Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
NGỌC HÂN CÔNG CHÚA (玉忻公主) Bài 4
Ai Tư Vãn (哀思挽)
“Ai Tư Vãn” là một tác phẩm trong văn học viết bằng chữ Nôm, tương truyền do Bắc Cung Hoàng Hậu sáng tác, bài thơ như sau:

  • Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
  • Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
  • Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,
  • Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.
  • Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
  • Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
  • Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
  • Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!
  • Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
  • Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
  • Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
  • Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.
  • Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
  • Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
  • Sang yêu muôn đội ơn trên,
  • Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.
  • Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
  • Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
  • Dẫu rằng non nước biến dời,
  • Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.
  • Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
  • Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
  • Miếu đường còn dấu chưng thường,
  • Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
  • Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế
  • Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
  • Non Nam lần chúc tuổi trời,
  • Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.
  • Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
  • Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
  • Nào hay sông cạn, bể vùi,
  • Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.
  • Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
  • Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
  • Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
  • Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.
  • Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
  • Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
  • Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
  • Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.
  • Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,
  • Kể sum vầy đã mấy năm nay?
  • Lênh đênh chút phận bèo mây,
  • Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?
  • Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
  • Biết cậy ai dập nỗi bi thương?
  • Trông mong luống những mơ màng,
  • Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.
  • Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
  • Ngỡ hương trời bãng bãng còn đâu:
  • Vội vàng sửa áo lên chầu,
  • Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.
  • Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,
  • Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
  • Vội vàng dạo bước tới nơi,
  • Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa!
  • Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,
  • Mặt rồng sao cách gián lâu nay,
  • Có ai chốn ấy về đây,
  • Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành?
  • Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
  • Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
  • Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
  • Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.
  • Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,
  • Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;
  • Mà nay áo vải cờ đào,
  • Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!
  • Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,
  • Công đức dày, ngự vận càng lâu;
  • Mà nay lượng cả, ơn sâu,
  • Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.
  • Công dường ấy, mà nhân dường ấy,
  • Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?
  • Rộng cho chuộc được tuổi rồng,
  • Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.
  • Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,
  • Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.
  • Tưởng lời di chúc thiết tha,
  • Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.
  • Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
  • Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
  • Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
  • Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.
  • Con trứng nước thương vì đôi chút,
  • Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
  • Vậy nên nấn ná đòi khi,
  • Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;
  • Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,
  • Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,
  • Theo xa thôi lại theo gần,
  • Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.
  • Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,
  • Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!
  • Mơ màng thêm nỗi khát khao,
  • Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi?
  • Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,
  • Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai?
  • Xưa sao sớm hỏi khuya bày,
  • Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.
  • Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,
  • Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?
  • Xưa sao gang tấc gần chầu,
  • Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.
  • Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
  • Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.
  • Nửa cung gẫy phím cầm lành,
  • Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!
  • Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,
  • Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.
  • Não người thay, cảnh tiên hương,
  • Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.
  • Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
  • Thấy mênh mông những nước cùng mây,
  • Đông rồi thì lại trông tây:
  • Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.
  • Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,
  • Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.
  • Nọ trông trời đất bốn phương,
  • Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.
  • Cậy ai có phép gì tới đó,
  • Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,
  • Này gương là của Hán cung
  • Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.
  • Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,
  • Bụng ai hoài vội ghẽ vì đâu?
  • Xin đưa gương ấy về chầu,
  • Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.
  • Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,
  • Nỗi sinh cơ có thấu cho không?
  • Cung xanh đang tuổi ấu xung
  • Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương?
  • Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
  • Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,
  • U ơ ra trước hương đài,
  • Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.
  • Trong sáu viện ố đào, ủ liễu
  • Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê
  • Long đong xa cách hương quê,
  • Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.
  • Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ
  • Cất chân tay thương khó xiết chi.
  • Hang sâu nghe tiếng thương bi,
  • Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.
  • Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,
  • Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?
  • Càng trông càng một xa vời,
  • Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?
  • Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
  • Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
  • Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
  • Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.
  • Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
  • Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
  • Trông chim càng dễ đoạn trường
  • Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.
  • Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
  • Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?
  • Phút giây bãi bể nương dâu,
  • Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?
  • Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
  • Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
  • Mấy lời tâm sự trước sau,
  • Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.

Sống với sự dày vò thương nhớ nhà vua, bà Ngọc Hân tuy mệt mỏi, nhưng đã ráng kéo dài thêm được 7 năm ở cung đình Phú Xuân, và đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799), bà mất.
Ðể tưởng nhớ ơn nuôi dưỡng, dạy bảo của người mẹ kế đáng kính của mình, vua Cảnh Thịnh đã sắc phong cho bà miếu hiệu: “Nhu Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu”, gọi tắt “Vũ Hoàng Hậu”, đúng như trong gia phả họ “Nguyễn Ngọc…” tại làng Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh ghi:
“Tốt vu Kỷ Mùi niên, thập nhất nguyệt sơ bát nhật”.
Thế nhưng, truyền thuyết vẫn chưa cho “Vũ Hoàng Hậu” yên nghỉ, gán ghép bà là người giết chồng (vua Quang Trung) và còn phải sống tiếp để làm vợ của vua Gia Long… (?).
Là kẻ giết chồng:
Tạp chí Phổ Thông số 62, ra ngày 1/8/1961 (xuất bản tại SG) có đăng bài viết của ông Nguyễn Thượng Khánh với đề tài: “Vua Quang Trung Chết Vì Một Liều Độc Dược Của Ngọc Hân Công Chúa”.
Dĩ nhiên với đề bài như thế nầy làm người đọc ngỡ ngàng vì sự vô lý của nó, do đó tác giả đã dẫn chứng câu chuyện xảy ra trong gia tộc của mình để người đọc tin là “chuyện có thật”! Ông Khánh khoe rằng, ông nội của ông là con trai của Hoàng Thân Lê Duy Mật, gọi công chúa Ngọc Hân bằng cô ruột.
Theo người viết khi truy xét thời đại mà Hoàng Thân ông Lê Duy Mật sống, làm thủ lãnh cuôc nổi dậy chống Chúa Trịnh thì:
- Hoàng Thân Lê Duy Mật là em của vua Lê Thần Tông.
Vua Lê Thần Tông là ông nội của vua Lê Hiển Tông. Nhưng theo ông Khánh thì ông nội của ông là con trai của Hoàng Thân Lê Duy Mật (em vua Lê Thần Tông), nghĩa là cùng hàng anh em với thân phụ của vua Lê Hiển Tông, mà bà Công Chúa Ngọc Hân là con của vua Lê Hiển Tông thì phải gọi ông nầy là “ông chú” hay “ông bác”, vì cùng hàng với ông nội của bà, chứ không thể có chuyện ngược đời là “ông nội của ông Khánh gọi bà Ngọc Hân là cô”! Ở đây nếu ông Khánh nói rằng ông nội của ông là con trai của Giám Quốc Lê Duy Cận thì việc “lý giải của ông có phần hợp lý” vì Lê Duy Cẩn là anh trai của bà Ngọc Hân và là chú ruột của vua Lê Chiêu Thống, có nghĩa, ông nội của ông Khánh là anh em chú bác với vua Lê Chiêu Thống. Tóm lại chuyện ông Khánh cho rằng ông nội của ông là con trai cua Lê Duy Mật, gọi Ngọc Hân Công Chúa là cô thì hoàn toàn sai với thứ tự của gia phả của hoàng tộc Nhà Lê.

Xem tiếp Bài 5

Hồ Quang
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.