Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Diễn Đàn

Bài 3 - TRAO ĐỔI VỀ TRUYỆN KIỀU
Nhóm Chủ Trương: TS. PHAN TỬ PHÙNG, HỒ NGỌC MINH, TRẦN ĐÌNH TUẤN
27.12.2013 18:31:51

Hình minh họa

Lời giới thiệu:

Vietnamsuhoc.com xin giới thiệu với độc giả (trang Văn Học) một diễn dàn đang sôi nổi chung quanh "Truyện Kiều - Nguyễn Du". Dĩ nhiên "sóng trường giang lớp sau dồn lớp trước" nên mọi việc bàn luận mang nét mới của những nhận xét mà chỉ có những nhà nghiên cứu có hiểu biết rộng mới dám đề cập đến. Nói như thế khong phải vietnamsuhoc.com thiên vị về mọi ý kiến của diễn đàn này, mà thấy rằng những vấn đề đang được bàn luận từ diễn đàn này rất hay và rất bổ ích khi tìm hiểu vế "Truyện Kiều"... Xưa nay chúng ta biết về Truyện Kiều qua các sách giáo khoa nên thường không thể đào sâu từng câu t

"NÉT NGÀI" HAY "NÉT NGƯỜI"? - Vũ Nho phụ trách

Câu hỏi:

Trong sách  Ngữ văn lớp 9, tập 1, hai  câu thơ miêu tả Thúy Vân:

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Em đọc thấy chú thích: nét ngài nở nang (nét ngài: nét lông mày): ý nói lông mày hơi đậm, cốt tả đôi mắt đẹp. Cả câu thơ nhằm gợi tả vẻ đẹp phúc hậu của Thúy Vân. Thành ngữ Việt có câu “mắt phượng mày ngài”.

Cô giáo em lại giảng rằng ngài là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, có nghĩa là người. Nét ngài nở nang nghĩa là nét người nở nang. Thầy có thể giải thích cho em phải hiểu như thế nào mới đúng ạ?

Vũ Nho trả lời:

Đây là một câu hỏi khó. Cũng đã có  một số người bàn về  câu thơ này. Vấn đề là hiểu nét ngài chỉ lông mày hay nét ngài chỉ  nét người.

Trước hết, trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, đúng là  có từ ngài có nghĩa là người. Tôi nhớ , trong  một bài báo, nhà thơ Vương Trọng đã đề nghị hiểu nét ngàinét người. Tác giả Hữu Đạt, trong cuốn sách Ngôn Ngữ Thơ Việt Nam, NXB Giáo Dục 1996 cũng đề nghị cách hiểu này. Tác giả viết:

“Nghĩa là “lông mày” không thể đi với “nở nang” được. Giữa chúng không có sự tương hợp về ý nghĩa, ngữ pháp. Còn hiểu là “nét người” thì câu thơ trở nên cân đối và rất chỉnh:

Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang

Hai vế cân xứng và đi sóng đôi với nhau. Chắc chắn là cô giáo em đã đọc bài viết của nhà thơ Vương Trọng hay sách của tác giả Hữu Đạt nên mới giảng như thế.

Ban đầu tôi cũng thấy cách giải thích như vậy rất có lí. Nhưng sau, nghĩ lại thì thấy tuy có vẻ hợp lí nhưng lại bất ổn. Vấn đề là ở chỗ cô Vân, cô Kiều đều là những tiểu thư khuê các. Vóc dáng, nét người các tiểu thư không thể là nở nang. Cụ Nguyễn Du đã tả hai cô.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần - Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười

Mai cốt cách là cốt cách của cây mai mảnh dẻ, thanh tao.

Chỗ khác cụ viết về Kiều:

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

Như vậy, quan niệm về cái đẹp của thiếu nữ khuê các là vóc dáng  gầy, mảnh dẻ, thanh tao.  Chả thế mà người đẹp được ví với liễu yếu, đào tơ. Gọi theo từ ngữ hiện đại  thì người đẹp có dáng người dây.  

Cái đẹp thời ấy được quan niệm như vậy. Thật xa lạ với các cụ  một “nét người nở nang”, cái đẹp có phần khỏe khoắn và chân mộc của thôn nữ chứ không phải tiểu thư.

Mặt khác, cũng trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn viết:

Khi khóe hạnh khi nét ngài - Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa

Cụ Đào Duy Anh giải thích “Dùng từ nét ngài ở đây để chỉ sự nhăn lông mày như Tây Thi” (Từ điển Truyện Kiều, NXB KHXH - 1974, trang 264).

Ấy là chưa kể cũng trong Truyện Kiều, khi tả các cô gái cùng làm nghề kĩ nữ trong lầu xanh như Kiều, cụ Nguyễn Du viết:

Bên thì mấy ả mày ngài - Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi

Như vậy nét ngài, hay mày ngài đều phải hiểu là ngài chứ không thể hiểu là người được. Đặc biệt là trường hợp mày ngài.

Trên đây đã nói là vấn đề khó. Bởi vì nếu chỉ có ba trường hợp Nguyễn Du viết nét ngài và mày ngài về cô Vân, cô Kiều và các cô gái kĩ nữ khác (Xin mở ngoặc nghề kĩ nữ đòi hỏi phải là người đẹp mới có thể thu hút khách) thì không còn gì phải băn khoăn. Oái oăm ở chỗ khi miêu tả Từ Hải, một vị anh hùng, cụ lại cũng tả:

Râu hùm, hàm én, mày ngài - Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

Không chỉ tả một lần gặp đầu tiên, khi Từ Hải  thành công về đón Kiều:

Rỡ mình là vẻ cân đai - Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.

Vậy là Từ Hải cũng có mày ngài. Các cô kĩ nữ khác cũng có mày ngài. Nếu mày ngài là đẹp, thì chả lẽ cụ Nguyễn Du lại tả Từ Hải có vẻ đẹp của thiếu nữ, kết hợp với cái đẹp oai phong của hùm, của én hay sao?

Đến đây thì tôi tra cứu Đoạn Trường Tân Thanh – Truyện Kiều đối chiếu Nôm -Quốc Ngữ của cụ Thế Anh (NXB Văn Học - 1999) xem  thế nào.

Trong 11 bản nôm mà cụ Thế Anh đối chiếu thì:

Câu thơ 20: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

- Bản Kim Vân Kiều tân tập (1906) chép: khuôn lưng, 10 bản khác chép khuôn trăng.

- Có ba bản là  Kim Vân Kiều tân truyện (Abel des Michels dịch ra tiếng Pháp 1884), Kim Vân Kiều Tân Truyện, Phúc Văn Đường tàng bản (1932) và bản Kiều do cụ Chu Phi Bằng chép tay ở Diễn Châu, Nghệ An, chép nét người. Còn lại 8 bản khác chép nét ngài.

Câu thơ 1213: Khi khóe hạnh khi nét ngài

- Cả 11 bản đều chép nét ngài như nhau.

Câu thơ 927: Bên thì mấy ả mày ngài

- Cả 11 bản đều chép như nhau.

Câu thơ 2167: Râu hùm, hàm én, mày ngài

- Có hai bản Thúy Kiều Truyện tường chú (1974) và Kim Vân Kiều quảng tập truyện ( 1916) chép hàm én. 9 bản khác chép cằm én.

- Mày ngài thì cả 11 bản chép như nhau.

Câu thơ 2274: Hãy còn hàm én mày ngài như xưa

- Cả 11 bản đều chép như nhau.

Như vậy mày ngài trong cả ba  câu thơ, 11 bản Kiều đều chép như nhau.

Nét ngài ở câu 20 thì có 3 bản chép  nét người, còn 8 bản chép nét ngài.

Nét ngài ở câu 1213 thì cả 11 bản chép như nhau.

Có thể kết luận sơ bộ: nét ngài là nét lông mày cong, như râu con ngài (con bướm tằm) mảnh, thanh, xinh đẹp.

Mày ngài có hai nghĩa, nghĩa 1 cho câu thơ 927, nghĩa 2 cho câu 2167 và 2274.

Mày ngài ở câu thơ 927, cụ Đào Duy Anh  giải thích:

“1. Mày ngài: lông mày như râu con ngài, chữ Hán là “nga my”, tức lông mày nhỏ mà dài của người đẹp; sau dùng từ “nga my” tức mày ngài để chỉ người đẹp. Ví dụ Mấy ả mày ngài, câu 927. (Từ điển  Truyện Kiều, sách đã dẫn, trang 236).

Còn mày ngài của Từ Hải ở câu thơ 2167 và 2274 thì cần hiểu  là “mi nhược ngọa tằm” (Lông mày như con tằm nằm ngang). Cụ Đào Duy Anh giải thích:

“2. Cũng có nghĩa là lông mày rậm, tướng mạo của người trượng phu. Có lẽ theo câu “my nhược ngọa tằm” của sách tướng, nghĩa là lông mày giống con tằm nằm. (Từ điển đã dẫn, trang 236, 237). Hà Nội, 24/4/2011.

 

QUAN ĐIỂM CỦA NHÓM SÁNG LẬP

NHỮNG BẤT CẬP NỘI TẠI CỦA CÁCH HIỂU "NÉT NGÀI" LÀ MÀY NGÀI

A. Về ngữ nghĩa trong từ điển.

Giả sử chữ ngài trong từ điển Tứ Hải của Trung Quốc mà ông An Chi cung cấp cho chúng ta biết:

"Nét ngài chính là nét lông mày và tiếng ngài dùng để chỉ lông mày trong ngôn ngữ của Nguyễn Du cũng giống như chữ nga (= con ngài) có thể dùng một mình thay cho hai chữ nga mi (= mày ngài) trong tiếng Hán."

* Chúng tôi chỉ giả sử là vì có thể cần phân biệt cách hành văn, diễn văn của ngôn ngữ Việt (chữ Nôm) liệu có đồng nhất hay khác biệt với cách diễn văn trong tiếng Hán.

Câu thơ trên được viết và hiểu cụ thể như sau:

Thúy Vân có: (tạm hiểu và giả định)

1- Nét con ngài nở nang. 2 - Nét mày ngài nở nang.

Tạm thời chúng tôi không xét cách hiểu của nghĩa 1 - nét con ngài trong đề mục này. Chúng tôi sẽ trở lại cách hiểu này trong đề mục sau.

Chúng tôi xét nghĩa 2 - nét mày ngài nở nang.

Thúy Vân có: nét mày ngài nở nang.

a. Nếu chúng ta hiểu Thúy Vân có dáng vẻ (nét dáng) của cái "mày ngài nở nang" tức là dáng vẻ của Thúy Vân có cái dáng vẻ của chiếc "mày ngài" thì thật là bí lối và không thể.

b. Nếu chúng ta hiểu Thúy Vân có "cái mày ngài" mà cái mày ngài ấy có nét nở nang thì cũng bí lối và câu từ trở nên lộn xộn vì từ "nét" trở nên vô nghĩa và thừa. Đơn giản câu thơ sẽ được viết là: Thúy Vân có - mày ngài nở nang là đủ và không cần dùng từ "nét"

c. Nếu chúng ta hiểu cái "mày ngài" của Thúy Vân là một "nét" nhằm hiểu là thanh mảnh, đậm sắc thì lại mâu thuẫn với từ "nở nang".

Nếu chúng ta chấp nhận hiểu từ "nét" không theo nghĩa thanh mảnh, đậm sắc và từ "nở nang" giải nghĩa cho cái nét đó là thế nào? Điều này cũng giống như cái nét chữ, đường nét trong thư pháp, có nét gãy khúc, có nét đậm, nhạt, có nét khô cứng, có nét tròn trịa, có nét nở nang. Cách hiểu này tạm chấp nhận được nhưng trái với thẩm mỹ về cái đẹp của người con gái. Mặt khác, khi sử dụng hình ảnh "mày ngài" là một giá trị thẩm mỹ - cái đẹp, thì việc mô tả thêm cái đẹp đó có hình dạng như thế nào? Tính chất ra sao? (để nhằm khẳng định thêm cái vẻ đẹp) lại là bất cập và là thao tác thừa.

B. Chú giải theo hướng căn cứ vào điển tích hay trong sách mà ai đó đã dùng tương tự:

Trở lại với chú giải theo hướng điển tích như Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1925) thì câu “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” là xuất phát từ câu văn trong sách Tướng Thư: “Diện như mãn nguyệt mi nhược ngọa tàm 滿 : mặt như mặt trăng tròn mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây nói cái tướng phúc hậu của cô Vân” hay những câu đại loại tương tự như Kinh Thi, có câu: “Đầu như đầu con tần, lông mày như râu con ngài”...

Chúng ta lưu ý, các câu trong điển tích hay Kinh Thi đều là những câu rất chuẩn mực, tức là đều có danh từ đứng làm chủ từ: diện (mặt), mi (lông mày), đều để câu thơ được hiểu rõ ràng.

Còn trong câu thơ của Nguyễn Du không có từ diện, mày, mặc dù cũng có trăng, có ngài. Điều đó, cũng giống như chúng ta có vật liệu là những viên gạch, viên đá (trăng, khuôn, ngài), nếu chúng ta có vữa (diện, mày) thì chúng ta sẽ xây được bức tường. Còn nếu không có vữa thì chúng ta chỉ xếp gạch, đá thành đống, thành kiêu gạch mà thôi, không thể xếp gạch, đá thành bức tường được. Còn nếu các viên gạch vật liệu ấy được kết dính không phải vữa mà là xi măng, sắt thép (chủ từ là vẻ trang trọng khác vời của Thúy Vân...) thì chúng ta lại có một khối bê tông chứ không phải bức tường (tức là chúng ta có nội dung câu thơ khác hẳn). Chúng tôi lưu ý rằng, từ khuôn trăng của Nguyễn Du cũng có thể hiểu một cách khác, không có nghĩa là khuôn mặt. Các chú thích phổ biến trong Truyện Kiều chỉ là cách gợi cho chúng ta cảm giác và liên tưởng tới việc Nguyễn Du đang tả khuôn mặt của Thúy Vân mà thôi. Cách hiểu dựa trên các dẫn giải chú thích chưa hẳn đã chính xác trên văn bản Truyện Kiều. Trên thực tế văn bản Truyện Kiều, Nguyễn Du đâu có thiếu từ "mặt" hay "mày" để miêu tả Kim Trọng, Hồ Tôn Hiến hay Thúy Kiều (Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày; Nhăn mày rơi châu; Liễu tan tác mày; Mày xanh trăng mới in ngần...) và sử dụng trong câu này để câu thơ trở nên rõ ràng.

Điều chúng tôi phân tích trên đây cũng giống như trường hợp Nguyễn Du tả về Thúy Kiều: Làn thu thủy, nét xuân sơn thường được các nhà chú thích Truyện Kiều chú thích và đưa ra những câu như sau:

Ý cả câu: mắt sáng trong như nước hồ mùa thu, lông mày thanh thanh như dáng núi mùa Xuân. (?)

Bài thơ đề Mỹ Nhân Đồ của Viên Giác đời Nguyên có câu: "Vọng hạnh mâu ngưng thu thủy, Ỷ sầu mi thốc xuân sơn" (khóe mắt đẹp đang ngóng trông, như đọng làn nước mùa thu; lông mày buồn trĩu xuống như núi xuân chụm lại). Bài thơ Đường Nhi Ca của Lý Hạ đời Đường có câu: "Nhất song đồng nhãn tiễn thu thủy". (Một cặp mắt như cắt vào nước mùa thu). Bản N5: "Nhãn quang thu thủy, mi đạm xuân sơn" (Mắt sáng như nước thu, mày thanh đạm như núi xuân).

Điều này có nghĩa rằng, tuy cùng lấy làn nước mùa Thu, lấy núi Xuân làm chất liệu cho nội dung, nhưng Nguyễn Du không dùng từ mắt, mày làm chủ từ thì có nghĩa là Nguyễn Du tả một vấn đề khác. Nội dung những câu này như thế nào, chúng tôi sẽ trở lại trong mục sau.

 C. Xu hướng xác lập cách hiểu bằng việc hoán đổi từ "nét" thành từ "mày" .

Việc này, tuy trên phương diện ngôn ngữ không có xác quyết chính xác nào từ các học giả nghiên cứu Truyện Kiều vì từ nét và từ mày có ngữ nghĩa khác hẳn nhau, có nội hàm và ngoại diên hoàn toàn khác nhau nhưng được xác lập trên cách hiểu nội dung những câu thơ liên quan đến từ nét ở một số câu như:

Nét ngài: (20) được hiểu là mày ngài.

Nét xuân sơn: (Làn thu thủy, nét xuân sơn) Được hiểu là lông mày thanh như dáng núi Xuân.

Nét nguyệt: (Dường chau nét nguyệt dường phai vẻ hồng). Chau nét nguyệt được hiểu là chau mày (Đào Duy Anh chú thích - Truyện Kiều XBVH.1982)

Nét ngài: Khi khóe hạnh, khi nét ngài - "Khi nét ngài" được hiểu là chau mày, hoặc nhíu mày. Trong khi đó, những câu như nét hoa, nét Thu, nét buồn, nét vẽ... lại được hiểu một cách khác, một nội dung khác không phải là mày hoặc lông mày. Mà đúng ra, theo logic trên bạn đọc phải được quyền hiểu là mày hoa, mày Thu, mày buồn, mày vẽ...

Điều đó cho thấy những bất cập khi xác lập cách hiểu từ nét hoán đổi sang từ mày hoặc lông mày.

Một số bài nghiên cứu lập luận rằng: Nguyễn Du đã bằng cách biến cái toàn thể (mày) thành ra bộ phận (nét) là nhằm hiệp vần theo khổ thơ và lại gợi ra được vẻ thanh tú của nữ giới thì về nguyên tắc, Nguyễn Du cũng không phải trường hợp ngoại lệ khi sử dụng ngôn từ buộc phải giải thích (bằng cách nào đó trên văn bản) để người đọc hiểu cái mày của Thúy Vân được coi như là một nét (mà cái nét đó như thế nào đó). Nếu không giải thích trên văn bản thì việc hoán đổi từ mày thành từ nét trong trường hợp này tức là phép đánh tráo luận đề. Vì trên thực tế, về mặt ngữ nghĩa của ngôn từ chưa có một học giả biên soạn từ điển nào giải thích nghĩa từ nét có mục nét là mày, hay mày, lông màynét. Việc này cũng giống như ta nhận xét: tòa nhà cao tầng này như chiếc đũa cắm trên đất. Nhưng không thể nói ngược lại chiếc đũa là tòa nhà để nói rằng - chiếc đũa cắm trên đất mà người nghe có thể hiểu là tòa nhà cắm trên đất nếu không giải thích tòa nhà được coi như chiếc đũa.  

Trên văn bản Truyện Kiều không có một chữ nào để giải thích cả cái mày ngài được coi là một nét, Nguyễn Du chỉ viết là nét ngài chứ không phải mày ngài hay nét mày ngài để ta có thể hiểu như trường hợp giả sử trên.

Bây giờ, chúng ta giả thiết rằng trong một không gian khác, một câu chuyện khác giống như những bộ phim viễn tưởng của Mỹ, rằng:

Có một loài người ngoài hành tinh, họ cũng có ngôn ngữ như chúng ta, họ có trí tuệ phát triển quá cao đến mức duy lý, ít có cảm xúc vui buồn, yêu, ghét... cuộc sống của họ trở nên xơ cứng, khô khan (Họ và chúng ta cũng giống như người lớn với trẻ con. Người lớn vì từng trải nên mất dần tính hồn nhiên, nhạy cảm). Họ thấp bé và khuôn mặt của họ không hề có lông mày. Cho nên, họ thèm khát dáng vẻ của con người, họ thèm khát đôi lông mày của con người, họ thèm khát tính cách đặc trưng của loài người (hồn nhiên hơn so với họ) là biết vui, buồn, khóc, cười, biết thổ lộ cảm xúc của mình bằng lời nói, biết yêu đương... Những đặc điểm đặc trưng trên của con người là giá trị thẩm mỹ đối với họ (Cũng giống như chúng ta - con người, thèm khát một vẻ thẩm mỹ nào đó của con ngài - con bướm). Giả sử rằng, có một nhà văn của họ cũng viết như Nguyễn Du về cô gái của họ:

Vân  xem trang trong khác vời, Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang.

Vậy, trong trường hợp này, ta hiểu nét người là mày người, hay nét dáng, bộ dạng con người hay nét tính cách của con người được thể hiện ra ngoài qua bộ dạng, dáng vẻ? Và ta có thể hoán đổi, thay từ nét bằng từ mày và ngược lại có được không?

Một số ý kiến cho rằng, Nguyễn Du đã khổ tâm lựa chọn từ nét thay cho từ mày để tả về đôi lông mày của Thúy Vân để tạo ra cái đặc trưng riêng khác với cái mày ngài của mấy ả giang hồ thì điều này dẫn tới việc Nguyễn Du tự mâu thuẫn khi lại để cho Tú Bà dạy Thúy Kiều: Khi khóe hạnh, khi nét ngài.

Nếu hiểu nét ngài là mày ngài (ở trong câu này) thì rõ ràng Thúy Kiều cũng có nét ngài, các ả giang hồ cũng có nét ngài như Vân. Việc đó, cũng có nghĩa là Nguyễn Du cũng chẳng cần phải tả Thúy Kiều có nét xuân sơn khác với Thúy Vân làm gì.

Những ý kiến cho rằng: nghĩa của từ "nở nang" còn có nghĩa là đẹp, là tươi tốt nhằm khẳng định logic của câu thơ là Thúy Vân có mày ngài đẹp, tươi tốt thì cái giá trị thẩm mỹ của mày ngài - đẹp bị phủ nhận. Điều đó có nghĩa là người con gái khác cũng có mày ngài nhưng không tươi tốt, không đẹp như Thúy Vân. Như vậy, Nguyễn Du không cần viết mày ngài của Thúy Vân tươi tốt, đẹp mà chỉ cần viết đôi lông mày của Thúy Vân đẹp, tươi tốt, tươi tắn là đủ và không cần dùng hình ảnh mày ngài (đã bao hàm cái đẹp).

Tóm lại:

Khi chúng ta cho rằng nét ngàimày ngài hay là nét mày ngài thì dù bất cứ phương diện nào cũng đầy rẫy những mâu thuẫn nội tại như trên.

Vậy, hãy xem xét nét ngài trong câu thơ của Nguyễn Du đúng nghĩa với nét ngài chứ không phải mày ngài hay nét mày ngài để hiểu là mày, lông mày. Tức là chúng ta cần xem xét nghĩa 1 (đã nói trên) theo đúng nghĩa đơn giản mà Nguyễn Du đã dùng: - nét của con ngài nở nang.

Còn việc hiểu nét ngài là như thế nào thì chúng ta cần phần tích logic tổng thể khi Nguyễn Du tả về chị em Thúy Kiều và Thúy Vân chứ không thể tách riêng một câu thơ hay dựa trên các điển tích, kinh thi khi một ai đó dùng tương tự những chất liệu thiên nhiên trong câu thơ Nguyễn Du viết để gán ghép rằng Nguyễn Du tả về khuôn mặt của Thúy Vân và Thúy Kiều, mà cụ thể là khuôn mặt, lông mày và ánh mắt.

Hãy hiểu nghĩa nét ngài trong câu này đơn giản là: nét của con ngài - mà con ngài đó nở nang.
HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.