TRUNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU CÓ KỂ CHUYỆN 30-4 TRONG
NHÀ TÙ HÀ TÂY
Đây là bài viết lại của tác giả Hồ Văn Quang
- một "nhà văn Cảnh Sát" - CSQG/VNCH,
mà có nhiều bài báo ghi là NVCS nên gây hiểu lầm "nhà văn Cộng Sản"
(không phải là "nhà văn Quân Đội - QL/VNCH) nhằm minh chứng rằng
ông Bút Ông viết trên "danlambao" cho rằng bài viết nầy là của "cán bộ Cộng Sản Hồ Văn Quang, thẩm vấn
Trung Tướng Nguyễn Hữu Có trong nhà tù Hà Tây"... là đã nói sai về xuất
xứ của nó).
Số phận đã đưa đẩy nhóm tù của chúng tôi gồm
13 người từ trại tù Tân Lập (Vĩnh Phú) về trại tù Hà Tây (Hà Sơn Bình). Lúc nầy
nhóm tướng lãnh VNCH cũng đang bị nhốt tại đây, trong đó có cả anh Ba...
Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, thích người khác gọi
là mình là "anh Ba", như người ta đã gọi Trung Tướng Tôn Thất Đính là
Ba Đính vì có 3 sao trên ve áo. Có thể nói đây là thời kỳ tột đỉnh nhất của ông
ta sau cuộc đảo chánh 1-11-1963 - làm Tổng Trấn "Sài Gòn Gia Định".
Vì chưa có phòng giam, nên chúng tôi phải ở tạm
bên ngoài. Được ở ngoài khu "buồng giam" dĩ nhiên thoải mái hơn, nên
chúng tôi ít bị "hạn chế quan hệ"
trừ khi muốn vào bên trong khu vực của "buồng giam". Về phía Trung Tướng
Nguyễn Hữu Có cũng gồm 13 người, toàn là viên chức, chuyên gia của VNCH đang thực
hiện một kế hoạch gì đó... mãi sau nầy tôi (người viết) mới biết anh Ba Có là
trưởng nhóm chuyên gia (gọi là nhóm 13 con ma) nầy đang được ở ngoài để tiện
đi, tiện về theo lệnh của Trưởng Trại Giam. Nhóm của anh Ba Có chỉ được ở nửa
gian nhà vì nửa gian còn lại thì giao cho nhóm tù chúng tôi ở (nghe đâu trước đó
gian nhà nầy dựng lên để cho "13 con ma" nhằm tiện việc điều hành của
trại giam, nhưng vì có nhóm tù của chúng tôi về chưa kịp "biên chế vào vào buồng giam" nên nhòm của anh Ba phải
thu xếp lại cho gọn hơn để nhóm 13 người chúng tôi ở tạm. Mà cũng nhờ trường hợp
nầy, nên anh em chúng tôi mới có dịp chuyện vãn với nhóm "13 con ma".
Riêng cà nhân tôi cũng là trưởng nhóm của 13 người bạn tù (từ trại Tân Lập về)
nên được tiếp xúc nhiều với Tướng Có nhằm giải quyết chuyện qua lại trong việc
ăn ở cùng một "lán" với nhau, nhưng đúng ra là được anh Ba "hạ cố"
để nói chuyện thì chính xác hơn.
Người viết xin thưa trước với độc giả, bài viết
nầy mang tính chất của một bài tự thuật, không phải viết cho báo chí nên không
có câu: "nhân dịp... chẳng hạng như 30 tháng 4...", đo đó nếu được
bào chí có thể đăng bài nầy bất cứ lúc nào chỉ cần ghi tên tác giả là đủ. Người
viết cũng xin thưa tiếp với nội dung chỉ đưa thêm những sự kiện bên lề của một
giai đoạn lịch sử của những người đang nằm quyền lãnh đạo quốc gia trong một
giai đoạn lịch sử mà thôi. Những chữ viết Italic
chỉ là những danh từ của VC dùng, người viết chỉ viết lại nguyên văn, điều
nầy xác minh tính thời sự tại lúc đó mà thôi...
Ngay ngày hôm sau (chúng tôi về Hà Tây là tối
Thứ Bảy, nên sáng hôm sau là Chủ Nhật), tất cả tù nhân trong trại Hà Tây được "nghỉ lao động"... Cảnh náo
nhiệt bên trong khu "buồng
giam" tạo nên một không khí thật vui vui vì sau một tuần bị "trên
nắng dưới mưa...", và chỉ 2 tuần sau đó chúng tôi mới biết rõ được cảnh
náo nhiệt đó như thế nào.
Ổn định chỗ nghỉ cho 13 người của mình cùng phân
công việc "trực sinh", tôi
được xem như xong việc. Vì ở trước, nên sau khi
tập thể dục buổi sáng xong, anh Ba Có thấy tôi cũng đang lăng xăng, nên
bước lại hỏi:
- Ủa!... Các anh ở đâu về đây? Tôi nhìn anh
quen quen... hình như tụi mình có gặp nhau ở đâu đó... rồi phải không?...
Tôi mỉm cười, trân kính trả lời:
- Cỡ tép riu như chúng tôi đây thì làm gì mà
"đến được cửa" của anh Ba! Nhưng tôi có biết anh Ba thật, và xin dùng
chữ "anh Ba" nó đúng "nội quy" của cách xưng hô, còn với
anh em mình hẳn có ý nghĩa tình cảm nhiều hơn... Không giấu gì anh Ba, tôi được
gặp anh Ba là lúc anh Ba còn làm Phó Giám Đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng (của ông Nguyễn
Tấn Đời) trong dịp ăn lễ cưới của cô em (con gái của bà Trần Duy Ân, bạn của Đại
Tá Đạm, bà nầy là thân mẫu của BS Trần Duy Tâm một thời từng làm Phó Thị Trưởng
Đà Nẵng vụ 1966).
Tướng Có như đăm chiêu một lúc, có vẻ như
chưa nhớ ra:
- Đám cưới ở đâu nhĩ? Tôi có biết vụ BS Tâm,
và cũng có nghe vụ ông Trần Duy Ân chết vì uất ức chuyện không được mua bán cau
quế gì đó để cạnh tranh với ông "cậu" Cố Vấn Miền Trung... Anh nói rõ
hơn một chút đi?
Tôi lại lễ phép:
- Anh Ba, tôi được ngồi cùng bàn với anh... tại
nhà hàng trong "vườn Tao Đàn", Câu Lạc Bộ "đua ngựa" ấy
mà...
Tướng Có nghe tôi nói rành rọt như vậy, ông
ta "à... à..." lên mấy tiếng rồi tươi cười:
- Tôi nhớ rồi, đám cưới con của bà bạn anh Đạm!
Thấy anh Ba có vẻ thân thiện, tôi tò mò muốn
biết cuộc sống tù tội của cấp tướng VNCH như thế nào, nên từ anh Ba, tôi có thể
biết được chút ít về sự thật, nhất là những chuyện anh kể về một người nào đó
không hề va chạm với anh... Và tôi tin tưởng rằng anh biết nhiều hơn do anh từng
làm "Đội Trưởng, Lớp Trưởng" của nhóm tướng lãnh VNCH đang ở tù.
Một chuyện khác lạ nữa là khi nhìn anh Ba,
khó có thể nói anh là một tù nhân hay là "cải
tạo viên", anh trắng trẻo, mạnh khỏe, đẹp trai, thân hình cân đối như
một thể tháo gia... chứ không èo uột như những người tù nhân khác. Thấy tôi
nhìn sững sờ vào anh, anh Ba hỏi:
- Thứ dữ phải không? Hình như tôi thấy có cả
Giám Đốc Trường Tình Báo Cây Mai trong nhóm mà...
Tôi cười, pha trò:
- Dữ hay hiền mà làm gì anh Ba? Rốt cuộc rồi
cũng cùng nhau vào trong nầy thôi! Riêng tôi, tôi phục anh Ba quá, phục sát đất
luôn! "Cải tạo" như anh thì
khối người thích? Hồi xưa anh đâu có "tập tạ"? Còn bây giờ "ăn uống
thiếu thốn", anh lại "tập tạ"... "số một" là anh rồi!...
Chuyện chúng tôi về đây, chẳng biết tại sao hết... chỉ làm theo lệnh "cán bộ trực trại" sau khi lao động
bổi chiều từ ngoài bãi về... "13 anh
có tên về lán mình lấy hết đồ đạc... thi hành lệnh chuyển trại gấp...".
Chúng tôi đâu có biết gì, bảo đi đâu thì đi đó thôi... Ban đầu họ chuyển chúng
tôi về K5 của Tân Lập, chúng tôi cứ tưởng rằng "mình có dính dáng trong
ngành Tình Báo" nên bị chuyển về trại trung ương (K5 kiên cố hơn các K
khác của Tân Lập). Nhưng chỉ ở được một đêm, sáng ra lại đi nữa... cuối cùng đến
trước cổng trại nầy thấy hàng chữ "Trại Cải Tạo Hà Tây" và không đi
thẳng vào khu "buồng giam" mà vào nơi này và gặp được các anh... Mà
việc chuyển từ trại tù nầy sang trại tù nọ, không biết mấy "ông lớn"
của các anh như thế nào, chứ cánh của tụi nầy thì hà rằm à... nhất là giai đoạn
gần đây, không cách gì đoán trước được hết...
Qua vài lần chuyện trò, có lẽ ông Tướng
(Trung Tướng Nguyễn Hữu Có) có chút cảm tình với tôi, nên dễ dàng tâm sự với
nhau.
Tôi nhớ không lầm là vào buổi chiều hôm đó
(sau chừng một tuần lễ khi chúng tôi về Hà Tây), ngồi chờ "trực sinh" (danh xưng của người bạn tù do anh em đề cử
thay mình ở nhà lãnh cơm nước, dọn dẹp phòng lán trong khi anh em tù khác theo
đội đi lao động) đem thức ăn về phát, tôi vào đề:
- Anh Ba à! Tôi xin tò mò một chút về chuyện
"sụp tiệm"... có được không? (Cũng xin nói thêm theo nội quy của trại
tù không được xưng hô với nhau bằng chức vụ hay cấp bậc cũ, chỉ được gọi nhau
bàng "anh" và "tôi" thôi, nếu là cha con ruột thịt thì phải
làm đơn lên BCH trại xin phép mới được gọi cha con với nhau. Cấm tuyệt không được
gọi các vị tuyên úy Phật Giáo, Công Giáo, hay bất cứ một tôn giáo nào khác
"Cha", "Thầy", "Mục Sư"... nếu vi phạm sẽ bị kỷ
luật).
Anh Ba nghe tôi xưng hô như vậy là biết tôi "thi hành nghiêm chỉnh nội quy",
nên cười nói vui vẻ:
- Chuyện bây giờ thì xa xưa rồi, nhưng thấy
còn ấm ức lắm! Anh biết đó, so ra thì tôi đâu phải hạng người tầm thường? Nếu "đứng về phía cách mạng" mà so
sánh thì tôi tương đương với ông Giáp. Này nhá, ông Giáp cũng làm Phó Thủ Tướng,
kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng, thì tôi cũng rứa... Khác chăng thì chỉ khác ở cấp bậc
trong quân đội mà thôi, ông ta là Đại Tướng, còn tôi chỉ mới Trung Tướng thôi.
Bù lại chỗ nầy, tôi thấy mình là một quân nhân thực sự, được huấn luyện bài bản,
và lon có trên vai đi từ cấp nhỏ lên dần... không như ông Giáp được phong Đại
Tướng ngang xương. Bây giờ thì không dám so sánh! Thật số mạng, lên voi cũng bị
"chửi", "xuống chó" do bị "đì" cũng bị thiên hạ
"chửi" luôn! Hồi làm việc với ông Thiệu bị ông Thiệu nghi là phe ông
Kỳ nên cho ra rìa... Ông chưa chịu dừng tại chỗ nầy còn chơi tiếp nữa, đó là việc
"Tín Nghĩa Ngân Hàng" của ông Nguyễn Tấn Đời (Giám Đốc) bị sụp, ông Đời
thì ở tù, còn tôi làm Phó Giám Đốc bị lưu vong ở Đài Loan mãi cho đến khi ông
Thiệu từ chức, tôi mới có ý định trở về nước. Không biết tại Việt Nam tin tức
như thế nào, chứ lúc còn ở Đài Loan thì nghe được nhiều tin rất bất lợi cho Miền
Nam, họ khẳng định "ông già gân Trần Văn Hương" thế nào cũng phải
trao lại chức Tổng Thống cho Minh "cồ" để nói chuyện với "phía
bên kia"! Và ngày đó đã xảy ra (27/4/75).
(Trong cuốn "Việt Nam Nhân Chứng" của
Trung Tướng Trần Văn Đôn, trang 460 ghi: ...chiều 23 tháng 4, Cố Vấn Chính Trị
Pháp là Brochand đến nhà tôi, tôi quen ông ta vì thỉnh thoảng gặp nhau tại Câu
Lạc Bộ Thể Thao. Ông ta có nói với tôi là Pháp có liên lạc với Hà Nội, họ cho
biết là nếu có thương thuyết thì chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà
thôi...)
Tôi đến Dinh Độc Lập vào ngày 28/4/75, xin gặp
Minh "big" ngay (Minh "cồ" hay Minh "big" đều là
biệt danh của Đại Tướng Dương Văn Minh cả - theo cách nói chuyện của Tr. Tướng
NHC). Thấy tôi, Minh "big" rối rít, "tay bắt mặt mừng", chỉ
ghế ngồi đối diện nói ngay:
- Trời ơi! Anh Có, sao hôm nay anh mới đến?
Tôi rất cần anh vì tình hình nầy... Anh em mình giúp mỗi người một tay để cứu đất
nước chứ!".
Theo tôi, thì Minh "big" vui vẻ đón
tôi và rất thực tình, nét mặt của ông ta tỏ ra hớn hở và mãn nguyện về những việc
mình đang làm đầy hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng dang hồi bi đát của hiện
tại, nên tôi thật "hồ hởi, phấn khởi"
(lời Tr. Tướng NHC phà trò) chấp nhận những việc gì mà Tổng Thống sẽ giao. Tôi
mừng lắm, thực ra khi còn ở Đài Loan, tôi quyết về lại Việt Nam khi ông Thiệu từ
chức... Về quê hương tôi không có tham vọng làm lãnh đạo như ông Minh, chỉ muốn
giữ chức "Tổng Tham Mưu Trưởng" thay thế cho ông Viên là được rồi.
Mình biết lắm chứ, khi nắm binh quyền trong tay là nắm tất cả... sức mạnh là ở
chỗ nầy. Tôi đã nghĩ như vậy, nên trình Tổng Thống...
- Thưa...
Chưa nói được gì thì chuông điện thoại reo.
Minh "big" đưa một tay chận lời của tôi và tay kia chộp nhanh lấy ống
nghe...
Không biết đầu dây bên kia nói những gì, chỉ
nghe Minh "big" trả lời:
- Dạ, dạ được... Thầy để tôi làm ngay... Kính
thầy!
Gác điện toại xuống, Minh "big"
quay sang tôi, cười thật tươi, nói:
- Bên Ấn Quang gọi qua bảo tôi đưa anh Hạnh
làm phó cho anh Lộc. Tôi đã chấp nhận, vì tình hình hiện tại bên Ấn Quang giúp
mình rất nhiều, và trong "chính phủ hòa hợp" tới đây họ giữ vai trò
quan trọng lắm, có họ mới chắc ăn! Thầy Trí Quang đã bàn định với phía bên kia
là sẵn sàng lập chính phủ trong vài hôm nữa... vấn đề còn lại bây giờ là vấn đề
thời gian thôi, mọi việc như đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi!
Tôi nghĩ thầm "Sao Minh 'cồ' lại dễ dàng
tin Thích Trí Quang quá vậy? Làm chính trị mà quá thật thà như thế nầy thì
không xong...". Đối với ai thì có thể tôi còn không chắt, chứ Minh "cồ"
thì tôi rành "6 câu", nhất là sau "cách mạng 1/11/63! Cờ đến tay
mà phất chẳng ra gì, lại còn đổ thừa "cán cờ" quá yếu nên không thể
phất được, thật là chuyện khôi hài. Tôi đang miên mang với suy nghĩ của mình,
thì Minh "cồ" nhìn thẳng vào mắt tôi, bảo:
- Anh giúp tôi lên Tổng Tham Mưu phụ với anh
Vĩnh Lộc, lo trên ấy. Tôi không để anh làm phó cho anh Lộc đâu, vì anh Hạnh bên
Ấn Quang đã nắm chức nầy rồi. Việc sau đó, anh còn phải giúp tôi những việc
quan trọng hơn.
Tới đây tôi thấy cần để Tổng Thống có thời
gian làm việc, tôi đứng dậy, với vẻ cung kính, thưa:
- Xin tuân lệnh Tổng Thống!
Và tôi bước ra cửa để có người đưa lên Tổng
Tham Mưu theo đường Pasteur. Từ ngoài cửa nhìn vào, bên trong khu chính của Tổng
Tham Mưu đang chộn rộn nhưng rất âm thầm, một thứ không khí ngột ngạt bao trùm
khắp khuôn viên BCH, làm tôi cảm thấy hơi rờn rợn... Người lình gác cổng nhìn
thấy tôi, anh ta mở cửa để cho vào.
Gặp tôi, Vĩnh Lộc lắc đầu có vẻ chán nản:
- Anh về đi! Có gì nữa đâu mà phụ với chính?
Coi như rứa là tiêu hết rồi hỉ!
Tôi trả lời Vĩnh Lộc:
- Tổng Thống bảo tôi lên trên này giúp anh một
tay, nên tôi phải tuân lệnh, do đó theo anh thì tôi phải bắt dầu từ đâu và bắt
dầu từ việc gì?...
Vĩnh Lộc uể oải:
- Anh muốn làm chi đó cũng được, tôi không
dám nói thêm và ý kiến gì... chuyện tới lúc ni thì tự mình giải quyết cho mình
rứa thôi!
Tôi chào biệt Trung Tướng Vĩnh Lộc ra xe trở
về lại Dinh Độc Lập để báo lại cho Minh "cồ" biết đại khái về ý của
Vĩnh Lộc.
Ngày 29/4/75 là ngày tôi vất vả nhất. Đi đâu
Minh "cồ" cũng đem tôi theo, nhất là hội họp với bên Ấn Quang (tại
chùa Ấn Quang). Lệnh của "thầy" bảo đến lúc nào là phải đến ngay lúc
đó. Tôi thấy tội nghiệp cho Minh "cồ" quá! Làm Tổng Thống không được
ra lệnh mà chỉ thi hành lệnh tì thật tức cười, tôi chán nản lắc đầu, nghĩ thầm:
"Không biết Minh 'cồ' làm Tổng Thống hay thầy Trí Quang làm Tổng Thống
đây!!!?".
Tôi nhớ một lần họp tại Ấn Quang do thầy
Thích Trí Quang làm chủ tọa (có một số thầy khác nhưng tôi không biết mặt và
tên); phía bên Minh "cồ" có ông Mẫu, Lý Chánh Trung... Tôi ngồi ngay
sau lưng Minh "cồ" như là "một cố vấn quân sự" cho Tổng Thống.
Thích Trí Quang nhìn tôi với cặp mắt khó ưa (nhỏ, sâu, đầy nham hiểm), sau khi
lườm tôi một cái rồi lảng sang hướng khác. Tôi biết là "thầy" không
ưa mình từ lâu, nhất là vụ "bàn thờ Phật xuống đường" năm 1966. trong
vụ biến động lớn tại Miền Trung. Thầy "găm" ba tên Thiệu - Kỳ - Có là
chuyện dĩ nhiên làm cho "thầy" phải vào tỵ nạn ở tòa Lãnh Sự (Mỹ) mà.
Chuyện "thấy" đáp lễ là chuyện "thường tình" của con người...
Tôi phân vân định đi về, nhưng nghĩ lại Minh "cồ" đâu còn ai giúp việc
"đánh đấm", và tôi cũng hiểu chính trong những lúc nầy Minh "cồ"
rất cần có tôi, và biết có tôi mới thực lòng với ông ta! Suy cho cùng, nếu ông
ta đạt được thành công thì tôi cũng đạt được thành công vậy! Ở đời ai cũng có
tham vọng lớn cả, và luôn luôn nghĩ rằng có cơ hội là đạt được tham vọng đó.
Tôi đang có và sẽ có... nên đành im lặng chấp nhận... những cái "lườm"
khó chịu của "Thầy". Hôm nay ở trong nầy thì cũng chính vì cái tham vọng
đó! (ý nói nếu không thì ở luôn lại tại Đài Loan chứ không về lại VN)...
Bây giờ ngẫm nghĩ chuyện đã qua, thấy Minh
"cồ" thật tội nghiệp... Cái si mê chính của ông ta là
"thích" làm Tổng Thống, nhưng tài năng bị hạn chế, vì bản tính thật
thà nên dễ bị kẻ có thủ đoạn, có mưu lược chính trị làm chỗ dựa nhằm khai thác,
lợi dụng... (không những chỉ có "phe ta" mà cả "phe địch").
Điển hình lớn nhất là thầy Trí Quang, ông nầy nói thế nào là Tổng Thống Minh
tin thế đó, miễn sao ghế "tổng thống" của mình không bị mất về tay
người khác... Ngày lịch sử nhất trong đời của Dương Văn Minh không phải là ngày
nhận chức Tổng Thống do "ông già gân" Trần Văn Hương trao lại mà là
ngày 29/4/1975. Trong ngày này, từ 8 giờ sáng đến 12 giờ khuya, tôi và Minh
"cồ" phải đến "hoàng cung" của Thầy (chùa Ấn Quang) tới 3 lần;
lần nào được thầy phán cùng nội dung thật "chắc chắn" không sai lệch:
"Sắp xong, bên kia chậm lắm là tối nay (29/4), nếu chậm lắm là sáng mai
(30/4), để cùng bàn thảo với Tổng Thống việc lập "chính phủ liên hiệp"!
Dĩ nhiên Minh "cồ" mặt mày vẫn sáng rỡ của sự tin tưởng, mặc dầu lúc
đó đã quá 12 giờ đêm... Chờ một hồi không thấy động tịnh (gần 2 giờ sáng), tôi
theo Minh "cồ" trở về lại Dinh Độc Lập, để... tiếp tục chờ
"tin" của Thầy mà không dám ngủ... Mệt mỏi thật, tôi lại chiếc ghế
tràng kỷ nằm gác đầu lên thành chắn tay để thiu thiu... Minh "cồ" ngồi
ngả lưng ra nơi ghế tổng thống, đưa tay bóp bóp nhẹ vào trán mình... Hai chúng
tôi không ai nói với ai lời nào vì cùng im lặng "chờ"... Nằm nơi ghế
tràng kỷ mà lời nói của "Thầy" cứ như còn rõ mồm một bên tai tôi:
"Tổng Thống cũng như quý ngài đây yên
chí, tôi đã cho người liên lạc được với Mặt Trận (MTGP/MN) và họ cũng đã cho
người gặp riêng tôi, nói chắc rằng họ đã lập xong phái đoàn đang trên đường đến
đây, nhưng vì bí mật nên không cho biết giờ để mình tiếp đón. Quý ngài cứ yên
tâm về nghỉ, khi họ đến là tôi điện thoại báo ngay...".
Tôi hé mắt nhìn lên bàn "Tổng Thống"
chỉ thấy một dàn điện thoại, trong đó có một cái nổi nhất màu đỏ đặt cạnh gần
tay của Tổng Thống nhất mà theo lời Minh "cồ" thì đường dây nầy dành
riêng cho "Thầy" thôi. Nó được nâng lên cấp "tối ưu tiên",
không thể có đường dây nào khác được chen vào... Tôi mỉm cười vì như còn thấy
rõ trên mặt của Minh "cồ" vẫn tươi cười đầy vẻ hơn hở để lộ chiếc
răng sún như ngày nào, ông Mẫu thì thinh thinh ít nói, Lý Chánh Trung tỏ ra kín
đáo nhưng như đang chấp chứa một cái gì đó đầy lạc quan thì phải... Riêng tôi,
cứ lo âu vì tình hình ngoài phố ngột ngạt lắm... tiếng súng AK nổ lên đây đó
nghe mỗi lúc một rõ hơn. Phi trường Tân Sơn Nhất bị tê liệt, không thể hoạt động
vì đường băng đã bị loan lỗ dấu đạn pháo kích... Quân "Cách Mạng"
danh xưng nầy chính Trung Tướng NHC dùng) tràn về đầy ở ven biên như phía quân
7, vùng xóm đạo của Cha Quỳnh, Ký Thú Ôn, vùng Đông Nam cầu Rạch Ông, cầu Hàng
(Nhà Bè), gần nhất là Phú Lâm... họ tiến đánh chiếm các cuộc CSQG tại các vùng
nầy... Trong nội thành thì cảnh chộn rộn của người chạy loạn từ các nơi đổ vào
cửa ngỏ Sài Gòn, từ Tân Sơn Nhất về Tân Cảng, về bến Bạch Đằng (vì đường hàng
không bị vô hiệu nên phải dùng đường thủy)... Cái mất trật tự ở đây là không một
lực lượng nào có thể ngăn cản được... Minh "cồ" như dửng dưng về tin
tình báo đã cho hay là "cờ MTGPMN" may sẵn xuất hiện nhiều ở ven
đô... không biết ai cho phép... (thật ra đến lúc nầy không còn người dân nào
trong nội thành nói chống đối với phía bên kia, chỉ lo việc lánh nạn thôi.
Tình trạng "dầu sôi lửa bỏng" thế nầy
mà Tổng Thống Dương Văn Minh và nội các của ông Vũ Văn Mẫu vẫn ngồi "chờ",
chờ để "phía bên kia" đến mà bàn luận "thành lập chính phủ Liên
Hiệp Hòa Hợp"!
Chúng tôi ngồi tại Dinh Hoa Lan gần như suốt
đêm để "chờ" gặp phái đoàn của "phía bên kia" ở đâu đó theo
sự sắp xếp của "Thầy". Người vất vả nhất có lẽ không ai khác hơn Tổng
Thống. Ông khỏe thật, thức suốt ngày đêm, làm việc có thể nói 24/24 với cộng sự,
với "Thầy", nhất là với "Thầy" là phải "dạ... dạ..."
nhận lệnh! Và "Thầy" thì ngắn gọn: "Chờ!"... "Chờ"...
theo như danh từ của "văn hóa mới XHCN" gọi "chờ là chủ yếu"!...
4 giờ 30 sáng 30/4/75, giờ phút nầy thì Minh
"cồ" ngồi nhổm dậy, ông ta như không "chờ" thêm được nữa,
phải nhấc chiếc điện thoại đặc biệt lên, gọi:
- Xin cho tôi được gặp Thầy!
Tiếng súng của quân "phía bên kia"
đì đùng khắp các nẻo vào thành phố và sự chống trả của các lực lượng bảo vệ Sài
Gòn tuy ở một vài nơi vẫn còn mạnh, nhưng dần dần bị co cụm... Minh "cồ"
quýnh lên, tiếng nói vang lên trong máy:
- Thưa Thầy, tôi là Tổng Thống Dương Văn Minh
đây, đến giờ phút nầy đã chờ tin của Thầy, nhưng không biết thế nào... Thầy đã
dược tin gì chưa, người của Thầy phái đi gặp phía bên kia đã về chưa?... Họ có
gặp dược "phía bên kia" không? Phái đoàn MTGP lúc nào đến? Còn chờ
bao lâu nữa... Anh em chúng tôi đang có mặt hết tại đây chờ họ... Tình hình hiện
tại quá lộn xộn rồi, xin Thầy "hành động" gấp lên cho... Tình trạng nầy
càng nguy khốn trong từng phút tới đó Thầy à! Hay là chúng ta hoàn toàn bí lối,
nguy khốn đến nơi rồi phải không Thầy... nếu cứ đà nầy thì lấy gì để nói chuyện,
họp bàn với họ...
Tiếng Thích Trí Quang, rè rè lên trong điện
thoại:
- Thưa Tổng Thống, cũng như Tổng Thống là tôi
vẫn "chờ" đến giờ nầy (Ba Có thêm: Không biết "thầy" nói thật
hay nói dối đây!?...), theo tôi nghĩ thì... có lẽ với tình thế hiện tại trong sứ
mệnh của tôi, người đứng trung gian trong việc bắt nhịp cầu gặp gỡ của hai bên
về phương diện "chính trị" có thể nói đến đây là chấm dứt... Và về
phía Tổng Thống, vừa là người nắm vận mệnh đất nước, vừa là một Đại Tướng nên
đúng vào lúc nầy không thể dùng giải pháp "chính trị" mà phải dùng giải
pháp "quân sự"! Giải pháp "quân sự" dĩ nhiên Tổng Thống có
kinh nghiệm nhiều rồi. Tôi nói như thế có nghĩa là từ giờ phút nầy trở đi, những
chuyện sắp xảy đến đối với vận mệnh quốc gia đều là trách nhiệm của Tổng Thống
vì đều do Tổng Thống tự quyết định lấy, nhất là những quyết định thuộc về lãnh
vực "quân sự" phải không Tổng Thống, à quên nữa, thưa Đại Tướng?... Thôi như rứa đi. Xin chào Tổng Thống!
Minh "cồ" đưa tay quẹt đám mồ hôi
trên trán, nói gọn:
- Thầy giết tôi rồi!...
Ông cúp máy, lúc đó kim đồng hồ chỉ 5 giờ kém
15 phút sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Minh "cồ" và tôi mặt xàu xuống
thật sự, còn mọi người khác như dửng dưng vì hình như họ đã biết việc sẽ xảy ra
là như vậy rồi... Lý Chánh Trung đứng dậy ra về trước. Minh "cồ" nói
với mọi người:
- Thôi, các anh về nghỉ... 8 giờ sáng mai có
mặt đầy đủ tại Dinh Độc Lập!
Từ giờ phút đó trở đi, tôi giả biệt Minh
"cồ" luôn. Và như anh biết lúc 10 giờ 30 (giờ Sài Gòn) tức 11 giờ 30
(giờ Hà Nội), Minh Big đúng theo lời "Thầy" là đã "chờ"...
thay vì gặp phái đoàn bên kia lập chính phủ hòa hợp hòa giải nhằm cứ vớt Miền
Nam, lại "chờ" để bị bắt phải nói: "Dạ... dạ... để tôi tuyên bố
đầu hàng vô điều kiện!", sau lời nạt nộ của viên Thiếu Tá quân "Cách
Mạng": "Đến giờ phút nầy mà các anh còn nói bàn giao bàn diếc gì? Phải
tuyên bố là đầu hàng vô điều kiện!".
Khi quân "cách mạng" vào được Dinh
Độc Lập rồi, Minh "cồ" và Nội Các mới đang ngồi chờ... Thấy viên Thiếu
Tá, Minh "cồ" đã nói với hắn ta: "Chúng tôi đang chờ từ sáng đến
giờ để bàn giao lại cho các ông...", nên viên Thiếu Tá đã nói như trên.
Sài Gòn chấm dứt như tế đó, không bị sụp đổ
theo kiểu "Khói lửa của Paris thời Đệ Nhị Thế Chiến", nó uất hận đầy
tức tưởi với những con người vẫn còn đầy sức sống nhưng phải bị ép chết... Nó
không được hưởng cảnh "chỉ một phút huy hoàng... rồi chợp tắt"... Nó
sụp đổ trước sự ngơ ngác của mọi người, máu quá, nhanh quá, ngoài dự tưởng kể cả phía "chiến thắng", làm thành
khúc khải hoàn đến với chế độ CSVN, nhưng nó cũng là một bi kịch đầy nước mắt,
một bản trường ca đau thương uất hận của toàn quân, toàn dân sống dưới chế độ
VNCH. Như anh biết đó, cả nội các của Minh "cồ" có mặt hôm đó, có ai
bị đưa đi "cải tạo" đâu?
Tôi tuy theo Minh "cồ" đến giờ phút
chót, nhưng chả hưởng được mống gì, có lẽ "thầy" không ưa... Thấy ông
Mẫu lập "nội các" không có tên tôi, tôi hỏi Minh "cồ", ông
ta vỗ vai tôi và nói: "Anh sẽ có thôi! Ông Mẫu chỉ mới đưa cho tôi xem một
vài người, còn thiếu nhận sự dữ lắm... chân Bộ Trưởng Quốc Phòng mà chưa thấy
ai hét!". Tôi cũng biết việc nầy đâu phải do Minh "cồ", ông Mẫu
chỉ là mặt ngoài chịu tiếng, chứ thực sự người quyết định là "Thầy" hết.
Mà đã là "Thầy" quyết định thì làm sao có tôi? Tôi có đọc sách về
"tướng số", nhìn lại tướng dạng của "Thầy" thì thấy sách
nói là "những người như thế nầy - răng hô, mắt choét, mặt chuột, tai
dơi... thì không thể rộng lượng với ai hết. Và một khi nắm được quyền hành thì
những người bị "ghìm" đó sẽ khó thoát. Nhân vật Tào Tháo (thời Tam Quốc)
bị người đời gán cho là "gian hùng", chứ "Thầy" thì phải gọi
là "gian ác" hay "nham hiểm" mới đúng hơn. Bây giờ không biết
"Thầy" có được "cách mạng" đãi ngộ gì không, chứ theo như
tin từ gia đình dưa vào thì hình như "thầy" bị "quản thúc tại chỗ".
Cá nhân tôi thì bị hiểu lầm rất nhiều, không
phải chỉ với chế độ VNCH mà cả với Cách Mạng... nhưng trong tình huống thế nầy,
im lặng vẫn là hơn. Tôi ở đây :cải tạo" so với các anh em khác thì được
thoải mái hơn... Nếu anh hiểu sâu một chút thì thấy "chính sách
"khoan hồng của cách mạng" đã thể hiện nơi cá nhân tôi thật đúng mức.
Nói tới đây anh Ba kê sát vào tai tôi nói thật nhỏ "làm kiểng ấy
mà!"...
Câu chuyện trên tôi được anh Ba kể cho nghe
chia làm nhiều lần, nếu có "cán bộ" trại nào đứng nghe cũng gật gật đầu
bảo "tên nầy đã biết quay đầu về với nhân dân!"... Đối với tôi (người viết) thì những ai chưa có
dịp sống gần anh Ba mà chỉ nghe người khác nói thì rất tin đó là sự thật (vì họ
có nhiều bằng cớ để chứng minh cho lời nói của mình như việc phát ngôn
"quá đáng" của chị Ba trong khi nói khôi hài với bạn bè khi bị thua
bài "tứ sắc"... làm anh Ba phải lãnh đủ), nhưng khi nhìn vào "tư
cách sống" hàng ngày từ trước tháng 4/75, rất bình dị, tuy là Trung Tướng
nhưng có "hách dịch" với ai đâu. Khi bị thất sủng, anh Ba lại về làm
"kinh tế"... chấp nhận mọi rủi ro đem đến, và rồi cũng bị tống sang
Đài Loan... Sau khi Tống Thiệu ra dí, anh Ba lại quay về... Nhưng mọi việc
không còn cơ hội, vì sau 30/4/75 phải "đăng ký đi cải tạo" như mọi tướng
lãnh của VNCH... Trong tù, anh Ba vẫn còn giữ được phong độ chững chạc của ngời
có sĩ khí, không luồn cúi, khúm núm... trước bọn cai tù.
Lời người viết:
Có thể có những độc giả cho rằng người viết đặt
quá nhiều tình cảm tốt vào Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, nên mới viết như vậy, chứ
thực tình thì ông ta là con người của "cơ hội", gặp dịp thì
"xông ra" và làm sao có thể biện minh cho chuyện mình là Trung Tướng
lại chấp nhận làm phó cho một Chuẩn Tướng, một điều mà bất cứ một tổ chức quân
đội nào trên thế giới cũng không thể chấp nhận, trừ trường hợp ra khỏi quân đội
để trở về dân sự, lúc đó làm phó cho cấp nào cũng không còn nghịch lý nữa.
Người
viết xin được loại tất cả những thiên kiến nầy mà chỉ muốn đưa vào giai đoạn lịch
sử đó, đã có "chuyện xảy ra như vậy" do chính "chứng nhân"
kể lại mà không có tư liệu thành văn nào ghi, nếu về sau cần xác nhận... thì
chúng ta lại phải trích từ bài viết nầy! (?).
(Còn tiếp)