NGỌC HÂN CÔNG CHÚA (玉忻公主) Bài 7
... 2.- Công Chúa Lê Ngọc Bình (黎玉萍) Bà công chúa Lê Ngọc Bình tuy không phải là nhân vật nổi
tiếng, và được nhiều người biết như bà Dương Vân Nga hay bà Lê Ngọc Hân, nhưng
lại đúng hợp với lời xì xầm của người dân cố đô Huế xưa: “Số đâu có số lạ đời, Con vua lại lấy 2 đời chồng vua”! Bà là con gái út của vua Lê Hiển Tông với bà Chiêu Nghi
Nguyễn Thị Điều và là em cùng cha khác mẹ với “công chúa Lê Ngọc Hân”. Xin nói
rõ ở đây, bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Điều (mẹ của Lê Ngọc Bình) là người cùng
làng với bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (mẹ của Lê Ngọc Hân), cả hai bà đều là
vợ của vua Lê Hiển Tông (Nhà Hậu Lê). Điều nầy có ghi trong “Nguyễn Phúc tộc thế
phả, NXB Thuận Hóa, 1995, tr. 222). Về năm sinh của bà Lê Ngọc Bình, có nhiều tài liệu ghi
khác nhau. Khi ghi bà sinh vào năm 1783 lúc đó vua Lê Hiển Tông đã 67 tuổi, kém
chị Lê Ngọc Hân 12 tuổi. Bà (Ngọc Bình) cùng trang tuổi với vua Cảnh Thịnh. Sách
“18 vị Công Chúa Việt Nam” của hai tác giả Đặng Việt Thủy và Đặng Thành Trung, ghi
Lê Ngọc Bình sinh năm 1775, kém Lê Ngọc Hân 4 tuổi và hơn vua Cảnh Thịnh 8 tuổi. Năm 1795, sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị loại bỏ,
Thái Hậu Lê Ngọc Hân đưa Ngọc Bình lúc đó đang ở tuổi 13 (theo truyền thuyết
trong dân gian nói rằng công chúa Ngọc Bình nổi tiếng về vẻ đẹp sắc nước hương
trời, cơ thể phát ra mùi hương rất lạ, vô cùng cuốn hút...) vào Phú Xuân
làm vợ Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh). Vua Cảnh Thịnh phong cho Lê Ngọc
Bình làm Chánh Cung Hoàng Hậu (Nhà Tây Sơn), không thấy sử sách nào ghi bà và
vua Cảnh Thịnh đã có con với nhau (có lẽ cả 2 đều còn nhỏ), nên lúc đó bà Ngọc
Bình là: “con vua chỉ mới một đời chồng vua…”. Ở đây xin mở ngoặc viết thêm chuyện thứ tự gia đình trong
nội cung Nhà Tây Sơn lúc nầy rất phức tạp vì cách xưng hô với nhau khi Lê Ngọc
Bình làm vợ của vua Cảnh Thịnh: - Ngọc Bình vừa là em vừa là con dâu của Ngọc Hân. - Vua Cảnh Thịnh vừa là con, vừa là anh em cọc chèo với
vua Quang Trung (vì cùng gọi vua Lê Hiển Tông là “nhạc phụ”). - Chuyện tình của đôi trẻ (13 tuổi) kéo dài 9 năm
(1795-1802) thì “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, chồng bị xử “lăng trì”, còn
vợ mới ở độ tuổi 22 phải về sống với người xử “lăng trì” chồng mình. Sách “Quốc Sử Di Biên” do Phan Thúc Trực biên soạn
vào năm Tự Đức thứ 4, thứ 5 (1851-1852) có đoạn ghi: “Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)… Ngày 21 Canh Thân,
Thế Tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản
dâng lên vua… dâng nộp bà Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…” (TS Nguyễn Thị
Oanh chủ trì việc biên dịch ra quốc ngữ, NXB. KHXH, Hà Nội, 2010, tr. 75). Ở đây có lẽ ông Phan Thúc Trực vì một lý do nào đó nên không
dám ghi chính xác về chuyện công chúa Ngọc Bình không phải bị dân đem nộp cho
vua (…dâng nộp bà Lê Ngọc Bình vào trong cung vua), mà là chính vua Gia Long nạp
bà ta làm phi… Chúng ta có thể thông cảm điều này cho ông Phan Thúc Trực; ông là
quan Nhà Nguyễn làm sao dám ghi vua Gia Long ham sắc, gạt đi mọi can ngăn của
quan cận thần để tự ý thâu nạp Ngọc Bình làm phi? Do đó ông Phan Thúc Trực
không dám viết sự thật, phải viết lệch đi “người dân dâng nộp bà Ngọc Bình vào
cung vua”! Ở đây chúng ta không tìm thấy tài liệu nào xác nhận rằng lúc vua Cảnh
Thịnh (Nhà Tây Sơn) bỏ chạy ra Bắc mà không đem theo “Chánh Cung Hoàng Hậu” Ngọc
Bình của mình mà để bà phải kẹt lại Phú Xuân? Thế rồi Nguyễn Phúc Ánh chiếm Phú
Xuân, bắt được Ngọc Bình và quyết định lấy bà làm phi (sự việc vua Gia Long cho
nạp Ngọc Bình làm Phi, theo các nhà nghiên cứu đã cho đây là quyết định rất
sáng suốt: Ngọc Bình là công chúa của Nhà Lê, dĩ nhiên bà ta vẫn còn có thể là
sự tin tưởng của những cựu quan lại Nhà Lê mà vua Gia Long muốn kéo họ về với
mình). Theo Trần Quốc Vượng trong bài viết “Mấy Vấn Đề về Vua
Gia Long” khi quyết định để bà Lê Ngọc Bình làm phi, các đại thần can ngăn, nhà
vua cười ha hả nói: "Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ
giặc, “tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô!". Sách “18 vị Công Chúa Việt Nam” (NXB QĐND, 2008, tr. 105)
của 2 tác giả Đặng Việt Thủy và Đặng Thành Trung, có viết: Bà Lê Thị Ngọc Bình sống với vua Gia Long (được phong làm
phi), sinh được 2 hoàng tử Nguyễn Phúc Quân tức Quảng Uy Công (1809), Nguyễn
Phúc Cự tức Thường Tín Công (1810) và 2 công chúa Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa
Ngọc Ngôn. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Ngọc Bình được phong làm Chánh
Cung Hoàng Hậu, khi vua Gia Long kết nạp bà vào cung, bà được phong làm Lê Đức
Phi (黎德妃). Bà mất vào năm 1810, được ban thụy
là “Cung Thận Đức Phi”. Sách Đại Nam Thực Lục (NXB Giáo Dục, tập 1) ghi: “Canh Ngọ, Gia Long năm thứ 9 (1810), Chiêu Viên là Lê Thị
(con gái út của vua Lê Hiển Tông) mất, tặng Đức Phi, an táng ở Trúc Lâm, lập từ
đường ở Kim Long. Thưởng cho binh dân 600 quan tiền…”. Đến năm 2008, bà được cải
táng, dời về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương
Trà (Thừa Thiên, Huế). Nhiều người lầm lẫn giữa công chúa Ngọc Hân và công chúa
Ngọc Bình vì họ là hai chị em cùng cha (vua Lê Hiển Tông) đều lấy chồng làm vua
tại Phú Xuân... Sự hiểu lầm chuyện của người nầy trở thành chuyện của người kia
đã xảy ra, và cũng có thể có chuyện “ác ý” của những người viết với mục đích
riêng tư của họ để sau đó đem phổ biến, rồi biến “chuyện nghi ngờ” trở thành “chuyện
thật” (?) chăng? Trở lại câu chuyện Ngọc Hân, Ngọc Bình, Sau khi Nhà Nguyễn thay Nhà Tây Sơn, trong dân gian (nhất
là tại cố đô Huế), người dân nghêu ngao câu ca: “Số đâu có số lạ đời Con vua lại lấy 2 đời chồng vua”... Đơn giản chỉ có thế, nhưng khi đem ra bàn bạc, thì việc thêm
điều này điều nọ vào khiến có sự ngộ nhận từ người nầy trở thành người kia, rồi
gây tranh cãi không những ngay thời đại hôm nay mà hậu quả đem lại cho thế hệ
mai sau khi tìm hiểu về các bậc tiền nhân của chúng. Cụ thể, ngay khi người dân,
nhất là người dân cố đô Huế khi đọc hai câu ca dao này, vì tính tò mò mà họ đã
hiểu sai vấn đề khi đọc những tài liệu mà người viết ra nó có ý đồ không tốt. Sự tò mò khi đọc những tài liệu không đúng đắn này không
chỉ làm cho người dân bản địa hiểu sai lệch vấn đề, mà ngay cả những người Pháp
sống tại Huế lúc bấy giờ cũng nghĩ sai lầm như vậy, họ cũng đã xi xa xí xố bằng
tiếng Pháp: “Quel rare destin que celui de cette femme Fille de Rois, elle épausse soucessivement deux Rois”. Đó là giai đoạn năm 1926, đọc trên tạp chí Nam Phong, số
103, có bài “Ngọc Hân Công Chúa Dật Sự” (không ghi tên tác giả) viết rằng: “Vua Thế Tổ Nhà Nguyễn (Gia Long) để công chúa (Ngọc Hân)
trong một cái dích dinh (ngôi đền bên cạnh) cho người hầu hạ cung phụng. Có người
trong đám đầy tớ của vua Gia Long cho rằng công chúa Ngọc Hân là vật dư thừa của
Tây Sơn và can gián vua, nhưng nhà vua bảo: - Đất và dân ngày nay, không có một món gì là không phải
vật dư thừa của Tây Sơn thì mới làm sao?”. Về sau vua Gia Long cho công chúa Ngọc Bình về Bắc theo
quê quán của mẹ ở Bắc Ninh cho đến lúc chết”. Chuyện đến đây vẫn chưa có gì rõ ràng, nhưng đến khi đọc
bài “Les Caprices du genie des mariages òu
extraordinaire destinée de la princesse Ngọc Hân” trên tập san BAVH (“Bulletin
des Amis du Vieux Hué” - Tập san của những người bạn cố đô Huế) còn được gọi là
“tập san Đô Thành Hiếu Cổ”, số ra tháng 10 - tháng 12 năm 1941, có bài “Những oái oăm của ông tơ bà nguyệt hay là số
phận của công chúa Ngọc Hân” của Phạm Việt Thường (dịch từ bài viết bằng tiếng
Pháp của ông Nguyễn Thượng Khánh). Bài viết được tác giả trình bày như một tác
phẩm theo dạng “tiểu thuyết tình sử”, bằng lời văn trữ tình, lãng mạng, hấp dẫn
người đọc ngay từ khi mở truyện. Tác giả là người đang làm thư ký ở Tòa Sứ
(Pháp) lúc đó, và BAVH là một tập san uy tín nhất vào thời bấy giờ, nên bài viết
của Phạm Việt Thường bằng tiếng Việt được nhiều người chú ý tìm đọc, sau đó
trích dẫn làm tài liệu cho “nghi án Ngọc Hân” về vụ “con vua lại lấy hai đời chồng vua”. Sau khi dẫn 2 câu ca dao được truyền tụng (Số đâu có số lạ
đời, Con vua lại lấy hai đời chồng vua), ông Phạm Việt Thường có đoạn: “…Ta vẫn còn nghe những tiếng vọng bí ẩn từ thời xa xưa
trong chỗ sâu kín của những nhà cao sang bị sa sút trong đó có các phủ đệ kín
đáo của Quảng Oai quận công và Thường Tín quận vương, nhắc nhở chúng ta tình
nghĩa vợ chồng của công chúa Ngọc Hân đã lần lượt là vợ của hai vị đại anh hùng
trong lịch sử VN: Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Ánh (Gia Long) là hai kẻ
thù sinh tử. Một đêm dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ở trong một căn
phòng âm u, Ngọc Hân thấy một người đàn ông tráng kiện và uy nghi chậm chạp tiến
về phía mình rồi cúi chào. Ngọc Hân run lên và đánh liều hỏi: - Này võ tướng Nguyễn quân, ngươi muốn gì ở ta? Người kia cười đáp: - Không can chi mô, bà đừng sợ, võ tướng Nguyễn quân cũng
là một người mà có lẽ còn nhân từ hơn cả một võ tướng Tây Sơn. Thấy Ngọc Hân yên lặng, người bí mật nói tiếp: - Thưa Hoàng Hậu, dù việc xảy ra như thế nào, thì cung điện
này vẫn là của bà! - Nhưng thưa tướng quân! Ðối với tôi, cung điện này chỉ
còn là một nhà tù! Ngọc Hân đáp rồi òa lên khóc. Trong cơn đau khổ, Ngọc Hân
càng làm cho vị võ tướng thêm xao xuyến và càng yêu quý nhan sắc tuyệt vời của
bà hơn. Ðể tỏ lòng tôn kính Ngọc Hân, vị võ tướng nói mấy lời an ủi
rồi rút lui. Sau một đêm thao thức không ngủ được, Ngọc Hân ngồi dậy uể
oải cả người, giữa những tiếng chim kêu êm vui và hình như còn nghe những tiếng
gào thét của quân lính đang tấn công vào kinh thành. Nàng buồn phiền không muốn
trang điểm gì cả. Bỗng nàng thấy một người mang trang phục đế vương tiến dần về
phía mình. Nàng nhận ra người ấy là kẻ lạ mặt đêm hôm qua. Ðó chính là đích
thân Nguyễn Ánh. Ngọc Hân đứng dậy xin lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc của mình. Nguyễn Ánh trong sự rạng rỡ của mình, mỉm cười và nói: - Hôm nay bà dậy sớm quá! - Tâu Hoàng Ðế, chúng tôi suốt cả đêm không ngủ. - Bà là một Hoàng Hậu anh minh. Bà nên biết rằng dầu có
những cuộc thay đổi nhưng nước Nam này vẫn giữ nguyên như cũ, bà hãy khuây khỏa,
dẹp mọi ưu phiền. Cung điện lâu đài này vẫn luôn luôn là của bà. - Tâu, chúng tôi xin cảm tạ lời vàng ngọc của ngài,
nhưng... Ngọc Hân nghẹn ngào trong những tiếng nấc và nước mắt, đành bỏ dở câu
không nói tiếp được nữa... Một hôm trong một buổi thiết triều, viên đại thần hoạn
quan Lê Văn Duyệt đã tâu với Nguyễn Ánh: - Chúng ta đã thắng nhưng kẻ thù không chịu nhận là đã
thua hẳn, chúng tôi không thể nào để bệ hạ bị một người đàn bà mê hoặc đến mức
phải bỏ dở một sự nghiệp theo đuổi hàng bao năm nay! Xin bệ hạ tha lỗi cho
chúng tôi. Mặc dầu người ấy nhan sắc tuyệt vời nhưng vẫn là vợ của kẻ thù nghịch!
Gái đẹp không thiếu gì, Bệ Hạ không nên để cho thanh danh của mình bị hoen ố bởi
sự quyến rũ của một người đàn bà, chúng tôi xin Bệ Hạ nghĩ lại. Nguyễn Ánh mỉm cười và điềm tĩnh đáp: - Khanh nói đúng, đàn bà đẹp có nhiều thật, nhưng không
có một người nào vừa ý trẫm thì sao? Ngọc Hân là vợ của kẻ phản nghịch! Ðó chỉ
là một tiếng gọi tàn nhẫn! Ngọc Hân là người đàn bà đáng yêu, đáng kính và trẫm
tin chắc rằng trên thế giới, ngưới ta không tìm được một người đàn bà thứ hai
như thế. Sau khi biết có Ngọc Hân, trẫm không muốn yêu một người nào khác nữa.
Trong 24 năm chiến đấu vào sinh ra tử, trẫm không một giây phút nào xao lãng
trách nhiệm cao cả của trẫm. Khanh hãy tin chắc rằng ngày nay không thể nào vì
một người đàn bà mà trẫm lại từ bỏ sứ mệnh của mình. Ái tình là ái tình, nó
không liên quan gì đến mục đích lớn lao mà trẫm đeo đuổi, nó cũng không liên
quan gì đến ý chí sắt đá của trẫm để đạt cho kỳ được mục đích ấy. Hậu thế sẽ
không chê trách gì đến ông vua đã biết yêu, chắc khanh và cả đình thần cũng vậy! Trước ý chí cương quyết của Nguyễn Ánh, triều đình đành
chịu bó tay và Ngọc Hân vui vầy bên duyên mới quên lãng chuyện xưa...” Ðể chứng minh cho câu chuyện hư cấu của mình dựa vào các
nhận vật có thật trong lịch sử, tác giả viết: “Lúc sinh thời vua Lê Hiển Tông có đặt mua tại Trung Hoa
một loại gỗ thành khí đã chạm trổ sơn để xây dựng một ngôi điện. Khi gỗ sang đến
nơi thì vua Hiển Tông đã chết, người thầu bèn gởi thẳng vào Huế. Gia Long muốn
làm vui lòng Ngọc Hân đã nhận gỗ ấy và dựng lên ở trong đại nội một ngôi điện
nguy nga mà người ta gọi là Ðiện Cần Chánh ngày nay... Ngày nay, những khách
quan Thương hiếm hoi dừng chân lại trước đền thờ Quảng Oai quận công và Thương
Tín quận công, hai cái chòi trơ trụi còn lại của công chúa Ngọc Hân với Gia
Long mà không thể thót lên một tiếng thở dài não ruột khi thấy cái đền thờ
trong cảnh đổ nát và sắp tiêu vong với thời gian...”. Rõ ràng đây là sự xuyên tạc lịch sử quá đáng, tác giả không
chỉ làm hại thanh danh bà Ngọc Hân mà còn xem thường triều đình Nhà Nguyễn lúc
bấy giờ. Nhìn lại giai đoạn lịch sử của nước Đại Nam lúc đó (vua
Minh Mạng đổi tên từ Việt Nam thành Đại Nam), đang bị Thực dân Pháp bảo hộ nên
chuyện triều đình Huế hoàn toàn không có quyền hạn gì nơi tòa Khâm Sứ của Pháp,
mà còn ngược lại tất cả nhân sự tại triều dình Huế phải được sự chấp thuận của
viên Khâm Sứ Trung Kỳ (người Pháp) quyết định (không chỉ các quan lại bậc đại
thần mà ngay cả vua cũng vậy). Dĩ nhiên với tình trạng như thế này, những người
Việt làm việc tại tòa Khâm sẽ không sợ gì các quan lại cũng như vua chúa trong
đại nội Huế, mà còn dựa vào thế lực của Pháp để làm những việc “vô pháp vô
thiên” vì họ đã biết vua quan nước ta không dám phản đối (điều mà các quan cai
trị Pháp muốn như vậy). Nếu tác giả chỉ viết một truyện ngắn với nội dung trong
sáng để nói về một mối tình vương giả nào đó trong lịch sử, điều này sẽ làm cho
người đọc cảm nhận rồi sẽ sẽ có niềm tự hào dân tộc, chứ không phải nghĩ mình bị
bôi nhọ như câu chuyện này (bà Ngọc Hân không thể gặp vua Gia Long, vì vua Gia
Long vào chiếm Huế năm 1801, còn bà Ngọc Hân đã là người quá cố trước đó 2 năm
(1799). Tác giả còn sai hơn nữa, là để chứng minh cho sự xác thực
của câu chuyện bịa đặc của mình, nên đã viết về sự liên hệ về đòng họ của tác với
bà Ngọc Hân, các nhà nghiên cứu truy ra việc này, thì tác giả đã viết sai sự thật
vì đảo lộn hết thứ tự theo phả hệ của hoàng tộc Nhà Lê. Tóm lại, câu chuyện mà tác giả cố ý viết ra không biết có
phải ông ta muốn xuyên tạc lịch sử Việt Nam hay làm theo ý đồ của chính quyền bảo
hộ Pháp, và cũng có thể tác giả viết với hiểu biết hạn chế của mình về cách đưa
nhân vật lịch sử nổi tiếng vào truyện nhằm mô tả cuộc tình vương giả nào đó “có
thực” đã xảy ra, qua những tình tiết éo le, đầy trắc ẩn, mà theo ông đáo là sản
phẩm của “số phận do trời an bày”? Nói gì đi nữa với nội dung bài náy, những
người am hiểu về lịch sử đã phải lên tiếng, họ cảnh báo tác giả đã đi quá xa,
không trùng khớp với lịch sử, ngược lại chính tác giả chỉ muốn bôi nhọ những
nhân vật lịch sử mà người dân Việt đang tôn kính một bậc mẫu nghi thiên hạ bà
Ngọc Hân! Nếu tác giả trong bài viết này, thay vì nhân nhân vật Ngọc Hân đổi lại
thành “công chúa Ngọc Bình” thì cũng với nội dung “con vua lại lấy hai đời chồng
vua” thì câu chuyện trở nên “thực” hơn, từ đó sự đón nhận của độc giả sẽ toàn vẹn,
và tác giả không bị người đọc cho rằng không chỉ xem thường độc giả mà còn xem
thường cả dân tộc Việt Nam! Một điều chúng ta phải thừa nhận là bài viết của tác giả đã
làm sôi động dư luận vào thời bấy giờ, nó không chỉ là những lời bình luận của
báo chí, mà dư luận còn có sức mạnh biến nó thành lời ca phổ biến trong dân
gian không chỉ cho người Việt mà cả những người Pháp sống tại Huế nữa... Nếu câu chuyện viết ra, tác giả chỉ thay tên bà Ngọc Hân
bằng tên “công chúa Ngọc Bình” thì mọi chuyện không có gì bàn cải... vì cuộc
tình của nàng công chúa Lê Ngọc Bình (con vua Lê Hiển Tông) từng làm hoàng hậu
của vua Cảnh Thịnh (riều đại Tây Sơn), và triều đại nầy bị thay thế bởi triều đại
Nhà Nguyễn, lúc bà Ngọc Bình mới 22 tuổi, còn trẻ đẹp thì vị vua mới (Gia Long)
thâu nạp lập làm phi, đây là chuyện thường tình, không cần phải hư cấu, người đọc
sẽ liên tưởng những gì đã xảy ra trong quá khứ, và nhất định câu chuyện sẽ
không gây xôn xao dư luận, nhất là đồi với những nhà nghiên cứu về sử học và
văn học. Do đó người ta đã đưa ra nghi vấn là tác giả khi viết bài này đã có dụng
ý riêng... Thứ nhất, đánh đúng ngay vào sự tò mò của người đọc, đưa những nhân
vật nỗi danh, có thật, từng được sự ngưỡng mộ của mọi người làm nhân vật chính,
thứ hai, tác giả muốn bôi nhọ một bậc nữ lưu của dân Việt làm vừa lòng thực dân
Pháp, mà có thể sự hiểu biết của tác giả không phải như vậy nhưng vẫn cứ bóp
méo sự thật (cũng có thể tác giả phải làm theo lệnh những quan bảo hộ của Pháp
chăng?). Câu chuyện không hề có, nhưng mãi đến hôm nay nhiều người vẫn còn lầm tưởng
rằng cuộc tình Ngọc Hân và Gia Long đã xảy ra thật!... Chính ông Nguyễn Thiện
Lâu, trong tập san Bách Khoa số 99 (1961) đã xác nhận điều vô lý nầy. Bài văn tế của vua Cảnh Thịnh, gia phả của tộc họ “Nguyễn
Ngọc…” ở Phù Ninh đều ghi rõ ngày mất của bà Ngọc Hân rồi. Một tài liệu khác (thư
viết tay đề ngày 16-7-1801) do sĩ quan người Pháp là Barizy, người luôn theo
sát cận Nguyễn Phúc Ánh khi vào chiếm Phú Xuân, viết: “...Nhà vua (tức Gia Long) bảo tôi đi xem mặt các cô công
chúa của kẻ tiếm vị (tức Quang Trung). Tôi đến đó, họ ở trong một căn phòng hơi
tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả 5 công chúa: 1 cô 16 tuổi,
theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà công chúa Bắc Kỳ
(tức Ngọc Hân) em bé này coi cũng được. Còn 3 cô nữa từ 16 đến 18 tuổi thì nước
da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em
độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi
là con của bà công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất
dễ thương...”. Đọc qua nội dung của thư, chúng ta có thể đoán ra khi
Nguyễn Phúc Anh vào chiếm Phú Xuân cho bắt nhốt hết những người thân thuộc
hoàng tộc Nhà Tây Sơn, và (có lẽ) còn chờ bắt luôn nhóm vua tôi Cảnh Thịnh để
cùng đem ra xử chung một lượt (1802). Việc làm của Barizy chỉ là công việc kiểm
kê những hoàng tử, công chúa của vua Quang Trung còn kẹt lại trong thành Phú
Xuân, và theo sự kiểm kê nầy, ông ta không nói về sự có mặt của “bà công chúa Bắc
Kỳ”. Một chứng cớ khác rõ ràng hơn là lúc đó bà Ngọc Hân không có mặt, nên các
con của bà mới bị nhốt chung với những công chúa, hoàng tử khác (của Nhà Tây
Sơn), nếu có mặt bà thì ít ra bà cũng bị nhốt chung với con mình, trường hợp “mẹ
con” của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Một điều rất “vô lý” nữa, đó là nếu bà còn sống
và được vua Gia Long yêu quý, thì không thể có chuyện bà mất lương tri nhìn hay
nghe tin các con mình bị xử “phanh thây” (xử lăng trì) do chính người yêu của bà
xuống lệnh! Chuyện viết ra của tác giả hoàn toàn sai sự thật, khó chấp
nhận. Trên thực tế làm gì có chuyện bà “Ngọc Hân” còn sống để vầy duyên với
“vua Gia Long”? Trong văn học, khi nghiên cứu về Phan Huy Ích, chúng ta đã tìm
thấy trong “Dụ Am Văn Tập” có 5 bài văn tế bằng chữ “Nôm” ghi rõ là “Văn tế Vũ
Hoàng Hậu” làm vào năm Kỷ Mùi (1799), gồm: - 1 bài soạn cho vua Cảnh Thịnh tế Thái Hậu (Vũ Hoàng Hậu). - 1 bài soạn cho các công chúa con của vua Quang Trung - 1 bài soạn cho mẹ của Vũ Hoàng Hậu là Phù Ninh Từ Cung
(vợ vua Lê Hiển Tông). - 1 bài soạn cho các tôn thất Nhà Lê. - 1 bài soạn cho bà con bên ngoại của Vũ Hoàng Hậu ở Phù
Ninh. Qua năm nội dung của 5 bài văn tế nầy, chúng ta có thể kết
luận “bà Ngọc Hân đã mất vào ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799), đúng
như trong “gia phả của họ Nguyễn Ngọc…” (Phù Ninh) ghi: “Tốt vu Kỷ Mùi niên, thập
nhất nguyệt sơ bát nhật”. Về sau, thời vua Minh Mạng (kế vị vua Gia Long), sách “Ðại
Nam Chính Biên Liệt Truyện”, quyển 30, tờ 55 có ghi: “Vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831), quan quân nhà Nguyễn vẫn
tiếp tục truy tìm con cháu của Tây Sơn, đã bắt được Nguyễn Văn Ðức, Nguyễn Văn
Lương và Nguyễn Văn Ðâu (Ðâu là con của Ðức), tất cả đều bị xử “chém ngang
lưng”... Và có đoạn ghi thêm “... đây là những người con và cháu của Nguyễn Nhạc...” Ở chỗ nầy người viết xin phân tích một chút về cho rằng Nguyễn
Văn Ðức là con trai của Nguyễn Nhạc, thì điều nầy cũng khó chấp nhận, vì vô lý!
Tục lệ của người Việt Nam trong thời buổi đó không có chuyện đặt tên cho con
cháu trùng với tên cha mẹ ông bà, đây là điều tối kỵ (không thể giỗ cha mẹ ông
bà mà đem tên con cháu ra để xưng tụng hoặc thờ cúng…), do đó Nguyễn Văn Đức
không thể là con của Nguyễn Nhạc (vua Thái Đức). Giả sử rằng sách “Ðại Nam
Chính Biên Liệt Truyện” viết đúng, là vào năm 1831 (triều vua Minh Mạng), quan
quân Nhà Nguyễn có bắt được Nguyễn Văn Ðức, thì Ðức này không phải là con của
vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), mà có thể là con của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ)
và người nầy ít ra cũng đã ở vào độ tuổi 45. Nếu Nguyễn Văn Đức là hoàng tử của
vua Quang Trung với Ngọc Hân Công Chúa, thì chính sách “Đại Nam Chính Biên Liệt
Truyện” đã cho rằng hai người con của bà Ngọc Hân đều chết non thì làm gì còn sống
để quan quân thời vua Minh Mạng (1831) bắt giết! “… Dưới thời Gia Long có một
Ðô Đốc cũ của Tây Sơn tên Hài, ông nầy đã bí mật lấy hài cốt của cả ba mẹ con
bà Ngọc Hân từ Phú Xuân đem về táng trộm ở làng Phù Ninh (quê ngoại của bà Ngọc
Hân), và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền cho xây mộ, dựng đền lập bia, cải trang
cẩn thận. Về sau bị quan quân nhà Nguyễn truy ra, chính vua Thiệu Trị đã cho
đào hài cốt cả ba mẹ con Ngọc Hân đổ xuống sông...”. Câu chuyện đã được lịch sử xác minh, công chúa Ngọc Hân
đã mất (1799), hai năm trước khi Nguyễn Phúc Ánh vào chiếm Phú Xuân (1801), và
đến năm 1802, ông này mới lên ngôi lấy hiệu Gia Long, Nhà Nguyễn xuất hiện
trong lịch sử Việt Nam từ đây. Mọi diễn tiến lịch sử ghi nhận như vậy, thì làm sao
có chuyện bà “Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân” về làm “phi” của vua Gia Long, người
mà bà đã thù hận đến tận xương tủy... Nói tóm lại, dầu cho có nhiều xuyên tạc về
tư cách một mẫu nghi thiên hạ như bà, thì Công Chúa Ngọc Hân vẫn là niềm hãnh
diện của người dân Việt, vì bà không chỉ là bậc nữ lưu có công đóng góp cho văn
học, sử học nước nhà, mà còn là tấm gương soi cho người dân Việt nói chung, và
người phủ nữ Việt nói riêng, không những cho hôm nay mà còn cho mãi ngàn sau... (Hết)
Hồ Quang
|