Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Sách

TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN
TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
11.12.2013 23:17:08

Hình minh họa

Bài 11: Lời giới thiệu:

Vietnamsuhoc.com xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" của TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN (HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM) do nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành. Vietnamsuhoc.com nghĩ rằng đây là cuốn sách với nội dung mang tính nghiêm chỉnh của việc nghiên cứu "văn học", tuy khi đọc ta chỉ tấy những ý nghĩ thật đơn giản, thật bình dân, nhưng qua cách suy luận mang tính lý luận cao có thể làm người đọc hiểu ra "vấn đề" chính xác hơn về "ý lớn" của người xưa...

Bài 11

Tiếp theo Bài 10 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

3. CÁCH DÙNG SỐ DIỄN ĐẠT SỰ VIỆC PHÁT TRIỂN, TĂNG TIẾN HAY KHÁC BIỆT.

Trên nguyên tắc số 3 là sự đủ, số 2 là số ít, chưa đủ nhưng so với 1 thì số 2 đã có biến chuyển về mặt lượng cũng như chất. Do đó, để diễn tả một sự việc phát triển từng bước thì chỉ dùng số 1.

Trong trường hợp chỉ sự khác biệt, Nguyễn Du dùng theo thể thức một - một như sau:

Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười

hay: một người một vẻ

Một dầy một mỏng biết là có nên

Chỉ sự tăng tiến như:

Ngại ngùng một bước một xa

Đêm thu một khắc một chày

Một dây một buộc ai giằng cho ra?

...

4. CÁCH DIỄN ĐẠT SỰ VIỆC THEO PHẦN VỚI SỐ VẸN TOÀN

Để biểu diễn số 10, người ta phải lấy số lớn nhất (9) thêm số nhỏ nhất (số khởi, số 1) là vẹn toàn (10). Đếm từ 1 đến vẹn toàn rồi lại quay trở về 1. Đó là hệ đếm thập phân.

Do đó, để chia phần (hoặc phân) của một sự việc người ta quy chuẩn việc chia thành 10. Từ đó cách nói phần (phân) xuất hiện. Việc chia phần chỉ áp dụng cho sự việc, sự vật không thể áp dụng cho người (vì người mà chia ra làm 10 phần thì không còn là người) nên xuất hiện cách nói "Nhân vô thập toàn".

Với cách nói theo phần:

Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.

Để chỉ số ít thì dùng một, vài hoặc 4 phần (phân) không dùng số 3 và 5. Bởi đặc trưng số 3 như các phân tích trên và số 5 là số phải đếm mới biết và đạt đến 5 thì người ta dùng mẫu câu "phân nửa" hoặc "nửa phân".

Để chỉ sự toàn vẹn thì người ta dùng mười phần, vẹn mười, đủ mười...

Lưu ý: Cách dùng nói chia phần không phải cách nói số thập phân như ta dùng ngày nay. Xưa không có cách nói hai phần mười hoặc tám phần mười.

Nguyễn Du đã dùng trong Truyện Kiều: mười phân vẹn mười, mười phần xuân, hơn mười rằm xưa, bằng mười phụ nhau, đã phỉ mười nguyền, rõ mười chẳng ngoa, mười phân hồ đồ, gấp mười quan san, một tỉnh mười mê, thêm vì mười phân...

5. VIỆC GẢ BÁN THÚY KIỀU

A. TỪ "VÂNG" HAY TỪ "VÀNG".

Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vâng (vàng) ngoài bốn trăm.

Một thực tế là trên văn bản Truyện Kiều, khi Nguyễn Du tả về cuộc thương thảo giá cả trong việc "gả bán" Thúy Kiều đã đưa ra con số 400 mà sau đó không hề cho biết đơn vị của nó là gì? là quan tiền, lạng bạc, lạng vàng, hay thóc gạo...Vì lẽ đó mà người đọc ngày nay khó hiểu, người quả quyết rằng là bạc và dẫn chứng đủ lý lẽ trong lịch sử thời Thúy Kiều chi tiêu bằng bạc; người yêu mến Kiều nhất mực khăng khăng phải là "vàng" thì quí giá hơn và được giá hơn. Mặt khác, các bản Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm thì dùng từ "vâng" trước số 400. Còn bản dịch quốc ngữ phổ biến (không rõ lý do) lại đổi thành "vàng" như muốn chỉ rõ đơn vị của số 400 vậy. Do đó, sự phổ biến số lượng nhiều bản quốc ngữ lại càng làm người đọc sau này tin rằng: giá Thúy Kiều là vàng ngoài 400 (mà thực tế là đồng cân hay lạng cũng không rõ) và đinh ninh là 400 lạng vàng.

Do đó, khi chỉnh sửa lại sách giáo khoa từ "vàng" thành "vâng", các nhà biên soạn sách giáo khoa đã làm buồn lòng bao thế hệ đọc giả.

NGUYỄN DU SẼ GIẬN

(Dân trí) - Lâu nay, SGK ở các bậc học đưa đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Truyện Kiều vào học thì hai câu thơ: “Cò kè bớt một thêm hai. Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” như đã nhập tâm bao thế hệ thầy và trò; thế nhưng SGK lớp 9 mới, đưa đoạn trích này vào lại thay từ “vàng” thành từ “vâng”…

...“Cò kè bớt một thêm hai. Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm” (SGK – Ngữ văn 9, tập 1, trang 98) không những tạo ra thành một sự khập khễnh về nội dung, giảm đi giá trị thẩm mỹ không chỉ của hai câu thơ mà cả đoạn thơ.

Vâng chính là sự đồng ý. Nếu đã có sự đồng ý rồi thì làm gì có từ ngã giá. Ngã giá là đưa ra cái giá mà hai bên đều thỏa thuận, chấp nhận được, có nghĩa là đồng ý. Nên đã dùng từ vâng mà còn dùng từ ngã giá thì thừa, tối nghĩa mà bậc đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du thì không thể nào dùng lặp từ cùng nghĩa trong một câu thơ như thế. Nếu giả sử vâng là từ sử dụng cho bên bán, ngã giá dùng cho bên mua thì trong câu thơ này phải có dấu chấm hoặc dấu chấm phẩy để phân biệt bên bán bên mua:

“Giờ lâu ngã giá. Vâng ngoài bốn trăm”.

Việc dùng từ vâng ở đây là không hợp mà phải dùng từ vàng. Chỉ dùng từ vàng mới đúng bản chất của việc mua bán, bản chất con buôn của Mã Giám Sinh là “Cò kè bớt một thêm hai”. Mỗi từ ngữ, đều được Nguyễn Du đặt trong từng văn cảnh cụ thể đã góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung của Truyện Kiều, cho nên hậu thế chúng ta không thể vì lý do gì mà sửa từ của Cụ được, sửa từ của một tác phẩm văn học làm rạng danh cho dân tộc ta từ khi mới ra đời cho đến nay. Vậy nên hãy để từ vàng trong Truyện Kiều theo mãi cùng năm tháng.

Nguyễn Văn Tú

(Trường THCS Hòa Nhơn - Hòa Vang – TP. Đà Nẵng).

Nguồn: Dantri.com.vn

 

NÊN BIẾT CHỮ NÔM ĐỂ HIỂU ĐƯỢC NỀN VĂN HỌC CỔ

Học giả Nguyễn Quảng Tuân là tác giả của hơn bốn mươi đầu sách biên khảo về cổ văn, đặc biệt là về Truyện Kiều. Ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm tư gia của “nhà Kiều học” này là sách. Sách bày la liệt trên bàn, nêm cứng trên kệ, lèn chặt trong tủ. Không đủ chỗ chứa, sách được đóng thùng chất trên gác xép, xếp lớp dưới gậm giường, tràn ra ngoài phía cửa.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi lại bắt đầu từ câu chuyện về chữ Nôm. Ông nói:

Đến giờ vẫn chưa tìm được di tích hoặc tư liệu chính xác nào để giải quyết được thời điểm sáng tạo ra chữ Nôm. Cứ theo sử chép thì vào cuối thế kỷ thứ VIII (791), Phùng Hưng mới nổi lên đánh đuổi quan đô hộ Cao Chính Bình nên được dân chúng tôn là Bố Cái Đại Vương. Hai chữ “Bố Cái” là tiếng Nôm nên có thể chữ Nôm đã có từ thời đó. Đến thế kỷ thứ XIV (triều Trần) và thế kỷ thứ XV (triều Lê - đời Hồng Đức) thì chữ Nôm mới được dùng để làm thơ văn. Đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX) thì chữ Nôm đã trở nên phổ biến hơn.

* Đàn ông chớ kể Phan Trần/Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều. Văn học cổ của chúng ta chủ yếu được lưu truyền qua hình thức truyền khẩu, nên rất dễ xảy ra tình trạng “tam sao thất bản”?

- Hình thức truyền khẩu là “dưỡng khí” của văn học cổ. Hầu hết các tác phẩm văn học cổ của tiền nhân không được in ra vào thời tác giả đang sống. Những bản cổ văn tìm được đều ở dạng chép tay, một phần do nhiều người không đọc được chữ Nôm, nhất là nữ giới, do không được đi học. Thế nhưng, chính các cụ bà lại thường ngâm Kiều để ru con ru cháu.

Chẳng hạn, Trăm năm trong cõi người ta/... Những điều trông thấy đã đau đớn lòng

 nhưng chữ “đã” trong bản gốc khó ngâm, nên dân gian thay bằng chữ “mà”. Tương tự, "Chữ tình chữ hiếu bên nào nặng hơn" được đổi thành "Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn". Như vậy, đóng góp của dân gian vào Truyện Kiều không chỉ giữ được ngữ nghĩa, mà còn khiến câu thơ thêm mượt mà, chau chuốt.

* Nhưng học thuật luôn đòi hỏi sự chính xác?

- Bởi vậy, nên những bản Nôm chúng tôi phiên âm đều có thêm phần khảo dị để đính chính những sai lầm. Thí dụ: Các bản Nôm đều khắc: "Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm", nhưng có một số bản quốc ngữ đã chép sai là: "Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm", kể cả bản của cụ Đào Duy Anh. (Đây là sai vì ở mục từ trong Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh vẫn ghi là “vâng”, nhưng ở văn bản lại chép là “vàng”).

* Những phát hiện từ giới nghiên cứu đã đóng góp không nhỏ vào quá trình bảo tồn văn học Nôm. Thực tế, những người biết chữ Nôm ngày càng ít so với những người biết chữ Hán. Phải chăng việc không hiểu chữ Nôm khiến chúng ta bị “ngắt quãng” đi một dòng văn học cổ cũng như các thư tịch được ghi chép bằng chữ Nôm?

- Vâng. Đúng là như vậy. Nên biết chữ Nôm để hiểu được nền văn học cổ.

Trích bài phỏng vấn của Thượng Tùng trong Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần.

...VÂNG NGOÀI BỐN TRĂM

Sách giáo khoa văn học gần đây đưa ra câu: “Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm”. Vâng, đúng là có nhiều bản Nôm cổ chép là vâng, chữ khẩu đi bên cạnh chữ bang, đọc là vâng. Còn vàng thì viết chữ hoàng, kim bên cạnh. Lâu nay ta đọc theo cách đọc: Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm. Bốn trăm lạng vàng cho một cuộc bán mình cứu cha của Kiều. Anh bạn tôi, người phụ trách sách giáo khoa, bằng nhiều lý lẽ, cho vâng là đúng, là hay; kể cả đối chiếu với Thanh Tâm Tài Nhân và biết rằng thời ấy người ta dùng bạc để trả giá, không dùng vàng. Vâng, đồng ý với giá bốn trăm lạng bạc. Nhưng nghĩ lại, có điều lấn cấn: cụ Tiên Điền viết văn Kiều cho người Nam đọc, theo cái cách nghĩ, cái tâm thức Việt: quý như vàng. Nàng Kiều tuyệt sắc của ta phải bán bốn trăm lạng vàng, mới là Kiều - còn 400 lạng bạc thì hơi yếu, nó có làm “giảm giá” Kiều đi đấy. Vả lại, về âm vận, vàng là một âm trầm, bình thanh đi sau một âm bổng, khứ thanh (giá) sẽ tốt hơn vâng, một âm bổng, bình thanh (giọng ngang). Nhưng nhất là vâng, nói như một giáo sư cũng soạn sách giáo khoa, nó thụ động quá!

GS. Mai Quốc Liên

Trích trong bài: "Lênh đênh chữ nghĩa Truyện Kiều". Nguồn LĐCN

Theo quan điểm chúng tôi, việc các nhà biên soạn sách giáo khoa sửa lại từ "vàng" thành "vâng" là hoàn toàn chính xác vì cần có sự thống nhất, logic nội dung văn bản Truyện Kiều. (mặc dù với thế hệ chúng tôi chia tay với từ "vàng" là một điều rất buồn và không dễ). Nguyên đoạn việc gả bán như sau (643-649):

Rằng: -“Mua ngọc đến Lam kiều,

“Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”

Mối rằng: -“Giá đáng nghìn vàng,

“Rớp nhà nhờ lượng người thương dám nài.”

Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm.

Câu: Giá đáng nghìn vàng là cách nói số nhiều không xác định được và quý giá như vàng. Nếu chúng ta thừa nhận Kiều được bán với giá theo vàng mức 400 (có thể là lạng hoặc đồng cân) ở câu sau, tức là thừa nhận câu giá đáng nghìn vàng là 1000 vàng thật, không phải là câu mang tính ước lệ. Và như vậy, trên toàn văn bản Truyện Kiều thì tất cả các câu mang tính ước lệ về sự quý báu như vàng sẽ trở thành câu xác định và bằng vàng thật, ví dụ như "Thề hoa chưa ráo chén vàng" là chén vàng thật. Và đó là sự phi lý, mâu thuẫn.

Mặt khác, trên văn bản Nguyễn Du không hề viết sau số 400 là đơn vị nào vàng, bạc, quan tiền, và không có định lượng đơn vị của chúng như lạng, đồng cân...

Thêm nữa, từ "vâng" không chỉ là câu diễn đạt sự đồng ý mà là câu cảm thán chỉ sự đành chấp nhận từ bên phía cò kè, còn nếu hiểu với bên bán thì là từ cảm thán với nghĩa cực chẳng đã, đành vậy.

B. NGUYỄN DU CÓ NÓI CÁI GIÁ CỤ THỂ CỦA KIỀU HAY KHÔNG?

Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm

Lâu nay với cách hiểu phổ biến rằng giá của Kiều là 400, chỉ còn vấn đề gây tranh cãi là vàng, hay bạc, hay quan tiền. Nếu là vàng thì là lạng (đồng cân - 8 lạng= nửa cân) và nếu là bạc thì là lạng.

Chúng tôi đồng ý rằng, Nguyễn Du đã mô tả cuộc ngã giá của việc "gả bán" đó là trị giá của Sính nghi - đồ lễ hay tiền dẫn cưới.

Nhưng vì sau số 400, Nguyễn Du không hề cho biết đơn vị (lạng) và loại tiền vàng, bạc, hay quan tiền. Nguyễn Du chỉ cho biết mốc giới số 400. Nên việc chúng ta áp đặt cho đơn vị của số 400 là không chính xác, là phép suy diễn ngoài văn bản và thiếu thuyết phục. Mặc dù, theo lời họ Chung "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi" (tức là đã nhắc đến từ lạng chỉ giá trị tiêu dùng) và Mã Giám Sinh thì nói "Hẳn ba trăm lạng kém đâu" (cũng dùng từ lạng chỉ giá trị tiêu dùng).

Do đó, có thể khẳng định rằng:

Nguyễn Du đã không nói cái giá cụ thể của Kiều mà dùng cách nói số, diễn đạt số trong dân gian để mô tả việc gả bán Thúy Kiều của gia đình Vương ông.

Điều này là sự tế nhị của Nguyễn Du - người đặt cả tâm hồn thương cảm Kiều vào ngòi bút như câu "Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay" nên chỉ mô tả sơ qua việc bán, mua và không muốn làm tăng thêm vết thương lòng của Thúy Kiều nên để cho Chung ông và Mã Giám Sinh nói lên giá trị (lạng) tiêu dùng trong xã hội vì rằng cái giá bán Kiều cũng chẳng phải mấu chốt để làm thay đổi các sự kiện, diễn tiến trong Truyện Kiều.

Vì lẽ đó, nên Nguyễn Du đã sử dụng cách nói số 3-4 trong dân gian để mô tả lướt qua việc gả bán Thúy Kiều với sự thỏa thuận là con số ước lệ, không phải số thực.

C. MẪU THỨC NÓI SỐ 3-4 VỚI VIỆC GẢ BÁN THÚY KIỀU.

Như đã phân tích trong nguyên lý số và trong các trương mục trên, số 3 là sự đủ tối thiểu của một vấn đề nội dung. Mặt khác, số 3, số 4 là bằng trực quan con người có thể nhận biết, còn số lớn hơn là 5 thì phải đếm mới biết. Do đó, trong cách diễn đạt số cho một vấn đề, một nội dung, trong dân gian Việt Nam có cách diễn đạt sử dụng số 3 - 4 như sau:

Ba bề bốn bên: bao quát hết không gian.

Ba chân bốn cẳng: cuống quýt, vội vã

Ba mồm bốn miệng: liến thoắng, nói nhiều.

Trong các thành ngữ trên, số 3 diễn đạt sự đủ của không gian, của sự cuống quýt, của việc liến thoắng, nói nhiều. Còn chức năng số 4 chỉ có tác dụng nhấn mạnh sự đủ đó (bằng cảm giác, trực quan).

Đối với vấn đề giá cả, số lượng thì cách diễn đạt này ít tồn lưu trong thành ngữ mà chủ yếu thịnh hành trong cách diễn đạt cửa miệng hằng ngày mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ví dụ: cái áo đó chỉ khoảng ba, bốn trăm tiền (đơn vị tiêu dùng) thôi, hoặc anh để lại cho tôi ba, bốn cái...là đủ. Tuy nhiên, cũng thi thoảng có những bài ca dao dùng số 3, 300 ước lệ theo giá cả như sau:

Ba đồng một mớ (chục) đàn ông

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha

Ba trăm một mụ đàn bà

Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi

Nguyễn Du đã triển khai mẫu thức 3-4 từ trong dân gian đến thơ ca như thế nào?

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: "Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần." (2782) . Cũng như phân tích mẫu thức 3-4 nói trên, dặn dò 3 lần đã là đủ, nhưng ba bốn lần cho thấy dặn dò cẩn thận, kỹ lưỡng.

Trong bài "Độc tiểu thanh ký" đoạn kết, Nguyễn Du viết:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

(Ba trăm năm nữa nào biết được

Thiên hạ ai người khóc Tố Như.)

Ở đây, dưới góc độ nói số: 300 năm không phải là số lượng năm mà là 3 x 100 năm. Trong đó 100 năm = đời người. Số 3 là để diễn đạt sự đủ của đời người. Như vậy, câu thơ trên đơn giản được hiểu là: Những đời sau nào ai biết được, Thiên hạ ai người khóc Tố Như.

Nếu hiểu 300 năm là chỉ số lượng năm thì không đúng hàm ý câu thơ muốn nói - mãi mãi về sau.

Còn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dùng số 300 (lạng) để diễn đạt sự đủ cho việc chạy cửa quan thông qua lời Chung ông. Cấu trúc số 300 này chỉ đơn giản là 3 x 100 (số ước lệ cho số nhiều). Và như thế, số 300 hàm ý rất nhiều (3 cái nhiều). Đơn vị lạng Nguyễn Du cũng không cần phải chi tiết là lạng gì? Vàng hay bạc? Vì lạng cũng đủ diễn đạt đơn vị tiêu dùng.

Chúng ta lưu ý một chi tiết, Tú Bà trả công cho Sở Khanh là 30 lạng cũng hàm ý sự đủ chi trả để thỏa mãn cho Sở Khanh. Vì 30 là 3 x 10 trong đó số 3 là sự đủ, số 10 ước lệ cho sự thỏa mãn. Nên 30 lạng đủ thỏa mãn cho Sở Khanh.

Như vậy, trong cuộc thương thảo về các hạng mục "sính nghi" mặc dù phía Mã Giám Sinh đã cò kè bớt 1 điều khoản lớn này, tăng 2 mục nhỏ kia (thủ đoạn thương thảo của con buôn nhằm giảm giá trị mua bán) cuối cùng cũng vẫn phải đành chấp nhận chi trả đủ cho việc gia biến của gia đình Vương ông với khoảng 300 - 400 (lạng). Con số ước lệ 300 là chi trả đủ việc cửa quan, số 400 (4x100) là nhấn mạnh đủ chi trả cho gia biến của Vương ông. Do đó, Nguyễn Du viết:

Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm

mà sau số 400 hoàn toàn có thể không cần dùng đến đơn vị như lạng chỉ ra là vàng hay bạc vì 400 là số ước lệ.

Cho nên đối với Mã Giám Sinh thì số tiền chi phí mua Kiều (Hẳn ba trăm lạng kém đâu) cũng chỉ cần nói là 300 lạng là con số ước lệ chỉ sự đủ chi phí mua Kiều chứ không phải là số lượng tiền thật. Nên không có sự mâu thuẫn giữa cách nói 400 của Nguyễn Du và lời Mã Giám Sinh nói 300 lạng.

Trong một số bản Truyện Kiều khác như N4, Qn1 câu: Hẳn ba trăm lạng kém đâu được chép là: Ba bốn trăm lạng thử đâu cũng không nằm ngoài cách diễn đạt tính chất ước lệ  của chi phí cho sự đủ mua, chứ không phải số tiền thật. Về mặt câu chữ thì dùng như bản N4, Qn1 là hợp lý hơn.

Tóm lại:

Nguyễn Du không hề nói đến giá bán cụ thể của Thúy Kiều là bao tiền, vàng hay bạc mà Nguyễn Du chỉ mô tả lại cuộc thương thảo "sính nghi", gả bán Thúy Kiều của gia đình Vương ông mà thôi.

Việc mô tả trên được dùng thông qua cách diễn đạt số ước lệ trong dân gian để nói Mã Giám Sinh đã chi trả đủ cơn gia biến nhà Vương ông.

(Xin xem tiếp Bài 12 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")
HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.