“Thật đúng là ngoài lệ...”. Và có lẽ lần này hắn nghiệm
thấy cần phải “đổi mới tư duy” vì vẻ mặt người đến xin việc cũng không đến nỗi
khó ưa lắm, nhất là nước da trắng trẻo, mặt mày sáng sủa, in đậm nét của một
tên thư sinh oét con. Nhưng dầu sao cũng đã phóng lao từ lâu rồi, phải theo lao
cho trót...
Bằng một giọng lỗ mãng, hắn vênh mặt, gắt giọng:
- Mi có biết việc làm ni là vất vả, là nguy hiểm, còn
phải chịu chơi hết mình nữa không?
- Dạ, tôi biết. - Người xin việc đáp gọn lỏn.
- Có thể không bền, không liên tục! Mi cũng biết luôn
chứ. Nhưng... nhưng... cũng có cái rất tiện cho mi... Tau không cần mi phải làm
thủ tục con khỉ khô gì ráo, đơn từ, giấy tờ, mô tê ất giáp... đều là thứ rườm
rà bá láp. Tại sao lại không có thể nói miệng với nhau? Ðã là hảo hớn thì phải
biết “nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan tri (truy)”, mi nói có phải không nào! Rứa
đó. Bắt tay vào việc, kết quả cũng hay hay, cùng lắm la2 “từ chết đến bị thương”
thôi. Mi chấp nhận? Ưng thì làm, tau không ép, không lôi thôi “con mẹ bòa”,
“con mẹ choa” chi hết (con mẹ bà, con mẹ cha). Ngược lại, có điều nói trước cho
mi biết, lương ở đây cao - điều kiện tốt nhứt rồi còn chi nữa phải không! Ở đời
mà, được cái “ni” thì mất cái “tê” thôi. Tau nói như rứa, mi đã rõ được cái lắc
léo chưa?
- Thưa, dạ chưa!
- Ðồ ngu. Ðược rồi, tau nói thẳng cho mi dễ hiểu: Ðây là
việc làm... “lậu”! Không theo luật lệ nào hết, nghĩa là không có khai thuế, không
bảo hiểm thất nghiệp, không bảo hiểm sức khỏe... Lương trả từng ngày, tiền mặt.
Ðược chưa?
Người đến xin việc gật đầu.
- Nghe mi nói, mi là sinh viên? Học trường chi chi ở Sài
Gòn? Ðúng như rứa không? Hắn hỏi vặn.
Người xin việc gật đầu, đáp:
- Ðại Học Khoa Học! Ðúng. học SPCN, người ta gọi là Lý
Hóa Nhiên, năm tới sẽ thi vào Ðại Học Y Khoa. Hè này cần làm thêm để kiếm ít
tiền, phụ cho chi phí sách vở.
Tư Búa - tên của hắn, nhưng mọi người làm cho hắn cứ gọi
hắn là “anh Tư” - vốn là một tay anh chị chuyên đứng bến xe, nay sức khỏe không
cho phép theo nghề “đấm đá giang hồ” nữa nên phải chuyển sang nghề “cai đầu
dài”... Công việc chính và hiện tại của hắn không khác nào việc làm của một nhà
thầu khoán đại tài “loại cò con”, nghĩa là chuyên lãnh những ngôi nhà cũ, hư
nát, không còn xử dụng, rồi thuê người đập phá, san bằng, còn có xây dựng lại
hay không là chuyện của chủ thuê... Tư Búa độc quyền công việc này cho khắp khu
vực thị xã Ðà Nẵng và cũng có khi nhận mối ở các vùng phụ cận như Vĩnh Ðiện,
Hội An, Nam Phước, Bà Rén... Vốn liếng của hắn chẳng có gì đáng kể. Nhà cửa thì
cũng không, bạ đâu thì ở đó vậy. Hiện hắn đang ở chung với một mụ vợ không biết
là bà thứ mấy, chỉ biết bà nầy đang giúp việc (làm đầy tớ) cho gia dình trung
lưu ở đò Xu, và cho vợ chồng hắn ở ké trong nhà chứa dụng cụ ở sau vườn. Bên
trong nhà chứa nầy gần như trống trơn; ngoài một cái bàn lớn giữa phòng khách,
vừa là bàn ăn và cũng vừa là bàn giấy văn phòng của hắn. Bên ngoài, trong sân
có một chiếc xe ủi đất cũ mềm mà ông chủ của vợ hắn bán rẻ lại cho hắn bằng
cách trừ nhiều lần vào tiền lương của vợ hắn. Chiếc xe hiệu “Hốt-Kít” cà rịch
cà tàng này không biết bọn Pháp đem sang Touranne năm nào, chỉ biết người địa
phương hay mỉa mai: “Xe thời Bảo Ðại còn làm Hương Kiểm”, có lẽ khoảng năm một
ngàn chín trăm bó chét, bò rận gì đó thôi... Coi vậy chứ rất hữu dụng, trên xe ủi
đất chất ngổn ngang đủ thứ, nào là búa tạ, xà beng, cuốc vố, xẻng... Và, hằng
ngày còn phải giành chỗ để chở công nhân đi làm nữa...
Hắn sợ người xin việc không chịu làm với hắn, nên nói
thêm:
- Mỗi ngày làm từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, mặt trời lặn
mới được ra về. Lương tính theo giờ. Nửa giờ nghỉ ăn trưa không có lương. Mi
cần nhớ kỹ một điều là không được tiết lộ gì cho ai biết, kể cả nhà chức trách.
Nếu tau nghe phong phanh mi là thủ phạm, lập tức mi sẽ bị đuổi, và lương ngày
đó dĩ nhiên... Chưa nói bị trừng trị theo “luật giang hồ”...
- Dạ biết. Lương ngày đó sẽ không tính! Tội nhẹ thì ăn
mấy đá vào mông, tội nặng, khó lường!... Thưa ông Tư, khi nào thì tôi được đi
làm?
- Mầy biết chuyện. Được, mỗi sáng sớm, đúng 6 giờ rưỡi,
có xe đến đón nhân công ở trước chợ Cồn. Sáng Thứ Hai này mi cứ đến đó, đúng
giờ. Sáu Sẹo thay tau sẽ nhận mi, hắn là người đốc công của tau đó.
- Dạ được. Chào ông Tư.
Người xin việc định quay lưng đi ra, thì tay chủ thầu gọi
giật lại:
- Còn chuyện ni, suýt chút nữa tau quên, mi tên chi rứa?
- Trịnh Tâm Thâm.
Tư Búa ngọ ngoạy cây bút chì trên tay, hắn lúng túng
không biết viết gì, xoay qua xoay lại một hồi rồi nói:
- Cái tên của mi nghe cũng ngồ ngộ, chắc cha mẹ mi cũng
dốt như tau... Đ.M... khó viết quá... thôi thì để tau đặt gọn cho mi là thằng “3
T” được không? Tau ghi xuống như ri đây, nghe chưa!
Sáng Thứ Hai, Tâm Thâm để đồng hồ báo thức, dậy sớm, ra
chợ Cồn, ghé vào quán cà phê “Phán” làm một tách lớn cho ấm bụng, ngồi chờ.
Giây lác sau, từ hướng Thạch Gián, theo đường Ông Ích Khiêm, một chiếc xe ủi
đất cũ kỹ chạy đến, Tâm Thâm nhìn ra thì đây là chiếc xe ủi đất đậu tại sân Tư
Búa chiều hôm qua, chở khoảng mươi người, thấy bộ tịch ì ạch của nó cũng đoán
ra nó sắp ngừng lại để đón mình... Xe ngừng lại thật, ngay ở lề đường. Sáu Sẹo
ngồi băng trước bước xuống...
Tâm Thâm phân vân, không biết nên tiếp tục ngồi chờ, hay
bước ra tự giới thiệu với họ. Dù sao cũng đến giờ đi làm. Nghĩ vậy, anh rời ghế
và ra khỏi quán. Sáu Sẹo đã nhìn thấy Tâm Thâm từ xa, chăm chú nhìn từng bước
đi của anh, chờ anh đến thật gần, hắn lạnh lùng:
- Có phải mi là thằng “3 T” mà anh Tư đã ghi trong danh
sách không?
Không thèm trả lời, Tâm Thâm lầm lì bước đến đứng bên
chiếc cam nhông. Sáu Sẹo lại hỏi:
- Mi tên “3 T”, phải không?
- Phải!
Tâm Thâm trả lời nhát gừng, và anh cũng chẳng buồn nghĩ
đến chuyện bằng cách nào Sáu Sẹo lại biết tên mình.
Sáu Sẹo, quả đúng như hỗn danh. Hắn mập và lùn tịt, mắt
đã choét lại còn lé, trên má trái một vết sẹo lõm sâu, như muốn phân chia mặt
của hắn thành hai phần, đầu hắn chít chiếc khăn mỏ quạ để dài một bên chéo, che
lấp nửa trán phía con mắt lé, trông không khác nào một tên hải tặc thường hay
xuất hiện trên màn ảnh xi-nê. Hắn choàng chiếc áo khoác ka ki có lẽ lượm được
từ một thùng rác của tên lính Lê Dương nào đó vứt bỏ, nhưng hình như hắn rất
hãnh diện vì “à la mode” nầy. Ngoài chuyện u nần ở cái túi, hắn còn trang trí
thêm cho chiếc áo quái gở này bằng cách móc thêm đinh ốc, kèm, tuốc-nơ-vít...
và, dưới chân, hắn mang đôi giày đinh “sơn đá” cũ xì.
Sáu Sẹo dùng con mắt không lé, xói vào Tâm Thâm, nặng
tiếng, ra lệnh:
- Lên xe!
Những lao công trên xe toàn là người xóm đạo “Cồn Dầu”
(Hòa Vang, Quảng Nam),
người nào cũng thô kệch, cằn cỗi, không trắng trẻo mảnh khảnh như Tâm Thâm. Họ
gần như thờ ơ, kín đáo, nhất là đối với những người lạ mới đến.
Xe chạy được một khoảng ngắn, Tâm Thâm lim dim mắt chờ
đến nơi, một anh chàng trẻ tuổi nhất trong đám, ngồi sát cạnh tò mò:
- Mi từ đâu đến?
- Huế!
- Cái gì? Ở mô?
- Là kinh đô, là đất thần kinh của vua chúa ngày xưa.
Suy nghĩ giây lát, anh chàng trẻ có tên Ðực, hỏi tiếp:
- Mi theo đạo gì? Thiên Chúa hay Phật?
- Không, tôi không theo đạo nào hết. Chỉ có thờ cúng ông
bà.
- Mi nói mi không có đạo hả?
Tâm Thâm gật đầu. Anh chàng Ðực lấy làm ngạc nhiên, quay
về phía các bạn nói to như mới phát hiện ra một điều gì kỳ bí:
- Ê, mấy người coi, thằng ni hắn nói hắn không có đạo chi
cả.
Ngồi phía trước, Sáu Sẹo quay lại, nhìn vào mặt Tâm Thâm
một cách xấc xược, rồi nham nhở cười mỉa. Tâm Thâm làm lơ, quay đi chỗ khác.
Một lác sau, Ðực lại hỏi:
- Mi không đem theo đồ ăn trưa?
- Không. Sáng nay dậy sớm, không kịp chuẩn bị. Ngày mai
tôi sẽ đem.
- Chắc mi chưa làm việc ni, phải không?
Tâm Thâm lắc đầu. Ðực nhìn xuống chân của Tâm Thâm lộ vẻ
ái ngại:
- Mi cần phải có một đôi giày bốt cứng, mũi bịt sắt...
như rứa sẽ không bị dập bàn chân.
Tâm Thâm gật đầu. Ðực tiếp:
- Nghề chính của mi là gì?
- Sinh viên, sắp thi y khoa. Tôi hy vọng năm tới sẽ vào
Ðại Học Y Khoa.
Ðực có vẻ khoái chí, reo lên:
- Như rứa mi sẽ trở thành bác sĩ rồi, hay quá ta.
Hắn quay về phía Sáu Sẹo, nói to:
- Ê, anh Sáu nè, từ nay bọn mình có đứa mô bị thương,
thằng “3 T” sẽ chữa cho.
Sáu Sẹo làu nhàu trong cổ họng:
- Thứ thằng cà chớn ni, thì đừng có hòng đụng đến người
tau.
Cuộc đối thoại bỗng dưng ngưng bặt, xe ngừng bánh trước
sân một khu nhà đổ nát. Mọi người nhảy xuống với tư thế sẵn sàng vào việc. Dạng
chân với tư thế kẻ cả, đứng trước mặt mọi người, Sáu Sẹo dõng dạc phân công.
Hắn hất mặt về phía Tâm Thâm ra lệnh:
- Mi, thằng cà chớn “3 T” (Cà chớn: bọn du côn dùng để
gọi những người không ưa thích), leo lên tầng lầu chót kia (vừa nói hắn vừa đưa
ngón tay trỏ chỉ), làm với thằng Ðực, thằng Thộn, và thằng Vện...
Ðối với Tâm Thâm, đây là chuyện khó khăn, vì anh hay bị
chóng mặt khi ở trên độ cao nhìn xuống. Nhưng muốn kiếm chút đỉnh tiền, đành
bấm bụng tuân lời, không dám trái ý Sáu Sẹo.
Mặt trời đứng bóng, mọi người nghỉ trưa để ăn cơm, uống
nước, hút thuốc, giải lao... Ðực thấy Tâm Thâm không ăn, hắn bước lại gần, hỏi:
- Bộ mi không đói sao?
Vừa nói, hắn vừa chìa cho Tâm Thâm một lát cơm vắt, gói
trong mo cau, món ăn chính của hắn hằng ngày, rồi nói:
- Mi ăn đỡ đi. Tau ăn không hết đâu.
Sáu Sẹo ngồi gần đó, xía vào nạt:
- Ðừng làm như rứa! Ðể hắn đói. Bữa sau mới nhớ mà đem
theo.
Ðực ngần ngại thụt tay lại, trong khi Tâm Thâm lắc đầu,
nhìn Ðực tỏ vẻ cám ơn.
Một ngày trôi qua, rồi mấy ngày, rồi nhiều ngày nữa cũng
trôi qua...
Một hôm vào buổi sáng của ngày làm cuối tuần, Sáu Sẹo gọi
Tâm Thâm:
- Ê, thằng “3 T” đến đây. Tau muốn mi một mình leo lên
tầng lầu chót kia, phá bức tường đó!
Tâm Thâm nhìn theo hướng Sáu Sẹo chỉ: Một bức tường mong
manh, đứng chơi vơi giữa trời, trông nguy hiểm quá, bèn trả lời:
- Bức tường ấy mục quá, lại không có một điểm tựa nào
hết, nó có thể đổ bất kỳ lúc nào, đừng nói chi chạm vào nó, mà gió lớn cũng có
thể làm...
Tâm Thâm chưa dứt câu, Sáu Sẹo tức giận, quắc mắt gằn
từng tiếng:
- Mi không cần phải dạy tau làm việc. Tau biểu làm thì
làm. Ðồ mọi rợ, ngu si, muốn làm khôn hả?
Nói xong, hắn ném cho Tâm Thâm một cái nhìn khinh bỉ, rồi
quay mặt bỏ đi. Tâm Thâm gọi giật hắn lại, nói lớn cho mọi người đều nghe:
- Này, ông Sáu Sẹo! Tôi có điều muốn nói.
Sáu Sẹo quay lại, vẻ mặt hầm hầm, nhìn thẳng vào mặt Tâm
Thâm như muốn ăn tươi nuốt sống, song vẫn đợi nghe.
- Tôi cho ông biết, tôi là một sinh viên ở Sài Gòn, hè về
thăm nhà ở Huế, vào đây làm chơi. Giòng họ nhà tôi đã bao đời đều là công hầu
khanh tướng, rạng danh thiên cổ. Ông có nghe tên, chúa Trịnh Kiểm không? Ông cố
tổ của tôi đó. Ông Trịnh Hoài Công, anh thúc bá của Trịnh Hoài Ðức là ông cố
nội tôi, từng làm Thượng Thư Bộ Lại thời vua Gia Long. Cha tôi là Trịnh Tâm
Ðộc, anh cùng cha khác mẹ với Luật Sư Trịnh Ðình Thảo. Còn bên họ ngoại của tôi
cũng là họ nội của Hoàng Cao Khải, từng là Khâm Sai Ðại Thần... Riêng tôi đây,
chính là Trịnh Tâm Thâm, có lẽ cha tôi nghĩ tôi có tâm địa thâm sâu dễ trở
thành bác sĩ, nên cho tôi theo học nghề này. Từ nay, biết tôi là ai rồi, tôi
yêu cầu ông không được dùng lời lẽ khiếm nhã, cộc cằn mạ lỵ tôi, nếu không,
nhất định có ngày ông sẽ chuốc lấy hậu quả không tốt, nghe chưa?
Sáu Sẹo quắc mắt, rồi cộc lốc hỏi gặng:
- Rứa sao? Nhưng bây giờ “vật đổi sao dời”, đối với tau,
những thứ đó không có nghĩa lý gì hết, mi biết chưa? Ðồ trâu sanh chó đẻ!
Nói chưa dứt lời, hắn vung cánh tay to đen sạm như thanh
sắt, giáng cho Tâm Thâm một cái tát, khiến chàng té lăn quay xuống đất, đầu óc
choáng váng mơ màng. Chặp sau, mở mắt ra, Tâm Thâm thấy lố nhố quanh mình mấy
bộ mặt quen thuộc thường ngày... Ðực thương hại ngồi xuống lấy khăn ướt lau mặt
cho anh, và thì thầm:
- Mi cứ nằm yên. Ðừng ngồi dậy. Thằng Sáu Sẹo nó sẽ giết
chết mi bây giờ.
Thâm Tâm hiểu ý, giả vờ còn mê man bất tỉnh, chờ đến khi
nghe tiếng bước chân nặng nề của Sáu Sẹo khuất xa, mới nhỏm dậy, tiếp tục việc
làm.
Cả ngày hôm đó Tâm Thâm đau buồn, bực mình không nói
chuyện với ai, và thực ra cũng chẳng có ai nói chuyện với anh ta vì bận làm
việc của họ.
Về đến nhà, đêm đó không sao ngủ được, ý nghĩ trả thù lởn
vởn quay cuồng trong óc của Tâm Thâm: Dòng họ Trịnh không thể chịu nhục như thế
nầy, thằng Sáu Sẹo phải trả giá thật đắt cho hành động du côn, hỗn xược và tàn
ác của hắn.
Hôm sau là ngày nghỉ, Tâm Thâm tìm đến nhà bà Tư Lôi, một
người chuyên cho vay, hỏi vay ít tiền lo cho công việc anh đang dự tính. Với bộ
mã thư sinh và tương lai danh vị bác sĩ đang hứa hẹn, mụ Tư Lôi khi nghe Tâm
Thâm ngỏ lời, chưa nói dứt câu, mụ đã nhanh nhẩu:
- Ai chứ cậu mà hỏi, thì tui ưng liền. Bao nhiêu cũng
được. Ở nhà không có đủ, thì tui cũng chạy hỏi bà con lấy về lập tức... Nói
xong, bà cười hềnh hệch nửa bóng nửa gió:
- Nhưng mà... nhớ mai mốt ra trường, tui có đau bụng thì
cậu phải đến khám cho tui! Tui, tuy có lớn tuổi chút đỉnh, nhưng cũng còn ngon
lành lắm, chưa đến nỗi chi mô! Nói cho cậu biết rứa thôi. Ðây số... cậu cần...
Vay tiền xong, trên đường về, Tâm Thâm ghé qua nhà tên
chủ thầu Tư Búa.
Nghe tiếng gọi cửa, vợ Tư Búa ra mời khách vào.
Tâm Thâm lên tiếng:
- Xin chào ông Tư. Hôm nay tôi đến xin phép ông cho tôi
được nghỉ tuần tới. Một tuần lễ thôi. Tôi đi Tí Sé chịu tang cho người chú, rồi
trở lại, và xin được làm lại như cũ.
Ðang dựa lưng trên ghế bố, tay giữ chặt ly rượu đế, Tư
Búa ngước mắt nhìn kẻ mới chào mình, nói:
- Rứa sao? Chú của mi chết rồi hả? Tình nghĩa của gia
đình mi như rứa là hay quá! Tau đây nè, con cháu cả đống, chúng nó và tau ở
cách không xa bao nhiêu, chỉ có vài trăm thước thôi, thế mà có lần tau đau gần
chết, nằm nhà thương cả tháng, chẳng đứa nào bén mảng thăm hỏi. Gia đình họ
hàng nhà mi tốt lắm... Ðược!
- Nhưng ông có hứa chắc là khi tôi trở về, ông cho tôi
làm không? Không giấu gì ông, tôi phải vay nợ để đi chịu tang chú. Vì thế, tôi
càng cần tiền hơn lúc trước.
- Tau hiểu rồi! Nhưng mi phải nhớ rằng chỉ một tuần thôi
nghe. Sau một tuần mà mi không về, tau phải mướn người khác vậy...
- Ðồng ý!
Ra khỏi nhà Tư Búa, Tâm Thâm lập tức đến phòng bán vé mua
ngay vé xe đò đi Trà Kiệu, rồi từ Trà Kiệu lội bộ gần nửa ngày mới đến được Tí
Sé. Tâm Thâm biết rất rành rẽ vùng đất khỉ ho cò gáy này, vì từng sống ở đấy cả
mấy tháng trời. Anh còn nhớ, khi cha anh còn sống, đã có lần dẫn anh đến thăm
người chú lưu linh lạc địa, tản cư tránh giặc Pháp lên vùng núi cao này. Ðường
sá đi lại khó khăn, nếu không vì chuyện Sáu Sẹo làm nhục, anh không thể không
trả thù, đành bấm bụng nói dối với Tư Búa là người chú đã chết để xin phép kịp
về chịu tang, thực ra thì chú của anh vẫn còn sống nhăn răng như ngày nào...
Hồi ở chơi tại Tí Sé, cha anh có quen thân với một gia
đình người Thượng, tên Ðinh Rói, ông này cũng ưa nói phét, nói dốc dữ lắm. Ổng
khoe ổng là hậu duệ của vua Ðinh Bộ Lĩnh, nhưng rồi trong cảnh “thương hải biến
vi tang điền” ổng phải lưu lạc vào Tí Sé để làm nghề “lang băm” kiếm sống qua
ngày. Ông ta thường tìm kiếm các loại ngải độc, rắn độc hiếm có, trong các hốc
núi về bán lại cho các tiệm thuốc Bắc của mấy tên “Ba Tàu” vùng Trà Kiệu, Nam
Phước. Ðối với ngải độc, Tâm Thâm không biết gì mấy, nhưng với rắn thì khác,
chàng có hiểu biết đôi chút. Anh còn nhớ được tên một loại rắn nhỏ, như con
trùn đất, có nọc rất độc, độc hơn nọc của rắn hổ mang, mai gầm, hổ ngựa... dân
Quảng Nam
gọi là rắn Trun Ðen. Loài rắn này có thể sống được với nhiều thời tiết khác
nhau. Ðặc biệt hơn là chúng nhịn ăn cả tuần vẫn không chết. Bất cứ ai bị chúng
cắn thì chừng vài giờ sau, miệng mồm sùi bọt, nghẹt thở, rồi chết một cách thật
êm, không để lại dấu vết gì khả nghi trên cơ thể, bác sĩ pháp y dầu có chuyên
nghiệp cách mấy cũng khó tìm ra manh mối.
Ðến Tí Sé, Tâm Thâm ngụ lại nhà người chú, và chờ sáng
hôm sau, anh mới bắt tay vào việc.
Nhà Ðinh Rói là nhà sàn, nhưng biết cách sắp xếp gọn ghẽ,
sạch sẽ, sinh sống theo lối người Kinh hơn là người Thượng bản xứ, con cái ông
ta cũng cho đi học chữ Việt và ăn vận theo kiểu cách người Kinh, không đóng khố
như những bé Thượng khác. Iêng là con gái lớn của Ðinh Rói, nhỏ hơn Tâm Thâm 1
tuổi, thường giúp cha bắt rắn và nuôi chúng để ông đem bán theo mối đặt hàng.
Cô nàng có nước da ngăm, một gương mặt tròn, dễ nhìn, nụ cười thường nở trên
môi để lộ rõ hai hàm răng nhuộm đen huyền, nổi bật giữa hai gó má hây hây lúc
nào cũng ửng ựng sắc thắm. Nhìn nàng, Tâm Thâm cười thầm: “Hồi còn bé, cô ta ở
truồng, ta cũng ở truồng cầm tay nhau chạy đến suối mà ôm nhau tắm vui vẻ quá
chừng, thế mà bây giờ bày đặt ăn mặc kín đáo, khó “coi” bỏ mẹ... Có dịp ta sẽ
bảo nàng cho xem kỹ mới được”. Với ý nghĩ ngộ nghĩnh, chàng tự mỉm cười một
mình. Thấy cử chỉ của Tâm Thâm lạ lạ, Iêng lên tiếng:
- Lâu quá, những mười mấy mùa lúa rẫy không thấy mặt
thằng Cu Thâm, nay đã lớn như ông Trời...
Nói chưa dứt câu, nàng đã xoay vào trong:
- Cha à, thằng Cu Thâm đến cầu chuyện.
Trong nhà có tiếng bước chân trần nện trên sàn gỗ đi ra.
Tâm Thâm hướng mắt nhìn vào, cất tiếng:
- Xin chào chú, cháu là Cu Thâm. Hồi nhỏ hay làm đổ mấy
nia thuốc...
Ðinh Rói khoát tay, không cho chàng nói tiếp:
- Không có chi, thằng Cu đến nhà ông chú có chuyện chi
không?
- Dạ có, con muốn chú bán cho con một con rắn về làm
thuốc trị chứng đau nhức cho bà ngoại.
- Không gì làm khó thằng Cu đâu, hỏi con Iêng sẽ lo hết
cho thằng Cu. Giàng này làm sao đi Huế được, mà thăm cha mẹ thằng Cu? Chỉ biết
nhớ nhớ, lắm lắm, mà thôi.
Ông ta nói xong và bước vào trong gọi:
- Iêng ời! Gái mi ra đây làm chuyện thằng Cu chỉ, tau
đang chuẩn bị mang gùi thuốc xuống chợ.
Trong nhà, Iêng “ờ” một tiếng rồi đi thẳng xuống sân gọi
Tâm Thâm:
- Thằng Cu xuống đi! Con Iêng đang chờ thằng Cu, làm nè.
Tâm Thâm đến với nàng, chàng nói với Iêng, hiện mình còn
đang đi học, sẽ vào trường thuốc Sài Gòn, phải làm một bài giải đáp về nọc độc
của loài rắn “Trun Ðen”, nên chàng muốn mua một con để đem về nghiên cứu làm
bài, chứ không phải chữa bệnh đau nhức gì cho bà ngoại đâu.
Iêng nắm tay chàng dắt vào một góc sân riêng biệt bày la
liệt các loại hủ bình, chai, chậu bằng sành, bằng thủy tinh đủ cỡ, bên trong
nuôi đủ các loại rắn, toàn là rắn độc. Iêng vói người lấy từ ngăn trên cao
xuống một cái lọ nhỏ, bên trong rắc một ít cỏ tươi phủ trên lớp đất núi màu
sậm, đưa cho Tâm Thâm xem. Chàng nhìn vào, một con vật nhỏ bé, rất xinh, trông
giống chiếc đũa muông nhỏ, màu đen mượt, nằm im, giấu mình trong cỏ. Iêng cắt
nghĩa:
- Con này là con duy nhất còn lại. Cha để làm kiểu, chưa
biết đến lúc mô cha mới bắt được con khác, nhưng thằng Cu Thâm cần, lại ở xa
đến, nên cha phải lòng mà bán. Ði đường xa, thằng Cu Thâm nên bỏ nó vào trong
một cái hộp nhỏ có chỗ thở... Iêng đang có sẵn cái hũ tốt... thằng Cu Thâm đừng
lo chi hết. Về đến dưới nớ, lấy ra, bỏ vào chai, rứa là hết chỗ chê! Còn cái hũ
của Iêng đây, cứ để dành, khi cần mới lấy ra xài.
Tâm Thâm mua con rắn với giá Ðinh Rói bán như bán cho mọi
người, không cần cò kè bớt xẻn, và định bước ra về, thì Iêng gọi giật lại:
- Thằng Cu Thâm bạc ác, không thèm ngó cái con Iêng một
xí nào!
Tâm Thâm cười:
- Thật hết biết mà, hết chỗ sao, ăn nói gì mà gọi tui là
thằng Cu Thâm, phải gọi là “anh Thâm của em” nghe phải nhẹ nhàng hơn không?
Iêng tiếp liền:
- Anh Thâm của Iêng. Iêng nhớ anh Thâm lắm lắm. Lúc ni
Iêng không thể tắm chung với anh Thâm ở suối được nữa, cha “dần” chết. Nhưng
trưa ni, cha không ở nhà, anh Thâm ở lại ăn cơm rẫy với Iêng.
Lòng Tâm Thâm nóng như lửa đốt, mong mua được rắn là
chuồn ngay, vì còn nhiều việc phải làm. Lo sợ này dồn dập đến lo sợ khác. Nhưng
anh nghĩ lại, nếu hành động vội vã nhất định gặp nhiều sơ hở, tạo cơ hội cho
đối phương đễ phát hiện mưu tính của mình, nên anh ngần ngừ và quyết định đổi
kế hoạch, đồng ý nhận lời mời của Iêng:
- Ðược. Nhưng Iêng đừng có nói với ai là tôi ăn cơm rẫy
với Iêng, và Iêng xưng hô với tôi phải thay cách gọi, như “Iêng” là “em”, Cu
Thâm là “anh”...
- Như rứa là thân mật? Kỳ cục, dị hượm quá đi!
Nói xong, nàng cười, hai gò má hồng lên, tinh quái.
Trưa hôm đó, Iêng dẫn Tâm Thâm vào ven rừng có con suối
mà thuở nhỏ hai trẻ cùng ở truồng tắm chung. Ðặt mo cơm rẫy và đĩa thịt gà rừng
xào sả ớt xuống trên chiếc mâm bằng tàu lá chuối tươi. Iêng lên tiếng:
- Anh ngồi xuống, để em dọn.
- Ước gì mình trẻ lại hơn mười tuổi để chúng ta tắm
chung.
Iêng thành thật đáp:
- Có chi đâu. Ăn rồi, nghỉ trưa thức dậy, anh tắm suối
xong rồi đi về. Ai cấm?
Nghe Iêng nói những câu cộc lốc, mộc mạc, giản dị, khiến
chàng thấy vui vui. Ngôn ngữ Iêng không cầu kỳ, khách sáo như các cô gái Sài
Gòn, bạn cùng lớp với Tâm Thâm mỗi khi có chàng công tử nào đó muốn làm quen.
Tâm Thâm cười thật tươi, nói:
- Ðược. Anh nghe lời Iêng.
- Lại Iêng, là “em” chứ! Ðúng không? Anh mới bày cách
xưng hô lịch sự mà...
Tâm Thâm cười thầm: “hết biết, chỉ biết một mà không biết
hai”. Anh chàng dùng tay bốc cơm và thịt gà rừng ăn ngon lành giống như Iêng.
Cơm xong, chàng ngã lưng bên gốc cây si, nhắm mắt lại mơ về một phương trời xa
xôi nào đó đang chờ đợi... Một bàn tay nhẹ, rất khô đặt lên vai, làm chàng tỉnh
mộng, thì ra Iêng đã dọn dẹp xong thức ăn thừa, cho vào mo cau, gói cẩn thận
treo lên một cành cây gần đấy, nàng ron rén đến gần anh, ngồi che bớt ánh nắng
trưa... Nhìn gương mặt tuấn tú của anh, nàng muốn đánh thức anh để nói điều gì,
nhưng rồi lại thôi. Một con kiến đen bò từ gốc cây chuyền sang người Tâm Thâm,
đến vai, tiến đến tai... Không thể chần chờ thêm, nàng dùng bàn tay chộp nó.
Cái chộp làm Tâm Thâm thức giấc, phản ứng tự nhiên, chàng nắm chặt bàn tay chộp
vai mình, khi phát hiện đó là bàn tay của Iêng, và hiểu được việc gì đã xảy ra,
thay vì để yên, chàng cầm bàn tay ấy đưa lên môi hôn... Iêng rút vội tay lại:
- Anh làm cái chi kỳ rứa?
- Anh cảm ơn em.
- Như rứa đâu phải là cảm ơn. Cha em nói cảm ơn em là chỉ
cười và gật đầu thôi.
- Thương em nữa.
Cảm giác lạ lạ chạy rần rần từ bàn tay nàng chuyển vào
ngực, rồi lên má, nàng thấy trong người sao sao ấy, mới hỏi:
- Như rứa, cha em cũng thương em, nhưng mỗi lần cha
thương là chỉ “hít” ở má và ở trán em thôi, đâu có hít ở bàn tay. Tục lệ của
người Kinh các anh kỳ cục quá chừng à!
Tâm Thâm cười, không trả lời về cách nhận xét bằng sự so
sánh đầy chân thật này. Trầm ngâm một thoáng, chàng giải thích:
- Hít má, hít trán là tình thương cha con, thân thuộc,
còn hôn tay, hôn môi là tỏ tình yêu với người khác phái. Vừa rồi là anh hôn
lòng bàn tay em, chứ không phải “hít” tay em, đây là cử chỉ trìu mến yêu thương
của anh đối với em đó.
- Như rứa em hiểu rồi.
Từ đó Iêng không nói câu gì nữa, cứ thỉnh thoảng lại đưa
mắt nhìn Tâm Thâm như muốn nói thêm điều gì...
Trời ngả bóng về chiều, Tâm Thâm không thể kéo dài thời
gian vô ích thêm nữa, anh sữa soạn ra về, Iêng cất tiếng:
- Anh không tắm suối sao?
Do dự sau những tính toán mông lung, anh không trả lời
câu hỏi của Iêng, tự động cởi áo quần, đi thẳng xuống suối, ngâm mình vào dòng
nước trong mát, không hề để ý đến những gì đang xảy ra phía sau... Iêng bước
theo, và cũng nhảy ùm xuống suối như anh.
Ngóc đầu khỏi mặt nước, Tâm Thâm định lấy hơi để tiếp tục
cho lần lặn thứ hai, một cảm giác lạ đang chạy khắp thân mình anh. Anh đưa tay
vuốt nước trên mặt, không may bàn tay đó lại cọ sát vào bộ ngực trần đang căng
cứng của Iêng. Giật mình, anh né sang nơi khác, Iêng nhoẻn miệng:
- Anh không tắm nữa à?
- Không, không, anh còn tắm chứ, nhưng thấy em hấp dẫn
thế này nên anh ngẩng người ra đó thôi.
- Ngẩng cái gì, hồi nhỏ chúng ta vẫn thường tắm chung đấy
mà!
Tâm Thâm e ngại, tay chỉ vào ngực của Iêng, nói:
- Trước khác, nay khác. Em không thấy cái đó làm anh ngộp
thở rồi sao?
- Ồ, tưởng chuyện chi lớn lao, không có gì hết, đây là
bầu cơm của con nít. Sau này em có con nít thì cho chúng ăn.
Tâm Thâm không để ý đến lời nói của Iêng, vì có lẽ những
ngôn từ mà nàng phát ra hình như không đúng theo tự điển mà chàng thường dùng.
Chàng đành thúc hối nàng:
- Thôi, em choàng áo vào, anh biết anh sẽ không chịu nổi
khi nó cứ lộ lộ trước mắt mình.
Iêng không hiểu ngụ ý câu nói của Tâm Thâm, nàng lên bờ
và định lấy áo khoác vào người. Nhìn chiếc lưng trần tròn lẳng của Iêng, tự
dưng hai chân của Tâm Thâm động đậy, khiến anh bước theo. Ðến gốc cây, Iêng
cuối xuống nhặt áo lên, vừa đứng ngay người thì Tâm Thâm đã ôm choàng lấy nàng.
Một phút bàng hoàng, sợ hãi, nàng gỡ tay Tâm Thâm ra:
- Anh làm cái gì lạ quá, muốn “bắt cái nước” tại đây?
Không được. Phải chờ ít mùa lúa rẫy nữa, cha em đủ tiền mua con trâu, hai con
heo, đem đến nhà anh, mua anh cho em, lúc đó anh mới được “bắt cái nước”. Bây
giờ thì nhất định không. Cha em “dần” nhiều lần về chuyện này. Thôi thì ráng
chờ. Bây giờ anh về nhà ông chú, ngày mai đi Ðà Nẵng sớm.
Ðối với Tâm Thâm, anh cũng hiểu thủ tục của người Thượng
trong chuyện trăng gió thế này. Anh có đọc sách nói về phong tục tập quán người
Radé, Kà Tu, Bà Na... bề ngoài thấy dễ dàng chuyện chăn gối, nhưng bên trong
luật lệ cấm kỵ của nó rất nghiêm khắc. Và, chuyện sợ nhất của anh, đó là “Cách
trả thù” mà người Thượng thường áp dụng cho kẻ bạc tình. Tục lệ “bắt đền” của
Sóc, của gia đình nạn nhân nói chung - dễ đối phó, nhưng chuyện “bùa ngải”,
“thư”, mới là chuyện đầy rắc rối. Hễ ai đã vấp phải, chỉ còn một cách duy nhất:
chờ chết thôi. Nghĩ đến đây, Tâm Thâm thấy sự háo hức của mình bị chùn lại,
chàng hôn nhẹ lên môi Iêng, rồi đợi nàng mặc áo vào, để cùng ra về.
Trở lại Ðà Nẵng, công việc đầu tiên và cần kíp nhất của
Tâm Thâm là lấy con rắn ra khỏi giỏ xách quần áo. Khẽ hé nắp hộp, ghé mắt nhìn
vào, con rắn nhỏ bé xinh xắn đang ngóc đầu lên nhìn chàng với tư thế sẵn sàng
tự vệ. Ðúng như lời Iêng nói, giống rắn “Trun Ðen” sống rất dai, có khi đến 10
ngày không cần ăn uống gì cả. Ðể thuận tiện cho công việc sắp tới, Tâm Thâm
liền đi kiếm một cái lọ thủy tinh thật nhỏ, có thể để vào trong hộp đựng đồ ăn
thường ngày, đem theo đến chỗ làm mà không ai nghi ngờ và phát hiện.
Anh ôn lại thói quen của Sáu Sẹo. Mỗi khi ăn trưa xong,
hắn thường đến chỗ móc áo, kế chỗ nghỉ của anh, thò tay vào túi bên phải của
cái áo khoác, lấy ra một cái tẩu bự và một gói thuốc vụn, đem tới gốc cây có
bóng râm mát ngồi nhả khói một mình. Thói quen này của Sáu Sẹo như đã trở thành
một cố tật mà mọi người làm việc chung với hắn, ai cũng đều biết hết.
Ngay ngày hôm sau từ Tí Sé trở về, Tâm Thâm đi làm như
cũ, chẳng ai tò mò hỏi anh về lý do nghỉ việc tuần qua, còn anh cũng chẳng muốn
cà kê dê ngỗng chuyện này. Ðến giờ ăn trưa, chậm lại hơn mọi khi, chờ cho mọi
người vào lấy đồ ăn trưa ra hết, Tâm Thâm mới bước vào sau. Lúc nầy là lúc
thuận tiện nhất, vì chỗ móc áo khoác vắng người, anh lấy hộp đồ ăn của mình ra,
mở nắp, bốc lọ thủy tinh có đựng con rắn Trun nhỏ, nhanh tay trút nó vào túi áo
bên phải, nơi đang có cái tẩu và bao thuốc vụn của Sáu Sẹo. Việc xong xuôi, anh
tỉnh queo bước ra, đi đến chỗ vẫn ngồi mọi hôm, dùng cơm trưa với các bạn, mắt
luôn luôn ngầm theo dõi mọi cử chỉ của Sáu Sẹo.
Cơm xong, Sáu Sẹo đứng lên, đến chỗ móc áo, thò tay vào
túi bên phải lấy ra cái tẩu, gói thuốc, và bình thường như mọi khi bước ra...
Vừa đi hắn vừa nhồi thuốc vào tẩu... Ðược vài bước, thay vì đi thẳng đến gốc
cây có bóng râm mát, hắn lại dừng lại. “Chuyện gì xảy ra?”, Tâm Thâm tự hỏi.
Nhưng không, hắn quay quay trở vào lại chỗ móc áo một lần nữa. À, thì ra hắn
quên lấy cái hộp quẹt ở túi áo bên trái... Phải cố trấn tĩnh lấy mình, vì Tâm
Thâm không thể kềm chế được nhịp tim, nó như đang muốn nhảy tung ra khỏi lồng
ngực, anh trợn trừng mắt lên, nhìn theo từng bước chân của Sáu Sẹo, hắn ung
dung đi về phía gốc cây, ngồi xuống, dựa lưng, mắt nhìn lên khoảng trời xanh
thẳm, nhả từng cụm khói bạc sậm quyện vào nhau bay lên. Hút thuốc xong, Sáu Sẹo
đem cất tẩu và bao thuốc vào túi áo như cũ. Quay ra, hắn dõng dạc cất tiếng ra
lệnh mọi người trở lại tiếp tục làm việc.
Suốt buổi chiều hôm ấy, Thâm Tâm cứ phập phồng, thấp
thỏm, vừa làm việc vừa quan sát từng hành động và cử chỉ của Sáu Sẹo. Anh rất
ngạc nhiên, vì hắn vẫn như thường, không có triệu chứng lạ gì xảy ra. Mặt trời
lặn, xe cam nhông đến đón những người làm công trở về nhà. Xe dừng lại bến Chợ
Cồn, Tâm Thâm không dằn được hồi họp, chờ đợi, nghi ngờ... con rắn thật vô
dụng... anh bèn hỏi Ðực, người bạn luôn luôn kề cận với anh khi làm việc cũng
như khi ngồi trên xe:
- Nhà ông Sáu Sẹo ở gần Chợ Cồn?
- Mi thấy nó đó, không phải khu này. Nhưng chắc cũng
không xa lắm. Nó ở khu Tam Tòa, Mi biết chỗ đó chớ?
Tâm Thâm gật đầu. Chàng nghĩ, từ chỗ chàng ở đến nhà của
Sáu Sẹo cũng không xa mấy, nếu chịu khó có thể thả bộ tà tà...
Tâm Thâm tiếp:
- Ông ta có vợ con, gia đình gì chưa?
- Có 1 con gái và 2 bà vợ, đứa con gái còn nhỏ xíu chừng
6 hay 7 tuổi gì đó. Hai mụ vợ, mụ lớn có đứa con gái, là trạm chính dừng chân
thường xuyên của hắn, mụ vợ nhỏ, còn trẻ, chỉ ở với hắn có 2 ngày cuối tuần.
Chính vì chuyện phân chia không công bình này mà 2 mụ cứ đánh lộn nhau liên tù
tì.
Nghe Ðực nói, tự nhiên một luồng khí lạnh rờn rợn, ào
chạy khắp người, Thâm Tâm thầm nghĩ đến con rắn độc: “rủi ro vợ con hắn, đền
tội thế cho hắn thì sao đây? Mình không muốn chuyện xảy ra theo cách của “kẻ ăn
mắm người khác nước” chút nào hết! Mình chỉ trả thù một mình Sáu Sẹo thôi. Hắn
mang tội, cần phải đền tội. Tội của hắn là dám có hành động kỳ thị, tàn ác, hạ
nhục giữa công chúng một người thuộc giòng dõi họ Trịnh như mình, dầu sao mình
cũng là hậu duệ của Trịnh Kiểm, một “minh Chúa” lừng lẫy trong sử sách Việt
Nam, đến như vua Lê cũng còn phải tuân phục...”.
Nghĩ như vậy, đêm ấy Tâm Thâm không thể nhắm mắt, trằn
trọc, hết vặn mình bên này, rồi quay mình bên kia, cầu mong sao cho 2 bà vợ
cũng như đứa bé gái vô tội kia đừng bị rắn độc cắn.
Hôm sau, như thường lệ, ăn sáng xong, Sáu Sẹo vẫn hay bảo
đứa con gái cưng đến chỗ móc áo khoác, lấy cái tẩu và gói thuốc nát cho hắn.
Con nhỏ vâng lời, vói tay thò vào túi áo tìm cái tẩu...
Có lẽ vì độ cao không thích hợp, con bé bị trợt té làm
cái áo khoác rơi xuống nền nhà... Nó cúi xuống, định nhặt lên treo vào chỗ cũ.
Chưa kịp làm xong thì con bé đã la lên:
- Coi nè, nhà mình có một trùn gì đen và đẹp lắm!
Vợ của Sáu Sẹo tỏ vẻ sợ hãi, muốn dùng dép hay guốc đập
chết con trùn lạ đi và vứt xác vào sọt rác cho rồi. Còn con bé lại muốn bắt
sống để đem vào trường chơi, nhất là có dịp được khoe với bạn bè. Nó ra vẻ
thích thú nói:
- Má đừng có sợ. Thầy giáo con nói đây chỉ là một loại bò
sát, giống như con trùn thôi. Kìa, màu da nó đẹp ghê đi. Má thấy không?
Nó cúi xuống định bốc lên xem cho kỹ, Sáu Sẹo chận lại:
- Ðừng động vào, nguy hiểm! Những giống sâu bọ này dơ bẩn
lắm, đừng dùng tay không mà bắt trong khi con chưa ăn xong. Con mau đi kiếm cho
ba một cái chai nhỏ, để ba nhốt nó vào đó, ba sẽ đem vào chỗ làm, hù dọa thằng
sinh viên cà chớn chơi, xem thử nó có sợ ba không cho biết.
Con bé vâng lời quay đi, nhưng vẫn cãi lại:
- Thầy giáo con nói giống này không có gì là dơ bẩn đâu.
Nó sạch lắm. Ba cho con đi!
Sáu Sẹo gắt lên:
- Tau đã nói không được là không được! Ði lấy cái lọ đem
đây, mau lên!
Nói dứt câu, Sáu Sẹo đứng lên, lấy cái bao tay da dùng
làm việc hằng ngày, bắt con rắn bỏ vào cái chai nhỏ do đứa con gái đem đến, đậy
nắp cẩn thận và bỏ gọn vào túi áo, ra xe đi làm.
Một ngày nữa bắt đầu. Nhìn thấy Sáu Sẹo tỉnh queo, Tâm
Thâm ngạc nhiên vô cùng. “Hắn chưa bị gì? Vẫn đi làm. Hay đã xảy ra chuyện gì
khác thê thảm hơn trong gia đình, như suy đoán trong đêm qua của mình?...” Suốt
buổi sáng làm việc, đầu óc Tâm Thâm lộn xộn với nhiều ý nghĩ hỗn độn. Thỉnh
thoảng, anh lại nhìn trộm về phía Sáu Sẹo dò xem có gì khác lạ không. Trời, hắn
vẫn mặc chiếc áo khoác như cũ, mà mình đã thả con rắn nhỏ cực độc vào nằm đó
mai phục...
Rồi đến giờ nghỉ ăn trưa, Tâm Thâm vào lấy hộp đựng đồ ăn
của mình trước sự im lặng khác thường của mọi người. Hôm nay, dường như mọi
người đều chăm chú nhìn anh kể cả Sáu Sẹo. Biết vậy, Tâm Thâm cố giả lờ và ngồi
xuống, thản nhiên đặt cái cái mo cau đựng phần ăn trưa của anh lên đùi, chậm
rãi mở nắp... Tay anh vừa định gỡ nắp mo, thì bất thình lình phát hiện đầu con
rắn nhỏ, nép ở kẻ mo cơm chỗ nếp gấp, bò ra khiến anh bật mạnh người về phía
sau, miệng hét to, đồng thời hất tung mo cơm ra xa, làm chúng văng tung tóe,
vương vải khắp nơi trên mặt cỏ... Anh vừa thở hổn hển vừa sợ hãi, mặt cắt không
còn chút máu, miệng lắp bắp:
- Con rắn! Con rắn!
Thấy hành động trẻ con của Tâm Thâm, mọi người đều bật
cười khoái chí. Sáu Sẹo là người cười to và dòn nhất. Hắn cười đến nổi chảy
nước mắt, nước mũi, và gần như muốn đứt hơi, phải đứng dựa vào vách tường đề
cười cho khỏi ngã. Thấy Tâm Thâm càng tỏ ra sợ hãi bao nhiêu, hắn càng tỏ vẻ
khoái chí bấy nhiêu. Hắn chạy ra đám cỏ có mo cơm của Tâm Thâm hất văng vào đó
vừa rồi, để bới tìm lại con rắn, với ý muốn hù dọa tiếp nữa, mong rằng hôm nay
Tâm Thâm là người làm cho mọi người vui cười thỏa thích. Biết đây chính là kế
sách của Sáu Sẹo bày ra làm mất mặt mình, Tâm Thâm giận điên người, bèn cảnh
cáo:
- Rắn đó! Rắn đó! Ðừng đụng vào! Rắn độc đó!
Sáu Sẹo không thèm nghe, cứ tiếp tục bới tìm cho bằng
được con rắn, hắn tỏ vẻ như thành thạo ở trò chơi này, nên nói to lên cho mọi
người nghe:
- Thằng cà chớn này ngu quá! Nó xưng là sinh viên trường
Y mà không biết rằng đây chỉ là con trùn đen!
Ý niệm nhân đạo trở về chàng sinh viên, Tâm Thâm không
thể để cho Sáu Sẹo bị hại, anh bèn lấy hết bình tĩnh, đứng dậy, chạy theo hắn,
tiến vào bãi cỏ, đá tung hết cả mo đồ ăn lẫn con rắn nhỏ xuống cống rãnh bên lề
đường.
Cười mãi rồi cũng chấm dứt, vì còn phải làm việc trở lại.
Ai cũng nhìn nhận rằng trong đời họ chưa bao giờ được dịp cười thỏa thích như
hôm nay. Riêng Sáu Sẹo, một mình, thỉnh thoảng cứ nhìn Tâm Thâm lại cười thêm,
như muốn nói rằng tau cười mi chưa đã mấy...
Thời gian chậm chạp trôi qua, không đầy một tiếng đồng hồ
sau, mọi người đang mải mê với công việc, thì Sáu Sẹo thông báo, hắn cảm thấy
trong người không được khỏe, chóng mặt, khó thở, cần nằm nghỉ. Tưởng Sáu Sẹo bị
trúng gió, ai cũng ập đến, người lo cạo gió, người lo xin gừng tán nhỏ nhét vào
miệng, người nhanh hơn gọi bác sĩ cứu cấp. Tâm Thâm nửa nghi, nửa ngờ, anh chạy
lại đưa tay sờ vào động mạch cổ của Sáu Sẹo, lắc đầu:
- Yếu quá, phải đưa vào bệnh viện, cứu cấp, cứu cấp, gấp
lên. Ðồng tử của ông ta mở ra kiểu đó, coi bộ không xong...
Thêm 10 phút sau, Sáu Sẹo đã mê man bất tỉnh, xe cứu
thương đến, và cấp tốc chở vào bệnh viện. Nửa tiếng đồng hồ sau, gia đình Sáu
Sẹo cho biết là hắn đã qua đời vì chứng xuất huyết não. Vợ con hắn phải đến
bệnh viện nhận xác về lo mai táng.
Ðể không trở ngại cho việc làm ăn, Tư Búa, ông chủ thầu
vô tâm, liền cho người khác thay thế Sáu Sẹo làm đốc công ngay sáng hôm sau.
Tâm Thâm tiếp tục đi làm để kiếm tí tiền trả nợ đã vay của bà Tư Lôi và cũng
còn phải dự trữ chút ít vào lại Sài Gòn chi tiêu thêm ở niên học tới. Anh kể
như được nư giận, nhưng trong cái thỏa mãn đó đang có sự hối hận vô bờ, nhất là
hôm dự đám chôn Sáu Sẹo, nhìn vành khăn tang trên đầu của bé gái 7 tuổi, nước
mắt anh tự dưng trào ra.
Một tuần trôi qua, sau khi nhận tiền lương từ tay Tư Búa,
Tâm Thâm về đến nhà trọ của mình, anh ta thấy trên ngưỡng cửa có để tờ giấy. Mở
ra, anh biết đây là lời nhắn của Iêng:
“Anh Cu Thâm, trở lên
lại Tí Sé gấp. Em đã nuôi được một con rắn trun mạnh khỏe hơn con trước nhiều,
anh lên mà đem về làm bài làm vở gì gì đó... kỳ này em sẽ xin cha lấy giá rẻ
hơn...
Iêng.”
Tâm Thâm gấp tờ giấy lại và đưa vào bếp, thổi cho lửa
bùng lên, rối đốt đi. Chờ cho lá thư cháy hết thành tro, anh chàng thở phào,
rồi than thầm:
- Mình không thể là một bác sĩ được, phải chuyển sang
ngành nào có tình “trả thù” cao độ mới được...