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) đánh đuổi quân Mãn
Thanh ra khỏi bờ cõi Đại Việt, vua Quang Trung lại phong cho “Hữu Cung Hoàng Hậu
Ngọc Hân” làm “Bắc Cung Hoàng Hậu”, tước vị nầy bà Ngọc Hân giữ mãi cho đến khi
vua Quang Trung qua đời. Bà và vua Quang Trung có với nhau được 2 người con:
công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Thương tiếc, đau đớn vô vàn cho sự ra đi của chồng, Bắc
Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân đem hết tâm tình mình gởi vào bài “Văn Tế vua Quang
Trung”, rồi tiếp theo là “Ai Tư Vãn”… với những lời lẽ bày tỏ nỗi niềm thương
tiếc chồng qua những vần thơ “nôm” thật tha thiết, khiến người đời sau khi đọc lên ai cũng nghẹn ngào cảm phục... Trên trang “thuvien.tcdktcnsl.vn” có bài "Danh Nhân
Lê Ngọc Hân" của tác giả Chu Quang Trứ, ông nầy nói rằng sau khi vua Quang
Trung mất, bà Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiên (Dương Xuân
ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng, nuôi con, nên bà còn
được dân gọi là Bà Chúa Tiên. Bà sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.
Hoàng Đế Cảnh Thịnh truy tặng bà là “Như Ý Trang
Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu” (柔懿莊慎貞一武皇后). (còn tiếp)
|