Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Sách

TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN
TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
11.12.2013 19:16:31

Hình ghi sự so sánh của các nhân vật: Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải về Thúy Kiều

Bài 7: Lời giới thiệu:

Vietnamsuhoc.com xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" của TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN (HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM) do nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành. Vietnamsuhoc.com nghĩ rằng đây là cuốn sách với nội dung mang tính nghiêm chỉnh của việc nghiên cứu "văn học", tuy khi đọc ta chỉ tấy những ý nghĩ thật đơn giản, thật bình dân, nhưng qua cách suy luận mang tính lý luận cao có thể làm người đọc hiểu ra "vấn đề" chính xác hơn về "ý lớn" của người xưa...

 


Bài 7

Tiếp theo Bài 6 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

KẾT LUẬN:

Cái hoàn cảnh và tình thế như vậy, đối với thiếp, cho dù thế nào thì vẫn là cái thân phận thế rồi, chỉ sợ hỏng cái danh giá của chàng (1358-1359)

“Lại càng dơ dáng dại hình,

“Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng.

Vậy nên:

“Thương sao cho vẹn thì thương,

“Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng.”

Trước sự phân tích rạch ròi, sắc sảo của Thúy Kiều, Thúc Sinh chỉ sợ Thúy Kiều từ chối và cho rằng những điều nàng nói là do còn nghi nghờ lòng chàng nên trấn an nàng bằng những lời kể ra cũng đao to búa lớn (1364), (1366)

"Trăm điều hãy cứ trông vào một ta"

"Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều"

Nhưng Thúy Kiều vẫn không an tâm nên "Cùng nhau căn vặn đến điều" vì vậy, Thúc Sinh buộc phải thề độc để thể hiện quyết tâm lấy Kiều. (1368)

"Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời"

Chúng ta lưu ý, đây là câu Thúc Sinh thề với Thúy Kiều chứ không phải hai người cùng thề lấy nhau vì trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đã thề hẹn ước Kim Trọng (đã là lời thề thì chỉ có một lần và duy nhất).

+ Cố gắng đối mặt với hoàn cảnh

Như chúng ta đã biết, Thúc Sinh mượn thầy thợ toan tính và chi tiền để chuộc Thúy Kiều ra khỏi chốn lầu xanh. Tưởng mọi sự đã an bài, nhưng diễn biến thực tế xảy ra đúng như những điều Thúy Kiều tiên liệu, căn vặn Thúc Sinh. Bố Thúc Sinh không thể đồng ý với cuộc hôn nhân này nên đẩy Thúc Sinh và Thúy Kiều ra cửa quan. Ở cửa quan, Thúy Kiều nhất mực không chịu con đường quay về lầu xanh, chấp nhận hình phạt đau đớn. Lúc này, Thúc Sinh mới thấm, mới nhận ra cái sự thông minh sắc sảo của Thúy Kiều nên vô cùng ân hận. Sự hối hận kịp thời của Thúc Sinh khi nhận lỗi trước cửa quan là dịp may cho Thúy Kiều tự giải cứu mình và cứu vãn được cuộc hôn nhân. Qua lời Thúc Sinh, Phủ đường phần nào nhận ra cái tình bên trong chuyện "trăng hoa" (trai gái đĩ bợm) là cái biết phân biệt phải trái của Thúy Kiều (1447-1448)

Rằng: -“Như hẳn có thế thì,

“Trăng hoa song cũng thị phi biết điều.”

Qua cơ hội đó, nhờ tài thơ xuất chúng của Thúy Kiều, Phủ đường nhận ra cái phẩm chất tài năng hiếm có, cái biết điều phải trái của Kiều hẳn không thể là cái ở nơi phường lầu xanh nên phân xử cho Kiều theo "Tình", mà xem nhẹ phần "Lý". Qua đó, Thúc ông "Thôi cũng dẹp lời phong ba" mà "Thương vì hạnh, trọng vì tài".

Những tưởng việc đau lòng xảy ra ở cửa quan, Thúc Sinh đã nhận thức ra những điều căn vặn, phân tích sâu sắc của Thúy Kiều về những tình huống có thể xảy đến khi Thúc Sinh quyết bề lấy Kiều. Nhưng không! Thúc Sinh chẳng mảy may toan tính, lưu tâm mặc dù Thúy Kiều đã phân tích hết điều cho Thúc Sinh trước khi về thăm vợ cả (1510-1514)

“Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.

“Dù khi sóng gió bất bình,

“Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.

“Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,

“Lại mang những việc tầy trời đến sau."

Việc Thúc Sinh không nói thẳng, nói thật với Hoạn Thư nên càng đẩy Hoạn Thư vào nỗi phẫn uất, căm tức nên "Lửa tâm càng dập càng nồng" mặc dù trong thâm tâm Hoạn Thư có thể thông cảm, tha thứ và sẵn lòng làm vợ cả, sẵn lòng bao dung để giữ lấy nền nếp gia đình (1538-1542)

Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa:

“Ví bằng thú thật cùng ta,

“Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.

“Dại chi chẳng  giữ lấy nền,

“Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.

Cho nên, quan hệ tay ba Thúc Sinh - Hoạn Thư - Thúy Kiều dẫn đến chiều hướng xấu bởi đòn ghen - "giấm chua" của Hoạn Thư. Mặc dù Hoạn Thư đã nghe Thúy Kiều đàn mà động lòng thương cảm một tài năng nên cũng bớt đe nẹt, làm khó Thúy Kiều nhưng cũng không thể dừng lại những đòn ghen độc địa.

Thế mới biết: Giấm chua dập 3 lửa nồng - tắt ngay!

Trong khuôn khổ mục này, chúng tôi chỉ đi sâu phân tích cái phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" diễn biến, phát triển theo cuộc đời long đong, chìm nổi của Thúy Kiều.

Có thể tóm lại quan hệ Thúc Sinh và Thúy Kiều mấy điểm chính như sau:

- Thúc Sinh là người đam mê nhan sắc Thúy Kiều, tìm mọi cách để sở hữu cái nhan sắc đó. Mặt khác, Thúc Sinh là người không đủ khả năng để nhìn nhận phẩm chất tài năng cũng như phẩm chất thông minh sắc sảo của Thúy Kiều.

- Thúc Sinh là người yêu chân thành, chân tình song lại yếu đuối, không đủ trí lực để bảo vệ và xây dựng cuộc sống với Thúy Kiều, là người ỷ lại và buông xuôi.

- Thúy Kiều cảm nhận được tấm chân tình của Thúc Sinh và cũng đã chấp nhận, bằng lòng theo Thúc Sinh để giải thoát mình khỏi chốn lầu xanh.

Thúy Kiều đã cố gắng đấu tranh, suy tính mọi bề để xây dựng cuộc sống với Thúc Sinh, đã cố gắng làm hết trách nhiệm và phần việc của mình nhưng không được sự hỗ trợ và cố gắng của Thúc sinh nên đành chấp nhận ly tán.

Quan hệ tay ba Thúc Sinh - Hoạn Thư - Thúy Kiều đáng lẽ ra là có thể tồn tại vì xã hội vẫn thừa nhận song tan vỡ do chính sự kém cỏi, nhu nhược, buông xuôi của Thúc Sinh. (Thúy Kiều và Hoạn Thư là đàn bà nên thấu hiểu điều này, vì vậy mà trong buổi trả oán Thúy Kiều đã tha bổng cho Hoạn Thư).

Như vậy, từ một cô gái đẹp mới nhớn có tài, có phẩm chất tâm hồn trong sáng, đoan chính và thông minh sắc sảo trong quan hệ với Kim Trọng, sau thời gian lưu lạc đầy cay đắng đã phát triển các yếu tố "nghiêng nước nghiêng thành" trong quan hệ với Thúc Sinh lên một tầm cao mới:

+ Vẻ đẹp cơ thể: trong con mắt Thúc Sinh

"Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên"

Ở đầu truyện hay trong quan hệ với Kim Trọng, vẻ đẹp Thúy Kiều tuy cũng là trời cho nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Du chỉ là cái vẻ bên ngoài, cái vẻ đẹp chung chung chứ không cụ thể và chi tiết như trong quan hệ này.

+ Tài năng: Tài thơ và tài đàn xuất chúng đã được xã hội thừa nhận (ở Phủ đường và trước Hoạn Thư) nhưng Thúc Sinh không cảm thụ được tài năng này.

+ Thông minh sắc sảo: Thúy Kiều đã biết tiên liệu trước mọi việc, hiểu người, hiểu hoàn cảnh, tình thế tuy đã tự cứu mình ở Phủ đường, cứu vãn cuộc hôn nhân với Thúc Sinh nhưng chưa vươn tới tầm ảnh hưởng xã hội như tài thơ, đàn.

Thúc Sinh tuy có phần nào nhận ra phẩm chất này của Thúy Kiều, song Thúc Sinh không phải là người tài trí có thể nhận thức được sự sâu sắc của Thúy Kiều.

Do đó, ta có thể hiểu thủ pháp văn chương của Nguyễn Du đã dành tuyệt bút về nhan sắc Thúy Kiều trong mắt Thúc Sinh - một người háo sắc.

Mặt khác, Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy cái tài năng của Thúy Kiều được phát lộ, xuất chúng ảnh hưởng ra ngoài xã hội. Còn sự thông minh sắc sảo đã phát triển, nhen nhóm.

3. Từ Hải.

Trước khi quan hệ với Từ Hải, Kiều đã cố gắng tự giải thoát mình ra khỏi lầu xanh 2 lần:

- Lần 1: trao gửi thân phận vào Sở Khanh khi hắn làm ra vẻ là người nghĩa khí sẵn sàng cứu giúp nàng bằng bất cứ giá nào "Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!". Khi Kiều hỏi cứu nàng bằng cách nào thì Sở Khanh nói rằng hắn có ngựa truy phong và tên vệ sĩ sẽ giúp nàng "Tẩu" (trốn đi) là kế hay nhất. Hắn cũng hứa nếu có vấn đề gì xảy ra, hắn sẽ ra tay giải quyết. Tuy nghe Sở Khanh nói có vẻ huênh hoang, nhưng không còn đường nào thoát thân khỏi lầu xanh, Kiều đành chấp nhận ( 1115-1116):

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu!

Kiều đã bị mắc mưu, nhục nhã ê chề và bị đòn đau buộc phải tiếp khách. Như vậy, không thể thoát khỏi lầu xanh bằng con đường bỏ trốn. Chỉ còn con đường mà theo lời hứa của Tú Bà là tìm mối gả (gả bán) cho.

Lần 2: trao gửi tấm thân vào Thúc Sinh, một người giàu có đủ tiền chuộc Thúy Kiều, nhưng đã có vợ và là một người yếu đuối, thiếu trí dũng.

Tuy đã thoát khỏi lầu xanh thành công, nhưng không thể giữ được cuộc sống gia đình vì Thúc Sinh yếu đuối, buông xuôi. Đường đời lưu lạc lại xô đẩy Kiều rơi vào lầu xanh lần nữa.

Vậy, muốn thoát khỏi lầu xanh lần 3 Kiều không thể bỏ trốn, lại phải chờ gặp được một người dang tay cứu vớt để chuộc nàng khỏi lầu xanh. Người đó, sẽ phải không có vợ hoặc nếu có vợ thì trí dũng phải hơn người, cụ thể là hơn Thúc Sinh.

Cho nên, mặc dù nổi tiếng xinh đẹp, thơ hay đàn giỏi không thiếu gì người dang tay cứu vớt nhưng Thúy Kiều phải cân nhắc, phải lựa chọn.

Khách lầu xanh liệu có mấy ai được như Thúc Sinh chứ chưa nói là còn phải có phẩm chất trí dũng hơn nữa?

Vì vậy, Thúy Kiều đang dần tuyệt vọng (2157-2164):

Hồng quân với khách hồng quần,

Đã xoay đến thế còn vần chưa tha:

“Lỡ từ lạc bước, bước ra,

Cái thân liệu những từ nhà liệu đi.

Đầu xanh đã tội tình gì,

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi!”

Biết thân tránh chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

- Thông minh sắc sảo

Thúy Kiều đã mệt mỏi tâm can, đành liều "mặt phấn" cho hết cái tuổi trẻ, mặc thời gian trôi lần lữa. Nhưng dịp may cũng tới khi Từ Hải xuất hiện. Chỉ cần nghe tiếng đồn thổi về Kiều, Từ Hải một người trí dũng có thừa đã hiểu ngay tấm lòng người con gái đẹp, tài năng là mẫu người mình tìm kiếm (2175-2176)

Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều.

Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.

Về mặt câu chữ thì chỉ có thể "nghe tiếng" nghe được điều nọ, điều kia...chứ không thể nghe được "tấm lòng". Nên chữ "tấm lòng" cho thấy Từ Hải đã phân tích những điều nghe được về Kiều, tuy vì cảnh ngộ phải làm gái lầu xanh, nhưng vì là con nhà nho, có học, đàn giỏi, thơ hay, nên trong cử chỉ hằng ngày vẫn biểu lộ được sự đoan chính, thanh cao căn bản.

Cho nên cái cách đến với Kiều, Từ đã nói thật lòng, thật dạ mà hẹn gặp, không phải là hạng người tìm thú vui chốc lát (2179-2180):

Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ,

Phải tuồng trăng gió vật vờ hay sao?”

Rồi cho biết là cũng đã nghe tiếng Kiều có ý xem thường đối với bọn khách làng chơi tầm thường (2181-2182):

Bấy lâu nghe tiếng má đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Và Từ Hải cũng đồng tình ngay với Kiều cho rằng hạng người tầm thường, sống trong vòng giam hãm câu thúc theo thói tục thì không đáng được lưu tâm. Nhưng cũng hàm ý chỉ họ Từ mới là hạng anh hùng hiếm có (2183-2184):

Một đời được mấy anh hùng,

Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!

Kiều là cô gái “Thông minh vốn sẵn tính trời”, nên biết ngay họ Từ quả đáng mặt anh hùng (2195-2198):

Thưa rằng:"Lượng cả bao dung

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.

Rộng thương cỏ nội hoa hèn

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau."

Từ Hải phục tài xét đoán của Kiều, mới gặp mà đã biết rõ tài chí của mình và coi nàng như người tri kỷ vì dám đoán anh hùng từ thuở hàn vi (2199-2224):

Nghe lời vừa ý gật đầu

Cười rằng: " Tri kỷ trước sau mấy người!

Khen cho con mắt tinh đời

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

Một lời đã biết đến ta

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!”

Và cứ thế, Từ Hải và Thúy Kiều "ý hợp tâm đầu" và thân thiết tự nhiên (2205-2206):

"Hai bên ý hợp tâm đầu

Khi thân, chẳng lọ là cầu mới thân"

Như vậy, Từ Hải với phẩm chất một "anh hùng" tìm gái "thuyền quyên" đã đến với "tấm lòng nhi nữ" của Thúy Kiều chứ không phải đến chốn lầu xanh để tìm gái đẹp, tìm các cuộc truy hoan đêm ngày như Thúc Sinh để thưởng thức lời thơ và tiếng đàn thỏa thú chơi bời trác táng. "Tấm lòng nhi nữ" là cái phẩm chất đạo đức đoan chính và phẩm chất thông minh sắc sảo sau khi vấp ngã với Thúc Sinh, quyết chí đánh liều với tuổi xuân nơi chốn bùn nhơ, quyết không theo hạng người tầm thường; là con mắt tinh đời để nhìn nhận phẩm chất anh hùng trong một con người giang hồ đang còn thuở hàn vi. Từ Hải đã tìm được người bạn đời thông minh sắc sảo để có thể "ý hợp tâm đầu" giãi bày, chia sẻ giấc mộng giang sơn, bốn bể.

Nói là làm, Từ Hải đã chuộc Thúy Kiều khỏi lầu xanh. Sống với Kiều "Nửa năm hương lửa đang nồng", sống với người vợ thông minh sắc sảo thôi thúc chí anh hùng nên Từ Hải đã "thoắt động lòng bốn phương" quyết chí lên đường lập nghiệp "Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng rong".

Phận gái theo chồng, phục vụ chồng, Kiều quyết xin đi theo. Từ Hải không nỡ để Kiều lao thân theo chốn dặm trường nên trách nhẹ (2219-2220):

Từ rằng: -“Tâm phúc tương tri,

“Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Đã biết lòng dạ nhau, hiểu nhau; nàng sắc sảo thế mà sao vẫn chưa thoát khỏi tình cảm thông thường của người con gái. Phải rắn rỏi lên chứ!

Rồi hứa rằng (2221-2228):

“Bao giờ mười vạn tinh binh,

“Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.

“Làm cho rõ mặt phi thường,

“Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

“Bằng nay bốn bể không nhà,

“Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

“Đành lòng chờ đó ít lâu,

“Chầy chăng là một năm sau, vội gì!”

Cái "nhà" để "rước nàng nghi gia" đối với Từ Hải là cái giang sơn thỏa chí vẫy vùng của một anh hùng "phi thường". Đúng như dự đoán và lời hứa “Chầy chăng là một năm sau, vội gì!”, Từ Hải thành công trở về đích thân đón Kiều tại đại bản doanh, vui mừng chia sẻ tâm sự (2273-2278):

Cười rằng: -“Cá nước duyên ưa,

“Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

“Anh hùng mới biết anh hùng,

“Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?”

Đúng là lời của những kẻ tri kỷ dành cho nhau, của những kẻ "ý hợp tâm đầu", của những kẻ không cầu mong, đợi chờ nhưng khi duyên nghiệp đến thì không thân quen cũng thành thân tình "Khi thân, chẳng lọ là cầu mới thân". Lời tâm sự như thầm cảm ơn, như thầm đánh giá vị trí, công lao của Kiều trong sự tác hợp vợ chồng "Cá nước duyên ưa" (tôi gặp em như cá gặp được nước); lời tâm sự như tôn vinh nhau rằng một bên là “anh hùng” mới có thể “biết anh hùng”, biết được những kẻ đồng cung điệu và có duyên nghiệp  với mình vậy "Anh hùng mới biết anh hùng, Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?".

Kiều ý nhị, nhún nhường, nhưng không quên khẳng định rằng đã biết chắc sẽ có ngày Từ Hải sẽ thành công như ngày hôm nay (2279-2282):

Nàng rằng: -“Chút phận ngây thơ,

“Cũng may dây cát được nhờ bóng cây.

“Đến bây giờ mới thấy đây,

“Mà lòng đã chắc những ngày một hai.”

(Những ngày một hai là những ngày đầu gian khó, là ngày chưa thành công).

Như vậy, Từ Hải đã hiểu "tấm lòng", đã thấy "con mắt tinh đời" của Thúy Kiều, đã biết vai trò của nàng "Cá nước duyên ưa", đã thấy chí "anh hùng" trong nàng, nên Từ Hải thông hiểu sự thông minh sắc sảo của Kiều đủ tư cách sánh đôi với mình và đủ giải quyết việc lớn. Vì thế, trong buổi báo ân, xử oán, Từ Hải để Thúy Kiều tự phân xử (2319-2320):

Từ rằng: -“Ân oán hai bên,

“Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh”.

Với tính cách khiêm tốn, nhún nhường, Thúy Kiều vẫn không dám nhận, chỉ xin Từ Hải báo ân cho thỏa đáng (cho phu) trước, trả thù sau (2321-2323):

Nàng rằng: -“Muôn cậy uy linh,

“Hãy xin báo đáp ân tình cho phu:

“Báo ân rồi sẽ trả thù.”

Nhưng một lần nữa, để khẳng định Thúy Kiều đủ năng lực và đủ tư cách phân xử (2324):

Từ rằng: -“Việc ấy phó cho mặc nàng."

Như vậy, với phẩm chất trí tuệ thông minh, sắc sảo của Thúy Kiều, Từ Hải đã tin tưởng, tôn trọng và từ đó cho phép nàng được bàn luận việc quân như mưu sĩ "Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn"(2456).

Thực ra, việc báo ân xử oán chưa phải đã đủ, đã hết vì còn thằng bán tơ, bọn sai nha, quan lại bất công với gia đình nàng, nhưng ở tít trời kia (Bắc Kinh) nên đối với Thúy Kiều ''Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng" (2420) còn phía Từ Hải đối với tình nghĩa vợ chồng, đối với người vợ đầy yêu thương và với trí anh hùng nên không chỉ thoả mãn với cuộc báo ân xử oán chưa trọn vẹn, chưa tận gốc (2433-2436):

“Xót nàng còn chút song thân,

“Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa.

“Sao cho muôn dặm một nhà,

“Cho người thấy mặt là ta cam lòng.”

Chúng ta lưu ý, việc Thúy Kiều là vợ Từ Hải, là vợ của một tướng giặc đối với triều đình thì việc trở về thăm quê nhà hay đoàn tụ là một việc không thể, không bao giờ có thể xảy ra. Cho nên, Từ Hải quyết định lập hội đồng để rửa sạch nỗi oan của Kiều, tức là phát động chiến tranh để giành toàn thiên hạ (2437-2438):

Vội truyền sửa tiệc quân trung,

Muôn binh nghìn tướng hội đồng tẩy oan.

Do đó, Hồ Tôn Hiến xuất hiện khi binh lực Từ Hải lớn mạnh "hùng cứ một phương hải tần" đã đưa quân đến chiêu an, sai quan thuyết hàng. Một mặt, sai người đem "lễ" thuyết phục Kiều.

Chúng tôi không xét việc binh thư, mưu kế, thủ đoạn của Hồ Tôn Hiến mà chỉ xét đến Thúy Kiều đã biến chuyển nhận thức thế nào về tình huống này hay xét đến cái phẩm chất thông minh sắc sảo của Thúy Kiều phát triển ra sao, trước một cuộc chiến tranh một mất, một còn trên quy mô lớn?

Phải thừa nhận rằng, Kiều đã ngây thơ trước lòng lang dạ thú của Hồ Tôn Hiến song nhận thức của nàng đã nâng lên một tầm cao mới, đó là nhận ra chân diện một cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhận ra ý nghĩa nhân đạo rằng chiến tranh đã cướp đi bao sinh linh vô tội (2489-2494):

Rằng: -“Trong Thánh trạch dồi dào,

“Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.

“Bình thành công đức bấy lâu,

“Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.

“Ngẫm từ dấy việc binh đao,

“Đống xương Vô định đã cao bằng đầu.

“Làm chi để tiếng về sau,

“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.

Nên Thúy Kiều đã quyết định khuyên Từ Hải đầu hàng. Chúng ta đã biết sự biến diễn ra thế nào. Có một điều rõ ràng là Thúy Kiều đã tự nhận tội lỗi giết chồng, nhưng nhận thức của nàng vẫn rất rạch ròi về chính nghĩa, về quốc gia trước khi quyết định gieo mình xuống dòng trường giang. Mặt khác, Thúy Kiều nhắc đến Hồ Tôn Hiến với cách gọi "Từ công" rất trang trọng và uy nghiêm. (2629-34):

Rằng: -“Từ công hậu đãi ta,

“Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.

“Giết chồng mà lại lấy chồng,

“Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời?”

“Thôi thì một thác cho rồi,

“Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.”

- Tài năng của Thúy Kiều

+ Tài đàn:

Mở tiệc hạ công (mừng công), Hồ Tôn Hiến đã bắt Kiều hầu tiệc, rồi khi chếch choáng men say đã bắt nàng hầu đàn.

Tiếng đàn ai oán, buồn thảm của Thúy Kiều lại vang lên (2569-2571):

Một cung gió thảm mưa sầu,

Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.

Ve ngâm vượn hót nào tày,

Bản đàn đã làm cho Hồ Tôn Hiến không thể kìm nén cảm xúc "Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày rơi châu." và "Nghe càng đắm, ngắm càng say," nên men tình trào dâng "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!" rồi buông lời lả lơi khéo đòi Thúy Kiều làm vợ (2581-2582):

Dạy rằng: -“Hương lửa ba sinh,

“Dây loan xin nối cầm lành cho ai!”

+ Tài thơ: Thúy Kiều đã viết lời tuyệt mệnh giã từ cõi đời.

Dưới đèn sẵn bức tiên hoa,

Một thiên tuyệt bút gọi là để sau.

Như vậy, Từ Hải một anh hùng chỉ đi tìm một người phụ nữ có tấm lòng đoan chính và thông minh sắc sảo để thúc đẩy mình lập nghiệp bá vương. Từ Hải không đến lầu xanh để tìm vui, tìm các cuộc truy hoan. Cho nên, dưới ngòi bút Nguyễn Du tuyệt nhiên không xuất hiện cảnh Thúy Kiều đàn và làm thơ cho Từ Hải vui thú vì điều đó Từ Hải không xem trọng.

Sự thông minh sắc sảo của Thúy Kiều phát triển và ảnh hưởng sâu rộng ra ngoài xã hội qua việc thúc đẩy Từ Hải lập nghiệp bá vương thành công (cá nước duyên ưa) và qua việc báo ân xử oán phân minh đến nhận thức được chính nghĩa quốc gia mà cứu muôn dân.

Bên cạnh đó, tài năng của Kiều cũng vẫn phát lộ ra xã hội qua tài đàn, tài thơ nhưng không được nhấn mạnh như sự thông minh sắc sảo.

Như vậy, ta có thể thấy rõ nét qua từng nhân vật chính ảnh hưởng đến cuộc đời Thúy Kiều mà 3 yếu tố cấu thành phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" tùy theo thiên hướng mỗi nhân vật mà bộc lộ, rồi các phẩm chất đó từng bước được nâng cao, ảnh hưởng tới đời sống xã hội.

Có thể tóm tắt phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" cùng với các nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải theo sơ đồ sau:

Bi kịch ở chỗ lúc Từ Hải chết thì Thúy Kiều chính thức bước lên ngôi "nghiêng nước nghiêng thành".

Có thể nói, lúc này Kiều khai lộ được chữ "Tâm". Thúy Kiều - một hiền tài

Bất giác làm chúng ta nhớ câu thơ của Nguyễn Gia Thiều:

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

(Cung oán ngâm khúc)

(Xin xem tiếp Bài 8 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")
HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.