BÀI II
Nước Việt bị diệt vong, các bộ tộc lớn của nước này thấy cơ hội vào
Trung Nguyên để được giữ ngôi vị bá chủ quá khó, nên các “tù trưởng” từng bộ
tộc cho tộc mình quay về với đồng tộc Việt... tìm cách tiêu diệt những bộ tộc
yếu hơn... Tình trạng này đã tạo nên những trận chiến giữa các nhóm trong Bách
Việt với nhau. Chúng ta có thể thấy trường hợp này ở hai nước Đông Việt và Mân
Việt. Hai nước này tuy cùng thần phục Nhà Hán, nhưng lúc nào cũng mong có cơ
hội không chỉ tiêu diệt nhau mà còn đi xa hơn là thay thế Nhà Hán vào làm chủ
Trung Nguyên...
Thời cơ này là khi Ngô Vương (có tên là Tỵ) nổi lên chống lại Nhà Hán,
hai vua của hai nước Mân Việt và Đông
Việt đều đem binh tiếp ứng giúp Tỵ đánh lại Nhà Hán. Ngoài ra khi Hoài Nam
Vương Lệ chống lại Nhà Hán, cả hai vua Mân Việt và Đông Việt đều cho quân đến
giúp... Dĩ nhiên việc làm này vua Nhà Hán đều biết cả, do đó Hán Đế phải có kế
hoạch trừ khử nhưng chưa có dịp mà thôi.
Thế rồi, vua Hán cho thi hành kế sách “Ngao, Cò” (Mân Việt, Đông Việt)
tranh nhau... để “ngư ông” (Nhà Hán) đắc lợi. Vua Hán cho gây ra sự xích mích
giữa hai nhóm... cho người dụ giỗ mua chuộc vua Đông Việt giết chết Ngô Vương
Tỵ, khiến con của Ngô Vương Tỵ là Tư Câu chạy sang cầu cứu vua Mân Việt...
Vua Mân Việt lấy cớ là Đông Việt không giữ lời hứa (giúp Ngô Vương Tỵ
trước đây)... nên vào năm thứ 3 đời Vũ Đế (năm 138 TCN), vua Mân Việt đưa quân
vây thành Đông Âu. Nếu đem so sánh lực lượng của Đông Việt và Mân Việt lúc bấy
giờ thì Mân Việt lớn mạnh hơn, chính điều này đã làm cho Nhà Hán rất lo ngại
thế lực của Mân Việt… Và khi được tin vua Đông Việt cho người đến cầu cứu, vua
Hán liền sai tướng Nghiêm Trợ đưa quân đánh đuổi quân Mân Việt nhằm giải vây
cho Đông Âu. Nghe tin quân Hán kéo đến, vua Mân Việt phải cho lui binh, rút về
lại nước mình. Trong lúc này tại cung đình Nhà Hán lại xảy ra nội loạn, Nghiêm
Trợ không thể chờ lệnh vua Hán được, nên tự quyết định thôn tính Đông Việt...
Để mọi việc êm thắm, lấy cớ là “nạn đói” đang hoành hành, Nghiêm Trợ cho phân
tán dân Đông Việt bèn cách cho di tản xuống vùng Giang Hoài gọi là để lánh nạn
đói, nhưng thực chất là muốn làm suy yếu sức kháng cự của dân Đông Việt… Một số
các tù trưởng biết được âm mưu này, họ đã không nghe theo lệnh của Nghiêm Trợ
mà dẫn bộ tộc của mình chạy xuống miền Nam (gần vùng Tuyền Sơn tỉnh Phúc
Kiến) để lánh nạn, mãi 15 năm sau đó, họ vẫn bị Nhà Hán tiêu diệt hết. Đến đây
nước Đông Việt coi như bị xóa tên.
Nước Mân Việt thì sao?
Sau khi bao vây Đông Âu, nhưng bị quân Hán kéo đến giải vây, vua Mân
Việt phải rút quân về, đến năm thứ 6 hiệu Kiến Nguyên (135 TCN), vua Mân Việt
lại xua binh xuống phía nam đánh nước Nam Việt. Nam Việt cũng cho người đến cầu
cứu Nhà Hán. Lần này vua Hán sai Vương Khôi dẫn binh theo đường Dự Chương, và
Hàn An Quốc dẫn quân theo đường Cối Kê, cùng tiến đánh Mân Việt. Lúc này tại
nội đình của Mân Việt nội loạn cũng đang xảy ra... Vua Mân Việt thấy không thể giải quyết cành “thù trong giặc ngoài” nên
xin đầu hàng Nhà Hán. Từ đấy nước Mân Việt cũng bị xóa tên luôn.
Trở lại với tộc người Lạc Việt, có thể nói đây là nguồn gốc chính của
người Việt Nam.
Họ sinh sống ở miến trung châu Bắc Bộ và phía bắc Trung Bộ. So với những nhóm
tộc Việt (trong Bách Việt) nói trên, họ không bị Nhà Tần (về sau là Nhà Tiền
Hán) chinh
phục và đồng hóa, nên đã giữ được nền độc lập lâu dài hơn.
Không ai có thể xác
định được người Lạc Việt có mặt tại vùng đất Bắc Việt Nam từ thời gian nào, chỉ
biết rất rõ ràng là khi Triệu Đà đánh chiếm nước Âu Lạc, lập nên nước Nam Việt,
thì đã có người Lạc Việt ở đấy từ lâu rồi. Theo Từ Quảng (sử gia Trung Quốc)
thì người Mân Việt họ Lạc, điều nầy khiến mọi người ai cũng cho rằng người Lạc
Việt ở Việt Nam vốn có quan hệ mật thiết với người Mân Việt ở Phúc Kiến (?).
Cl. Madrolle (nhân chủng học người Pháp) trong bài “Le Tonkin ancient
B.E.F.E.0.XXXVII” cũng đã xác nhận điều này. Có lẽ ở miền bờ biển Phúc Kiến từ
xưa đã có một nhóm “Việt tộc” sống bằng nghề đánh cá… Họ thường dùng thuyền gỗ
hay mảng (bè) tre có buồm, hàng năm theo gió mùa đi cũng như về mà sinh sống.
Mùa gió Bấc (thổi từ Bắc xuống Nam), họ cho thuyền chạy dọc theo bờ biển đến
các miền duyên hải ở phương nam như Hải Nam (Trung Hoa), miền trung châu sông
Nhị và sông Mã (thuộc Bắc Bộ của Việt Nam) và có thể họ còn vượt đại dương đến
tận Nam Dương để kiếm sống… Khi đến mùa gió Nồm, họ lại theo chiều gió thổi (từ
Nam
lên Bắc) mà trở về lại nơi phát xuất. Sau nhiều cuộc vượt biển như vậy, có lẽ
người Việt trong thị tộc Lạc ở Phúc Kiến một số ít đã ở lại tại miền Bắc Việt
Nam, có thể nhóm người này ở rải rác khắp các vùng sông biển Bắc Bộ, rồi hòa
vào với dân địa phương, khiến số người địa phương mỗi ngày một đông hơn. Đến
khi Nước Việt bị nước Sở tiêu diệt, có thể những bộ tộc của Nước Việt không
thần phục Sở kéo nhau xuống sống ở miền trung châu sông Nhị và sông Mã, nơi mà
họ từng biết đó là vùng đồng bằng đất rộng, phì nhiêu và trù phú... Dĩ nhiên
không phải các người “Lạc” ở Phước Kiến đều di chuyển hết xuống phương nam mà
cũng có số khác còn ở lại, cho nên Từ Quảng có thể dựa vào những người di tản
tới Bắc Việt để nói rằng người Mân Việt là họ Lạc.
Câu chuyện những người Việt tộc vượt biển theo gió mùa hằng
năm.
Họ tự sánh mình với “một giống chim hậu điểu”. Giống chim
này là giống chim Lạc (giống như loài ngổng trời) đến mùa lạnh (mùa gió Bấc),
từ vùng Giang Nam bay về phía nam, mà họ cũng đang vượt biển đi về cùng hướng
bay của chúng. Ngược lại, đến mùa gió Nồm, “giống chim hậu điểu” này lại bay về
lại vùng Giang Nam,
đúng vào lúc họ phải trở về nơi phát xuất ra đi trước đây. Chuyện như thế này
cứ lặp đi lặp lại... lâu ngày tự dưng tâm trí họ phát sinh quan niệm tô-tem,
xem giống chim này là “vật tổ” của họ, rồi từ “vật tổ” (chim Lạc) đã trở thành
tên thị tộc... Và danh xưng Lạc Việt ra đời.
Những hình thù ghi trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có thể giải
thích rắng khi họ vượt biển (đi phương Nam hay về phương Bắc) có lẽ họ phải giả
trang (mang lông chim Lạc ở đầu và mình) để loài chim này tưởng là loại cùng
giống, và còn trang trí luôn cho thuyền của họ có hình trạng chim Lạc (vật tổ),
vẽ hình, cũng như treo hình chim Lạc khắp nơi trong thuyền… mong rằng việc làm
này sẽ khiến cho “vật tổ” bảo vệ họ được an toàn trong các chuyến đi về giữa
sóng gió biển khơi… Chính điều này khi giải thích về các hình vẽ những thủy
thủ, kỳ hình quái trạng, chạm trên mặt trống đồng, các nhà khảo cổ học người
Pháp Goloubew và Finot cho là có ý nghĩa tô tem (chính là biểu hiệu của các
thuyền đã từng chở người Lạc Việt ở miền Phúc Kiến xuống miền Bắc Việt Nam). Kể
từ đó những người bộ tộc này vẫn giữ lấy tên thị lộc cũ là “Lạc” tức “Lạc Việt”
mà sử sách của Trung Hoa thường dùng khi gọi họ.
Ở sát cận với nhóm Lạc Việt là nhóm Tây Việt (Tây Âu). Tây
Âu ở miền Đông Nam
tỉnh Quảng Tây. Trở việc Nhà Tần tiến đánh Bách Việt, thì 5 đạo quân tiến đánh
Bách Việt có 2 đạo quân (thứ nhất và đạo thứ nhì) từ phía nam tỉnh Hồ Nam đánh
vào Bắc tỉnh Quảng Tây. 2 đạo quân này khi đến phía bắc Quảng Tây phải dừng lại
vì việc vận chuyển lương thực không đến kịp nên phải dừng lại… Viên quan Giám
Lộc trong đạo quân thứ nhất là Đồ Thư phải cho quân lính mình đào kênh nối hai
sông Tương và Ly với nhau (ngày nay gọi là kênh An Hưng). Nhờ sông đào này,
quân Nhà Tần mới tiến sâu vào được đất Việt, giết chết tù trưởng Tây Âu là Dịch
Hu Tống. Tù Trưởng Tây Âu bị giết rồi, dân Tây Việt vẫn không chịu thần phục để
làm tôi mọi cho quân Tần, mà bỏ chạy hết vào rừng sâu, chấp nhận cuộc sống cùng
cầm thú, chọn ra “người tuấn kiệt” làm tướng để chờ đêm đến là đưa quân ra đánh
quân Tần, họ giết được tên quan úy Đồ Thư và làm bị thương mấy chục vạn người.
Để đối phó, Nhà Tần phải cho tăng thêm binh lính (những người bị đày) đến phòng
bị sự tấn công của người Việt. Theo như lời Lưu An đã nói, thì chúng ta thấy
ngay quân Nhà Tần bị thất bại lớn ở Tây Âu, nên phải rút lui về miền Bắc để
đóng quân ở phía Bắc sông Ly (tức là miền đất mà nhà Tần đặt ra quận Quế Lâm
hay Uất Lâm ngày nay). Như thế trong khoảng mười năm, Nhà Tần đóng quân ở Bách
Việt, thì người Tây Việt cũng như người Lạc Việt ở phía Nam, nằm ngoài phạm vi
cai trị của quân Tần.
Nhi thế thì “Tại sao các nhóm Việt tộc khác bị Nhà Tần đô
hộ, riêng người Tây Âu và Lạc Việt vẫn giữ được độc lập”? Để giải thích chuyện
này, nhiều người đã viện dẫn lý lẽ rất đơn giản là cả 2 nhóm Việt tộc này ở quá
xa Trung Nguyên… Nhưng trên thực tế thì còn có thể giải thích theo cách khác
như sau:
Như đoạn trên đã nói, sau khi người tù trưởng của Tây Âu bị
giết rồi, người Việt tộc này phải chạy trốn vào rừng rậm, dùng chính sách “tiêu thổ kháng chiến, chọn người tuấn kiệt
lên làm tướng”. Phải chăng Lưu An có ý nói “người tuấn kiệt” ở đây có thể
là người mà sử cũ của ta ghi chính là Thục Phán (An Dương Vương), con vua nước
Thục? (?).
Sử Tàu nói rằng sau khi nước Tần diệt được nước Thục (miền
Tứ Xuyên) vào năm thứ năm đời Chu Thuận Vương (năm 316 TCN), tôn thất của vua
Thục dẫn tàn quân chạy về phía nam, chờ thời dựng lại cơ đồ, nhưng sau đó Thái
Tử của vua Thục bị chết ở núi Bạch Lộc, nên có thể người con thứ của vua
Thục, dẫn số tàn quân theo đường sông Mãn Giang vào trú ngụ ở đất Điền Trĩ
(tỉnh Vân Nam ngày nay), vùng đất này là vùng đất tiếp giáp với đất Tây Âu và
Lạc Việt mà Sở mới chiếm... Nhờ vào sự cừu địch của hai nước Sở và Tần, nên Sở
chấp nhận cho nhóm người Thục này trú ngụ vì dầu sao thì nhóm tàn quân của Thục
cũng cùng chung kẻ thù là Tần. Được Sở
cho tạm dung, nhóm người của Thục dần dần tạo được thanh thế và tự xưng là Thục
Vương… Đến đời con của Thục Vương là Thục Phán, thấy đất Điền Trĩ không thể
dung thân lâu bền vì chật hẹp, nghèo nàn, mà còn tiếp giáp sát với đất Nhà Tần
(lúc này Nhà Tần đã diệt được lục quốc gồm các nước Hàn, Ngụy Triệu, Yên, Tề,
Sở thống nhất Trung Hoa), nên đã đem hết người của mình tràn xuống lấn chiếm đất
Tây Âu và Lạc Việt... Có thể Thục Phán theo đường xe lửa Điền Việt (ngày nay),
qua Khúc Tịnh, Mộng Tự, rồi xuôi theo sông Hồng để đến đất Lạc Việt trong công
cuộc “nam tiến” này. Đến được Lạc Việt, Thục Phán cho chiếm đất Mê Linh, hạ
chức vua Lạc Việt xuống làm tù trưởng, giữ miền Mê Linh làm thái ấp. Và có lẽ
Thục Phán cũng đã thu phục được Tây Âu ở miền nam Quảng Tây, giao cho tù trưởng
Tây Âu là Dịch Hu Tống trông nom. Sau khi hàng phục được cả hai nhóm Lạc
Việt và Tây Âu, Thục Phán cho hai nước này họp lại làm một nước lớn, nước Âu
Lạc ra đời. Thục Phán dùng Cổ Loa làm kinh đô và xưng hiệu là An Dương Vương
(có thể chữ Dương là do Thục Phán nhớ lại tên cố hương “Hoa Dương” của Nước
Thục ở Tứ Xuyên ngày xưa(?)…).
An Dương Vương chính là gạch nối của giai đoạn Hùng Vương
trước đó và Nam Việt sau này. Có thể nói kể từ khi Nước Âu Lạc ra đời, sự rõ
ràng của một quốc gia được thể hiện, xác lập rất rõ ràng nguồn gốc của Việt Nam
sau này, mặc dầu bị trôi dạt qua nhiều thời đại và cuối cùng chính là dải đất hình
chữ S bắt đầu từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu.
Nhưng xét về nhân vật Thục Phán (An Dương Vương) có nhiều
bàn cãi:
An
Dương Vương (安陽王), tên thật là Thục Phán (蜀泮), là vị vua lập nên nước Âu Lạc
và cũng là vị vua duy nhất của nước Âu Lạc. Nó
là nước kế tiếp nước
Văn Lang của các vua Hùng.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử thì An
Dương Vương làm vua nước Âu Lạc được 50 năm (từ năm 257 TCN đến năm 208 TCN),
nhưng theo các nhà nghiên cứu về sau này lại căn cứ vào Sử Ký của Tư Mã Thiên
(tài liệu gần với thời Âu Lạc nhất) thì cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc
tồn tại từ năm 208 TCN đến năm 179 TCN (gần 30 năm).
Theo các sử cũ của Việt Nam thì vào thời Hồng Bàng có
bộ tộc Âu Việt sống xen kẽ với người Lạc Việt… Đến cuối thế kỷ thứ III (TCN), vua Hùng Vương Thứ 18, tưởng rằng không ai thèm nhòm ngó đến nước
của mình, nên chỉ lo ăn chơi, phung phí, không nghĩ gì đến việc phòng bị... Ở
phương bắc, Nhà
Tần đã tóm thâu lục quốc, có ý muốn mở rộng bờ
cõi về phương nam, nên Nước Văn Lang không tránh khỏi nạn bị xâm lăng trước mắt
này. Thế rồi Tần Thủy Hoàng cho xua quân đánh Âu Việt, giết được thủ lĩnh của
Âu Việt, nên dân dân Âu Việt đã cùng dân Lạc Việt bỏ chạy trốn vào rừng... Họ chọn
“người tướng giỏi” (tức Thục Phán) chỉ huy lực lượng “du kích” của họ đánh với
quân Tần. Dưới sự chỉ huy của Thục Phán nhờ vào sự áp dụng “chiến thuật du
kích” đã làm tiêu hao quá nhiều sức chiến đấu của quân xâm lược Tần, khiến quân
Tần phải rút về lại phía bắc. Sau khi đuổi lui được quân Tần, Thục Phán buộc
vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, rồi cho hợp nhất Âu Việt và Lạc Việt lại làm
một thành nước, đó là nước Âu Lạc (năm 207 TCN). Thục Phán cho đóng đô ở Phong
Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ngày nay vẫn còn câu ca dao:
Ai về qua huyện
Đông Anh
Ghé xem phong cảnh
Loa Thành Thục vương…
Việc này cho chúng ta thấy thành Cổ Loa của Thục Phán được
xây tại huyện Đông Anh, còn truyền thuyết thành Cổ Loa được xây lên như thế
nào, thì đã có nhiều sách ghi như sau:
“Sau khi chiến thắng được quân Tần, An Dương Vương giao cho tướng Cao Lỗ lo việc xây thành Cổ Loa. Tục truyền rằng thành xây lên nhiều lần nhưng đều bị đổ xuống. Về
sau nhờ có thần Kim Quy chỉ
dẫn (bò đi, bò lại nhiều vòng dưới chân thành...), Thục An Dương Vương thấy điềm lạ, nên bèn cho xây theo vết chân của Kim Quy (Rùa Vàng) đã để lại. Từ đó, thành mới không
bị đổ nữa. An
Dương Vương cho phát triển thuỷ binh và cho chế tạo
nhiều vũ khí mới, xây dựng lực lượng quân sự
vững chắc nhằm tạo bảo vệ thành Cổ Loa cũng như duy trì lâu bền Nước Âu Lạc.
Nhân vật Thục Phán từ đâu đến đển để giành ngôi của vua
Hùng Vương Thứ 18?
Có rất nhiều thuyết cho rằng Thục Phán là hậu duệ của các
vua nước Thục thời Chiến Quốc (Trung Quốc), đến cuối thời này, loạn lạc nổi
lên, con cháu Nhà Thục phải chạy lánh nạn về phía nam. Đến khi Nhà Tần thống
nhất Trung Quốc, Nhà Thục bị tiêu diệt, con cháu vua Thục là Thục Phán chạy đến vùng lãnh thổ của người Âu Việt
(nay là đông nam Quảng Tây, tây nam Quảng Đông
(Trung Quốc) và đông bắc Việt Nam) lánh nạn, sau đó gây dựng lại lực lượng quân sự và lập nên nước Âu Lạc.
Thuyết này bị
nhiều nhà nghiên cứu không chấp nhận vì có
nhiều điểm không hợp thực tế, ví dụ, từ Tứ Xuyên
tới miền bắc Việt Nam
cách xa chừng 3000 km, và khoảng thời gian từ khi nước Thục bị Tần diệt (316 TCN) đến khi An Dương Vương lên ngôi ở
Việt Nam (257 TCN) là gần 60 năm (Có nghĩa là Thục Phán lên ngôi ít nhất cũng đã 80 tuổi,
nếu ông ta rời nước Thục vào lúc 20 tuổi, thứ hai với khoảng cách khá xa như
vậy, Thục Phán khó có thể đưa hết cả bộ tộc của mình đến được nước Âu Lạc!).
Trong sách “Ngược Dòng Lịch Sử” của GS Trần Quốc Vượng lý giải rằng: “…Sau khi nước Thục bị
Tần diệt, con nhỏ vua Thục là Thục Chế được lập lên ngôi, lưu vong về phía đông
nam. Tuy nhiên qua thế hệ Thục Chế vẫn phải lẩn trốn trước sự truy nã của Tần
và không có cơ hội khôi phục nước Thục cũ. Cuối cùng tới con Thục Chế là Thục
Phán thì hình thành quốc gia nằm ở phía bắc Lạc Việt của họ Hồng Bàng...”.
Cả hai thuyết vừa nêu lên, có những chỗ làm cho chúng ta
còn nghi ngờ, nhất là cái họ Thục của vua Âu Lạc. Theo hai thuyết này thì ít ra
nước ta đã có tên họ rồi, nhưng mãi cho tới đầu công nguyên (thời Hai Bà
Trưng), người Việt vẫn chưa có họ. Bộ sử lâu đời nhất và gần với
thời An Dương
Vương là bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” chỉ nhắc tới nước Âu Lạc
mà không nhắc tới An Dương Vương hay họ Thục.
Tuy vậy hai giả thuyết nếu đem ghép lại với nhau thì có thể hiểu như sau: “Nước Thục
(ở Tứ Xuyên ngày nay) mất năm 316 TCN. Sau vài lần chống Tần thất bại, con cháu chạy xuống phía đông nam và đóng ở phía bắc Nước Văn Lang, sống với người Âu Việt. Sau một thời gian củng cố lực lượng, thủ lĩnh Âu Việt thôn tính luôn Lạc Việt. Trong trường hợp này, không hẳn thủ lĩnh Âu Việt đã là dòng dõi
nước Thục cũ mà có thể chỉ là con cháu của tướng lĩnh, quan lại cũ của Thục,
xưng làm họ Thục để thu phục nhân tâm vùng Âu Việt…
Về vấn đề vua Hùng Vương mất nước về tay Thục Phán thì sách
“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi
như sau: “Vua Hùng Vương có người con gái nhan sắc tuyệt vời tên gọi là Mỵ Nương. Vua
nước Thục nghe tin, sai sứ cầu hôn. Vua Hùng Vương muốn gả nhưng Lạc Hầu can
rằng:
- Thục muốn lấy nước ta, chỉ mượn tiếng cầu hôn đó thôi.
Không lấy được Mỵ Nương, Thục
Vương căm giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đời cháu
Thục Vương là Thục Phán mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhưng Vua
Hùng Vương có tướng sĩ giỏi, đã đánh bại quân Thục. Vua Hùng Vương nói:
- Ta có sức thần, nước Thục
không sợ hay sao?
Bèn chỉ say sưa yến tiệc không
lo việc binh bị. Bởi thế, khi quân Thục lại kéo sang đánh nước Văn Lang, vua
Hùng Vương còn trong cơn say. Quân Thục đến gần, Vua Hùng trở tay không kịp
phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự tử. Tướng sĩ đầu hàng. Thế là nước Văn Lang
mất. Giáp Thìn, năm thứ 1 (257 TCN), vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc.
Cũng theo sách này (Đại Việt Sử ký Toàn Thư. Quyển I. Kỷ Hồng Bàng Thị) thì nước Văn Lang được ghi như sau: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là
Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động
Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam)…”.
Khi chiếm được Văn Lang rồi, vua
Âu Lạc vẫn dùng nếp cũ để cai trị dân. Trên hết là vua, rồi đến Lạc Hầu,
Lạc Tướng… Đứng đầu các “bộ” vẫn là Lạc Tướng, còn đối với các “chiềng, chạ” thì có “Bồ Chính”
trông coi. Tuy nói rằng mọi tổ chức giống như thời Văn Lang, nhưng vua Âu Lạc
(An Dương Vương) cho tập trung quyền hành vào tay mình
nhiều hơn và chặt chẽ hơn. Có lẽ Thục Phán đem
hết những văn minh của nước Thục cũ áp dụng vào cho người Việt… như dạy cho
người Việt xây thành bằng đất, dùng cung nỏ bằng tre… đây là hai kỹ thuật mà
người Thục rất sở trường. Trong cuộc chiến giữa quân Tần với Tây Âu, An Dương
Vương đã khích động được lòng dũng cảm của người Việt chiến đấu hết mình, mặt
khác, lợi dụng địa thế hiểm trở của miền nam Quảng Tây, miền thượng du Bắc Bộ
mà áp dụng chiến thuật du kích (cho quân lính núp trong rừng dùng nỏ bắn tên có
bịt đồng nhằm tiêu hao quân địch)… (Xem tiếp Bài 3)