ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC
(của nhóm sáng lập: TS. PHAN TỬ PHÙNG, HỒ NGỌC MINH, TRẦN
ĐÌNH TUẤN)
Truyện Kiều là kiệt tác văn học của Việt Nam, là thi phẩm
hội tụ đầy đủ tinh hoa của ngôn ngữ Việt, là tác phẩm văn học tiêu biểu cho
trình độ phát triển rực rỡ của tiếng Việt. Truyện Kiều ảnh hưởng sâu sắc đến
mọi mặt của đời sống văn học nghệ thuật và văn hoá xã hội của đất nước. Đã có
rất nhiều bài viết, bài nghiên cứu rất đa dạng về Truyện Kiều, hình thành một
đội ngũ những người có danh xưng là nhà Kiều học và một ngành khoa học nghiên
cứu Truyện Kiều gọi là ngành Kiều học. Và cho đến nay vẫn liên tục xuất hiện
các nghiên cứu mới và những phát hiện mới giá trị, tôn vinh tinh hoa văn hóa
Việt Nam.
Do vậy, chúng tôi thành lập tủ sách "Trăm năm" lấy
tên theo hai chữ mở đầu Truyện Kiều nhằm đăng tải các bài viết về Truyện Kiều
và Nguyễn Du mà tác giả là những người yêu mến Truyện Kiều, yêu mến Nguyễn Du
nói riêng và văn hóa, văn học Việt Nam nói chung để giao lưu về mọi vấn đề mà
họ quan tâm, muốn biết, muốn hỏi, muốn trao đổi, tranh luận về Truyện Kiều, về
Nguyễn Du nhằm phát lộ mọi giá trị tinh hoa về văn học nghệ thuật và về văn hóa
xã hội kết tinh, hội tụ trong Truyện Kiều. Ngoài ra, sách còn giới thiệu các
bài viết đặc sắc về phong tục, văn chương, nghệ thuật trong nước và thế giới.
Với dung lượng trên dưới 100 trang mỗi tập sách khổ 16x24
(cm) sẽ ra mắt đọc giả đều đặn, đăng tải các bài phân tích, bình luận nhiều
chiều, nhiều mặt, nhiều vấn đề của Truyện Kiều, từ ngữ nghĩa đến nội dung chú
giải các câu chữ Truyện Kiều nhằm dần tìm đến sự đồng thuận về một bản Truyện
Kiều chính thức quốc gia (bản Quốc ngữ, bản chú giải).
Hy vọng bộ sách sẽ là diễn đàn để chúng ta học tập, tìm hiểu
và phát hiện, đưa ra phát kiến mới về Truyện Kiều - tinh hoa văn học Việt Nam,
và về Nguyễn Du - một nhà thơ, một nhà ngôn ngữ thuần Việt thiên tài, một nhà
văn hóa hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực Triết học, Triết lý dân gian, Tâm lý
học, Ngôn ngữ, Khoa học về tình yêu, Tình dục và Kiến trúc...
Kết cấu nội dung tủ sách gồm các mục chính:
Chủ điểm tranh luận theo kỳ. Phục nguyên một bản Kiều Nôm.
Hoàn chỉnh một bản Kiều - Quốc ngữ. Chữ nghĩa Truyện Kiều (TK) cần nhiều người
tranh luận. Bình giảng TK. TK với phong tục. Ngôn ngữ TK với thành ngữ, Đường
thi. Học tập, thống kê ngôn ngữ TK. Điển tích, điển cố TK. Phê bình và bảo vệ
TK. Nghệ thuật, thi pháp TK. TK so sánh. Bình Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, bói
Kiều, đố Kiều... Hỏi, đáp TK... và các vấn đề văn hóa, phong tục, văn chương,
nghệ thuật khác.
Chủ trương xuyên suốt của chúng tôi là tuyển chọn và giới
thiệu các bài viết về văn chương, thơ, các bài nghiên cứu đặc sắc về Nguyễn Du
và Truyện Kiều của các tác giả đã xuất bản mà chúng tôi sưu tầm được, nhằm bảo
tồn, lưu giữ, giới thiệu thêm cho bạn đọc theo chủ đề và làm phong phú thêm kho
tàng văn hóa Việt Nam.
Rất mong các Quý tác giả ủng hộ và liên lạc với chúng tôi để
có thể nhận sách biếu.
CHỦ ĐIỂM TRANH LUẬN
VẺ ĐẸP CỦA
THÚY KIỀU VÀ THÚY VÂN
Phụ trách chủ điểm: Trần Đình Tuấn
Vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân được Nguyễn Du
trình bày rất ngắn gọn, cô đọng trong chỉ mấy dòng thơ, làm nảy sinh các tranh
luận về tiêu chí cái đẹp, về ngôn từ miêu tả giữa các nhà chú giải chữ nghĩa,
bình giải Truyện Kiều và bạn đọc lâu nay mà chưa có hồi kết với một cách hiểu
thống nhất.
Số lượng các bài viết, nghiên cứu về vấn đề này rất nhiều,
đến mức có thể trình bày tính lịch sử của nó. Tuy nhiên, từ khóa chính cho vấn
đề này nằm ở hai chữ nét ngài trong câu tả về vẻ đẹp của Thúy Vân:
Khuôn trăng đầy đặn,
nét ngài nở nang
Từ đó, có thể giải nghĩa luôn cho vẻ đẹp của Thúy Kiều.
Để có thể tổng kết sơ bộ các vấn đề được phân tích trong một
số lượng khổng lồ các bài nghiên cứu, chúng tôi xin đăng lại một vài bài có
tính chất đại diện cho việc tổng kết hay nghiên cứu chiều sâu. Đây là những bài
viết mà có thể ai đó trong chúng ta đã đọc nhưng khi đọc lại thì tính sâu sắc,
hấp dẫn vẫn còn nguyên. Điều đó có thể được hiểu là các bài viết này có tương
đối đầy đủ các tư liệu, dữ liệu để bạn đọc tiện tra cứu khi chúng tôi đề xuất
cơ sở lý luận và những kiến giải mới cho cách hiểu vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều
và Thúy Vân.
TƯ LIỆU CƠ SỞ - NHỮNG BÀI NGHIÊN CỨU, TỔNG
KẾT CÓ TÍNH CHẤT ĐẠI DIỆN
Bài 1: VỀ TỪ "NGÀI" TRONG CÂU THƠ
"TRUYỆN KIỀU" - NGUYỄN THIỆN CHÍ
Truyện Kiều là một kiệt tác, là “quyển sách một ngàn tâm
trạng”(1).
Từ ngữ trong Truyện Kiều là những viên ngọc quý lấp lánh
nhiều mầu sắc. Song, hiểu thật thấu đáo, thật chính xác chữ nghĩa Truyện Kiều
không phải là điều dễ dàng. Đã có hàng chục bài viết tranh luận xung quanh từ
gươm đàn trong “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” mà vẫn chưa ngã ngũ v.v...
So sánh các bản Truyện Kiều đã xuất bản, ta thấy nhiều từ
trong một số câu thơ có sự khác nhau. Thẩm định từ nào đúng với bản gốc, đúng
với ý định sáng tác của thi hào Nguyễn Du, đúng với ý nghĩa câu văn, quả thật
không đơn giản. Ở đây có vấn đề liên quan đến công tác văn bản học, đòi hỏi sự
nghiên cứu phải thật khoa học và hết sức công phu. Khó khăn hiện nay như ta đều
biết, là chưa tìm được bản chữ Nôm do chính Nguyễn Du viết. Một khó khăn nữa
nằm trong chính đặc thù của chữ Nôm (một chữ có nhiều cách đọc, một âm có nhiều
chữ viết khác nhau).
Bài viết này chỉ xin đề cập từ “ngài” trong câu thơ:
Vân xem trang trọng
khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn,
nét ngài nở nang.
(Từ điển Truyện Kiều, câu 20 - Đào Duy Anh)
Câu thơ trên, tác giả giới thiệu cho ta vẻ đẹp ngoại hình
của Thúy Vân. Đọc qua câu thơ, ai cũng có ngay cái ấn tượng là Thúy Vân đẹp,
song điều cần suy nghĩ sâu thêm là Thúy Vân đẹp như thế nào qua câu “Khuôn
trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”.
Trước đây và hiện nay có những cách hiểu khác nhau ở vế cuối
câu thơ: “nét ngài nở nang”. Thiết tưởng việc tìm hiểu, lý giải từ ngài này cho
thật chính xác, thật khoa học là một việc làm cần thiết. Từ ngài trong câu thơ
trên đã được các nhà nghiên cứu nghĩa giải như sau, xin dẫn ra đây 5 trường hợp
tiêu biểu:
1. Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo và chú
thích (in lần thứ nhất vào năm 1925):
“Ngài lấy từ điển tích Tướng thư: Diện như mãn nguyệt, my
nhược ngọa tầm = mặt như mặt trăng tròn, mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây
là nói về cái tướng phúc hậu của cô Thúy Vân”
2. Truyện Kiều do Nguyễn Văn Hoàn biên soạn, chú thích, nhân
dịp kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh Nguyễn Du, 1965, giải thích:
“nét ngài: nét lông mày. Ngài: con ngài, tức con bướm tằm, ở
đầu nó có hai cái râu dài, thanh, cong cong hình bán nguyệt. Lông mày người con
gái trông giống cái râu dài, nên người ta thường tả là mày ngài”.
3. Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích,
1972:
“Nét ngài: ngài tức con bướm tằm. Đây nói nét ngài là bởi
chữ tầm my (mày tằm) hay ngọa tầm my (mày tằm nằm) = nét lông mày cong, đậm mà
thanh, chỉ lông mày đẹp nói chung. Xem các câu 927, 1213, 2167. Câu này tả cái
vẻ đẹp phúc hậu của Thúy Vân”.
4. Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh, 1974, giải
nghĩa:
“nét ngài: nét lông mày. X. mày ngài. Vd.Nét ngài nở nang.
Ngài: thứ bướm do con tằm hóa ra; cũng chỉ con tằm, tỉ dụ lông mày. Vd. Nét
ngài nở nang 20, 927, 1213, 2167, 2274”.
5. Kiều - Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H. 1979 (Văn bản cơ sở và
chú giải Đào Duy Anh. Tham gia hiệu đính: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan
Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Tuấn Đô) giải thích:
“nét ngài nở nang: chỉ nét lông mày nhỏ mà dài như râu con
ngài (nga my) là tướng đàn bà nhiều phúc về đường con cái”.
Trên đây, chúng tôi trích nguyên văn cách giải thích từ nét
ngài của các nhà nghiên cứu, các học giả tiêu biểu qua 5 bản Truyện Kiều đã
xuất bản theo thứ tự thời gian. Tựu chung lại, có hai cách lý giải chính:
- Về cách lý giải “lông mày giống như con tằm” (Bùi Kỷ và
Trần Trọng Kim, còn Đào Duy Anh giải thích nước đôi). Theo ước lệ phong kiến,
khi tả về người con gái đẹp, thường là tả sự thanh mảnh, đường nét không có gì
thô, từ vóc dáng, đi đứng, cử chỉ, nói năng, đến các bộ phận cơ thể và tay
chân, lông mày… cũng vậy. Lông mày phải là lông mày lá liễu mới đẹp, lông mày
như con tằm nằm ngang không thể là lông mày của người con gái đẹp được (câu
20). Còn lông mày như hình con tằm hoặc hình chữ nhất thường dành để tả đối với
những bậc nam nhi tài học tuấn tú.
Trong Truyện Kiều có tất cả 5 trường hợp tác giả dùng từ
“ngài” như sau:
Câu 20: như trên đã dẫn.
Câu 927: Bên thì mấy ả mày ngài, - Bên thì ngồi bốn
năm người làng chơi.
Câu 1213: Khi khóe hạnh, khi nét ngài, - Khi ngâm
ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.
Câu 2167: Râu hùm, hàm én, mày ngài, - Vai năm tấc
rộng, thân mười thước cao
Câu 2274: Rỡ mình lạ vẻ cân đai, - Hãy còn hàm én mày
ngài như xưa.
Nếu giải thích lông mày Thúy Vân giống như hình con tằm, như
vậy sẽ đồng nhất lông mày Thúy Vân với lông mày của Từ Hải và hạng đàn bàn đĩ
điếm.
Mày ngài (câu 2167) chú thích của Thạch Giang là “lông mày
to đậm như con tằm là tướng người anh hùng. Xem câu 2274” và chú thích Kiều của
nhóm Đào Duy Anh, Thế Lữ, Xuân Diệu: “Mày ngài: khác với mày ngài ở câu 927, ở
đây có lẽ là theo câu “my nhược ngọa tầm”, lông mày giống như con tằm nằm, của
sách tướng xưa, chỉ lông mày to rậm”. Như vậy, rõ ràng lông mày của Thúy Vân
không thể nào giống với lông mày của một võ tướng như Từ Hải được.
Vấn đề này còn lại là lông mày của Thúy Vân có giống với
lông mày ở câu 927 và 1213 không? Không thể nào giống được. Vì lông mày to rậm
là thể hiện hạng đàn bà giang hồ, chỉ “ả gái điếm”, lông mày của Thúy Vân, con
gái nhà khuê các làm sao có thể giống với lông mày của loại đàn bà con gái ăn
chơi đàng điếm đĩ thõa được. Vậy nét ngài trong “nét ngài nở nang” không thể
hiểu là nét lông mày như con tằm nằm ngang được.
- Về cách lý giải “lông mày Thúy Vân giống như cái râu con
tằm đã hóa bướm, có đường nét cong, thanh thanh hình bán nguyệt” (chú giải của
Nguyễn Văn Hoàn, Thạch Giang, nhóm nhiều tác giả và phần nào trong Từ điển
Truyện Kiều):
Thoạt nghe qua, cách giải thích này có thể chấp nhận được,
đúng là lông mày người con gái đẹp theo quan niệm thời phong kiến. Ngày nay
cũng vậy, các cô gái trang điểm thường phải nhổ tỉa lông mày nếu lỡ may trời
đất sinh ra mình lông mày quá to hoặc rậm. Vì rằng lông mày to rậm là xấu xí,
các vị tướng số chỉ nhìn qua đã kết luận ngay là hạng con gái đàn bà dâm đãng.
Cách chú giải này cũng phân biệt được với nghĩa của từ ngài trong câu 927
"mấy ả mày ngài” và câu 2167 “râu hùm hàm én mày ngài.”
Song, điều đáng phân vân, khó lý giải ở đây là nét ngài kết
hợp với nở nang, có hiện tượng mâu thuẫn về ngữ nghĩa.
“Nở nang”: Từ điển Việt - Pháp, Génibrel giải thích là “s’ouvrir,
s’épanouir, se ditater” tức là nở ra, to ra, xòe ra, loe ra làm thành to mập
mạp hẳn lên. Đã là nét lông mày cong, dài, thanh như râu con bướm tằm thì không
thể nào to, mập mạp được, sự kết hợp ngữ nghĩa “nét ngài + nở nang” trở nên khó
hiểu. Chắc rằng Nguyễn Du, bậc thiên tài gọt giũa từ ngữ, câu văn không thể có
sự sơ xuất như vậy được.
Như vậy, nét ngài ở câu trên không thể hiểu là lông mày
giống như hình cái râu con tằm đã hóa bướm. Thế thì, nét ngài trong nét ngài nở
nang nên hiểu theo nghĩa nào cho phù hợp với ngữ cảnh? Có thể hiểu theo một
nghĩa khác. Ở đây “ngài” tức là “người”, nét ngài nở nang nghĩa là nét người nở
nang. Có 3 căn cứ sau đây:
a. Về mặt văn bản học: trong nhiều bản Kiều chép bằng chữ
Nôm, đều viết “ngài” và “người” như nhau: 圤
hoặc 圡. Bản Kiều của Abel des
Michels, Paris, Ernest Leroux éditeur, 1884, câu: Vân xem trang trọng khác vời,
Tư phong đầy đặn nét ngài nở nang. Chữ ngài viết là 圡.
Bản Kim Vân Kiều tân truyện, Phúc Văn Đường tàng bản, Khải Định Mậu Ngọ (1918),
quý đông tân san, cũng câu trên: Vân xem trang trọng khác vời, Khuôn trăng đầy
đặn nét ngài nở nang. Chữ ngài viết là 圤.
Ở nhiều bản Kiều , “người” đều viết là 圤
hoặc 圡 . Ví dụ: Trăm năm trong cõi
người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Hay mỗi người mỗi vẻ… Đáng chú ý
là bản Kiều quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký (Poeme Kim Vân Kiều truyện, PJB Trương
Vĩnh Ký, Sài Gòn, bản in nhà nước, 1875) viết: Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở
nang. Như vậy, về chữ viết thời bấy giờ, “ngài” và “người” viết giống nhau. Mãi
về sau mới có sự phân biệt trên văn tự ngài được viết có bộ trùng ở bên:猉.
b. Về bản thân tác giả: Quê quán Nguyễn Du ở làng Tiên Điền,
huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh (nay thuộc Nghệ Tĩnh). Ở Nghệ Tĩnh, cho đến nay, từ
lớp người trung niên đến người già đều gọi người là ngài trong những trường hợp
như: mấy ngài (mấy người); hai ba ngài (hai ba người); con ngài (con người)
v.v… Đây là hiện tượng biến thể ngữ âm, có thể tìm thấy khá phổ biến ở phương
ngữ Nghệ Tĩnh. Không riêng gì trường hợp ngài - người, mà xảy ra hàng loạt các
từ khác, không riêng gì nguyên âm đôi ươ / wә / thành nguyên âm đơn a / я / mà
xảy ra ở một số nguyên âm đôi khác. Có thể so sánh: Ngôn ngữ phổ thông: Nguyên
âm đôi uô/ uo; Nguyên âm đôi âu / ∂u; Nguyên âm đôi ươ / шә. Phương ngữ Nghệ
Tĩnh: Nguyên âm đơn /o/ つ / nuốt;
Nguyên âm đơn /u/u/; Nguyên âm đơn a/ я /. Thí dụ: hạt lúa - hạt ló, đau ruột -
đau rọt lời - nót lời, ruộng muối - rọng mói cậu (em của mẹ) - cụ, mua dầu -
mua dù quả bầu - quả bù, nước sâu - nước su lửa - lả, ngứa - ngá, nứa - ná uống
nước - uống nác, cái lưỡi - cái lãi tấm lưới - tấm lái, con người - con ngài.
Đây là hiện tượng biến thể ngữ âm lịch sử (3)
c. Về mặt gieo vần: Một vấn đề đáng lưu ý về mặt gieo vần
trong Truyện Kiều, nếu chỉ xét riêng cặp câu lục và câu bát gieo vần với nhau,
qua thống kê của chúng tôi, kết quả như sau: ơi gieo vần với ươi: 43 lần ơi -
ơi: 35 lần ơi - ai: 13 lần ơi - ôi: 12 lần ơi - oai: 3 lần ơi - ui: 1 lần.
Như vậy, tần số gieo vần giữa ơi và ươi chiếm tỉ lệ cao
nhất. Phân tích ở bình diện ngữ âm học, hiện tượng gieo vần giữa câu lục vời và
câu bát người thuận hơn và xuôi tai hơn.
d.Về quy tắc kết hợp và ngữ nghĩa: từ “nét” cuối thế kỷ
XVIII đến đầu thế kỷ XIX, bên cạnh nghĩa “đường, vạch bằng bút” (ví dụ: nét
gạch, nét bút), “nét” còn có nghĩa “dáng vẻ, kiểu”. Trong Truyện Kiều, qua
thống kê, chúng tôi thấy khả năng kết hợp của từ “nét” khá phong phú: nét bút,
nét hoa, nét nguyệt, nét xuân sơn, nét thu, nét vàng, nét liễu, nét buồn. Trong
cung oán ngâm khúc có dùng “nét ngọc” (Tỏ mờ nét ngọc, lập lòe vẻ son). Từ điển
Génibrel (1884) có ghi hẳn thành tổ hợp: Nét người nở nang và giải thích: “Ses
traits sont d’une beauté parfaite; c’est un fort belhomme = là con người đẹp,
khỏe mạnh”.
Như vậy: nét người nở nang tức dáng người nở nang, vóc người
nở nang. Về hình tượng nhân vật, Nguyễn Du tuy tả hai chị em Kiều đều đẹp,
nhưng vẻ đẹp của Thúy Kiều quá “sắc sảo”, khiến tạo hóa cũng phải ghen tức, báo
hiệu một điều chẳng lành cho cuộc đời Thúy Kiều về sau. Còn cái đẹp của Thúy
Vân là cái đẹp của con người vô tư, phúc hậu, tạo hóa phải chịu nhượng bộ, cho
nên cuộc đời của Thúy Vân xuôi chiều, êm ả. Vì vậy, nếu nét ngài nở nang là nét
lông mày nở nang thì e rằng không hợp với ý đồ thể hiện con người phúc hậu của
Thúy Vân. Không phải không có lý khi Trương Vĩnh Ký phiên Nôm thành nét người
nở nang. Như vậy, theo chúng tôi, câu thơ trên nên viết là: Vân xem trang trọng
khác vời, Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang.
Chú thích:
(1) Dẫn lời Phan Ngọc: “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong
Truyện Kiều”.
(2) Gái mày ngài, Femmes aux sourcils de ngài. Les Femes de
mauvaise vie ont coutume de donner à leurs sourcils une certaine ressemblance
avec cet aniamal (Như vậy, gái mày giống như hình con tằm là để chỉ hạng người
con gái không ra gì - N.T.C. Theo Từ điển Việt - Pháp, J.F.M. Génibrel Saigon,
1898.
(3) Xem thêm Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất
nước, tr.197./.
(Theo Tạp Chí
Hán Nôm). Xin xem tiếp Bài 2.