Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Nhân vật lịch sử

SỬ GIA PHẠM VĂN SƠN
TRƯỜNG XUÂN PHU TỬ - HỒ QUANG
03.11.2013 19:47:30

Sử Gia Đại Tá Phạm Văn Sơn

- Thân Thế
Ông sinh ngày 15-8-1915 tại Hà Đông (tỉnh Hà Tây)
Thời trẻ ông học tại Trường Bưởi (Hà Nội), tốt nghiệp Tú Tài năm 1933, có mặt trong văn giới Việt Nam từ 1945 tại Hà Nội với bút hiệu Dương Châu.
Sau năm 1949, ông bị động viên vào quân đội Liên Hiệp Pháp.
Hiệp Ðịnh Genève ký kết năm 1954, đất nước bị chia đôi, ông Sơn vào làm việc tại Sài Gòn, tham gia vào các sinh hoạt thuộc ngành Sử Học. Ông là một tác giả tên tuổi trong nghiên cứu về Lịch Sử Việt Nam từ cận đại đến hiện đại...


Trong Quân Lực VNCH, ông từng gĩ chức Chỉ Huy Trưởng "Trường Quân Báo và Chiến Tranh Tâm Lý (thường gọi là trường Quân Báo Cây Mai). Cấp bậc cuối cùng của ông là Ðại Tá làm Trưởng Khối Quân Sử, Phòng Nghiên Cứu thuộc Bộ Tổng Tham Mưu (QL/VNCH).
Tại Sài Gòn, ông Phạm Văn Sơn cộng tác với Tập San Sử Ðịa (do một nhóm giáo viên và sinh viên của trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn sáng lập). Vì là một nhà nghiên cứu sử học, nên ông Sơn viết nhiều bài mang tính suy luận như "Thái độ và hành động của nhân sĩ Việt Nam trong khoảng đầu thế kỷ XX", hoặc "Để so sánh các anh hùng trước Nguyễn Huệ với Nguyễn Huệ"... Việc làm chính của ông vẫn là việc viết sách lịch sử. Bộ sách sử công phu nhất của ông là "Việt Sử Tân Biên" (gồm 7 quyển, biên soạn rất công phu và cho phát hành từ năm 1956 đến năm 1972). Những tác phẩm của Sử Gia Phạm Văn Sơn gồm có:
- Vỹ Tuyến 17 (ký tên Dương Châu), (1959), Sài Gòn.
- Việt Sử Tân Biên, 7 quyển, Sài Gòn, 1956-1972
- Việt Sử Toàn Thư, Sài Gòn, 1960
- Việt Nam Cách Mạng Sử (còn có tên khác là Việt Nam Tranh Đấu Sử), (1949), Hà Nội, tái bản nhiều lần, 1952, 1959, Sài Gòn.
- Việt Nam Hiện Đại Sử Yếu (1951), Hà Nội, 1956 tái bản, Sài Gòn.
- Việt Nam Khói Lửa (Việt, Anh, Pháp ngữ)
- Quân Lực Việt Nam Hay Quân Sử (5 cuốn, 1967)
Sau 30 tháng 4 1975, Ðại Tá Phạm Ngọc Sơn cũng như bao nhiêu sĩ quan khác trong QL/VNCH bị VC bắt đi tù, nhưng dưới mỹ danh là "tập trung học tập cải tạo". Ông bị chuyển ra Bắc, và ngày 6 tháng 12 năm 1978 (?), ông mất khi đang còn bị giam cầm trong trại tù K1 (Tân Lập) của tỉnh Vĩnh Phú, thọ 63 tuổi (theo Wikipedia).

Sự ra đi của một sử gia:
Chúng tôi từ nhiều trại “tập trung cải tạo” thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, một tỉnh thuộc vùng núi rừng thượng du Bắc Việt. Nơi mà người Tày bản địa nói rằng "chỉ có khỉ ho, cò gáy và chó ăn đá gà ăn muỗi" (có người cãi lại là chó ăn đá gà ăn muối, nhưng với người Tày họ giải thích rằng "muối" thì người còn không có để ăn thì làm gì có cho gà, còn muỗi rừng thì nhiều lắm!) ... Thế rồi Trung Quốc chuẩn bị "dạy cho Việt Nam bài học thứ nhất", nên tất cả chúng tôi "được" di chuyển hết xuống vùng trung du và đồng bằng, trải dài từ Vĩnh Phú đến Thanh Hóa. Kể từ giờ phút này, tất cả chúng tôi không còn do "đoàn 776"  thuộc Nha Quân Pháp cai quản mà bị Bộ Nội Vụ cho tống hết vào trại tù sẵn có của họ.
Nhóm chúng tôi gần cả ngàn con người bị "tập kết" (danh từ của VC) về tại trại tù K1 Tân Lập, Vĩnh Phú (có thể ngoài số ngàn người này, tại trại Tân Lập, các K khác cũng có tù chính trị như chng tôi, nhưng có lẽ K1 nhiều nhất).
Vì đa số là anh em trong cựu chính quyền Sài Gòn, nên nhận biết nhau rất dễ dàng, và đã bị VC đánh giá là loại "nặng ký" mới bị đưa về đây. Thực ra chúng tôi chẳng rõ "mô tê" gì cả, chỉ nghe bọn tù hình sự khào nhau: "bọn này thuộc loại ác ôn, nguy hiểm đối với "cách mạng", từng gây nhiều "nợ máu" với nhân dân...". Không biết bọn chúng đánh giá chúng tôi thế nào, chỉ biết chúng tôi là những con người mà trước đây phục vụ trong các ngành như Tuyên Úy, Tình Báo, An Ninh Quân Ðội, Cảnh Sát, Chiến Tranh Chính Trị, Tâm Lý Chiến... của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Vào hết trong trại rồi, chúng tôi mới biết đây là giai đoạn mà "tất cả các cải tạo viên" không thể đi lại dễ dàng như hồi còn ở trong rừng núi Hoàng Liên Sơn, mà ngoài giờ lao động khổ sai ngoài đồng, khi về trại thì bị nhốt ngay vào trong phòng giam kiên cố. Tuy đã là một "tù nhân" thực sự, nhưng bọn công an cai ngục không cho chúng tôi gọi nhau là bạn tù, mà phải gọi là bạn “Cải Tạo", xưng hô là "anh" và "tôi" mặc dầu người trước mặt mình là vị Cha, Thượng Tọa, chức sắc... của các Nha Tuyên Úy trước đây! Có những lúc thật ngỡ ngàng khi thượng cấp cũ (Ðại Tá chẳng hạng) gặp một nhân viên cũ của mình, người nhân viên này không biết phải xưng hô với "thầy" mình trước đây như thế nào cho phải lẽ... Lỡ mà gọi "Thưa Ðại Tá, thưa Cha, hay thưa Thượng Tọa...", lỡ mà công an VC nghe được thì bị vào nhà kỹ luật như chơi - vi phạm "nội quy" trại giam mà!
Trở lại khi mới đến, ngay từ khi bước chân qua cổng để vào sân trại giam K1 (Tân Lập), chúng tôi đã cảm thấy một cái gì đó rờn rợn... Mọi thủ tục khám xét thật khắc nghiệt, nhìn mặt mày hầm hầm của những tên công an (lúc đó còn trang phục màu vàng) vừa nộ nạt, vừa đấm đá mấy tên tù “hình sự” phụ giúp việc (khám xét các tù “chính trị”) mà tất cả chúng tôi thầm nhìn nhau, lắc đầu... Sau đó chúng tôi bị nhốt hết vào buồng giam, khóa cửa cẩn thận. Vài ngày sau, tất cả “tù nhận chính trị” (à quên là “cải tạo viên”) chúng tôi bị gọi ra hết ngoài sân trại để nghe "cán bộ" làm việc. Tưởng là chuyện gì mới lạ, không ngờ "viên cán bộ trực trại" đọc danh sách phân bố thành  từng"đội lao dộng" mà cứ nói: "Các anh sẽ được biên chế" thành đội ngũ để có thể đễ dàng học tập cải tạo, những ngày tới chúng tôi sẽ giúp các anh cải tạo tốt hầu có thể sớm về với gia đình...". Trong hàng ngũ chúng tôi có tiếng xì xầm: "tưởng gì... xưa rồi.... bỏ đi tám...". Gần một ngàn con người của chúng tôi được chia thành 18 đội, mỗi đội do một "quản giáo" trông coi, nếu đi ra ngoài lao động thì có thêm 2 "cảnh sát" mang súng theo canh chừng. Những hôm sau nữa, qua tiếp xúc với số "tù hình sự" (mỗi đội tù chính trị đi lao động có một tên tù hình sự trông giữ nhà kho của đội, trông lo việc phát cuốc, xẻn...), chúng tôi được biết K1 là trại tù mà trước kia nhà cầm quyền “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” dùng để nhốt và tra khảo các thành phần “Ðịa Chủ, Phú Nông” mà họ cho là ngoan cố... Và trong số này đã có rất nhiều người đã treo cổ tự tử vì không thể sống nổi với cảnh hành hạ dã man của bọn cai ngục...
Nhưng rồi một hôm, trước khi xuất trại đi lao động, chúng tôi cũng đã biết được một cách rõ ràng hơn về trại K1 Tân Lập này, qua lời "phán" tên Thượng Sĩ Công An làm nhiệm vụ “Cán Bộ Giáo Dục”:
- Tôi báo cho các anh biết, một khi đã vào trại này rồi thì phải chấp hành “nội quy” cho tốt! Ngược lại, anh nào còn rơi rớt những tư tưởng phản động, chống đối “cách mạng” thì hãy liệu hồn, đừng trách chúng tôi sao nặng tay đối phó!... Chúng tôi cũng báo trước cho các anh biết, Trại Cải Tạo này là “trại kiểu mẫu” cho toàn quốc, nên không thể để xảy ra bất cứ một chuyện gì khiến cho các anh xao lãng việc “cải tạo”. Chúng tôi cũng nói thêm rằng giúp cho các anh “cải tạo tốt” là nhiệm vụ chính của chúng tôi. Vì phải làm tốt chuyện này, các anh mới sớm được đoàn tụ với gia đình, còn về phía chúng tôi, một phần nào đó đã hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng, của Nhà Nước giao... Trước khi các anh được xuất trại để lao đông, tôi thay mặt cho “trại” để nói chừng ấy lời, sau này có chuyện gì cứ đạo đạt thẳng với “cán bộ quản giáo” giải quyết, tôi không muốn các anh phải gặp tôi, vì tôi chỉ giải quyết những anh nằm ở khu “biệt giam” kia kìa...
Vừa nói hắn ta vừa chỉ tay về phía các hầm biệt giam ở khu cuối sân trại.
Tỉnh Vĩnh Phú có 2 trại tù lớn đó là Phong Quang và Tân Lập. Trại Tân Lập lớn hơn (có tới 7 phân trại) và được Bộ Nội Vụ (Hà Nội) chọn làm trại tù kiểu mẫu cho toàn quốc. Ðối với chế độ Cộng Sản mà một trại tù được chọn là trại “kiểu mẫu”, thì phải hiểu rằng ở đó sự hà khắc, sự dã man mà bọn cai tù cho áp dụng đối với tù nhân nhất định quá tàn bạo, quá sắc máu... có thế mới được nâng lên làm “trại kiểu mẫu”. Thỉnh thoảng chừng vài năm "Ban Giám Thị" trại bắt "tù nhân" tổ chức "Ðại Hội" nhằm kích động việc "tăng gia sản xuất", nếu có chuyện tổng kết "thành quả vừa qua" thì "Phân Trại K1" luôn đạt đủ các “tiêu chuẩn” và được giữ lá cờ đầu (cờ thi đua xuất sắc tưởng thưởng cho phân trại nào được trúng giải)... Sở dĩ người viết hơi dông dài về Trại Tù K1 này, vì Sử Gia Phạm Văn Sơn cũng là một người tù ở đây như chúng tôi.
Trở lại với bước đầu khi mới vào trại K1. Không khí “cải tạo” do Công An Việt Cộng cai quản, làm chúng tôi ngột ngạt thật. Mấy ngày sau chúng tôi mới biết từ miệng các "tù hình sự" (thành phần trộm cướp, tệ nạn xã hội), các Cảnh Sát VC làm nhiệm vụ bảo vệ (mang súng dẫn “tù” đi lao động, sẵn sàng bắn vào bất cứ tù nhân nào có âm mưu muốn thoát khỏi đội tù tẩu thoát...), họ nói: "Trại Tù Tân Lập là trại tù nổi tiếng khắc nghiệt nhất tại miền Bắc, còn phân trại K1 nầy là trại “điểm” của toàn tỉnh Vĩnh Phú!".
Chúng tôi bị đưa về giam vào trại này từ tháng 10/1978, vì lúc đó những vùng biên giới phía Bắc là mục tiêu của quân Trung Quốc lăm le xâm chiếm. Thật không may cho chúng tôi lại bị chuyển về ngay Phân Trại K1 Tân Lập (Vĩnh Phú) này mà thôi. Và quả thực vào đầu Xuân 1979, Trung Quốc đã xua quân xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, họ đã dạy cho Việt Nam Bài Học Thứ Nhất thật! (Lời của Hoa Quốc Phong, Bí Thư Ðảng Cộng Sản Trung Quốc lúc đó).
Trong số các tù nhân chính trị từ Hoàng Liên Sơn bị đưa về trại tập trung quỷ tha ma bắt này, có Ðại Tá Phạm Văn Sơn, tác giả của bộ Quân Sử (Quân Lực VNCH), ông ta không chỉ là tác giả của Bộ Quân Sử mà còn là tác giả của nhiều bộ sách sử khác như Việt Sử Toàn Thư, được nhiều sử gia khác thán phục.
Mặc dầu bị nhốt cùng chung cùng một trại, nhưng lúc đầu anh em chúng tôi chưa biết hết nhau, còn đối với Cộng Sản thì chúng quá rõ về lý lịch từng người của chúng tôi. Họ phân chia chúng tôi thành nhiều đội tùy theo “tội trạng” rồi nhốt chung vào một phòng và gọi là Nhà (chỉ được gọi là “nhà” chứ không được gọi là "phòng" vì gọi “nhà” để phân biệt với “phòng”, "phòng" chỉ dùng cho “phòng giam”, "phòng biệt giam”)... Trong chúng tôi có nhiều người đã mỉa mai: “phòng hay nhà gì cũng thế, cũng để nhốt tù chứ có gì khác đâu!”. Câu chuyện chỉ nhằm vui tếu như thế thôi, nhưng nếu đến tai Công An VC thì dĩ nhiên người đó phải bị “viết kiểm điểm”, nếu bị ghép vào tình trạng “nghiêm trọng” thì phải bị vào “phòng biệt giam” chứ không được ở trong Nhà Số... nữa rồi.
Phòng giam tập thể, hay nhà giam gì đi nữa cũng đều được bao bọc bởi 4 bức tường kiên cố, trần phòng giam được rào chằng chịt bởi những lớp kẽm gai, tất cả che khuất bằng tấm “pla - phông” cứng cáp (tre đan, trét đất). Các cửa sổ của phòng giam đều có những song sắt ngang dọc có đường kính chừng 18mm. Phòng giam tập thể nào cũng có một lối đi chung ở giữa, dọc theo tường của phòng là 1 dãy sạp dài 2 tầng dùng làm chỗ ngủ cho tù nhân. Mỗi phòng giam chứa khoảng 200 tù nhân, tính trung bình mỗi tù nhân có chừng 0.4m bề ngang để nằm, do đó các tù nhân thường nằm ngược đầu nhau (mới có thể cựa mình được).
Lúc đầu thì Ðại Tá Sơn cũng như các anh em khác ở chung trong đội lao động. Chừng nửa tháng sau, không hiểu tình hình thế nào mà Ðại Tá cùng Cha Thịnh (Ðại Tá Giám đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo), Mục Sư Kỳ (Ðại Tá Giám Ðốc Nha Tuyên Úy Tin Lành) và một người khác nữa tôi quên tên bị đưa vào phòng “cách ly”. Ðể giải thích chuyện này, Công An Trực Trại K1 Tân Lập nói rằng: Ðể tránh “lây lan” cho các “cải tạo viên” khác, nên những người này phải được cho ở riêng... Trên thực tế, Mục Sư Kỳ bị vàng da, Cha Thịnh bị bệnh “đồi mồi” loan từng đốm ở vùng môi và cằm, Ðại Tá Sơn cũng bi bịnh này nhưng nặng hơn (khắp cả tay chân mặt mày), bọn cai tù cho đây là bệnh “phong cùi”, người còn lại ở đâu chuyển về, lai lịch không rõ, anh em chúng tôi không ai biết...
Bệnh trạng chỉ có thế nhưng đều bị đưa ra giam riêng biệt với người lạ mặt, chính cá nhân tôi rất nghi ngờ... Trong tù chuyện nghi ngờ việc làm của Ban Giám Thị Trại là việc ngu xuẩn, nên có nghi ngờ thì chỉ để bụng mà thôi, nếu đem tâm sự với người khác, biết đâu chừng lại tự đưa mình vào tình trạng cách lý nặng hơn: “Biệt Giam”.
Tôi có hỏi một cán bộ y tế (Chuẩn Úy Công An VC lo về y tế trại Tân Lập) khi đến công tác tại trạm xá tù K1:
- Thưa Ban (đây là câu nịnh hót rất được lòng các tên công an cấp nhỏ, vì với cấp bậc ấy anh ta chỉ được gọi là "cán bộ" mà thôi. "Ban" chỉ dùng cho cấp “thủ trưởng” như Trưởng Trại chẳng hạn), các anh ấy có cần cho người đem nước muối vào để rửa mụn ghẻ hằng ngày không ạ?... Biết đâu chừng nó hết bệnh đấy!...
Tên Công An VC nói với tôi:
- Tình trạng các anh ấy không gì đâu, nhưng dầu sao cũng phải “cảnh giác”... chúng tôi lo cho các anh bị lây đấy...
Rõ ràng chuyện bệnh tật của 4 người này chỉ là một trong trăm ngàn lý do mà Việt Cộng áp dụng nhằm ngăn cách những người nguy hiểm nhất trong tập thể anh em tù chúng tôi... Sau khi gom 4 người đó vào với nhau rồi, họ thấy việc làm quá trơ trẽn, bèn đưa thêm một Thiếu Úy Ngành Quân Báo còn trẻ, bị mụn nhọt làm thối ngón út của bàn chân trái vào ở chung để lý giải danh xưng “bệnh cùi” cho hợp lý.
Phòng “cách ly” bây giờ gồm 5 người sinh hoạt chung với nhau, không được phép ra ngoài, đến giờ cơm nước, "tù hình sự" mang đến, không cho bất cứ tù chính trị nào lai vãng lại gần, tuy phòng cách ly không phải là phòng kỷ luật (Phòng kỷ luật là 1 cái hầm nổi, xây gạch kiên cố, chật hẹp, chứa tối đa 2 người, thiếu ánh sáng, có hệ thống cùm chân bằng các khoanh sắt hình móng ngựa). Tôi xin được giải thích thêm chỗ nầy là tại sao bọn Công An VC làm nhiệm vụ cai ngục không cho tù chính trị lai vãng tới gần phòng cách ly mà tôi lại được đến nơi đó... Thường thì sau giờ xuất trại, tất cả các tù nhân theo “đội” đi lao động, tôi ở nhà đi kiểm soát vệ sinh từ phòng giam này qua phòng khác, nên lén tiếp xúc với những người trong phòng cách ly rất dễ dàng. Nếu gặp Công An VC thì nói là mình trên đường đi xem vệ sinh tại phòng cách ly, và sau đó ghé vào “đội” Nhà Bếp (anh nuôi) để kiểm soát vệ sinh tiếp (Trại K1, Tân Lập, lúc mới về có phòng cách ly sát vách với khu nhà bếp, về sau dời xuống sau lưng trạm xá).
Chúng tôi biết rất rõ là không phải vì lý do “lây lan” mà VC nhốt cách ly các vị này, mà họ cố tình ngăn ngừa các mầm mống có thể gây nguy hiểm về an ninh của trại giam (những người này đều là những người lãnh đạo tinh thần nên lời nói của họ rất có giá trị đối với anh em tù nhân, nếu họ đích thân kêu gọi mọi tù nhân khác đồng loạt đứng lên chống đối)...
Ðại Tá Phạm Văn Sơn là tác giả của nhiều bộ sách sử, ông có trình độ hiểu biết cao về lịch sử, về mọi diễn biến của quân đội Việt Nam qua từng thời đại một cách rõ ràng. Riêng môn “Sử Học”, Việt Cộng cho là "môn học" quan trọng bật nhất, ảnh hưởng rất nhiều ở những người muốn làm chính trị. Sau khi ra khỏi tù, tôi có đọc những sách sử do Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng viết, họ đánh giá rất cao về công trình nghiên cứu bộ Quân Sử VNCH do Ðại Tá Phạm Văn Sơn viết.
Ngày 2 buổi, trong khi anh em tù nhân chính trị khác làm kiếp lao động khổ sai, thì trong phòng “cách ly”, 4 vị “bự” này phải viết kiểm điểm, nhất là Ðại Tá Phạm Văn Sơn, ông phải trả lời hết mọi câu hỏi mà Việt Cộng (cán bộ chấp pháp trung ương từ Hà Nội về làm việc) đặt ra, gọi là lấy khẩu cung, nhưng thực chất họ có dụng ý muốn tìm hiểu để học hỏi thêm.
Thường thường cứ mỗi 3 tháng, Ban Giám Thị trại giam có tổ chức vài ba ngày học tập gọi là “bồi dưỡng chính trị”, anh em chúng tôi đã nói thầm với nhau : “Lại phét nữa rồi”. Tôi nhớ rõ, mỗi lần “được” lên giảng đường để nghe “cán bộ bồi dưỡng chính trị” là mỗi lần chúng tôi thấy khỏe hơn, vì khỏi lên rừng phá nương, ra rẫy đào hốc trồng sắn, xuống ruộng thay trâu kéo cày kéo bừa... Và còn vui hơn nữa, là được phát biểu cảm nghĩ về nội dung bài học. Chính những lúc phát biểu như thế này, chúng tôi mới có dịp biết được sự thiếu hiểu biết của họ.
Trong anh em chúng tôi, có người vì muốn qua loa cho xong chuyện, nên khi được phát biểu đã làm đúng như sách vở, nghĩa là làm đúng theo thứ tự mà nội quy quy định:
- Xác định tư tưởng (đứng về phía cách mạng, an tâm tin tưởng vào đường lối chính sách, v.v...).
- Học tập tốt, lao động tốt, phấn đấu đạt chỉ tiêu từng ngày từng giờ.
- Chấp hành nội quy, không bao giờ sai phạm mặc dầu chỉ là 1 lỗi nhỏ.
- Chuyển biến: Ðã làm được những gì trong học tập cải tạo vừa qua, phát huy những mặt tốt, khắc phục và luôn luôn phấn đấu vượt qua những tồn tại, biết kiểm điểm bản thân mình và bạn, để cùng nhau giúp đỡ trong cải tạo tốt...
Cũng có những anh em tù chơi trội, trong mô hình trên, ở mục liên hệ bản thân, mục đích duy nhất là vạch trần sự thiếu hiểu biết của các cán bộ giảng dạy chính trị Việt Cộng bằng cách đặt ra những chuyện nghe thật hấp dẫn của thời VNCH, như trường hợp Trung Tá Phan Lạc Phúc (tức Ký giả Lô Răng, hiện ở Úc)... phát biểu trong buổi học tập 8 điều áp dụng cho “tù hàng binh”, ông Phúc nói:
- Tôi có đọc 1 bài bình luận ở "báo chí phương Tây" hồi trước giải phóng, thì việc chia nhau quyền lãnh đạo thời “Mỹ - Ngụy” có thể gồm 3 giai đoạn... Giai đoạn 1 là giai đoạn Chí Sĩ lãnh đạo, giai đoạn 2 là giai đoạn Tướng Sĩ lãnh đạo, và giai đoạn 3 là giai đoạn cuối đó là giai đoạn Tiến Sĩ... lãnh đạo...”. Một sự ngạc nhiên đến cho toàn hội trường, phe ta thì biết ngay anh chàng đang dùng đường quyền “duy vật sử quan” để “logic” cách phịa chuyện của mình. Riêng các tên cán bộ Việt Cộng há hốc mồm nhìn bạn Phúc gật đầu. Tối hôm đó, bạn Phúc ta bị một phen hết hồn vì có một tên mũ cối đến cửa sổ phòng giam, với một giọng trịch thượng gọi lớn vào:
- Anh nào "nà" (là) Phan Lạc Phúc! Ra đây tôi bảo.
Ðêm khuya mà nghe có công an gọi mình, anh chàng Phan Lạc Phúc có vẻ hơi run, định giả vờ như không nghe thấy... thì một bạn tù cùng phòng, nằm sát cạnh cửa sổ đã gọi tiếp:
- Phúc ơi! Cán bộ gọi anh kìa!
Không tránh được nữa, Phúc đành bước tới gần cửa sổ, hỏi:
- Thưa cán bộ, cán bộ cần gì ạ?...
- Anh "nà" Phan Lạc Phúc? - Tên công an gắt giọng.
Nghe nạt nộ, Phúc hơi run, nhưng vẫn trả lời:
- Dạ, đúng tôi đây...
Tên công an dõng dạc ra lệnh:
- Ðây nà cây đèn cầy, mấy tờ giấy, trong đêm nay anh phải dùng mấy trang giấy nầy viết hết những gì mà anh phát biểu phần liên hệ bản thân sáng nay... Sáng mai đưa sớm cho tôi trước khi đi "nao động"...
Phúc hú hồn, một tay cầm cây đèn cầy, tay kia cầm mấy tờ giấy đi về chỗ nằm... Thấy Phúc không bị gì, một người bạn nằm kế cạnh Phúc buột miệng nói:
- "Thần khẩu buộc xác phàm" rồi đó ông nội ơi!
Một chuyện khác nữa, đó là chuyện của bạn Nguyễn Văn Diệp (Khóa 3 BTV-CSQG đang ở San Jose, USA), cũng tại một buổi “bồi dưỡng” khi đứng trên bục giảng để lên lớp, tên cán bộ muốn dò xem thử trình độ hiểu biết về triết học của các “sĩ quan ngụy” như thế nào, hắn ta nhìn xuống anh em tù nhân, hỏi:
- Này nhá, các anh có biết từ “Tiếp Thu” đến “Nhận Thức để có thể Chuyển Biến tốt” phải cần có yếu tố gì làm cầu nối?
Tên cán bộ vừa dứt câu trả lời, Diệp liền đưa tay phát biểu. Chờ sự đồng ý của hắn ta, Diệp dõng dạc:
- Thưa cán bộ, phải cần có yếu tố “tình cảm” ạ!
Nói dứt câu, Diệp ngồi xuống, không cần chờ kết luận của tên công an đặt câu hỏi đố. Thấy câu đáp của Diệp quá chính xác, tên này khen rối rít, vì anh ta không ngờ trình độ của sĩ quan “ngụy” lại cao và giỏi đến thế, nhưng anh có biết đâu về cách chơi chữ “tình cảm” của Diệp (chơi chữ như thế nào thì độc giả cứ hỏi thẳng bạn Diệp, vì chỉ có anh ta mới trả lời chính xác câu nói này).
Đó là đối với các “cải tạo viên” bình thường, con như “cải tạo viên” Đại Tá Phạm Văn Sơn thì khác hẳn, ông ta không bao giờ được phát biểu bất cứ điều gì để cho mọi bạn tù cùng nghe đâu, có chăng chỉ xảy ra riêng tư giữa ông ta với viên chấp pháp mà thôi...
Cuộc sống của 5 người cùng “phòng cách ly” vẫn ngày tháng trôi đều, cơm 9kg/tháng, chia làm 2 bữa cho 1 ngày (tiêu chuẩn này áp dụng cho những người bị kỷ luật). Trên thực tế, tiêu chuẩn 9kg đã không đảm bảo cân lượng mà còn bị thay thế bằng sắn khô (củ mì phơi khô) và bobo, bắp hạt... tuổi già nếu cứ nhắm mắt nuốt đại vào, thì sẽ bị rách cuống cổ như chơi, chưa nói khi chúng rớt vào dạ dày rồi thì sẽ không tiêu được, nên khi thải ra ngoài vẫn còn nguyên dạng...
Trưa, tối, bọn hình sự đem cơm tới, mỗi sáng thì ghé xem bên trong có ai bị việc gì không, tiện thể lấy phân để đem nó ra bón rau cải ở khu lao động, thỉnh thoảng năm ba ngày tên cán bộ trực trại cho họ đi tắm một lần trong giếng gần “đội nhà bếp” (tù nhân đi lao động bên ngoài thì thường ngày tắm rửa ở các hố nước nuôi cá, trâu tắm, sau khi đã rửa sạch các thúng gánh phân người để bón cây trồng trong ngày hôm đó)... Cha Thịnh, Mục Sư Kỳ thì trầm ngâm hơn, lâu lâu thở dài cho đoạn ngày đoạn tháng... riêng Ðại Tá Sơn thì viết liên tục, những bài viết của ông được bọn Việt Cộng cất giữ kỹ, không một ai được xem, ngay cả những người cùng buồng.
Mấy tháng trôi qua, một hôm cán bộ Việt Cộng phát hiện trong bài viết về lịch sử, khi so sánh 2 chế độ “tù” thời VNCH và thời XHCN, họ cho đó là một việc làm “đại phản động hay cực kỳ phản động” gì đó... nên Ban Giám Thị Trại Tân Lập “đặc biệt chiếu cố” bằng quyết định “mật” cho Ðại Tá Sơn vào ngay hầm biệt giam tại K1. Tất cả anh em chúng tôi  khi vi phạm điều gì đều bị gọi tên ra trước sân, tên công an làm cán bộ trực trại đọc lệnh giam: bị giam kỷ luật ... ngày: cùm 1 chân, hay cùm 2 chân”, tùy theo mức độ vi phạm nhẹ hay nặng... trước sự chứng kiến của toàn thể tù nhân trong trại hôm đó. Riêng trường hợp Ðại Tá Sơn thì quá đặc biệt, ngay cả Cha Thịnh và Mục Sư Kỳ cũng không biết nốt. Cả hai vị này khi gặp tôi chỉ nói rằng:
- Họ chuyển ảnh đi đâu mất rồi, vì có đem theo hết tất cả đồ dùng cá nhân...
Ngay như tôi lúc đầu cũng không biết, mặc dầu tôi được thay mặt anh em làm trong “ban thi đua” phía bên tù chính trị, thường hay đi kiểm tra vệ sinh khắp các phòng giam trong trại...
Tôi xin mở ngoặc về “Ban Thi Ðua” của trại tù K1 Tân Lập một chút:
“Lúc đầu thi đua chỉ gồm toàn những tên "tù hình sự", họ đa số phạm những tội như cờ bạc, trộm cướp, hiếp dâm, giết người, bộ đội, cán bộ nhà nước hủ hóa, tham nhũng... Mọi sự đối xử của họ đối với chúng tôi mang tính dã man, vô học, gây nhiều phẫn nộ luôn được bọn cai tù “bật đèn xanh”. Nhờ có sự bê bối của các tên tù như Phú, như Ninh trong Ban Thi Ðua ăn chận bớt thịt cá làm hụt phần cấp phát cho các tù chính trị, bị anh em “đội nhà bếp” kêu ca, cán bộ quản giáo của đội này cho bắt quả tang Ninh và Phú lấy thức ăn cất giấu nơi ở của 2 hắn ta (chuyện này bạn Hoàng Xuân Lưu lúc đó làm Ðội Trưởng đội Nhà Bếp biết rất rành, và anh ta cũng bị kỷ luật lây). Thấy nhóm hình sự có những hành động gây tác hại lớn cho việc an ninh của trại, nên Trại thấy cần phải có những “thường trực thi đua” là người bên nhóm "tù chính trị" mới tranh khỏi xung đột có thể gây nên án mạng giữa hai nhóm tù này. Lúc đó tên Thượng Sĩ Công An Bổn (cán bộ Giáo Dục trại) - người chủ trương không để "tù nhân chính trị" làm "thi đua", hắn ta được đi “bồi dưỡng” nghiệp vụ ở Trại Hà Tây (chứ không phải được đi học bên Liên Xô) nên tên Thượng Sĩ Công An Hồng lên thay, chấp nhận tăng cường 3 "tù nhân chính trị" làm thường trực thi đua (Lúc đó đã được 6 tháng từ khi K1 Tân Lập đảm nhận việc nhốt tù chính trị chúng tôi). 3 người được tăng cường đầu tiên là tôi, Kính (CTCT) và Lập K5-BTV/CSQG. Cường (K3-BTV/CSQG, hiện ở Canada) thì được tên Nhàn (Trưởng Ban Thi Ðua) xin thêm để làm phần hành “văn hóa” (thay thế cho Hùng hình sự hay đánh các tù nhân khác) chứ không phải thường trực thi đua (việc này có ký giả Nguyên Huy - Nhật Báo Người Việt biết). Thời gian sau, "thường trực thi đua" được tăng cường thêm LV Ðàn (Trung Tá Nhảy Dù), Cường thì được đưa về K3 (Tân Lập), tôi thì bị đưa về Trại Giam Hà Tây tiếp tục “cải tạo”. Từ đó trở đi tôi không còn biết gì về hoạt động của "thường trực thi đua" ở K1 Tân Lập nữa...
Nhàn là một tên “đâm thuê, chém mướn, lừa đảo, cờ bạc”. Tên này vẫn làm Trưởng Ban Thi Ðua để kèm kẹp chúng tôi, hắn biết rõ việc của Ðại Tá Sơn (y là người đưa cơm hàng ngày cho Ðại Tá Sơn khi bị cùm trong phòng biệt giam, vì công an VC không tin tù chính trị như chúng tôi). Thấy tên Nhàn này hay rù rì với Cường, nên tôi đâm ra nghi ngờ... Với Cường thì tôi không thể tìm hiểu được rồi, vì lỡ đổ bể chuyện gì thì anh ta bị cùm ngay mà tôi cũng vạ lây, thôi thì phải tìm biết mọi chuyện cần biết nơi Nhàn khi có dịp thuận tiện...
Một hôm Nhàn than phiền với tôi:
- Cái tên Sơn này cứng đầu... từ hôm bị biệt giam đến nay không chịu ăn chịu uống gì cả, lại còn phóng uế bừa bãi, linh tinh... thối chịu “đếch” được!
Thấy có cơ hội, tôi nói ngay:
- Thế anh đưa cơm hằng ngày cho hắn ta, hắn ta có chửi mắng gì anh không?
- Anh ta đâu có thèm nói năng gì mà chửi với không chửi... Chỉ cái tội viết bậy mà vào cùm nên khổ thân đấy thôi! Các anh bảo ban nhau mà liệu hồn!
- Tôi nghe nói khi ở phòng cách ly, anh ta được viết những gì đúng theo cán bộ yêu cầu kia mà?
- Thì đương nhiên phải đúng yêu cầu, nhưng diễn tả mặt tích cực thì được, đằng này cứ phanh phui chuyện tiêu cực thì hỏng ngay...
Tôi giả vờ tiếp:
- Như thế nào là tiêu cực? Anh cho tôi biết để còn giữ mình có thể cải tạo tốt không chỉ riêng bản thân mà còn giúp anh em khác nữa chứ?...
Nghe tôi hỏi có lý, tên Nhàn vênh mặt có vẻ như một cán bộ công an khi lên lớp cho các tù nhân:
- Anh ta khờ lắm! Viết gì không viết lại việt bài có nội dung đem so sánh hai chế độ tù giữa Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Xã Hội... còn đem chuyện gian trá trong việc trao trả tù binh của hai bên ra phân tích... Chơi kiểu này thì chết thôi con ạ!
Chừng 4 ngày sau, tôi giả bộ đi ngang qua khu cấm này gọi là coi xem có vấn đề gì cho việc không đảm bảo an ninh trại hay không (tôi có báo cho tên cán bộ trực trại biết; tên này dặn thêm: Anh phải cẩn thận chứ “tên Sơn” khá nguy hiểm đấy nhé), cũng từ câu nói của tên này, tôi mới xác quyết rằng Ðại Tá Phạm Văn Sơn đang bị kỷ luật.
Làm bộ như đang đi lo việc quan sát phía bên ngoài các phòng kỷ luật, nhất là ở các lỗ có song sắt và lấy tay giật giật thử có còn chắc hay không, cái nào bị mục cần thay để có cớ báo lại cho tên trực trại, hoặc tình hình có ai “quan hệ” với những người bị kỷ luật (đa số là bọn hình sự) hay không?...
Nhìn quanh thấy không có ai, tôi nói nhẹ vọng vào:
- Anh Sơn, em là Q. đây, anh khỏe không? Ðói lắm không? Em vứt vào nửa cái bánh bột nhé!
Giọng thật nhỏ, yếu, vọng ra:
- Q. đó hả?
(Sở dĩ anh Sơn, Cha Thịnh, Mục Sư Kỳ biết tôi vì hồi họ chung sống tại khu cách ly, tôi là người hay đến nói chuyện, lại nữa âm thanh lời nói của tôi cũng dễ nhận, nên bên trong dầu không thấy người, cũng đoán ra được là ai, và có thể an tâm vì “không thể trao thân lầm tướng cướp”...
- Tôi không cần gì cả, đừng vứt vào, bọn chúng đến kiểm soát thì chết cả lũ, ráng phải lo giúp các bạn khác nữa... Hôm nay đã 4 ngày tôi nhịn ăn rồi, ít hôm nữa thì anh sẽ rõ những việc tôi làm, anh mau đi khỏi đây, và từ nãy giờ coi như anh chưa lại chỗ tôi, và cũng đừng nói với ai là tôi đang ở đây, nếu lỡ việc ra thì anh sẽ bị nguy, mà ngay chính tôi cũng không thể thực hiện ý nguyện của mình...
Tôi rón rén bước về phía các phòng giam khác để gọi là đi kiểm soát tổng quát... Sau giờ xuất trại đi lao động chiều hôm ấy (Trại đang cho các đội thi đua nhau đào hốc trồng sắn), một tên tù hình sự đến nói với tôi:
- Chú à, cháu "đề xuất" với chú chuyện này khó khăn thật đấy, nếu vỡ ra thì cháu chết ngay, nhưng nếu không nói thì không được.
Tôi bảo ngay:
- Mầy lại lèng èng chuyện gì đây, "linh tinh" nữa phải không? Nhanh lên kẻo đến giờ tao phải phát dầu cho các buồng rồi đây!
Tên hình sự ngập ngừng:
- Vâng ạ, vâng ạ! Chú Sơn bảo chú cho chú ấy xin tờ giấy trắng, còn cháu thì có cây bút chì để chú ấy viết cái gì gì ấy mà...
Tôi như điếc cả 2 lỗ tai, không biết nghe có lầm không, nếu nó gài mình thì ngày mai lại phải vào cùm, nếu nó thật lòng thì mình phải làm sao đây? Tôi giả vờ nạt nộ một hồi, xong nói tiếp:
- Thôi, tao không giải quyết được việc gì đâu, tao bận lắm, mầy ở đây coi văn phòng giúp tao một tí, đừng cho giấy tờ trên bàn gió bay lộn xộn, và không cho bất cứ ai sờ vào món gì cả nghe chưa? Tao phải xuống bệnh xá một tí là về ngay!
Nói xong tôi đi thật vội, không dám nhìn lại cho đến khi phải trở về lấy dùi trống đánh lên 3 tiếng gọi các “trực sinh” (danh xưng dùng cho những tù nhân lo việc vệ sinh, cơm nước cho anh em tù khác ra ngoài lao động) của các phòng đến nhận dầu về thắp trong đêm, chủ yếu để có lửa hút thuốc lào...
Ngoài ra, trong đêm, có ánh sáng leo lét của ngọn đèn tuy làm bằng vỏ chai cưa cổ, nhưng cũng giúp được nhiều việc như rủi có anh em nào đau nặng, cần cấp cứu là phải hô to: “Báo cáo cán bộ, phòng X có người đau nặng, xin được cấp cứu”. Hô to lên như vậy nhiều lần cho tới khi các tên cán bộ vào mở cửa thì anh em mới có thể thấy đường để khiêng người bệnh lên trạm xá. Nếu bệnh quá nặng thì để lại luôn tại trạm xá, nếu bệnh nhẹ hơn thì chỉ nhận 2 viên “xuyên tâm liên” rồi phải khiêng trả lại phòng giam ngay. Nói là “trạm xá” cho oai thôi, chứ thật ra cũng vẫn là một phòng giam bị khóa cửa cẩn thận như mọi phòng giam tù khác. Có nhiều anh em tù chính trị được cấp cứu trong những đêm như vậy, sáng hôm sau đã phải vĩnh viễn ra đi, có khi ngay tại trạm xá, đôi khi ngay tại phòng giam chung. Nói chung, tù chính trị chết nhiều hơn tù hình sự. Gần 2 năm bị giam tại trại Tân Lập, tôi chưa gặp một trường hợp nào tù hình sự bị mạng vong cả.
2 ngày sau nữa (Tổng cộng 6 ngày), tên cán bộ trực trại gọi tên Nhàn (Trưởng Ban Thi Ðua) đưa 2 tù hình sự khỏe mạnh, khiêng Ðại Tá Sơn từ phòng Kỷ Luật xuống trạm xá (lúc đó đã 8g tối, các tù nhân khác đã vào chỗ ngủ). Màn đêm xuống, từ lâu... Tại trạm xá chả có thuốc men gì để giúp cho Ðại Tá Sơn khỏe lại, mặc dầu biết Ðại Tá kiệt sức vì nhịn đói lâu ngày... Thế rồi Ðại Tá bắt đầu đi vào mê sảng... Ðến 2g sáng hôm sau, Ðại Tá Sơn được đưa về lại Phòng Cách Ly cùng với Cha Thịnh, Mực Sư Kỳ, nhưng lúc này ông ta yếu lắm rồi, không nói được lời nào với các người chung phòng. Tình trạng dần dần đi vào mê man... cho đến 8 giờ sáng hôm sau.
Thường thì 8 giờ 30 sáng tên công an làm cán bộ trực trại sau khi cho tất cả các tù nhân xuất trại để "đi lao động" xong là vào mở cửa phòng cách ly để những người này làm vệ sinh cá nhân, sau đó các người này "lao động tại chỗ: (vê than đá bột lại thành từng nắm vừa trong hai bàn tay, đem phơi khô để những người bạn tù thuộc đội nhà bếp lấy về đun bếp). Công việc “vê” than này chỉ dành riêng cho 5 người trong phòng cách ly mà thôi. Hôm đó anh chàng Thiếu Úy Quân Báo, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, thấy Ðại Tá Sơn quá yếu sợ để nằm trong phòng sẽ ngộp thở vì thiếu không khí, nên đã đề nghị mấy người còn lại phụ khiêng Ðại Tá Sơn ra bên ngoài, bên đống than đang “nắm” đỡ... để hưởng chút không khí trong lành. Lúc đầu Ðại Tá còn gượng ngồi được giống như một người đang làm việc “nắm” than như nhiều người khác...
Ngoài sân trại, lệnh xuất trại đi lao động được tên công an trực hách dịch ban hành, thì cũng là lúc Ðại Tá không còn ngồi nổi nữa, ông gục mặt trên đống than dang dở, và bất động... Cũng đúng lúc đó anh tù chính trị làm ở nhà bếp Nguyễn Văn An (BTV Khóa 14 Rạch Dừa) đem xe cải tiến đến... Thay vì chở than về đun bếp, anh ta phải dùng ngay xe nầy để chở Ðại Tá Sơn lên trạm xá cấp cứu... Khi vượt qua sân trại thì đúng vào lúc chỉ còn một đội tù cuối cùng xuất trại, những người đi sau ngoái đầu nhìn ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra... An kéo Ðại Tá Sơn đến trạm xá, những người tù trong trạm xá chạy ra để phụ khiêng vào cấp cứu... lúc đó Ðại Tá đã tắt thở rồi...
Ðại Tá Phạm Văn Sơn đã vĩnh biệt anh em như vậy đó!
(Ở trên phần viết về thân thế, trên Wikipedia nói reang ngày mất của Ðại Tá Sơn là ngày 6 tháng 12 năm 1978 có thể không đúng lắm, vì người viết cn nhớ là lúc đó Trung Quốc đã "dạy cho VN bài học thứ nhất" (đầu năm 1979) rồi, và Ðại Tá Sơn mất sau giai đoạn này...  
Khoảng 11 giờ trưa khi tất cả các tù nhân còn đang ngoài bãi lao động, thì xác Ðại Tá Sơn được nhóm tù hình sự và tôi đưa đến “nhà vĩnh biệt”, một cái chòi mái lợp tranh, vách tô bằng đất sét nhồi với rạ do chính anh em tù chúng tôi dựng lên phía Tây đằng sau khu nhà giam của chính mình.
Những bộ quần áo tù rách nát, vá víu chằng chịt được khoác thêm vào người anh Sơn để gọi là tạm ấm khi phải trở về lòng đất lạnh. 8g tối, các phòng giam của khu tù chính trị được khóa cẩn thận, thì cũng là lúc chiếc hòm bằng cây “vông đồng” sần sùi, tồi tàn đựng xác Ðại Tá được đặt trên xe “cải tiến”, một loại xe do 1 người kéo, 2 người đẩy, có nơi còn gọi là xe “cộ” (hình thức giống hệt như chiếc xe dùng cho trâu, bò kéo nhưng nhỏ hơn), do 4 tên tù hình sự kéo đẩy đi. Họ chôn anh Sơn cạnh bên kia bờ suối nhỏ, phía bên này là một rừng sắn đang tươi tốt cao ngang lưng, thành quả lao lao động bằng máu và mồ hôi trong những ngày khổ sai của số người "cải tạo" còn sống sót...
Tin về cái chết của Ðại tá - sử gia Phạm Văn Sơn được giữ kín. Ðiều này chứng tỏ đã không có sự bình thường như mọi lần trước khi có một trong những anh em chúng tôi ra đi.
Ðại Tá Sơn nằm xuống yên lặng như thế, nhưng mọi việc còn lại gây nhiều chấn động không phải chỉ trong anh em tù với nhau mà ngược lại có sự bàn tán, tranh luận... thể hiện ngay trong nội bộ của bọn chỉ huy trại Tân Lập (K1). Trưởng Trại Tân Lập tên Thùy (Thiếu Tá Công An), phải tức tốc từ K5 (Trại trung ương của Tân Lập) đến K1 tìm hiểu sự việc. Việc xì xầm với nhau giữa các tên Việt Cộng trực trại, giáo dục, hàng quản giáo, an ninh, về phía tù nhân có tên Nhàn (Trưởng Ban Thi Ðua) cùng nhau bàn bạc tìm biện pháp đối phó... Nhờ những tên tù hình sự “phục dịch cán bộ” (lo cơm nước, giặt giũ áo quần...) về thuật lại, tôi mới biết được chút ít:
- Ðó là nội dung lá thư viết bằng bút chì trên 1 trang giấy “tự túc” (giấy màu vàng ố do tên hình sự tự ý lấy tại phòng thi đua mà tôi đã nói trong trường hợp nêu trên; dĩ nhiên việc này chỉ có tôi và tên tù hình sự ấy biết mà thôi, nhưng bảo tôi là người cung cấp giấy thì không thể có bằng chứng được, hắn ta tự lấy trong lúc tôi vắng mặt kia mà). Trong thư Ðại Tá Sơn nói rằng: “Xin các ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi phải nhân đạo, những hình thức dã man như vừa qua đã áp dụng hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây lịch sử sẽ ghi vết nhơ này, và người đời sẽ nguyền rủa...”.
Sau biến cố này, bộ mặt sinh hoạt tù khác hẳn, kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Về phía "ban thi đua" được tăng cường thêm 2 người tù chính trị làm trật tự, các đội trưởng phải chịu trách nhiệm hết mọi hành vi của đội viên mình trong mọi nhất cử nhất động; ăn uống thì ấn định rõ ràng (vì trước đó tên cán bộ lo về phần bếp núc của anh em tù, đã trừ quá nhiều vào sự hao hụt bằng cách tự phân phối lương thực thực phẩm hàng tháng theo ý riêng của hắn ta! Tên này bị thay thế bằng 1 tên khác).
Bên ngoài tuy phải áp dụng hình thức lao động khổ sai như cũ, nhưng bên trong bọn Việt Cộng đã ngầm bảo nhau cần nhẹ tay hơn. Trước đó, việc nấu nướng riêng tư không cho phép, nay thì có lệnh mỗi tù nhân vào sáng Chủ Nhật có thể xuống bếp trại để hâm lại những thức ăn riêng, nhưng phải biết chia nhau giờ giấc tránh cảnh gây ồn ào xáo trộn.
Hôm nay ngồi suy ngẫm lại chuyện cũ, cái chết của Ðại Tá Sơn nào có khác gì những anh hùng Nguyễn Tri Phương (Thà nhịn đói chịu đau mà chết chứ không bao giờ khuất phục giặc Pháp), Hoàng Diệu (Lên thành treo cổ tự vẫn chứ không đầu hàng)... Ðại Tá Phạm Văn Sơn tuyệt thực trong nhà kỷ luật, chấp nhận cái chết, vì muốn đòi quyền lợi cho các anh em tù nhân chính trị khác (được hưởng đúng theo quy chế của một tù hàng binh theo luật quốc tế), tuy kết quả không như ông mong muốn, nhưng dầu sao cũng làm cho những anh em còn sống được dễ thở hơn...
Với lá thư gởi cho Ðảng và Nhà Nước XHCN - nhờ Trại Tân Lập chuyển, nội dung hoàn toàn được bọn Việt Cộng giữ bí mật, nhưng tên Nhàn lỡ lời vì bị sập vào bẫy moi tin do tôi gài. Với thời gian hơn ba mươi mấy năm rồi, tôi chỉ nhớ đại khái: “Xin các ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi, những hình thức dã man như vừa qua hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây trong lịch sử phải ghi thêm vào đấy vết ô nhục mãi ngàn đời sau cho dân tộc VN... vì đã có một thời mà người Cộng Sản từng đối xử dã man ngay với đồng bào, đồng loại của mình!” (Thực ra câu này, tôi chỉ viết dựa theo ý chính của tên Nhàn, còn nguyên văn thì không cách nào cá nhân tôi có thể xem được).
Ðại Tá Sơn chịu chết để cho anh em chúng tôi sống...
Viết bài này với ước mong có thể thay mặt cho các anh em cùng sống chung với Ðại Tá - Sử Gia Phạm Văn Sơn tại trại K1 Tân Lập, xin được thắp nén nhang khấn vái linh hồn Ðại Tá luôn được siêu thoát.


HyperLink
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.