...
Theo “Việt Nam Sử Lược”, tác giả Trần Trọng Kim viết rằng
Lê Duy Mật (黎維樒) không rõ năm sinh, nhưng ông là một
hoàng tộc của Nhà Hậu Lê (con thứ của vua Lê Dụ Tông, em của vua Lê Thuần Tông,
mà vua Lê Thuần Tông là ông nội của công chúa Ngọc Hân) thấy sự lộng quyền quá
quắt của Chúa Trịnh, nên vào tháng 12 năm 1738 đã cùng chú là Lê Duy Chúc và em
là Lê Duy Quý nôi lên chống Chúa Trịnh ngay tại kinh thành Thăng Long. Sự việc
dự định đang tiến hành (đốt kinh thành), thì bị Chúa Trịnh phát hiện, nên cả ba
đều phải bỏ Thăng Long. Lê Duy Mật, Lê Duy Chúc chạy đến Nghi Dương (Kinh Môn,
Hải Dương), còn Lê Duy Quý chạy vào Cẩm Thủy (Quảng Hóa, Thanh Hóa). Ít lâu sau
Lê Duy Chúc và Lê Duy Quý bị lâm bệnh nặng qua đời. Riêng Lê Duy Mật vẫn tiếp tục
lãnh đạo phòng trào khởi nghĩa chống Trịnh.
Ở đoạn nầy người viết không thể dài dòng chỉ nói đoạn kết
của Lê Duy Mật để chứng tỏ rằng Lê Duy Mật thuộc thế hệ ông nội của Ngọc Hân.
Năm 1767, Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên ngôi Chúa thay
cha. Lợi dụng tình thế đang rối ren trong phủ Chúa, Lê Duy Mật cho nghĩa quân
đánh chiếm Thanh Chương (Nghệ An) và Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tháng 4 năm 1767, Trịnh
Sâm sai Nguyễn Nghiễm (cha của thi hào Nguyễn Du) mang quân vào Nghệ An tiếp viện
cho Bùi Thế Đạt mới đẩy lùi được quân của Lê Duy Mật về phía tây Nghệ An. Tháng
8 năm 1769, Trịnh Sâm sai Tham Nghị Nghệ An là Nguyễn Mậu Dinh dụ Lê Duy Mật về
hàng, nhưng bị ông chối từ. Quyết tiêu diệt cho bằng được Lê Duy Mật, Trịnh Sâm
phai cho huy động 3 đạo quân binh Trịnh ở Thanh Hóa, Hưng Hóa, Nghệ An do Bùi
Thế Đạt, Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể tiến đánh Lê Duy Mật.
Theo “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”, thì Lê Duy
Mật cho xây căn cứ rất vững chắt tại núi Trình Quang (Trấn Ninh), khi nghe tin
quân Trịnh đến, ông liền đưa nghĩa quân của mình ra phủ Ngoại để đón đánh.
Tháng 1 năm 1770, quân Trịnh tấn công vào phủ Ngoại, nhưng Lê Duy Mât cố thủ
không cho quân mình xung trận, các tướng Trịnh không dám cho quân tiến công… Trịnh
Sâm được tin nầy, liền sai danh tướng Hoàng Ngũ Phúc đưa quân vào tây Nghệ An tăng
viện. Đến nơi, Hoàng Ngũ Phúc thấy việc bố phòng ở Trấn Ninh quá kiên cố không
thể dùng quân binh mà hạ được, nên phải dùng kế. Hoàng Ngũ Phúc biết được Lại
Thế Thiều vừa là một thuộc hạ cũng là con rể của Lê Duy Mật, rất có hiếu với mẹ,
nên cho bắt bà này về, buộc phải viết thư dụ con về hàng. Vì chữ hiếu, Lại Thế
Thiều phải vâng lời mẹ, sai thuộc hạ Lê Văn Bản mở cửa thành cho quân Trịnh tiến
vào. Nguy biến không thể ngờ trước ập đến, Lê Duy Mật biết không thể thoát chết,
bèn tụ tập hết vợ con lại rồi đốt lửa tự thiêu…
Sự thật nhân vật Lê Duy Mật trong lịch sử là như thế,
nhưng Nguyễn Thượng Khánh cho rằng ông nội mình là con của Lê Duy Mật quả là điều
vô lý!
Chuyện ông Khánh nói rằng “Động cơ để Lê Ngọc Hân giết chồng
bắt nguồn từ việc Hoàng Đế Càn Long (Nhà Thanh) hứa gả một công chúa của ông
cho Quang Trung, do đó ‘trong một phút bồng bột vì quá ghen’, Ngọc Hân đã bỏ
thuốc độc vào rượu cho vua Quang Trung uống”. Việc có lẽ không mấy ai để ý,
nhưng rồi các tạp chí tại Sài Gòn thập niên 60, 70 như Bách Khoa, Phổ Thông,
Văn Đàn… đã có cuộc bút chiến bàn về nghi án mang tính lịch sử nầy. Cuối cùng
những nhà nghiên cứu, phê bình đã đưa ra phản bác cho đó là “những lời lẽ mang
tính chất hàm hồ, và những ngụy biện vô căn cứ của ông Nguyễn Thượng Khánh khó
có thể chấp nhận”.
Về cái chết của vua Quang Trung, không có sử sách nào nói
nhà vua bị đầu độc cả. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn thì vua Quang Trung băng hà “Ngày
29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ Tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang
Trung băng hà”; Sách “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” viết: “Vua Quang Trung mất vào
năm Nhâm Tý (1792)”; sách “Việt Nam Sử Lược”, tác giả Trần Trọng Kim ghi: “Năm
Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà”.
Trở lại vấn đề của Nguyễn Thượng Khánh,
Vào năm 1961, tại Sài Gòn, trên tạp chí Phổ Thông số 62,
63, 64, 65 (do ông Nguyễn Vỹ làm chủ bút), có đăng một tài liệu do ông Nguyễn
Thượng Khánh cung cấp. Theo ông Khánh cho biết thì đây là một tài liệu mới, được
tìm ra khi truy lục gia phả của dòng họ mình... Đọc hết phần tài liệu của ông
Khánh đăng trên Phổ Thông, người đọc phát hiện quá nhiều mâu thuẫn hơn là chấp
nhận nó, nhưng dầu sao khi nghiên cứu tìm hiểu thì không thể làm ngơ, bỏ sót được.
Từ ý nghĩ nầy, người viết xin ghi lại chuyện ông Khánh cho rằng “vua Quang
Trung chết vì một liều độc dược của Hoàng Hậu Ngọc Hân trong một con ghen hờn không
thể kềm chế được” (?)...
Theo như lời tự giới thiệu, thì Nguyễn Thượng Khánh là
người có gốc họ Lê, dòng dõi của Lê Duy Mật. Thời Gia Long một số họ Lê phải đổi
ra họ Nguyễn, ban đầu là Nguyễn Duy… rồi đến Nguyễn Lê… liên tục cho đến đời
ông Khánh là họ Nguyễn Thượng... vào cư ngụ tại Sài Gòn. Ông Khánh cho rằng
trong gia phả để lại những sự kiện mà ông tìm ra được hoàn toàn mang tính thầm
kín riêng tư của dòng dõi Nguyễn Lê, có liên quan rất nhiều đến lịch sử thời Nguyễn
Tây Sơn mà từ xưa đến nay chưa một ai có thể biết được.
Vào đề, ông Khánh viết:
“Ðêm nay dưới ngọn đèn 60 nến, trên căn gác trọ tồi tàn,
lọt vào giữa đô thành đầy ánh sáng của miền Nam, tôi say mê viết lên đây một
trang sử liệu mà từ xưa đến nay không ai biết, để các sử gia đương thời tham khảo
về cái chết của vua Quang Trung trong một phút hờn ghen mà gây nên...”.
Ông Nguyễn Thượng Khánh đã cho rằng, sau khi nghe tin vua
Càn Long chịu gã con gái của mình (một trong các công chúa) cho vua Quang Trung,
nên chỉ trong một phút “uất ức và cuồng trí, Ngọc Hân nhất định giết Nguyễn Huệ...”
và chỗ khác, ông viết tiếp “Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho vua Quang
Trung uống...”. Ông Khánh còn quả quyết: “Công chúa Ngọc Hân Giết chồng chỉ do
một phút bồng bột vì quá ghen”.
Theo ông, thì chính Nhà Tây Sơn đã làm cho Nhà Lê tan nát:
“…Trải bao nhiêu triều đại kế tiếp, nhà Lê nếu không có
vua Quang Trung thì biết đâu cơ nghiệp Nhà Lê vẫn còn tồn tại chớ có đến nỗi
nào phải tan tác lưu vong...”.
Sự chứng minh không mạch lạc của ông Khánh, đã làm cho
ông tự mâu thuẫn với chính mình khi diễn tả tâm trạng của bà Công Chúa (Ngọc
Hân): “…Ðứng trước việc đã rồi, công chúa Ngọc Hân đành vì tình chồng con mà
xóa nhòa hận thù dòng dõi (trong khi đó lại giết chồng có nghĩa là hận thù chồng),
nhưng luôn luôn nàng đặt tình đất nước Việt Nam lên trên hết...”.
Ðoạn khác: “…Nhưng đến cái đoạn trường khi nghe tin vua Quang
Trung cầu hôn với Công Chúa con vua Càn Long gần như thành tựu, thì Công Chúa
Ngọc Hân bỗng vùng lên một ý nghĩ táo bạo... Tôi muốn đặt tính ghen của Ngọc
Hân ra ngoài, mà chỉ dùng chữ Tổ Quốc để nói lên cái việc làm của Ngọc Hân...
Tôi từ lâu không muốn viết ra vấn đề Công Chúa giết vua Quang Trung vì tình yêu
Tổ Quốc, nhưng giờ có người bàn, vạn bất đắc dĩ, tôi phải phân tách công việc
làm của Công Chúa Ngọc Hân giết vua Quang Trung bởi ghen hờn nhưng cũng không
ngoài ý nghĩa yêu nước. Thực vậy, Ngọc Hân Công Chúa thấy cái viễn ảnh đe dọa đến
Tổ Quốc, qua cái hành động của vua Quang Trung cầu hôn con gái vua Càn Long đã
được chấp thuận, thì Công Chúa có cái ý nghĩ sâu xa hay nông cạn tùy theo sự
phê phán của lịch sử. Ở đây, tôi chỉ nói Ngọc Hân thấy nếu Công Chúa con vua
Càn Long về làm Hoàng Hậu nước Việt Nam chắc phải sẽ sinh con. Nếu sinh con
trai, chắc chắn hoàng tử ấy phải là người kế nghiệp cho vua Quang Trung sau
này, mà khi được kế nghiệp biết đâu kẻ đó lại không dâng Tổ Quốc cho quê mẹ?
Hãy xin nhìn lại cái gương lịch sử của Triệu Ai Vương và mẹ là Cù Thị thì rõ.
Và nếu lúc Công Chúa Ngọc Hân bỏ độc dược vào ly rượu cho vua Quang Trung uống,
biết đâu Ngọc Hân đã không đặt tình yêu Tổ Quốc lên trên hết?...”
Ông Nguyễn Thượng Khánh cũng còn dẫn chứng những hành động
phi thường của những nhân vật chỉ có trong truyện cổ tích, như “Ngô Khởi sát
thê cầu tướng, đó là một con người hùng thời Chiến Quốc. Họ đâu có thiếu tình cảm
mà nỡ giết vợ để tìm cái ơn phong hầu?...” ...
Ông không ngần ngại viết thêm: “Tôi trình bày cái chết của
vua Quang Trung và quy tội cho Ngọc Hân công chúa là người ở trong dòng họ của
chúng tôi gây nên. Sự thật tôi không nỡ đem tiền nhân của dòng dõi Lê Duy... của
chúng tôi ra làm một cái bung xung cho hậu thế mai mỉa, nhưng vì lương tâm của
một người đứng hẳn về phía người dân để chép sử, tôi cảm thấy có bổn phận nêu
ra một bí ẩn mà tôi được tiền nhân cho biết. Vì vậy mà tôi có tội với tiền nhân
họ Lê của chúng tôi, tôi cũng đành cam chịu vậy...”.
Đọc tạp chí Phổ Thông số 62, trong bài nói về Ngọc Hân
Công Chúa, ông Khánh viết:
“...Vua Càn Long còn tính một mặt cứ cho đem Công Chúa
lên đường sang Việt Nam và một mặt vua Quang Trung phải thân ra biên ải để đón
vợ, và lễ động phòng hoa chúc sẽ lập ra ở chỗ mà hai bên gặp nhau, sửa sang
quân dịch để tiếp đón Công Chúa con vua Càn Long và Hoàng Ðế Quang Trung, lễ
giao bôi hiệp cẩn sẽ cử hành tại Ải Nam Quan...”.
Nguyễn Thượng Khánh vẫn chưa chịu dừng, ông chỉ trích thật
gay gắt không tha cho chính ngay cả Công Chúa Ngọc Hân nữa:
“...Ðó không phải là một cuộc hôn nhân tốt đẹp, lẽ tự
nhiên có một sự oán hận bên trong, nếu không ví chữ hiếu thì Ngọc Hân đã có thể
chết đi được khi nàng được tin phải làm vợ của tướng Tây Sơn...”.
Tính tình của Ngọc Hân khi chưa về làm vợ Nguyễn Huệ thì
như vậy, còn tài năng của bà thì cũng chẳng có gì, những áng văn “Văn Tế Quang
Trung”, “Ai Tư Vãn”, Nguyễn Thượng Khánh cho rằng không phải do bà Ngọc Hân viết,
và còn yêu cầu những người nghiên cứu văn học cần phải xem lại vấn đề này kỹ hơn.
Với đề tài “Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của
Ngọc Hân Công Chúa”, tác giả Nguyễn Thượng Khánh đã gây xôn xao, làm chấn động
đối với mọi người lúc bấy giờ (1961), nhất là giới phê bình văn học. Thế rồi, trào
lưu đối khán, chỉ trích mạnh xuất hiện, không những giới trí thức mà ngay những
người thuộc thế hệ con cháu dòng dõi Lê Duy Mật, đã gởi những bài viết đã kích
Nguyễn Thượng Khánh đăng trên các báo Bách Khoa, Lành Mạnh, Văn Ðàn và cả trên
báo Phô Thông nữa...
Trên báo Phổ Thông, số 62, phát hành ngày 1-8-1961 có
đăng bài viết của Nguyễn Thượng Khánh, thì 3 ngày sau (4-8-1961), ông Nguyễn
Văn Minh (ở Huế) đã có bài viết phản bác kịch liệt (tạp chí Phổ Thông số 64,
phát hành ngày 1-9-1961 phải đăng bài này). Trong bài phản bác của ông Minh có
đoạn ghi rằng “…không thể tin vì ghen tuông mà bà Ngọc Hân đã có quyết định táo
bạo giết chồng, những lời lẽ của ông Khánh rõ ràng chỉ mang tính luận biện, hàm
hồ, không một căn cứ nào hết, ông ta dẫn chứng trong gia phả, thì gia phả đó lại
là bản viết theo lời kể của nội tổ chúng tôi. Riêng phần khi viết đến đoạn Ngọc
Hân Công Chúa bỏ thuốc độc vào rượu để giết vua Quang Trung thì lại không có dẫn
chứng những truyện ấy nằm trong gia phả? Chính đây là việc làm ông đã tự nghiệm
ra với mưu đồ riêng tư!...”.
Tạp chí Phổ Thống số 67, phát hành ngày 15-10-1961, cũng
với tính cách một nhà phê bình văn học đứng đắn, ông Thiện Sinh đã viết bài chỉ
trích bằng cách dẫn chứng 4 điều sai lầm mà ông Khánh mắc phải:
1) Hoàng tử Lê Duy Mật không phải anh ruột của công chúa
Ngọc Hân, mà là một người cầm đầu cuộc khởi nghĩa (1738-1740) chống lại sự
chuyên quyền của Chúa Trịnh, về vai vế ông ta là chú ruột của vua Lê Hiển Tông
(1740-1786) tức em ruột của ông nội của Ngọc Hân.
2) Con của Lê Hoàng Phi (con của Lê Chiêu Thống) không phải
chết ở Cao Bắc Lạng mà chết vì bệnh đậu mùa tại Yên Kinh (Trung Hoa).
3) Việc vua Quang Trung cầu hôn với Công Chúa Nhà Thanh
chưa đi đến đâu, nghĩa là còn trong vòng bàn định, như thế không thể có chuyện
cho tổ chức lễ động phòng hoa chúc, giao bôi hiệp cẩn cho hai người tại của ải
Nam Quan.
4) Cuộc hôn phối giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ, hoàn toàn
không phải là sự oán hờn của vua Lê và cả Ngọc Hân, mà là sự vui mừng của cả
triều đình Nhà Lê, riêng cá nhân Ngọc Hân cũng tự cho mình là tốt số lắm mới có
được người chồng như Nguyễn Huệ.
Tại Quế Sơn (Quảng Nam), có bản gia phả trích sao của họ Nguyễn
mà ông Nguyễn Lê Thọ nói rằng đã đối chiếu kỹ với bản gia phả của ông Khánh, đã
truy ra được ông Khánh là con trai của ông Nguyễn Văn Ðộ, cháu nội ông Nguyễn
Văn Dương, dòng họ Nguyễn này được truyền từ đời ông Nguyễn Văn Cốt, chứ không
phải là ông Nguyễn Lê Dương như ông Nguyễn Văn Khánh đã công bố trên Phổ Thông
số 62, để quy tội cho Tây Sơn là truy nã ông Dương nên phải đổi ra họ Nguyễn
lúc mới lên 1 tuổi khi trở về lại đất Lam Sơn trú ngụ.
Tại Ðà Nẳng, người rễ của dòng dõi họ Lê đất Lam Sơn là ông
Võ Thành Sơn, có viễn tổ là Lê Duy Mật, tại nhà thờ, còn giữ được gia phả với
nhiều bằng sắc do các triều đại trước ban cấp đã cho biết nếu tính từ 18 tuổi
trở lên (từ năm 1961) con cháu họ Lê ở Quảng Nam có trên 1000 người sống rải
rác tại các quận Ðại Lộc, Duy Xuyên, Ðiện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn... Sở dĩ có
chuyện này vì vào thời vua Thiệu Trị có hơn 60 vị bô lão họ Lê ở Thanh Hóa đem
con cháu vào sống trên đất Quảng Nam, và ngay trong gia phả cũng ghi rõ chính
sách đối xử của Nhà Nguyễn đối với dòng dõi họ Lê như sau:
“...cho miễn sưu thuế đời đời cho con cháu, cho hưởng đất
công điền làm ăn, song không cho thi cử dù học hành giỏi, không được đi lính
hay tham dự các khoa thi võ, chỉ được hành nghề dạy học, đi buôn hoặc làm ruộng.
Nói chung không được tham gia vào chính quyền. Con trai không được lấy họ Lê của
cha, nếu phạm vào sẽ bị tru di gia tộc. Bởi vậy mới có sự thay thế họ Lê bằng họ
Nguyễn, và thêm vào tên đệm là Lê, còn trong gia phả thì chỉ ghi họ Lê không mà
thôi. Từ khi triều đình Huế không còn thực quyền, con cháu Nhà Lê bắt đầu khai
lại họ gốc của mình. Vào thời vua Tự Ðức tộc họ Lê ở Thanh Hóa thường thư từ và
có khi vào tận Quảng Nam để thăm viếng bà con…”.
Ngày 1 tháng 11 năm 1961, ông Khánh từ Sài Gòn ra Ðà Nẳng
tìm đến ông Võ Thành Sơn để tìm hiểu về cội nguồn của mình, nhất là việc muốn
xác minh laị chuyện vua Quang Trung và Công Chúa Ngọc Hân. Mọi việc đã được
sáng tỏ, vì tại Ðà Nẳng bản gia phả tộc Lê được cất giữ thật chu đáo và có nội
dung rất rõ ràng.
Tưởng như mọi việc đến đây chấm dứt, nhưng đến năm 1968, ông
Nguyễn Phương có viết trong “Việt Nam Thời Bành Trướng Tây Sơn” (Khai Trí, Sài
Gòn 1968, trang 314) như sau:
“...nhưng lại có dư luận
cho rằng ông (Quang Trung) đã bị đầu độc và con người bị tình nghi đã chủ
trương trong việc sát nhân đó chính là Bắc Cung Hoàng Hậu. Sự thật thế nào khó
mà phán quyết...”
Dĩ nhiên đối với chúng ta hôm nay, ai ai cũng trân trọng,
quý mến bất cứ người nào tìm ra được những tài liệu giúp soi sáng lịch sử thêm,
nhưng không thể không dè dặt khi những tài liệu nầy có “vấn đề” vì ý đồ riêng
tư… Nhà văn Bossuet (người Pháp) cũng đã từng mỉa mai những người đưa ra tài liệu
loại “có ý đồ” này bằng câu nói bất hủ:
“Depuis qu'il y a
des histoiriens il y a plus d'histoire”. (“Từ khi có nhiều sử gia, nên có nhiều
lịch sử hơn” – người viết tạm dịch).
Là con vua lấy 2 chồng đều làm vua:
Khi phân tích câu ca dao:
“Số đâu có số là đời,
Con vua lại lấy 2 đời chồng vua!”.
Nếu đem gán nhân vật chính của câu ca dao nầy vào Công
Chúa Ngọc Hân thật là chuyện không công bình đối với lịch sử, vì dầu cho bà có
làm phật lòng Hoàng Tộc Nhà Lê thì cũng không thể vin vào đó mà đặt chuyện để bêu
xấu một người được sự tôn kính của mọi người như bà Ngọc Hân Công Chúa? Các nhà
nghiên cứu về “Nữ Sĩ Ngọc Hân” họ đã bát bỏ hoàn toàn những lý lẽ mà bài viết
mang tính “truyền thuyết” với mục đích thực hiện ý đồ xấu để gán vào cho nhân vật
lịch sử được tôn kính cụ thể như bà Ngọc Hân! Đối chiếu vào lịch sử thì Công
Chúa Ngọc Hân không thể vầy duyên với vua Gia Long, vì khi vua Gia Long vào chiếm
được Phú Xuân (kinh đô của triều Cảnh Thịnh) vào năm 1801, thì bà Ngọc Hân đã mất
trước đó 2 năm (1779) rồi. Do đó gán cho bà Ngọc Hân lấy vua Gia Long làm chồng
thứ hai thì là chuyện không thể có. Nhưng nói như thế không có nghĩa những câu
ca đang nghêu ngao ngoài dân gian là vô căn cứ, nó phải có một cái gì đó là của
sự thật mới thể hiện mạnh như vậy.
Xem tiếp Bài 6