Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Nhân vật lịch sử

NHỮNG HOẠT ÐỘNG YÊU NƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI - Bai 1
TRƯỜNG XUÂN PHU TỬ - HỒ QUANG
23.02.2020 22:20:02

Cụ Phan Chu Trinh
Không phải chờ mãi đến đầu thế kỷ XX, dân Việt, những người đang sống xa quê hương như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... mới chạnh lòng luôn nghĩ đến tổ quốc thân yêu của mình đâu? Từ trước đó đã có nhiều rồi. Lật lại các trang sử xưa, chúng ta sẽ tìm thấy chuyện tương tự này. Vào thời “Lê trung hưng”, nhân vật Nguyễn Kim làm quan cho Nhà Lê, lánh sang Ai Lao nhờ vua Ai Lao (Sạ Ðẩu) giúp đỡ, và ông đã kiếm được người con út của vua Lê Chiêu Tông có tên Duy Ninh lập lên làm vua dựng lên thời Lê Trung Hưng. Trở lại thời cận đại, thời mà Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, tuy sự khắc nghiệt so với sự cai trị của Nhà Hán, Nhà Minh... thì người Việt Nam có thể nói là dễ thở hơn, nhưng nói như thế không có nghĩa là người Việt đã chấp nhận ách nô lệ do ngoại bang đặt để, ngược lại sự nổi dậy chống đối không chỉ trong nước mà tại

Tại triều đình Huế, các vua quan yêu nước khởi xướng phong trào Cần Vương, Duy Tân;
Tại Bắc Kỳ có Hoàng Hoa Thám;
Tại Trung Kỳ có Phan Ðình Phùng;
Tại Quảng Nam người dân biểu tình chống sưu thuế...
Riêng đất Nam Kỳ là đất thuộc địa Pháp, nên việc nổi dậy của các nghĩa quân An Nam chống lại chính quyền thực dân thường xảy ra nhưng rồi bị dập tắt ngay, vì không đủ mạnh để chống với quân Pháp lâu dài như ở Trung và Bắc Kỳ.
Những nhà “Ái Quốc” như Phan Bội Châu (phong trào Ðông Du), Phan Chu Trinh (phong trào Duy Tân), không những chỉ nhằm hoạt động trong nước, mà còn đưa thành viên của mình xuất dương sang các nước mở mang, học hỏi những hiểu biết tiến bộ của họ nhằm tự nâng cao kiến thức của mình, hầu sau nầy trở về lại quê hương đem hết những hiểu biết hữu dụng ra giúp dân giúp nước... Do có những phong trào nầy mà dần dần tại các nước như Nhật, Pháp, Trung Hoa... đã hình thành nhiều nhóm người Việt Nam có những hoạt động hướng về tổ quốc qua sự giúp đỡ của các nhà cầm quyền sở tại mà một số tổ chức nầy đã thành công một phần nào đó trong giai đoạn nhất định cho đến khi sự giúp đỡ nầy chấm dứt do quyền lợi riêng tư của nước đó với thực dân Pháp.
Ngay tại nước Pháp, Ðại Úy Jules Roux (từng làm việc ở Tóa Án Binh Bắc Kỳ vào năm 1904 đến năm 1909), khi biết được Phan Chu Trinh sang Pháp, ông ta tận tình giúp đỡ (viên Ðại Úy này rất ngưỡng mộ tinh thần yêu nước của cụ Phan Chu Trinh khi hắn ta còn làm tại Việt Nam), như không những lo cho cha con cụ Phan hội nhập vào cuộc sống ở Paris, rổi còn cùng Luật Sư Phan Văn Trường, dịch những văn bản tiếng Việt sang tiếng Pháp, để cụ Phan gởi lên Bộ Thuộc Ðịa Pháp (dĩ nhiên nội dung của các văn bản nầy chỉ trích sự cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam). Vào khoảng năm 1910, Luật Sư Phan Văn Trường thuê nhà số 6 Villa des Gobelins, làm chỗ ở riêng cho gia đình, nhưng dần dần nơi đây trở thành chỗ tập hợp những Việt kiều yêu nước (cha con cụ Phan Chu Trinh cũng dọn đến ở chung một thời gian dài). Vào thời đó người Việt Nam tại Paris không nhiều lắm, đa phần chỉ là các sinh viên du học khoảng chừng trên dưới 100 người nên cũng dễ dàng liên lạc với nhau...
Sự có mặt của cụ Phan Chu Trinh tại Paris làm cho Luật Sư Phan Văn Trường như được chắp thêm cánh cho tình yêu quê hương, do đó họ trở nên thân thiết, rồi cả hai trở thành cột trụ cho những Việt Kiều tại Pháp, nhất là những khi cần bên vực cho nhau trong cuộc sống tại nơi xứ người. Thấy mình có hậu thuẫn, cụ Phan Chu Trinh liền viết các bản điều trần gởi cho chính phủ Pháp, nêu lý do: “Việt Nam được Pháp bảo hộ, nhưng không có tự do, nếu công dân Việt Nam yêu nước mà chỉ trích chính sách cai trị của Pháp, đều bị kết án tử hình và bỏ tù, v.v...”. Cụ Phan còn viết “Trung Kỳ Dân Biến Thỉ Mạt Ký”, nhờ Jules Roux dịch sang tiếng Pháp, nhằm gây dư luận trong dân Pháp tại Paris. Nội dung văn bản này nhằm bênh vực, kêu oan cho cụ Trần Quý Cáp cũng như nỗi đắng cay của người Việt bi áp bức (gởi cho Bộ Thuộc Ðịa Pháp, một bản khác gởi cho Albert Sarraut vì người này sắp sang làm toàn quyền Ðông Dương), ngoài ra cụ Phan cũng còn gởi nhiều thư phản đối chính sách đô hộ của Pháp tại Việt Nam.
Năm 1913, được tin tên Khâm Sứ Mahé muốn đào lăng vua Tự Ðức để lấy vàng (hắn ta nghi rằng trong lăng vua thế nào cũng có vàng chôn theo), cụ Phan liền viết báo phản đối việc làm thiếu đạo đức này. Song song với việc viết báo, cụ Phan còn tổ chức những buổi diễn thuyết kêu gọi lòng yêu nước, yêu quê hương của mọi Việt Kiều sống tại Pháp. Ngoài ra hễ có dịp là cụ tiếp xúc ngay với những người Pháp có lòng nhân đạo, bác ái, trọng lẽ công bằng... bày tỏ nỗi lòng mình, chỉ trích chính sách cai trị tàn ác của Pháp tại Ðông Dương mà toàn quyền Sarraut đang thực hiện, như đặt ra các câu trả lời cho các câu hỏi:
- Cách cai trị rộng rãi bên An Nam của ông ấy thế nào?
- Nói những sự cải cách giả dối, như Viện Tư Vấn, Pháp Luật, Học Hành, sự đầu độc dân ta bằng rượu, bằng thuốc phiện, và sự đoạt quyền tự do của dân ta...
Năm 1914, tại Huế, vua Duy Tân nổi dậy chống Pháp (bị Pháp bắt ngày 6 tháng 5 năm 1916 và sau đó bị truất ngôi rồi còn bị đày sang đảo Réunion...), Cũng trong năm này (tháng 9/1914) chiến tranh Pháp-Ðức bùng nổ, Ðức tổng tấn công Pháp tại mặt trận La Somme. Bị thua trận, Pháp nghi rằng các Việt Kiều có khuynh hướng chống Pháp nên có thể theo về với Ðức, do đó các ông Phan Văn Tường bị bắt và giam ở lao Cherchemidi và cụ Phan Chu Trinh cũng bị bắt và bị giam vào ngục Santé (Prison de la Santé).
Người viết xin được ghi chú vào đây là khi nói về Phan Văn Trường thì dùng chữ “ông”, còn nói về Phan Chu Trinh thì dùng chữ “cụ”, cả hai người này cũng đều họ Phan, mặc dầu họ không liên hệ họ hàng gì với nhau (một người ở Bắc, một người ở Trung)
+ Phan Văn Trường
Ông người làng Ðông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông sinh năm 1876, theo học Luật và sau khi tốt nghiệp trở thành Luật Sư, ông làm phiên dịch cho Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Cuối năm 1908, ông được Pháp cho sang Paris (nghị định ký ngày 8/11/1908) để dạy tiếng Việt ở trường Sinh Ngữ Ðông Phương (Ông từng là Giáo Sư phụ giảng - répétiteur d'Annamite - tại Trường Ngôn Ngữ và Văn Minh Ðông Phương – École des Langues Orientales - ở Paris) và theo học tiếp ngành Luật tại Ðại Học Sorbonne (Paris), sau đó trình luận án Tiến Sĩ Luật tại trường này. Tốt nghiệp, Phan Văn Trường trở thành vị Tiến Sĩ Luật gốc Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp cũng như của Việt Nam. Nhập tịch Pháp xong, Phan Văn Trường mở văn phòng hành nghề Luật Sư, sau đó ông có thêm chỗ ở mới “Villa des Gobelins” (Appartement nhỏ) tại số 6, Rue Berthollet, quận 13, Paris, chính nhờ vào nơi này mà Phan Văn Trường có thể dùng làm nơi lui tới cho những Việt Kiều đang sống tại Pháp. Ngày 18/1/1912, với tư cách Chủ Tịch Hội “Ðồng Bào Thân Ái” (La Fraternité des Compatriotes), ông cho ra mắt “hội” tại trường Parangon, nơi có nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam đang theo học. Hội được lập ra với mục đích giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, học tập, phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật và tiếng mẹ đẻ. Mong muốn của “Hội” có lẽ không nằm ngoài chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho những người Việt Nam trên đất Pháp. Ðây là một trong những tổ chức đầu tiên của người Việt tại Pháp (theo “Phong Trào Duy Tân” của tác giả Nguyễn Văn Xuân). Những hoạt động yêu nước của Hội đã khiến cho Kỳ Ngoại Hầu (Cường Ðể) với tư cách Hội Trưởng “Việt Nam Quang Phục Hội” cho người đem thư sang tận Paris (1913) trao cho cụ Phan Chu Trinh để mong có sự liên kết... Cũng trong năm 1913, Việt Nam Quang Phục Hội cho người đánh bom ở Hà Nội, nên nhà cầm quyến Pháp tai Paris cho rằng Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường có liên quan đến việc bạo động này, nhưng chưa tìm ra chứng cứ. Thế rồi Thế Giới Chiến Tranh Lần Thứ Nhất xảy ra, nghi Phan Văn Trường củng Phan Chu Trinh có liên hệ với Đức, nên vào ngày 12 tháng 9 năm 1914, chính quyền Pháp tại Paris đã cho bắt giam ông với lý do là “có âm mưu chính trị chống nước Pháp, thông đồng với Ðức”. 10 tháng sau (tháng 7 năm 1915) nhờ sự can thiệp của một số chính khách tại Pháp như Thiếu Tá Roux, Luật Sư Marius Moutet (đảng Xã Hội Pháp) cũng như Hội Nhân Quyền Pháp (theo Nguyễn Hiến Lê - Ðông Kinh Nghĩa Thục), nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh. Ra khỏi tù “Hội Ðồng Bào Thân Ái” đã tan rả rồi, ông Phan Văn Trường bị nhà cầm quyền Pháp thuyên chuyển về Toulouse làm thông ngôn cho nhóm lính thợ gốc Việt (đang phục dịch ở Arsenal de Toulouse - Quân Sử VNCH, của Bộ Tổng Tham Mưu). Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, Phan Văn Trường vẫn tiếp tục hợp tác với cụ Phan Chu Trinh trong nhóm “người Việt Nam yêu nước tại Pháp”. Năm 1919, ông là một trong nhóm “ngũ long” ký tên trong bản “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam” (Revendications du peuple Annamite), còn gọi là “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”, với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc (Cụ Phan Bội Châu - Ngục Trung Thư) và chính ông viết văn bản này bằng tiếng Pháp. Cuối năm 1923, Phan Văn Trường về nước, ông cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản tờ “Chuông Rè” (La Cloche Fêlée) và tờ “Nước Nam” (L’Annam) tại Sài Gòn. Bằng những bài báo (viết bằng tiếng Pháp), ông rất hăng say đấu tranh chống lại các chính sách cai trị mà thực dân Pháp đang áp dụng tại Việt Nam (không có dân chủ, mị dân bằng chủ nghĩa “Pháp-Việt đề huề” của Ðảng Lập Hiến...). Ông đứng ra tổ chức “Ðảng Cao Vọng” (còn gọi là nhóm Thanh Niên Cao Vọng), dùng tờ L’Annam làm cơ quan ngôn luận (Nguyễn Hiến Lê - Ðông Kinh Nghĩa Thục). Ông còn cho đăng lại trên tờ L’'Annam các bài báo đã đăng ở các báo “Người Cùng Khổ” của Hội Liên Hiệp Thuộc Ðịa, tờ Nhân Ðạo của Ðảng Cộng Sản Pháp, tờ Diễn Ðàn Thông Tin Quốc Tế của Quốc Tế Cộng Sản)... Ngoài ra ông cũng là người đầu tiên cho đăng bản Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản của Karl Marx và Friedrich Engels. Vì những hoạt động của ông gây hại cho chế độ thực dân Pháp, nên ông bị bắt và bị kết án tù. Sau khi mãn tù, ông Phan Văn Trường lại tiếp tục hoạt động đòi dân chủ, ông mất vào năm 1933 và “đảng Cao Vọng” do ông thành lập cũng bị tan biến theo.
+ Phan Chu Trinh
Xuất thân trong gia đình gia giáo tại Tiên Phước (Quảng Nam). Thân phụ của cụ Phan Chu Trinh là cụ Phan Văn Bình làm quan Triều Nguyễn giữ chức Quản Cơ Sơn Phòng (chức quan võ trông coi biên giới các vùng núi), thân mẫu của cụ Phan Chu Trinh là bà Lê Thị Trung (Chung ?) tinh thông Hán học (bà là con gái của nhà vọng tộc làng Phú Lâm). Phan Chu Trinh sinh vào tháng 8 năm 1872 (Nhâm Thân) tại làng Tây Lộc, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cụ Phan là con trai út của gia đình nên rất được cưng chiều. Năm 1900, cụ thi đỗ Cử Nhân, năm sau (1901) đỗ Phó Bảng, Năm 1902 cụ Phan được hậu bổ ở Huế ra làm quan. Năm 1896, cụ Phan cưới bà Lê Thị Tỵ (sinh 1877 mất 1914) người làng An Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam làm vợ. Cụ Phan Chu Trinh là người văn võ toàn tài, cụ tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã.
Ngày 05 tháng 7 năm 1885, chiếm xong lục tỉnh (Nam Kỳ - VN), tướng De Courcy đem đại quân Pháp tiến đánh chiếm kinh đô Huế, Tôn Thất Thuyết xa giá phò vua Hàm Nghi bỏ kinh thành lánh nạn. De Courcy cho quân truy kích, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), rồi thảo “dụ” Cần Vương. Hưởng ứng lời kêu gọi này, sĩ phu khắp nơi chiêu tập binh lính nổi lên kháng Pháp... Ông Phan Văn Bình (thân sinh của cụ Phan Chu Trinh) tuy đã về hưu, nhưng khi nghe “dụ Cần Vương” ông tình nguyện làm “chuyển vận sứ” ở đồn A-Bá (Tiên Phước) và đưa cả gia đình về nơi này lập đồn điền trồng trọt nhằm cung cấp lương thực tiếp tế quân Cần Vương.
Ðược gần phụ thân, cụ Phan Chu Trinh có dịp rèn luyện võ nghệ, hy vọng nối được nghiệp cha. Bấy giờ tại Quảng Nam phong trào Cần Vương hoạt động mạnh, dưới sự lãnh đạo của hai ông Nguyễn Duy Hiệu và Trần Văn Dư. Tổng Trú Sứ Pháp (Bihourd) đề nghị với vua An Nam phải cho quân đánh dẹp “Nghĩa Hội Quảng Nam”. Vua Ðồng Khánh (lên ngôi ngày 14 tháng 9 năm 1885) liền sai Nguyễn Thân tiến quân đánh chiếm phủ Tam Ky, cho phá nhiều căn cứ trú quân Cần Vương. Ông Nguyễn Duy Hiệu vốn là người rất nóng tánh, chỉ nghe lời đồn bậy, thiếu suy xét, nghi ngờ cụ Phan Văn Bình theo Pháp, nên vào ngày 15 tháng 6 năm 1886, ra lệnh cho nghĩa binh giết chết cụ Phan Văn Bình và người con nuôi Phan Vò đi. Nguyễn Thân tiếp tục truy lùng quân Cần Vương, cho bắt mẹ và vợ con của Nguyễn Duy Hiệu tại Phước Sơn làm con tin nhằm buộc Nguyễn Duy Hiệu phải đầu hàng. Vì lòng hiếu thảo với mẹ cũng như tình thương vợ con, ông ra quy thuận triều đình Huế, vua Ðồng Khánh thay vì ban cho ông quan cao tước lớn thì lại ban cho ông án tử hình.
Sau cái chết của Nguyễn Duy Hiệu, phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam tan rã, nhưng phong trào Cần Vương vẫn còn hoạt động mạnh, vì linh hồn của phong trào này là vua Hàm Nghi. Nhà vua vẫn cho truyền “dụ” đi khắp nơi, nên nhà cầm quyền Pháp quyết phải bắt cho được “vua” mới mong dẹp được phong trào này. Ðêm 1 tháng 11 năm 1888, tên Trương Quang Ngọc (người Thượng, dân địa phương nơi vua Hàm Nghi trú ngụ, được Pháp mua chuộc bằng mấy lạng thuốc phiện) lợi dụng lúc Tôn Thất Thiệp (hầu cận vua) sơ ý ngủ say, liền giết ông nầy và bắt vua Hàm Nghi giao cho Ðại Úy Boulanger (ngày 4 tháng 11 năm 1888). Cụ Phan Ðình (linh hồn của phong trào Văn Thân) được tin này liền cho người tìm giết Trương Quang Ngọc để răn đe những kẻ phản phúc... Vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang Bắc Phi vào trung tuần tháng 8 năm 1889. Các phong trào chống Pháp cùng những người yêu nước dần dần bị Pháp tiêu diệt. Quân Pháp tiến đến đâu là đầu rơi máu đổ đến đó, ai theo làm nô lệ cho Pháp thì được “vinh thân phì gia” như Nguyễn Thân, Hoàng Trọng Phu, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan, Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Ngọc Quát, v.v..., còn ngược lại chống Pháp sẽ bị “rơi đầu” như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... Hoàn cảnh xã hội như thế này, về sau đã làm đổi hướng đường lối chống thực dân Pháp của lớp trẻ, trong đó điển hình như trường hợp của cụ Phan Chu Trinh.
Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam tan rả, cảnh gia biến khiến cụ Phan phải rời bỏ đồn điền trồng trọt (tại Tiên Phước) về sống với người anh ruột (Phan Văn Cừ). Năm 1889, cụ Phan Chu Trinh được anh cho theo thụ giáo với Ðốc Học Trần Ðình Phong (Mã Sơn) tại trường làng Thanh Chiêm (Ðiện Bàn, Quảng Nam) cách Hội An và Ðà Nẵng không xa để có thể đến hai nơi phồn hoa đô hội này mà mua sách vở, cũng như được tiếp xúc với nền văn minh thị thành. Cụ Phan Chu Trinh nổi tiếng học giỏi, thông minh. Năm 1902 đậu Phó Bảng được bổ làm quan ở Huế. Ðược tin người anh cả mất, cụ Phan Chu Trinh phải về để tang rồi ở nhà dạy học... Đến năm Quý Mão (1903) cụ Phan được bổ làm Thừa Biện của Bộ Lễ.
Tại kinh đô Huế, cụ Phan đọc được nhiều sách cũng như được tiếp xúc với nhiều giới trí thức tân học như Ðào Nguyên Phổ, Thân Trọng Huề, Phan Bội Châu... nên hấp thụ nhiều tư tưởng mới, trong đó nổi bật là các tư tưởng về dân quyền và dân chủ.
Vào khoảng cuối năm 1904, cụ Phan từ quan. Theo cụ nghĩ, nếu tiếp tục làm quan cho triều đình Huế kể cả vua cũng vậy, thì chẳng khác nào chấp nhận làm nô lệ cho thực dân Pháp mà thôi. Trên thực tế thì Viên Khâm Sứ Trung Kỳ (dưới quyền viên Toàn Quyền Ðông Dương) bảo vua An Nam làm gì phải làm nấy, bỏ mặc dân chịu đói khổ, chịu mọi sưu cao thuế nặng, chịu mọi áp bức bóc lột mà chính sách thực dân đề ra đẩ bắt vua An Nam phải thi hành.
Năm 1906, cụ Phan bí mật sang Nhật gặp cụ Phan Bội Châu, khởi xướng duy tân, cải cách nước nhà. Về nước, cụ ra sức tuyên truyền về chủ trương của mình và đã trở thành một trong những người lãnh đạo “xu hướng cải lương” đầu thế kỷ XX.
Về lại Huế, cụ Phan đã cùng 2 người bạn thân là Tiến Sĩ Huỳnh Thúc Kháng và Tiến Sĩ Trần Quý Cáp, cùng lòng dấn thân, hoạt động trong Phong Trào Duy Tân (tại Quảng Nam). Với phong trào này, các cụ đã chủ trương dùng phương pháp “bất bạo động” mới có thể công khai hoạt động nhằm “khai hóa dân tộc, cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, truyền bá canh tân, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt móng tay, phát động phong trào học Quốc Ngữ...” (Lúc đó triều đình Huế vẫn duy trì lối học thi phú, bắt buộc sĩ tử phải thuộc lòng các loại sách như “Tứ Thư, Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Ngũ Kinh”. Mãi đến năm 1913 triều đình Huế mới bắt đầu cải cách đường lới giáo dục, và năm 1917 khóa thi Hương cuối cùng đã chấm dứt cách học từ chương này. Ngược lại Tây Phương, họ cho học toán, phát triển văn minh, khoa học, kỹ thuật tiến bộ, dùng kỹ nghệ nặng như đóng tàu, đúc súng... đem lại đời sống phồn thịnh cho người dân của họ...).
Ðể mở rộng đường lối hoạt động, cả ba người cùng nhau đi vào phía Nam. Ðến Bình Ðịnh, gặp lúc viên quan tỉnh cho mở khoa thi, cả ba liền ghi tên tham dự, nhưng dùng tên giả (Ðào Mộng Giác) làm bài. Hai cụ Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Danh Sơn Lương Ngọc”, còn cụ Phan Chu Trinh thì làm bài thơ “Chí Thành Thông Thánh” với nội dung nói về thời cuộc hiện tai, mong đánh động giới học sinh và đồng bào phải thức tỉnh... Có thể nói đây cũng là “bản tuyên ngôn” do các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20 viết nên.
Bài thơ “Chí Thành Thông Thánh” có câu:
“...Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ thi văn túy mộng trung...”
Hay bài phú “Danh Sơn Lương Ngọc” có các câu:
“...Ðau đớn nỗi nhà Nho hư bại,
Tục di truyền cái hại khoa danh
Mấy vần thơ phú loanh quanh,
Suốt năm suốt tháng tranh giành từ chương
...
Dùi mài đèn tử công phu,
Học nhai bả dã, học mù quáng thêm!...”.
Bài thơ và phú nay được tung ra, gây phản ứng mạnh tại trường thi, làm tỉnh cơn mê của các sĩ tử theo lối học từ chương thi phú, chỉ ham công danh cho cá nhân mình, mà quên đất nước đang chìm trong vòng nô lệ!... Ðây chính là đường lối hoạt động gây tiếng vang, đánh động lòng người của nhóm 3 người này. Quan đầu tỉnh địa phương cho truy lùng để tìm bắt ngay tác giả các bài thơ phú nói trên, nhưng “họ” đã vào tới Nha Trang, rồi Phan Thiết. Tại Phan Thiết họ lại gặp các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lôi... cùng bàn về phương cách hoạt động của phong trào Duy Tân. Thế rồi công ty Liên Thành và trường Dục Anh ra đời.
Ðến đây, cụ Phan Chu Trinh vì bị bệnh không thể tiếp tục vào Nam, đành ở lại Phan Thiết để dưỡng bệnh, hai cụ Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng trở về lại Quảng Nam để cùng với các ông Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyên (đều là những nhà khoa bảng không chịu ra làm quan) hô hào đồng bào vận động mạnh cho phong trào Duy Tân (với chủ thuyết Dân Quyền, trực tiếp vận động mọi người thực hành theo phương thức mà Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đề ra, khác biệt với đường lồi của các ông Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ... chỉ bằng cách viết những bản điều trần dâng lên vua, để rồi bị ém nhẹm hoặc bị lãng quên). Có thể nói phong trào Duy Tân là cuộc cách mạng nhằm đổi đời của người dân Việt vào đầu thế kỷ 20. Sự thay đổi này không chỉ người dân bị ảnh hưởng mà ngay vua An Nam cũng hưởng ứng (Vua Thành Thái thường cải trang để đi xem dân tình, ảnh hưởng phong trào nên nhà vua tự cắt bỏ búi tóc trên đầu làm gương cho các quan trong triều, chịu cải cách sinh hoạt để thúc đẩy dân tiến. Thực dân Pháp buộc phải kết án những ai theo phong trào Duy Tân (là những người cắt bỏ búi tóc mà người Pháp gọi là “giặc cúp tóc”).
Ðể dẹp phong trào này, trước hết viên Toàn Quyền Pháp (Jean Baptiste Paul Beau) đã phế bỏ vua Thành Thái (ghép nhà vua bị bệnh tâm thần để phế đi và lập Hoàng Tử Vĩnh San lên ngôi, tức là vua Duy Tân vào ngày 30 tháng 7 năm 1907). Tưởng rằng sau khi phế bỏ vua Thành Thái thì phong trào Duy Tân tan rả, nhưng tại Quảng Nam phong trào này vẫn phát triển tốt đẹp, cụ Phan Chu Trinh muốn mở rộng tầm hoạt động nên từ Quảng Nam đi ra Nghệ An gặp cụ Ngô Ðức Kế, rồi đến Hà Nội tiếp xúc với số sĩ phu yêu nước như Ông Ích Ðường (cháu nội của Ông Ích Khiêm), lên Yên Thế thăm Hoàng Hoa Thám (con Hùm chống Pháp tại Yên Thế), rồi về lại Hà Nội gặp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền (trường Ðông Kinh Nghĩa Thục), tham gia giảng dạy tại Ðông Kinh Nghĩa Thục... Cụ Phan Chu Trinh là người có tài diễn thuyết, nên dễ dàng chinh phục được phái cựu học theo mình, khuyến khích mở trường dạy nghề từ ngành công nghiệp cho đến ngành thương nghiệp, mở nông hội và thương hội nâng cao đời sống vật chất, truyền bá chữ quốc ngữ, đề xướng chủ thuyết Dân Quyền... Các nhà Nho như cụ Phương Nam, Ðỗ Chân Thiết, Lương Trúc Ðàm... là những người tiên phong cắt tóc ngắn và ăn mặc Âu Phục may bằng vải nội hóa (Nguyễn Hiến Lê - Ðông Kinh Nghĩa Thục).
Năm 1908, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, dấy lên phong trào chống “sưu cao, thuế nặng”. Ban đầu tuy chỉ là các cuộc vận động biểu tình bất bạo động, nhưng lại rất quan trọng vì từ trước đến giờ chưa hề xảy ra tại Việt Nam (Khởi đầu là tại quận Ðại Lộc, sau đó là Ðiện Bàn, rồi đến các nơi khác đều hưởng ứng tham gia biểu tình kháng thuế, chống bọn tay sai, đòi hỏi dân quyền...). Tất cả đều bị thực dân Pháp không những không thỏa mãn yêu cầu của người biểu tình mà còn ra lệnh đàn áp, khiến sự phẫn nộ càng dâng cao trong lòng quần chúng. Có thể nói đây là một sai lầm trong chính sách cai trị của thực dân Pháp vì họ cứ tưởng rằng để “phong trào Duy Tân” tự do hoạt động, và nên tạo mọi dễ dàng cho phong trào; có như thế sẽ làm cho việc “Âu hóa” toàn cõi Ðông Dương sớm được thành, và dĩ nhiên điều này sẽ giúp cho chính sách cai trị của họ được vững vàng... Nhưng kết quả đem lại hoàn toàn trái ngược. Dĩ nhiên chuyện “Âu hóa” đã xảy ra, mọi hủ tục như mê tín, dị đoan dần dần giảm bớt, cách ăn mặc gọn gàng sạch sẽ gần như phổ biến... nhất là tại các thành thị, nào ngờ những thay đổi về cuộc sống đã làm thay đổi luôn tư tưởng của mọi người, nhất là tầng lớp sĩ phu. Họ vận động dân chúng dùng phương thức đấu tranh “bất bạo động” để buộc nhà cầm quyền Pháp phải giảm thuế, giảm xâu bằng những cuộc biểu tình “kháng thuế, giảm xâu”... Nhà cầm quyền Pháp cùng bọn tay sai nhận thấy nếu cứ để “phong trào Duy Tân” phát triển, thì nguy cơ dẫn đến sẽ là việc không thu được bất cứ một món tiền nào từ thuộc địa! Và điều này dẫn đến vấn nạn: “Lấy đâu ra tiền của nuôi đạo quân viễn chinh, cũng như có nguồn lợi đem về nộp cho mẫu quốc?”. Từ quyền lợi kinh tế này, thực dân Pháp ra lệnh đàn áp phong trào, cho bắt hàng loạt nhà cách mạng từ Trung ra Bắc để bỏ tù, như: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Ðức Kế, Châu Thượng Văn, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Cơ, Phan Khôi, Tiểu La Nguyễn Thành, v.v... Những phần tử nguy hiểm hơn (lãnh đạo hay khởi xướng phong trào) bị kết án tử hình (xử chém) tại Quảng Nam như: Ông Trần Thuyết (Tam Kỳ), Ông Ích Ðường (Túy Loan), các ông Nguyễn Cang, Nguyễn Dực, Phan Tham, Trần Phước (Duy Xuyên).
Nhìn chung “phong trào Duy Tân” tuy thất bại (vì nhiều người bị chém và bị tù đày), nhưng đã đem lại một số kết quả tốt cho dân Việt Nam đó là: Chọn hướng đi bằng con đường tự khai hóa dân tộc, phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp phù hợp với sinh hoạt từng địa phương, đối với “công thương nghiệp” cần phải phát triển toàn diện, không vọng ngoại, truyền bá rộng rãi việc dùng chữ Quốc Ngữ... Thực hiện thuyết Dân Quyền mà áp dụng cho mọi hành động, xây dựng đất nước bằng sự tự cường và đoàn kết.
Tại Khánh Hòa, Tiến Sĩ Trần Quý Cáp đang làm giáo học tại đây, bị viên Bố Chánh là Phạm Ngọc Quát (là người theo Pháp) ra lệnh bắt cụ về tội “xách động và đồng lõa với phong trào kháng thuế xin xâu”. Phạm Ngọc Quát đã dựa vào lời thơ của cụ Trần Quý Cáp gởi cho người bạn là ông Phan Thúc Duyên (Quảng Nam) trong đó có câu: “Ngô dân thử cử khoái khoái khoái...” (dân ta làm thế sướng...). Nội dung câu này có nghĩa là cụ Trần Quý Cáp rất vui mừng (đồng tình) là tại quê nhà có biểu tình đấu tranh “Kháng thuế, giảm xâu”. Phạm Ngọc Quát đã xử cụ Trần Quý Cáp như sau: “...tuy chưa có hành động, nhưng đã nuôi cái lòng phản nghịch!” với nội dung này Phạm Trong Quát mới có thể “tiền trảm hậu tấu” (lúc được gọi là bản án “mạc tu hữu” nghĩa là “chẳng cần có tội”, muốn giết thì giết, để dẹp, răn đe hết các người yêu nước... Có người cho rằng việc cụ Trần Quý Cáp bị xử “chém ngang lưng” tại Khánh Hòa, là chuyện “gặp xui xẻo” đến với cụ mà thôi, thực ra lúc đó người mà Pháp muốn “chém” chính là cụ Phan Chu Trinh nhưng chưa có cớ để thực hiện mà thôi! Ðến năm 1924, lúc này cụ Phan Chu Trinh đang sống tại Pháp đã làm “bản kêu oan” cho cụ Trần Quý Cáp, và kết quả là nhà cầm quyền Pháp thấy bản án có nhiều điều vô lý, nên đã xét lại rồi cho “khai phục phẩm hàm” đối với cụ Trần Quý Cáp, nhưng mọi việc quá trễ tràng, cụ Trần đã bị chém từ mấy năm trước rồi.
Ðối với nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam, họ cho rằng nếu đem so sánh việc chống Pháp giữa cụ Trần Quý Cáp với cụ Phan Chu Trinh, thì mọi hoạt động chống lại Pháp của cụ Phan Chu Trinh rõ ràng hơn, quyết liệt hơn, và còn công khai nữa, làm cho người Pháp nhiều lo ngại... ngay như Louis Bonhoure (Toàn Quyền Pháp tại Ðông Dương) đã đưa ra nhận xét: “Phan Chu Trinh không tỏ ra bạo động như Phan Bội Châu, nhưng nguy hiểm hơn cho sự thống trị của người Pháp tại Việt Nam!”. Nhận xét này chứng tỏ trước sau gì người Pháp cũng tìm cách loại trừ... Và việc đã đến, đó là vụ đấu tranh chống thuế bùng nổ lớn tại Quảng Nam đưa cụ Phan nhận lãnh “bản án tử hình”. Ðể tiêu diệt hết mầm mống của “phong trào chống Pháp” tại Quảng Nam mà Pháp biết rằng do cụ Phan Chu Trinh lãnh đạo, nên viên Khâm Sứ Trung Kỳ (Lévecque) yêu cầu Joseph de Mirabel (Thống Sứ Bắc Kỳ tại Hà Nội) cho bắt cụ Phan Chu Trinh đang ở Hà Nội giải về Huế, rồi đem giam vào nhà lao (Tòa Khâm - khu trường Ðại Học Sư Phạm thời VNCH). Biết rằng thực dân Pháp sẽ tìm mọi cớ hại mình, cụ Phan đã dùng mọi lý lẽ phản đối quyết liệt, và cuối cùng cụ đã tuyệt thực ngay trong nhà lao... Viên Khâm Sứ Trung Kỳ (Lévecque) sợ rằng nếu cụ Phan chết đi, sẽ gây nên làn sóng phẫn nộ lớn, do đó hắn ta muốn cho triều đình An Nam xét xử vụ này vừa tránh tiếng, vừa có được kết quả mong muốn. Hắn cho giao trả cụ Phan về cơ quan Cơ Mật Viện (tòa án tối cao của triều đình An Nam) xét xử. Theo điều 223 của Luật Gia Long mà xét thì “tội nhân bị ghép vào tội làm loạn, xách động... bị xử trảm” do đó Lévecque biết trước thế nào cụ Phan Chu Trinh cũng lãnh bản án tử hình. Lại nữa hắn ta còn rõ ràng hơn các quan lại ở Cơ Mật Viện rất ghét cụ Phan vỉ cụ Phan thường cho “họ” chỉ là những người làm tay sai cho Pháp... Kết cuộc “án tử hình” cho cụ Phan đã ban ra, chờ ngày thi hành. Babut Ernest đang làm chủ nhiệm báo “Ðại Việt Tân Báo”, và còn là thành viên của Hội Nhân Quyền (Ligue des Droits de L'Homme) là người Pháp nhưng chơi thân với cụ Phan Chu Trinh, do đó khi nghe tin cụ bị kết án “tử hình”, ông ta liền đến ngay Phủ Toàn Quyền xin tái thẩm “vụ án do Cơ Mật Viện Nam Triều” đã tuyên, và yêu cầu chính phủ Pháp phải can thiệp gấp. “Bản án tử hình” của cụ Phan Chu Trinh vì thế mà không thể thi hành, Cơ Mật Viện phải nghị án lại. Rốt cuộc cụ Phan tránh được “án tử hình” nhưng phải nhận “án chung thân khổ sai”, đày ra Côn Ðảo. Ngày lên đường đi đày, cụ Phan không buồn bực mà còn tự hào:
Một dân tộc nào có người tù về quốc sự như thế thì dân tộc ấy càng thêm vẻ vang.
Một dân tộc không có người ở tù về quốc sự thì cái dân tộc ấy là khối dân tộc vô hồn thôi!” (Nguyễn Văn Xuân - Phong Trào Duy Tân).
Ngày 4 tháng 4 năm 1908, khi bước qua cửa Nam thành Huế, cụ Phan Chu Trinh đã tức cảnh, làm mấy câu thơ sau:
Ra cửa thành Nam mang xiềng rột rạt
Còn lưỡi này ta hát ta ca
Dân hèn nước cũng tiêu ma
Chi còn chả sợ nữa là Côn Lôn”...
Babut Ernest lại tiếp tục vận động trả tự do cho cụ Phan, ông ta thúc hối Hội Nhân Quyền (Ligue des Droits de L'Homme) phải gây áp lực mạnh với nhà cầm quyền Pháp ngay trên đất Pháp, cũng như chính quyền thuộc địa Pháp tại Ðông Dương... Trước dư luận mỗi ngày một nỗ lớn, nhất là ngay tại nước Pháp, sự phẫn nộ về bản án của cụ Phan Chu Trinh quá rõ ràng vì cho rằng “người Pháp mới chính là kẻ độc ác, kẻ chủ mưu” trong bản án vô lý, xem rẻ sinh mạng của người dân mà họ luôn tự hào sẽ khai hóa... Trước những lý lẽ này, nhà cầm quyền Pháp thấy không thể làm ngơ, mà nên làm một cái gì đó nhằm giảm bớt sự căng thẳng trong việc chống đối đang có, nhất là sự phẫn nộ của Hội Nhân Quyền cũng như giới sĩ phu Việt Nam... Trước tình thế đang xảy ra, mẫu quốc Pháp đành ra lệnh cho viên Thống Sứ Nam Kỳ phải ra tận Côn Ðảo xem xét, và hắn ta đã đem cụ Phan Chu Trinh về Mỹ Tho. Poincaré (Thủ Tướng Pháp lúc bấy giờ) phải ký lệnh tha, các quan Toàn Quyền Ðông Pháp (Klobukowsky), Tổng Trưởng Bộ Thuộc Ðịa (Trouillot) cùng các quan thuộc địa khác tại Sàigòn xét lại bản án để quyết định ân xá cho cu Phan Chu Trinh. Tuy được trả tự đo, nhưng cụ Phan Chu Trinh vẫn còn bị quản thúc tại Mỹ Tho, cụ nhất định không chịu, phản đối đến cùng... Trước áp lực của Hội Nhân Quyền, chính phủ Pháp đành nhượng bộ tiếp, thuận cho cụ được hoàn toàn tự do, nhưng không được về lại Trung Kỳ.
Sống ở Mỹ Tho một thời gian, cụ Phan Chu Trinh nhận thấy người Nam Kỳ phần nhiều rất cầu an, ít lý đến sự đô hộ của Pháp như người Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nên chỉ ngậm ngùi chờ cơ hội đến là đánh động tinh thần dân tộc của họ mà thôi... Thời gian trôi qua, cụ Phan thấy mình thật vô dụng, suốt ngày ra vào chả làm được việc gì, trong khi bạn bè lần lượt bị nhà cầm quyền Pháp bắt, rồi cũng bị đày ra Côn Ðảo như cụ trước đây, ai lo cho họ như Babut Ernest lo cho cụ?... Cụ tự nghĩ: “hay ta thử tìm môi trường khác để hoạt động?”... Qua Nhật, thì Pháp nhất định không chấp thuận, còn đến các nước khác thì nước nào có thể giúp mình? Không ai có thể giúp được... Suy đi tính lại cụ Phan nghĩ chỉ còn cách “xin đến Pháp”, vì may ra sẽ nhờ vào những người Pháp trong Hội Nhân Quyền giúp đỡ và việc ra đi dĩ nhiên nhà cầm quyền Pháp sẽ chấp thuận vì loại trừ được một “người nặng ký” chống đối chính sách đô hộ của họ... Cụ Phan đã đánh trúng vào suy nghĩ của viên Toàn Quyền Klobukowdky. Khi đơn của cụ Phan gởi đến, viên Toàn Quyền này thấy rằng nếu cứ để cụ Phan tại An Nam thì việc cai trị gặp nhiều khó khăn, còn nếu cho cụ Phan sang Pháp sẽ tốt hơn, vì với khả năng của một lão quan già nua như cụ, không biết tiếng Pháp, có đến ở tại Paris cũng chẳng làm được chuyện gì gây bất lợi cho chính sách thuộc địa, nên hắn chấp thuận ngay.
Năm 1911, Toàn Quyền Klobukowsky về Pháp, cụ Phan Chu Trinh và người con trai Phan Chu Dật có mặt trong chuyến đi này. Tàu đến hải cảng Marseille, hai cha con cụ Phan lên tàu hỏa về Paris. Ðến được nơi mệnh danh “kinh đô ánh sáng”, cha con cụ lúc đầu ở trọ tại căn gác xếp trên đường Gay Lussac, sau đó dọn về số 32 Vouillé, quận 15 (Paris). Khi mọi việc tạm ổn, cụ Phan liền bắt tay vào việc: “tiếp tục đường lối đấu tranh của mình - chủ trương Pháp-Việt đề huề bằng phương thức bất bạo động!”, kế sách này cụ Phan đã đi trước cả Mohandas Karamchand Gandhi áp dụng với đế quốc Anh, dành được độc lập lại cho Ấn Ðộ, khiến thế giới phải ca tụng. Ngày 10 tháng 10 năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi thành công tại Trung Hoa, xóa bỏ được triều đại phong kiến Mãn Thanh, thiết lập nên chế độ dân chủ... làm cho các sĩ phu yêu nước tại Việt Nam nhận ra cần phải làm một cái gì đó giúp dân tộc mình thoát khỏi cảnh nô lệ! Nhưng phải làm cách nào? Theo cụ Phan thì ý chí chống thực dân phong kiến là điều tốt, nhưng không thể gây nên cảnh đau thương tan tác, hy sinh xương máu một cách không cần thiết, phải khôn khéo đưa ra những yêu sách hợp lý, cụ nói:
...Không nên trông vào người ngoài, trông người ngoài là ngu, không nên bạo động, bạo động là chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học, v.v... Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền, thì việc khác có thể làm” (Nguyễn Văn Xuân - Phong Trào Duy Tân).
Tại Paris, cụ Phan xin được gặp Bộ Trưởng Bộ Thuộc Ðịa (Messimy), và Albert Sarraut (sắp sang làm Toàn Quyền Ðông Dương). Mọi việc tiếp xúc, cụ Phan đều nhờ Đại Úy Jules Roux (từng làm việc tại Tòa Án Binh ở Bắc Kỳ từ năm 1904 đến năm 1909, ông này hồi còn ở Việt Nam rất ngưỡng mộ cụ về lòng yêu nước, nên khi được tin cụ đến Paris liền tìm giúp), và ông Phan Văn Trường (lúc còn ở Hà Nội, ông này từng làm việc cho tòa Khâm Sứ Bắc Kỳ) dịch các thư gởi cho Bộ Thuộc Ðịa Pháp, cũng như làm thông ngôn trong các lần tiếp xúc với giới chức Pháp (tại Paris).
Ðể tiện cho các hoạt động, ông Phan Văn Trường đề nghị cụ Phan Chu Trinh dời về ở chung nhà số 6 Villa des Gobelins (Paris) (nơi này do ông Phan Văn Trường thuê từ năm 1910), và nơi đây còn dùng làm nơi lui tới của “nhóm Việt Kiều yêu nước” khi cần bàn bạc một việc gì... Về sống tại nơi mới nầy, cụ Phan Chu Trinh đã viết bản điều trần để ông Phan Văn Trường dịch sang chữ Pháp gởi cho chính phủ Pháp, nội dung: “...Việt Nam được Pháp bảo hộ, nhưng không có tự do, công dân Việt Nam yêu nước nếu chỉ trích chính sách cai trị, đều bị kết án tử hình hoặc bị tù đày...”; còn Jules Rouxthì dịch bản “Trung Kỳ Dân Biến Thỉ Mạt Ký” (nội dung binh vực, kêu oan cho cụ Trần Quý Cáp và nỗi oan ức của người Việt bị áp bức, gây dư luận phẫn nộ tại Paris) gởi đến Albert Sarraut, người chuẩn bị sang làm Toàn Quyền Ðông Dương.
Năm 1913, nghe tin viên Khâm Sứ Mahé muốn đào lăng vua Tự Ðức để tìm vàng, cụ Phan Chu Trinh viết bài đăng trên báo Pháp phản đối việc làm vô đạo này. Cụ Phan Chu Trinh còn cho tổ chức những buổi điễn thuyết để các Việt Kiều tại Pháp tham dự, nội dung các buổi diễn thuyết nầy là nhằm kêu gọi lòng yêu nước, luôn hướng về quê cha đất tổ. Ðối với những người Pháp có lòng nhân ái, cụ luôn vận động họ giúp đỡ, yêu cầu Bộ Thuộc Ðịa Pháp ngưng ngay chính sách cai trị tàn ác tại Ðông Dương mà Sarraut đang áp dụng (như nói về những sự cải cách: lập Viện Tư Vấn, quy định pháp luật, cho mọi người được học hành... tất cả chỉ là bánh vẽ, giả dối... mà mục tiêu chính của Sarraut chỉ nhằm đầu độc dân thuộc địa bằng rượu, bằng thuốc phiện... với chủ dích quá rõ ràng là đoạt quyền tự do của người dân thuộc địa...”
Tháng 9 năm 1914 chiến tranh Ðức - Pháp xảy ra, Ðức tấn công Pháp, chiếm La Somme, chính phủ Pháp tình nghi nhóm “Việt Kiều yêu nước” mà cụ Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường lãnh đạo, có thông đồng với quân Ðức, nên cho bắt giam (Phan Văn Tường bị giam ở  lao Cherchemidi, và cụ Phan Chu Trinh bị giam ở Prison de la Santé). Tại Huế lúc đó, vua Duy Tân (Vĩnh San) mưu sự chống Pháp (ngày 6-5-1916) bất thành, Pháp truất ngôi, và đày vua sang đảo Réunion. Ngày 12 tháng 5 năm 1914, bà Phan Chu Trinh bị bệnh qua đời. Hai người con gái Phan Thị Châu Liên (tức cô Ðậu) vợ Ðốc Học Lê Ấm (người viết có vinh dự là được làm học trò của cụ Ấm một thời gian, hồi đó cụ Ấm ở tại nhà thờ cụ Phan Chu Trinh, gần ngã năm thị xã Ðà Nẳng, Ông bà Lê Ấm có người con trai tên là Lê Khâm, tập kết ra Bắc, nghe nói sau này trở thành nhà văn và chết ngoài đấy. Ngoài Lê Khâm. Ông bà Ấm còn có một người con gái nữa là Lê Thị Minh (tức cô Mè) vợ của ông Nguyễn Ðồng Hợi làm Tham Tá Công Chánh (Agent technique), ông này là thân sinh của Nguyễn Thị Bình, bà này là nhân vật nổi tiếng của MTGPMN về sau lên tới chức Phó Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). Các cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh không theo thuyết Dân Quyền của cụ đề ra, mà đi theo Cộng Sản - Có thể do HCM muốn trả ơn cưu mang của cụ Phan Chu Trinh lúc Nguyễn Tất Thành sống ở Pháp chăng? (?)
Tháng 7 năm 1915, chính phủ Pháp (Poincaré) quyết định trả tự do cho cụ Phan Chu Trinh (việc này chính Jules Roux, Marius Moutet bênh vực cho cụ Phan đến cùng, đã cãi với viên đại lý Tòa Án Binh Ðệ Nhất tại Paris). Sau khi được trả tự do, cụ Phan đã bị các quan chức ở Bộ Thuộc Ðịa (coi về Ðông Pháp), cắt hết tiền trợ cấp (450 quan), nên cụ đành phải tự mình kiếm sống bằng cách học làm nghề rửa hình, rồi hành nghề này (mỗi ngày được 30 quan), nuôi Phan Chu Dật đi học. Tại Paris cụ sống rất khó khăn, nhưng cụ quyết chí không để “đồng tiền” làm lệch việc đấu tranh cho lý tưởng của mình. Ðối với cụ, lúc nào cũng nằm lòng câu thánh hiền dạy cho một bậc quân tử: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
Năm 1917, cụ Phan Chu Trinh bị bệnh nặng phải cần điều trị, Phan Chu Dật xin làm chân giao hàng của hãng Au Bon Marché nhằm kiếm tiền nuôi cha (không muốn làm phiền thêm Jules Roux vì ông này đã giúp đỡ cha con anh ta quá nhiều rồi). Có lẽ quá vất vả trong việc sinh nhai, Phan Chu Dật bị nhiễm bệnh lao ruột, không thể đi làm và đi học tiếp... Ở lại Pháp không thể đi làm thì không có tiền nuôi cha bệnh, lại còn khiến cha phải thêm phần lo lắng, Phan Chu Dật đành xin về Việt Nam, rồi đời tại Huế (ngày 14 tháng 2 năm 1921), linh cữu được đem về an táng cạnh mộ mẹ của ông ta (cụ bà Phan Chu Trinh) tại Tây Lộc (huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam).
Thời gian cụ Phan Chu Trinh hành nghề rửa hình kiếm sống cũng là lúc Nguyễn Tất Thành tìm đến Paris (cuối năm 1916 đầu 1917), điều này chính Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Tất Thành trước kia) về sau đã viết: “...Cụ Phan đã giúp mình rất nhiều, thực sự là người đỡ đầu cho mình trong một thời gian khi mình ở Paris...” (TS. Thu Trang - Những hoạt động của Phan Chu Trinh). Từ năm 1920 trở đi, Nguyễn Tất Thành đi theo Cộng Sản Quốc Tế, cụ Phan Chu Trinh thấy không còn có thể tin tưởng nơi người thanh niên này nữa, nên đã xa rời...
Năm 1922, Pháp cho tổ chức cuộc triển lãm quốc tế tại Marseille, vua An Nam (Khải Ðịnh) được Pháp đưa sang Marseille để tham dự. Thấy vua Khải Ðịnh từ cách trang phục cho đến cung cách tiếp xúc khúm núm với quan thầy Pháp, cụ Phan bất bình, liền viết thư bằng chữ Hán gởi vua Khải Ðịnh: “Ký Khải Ðịnh Hoàng Ðế Thư, thư này gởi ngày 15 tháng 7 năm 1922, nội dung kể tội vua như: “tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lạy, xa xỉ quá độ, ăn bận không phải lối, tội chơi bời, chuyến đi có ám muội”. Thư này được dịch sang tiếng Pháp và cho đăng trên các báo ở Pháp, gây phẫn nộ không chỉ Việt Kiều cảm thấy xấu hổ mà ngay cả người Pháp khi đọc đến đã xem thường vua An Nam!
Ngày 29 tháng 5 năm 1925, sau 14 năm ở Paris, Phan Chu Trinh xuống tàu Fontainebleau trở về lại Việt Nam, trong chuyến đi này có cả Nguyễn An Ninh. Về đến Sài Gòn ngày vào ngày 26 tháng 6 năm 1925, Nguyễn An Ninh đưa cụ Phan Chu Trinh về ở tạm tại khách sạn Chiêu Nam Lầu (Khách sạn này do chính bà Nguyễn Thị Xuyên, bí danh “Chiêu Nam Lầu” là cô ruột của Nguyễn An Ninh, đang cùng bà Nguyễn An Khương (mẹ của Nguyễn An Ninh) cai quản. Ðây cũng là nơi dùng để liên lạc, đưa đón, học tập của du học sinh sang Nhật trong phong trào Ðông Du và dùng làm nơi an dưỡng cho các sĩ phu đương thời. Khách sạn ở số 49 Nguyễn Huệ (ngày nay). Ba ngày sau đó, Nguyễn An Ninh đưa cụ Phan về nhà thân phụ mình (Nguyễn An Khương) ở Mỹ Hòa để tiện việc điều trị bệnh tình (chú ruột của Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Cư, một người giỏi về y lý lo thuốc men cho cụ Phan, vì lúc này sức khỏe của cụ Phan đã yếu quá rồi). Tại Mỹ Hòa cụ Phan đã tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng như: Trần Quang Nghiêm, Nguyễn Kim Ðính, Khánh Ký, Lâm Hiệp Châu, Eugène Dejean de la Bâtie, Paul Monin, Malraux... Cụ thường tâm sự với những người này: “Một khi đã trở lại sống trên quê hương xứ sở, tôi nguyện đem hết nghị lực bình sinh mà thức tỉnh dân khí ba miền đồng tâm, hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế...”.
Tại Sài Gòn ngoài Nguyễn An Ninh ra giúp đỡ, cụ Phan còn có thêm sự tận lực của vợ chồng con gái (ông bà Lê Ấm) xuống các tỉnh Trà Vinh, Mỹ Tho... vận động tài chánh để có thể tái bản tờ “La Cloche Fêlée”. Và ngày 26 tháng 11 năm 1925, báo “La Cloche Fêlée” số 20 được phát hành, nội dung quảng bá đường lối “phụng sự dân quyền” mà cụ Phan cùng nhóm mình đề xướng.
Mặc dầu sức khỏe rất kém, nhưng cụ Phan cũng cố tổ chức những buổi diễn thuyết về các đề tài như: “Quân Trị chủ nghĩa và Dân Trị chủ nghĩa”, “Ðạo Ðức và Luân Lý Ðông Tây”. Bài diễn thuyết cuối cùng là bài nói chuyện của cụ tại Hội Thanh Niên Sàigòn: “...Tôi (cụ Phan Chu Trinh) nghĩ rằng vì cái độc quân chủ nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân tộc Việt Nam ta... Nói theo đạo Nho đó kỳ thật không có thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót lại một hai điều trong gia đình mà thôi; kỳ dư là những điều mấy ông Vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân...”. Còn khi nói về “Ðạo Ðức và Luân Lý Ðông Tây”, cụ Phan đưa ra nhận xét: “...Xem như thế thì xưa nay nước ta không có quốc gia luân lý, chỉ có một cái luật vua tôi bắt buộc dân phải theo vua với dân không có luân lý gì dính nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua hiệp lại với nhau lấy sức mạnh để đè lên dân mà thôi... Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải đoàn kết...”. Những buổi diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh gây ảnh hưởng rất lớn cho thế hệ trẻ tân học tại Sàigòn, trong đó có thể kể tên tuổi như nhà cách mạng Tạ Thu Thâu...
Bệnh của cụ Phan Chu Trinh ngày càng trầm trọng, đang nằm trên giường bệnh, cụ Phan nghe tin Nguyễn An Ninh bị mật thám Pháp vây bắt (11 giờ 30 trưa ngày 24 tháng 3 năm 1926). Quá đau buồn cho bạn và cho cả mình, cụ Phan đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong tối hôm đó (9 giờ 30 tối ngày 24 tháng 3 năm 19246), tại Khách Sạn Chiêu Nam Lầu, thi thể cụ được đem đến quàn tại Bá Huê Lầu (nhà của ông Huỳnh Ðình Ðiển, 54 đường Pellerin, Sài Gòn, sau này là đường Pasteur) (Nguyễn Văn Xuân - Phong Trào Duy Tân). Một Ủy Ban Tổ Chức Tang Lễ được thành lập ngay trong đêm hôm đó, gồm những trí thức, nhân sĩ yêu nước như:
- Chủ Tịch: Kỹ Sư Canh Nông Bùi Quang Chiêu, Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ.
- Các ủy viên:
Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh
Bác Sĩ Trần Văn Ðôn, Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ.
Ðốc Phủ Sứ Lê Quang Liêm
Nguyễn Phan Long (Chủ Bút La Tribune Indochinoise, Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ
Trương Văn Bền, Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ.
Nguyễn Tấn Ðược, Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ
Võ Công Tồn, Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ
Nguyễn Tấn Văn, Hội Ðồng thành phố Sàigòn.
Trương Văn Công, Hội Ðồng thành phố Chợ Lớn.
Nguyễn Kim Ðính, Chủ Nhiệm Ðông Pháp Thời Báo.
Trần Huy Liệu, Chủ Bút Ðông Pháp Thời Báo.
Nguyễn Huỳnh Ðiểu, Hội Viên Hội Ðồng Canh Nông Trà Vinh.
Nguyễn Dư Khánh, tự Khánh Ký, Nhiếp Ảnh Gia Sài Gòn.
Huỳnh Ðình Ðiển, nhân sĩ Sài Gòn.
Cụ Phan Chu Trinh được chôn cất theo nghi lễ “quốc táng”, hai người con gái của cụ luôn có mặt bên linh cữu của cha. Từ 6 giờ sáng ngày ngày 4 tháng 4 năm 1926, hơn 6 vạn (60 ngàn) người không phân biệt tôn giáo, đảng phái, quan điểm chính trị... tự động xếp thành hàng dài theo sau linh cữu, mắt ai cũng rưng lệ tiếc thương... Họ di chuyển theo đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy hướng về Phú Nhuận, thẳng tới Tân Sơn Nhất rồi dừng lại tại nghĩa trang của Hội Gò Công Tương Tế - nơi đây chính là chỗ an nghỉ cuối cùng của nhà cách mạng, lúc nào cũng nghĩ về quyền được làm người của dân tộcViệt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Ðể đề phòng những bất trắc có thể xảy ra, “Ban tổ chức tang lễ” cắt đặt các thanh niên thuộc Ðảng “Jeune Annam” đảm trách nhiệm vụ giữ gìn trật tự trong suốt cuộc tiễn biệt. “Vĩnh biệt Người! Vĩnh biệt nhà ái quốc Phan Chu Trinh, suốt đời chỉ nghĩ đến dân tộc!”.
Hàng ngàn câu đối, trướng, bàn phúng điếu... được gởi đến, nhằm tưởng nhớ cụ, trong số này, có các vị sư chùa Nam Sơn (Sóc Trăng), gởi các câu đối sau:
- “Tiên sinh thật là vị cao tăng trong giác thế, gồm đủ từ bi và trí huệ,
Người đời sau ngưỡng trông tòa pháp Cộng Hòa, biết bao nhiêu công đức như cát sông (Hồng Ha)...”
- “Hai mươi năm trống sớm chuông chiều, khua tỉnh ái hà con ma chuyên chế,
Nhìn muôn dặm mưa giòn gió dập, kêu gọi người ngủ mê trong biển trần
Cụ Phan Bội Châu đang bị Pháp bắt an trí ở Huế, thay mặt cho đồng bào Huế gởi 2 câu đối:
Thương hải vi điền, Tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền” (Thế Nguyên viết về Phan Chu Trinh)
Ông Huỳnh Thúc Kháng, thay mặt anh em Trung Kỳ đã đọc bài điếu văn có đoạn “...Một đoạn lịch sử của tiên sinh hơn hai mươi năm trời, nào bị tù đày, ở nước này sang nước khác, trải bao nhiêu phen nguy hiểm, trong giây phút này không thể lược thuật lại cho được; chúng tôi xin tóm tắt lại mà nói sơ: Chủ nghĩa tiên sinh đệ nhất là đánh đổ chuyên chế, làm cho dân quyền tự do, còn cái phương pháp tiến hành thì tiên sinh thường nói rằng 'Tình hình trong nước ta bây giờ đang vào nguy ngập, nếu muốn cải cách thì cần liên lạc đoàn thể mới được'. Tiếc cho người nước mình còn đang mê mộng, đồng chí với tiên sinh chẳng được mấy người. Vì vậy mà tấm lòng bị phân hóa ra uất ức, uất ức hóa nên đại bệnh, huống gì những điều mắt thấy tai nghe dễ làm cho tiên sinh cảm xúc mà đau được, chết được, thương ôi! Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta, thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi suối vàng...”.
Trong đám tang của cụ Phan, nhiều người lấy làm lạ là có sự xuất hiện của nhà báo Phan Khôi, nếu đem so sánh với những nhân vật khác, thì tên tuổi Phan Khôi chưa lấy gì nổi bật. Sự xuất hiện của Phan Khôi, làm nhiều người thì thầm: “Chính cụ Phan đã nhận con người này tiếp tục đảm nhận công việc đang làm còn dở dang của cụ chăng?!”. Có thể nói, đây là một vinh dự cho ông Phan Khôi, nhưng cũng chính nó đã đưa ông Phan Khôi gặp lắm tại họa về sau...
Ðể tìm hiểu lý do tại sao cụ Phan Chu Trinh không chọn ai khác, nhất là các người trong“nhóm ngũ long” (do cụ Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường lập ra tại Paris) mà chọn ông Phan Khôi? Ðể trả lời câu hỏi này, xin đi ngược thời gian trong vài năm - trước khi có sự ra đi vĩnh viễn của cụ Phan Chu Trinh. (Còn tiếp)

HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.