Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
NGỌC HÂN CÔNG CHÚA (玉忻公主) Bài 3
...
Là người vừa giỏi quốc âm vừa thông Hán văn, lúc vua Quang Trung còn tại thế bà Ngọc Hân hay giảng giải kinh điển cho vua nghe. Theo bài dịch từ Hán Văn ra quốc văn của Tạ Quang Phát đăng trên Nam Phong Tạp Chí (số 103, năm 1926) có bài biểu mừng của bà Ngọc Hân dâng lên vua Quang Trung trong dịp lễ “Tứ Tuần Vạn Thọ Khánh Tiết” như sau:

  • "Tư ngộ thiên thọ khánh tiết, (Nay gặp khánh tiết mừng tuổi thọ của Hoàng Đế,)
  • thanh thiên ứng luật, (khúc nhạc Thanh thương ứng luật hợp tiết,)
  • hôn chử tại thì. (cồn hoa đang độ.)
  • Ngọc thụ phiêu hương, (Cây ngọc đưa hương,)
  • bích đào hiến trường sinh chi quả; (cây bích đào dâng quả trường sinh)
  • ngân thiềm thổ diễm, (trăng bạc nhả ánh trăng trong,)
  • băng hồ khai phục đán chi hoa. (hồ băng lại nở hoa buổi sáng.)
  • Tử ái nùng nhi khuê các đằng phương, (Mây mù sắc tía nồng đượm khuê phòng hương nức;)
  • thụy khí sảng nhi vu huy tăng sắc. (khí lành sáng tỏ mà áo xiêm thêm màu.)
  • Cẩn phụng biểu xưng hạ giả. (Kính cẩn dâng bài biểu chúc mừng.)
  • Phục dĩ thụy khí trinh tường, (Cúi lấy khí lành trình điềm tốt,)
  • thông uất phụng lân chi thái; (tưng bừng màu sắc con phụng con lân;)
  • quang thiên xiển lãng, (đầy khắp thiên hạ,)
  • chiếu hồi Dực chẩn chi hư, (chiếu về cõi hư không sao Dực sao Chẩn,)
  • Quế điện truyền hương; (Ðiện quế truyền hương;)
  • tiêu đình dật khánh. (sân tiêu tràn điều mừng.)
  • Khâm duy Hoàng đế Bệ hạ, (Kính nghĩ Hoàng đế Bệ hạ,)
  • tài cao thiên cổ, (tài cao thiên cổ,)
  • đức phối lưỡng nghi. (đức hợp với Trời và Ðất.)
  • Cung thiên phi chấn vũ công. (Cung kính thi hành sự trừng phạt của Trời lớn lao chấn động vũ
  • công,)
  • Tây thổ bí hưng vương chi sự nghiệp; (đất Tây Sơn đẹp đẽ hưng sự nghiệp đế vương;)
  • thì hạ tứ trần ý đức, (trần bày đức đẹp vào bản nhạc ca vĩ đại,)
  • đông giao hoàn định quốc chi qui mô. (ở cõi giao phía đông đã định xong qui mô của nước nhà.)
  • Xích nhật minh nhi ngung nhược hữu phu; (Mặt trời đỏ rạng mà nghiêm đáng tin (quẻ quan);
  • thọ tinh diệu nhi chiêm y cọng ngưỡng. (sao thọ tinh chiếu sáng mà thiên hạ đều cùng ngưỡng
  • lên trông mong nương tựa (thiên Tiểu biền, phần Tiểu nhã trong Kinh Thi).
  • Thần Xu điện nhiễu quang phù Vạn Thọ chi bôi; (Sao xu của Bắc đẩu điện vây, ánh sáng nổi
  • lên chen mừng Vạn thọ;)
  • xương hạp vân khai dinh triệt thiên thu chi kính. (cửa Trời mây mở, sắc trong thấu triệt mặt kính
  • ngàn thu.)
  • Tứ tự thường điều ngọc chúc, (bốn mùa thường điều hoà khiến cái đức của vua đẹp như ngọc
  • sáng như đuốc;)
  • ức niên vĩnh điện kim âu. (trong ức năm mãi vững chiếc lọ vàng.)
  • Thần đức thiểm Quan thư, nhân tàm Cưu mộc. (Hạ thần đức thẹn với thơ Quan Thư, nhân ngượng với thơ Cưu mộc.)
  • Trung khổn cận bồi chẩn tọa, (Trong nội thất theo hầu kề cùng ngồi mặc đồ lộng lẫy,)
  • bái chiêm bát thiên xuân sơ kỷ chi tiên trù; (vái mong tính theo tuổi thiên niên kỷ khởi đầu của tuổi Bệ hạ một mùa xuân tám ngàn năm;)
  • nội đình mật nhĩ thiều âm, (chốn nội đình kề sát nghe nhạc thiều,)
  • cẩn chúc thiên vạn tuế vô cương chi đỉnh tộ." (ân cần chúc phước của quốc gia được ngàn muôn năm vô hạn”.)
  • Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, bà khóc thật nhiều, cõi lòng tan nát, bà chỉ muốn chết theo nhà vua cho trọn niềm chung thủy. Nhưng, giang sơn của chồng tạo dựng còn đó, con thơ bé bỏng còn đó, làm sao nỡ bỏ cho đành... Thôi thì phải sống, sống để tiếp tục giữ gìn những gì chồng bà từng xông pha nơi làn tên mũi đạn mới có thể dựng nên… Tất cả chúng như dồn lên, đầy ắp đến ngạt thở, để rồi bà phải bật lên thành tiếng than đầy ai oán. Qua bài “Tế vua Quang Trung”, bà kể hết những sâu kín trong bà và công ơn của nhà vua đối với đất nước, đối với triều đình và ngay đối với bà... Từ đó nỗi nhớ nhung cứ quanh quẩn, cộng thêm vào sự cô đơn quạnh quẽ khiến lòng bà đầy nỗi bi ai, bà đã khóc thành lời trong “Ai Tư Vãn”. Qua hai tiểu tác phẩm này, Ngọc Hân muốn gởi gấm lòng mình đến mọi người sau khi nhà vua băng hà:
  • - Bà cho rằng sự ra đi của vua Quang Trung không chỉ là sự mất mát riêng của mình bà mà là sự mất mát to lớn chung cho mọi người khác nữa.
  • - Bà cho rằng nhà vua không chỉ là người tài đức mà còn là người rộng lượng và đầy lòng nhân ái.
  • - Trước đấng phu quân của mình “toàn vẹn” như thế mà phải từ biệt cõi đời quá sớm thì bà làm sao không thể buồn thảm, nhớ thương, kính trọng…
  • - Bà đã trách móc, hờn dỗi cuộc đời sao quá ngắn ngủi, không thể kéo dài thêm cho những bậc hiền đức tài năng như vị minh quân của bà:
  • “…Mà nay lượng cả, ơn sâu, Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần. Công dường ấy, mà nhân dường ấy, Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công? Rộng cho chuộc được tuổi rồng, Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi (Ai Tư Vãn).
  • Trong sách “Thi Văn Bình Phẩm” tác giả Ngô Tất Tố nhận xét về bài “Văn Tế vua Quang Trung” của bà Ngọc Hân, như sau:
  • “Cả bài ý nghĩa rõ ràng, lời lẽ chải chuốt, dùng điển tích cũng đắc thể và xác đáng...”.
  • “Văn Tế” dĩ nhiên phải được làm theo thể “Phú”, nên phải theo đúng quy cách của nó (văn chương bác học), nghĩa là phải biết dùng nhiều điển cố, Trong bài “phú” nầy tác giả Lê Ngọc Hân đã cố tìm ra những điển cố dễ hiểu để người đọc nắm bắt được nội dung ngay. Do đó khi đọc “Ai Tư Vãn”, ai cũng thấy chạnh lòng, man mác, đầy nỗi day dứt… Với giai điệu thật trầm buồn, đầy luyến thương, “Ai Tư Vãn” đã gây nhiều xúc động cho mọi độc giả. Và cũng chính nhờ bài “Ai Tư Vãn” mà tên tuổi “Ngọc Hân Công Chúa” đã được mọi người nhắc đến, nhất là giới nghiên cứu văn học với lòng kính phục một bậc “nữ lưu”, chứ không đơn thuần chỉ là sự tôn trọng bà là vị hoàng hậu của vua Quang Trung.
  • Nhìn chung, các tác phẩm của bà (Ngọc Hân Công Chúa) đều là những tiếng lòng não nuột của người thiếu phụ đang tuổi xuân thì, hưởng hạnh phúc với người yêu chưa được bao lâu đã gặp trắc trở, âm dương cách biệt… Người đọc cảm nhận điều bất hạnh nầy, nên thấy ngậm ngùi thay cho bà... Tiếng than khóc của bà không chỉ là tiếng than khóc về chính mình mà còn than khóc thay cho tất cả những người đồng điệu, những người dân đã và đang hưởng những mơ ước mà trước đó họ chưa có thể có, và họ còn muốn được hưởng “cái đang có” đó nhiều hơn nữa, hạnh phúc hơn nữa… nếu đấng minh quân của họ không bị đoản mệnh... Bà biết những người thương tiếc vua Quang Trung như bà rồi đây sẽ tan nát cõi lòng, sẽ cô quạnh, đơn độc trước một tương lại mờ mịt, đầy ghen ghét, hờn giận và đố kỵ...
  • Ðể bạn đọc có thể tìm hiểu, người viết xin trích một phần trong số các tác phẩm mà “nữ lưu” Ngọc Hân để lại.
  • Văn Tế vua Quang Trung (Ðăng trong Ðông Thanh tạp chí số 05 năm 1932):
  • “Than rằng:
  • 1. Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh, ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy; Một phút mây che vầng Thái Bạch, trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương.
  • 2. Tơ đứt tất lòng ly biệt; Châu sa giọt lệ cương thường.
  • 3. Nhớ phen bến Nhị thuận buồm, hội bái việt chín châu lừng lẫy; Vừa buổi cầu Ngân sẵn nhịp, đoàn ỷ la đôi nước rỡ ràng.
  • 4. Hôn cấu đã nên nghĩa cả; Quan san bao quản dậm trường.
  • 5. Nhờ lượng trên cũng muốn tôn Chu, tình thân hiếu đã ngăn chia đôi nước; Song thế cả trót đà về Hán, hội hỗn đồng chi cách trở một phương?
  • 6. Lòng dẫu xót thấy cơn cách chính; Thân lại nhờ gặp hội hưng vương.
  • 7. Thành Xuân theo ngọn long kỳ, đạo tề trị gần nghe tiếng ngọc; Cung hữu rạng mầu địch phất, tình ái ân muôn đội nhà vàng.
  • 8. Danh phận ấy cậy vun trồng mọi vẻ; Nền nếp xưa nhờ che chở trăm đường.
  • 9. Ơn sâu nhuần gọi cỏ cây, chốn lăng tẩm chẳng phạm chồi du tử; Lộc nặng thơm tho hương khói, nơi miếu đường nào khuyết lễ chưng thường.
  • 10. Mọi nỗi, mọi nơi nhờ trọn vẹn; Một đều, một được vẻ vang.
  • 11. Phép hằng gìn hạc thược, tước thoa, buồng quế rạng khuôn Nội Tắc; Ðiềm sớm ứng chung tư, Lân Chỉ, phái Lam thêm diễn thiên hoàng.
  • 12. Mảy chút chưa đền đức cả; Gót đầu đều trọn ơn sang.
  • 13. Ðền Vị Ương bóng đuốc bừng bừng, lòng cần mẫn vừa khi dóng dả. Miền cực lạc xe mây vùn vụt, duyên hảo cầu sao bỗng dở dang?
  • Ôi!
  • 14. Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt; Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương.
  • 15. Tiệc vầy vui nhớ hãy rành rành, nhịp ca múa bỗng khuây chừng Thần Ngự. Buổi chầu chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh Dương.
  • 16. Vấn vít bấy, bảy năm kết phát; Đau đớn thay trăm nỗi đoạn trường.
  • 17. Hé nhà sương ngắm quyển cung châm, tiếng chi phất hãy mơ màng trên gối. Nương hương nguyệt, ngẫm lời đình chỉ, bóng thúy hoa còn phấp phới bên tường.
  • 18. Hang núi cũng phàn nàn đòi chốn; Cỏ hoa đều sùi sụt mấy hàng!
  • 19. Liều trâm ngọc mong theo chốn chân du, da tóc trăm thân nào có tiếc. Ôm cưỡng bảo luống ngập ngừng di thể, sữa măng đôi chút lại thêm thương.
  • Tiếc thay!
  • 20. Ngày thoi thắm thoắt; Bóng khích vội vàng.
  • 21. Thuyền ngự tọa đã ngang ghềnh Thái Thủy! Bóng long xa thẳng trỏ lối tiên hương.
  • 22. Nẻo hoàng tuyền xa cách mấy trùng, ngao ngán thêm ngừng cơn biệt duệ. Chén hoàng thủy kính dâng một lễ, xét soi xin thấu cõi minh dương”.

Hồ Quang
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.