...Nhìn vào lịch sử, chuyện “con vua lấy hai đời chồng vua” ở
đất nước chúng ta, đã có xảy ra. nhưng con vua nầy không phải là Công Chúa Ngọc
Hân mà là người khác. Có thể nói, đó là trường hợp “Dương Vân Nga”, và sau đó
khoảng 800 năm có “Công Chúa Lê Ngọc Bình”, hai nhân vật nầy có thể chứng minh
cho câu ca dao:
“Số đâu có số lạ đời,
Con vua lại lấy 2 đời chồng vua”.
Theo thứ tự thời gian, người viết xin viết về nhân vật
“Dương Vân Nga” trước.
1.- Dương Hậu (楊后) hay Dương Thái Hậu (楊太后)
Tên trong sử sách chỉ thấy ghi “Dương Thị” (楊淑) và tôn kính hơn, thì gọi “Dương Hậu”
hay “Dương Thái Hậu”. Trong dân gian khuôn phép về lễ nghĩa có phần giảm nhẹ,
người ta đã đặt cho bà tên dễ thương hơn, đó là Dương Vân Nga (楊雲娥).
Nói về “Dương Hậu” không phải chỉ dành gọi cho riêng cho
Dương Vân Nga, mà còn có Dương Hậu vợ của Ngô Vương (Quyền), chính bà nầy mới
là người đàn bà đầu tiên trong lịch sử nước ta được ban chức “Vương Hậu”. Trước
đó, thời các vua Hùng, rồi đến thời vua An Dương Vương, tiếp theo là các vua Nhà
Triệu (nước Nam Việt), và đến Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục),
Hậu Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, chưa có vị nào phong cho vợ mình làm “vương hậu”,
mãi cho đến thời Ngô Quyền theo truyền thuyết, vợ của ông chỉ có tên Dương Như
Ngọc (con gái của Dương Đình Nghệ), Ngô Quyền mất, con trai ông là Ngô Xương Ngập
lên kế vị, mới phong cho mẹ mình làm
Thái Hậu tức Dương Thái Hậu. Ngô Xương Ngập làm vua chưa được bao lâu thì bị cậu
của mình là Dương Tam Kha soán ngôi (944), xưng hiệu mới là Dương Bình Vương (ở
đây chỉ nói lướt qua chứ truy nguyên thì bà Dương Như Ngọc chưa phải là mẹ của
Ngô Xương Ngập, mà là mẹ của Ngô Xương Xí em một cha khác mẹ với Ngô Xương Ngập,
nhưng dầu cho bà là mẹ của Ngô Xương Xí (không phải là con trưởng) khi Ngô Xương
Xí lên làm vua, thì bà Dương Như Ngọc vẫn là Thái Hậu). Do đó tuy có hai Dương
Thái Hậu nhưng trong bài nầy chỉ bàn về Thái Hậu Dương Vân Nga thôi.
Trở lại với chuyện Thái Hậu Dương Vân Nga (太后楊雲娥).
Nếu nói rằng “Dương Thị” là con của Dương Bình Vương
(Dương Tam Kha) thì chuyện “con vua” của Dương Vân Nga có thể không có gì bàn
cãi, đúng với câu ca “số đâu có số là đời…”.
Nói cho đúng trong lịch sử không có tên “Dương Vân Nga”, nhưng
nó lại được xuất hiện trong dân gian qua tuồng tích. Dụng ý của người soạn ra kịch
bản luôn luôn dùng những danh xưng thật trang trọng, thật dễ thương để gán vào
những người có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm... Tên Dương Vân Nga đã
xuất hiện trong trường hợp này. Trước nạn xâm lược của quân Tống, bà đã quên đi
quyền lợi riêng tư, lấy “hoàng bào” của con trai mình (còn nhỏ) đang mặc, trao
cho viên Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn để ông này có toàn quyền thống lĩnh ba
quân nhằm đánh đuổi giặc xâm lược Tống (Trung Quốc) ra khỏi Đại Cồ Việt.
Theo truyền thuyết, “Dương Vân Nga” từ lúc còn nằm nôi, đã
là một cô bé dị thường, suốt ngày chỉ khóc “oe… oe”. Một hôm có vị đạo sĩ đi ngang,
thấy lạ, liền vào xem… Đứng nhìn cô bé đang nằm trong nôi một lác, ông bước gần
tới, đưa tay xoa nhẹ vào lưng cô bé, miệng hát ru:
“Nín đi thôi, nín đi thôi!
Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”…
Quả nhiên sau đó cô bé không khóc nữa… Lời tiên tri của vị
đạo sĩ về sau rất ứng nghiệm. Lớn lên, cô bé trở thành Hoàng Hậu của 2 triều đại:
Nhà Đinh và Nhà Tiền Lê.
“Dương thị” là
nhân vật lịch sử rất đặc biệt, ngay từ lúc lớn lên bà không chỉ đóng vai trò “hoàng
hậu” của hai triều đại khác nhau, nối tiếp nhau, mà còn là người có quyền lực
cao nhất (quyền phụ chính trên cả vua, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng của Nhà Đinh
băng hà). Nhờ ở vị thế nầy, bà mới có thể lấy áo hoàng bào của con trai mình (Đinh
Toàn) đang mặc, khoác lên người viên “Thập Đạo Sứ Quân” Lê Hoàn, để ông nầy làm
Hoàng Đế, lập ra Nhà Tiền Lê, Lên ngôi xong, Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành (Nhà
Tiền Lê) phong bà làm Hoàng Hậu (thay vì đang làm Hoàng Thái Hậu của Nhà Đinh).
Nắm trọn quyền trong tay, vua Lê Đại Hành đã cho quân tiến đánh duổi quân xâm
lược Tống ra khỏi đất Đại Cồ Việt (tên nước có từ thời Nhà Đinh).
Bà “Dương Hậu” là người đàn bà nỗi tiếng của nước ta
nhưng không gian ác như Võ Tắc Thiên của Nhà Đường (Trung Hoa) và cũng không phải
lắm mưu nhiều kế như Đặng Thị Huệ (liếc mắt đưa tình, mê hoặc Trịnh Sâm), họ chỉ
giống nhau là cả 3 vị đều là những tuyệt sắc giai nhân.
Tiếc rằng không sử sách nào xác nhận tên thật của “Dương
thị”, chỉ thấy ghi chung chung bà là họ Dương. Trong các truyền thuyết, tuồng
tích… có thể vì tôn sùng nhân vật “chính diện” nên đã gán tên đẹp, tên nghe thật
dễ thương cho bà là “Dương Vân Nga” (楊雲娥) chăng? Vua Đinh Tiên Hoàng (Nhà Đinh) đã phong bà làm
Hoàng Hậu (là một trong 5 Hoàng Hậu của ông). Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi
5 Hoàng Hậu nầy có tên: Đan Gia, Trịnh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Công,
nhưng không biết Dương Hậu là ai trong số 5 người nầy.
“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” (大越史記全書) chỉ nói bà là người họ Dương, không ghi bà được xuất
thân từ đâu. Trong các tác phẩm văn học, trong các đền thờ, thậm chí cả tên đường
đều thấy bà được xưng tụng là “Thái Hậu Dương Vân Nga” (太后楊雲娥), hoặc “Lưỡng Triều Hoàng Hậu Dương
Vân Nga” (兩朝皇后楊雲娥). Hiện nay có nhiều ý kiến đề nghị nên
chỉnh sửa lại tên “Dương Vân Nga” của bà lại cho chính xác, vì họ cho rằng làm
gì có nhân vật Dương Văn Nga, trong sử sách chỉ có “Dương Hậu, Dương Thái Hậu
hay Dương thị” mà thôi.
Sách “Nhà Đinh Dẹp Loạn và Dựng Nước” của Nguyễn Danh Phận,
ghi rằng: Dương Ngọc Vân là con gái của Dương Tam Kha (em vợ của Ngô Quyền),
nhưng sách “Võ Tướng Thanh Hóa Trong Lịch Sử Dân Tộc” của Trần Văn Thịnh lại
cho rằng “Dương Ngọc Vân là con gái của Dương Nhị Kha (anh của Dương Tam Kha)”.
Trong dân gian có rất nhiều giai thoại, họ cho rằng Dương
Vân Nga là con gái của Dương Thế Hiển, quê ở vùng Nho Quan, Ninh Bình. Sở dĩ có
tên nầy vì “Vân Nga” được ghép từ 2 chữ “Vân Long” và “Nga My” (tên 2 thôn của
cha mẹ bà).
Trong “Ngọc phả”, “Thần phả” ghi về sự tích Thần Phật thờ
ở “đình, chùa, đền, miếu” tại thôn Đặng Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam)
nói “Đinh Đế còn có người vợ khác là Dương Nguyệt Nương là con gái của Dương Đỉnh,
người Trường Yên, kinh đô Hoa Lư”… Bà này không có con trai, nên không thể là
Dương Vân Nga được.
Phả hệ “họ Ngô” đã gọi “Dương Thái Hậu” là Dương Vân Nga,
còn nói rằng bà là mẹ của “sứ quân Ngô Nhật Khánh”, khi Đinh Tiên Hoàng dẹp
xong Nhật Khánh lấy bà làm vợ, sau đó cho con gái của bà (em gái Ngộ Nhật
Khánh) về làm vợ cho Đinh Liễn (con trai của Đinh Tiên Hoàng).
Tạp chí điện tử “Hồn Việt”, ra ngày 15 tháng 8 năm 2003,
có bài viết “Có nên duy trì tên đường Dương Vân Nga” của tác giả Nhị Hà, ông nầy
cho rằng sách “Nhìn Lại Lịch Sử” (Nhà VHTT, XB 2003) của Lã Duy Lan, Phan Duy
Kha, Đinh Công Vĩ, thì “Dương thị” đã lần lượt trở thành vợ của 3 vị vua: Ngô
Xương Văn (con của Ngô Vương Quyền), Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Đinh Bộ Lĩnh sau
khi đánh thắng Ngô Xương Văn đã lấy vợ của Ngô Xương Văn (Dương thị) vì mục
đích chính trị…
Nhìn vào sách sử thì năm 968, Đinh Bộ Lĩnh khi dẹp xong
“loạn 12 sứ quân” đã lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế (大勝明皇帝), đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở
Hoa Lư. Đến năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn (Nam Việt
Vương) bị viên hoạn quan Đỗ Thích sát hại. Trước đó Đinh Tiên Hoàng có lập Đinh
Hạng Lang (con trai tưởng) làm “Thái Tử”, nhưng bị Đinh Liễn giết đi, do đó khi
cả hai cha con qua đời một lượt, không còn ai ngoài Đinh Toàn (con của Dương
Vân Nga) tuy còn nhỏ nhưng vẫn được dựng làm vua. Dương Hậu nghiễm nhiên trở
thành “Dương Thái Hậu” làm phụ chính (ngồi sau màn điều hành chính sự) cho vua
từ đó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc hai cha con Đinh Tiên Hoàng bị hoạn
quan Đỗ Thích giết chỉ là “giả thiết”, nên họ đưa ra “giả thiết” khác: “Đỗ
Thích không phải thủ phạm, thủ phạm chính là Lê Hoàn, vì ông nầy đang có âm mưu
soán ngôi”. Cũng như về phía Dương Hậu lúc đó đang tranh giành với 4 bà hoàng hậu
khác (của Đinh Tiên Hoàng) muốn nắm hết quyền lực để bảo vệ mình và con trai,
nên phải tự gây thanh thế bèn cách mưu thông với Lê Hoàn.
Đinh Toàn mới 6 tuổi được đưa lên ngôi, “Thập Đạo Tướng
Quân” Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính. Các quan đại thần Nhà Đinh là Đinh Điền,
Nguyễn Bặc, Phạm Hợp thấy quyền lực của triều đình Nhà Đinh nằm hết trong tay Lê
Hoàn, và họ còn nghi ngờ giữa Dương Thái Hậu và Lê Hoàn đang có chuyện tư thông,
nên cử binh hỏi tội. Phe cánh của Lê Hoàn quá mạnh nên đã đánh bại phe nổi dậy,
tất cả nhóm người Đinh Diền, Nguyễn Bặc… đều bị bắt và bị giết hết. Riêng Phò
Mã Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào Champa xin cầu viện, vua Champa cho hơn nghìn chiến
thuyền tiến đánh Hoa Lư, nhưng giữa đường không may bị bão dìm chết, Ngô Nhật
Khánh không thoát khỏi và bị vong mạng trong lần thiên tai nầy.
Năm 980, Nhà Tống chuẩn bị đưa quân sang đánh Đại Cồ Việt,
Dương Thái Hậu cho hội triều thần lại, tôn Lê Hoàn lên làm Hoàng Đế. Lê Hoàn (黎桓) lên ngôi tức Lê Đại Hành (黎大行), hiệu là Minh Càn Quảng Hiếu Hoàng Đế
(明乾廣孝皇帝), dựng lên Nhà Tiền Lê thay Nhà Đinh
cai trị Đại Cồ Việt.
Sách “Lịch Sử Nhìn Lại Dưới Góc Độ Y Khoa” (NXB VHVN, SG,
2003 ISBN 978-604-68-0182-5 tr. 25) của tác giả Bùi Minh Đức, viết rằng sau khi
đánh thắng quân Tống, Lê Đế lập Dương Thái Hậu làm Hoàng Hậu, hiệu là “Đại Thắng
Minh Hoàng Hậu” (大勝明皇后).
Đến năm 1000, Đại Thắng Minh Hoàng Hậu (Dương Hậu) qua đời, lúc đó mới 48 tuổi.
Theo truyền thuyết, bà Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có làn
da trắng hồng, khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu, đầy vẽ thanh tú, cao sang... dưới
đôi mày ngài là cặp mắt phượng lúc nào cũng long lanh đầy tình người, khiến bất
cứ ai nhìn vào đều có lòng kính phục.
Báo Đất Việt (ra ngày 15/5/2011), tác giả Bảo Bình trích
trong “Hoàng Vương Ca Tích”, tả “Dương Vân Nga” như sau:
“…Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân…”
Cái đẹp của “Thái Hậu Dương Vân Nga” có lẽ còn vượt xa cái
đẹp “… chìm đáy nước cá lừ dừ lặn, lững da trời nhạn ngẩn ngơ sa…” vì khi bà đi
đến đâu là cả vùng thiên nhiên tại đó phải bị xao động, thay màu đổi sắc để hòa
với sắc đẹp của bà:
“…Đồi Đông điểm ngọc, đồi Tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn,
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn trên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm…”. (Hoàng Vương Ca
Tích”
Có lẽ bà “quá đẹp” nên hết làm “hoàng hậu” triều đại nầy
rồi lại được làm “hoàng hậu” cho triều đại khác chăng? Và cũng có lẽ để lý giải
cho chuyện “nguyệt thẹn, hoa nhường” hoặc dựa vào địa lý thiên nhiên nhằm chứng
minh cho truyền thuyết về “Lưỡng triều hoàng hậu”, nên sách “Cố Đô Hoa Lư” (NXB
VHTT) do Nguyễn Đăng Trò sưu tầm (sự tích các thần ở Mỹ Hạ, Gia Thủy), kể rằng:
“Ở vùng hạ lưu sông Bội, quê hương của Dương Vân Nga, phía
tây bắc là cố đô Hoa Lư, người dân còn lưu truyền tại nơi đây ngày xưa có tục
kiêng ‘không trồng hoa “quỳnh’ và các loại cây nở hoa khác vào ban đêm (“bầu”,
“bìm bìm”, dạ lý…)”. Sở dĩ có chuyện kỳ cục như vậy là vì sau khi Vạn Thắng
Vương cho rước Dương Vân Nga vào Hoa Lư để làm Hoàng Hậu, bà xin nhà vua được
trở về thăm quê hương. Dĩ nhiên chuyến đi nầy được xa giá rình rang đúng theo lễ
nghi của một hoàng hậu di hành. Về đến cố hương, hoàng hậu Dương Vân Nga liền
cho tổ chức một bữa tiệc mời dân làng đến tham dự, trước là để tạ ơn tổ phụ, thần
thánh, sau là ban thưởng cho những người có công trạng. Đặc biệt trong dạ tiệc
nầy những thôn nữ tuổi từ 16 trở lên nếu muốn tham dự phải trùm khăn che mặt (với
ý là không có ai được đẹp hơn bà vào đêm hội đó). Tiệc diễn ra vào buổi tối, ánh
trăng tỏa sáng khiến cho đêm dạ tiệc thêm phần huyên náo… Hoàng Hậu Dương Vân Nga
lộng lẫy, rạng ngời thướt tha trong y phục vương giả, đang chìm trong sung sướng
với mộng ước muốn giữ mãi ngôi bá chủ về vẻ đẹp cao sang tuyệt đỉnh của mình… thì
bỗng nhiên từ phía rừng sâu cạnh đó, có mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra, làm mọi
người có mặt bị cuốn hút theo. Mùi thơm hấp dẫn đến nỗi làm cho các tướng sĩ cũng
như thần dân phải mê mẩn, và có người đã nhận ra, đó là mùi thơm của loài “hoa
quỳnh” đang mùa nở rộ tỏa hương! Thấy mình như bị lãng quên (trước mùi hương
ngào ngạt của hoa), Hoàng Hậu Dương Vân Nga giận lắm, liền xuống lệnh cho quân
lính hầu cận phải nhổ bỏ hết loại hoa đáng ghét nầy, đem vất chúng vào rừng núi
hoang vu phía Tây… Về sau người ta thấy “hoa quỳnh” nếu được trồng ở vùng rừng
núi Cúc Phương thì về đêm hoa trỗ bông rất đẹp và rất thơm.”.
Tuy nói vậy, nhưng dầu có huyền thoại hay thần thoại thì
nhân vật lịch sử “Dương Vân Nga” vẫn là nhân vật có thực, và rõ ràng hơn là các
tên “Dương thị”, “Dương Hậu”, “Dương Thái Hậu” trong sử sách vẫn sờ sờ ra đó,
không ai có thể không biết, chưa nói đến các chứng tích như các ở đền thờ, “Bà”
được tôn sùng nghiêm bái đến mức như là một vị “thần thành hoàng” của địa
phương. Tại đền thờ ở di tích cố đô Hoa Lư, bà được thờ chung với vua Lê Đại
Hành. Tại đền thờ Mỹ Hạ (Gia Thủy, Nho Quan) thì bà được thờ chung với vua Đinh
Tiên Hoàng.
Theo “báo điện tử Ninh Bình” viết về Dương Vân Nga (Danh
Nhân đất Ninh Bình) có nội dung đại khái như sau:
“Ngày nay các cung điện dát vàng, dát bạc xưa của thời Tiền
Lê không còn nữa, chỉ còn lại một tòa thành rộng khoảng 300 ha, chia làm 2 khu
vực là thành Nội và thành Ngoại ở trong dãy núi đá vôi hiểm trở thuộc xã Trường
Yên, huyện Hoa Lư. Ở giữa khu thành Ngoại bên cạnh đền thờ vua Đinh và các con
của vua này còn có đền thờ vua Lê, Dương Thái Hậu được tô mặt màu đỏ. Theo truyền
thuyết dân gian thì việc tô mặt của bà màu đỏ là để thể hiện sự ngượng ngùng của
người đàn bà thờ 2 chồng (làm Hoàng Hậu của 2 vua). Theo quan điểm của các sử
gia phong kiến thì cuộc đời, hành trang của Dương Vân Nga là trái với đạo “tam tòng,
tứ đức”. Có lẽ sự phê phán nầy hơi sớm vì “đạo Nho” chỉ phát triển gần một thế
kỷ sau đó, cụ thể là đạo nầy chưa được phổ quát trong giai đoạn mà bà Dương Vân
Nga sống, ngay việc vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành phong một lúc 5
“hoàng hậu” thì đạo Nho đâu có cho phép làm điều nầy?!...”.
Công bình mà xét, việc làm của bà Dương Vân Nga lúc đó là
việc làm của người sáng suốt, biết yêu nước, biết quên đi lợi ích cá nhân, điều
này không mấy ai ở vào địa vị của bà làm được. Nếu bà là người chỉ nghĩ vì quyền
lợi của bản thân, của con cái, của dòng họ thì nước Đại Cồ Việt có thể còn giữ
được không, hay đã rời vào tay quân xâm lược Tống? Có thể nói lòng yêu nước của
bà đã khiến bà lấy ngay Hoàng Bào của con trai mình đang mặc, khoác lên người của
Lê Hoàn, tôn ông này lên ngôi để đủ uy nghi thống lĩnh ba quân tiêu diệt quân
ngoại xâm (quân Tống), cứu đất nước chúng ta thoát khỏi nạn Bắc thuộc đang cận
kề.
Chính do sự quý trọng và mến phục vì lòng yêu nước của bà
mà người dân Đại Cồ Việt đã có nhiều đền thờ để thờ “Thái Hậu Dương Vân Nga” như
đền Bạch Mã (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) trong đền, thờ các vị Lý
Nhật Quang, Thái Hậu Dương Vân Nga cùng các con cháu của bà... Lý Công Uẩn (vua
Lý Thái Tổ, con rể bà, là chồng của Lê Thị Phất Ngân, mà Lê Thị Phất Ngân là con
gái của bà với vua Lê Đại Hành tức Lý Thái Tông), cũng được thờ tại đây. Bà là
thần “thành hoàng” của làng cổ Bách Cốc thuộc xã Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định.
Ngày nay khi nghe đến “Thái Hậu Dương Vân Nga” có thể người
ta biết ngay bà là ai, trong văn học nghệ thuật luôn nhắc đến tên nầy. Hình ảnh
các diễn viên chính đóng vai “Thái Hậu Dương Vân Nga” trao áo hoàng bào cho Lê
Hoàn lên đường xung trận đánh quân xâm lăng Tống, có thể đây là ý chính của mọi
tuồng tích, nó được ca ngợi về sự cao đẹp của tinh thần quên mình nhằm bảo vệ quyền
lợi cho dân tộc vì “độc lập, tự chủ, không để ngoại bang đô hộ”… Và có lẽ vai
trò của bà được nhắc mãi trong sử sách không phải là chuyện “lưỡng triều hoàng
hậu” mà là sự kiện yêu nước chống ngoại xâm của bà vậy!
Xem tiếp Bài 7