Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Nguồn gốc

Nguồn Gốc Việt Nam (bài 1)
Trường Xuân Phu Tử - Hồ Quang
03.11.2013 15:23:00

Bản đồ về nguồn gốc VN

Lời người viết:

Tất cả những nội dung sẽ viết ra dười đây là hoàn toàn nằm trong sách vở, tuy rằng có sách cũ nhưng có thể minh chứng được những điều nói ở sách cũ không khác với những sách mới là bao nhiêu. Người viết cố gắng làm hết mình để cập nhật những tài liệu mới được công bố (liên quan đến nguồn gốc Việt Nam) để người đọc có thể nhận định. Người viết cũng xin thưa với độc giả rằng người viết không thể đưa ra một kết luận nào về “nguồn gốc Việt Nam” vì mãi đến hôm nay mọi khám phá nhất là trong phạm vi khảo cổ học vẫn chưa có kết luận chắc chắn về Nguồn Gốc Việt Nam! (Trích trong sách “Trí Thức Việt Nam Cuối Thế Kỷ XVIII” của cùng tác giả)


BÀI  I

1. Sách sử cũ:

Theo học giả Đào Duy Anh thì khoảng thế kỷ XX Trước Công Nguyên (TCN) tại phía Bắc lưu vực sông Hoàng Hà và Vị Thủy, người Hán có nền văn minh đang phát triển, thì tại phía Nam lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang), sông Hán và sông Hoài, cũng có những bộ tộc khác đang sinh sống mà trong thư tịch cổ của Trung Quốc gọi tất cả các tộc dân phía Nam này là Man Di. Tuy bị gọi “man di”, nhưng nhóm người này đã dựa vào vùng đất trù phú (có sông có nước)  để sinh sống bằng sự phát triển kinh tế nông nghiệp, cũng như đánh bắt các loài thủy sản. Tất cả nhóm “Man Di” này đều được nhìn nhận thuộc Việt tộc. Đến trước đời Nhà Chu (bắt đầu từ thế kỷ XII TCN), họ đã có mặt ở khắp lưu vực sông Dương Tử...

Trong quá trình thành lập nước Trung Hoa, người Hán đã đồng hóa được một phần các dân tộc ‘man di” nầy, còn số khác chưa bị đồng hóa, chạy xuống dần phía Nam tìm đất sống. Một số trong các nhóm này là chi họ thuộc nhóm Bách Việt... Cũng tại thời điểm này, các tiểu quốc thuộc Trung Hoa tranh hùng xưng bá thôn tính nhau, và cuối cùng chỉ còn lại một nước lớn, đó là Nhà Đông Chu cho đến khi Nhà Tần nổi lên làm chủ Trung Quốc.

Trở lại với nhóm Bách Việt:

Theo sử sách Trung Quốc, thì lúc Nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở miền Chiết Giang đang hồi cường thịnh, thì tộc người Việt đã có mặt ở vùng lưu vực sông Dương Tử... Riêng người Giao Chỉ và Việt Thường vượt qua các đèo ở dải Nam Lãnh mà di cư rãi rác xuống miền nam, sống trong các thung lũng có những sông lớn của các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và  Phúc Kiến. Hơn một trăm năm sau, vào năm 333 TCN (tức năm thứ 46 đời Chu Hiến Vương), Nước Việt của Câu Tiễn bị Nước Sở tiêu diệt, từ đó người Việt tộc phân tán ra nhiều nơi, xuống Giang Nam, sống rải rác ở miền bờ biển chung với những người đồng tộc đã di cư đến ở trước đó. Có lẽ do trình độ văn minh của những người  của Nước Việt khá cao, nên khi sống hòa nhập vào với các Việt tộc địa phương, họ đã cãi hóa những người này về các phương diện chính trị, kinh tế mà họ đã có ở mức văn minh cao hơn. Dĩ nhiên các nhà quý tộc của Nước Việt cho tụ họp “tàn chủng” của họ, cùng các Việt tộc địa phương, rồi lập thành những bộ lạc ngay tại địa phương đó, mỗi bộ lạc ở một địa phương riêng, có người cai quản mà đứng đầu là “quận trưởng” (hay tù trưởng), bộ lạc lớn hơn biết tổ chức việc hành chánh cao hơn sẽ là phôi thai để trở thành  một quốc gia, và người đứng đầu bộ lạc lớn này tự xưng làm “vương”.

Để gọi chung cho các bộ lạc phía Nam gốc Việt tộc này (miền Lãnh Nam) là Bách Việt.

Không ai biết chính xác, cũng hư không có sử sách nào ghi lại chính xác con số bộtộc của nhóm Bách Việt, mà chỉ có thể nói “Có lẽ các bộ lạc nhỏ dần dần bị các bộ lạc lớn thôn tính, cho nên số các bộ lạc lẻ tẻ, nhỏ nhoi mỗi ngày một giảm bớt xuống... Và chúng ta cũng có thể “đoán già đoán non rằng “những nhóm (tộc Việt) quan trọng ở miền Chiết Giang, Phúc Kiến đều phải thần phục Nước Sở, còn những nhóm ở xa hơn trong miền Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Bộ (miền Bắc Việt Nam ngày nay) không bị Sở cai trị và cũng không bị đồng hóa với dân tộc Hán, nên có cơ hội phát triển lớn mạnh, để trở thành một quốc gia, đó là 5 nhóm:

-                      Đông Việt hay Đông Âu,

-                      MânViệt,

-                      Tây Việt hay Tây Âu,

-                      Lạc Việt,

-                      NamViệt.

Nhìn chung thì chưa có sử sách nào ghi lại thời gian xuất hiện chính xác của nó, chỉ có thể đoán là sau thời Nước Việt bị diệt (năm 333 TCN) và trước khi Nhà Tần chinh phục Bách Việt (năm 218 TCN). Đông Việt, Mân Việt và Nam Việt lần lượt bị đồng hóa với Hán tộc. Còn lại 2 nhóm Tây Việt (Tây Âu) và Lạc Việt hợp lại với nhau lập nên nước Âu Lạc.

Để có thể tìm hiểu vấn đề rõ ràng hơn là sau khi Nhà Tần thống nhất Trung Hoa, người Hán tộc tỏa rộng ra đến tận phía bắc dải Lãnh Nam (biên giới phía nam Nước Tần). Vào khoảng năm 218 (TCN), Tần Thủy Hoàng cho xua quân nam tiến (quân lính gồm toàn những thành phần như dân lưu vong, dân không nhà không cửa, và các lái buôn…), tất cả số quân này được chia làm 5 đạo, “đạo thứ 5” là đạo binh chính dùng để đánh Bách Việt (đạo quân này tụ tập trên sông Dư Can trong tỉnh Giang Tây, ở phía nam hồ Phiên Dương).

Đông Việt và Mân Việt là hai nhóm người Việt lớn, đã hình thành việc tổ chức xã hội gần như một quốc gia (2 nhóm này từng thần phục nước Sở) biết lợi dụng cuộc nội loạn ở Trung Quốc mà dựng nền độc lập. Trung tâm của nhóm Đông Việt (Đông Âu) là miền Vĩnh Gia, thuộc Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (ngày nay). Trung tâm nhóm Mân Việt là miền Mân huyện, thuộc Phúc Châu trong tỉnh Phúc Kiến (ngày nay).

Hai nước Đông Việt và Mân Việt thấy quân Tần kéo đến, không dám chống cự, liền bị Nhà Tần thu phục. Ngay trong năm đầu, vua Nhà Tần cho gom 2 nước Đông Việt và Mân Việt lại thành một quận, dặt tên là quận Mân Trung, hạ bệ vua của 2 nước xuống làm quận trưởng (hay tù trưởng) trông coi dân Việt. Đến khi Nhà Tần suy vi, tù trưởng Đông Việt và Mân Việt đều theo các nước chư hầu để chống Tần, rồi tiếp theo giúp Hán (Lưu Bang) đánh Sở (Hạng Võ), sau đó Lưu Bang thống nhất thiên hạ, lập nên Nhà Hán.

Năm thứ 5 đời Cao Đế (202 TCN) vua Nhà Hán phong cho tù trưởng Mân Việt là Võ Chứ làm Mân Việt Vương, cai trị đất Mân Trung cũ, đóng đô ở Đông Dạ (Mân huyện ngày nay) gọi là thưởng công (giúp đánh Sở). Năm thứ 3 đời Huệ Đế (192 TCN), vua Nhà Hán lại chia đất Mân Trung cũ để đặt thêm nước Đông Hải nhằm thưởng công cho tù trưởng Đông Việt là Dao (vì cũng có công giúp Hán đánh Sở), làm Đông Hải Vương, đóng đô ở Đông Âu (miền Vinh Gia), tục gọi là Đông Âu Vương.

Các nhóm Bách Việt thường xảy ra chiến tranh với nhau để tranh giành ngôi vị lãnh đạo. Khi một bộ tộc nào đó đã lớn mạnh rồi thì tộc trưởng này luôn tìm mọi cách thôn tính dần các bộ tộc khác kế cận... Nhìn từ bên ngoài vào thì đặc tính này có thể nói các bộ tộc Bách Việt thể hiện ý chí quật cường, nhưng chính điều này đã gây nên sự chia rẻ làm yếu đi sức mạnh từng bộ tộc và để rồi sau đó có thể bị tiêu diệt bởi bộ tộc hay nước khác lớn mạnh hơn. Nước Việt của Câu Tiễn đã chứng minh cho điều này... Theo như sử sách để lại, thì “...Sau nhiều năm ‘nằm gai nếm mật’ chịu trăm bề tủi nhục với Ngô Vương Phù Sai, hồi phục lại cơ đồ Nước Việt, nhưng đến khi trở thành một nước lớn mạnh, hùng cường rồi, vua Nước Việt không chấp nhận hiện tại của mình, mà quyết chí thực hiện cho bằng được tham vọng ‘làm bá chủ Trung Nguyên’… Thế rồi, tham vọng đó không thành (không những không tiến vào được Trung Nguyên mà còn bị diệt vong), khiến người Việt bị phân tán khắp nơi, các tù trưởng tìm cho bộ tộc mình một vùng đất mới dung thân, chờ có cơ hội mạnh lên là gây lại thanh thế...”.

Xin xem tiếp bài 2

HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.