Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Sách

TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN
TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
11.12.2013 16:29:13

Hình minh họa

Bài 1: Lời giới thiệu:

Vietnamsuhoc.com xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" của TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN (HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM) do nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành. Vietnamsuhoc.com nghĩ rằng đây là cuốn sách với nội dung mang tính nghiêm chỉnh của việc nghiên cứu "văn học", tuy khi đọc ta chỉ tấy những ý nghĩ thật đơn giản, thật bình dân, nhưng qua cách suy luận mang tính lý luận cao có thể làm người đọc hiểu ra "vấn đề" chính xác hơn về "ý lớn" của người xưa...

Vì là "sách" nên vietnamsuhoc.com phải "cắt

Bài 1

TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

 

TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN

HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM

 

LỜI BẠT 1

Cách nay gần 200 năm, một kiệt tác văn chương của Việt Nam bằng chữ Nôm là Truyện Kiều, đã đưa thi hào Nguyễn Du thành danh nhân văn hóa Thế giới. Nội dung truyện thơ, đã phác họa nên hình ảnh một xã hội mà bất cứ ai cũng thấy mình thấp thoáng trong đó. Phải chăng, đây là nguyên nhân làm cho Truyện Kiều được phổ biến rộng khắp trong dân gian trên đất Việt từ xa xưa đến nay và ngay cả trong thời đại của Xã hội Tri thức. Như vậy, không gian nhân học mà Truyện Kiều phản ánh đã trở thành vĩnh cửu. Truyện Kiều cũng được nhiều nhà nghiên cứu từ hàn lâm đến dân gian không dứt suy xét, bàn luận theo nhiều chiều khác nhau. Để một thoáng nhìn vào cái vĩnh cửu của không gian mà Truyện Kiều phản ánh, tác giả Trần Gia Anh – Trần Đình Tuấn đã hoát nhiên phát hiện ra một chiều đặc biệt của không gian này là chiều con số; một chiều mà xưa nay hầu như không mấy ai để tâm tới, mà nếu có thì đưa ra những nhận xét mơ hồ.  

Chiều con số trong không gian Truyện Kiều, được tác giả Trần Gia Anh - Trần Đình Tuấn biến thành phương tiện nhận thức để “cân, đo, đong, đếm” suy nghĩ của Nguyễn Du, khi thi hào phác họa nên các chiều của không gian Truyện Kiều.

Cuốn sách “Truyện Kiều dưới góc nhìn con số và thành ngữ số dân gian” phần nào cho những ai đi vào tầng không gian Truyện Kiều, có phương tiện để một thoáng nhìn vào vĩnh cửu.      

QUẢNG TUỆ BÙI BIÊN HÒA

 

LỜI BẠT 2

Tác giả cuốn sách này - Trần Đình Tuấn - là người bạn tri âm của tôi. Nhưng khi đọc xong cuốn sách này, tôi bỗng bàng hoàng vì thấy mình ngộ nhận. Những âm hưởng kỳ lạ của một cuộc phát hiện đầu tiên đầy tươi sáng, cô đơn và mạo hiểm khiến tôi thức tỉnh và nhận ra rằng mình chưa hiểu gì về người bạn tri âm này cả. Cho đến cực điểm của thời gian mà tình bạn của chúng tôi có thể lùi lại, giá trị của niềm say mê và mơ mộng không tên chính là cốt lõi (chứ không phải những nỗi thống khổ của cuộc đời mà chúng tôi cùng chia xẻ) thúc đẩy người bạn của tôi tìm thấy trí tuệ. Tác phẩm này là sản phẩm của lòng ước muốn thuần khiết chứ không phải là sản phẩm của cái cần thiết đời thường. Giấc mơ sáng tạo của người bạn tôi mạnh hơn tất cả những kinh nghiệm mà tôi biết được về người bạn của mình.

Sự sáng tạo của tác giả (trong cuốn sách này) không phải ở chỗ đề cập những điều mà người khác chưa nói đến, hoặc đã nói đến nhưng chưa thấu đáo hoặc sai. Cũng không hẳn là ở chỗ tác giả đưa ra một cách diễn giải mới mẻ đối với một tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Cái ý nghĩa đặc biệt của cuốn sách này, theo cách tôi cảm nhận và lắng nghe từ những âm thanh im lặng của người bạn mình, chính là ở chỗ nó lôi người ta ra khỏi cái không gian hạn hẹp, bí lối của tất cả những lĩnh vực mang tính cá thể, để bước vào một thế giới rộng lớn, bỏ lại đằng sau tất cả tính tạm thời và hữu hạn của những sự việc và con người cụ thể. Tôi sẽ cố gắng dẫn giải điều này một cách ngắn gọn nhất.

Con người - trong cái nghĩa viết hoa của nó - luôn có khát vọng hiểu biết về chính mình (nếu không muốn nói là khát vọng ghê gớm nhất). Tri thức về chính con người là tri thức quan trọng nhất, mà nếu thiếu nó, tri thức của con người về tất cả những thứ khác đều trở nên không hoàn hảo, thậm chí vô nghĩa. Nhưng cái tri thức về chính con người mà tác giả muốn nói đến ở đây không phải là cái thuộc về lĩnh vực sinh học, giải phẫu học hay tâm lý học. Cũng không phải là thế giới cảm giác, xúc cảm hay tình cảm. Mà đó chính là thế giới nhận thức của con người. Làm sao mà con người có được nhận thức và sự hiểu biết của mình? Một mặt chúng ta vẫn nói rất nhiều về bản chất của đời sống trí tuệ con người - rằng nó có thể biết tất cả. Nhưng khi câu hỏi là: bản chất của quá trình biết đó là gì? thì chính trí tuệ của chúng ta lại khó trả lời. Đây chính là cốt lõi của khoa học về bản chất con người - vì chính đời sống trí tuệ làm cho con người khác với tất cả những thực thể khác. Nhưng tri thức mà con người đạt được về chính mình (tức là về quá trình nhận thức) là những tri thức mang tính lịch sử. Điều này có nghĩa là: từ tất cả những dữ kiện lịch sử được mô tả một cách kinh nghiệm và trực quan trong Truyện Kiều, làm sao chúng ta biết được Nguyễn Du muốn biểu đạt tư tưởng và quan niệm gì? ( tức chính là quá trình nhận thức của bản thân Nguyễn Du). Chỉ có một cách duy nhất để có thể thực hiện điều này: nhà nghiên cứu cố gắng tái tạo lại quá trình tư duy của Nguyễn Du trong chính đầu óc của mình. Chỉ bằng cách như thế, chúng ta mới có thể nói rằng: chúng ta hiểu và biết Nguyễn Du muốn nói gì qua một hệ thống các từ ngữ. Chúng ta phải đặt mình vào chính vị trí của Nguyễn Du trong thời đại đó, cố gắng khám phá cái tư duy nào của Nguyễn Du đã khiến ông viết nên những vần thơ với những từ ngữ như vậy. Khác với các quá trình tự nhiên, các quá trình lịch sử (hành động của con người - hành động viết Truyện Kiều của Nguyễn Du) luôn chứa đựng cái lõi là các quá trình tư duy. Và hành động của tác giả (viết cuốn sách này về Truyện Kiều) cũng là một quá trình mang tính lịch sử, trong đó, quá trình tư duy đã gần như hòa đồng với quá trình tư duy của tiền nhân. Vì thế, người ta nói: cái gọi là Lịch sử chính là lịch sử của các tư tưởng và quá trình nhận thức. Đây chính là cái âm hưởng hạo nhiên và nguyên ủy mà người bạn tri âm của tôi đã biểu đạt qua cuốn sách này.

Sài Gòn, ngày 08/12/2011

HỒ NGỌC MINH 

 

LỜI BẠT 3

Có một điều thú vị mà thường ít người chú ý đến những con số khô khan nằm lẫn bên những lời thơ tuyệt mĩ của nhà thơ Nguyễn Du. Trong 3.254 câu thơ Kiều thì 343 câu có các con số và trong 22778 chữ của Truyện Kiều có đến 551 chữ số, từ số không nhỏ nhất đến các số lớn nhất như trăm nghìn, như muôn vạn, trong đó tần xuất xuất hiện nhiều nhất là số 1 với 307 lần, số 100 với 31 lần, số nghìn với 26 lần, số 10 với 23 lần.

Các con số trong Truyện Kiều có loại là số thực, là số đếm hoặc chỉ vật: Bụi hồng một nấm/ Đạm thanh một bức tranh tùng, hoặc chỉ người: Thấy một văn nhân/ Đầu lòng hai ả tố nga, hoặc chỉ không gian: Một vùng cỏ áy bóng tà, hoặc chỉ số thứ tự: Một là cứ phép gia hình/ Hai là lại cứ lầu xanh phó về. Song phần lớn các con số ở trong Truyện Kiều lại là các con số ước lệ, hoặc chỉ số ít: Chút chi gắn bó một hai, hoặc: Tiện đây xin một đôi điều, hoặc chỉ số nhiều: Muôn binh nghìn tướng/ muôn vạn tinh binh, hoặc: Trăm nghìn gửi lạy tình quân. Ý nghĩa của các con số ước lệ thường gắn liền với triết lý nhân sinh, gắn liền với tư duy dân gian mà sự hiểu khác nhau thường gây tranh cãi, thậm chí có khi do hiểu sai, lẫn lộn giữa số thực với số ước lệ, có người còn phê phán Nguyễn Du phạm sai lầm trong sử dụng các con số.

Không hiểu tính chất ước lệ, tính triết lý nhân sinh và tư duy duy dân gian về các con số, ví như số 10 để chỉ sự hoàn thiện tuyệt đối (mười phân vẹn mười), số 5 để chỉ sự đầy đủ, chỉ hiểu theo số đo đếm thực nên có người cho rằng con người Từ Hải của Nguyễn Du thật không cân đối. Hoặc không hiểu tính ước lệ của con số 2 và chữ tuần là 10 ngày trong câu: Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai. Không hiểu tuần trăng theo tuần (thượng tuần, trung tuần, hạ tuần), có người lại cho rằng Nguyễn Du phạm sai lầm khi đã kéo dài mùa xuân gặp gỡ của Kim - Kiều dài ra đến 5 tháng, vì cho rằng tuần là tháng, từ đó đặt vấn đề cần định lại giá trị của "Đoạn trường tân thanh", tác phẩm được coi là "đại tác phẩm".

Cuốn sách Truyện Kiều dưới cái nhìn con số và thành ngữ số dân gian của Trần Gia Anh - Trần Đình Tuấn với cách diễn đạt khúc triết và dựa trên cơ sở khoa học về các con số cho ta những lý giải thú vị về nhiều vấn đề thuộc tính ước lệ theo triết lý nhân sinh và tư duy dân gian người Việt về các con số ở trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đây cũng là một nội dung còn gây nhiều tranh cãi trong ngành Kiều học - Khoa học nghiên cứu Truyện Kiều, hy vọng sẽ thu hút được sự quan tâm chú ý của các bạn yêu mến Truyện Kiều để cùng trao đổi.

TS. Phan Tử Phùng.

Trưởng ban vận động thành lập

Hội Kiều Học Việt Nam

(Xin xem tiếp Bài 2 TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN)

HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.