Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Thơ

Bài 6 - thơ MÀU TÍM HOA SIM và CHUYỆN BÊN LỀ
HỒ QUÂN
24.03.2014 18:34:30

Hình minh họa
(Chuyện Hữu Loan “tái xuất giang hồ”, có người kể lại rằng, một lần sau buổi nói chuyện, khi bước ra khỏi cửa, thì một kẻ chém mạnh vào tay, làm rơi túi bản thảo và tiền vừa kiếm được của ông (nhà thơ Hữu Loan). Về khách sạn, chả biết phải làm thế nào... Khóc dở mếu dở, ông khấn thầm bà Ninh phù hộ... Buồn chán ông đi đến chiếc bàn ngồi xuống trầm ngâm tiếp... tiện tay kéo ngăn kéo ra, thì ông ta thấy có cục tiền của ai cuốn tròn để tại đó. Hỏi hết mọi người xung quanh, không có ai nhận cả... ông mới dám tiêu. Ông tự hỏi: “Không lẽ có ma giúp mình?”... Ông rà soát lại, “Ai mà đem đến biếu mình tại khách sạn, hay mình đã để nó vào đây hồi nào?”... Tuyệt nhiên không một manh mối. Thế rồi ông mỉm cười: “Ở nhà, ban ngày thì đập đá, thồ đá, ban đêm kéo vó tôm... nhưng khi đi xa, thì khác... một bước lên xe, hai bước xuống ngựa. Thiếu gì gái sấn đến õng ẹo anh anh, em em... sướng thật! nói xong, ông lại ngả lưng xuống đệm, đánh giấc.

Về chuyện bài thơ “Chiều lam huyền thoại” để tặng nhà thơ nữ Ðoàn Thị Lam Luyến. bà này sinh ngày 14-6-1953, tại xã Anh Dũng, Phù Tiên, Hưng Yên. Hiện sống tại thị xã Nghĩa Ðô, Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Ðại Học (Văn Học và Mỹ Thuật) là Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam (1996).
Xuất thân trong một gia đình nghèo tại nông thôn, năm 13 tuổi (1966) bà Lam Luyến thi đậu vào học Trường Trung Cấp Văn Hóa Nghệ Thuật khu tự trị Tây Bắc, từ 1976-1982: Học Ðại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp, và từ năm 1983 được vào làm biên tập viên mỹ thuật tại NXB Thanh Niên... Bà nổi bật lên so với các nhà thơ nữ khác về nội dung táo bạo ở nội dung diễn tả của mình. Các tác phẩm đã xuất bản như “Mái nhà dưới bóng cây” (thơ, in chung, 1985), “Lỡ một thì con gái” (thơ, 1989), “Cánh cửa nhớ bà” (thơ, 1990), “Chồng chị chồng em” (thơ, 1991), “Châm khói” (thơ, 1995). Bà được trúng “Giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ” (1989 - 1990). Tập thơ “Châm Khói” được NXB Hội Nhà Văn tặng thưởng (1995).
Khi Hữu Loan “tái xuất giang hồ” trong chuyến đầu ra Hà Nội, Ðoàn Thị Lam Luyến là người rất ân cần đối với nhà thơ. Từ thời còn đi học, cũng như các sinh viên khác, Lam Luyến rất mê “Màu Tím Hoa Sim”. Vốn đa sầu đa cảm, dễ xúc động, ẩn chứa một số phận đa đoan, nhà thơ nữ này càng ngưỡng mộ “Ông già vườn Lỗi”, nên cố nài nỉ “ông già” này lưu lại nhà mình... Sau những ngày hân hạnh được thù tiếp “ông già Hữu Loan”, trên báo xuất hiện bài thơ “Chiều Lam huyền thoại” (Từ “lam” vừa là một sắc màu - xanh lam, vừa là tên bạn thơ), cùng với tấm ảnh chụp hai người. Rồi bài thơ và hình ảnh đó được đưa lên báo...). (theo Trịnh Ngọc Dự - báo Tiền Phong).
Tôi ở nhà cứ mãi lo cho ổng, nên âm thầm thư từ, hỏi han đường đi lối lại, địa chỉ của những người quen, để vào Sài Gòn kiếm ổng. Bây giờ thì các con đã lớn hết, biết làm ăn, nên không lo cho tụi nó nữa, ngược lại mình cũng không cần nhờ vả chúng, nên tôi không cần hỏi tiền của chúng mà đi vay... Tôi vay được một ít tiền của người quen, rồi mua vé tàu hỏa vào Sài Gòn. Việc làm này khiến các con tôi sinh nghi, nhất là khi bọn chúng tình cờ nghe những người cho tôi vay, hỏi:
- Mẹ cháu vay tiền làm gì thế?
Ðoán được “âm mưu” của mẹ, chúng bàn nhau lấy trộm hết tiền vay của tôi giấu đi. Tôi tức quá chửi tụi nó, mới có lại số tiền và giữ vững lập trường, chọn ngày và dông thẳng vào Sài Gòn... tìm được ra nơi ổng đang tá túc.
Sửng sốt thấy tôi lù lù hiện ra... ổng hỏi:
- Bà vào đây làm gì?... Trời, đường sá xa xôi thế mà...
Tôi không để ổng nói hết câu, nói ngay:
Ông hỏi lạ! Tôi lo cho ông, tôi, tôi& nhớ ông, nhỡ khi trái nắng giở giời& thì sao?
Ổng trấn an:
- Có làm sao đâu mà... chuyện gì đã có anh em bè bạn...
Tôi ngắt ngang:
- ... Còn mấy con mẹ mướp nữa phải không? Lại còn tặng thơ, chụp ảnh trưng lên báo nữa chứ&
Ổng cười khề khề:
- Có gì đâu, thơ tặng chơi ấy mà& Với lại, à, bà có biết anh Vũ Bão không?
- Tôi chẳng biết bão với gió nào cả.
- Anh Vũ Bão có hai câu nổi tiếng, một là vãi linh hồn, hai là& là& bút bi hết mực.
Tôi vào loại bút bi hết mực rồi! Chuyện ấy thì có thể bà tin, vì tôi đã bảy ba tuổi rồi...
- Tôi biết sức của ông, nhưng ông không làm thơ tặng tôi mà tặng người khác!...
Ổng tròn xoe mắt, hỏi tôi:
- Ý bà là... sao bây giờ không làm thơ tặng bà mà lại có thơ tặng mấy con mẹ phải gió ấy. Bà không biết người ta thường chỉ làm thơ tặng vợ lúc bồng bềnh trên chín tầng mây thôi, chứ khi đã chạm đất là đã diễn nôm thơ ra văn xuôi rồi còn gì?.. Mà tôi chả đã làm thơ tặng bà là gì à? Bài “Hoa Lúa” tặng ai đây? Ngừng một tí ổng tiếp:
-...Còn nữa, tôi không chỉ tặng thơ cho bà mà còn tặng cả cuộc đời tôi cho bà nữa...
Nghe ổng nói thế, tôi im lặng... nhưng ổng lại nói tiếp:
- Tôi biết bà vào đây làm gì rồi. Từ nay tôi gọi bà là& THIẾN THƯ nhé?
Tôi giật mình, không hiểu cái từ kỳ quặc ấy có nghĩa là gì... Thấy tôi nghi hoặc, ổng cười phá lên:
- Trung Quốc có Hoạn Thư thì Việt Nam có Thiến Thư. Hai bà ghen ngang ngửa nhau...
Thế rồi vào những ngày gần cuối đời, ông gọi tôi:
- Bà Thiến ơi! Vào tôi bảo cái này...
Từ lúc ổng gọi đến lúc tôi vào đến chỗ ổng nằm cũng phải mất năm, bảy phút, vì tôi phải lần từng bước như trẻ con mới tập đi để khỏi dùng nạng chống do cú ngã gãy chân mấy năm trước... Thấy tôi bước vào, ổng bảo:
- Bà ngồi xuống đây...
Tôi lại lựa thế, xoay người ra phía ngoài, từ từ ngồi xuống... nhưng ngồi phải trên chân của ông ta đang ở dưới lớp chăn đắp... Ổng mắng nhẹ:
- Sống với bà mấy chục năm rồi, không biết chân tôi ở đâu, sao mà còn ngồi đè lên nó...
Tôi giật mình xê ra, ổng tiếp:
- Bà biểu chúng nó may cho tôi một chiếc áo dài trắng!
- Ðể làm gì? Ông thiếu gì quần áo. Hay ông chuẩn bị...
Tôi không dám nói hết câu. Nhưng rồi cũng phải nói ra điều linh cảm:
- Ông không thương tôi hay sao mà định bỏ tôi đi?
- Bà nói gì lạ thế, tôi không thương bà thì thương ai...
Chạnh lòng, tôi tấm tức:
- Thương... mà còn...
Thế rồi đến 7 giờ tối ngày 18 tháng 3 năm 2010, nhà thơ Hữu Loan từ giã tất cả... Ông thanh thản ra đi, để lại thương tiếc cho riêng gia đình của ông mà còn cho nhiều người, nhất là những ai từng yêu “Màu Tím Hoa Sim”.
Trong vcpmc.org, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (QL/VNCH) nói rằng, giữa hai người vợ (bà Nhiên và bà Nhu), nhà thơ Hữu Loan còn có một người “đàn bà” nữa. Bà nầy tuy không phải là vợ nhưng đã có con (một người con trai (?).Bà nầy có chồng, chồng bà đi biền biệt nhiều năm, không hề để lại tin tức gì... nên khi biết được nhà thơ Hữu Loan, bà mê mệt và yêu ông ta tha thiết! Dĩ nhiên lúc đó bóng hình của người vợ “Màu Tím Hoa Sim” chưa dứt, Hữu Loan không chấp nhận. Bà nầy đánh liều đề nghị: “Cho tôi xin đứa con để làm kỷ niệm!...”. Trong chinh chiến anh “Vệ Quốc Quân” đang độc thân ấy đã làm thỏa lòng của người đàn bà hóa kia. Nhưng chuyện tình không dừng ở đây, bà ta muốn đi xa hơn, yêu cầu nhà thơ phải chính thức thừa nhận một cách công khai cho đứa con đang có trong bụng mình! Nhà thơ không chấp nhận, bà ta biết rằng không thể lay chuyển con người “ngang bướng” này, nên bỏ đi... không cho Hữu Loan biết tông tích... Về sau, không biết bà này còn sống hay không, chỉ biết người con “kỷ niệm” đó, có hai lần tìm gặp bố đẻ... rồi biền biệt luôn. Ngày nhà thơ mất, cả hai mẹ con họ vẫn không có mặt. Không biết có phải đây là nỗi day dứt cuối cùng của ông chăng?...
Về cuộc sống giữa bà Nhu (người vợ thứ hai) và nhà thơ, Nguyễn Ðắc Sơn viết như sau:
“Năm 1955, sáu năm sau cái chết của người vợ trẻ (bà Lê Ðỗ Thị Ninh), Hữu Loan mới đến với Phạm Thị Nhu. Ðây là cuộc hôn nhân mà nhà thơ tự quyết định (xem thêm phần tự thuật của nhà thơ). Khi bài “Hoa Lúa” ra đời, nhà thơ đã viết những lời yêu đương thắm thiết vào trong đó: “Em là em gái đồng xanh/ Tóc dài/ vương hoa lúa/ Ðôi mắt em mang/ chân trời quê cũ/ giếng ngọt/ cây đa&” và bài thơ có lời kết như một lời hứa sắc son: “ta đi/ đầu sát/ bên đầu/ mắt em/ thăm thẳm/ đựng màu trời quê”.
Dù mấy chục năm ròng bị quăng quật, lên bờ xuống ruộng, không sổ gạo, không tem phiếu trong thời kỳ cấm chợ ngăn sông và chính sách lương thực, dù người anh hùng Ðèo Cả phải quai búa đánh đá, thồ đá và tập tọng đi buôn...? Dù thế, chứ hơn thế nữa bà Nhu vẫn chung lưng đấu cật với chồng xoay đủ nghề nhằm kiếm sống.
Làm bún đổi thóc gạo. Nhiều lần bún ế, mang về cho con ăn thì được, nhưng lấy gì ngày mai làm hàng tiếp? Thế là phải đến từng nhà hàng xóm nói khó để đổi lấy đấu thóc, bát gạo. Ðến khi không ai đổi nữa mới mang về cho đàn con háu đói, háu ăn đang ngong ngóng chờ mẹ về chợ. Làm thế là vi phạm chính sách lương thực nên đã có lần bị người ta hất cả rá bún xuống mương. Lại phải bốc cả bún lẫn bùn về, cho vào chậu nước khuấy lên, cho bùn lắng xuống, vớt lấy bún ăn.
Một gia đình đông con như thế, hoàn cảnh như thế mà hàng xóm láng giềng tịnh không thấy chuyện to tiếng, bởi ông bà rất mực thương yêu, quý trọng nhau.
Hôm tôi ra mộ thắp hương cho ông chỉ ít ngày sau khi ông mất, hỏi chuyện, bà bảo, nằm trên giường ông, trong buồng, để gian ngoài (nơi đặt giường bà) giờ dọn đi đặt bàn thờ ông, chẳng có hãi hùng gì. Ðêm đêm, vẫn thấy ông về hát, ngâm Kiều...
Năm 1958, Hữu Loan cùng một số bạn văn khác phải đi lao động, mà ông từng viết: “cho giọt mồ hôi lọc sạch tâm tư chăng?...”, ông bàn với vợ: “một mình tôi ở lại thôi, bà đưa ba đứa nhỏ về quê”. Nhưng bà không nghe... thế rồi sau một thời gian ngắn phải “lao động”, ông bà cùng con cái dắt díu nhau về Thanh Hóa...
Mấy chục năm, bà vẫn đôi dép mo cau quảy đôi quang gánh, không được làm bún thì làm bánh sắn (củ mì) ra chợ, chợ tan lại gánh đi rong, sà vào chỗ bà con hợp tác làm, ra cả chỗ thợ đánh đá, cố bán cho hết hàng mới về, lùa bát cơm độn (hoặc bánh sắn ế) với quả cà nén ăn quanh năm, lại xoay ra xay bột chuẩn bị cho gánh hàng ngày mai...?
Phần ông cũng mấy chục năm, đôi chân trần vẹt làm mòn sỏi đá, may là ông không phải bệnh tật ốm đau gì, ngoài bệnh “ngang bướng”... Tuy tính tình như thế, nhưng đối với vợ con, ông rất mực thương yêu...
Thế rồi đất nước thay đổi, không khí kèm kẹp của chế độ lơi dần... bạn bè xưa cũ, rủ ra Hà Nội, ông mới chịu xếp chiếc xe thồ đá lại, làm một chuyến đi... mà mọi người gọi “Nhà Thơ Hữu Loan tái xuất giang hồ”...
“Ðại Ca” mà tái xuất giang hồ thì dĩ nhiên đi đến đâu cũng được trọng vọng chào đón. Tại Hà Nội, những người ngưỡng mộ “Màu Tím Hoa Sim” Hữu Loan, không chỉ là nam giới mà cả nữ giới... họ chèo kéo nhau, giành cho bằng được nhà thơ để mời về nhà mình mà cung phụng, mà ngắm nhìn, và nhất là được nghe Hữu Loan đọc thơ... Sài Gòn biết tin này, cũng cho người ra vời ông vào... và họ đã trọng vọng, cung phụng ông gấp bội lần so với ở Hà Nội... Cảnh vui sướng nầy kéo dài những hai năm trời như vậy... Và cảnh này đã làm cho nhà thơ quên lối về, bà Nhu phải đi tìm...

Bà Nhu đối với ông cũng hết mình. Bà bảo các con phải gọi bà Ninh là “mẹ già”, để ông lập một bàn thờ riêng trong buồng ông. Hằng năm đúng ngày, thì bà cùng chồng con làm giỗ bà Ninh rất nghiêm chỉnh. Một đêm, Hữu Loan mơ thấy người vợ bị chết trẻ. Nhưng giấc mơ đêm ấy lạ lắm. Mọi chuyện đêm tân hôn cứ hiện về rõ mồn một. Tuy đã trôi qua 42 năm, nhưng ông vẫn viết được:
“Em ngả cánh tay còn nhiều
ngấn sữa
cho ta làm gối gối đầu
Ðêm tân hôn chỉ có chuyện là
ta thấy ta càng lúc
càng thêm nhỏ bé
trong vào ngực non tơ
Chà rụi
Rúc tìm
tham lam
cuống quýt
ngẩn ngơ
như một hài nhi
Khát mẹ...
Người đọc nếu không nhìn ngày viết dưới bài thơ, thì đinh ninh là ông viết ngay sau đêm tân hôn. Làm xong bài thơ, ông còn cắt một lọn tóc bỏ vào bình hoa ngày cưới bà Ninh (giờ đã sứt một mảnh trên miệng) vẫn đặt trên ban thờ...
Bà Nhu biết tất cả những việc làm ấy của chồng, nhưng không tỏ thái độ gì. Không biết ban đêm hay lúc nằm võng ở ngoài vườn một mình, bà có khóc hay không?
Ngày 8 tháng 1 năm 2013, Nguyễn Hữu Ðán (con trai út) phải đưa mẹ ra Hà Nội tìm thầy chạy chữa... Nhà văn Ma Văn Kháng giới thiệu tới bác sĩ giỏi (đó là Tiến Sĩ Tô Thanh Lịch). Nhờ người này, bà Nhu được đưa vào phòng tự nguyện (phòng này được quan tâm nhiều hơn so với các loại phòng khác) để hưởng sự chăm sóc đặc biệt. Ít hôm sau thì khá, rồi xuất viện, nhưng được vài ngày lại phải nhập viện trở lại... Cứ như thế, đến lần thứ 3 về lại Thanh Hóa... Các thầy lang xen vào, thầy thuốc người bảo phải thế nầy, thầy tướng phán thế kia... bệnh tình bà không thể thuyên giảm. Có hôm thấy bà nặng quá, đưa vào bệnh viện cấp cứu, Nguyễn Hữu Ðán phải ký giấy cam kết, sau đó gỡ tất cả đồ trang sức ra, nhằm để phòng phải đưa xuống nhà xác... Xong, Ðán phải đi Hải Phòng tìm thấy thuốc Ðông Y nổi tiếng, để mua nhiều thang thuốc bắc cho mẹ, tại nhà thì mời thầy đến tận nhà để châm cứu cho bà Nhu.
Ngày 17 tháng 5 năm 2013, Nguyễn Hữu Ðán đang đi công việc, người nhà báo cho anh ta hay là “mẹ thở rất khó”... nên đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu, nên cố sức chạy về... Không may, cũng như khi bố mất, Nguyễn Hữu Ðán không kịp nhìn mặt mẹ khi bà tắt thở. Lúc đó là 9 giờ 5 phút sáng ngày 18 tháng 5 năm 2013.
Một điều làm mọi người trong gia đình rất ngạc nhiên, là trước hôm bà Nhu mất mấy ngày, bà tỏ ra rất tỉnh táo, khiến mọi người tưởng rằng bệnh bà đã thuyên giảm, bà còn tâm sự:
- Ðấy các con thấy chưa?... Ðã hơn năm chục năm bố con vẫn còn làm thơ về “mẹ già”. Mẹ chỉ lo xuống dưới ấy, bố con chỉ đi với “mẹ già” thôi! Ðã mấy lần mẹ nghe bố con ngâm: Kiếp này đã dở dang nhau/ Thì xin kiếp khác duyên sau lại thành (Kiều).
Nguyễn Hữu Ðán cố làm cho mẹ yên lòng:
- Bố sống với “mẹ già” chỉ có một đêm. Bố sống với mẹ 55 năm... là nhiêu đêm đó? Bố với “mẹ già” không được anh chị nào. Với mẹ những mười người con đẻ, mười dâu rể, một đàn cháu chắt. Chúng con tính cả rồi. Bác Hạng (nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng), chú Chính (ông Nguyễn Văn Chính, người mua bản quyền Màu Tím Hoa Sim), rồi nhà thơ Nguyễn Duy, các nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, Vũ Ðại Hải, Lê Hiệp, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhiều cô chú cả Bắc lẫn Nam đã bàn bạc, thống nhất một phác thảo làm tượng bố bằng đá đen rồi (nói dúng theo ngôn ngữ của nhà cầm quyền).
- Nhưng bố con chỉ nhắc đến “mẹ già” thôi...
Nguyễn Hữu Ðán lại cười:
- Mẹ đừng nói thế tủi vong linh bố. Người chết thì nhớ hơn thôi. “Mẹ già” có Màu Tím Hoa Sim, mẹ có Hoa Lúa. Các bác các chú ấy còn định đặt mộ bố ở giữa hai bên là hai mẹ. Mộ bố không hình chữ nhật mà là hình vuông (Bởi ông đã tự xưng: tôi, cây gỗ vuông chằn chặn suốt đời/ Ðã làm thất bại âm mưu/ đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn lóc thế nào/ thì lăn lóc). Trên mộ “mẹ già” sẽ khắc bài Màu Tím Hoa Sim, trên mộ mẹ là bài Hoa Lúa... (theo Tienphong Online)
Ðể kết thúc bài viết này, người viết xin được dùng sự nhận xét của Trần Việt Thanh viết trong “danlambao” (2012), mà viết như sau:
Cuộc đời ông (Hữu Loan) trải qua quá nhiều thăng trầm (tham gia Mặt Trận Bình Dân, rồi Việt Minh, rồi sau 1954 làm tỉnh ủy viên, biên tập viên báo Văn Nghệ...). Nhưng phải bỏ hết, không cần phải quỳ lụy, về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, vậy mà “bọn họ” vẫn trù dập, không chịu để ông yên, vẫn bám theo trù dập, chèn ép... Nỗi bất bình của ông không thể tỏ cùng ai, chỉ còn biết đổ hết lên đá, thề sẽ bám đá mà sống. Ngày ngày, ông nạy từng khối đá đưa lên chiếc xe cút kít thô sơ đem đi bán ở các nơi làm vật liệu xây dựng. Bán cả chục xe đá mới kiếm đủ ngày hai bữa cơm dưa muối cho đàn con. Nhiều khi ế ẩm, đá chất đầy vườn, cả tháng không ai hỏi mua. Sống vất vả, cực khổ như vậy, Hữu Loan đã trở thành người thợ đá da đen đúa, chân tay chai sần, rắn rỏi, tóc rễ tre tua tủa, đi đứng nói năng mạnh mẽ có phần cộc cằn hơn xưa. Cặm cụi vật lộn với núi đá nuôi cả mười đứa con khôn lớn... Ðến khi về già, Hữu Loan không còn sức để bám sống vào đá nữa, nên đành lui về nhà, trải chiếu trên thềm, ngày ngày ngồi ngóng đợi con cháu về thăm, ngóng đợi những chuyển động đổi thay phận mình, đổi thay cho gia đình, cho làng xóm, cho nước nhà...
May mà dến lúc gần đất xa trời (cuối năm 2004), công ty ViTek (VTB) đến xin được mua bản quyền bài “Màu Tím Hoa Sim” của ông (Hữu Loan) với giá 100 triệu đồng VN. Ðây là một sự kiện được coi chưa từng xảy ra (từ trước tới nay chưa có bài thơ nào được mua tác quyền với giá cao đến như vậy), vì tại sao “một doanh nghiệp thương mãi” (không phải là một nhà xuất bản văn học) lại đi mua bản quyền một bài thơ? Có nguồn tin cho rằng đây là sự sắp xếp, mua chuộc, nhằm đền bù những mất mát thiệt thòi trong mấy chục năm của nhà thơ. 100 triệu đồng đủ để ông trang trải cuộc sống, bớt đi những khó khăn về vật chất trong những năm cuối đời, và mong ông “tái xuất giang hồ” (việc chi tiêu số tiền này, nhà thơ đã nói ở đoạn trên).
Sau đó cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng ông từ chối “Thơ tôi làm ra không phải để bán!” Ðó là con người và bản tính bất khuất của Hữu Loan, có thể nói ông là một nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam.

HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.