NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI - Bài 6 – Cụ Phan Bội Châu
Hưởng ứng “dụ cần vương” (có
sách ghi là “chiếu cần vương”) của vua Hàm Nghi, các hoạt động chống Pháp lúc
đó đa phần bị thất bại, nhất là các “phong trào nổi dậy” (bị tan rã sau khi vua
Hàm Nghi bị bắt, sau đó bị Pháp đưa đi an trí
tại Algeria - Bắc Phi). Tuy thế, nhưng sự căm thù giặc Pháp của dân tộc Việt
Nam không bị tan biến theo mà ngược lại, nhiều cuộc nổi dậy, chống Pháp vẫn xảy
ra khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam từ Nam chí Bắc. Thực tế lịch sử vào giai đoạn
này, tại phương Đông, các nước lớn mạnh như Trung Hoa, Nhật Bản, đang trên đà
phát triển nhờ áp dụng việc cải cách, duy tân, bằng hệ tư tưởng mới của hai ông
Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu chủ xướng. Chính hệ tư tưởng nầy nó đã buộc nhà cầm
quyền phong kiến phương đông, phải đưa ra những “biến pháp” thích hợp để giải
quyết các mâu thuẫn xảy ra không những trong dân chúng mà ngay cả trong cung
đình... Tại Trung Hoa, Nhà Thanh trước sự lớn mạnh của các nước phương Tây,
đang là một nước “Quân Chủ Chuyên Chế”, buộc phải đưa ra “biến pháp” thay thế
cách cai trị đã có hàng mấy trăm năm trước đây bằng chế độ mới nhằm thích nghi
với tình thế hiện tại, đó là chế độ “Quân Chủ Lập Hiến”. Tại Nhật Bản, sự cải
cách nầy còn mạnh hơn, khiến nước Nhật tiến xa hơn Nhà Thanh của Trung Hoa rất
nhiều. Là người Việt Nam đang sống và
hoạt động tại Trung Hoa (sau khi tham gia vào các hoạt động chống Pháp do phong
trảo Cần Vương khởi xướng), cụ Phan Bội Châu nhìn thấy được sự thay đổi nầy, cụ
cho rằng chỉ có sự tiến bộ như nước Nhật mới có thể giúp dân Việt Nam đánh đuổi
được thực dân Pháp mà thôi, cụ rời Quảng Châu sang Nhật. Cụ Phan Bội Châu (潘佩珠) sinh
ngày 26 tháng 12
năm Đinh
Mão (1867 - Năm Tự Đức thứ 20) tại
làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa,
huyện Nam Đàn,
tỉnh Nghệ An. Cha
cụ
là ông Phan Văn Phổ, và mẹ
là bà
Nguyễn Thị Nhàn. Lúc nhỏ cụ được cha mẹ đặt tên là Phan Văn
San, nhưng về sau sợ phạm húy với Hoàng Tử Vĩnh San (con trai thứ của vua Thành
Thái tức vua Hàm Nghi), nên phải đổi thành Phan Bội Châu (bội châu: đeo ngọc). Cụ Phan
nổi tiếng thông minh từ bé, lên 6 tuổi, trong 3 ngày học thuộc
hết “Tam Tự Kinh”; lên 7
tuổi, cụ đã
đọc và
hiểu được sách “Luận Ngữ”; năm 13
tuổi, cụ
thi đỗ hạng
đầu của huyện. Vốn có lòng yêu nước từ
tầm bé, nên khi mới 17 tuổi, cụ đã viết
bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc"
đem dán vào
cây đa
đầu làng,
hô hào mọi người hưởng ứng phong trào “Bắc Kỳ
khởi nghĩa kháng Pháp”. Lên 19
tuổi (1885 - Ất Dậu), cụ
cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội “Sĩ Tử Cần Vương” (hơn 60 người) nổi dậy chống
Pháp, nhưng vì
lực lượng quá nhỏ bé, nên bị lực lượng thân Pháp đưa
quân đàn áp dễ dàng khiến đội “Sĩ Tử Cần Vương” phải tan rã. Gia đình lâm vào cảnh túng
bấn, cụ Phan không thể hoạt động tiếp, đành kiếm sống bằng nghề dạy học, và
tiếp tục đèn sách, mong tiến thân bằng con đường khoa bảng… Giai đoạn nầy, cụ thường làm bài mướn tại các trường thi để lấy tiền, có lần
phạm húy, bị bôi tên trong danh sách ứng thi trọn đời… (thi không được chấm đỗ,
mà còn bị can vào tội
“hoài
hiệp văn tự” - mang
văn tự trong áo
- ngày nay gọi là đem tài liệu vào phòng thi - nên
lãnh
bản án “chung thân bất đắc ứng thí” - suốt đời
không được dự thi). Năm Mậu Tý (1888), tuy chưa đạt công danh,
nhưng cụ vâng lời song thân lập gia đình. Cụ cưới bà Thái Thị Huyên lớn hơn cụ một tuổi. Bà Huyên sinh năm Bính Dần (1866), tại thôn Đức Nam, xã Diên Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân sinh của bà là ông
Thái Văn Giai, bạn học của ông Phan Văn Phổ (thân sinh của cụ Phan Bội Châu), chính vì tình bạn giữa hai
người mà họ đã kết nghĩa thông gia bằng cuộc hôn ước giữa cụ Phan và bà Huyên
khi cả hai lúc tuổi còn nhỏ. Đến năm 22 tuổi, bà Huyên mới về nhà chồng. Sống với
cụ Phan được 8 năm, không con nối dõi tông đường nhà chồng, bà
phải đi cưới vợ thứ (bà vợ thứ này có tên Nguyễn Thị Em). Tục lệ thời đó là vậy, vợ
chồng ăn ở với nhau không có con nối dõi (con trai mới được), thì người “vợ cả”
có bổn phận phải đi cưới “vợ bé” cho chồng, nếu người vợ bé này không có con
trai nữa, thì người vợ lớn nhất, lại phải đi cưới vợ ba, vợ tư… cho chồng, việc
nầy chỉ có thể chấm dứt khi gia đình họ có con nối dõi mới thôi. May cho cụ
Phan, cưới bà Em về sống, không bao lâu sau sinh hạ cho cụ Phan một người con
trai, đặt tên là Phan Nghi Đệ. Thấy bà Em sinh được
con trai, bà Huyên (vợ cả) cũng sinh cho cụ Phan một người con trai nữa, tuy
sinh sau, nhưng con trai bà Huyên được đặt tên là Phan Nghi Huynh (vì huynh là anh của đệ). Năm Bính Thân (1896), cụ Phan
Bội Châu vào Huế
dạy học, cụ
được nhiều vị quan tại đây mến tài, nhất là quan Tế Tửu Trường Quốc Tử Giám (Khiêu Năng Tĩnh), thầy của cụ,
đã tâu lên vua (vua Thành Thái) xin xóa
án
cho cụ. Nhờ vậy, khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) tại
trường Nghệ An, cụ được chấm đậu Giải
Nguyên. Năm
Tân Sửu (1901), cụ thi Hội nhưng không đỗ. Nghĩ rằng con đường khoa cử không
giúp gì được, mà chỉ làm cho những người bám theo nó, nếu có đạt vinh hiển thì
chỉ dẫn dắt dân tộc đi đến chỗ yếu hèn (đã có những vị khoa bảng cam tâm theo
giặc Pháp để vinh thân phì gia…), đối với cụ “nó” không thể giúp mưu đồ việc lớn…
Do đó, cụ lấy uy tín yêu nước đang có của mỉnh, đứng ra đảm trách, vận động mọi
người tham gia phong trào Cần Vương (phong trào này gần như tan rã sau khi cuộc
khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng - Phong Trào Văn Thân thất bại). Không
chỉ một mình cụ Phan hô hào chống Pháp, mà hầu như khắp mọi nơi, các nhân sĩ
yêu nước như Ðặng Nguyên Cẩn, Ðặng Thái Thân, Trần Quý Cáp, Ngô Ðức Kế, Huỳnh
Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Hàm tức Tiểu La Nguyễn Thành (Miền Trung),
Nguyễn Thượng Hiền, Lê Ðại, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can (Miền Bắc), Nguyễn Thần
Hiến, Trần Chánh Chiếu (Miền Nam)…, cụ Phan còn tìm lên tận Yên Thế gặp Hoàng
Hoa Thám (Hùm thiêng Yên Thế), ông nầy đang làm cho quân Pháp thất điên bát đảo,
để xem xét có thể làm những gì nhằm hỗ trợ cho nhau… Năm
(1904), để công cuộc chống Pháp được “danh chính ngôn thuận”, cụ Phan đã bàn với
ông Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành - có sách viết là Tiểu La Nguyễn Văn
Thành) và khoảng 20 người bạn khác, thành lập Duy Tân Hội tại Quảng Nam, chọn
ông
Cường Để (tức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, cháu đời
thứ 5 của Hoàng Tử Cảnh – con trai đầu của vua Gia Long) lên làm Hội Chủ mà
không chọn vị vua tại vị.
Điều này có thể chứng tỏ cho mọi người biết “những
vị vua hiện tại là những vị vua thân Pháp, hay ít ra cũng thỏa hiệp với Pháp, Pháp
mới đưa lên ngôi, sẽ không gây hại cho quyền lợi của Pháp”. Tình
hình xã hội Việt Nam lúc bấy giờ quá rối ren, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổi
lên lẻ tẻ nhiều nơi, làm phân tán lực lượng các cuộc nổi dậy, khiến thực dân
Pháp dễ dàng đưa quân đánh dẹp. Điều nầy khiến cụ Phan nhận thấy cần phải có sự
đồng nhất trong cách hành động, hầu có sức mạnh mới mong giải thoát được dân tộc
Việt thoát khỏi ách đô hộ của Pháp. Cụ
Phan đi khắp nơi trong nước, từ Nam ra Bắc, gặp được nhiều nhà cách mạng, nhưng
rồi cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là các phòng trào nổi dậy phát xuất từ sự
nóng vội (không thể chờ đợi lâu vì sự bóc lột thậm tệ của chính sách thực dân,
họ vùng lên với bầu nhiệt huyết, nhưng xảy ra tại vài ở phạm vi nhỏ của địa
phương, khiến quan lại tay sai của Pháp dư sức đưa quân đến nơi thẳng tay đàn
áp, giết tróc dã man, làm chùng bước những nơi khác đang có ý đồ nổi dậy)… Thực
tế đã chứng minh là nhiều phong trào nổi dậy kiểu đơn lẻ nầymau bị tan vỡ, các
người lãnh đạo số bị giết, số bị lưu đày… Ngay lúc nầy hai vị yêu nước thiết
tha có 2 quan niệm khác nhau: -
Cụ Phan Bội Châu lúc đó thấy cần phải canh tân nước nhà bằng thể chế “Quân Chủ
Lập Hiến” nhờ vào Nhật Bản… -
Cụ Phan Châu Trinh thì quan niệm rằng phải dựa vào Pháp để chống lại chính sách
của thực dân Pháp, mong rằng những người Pháp chân chính sẽ giúp đỡ Việt Nam
làm thay đổi chính sách thực dân, thực sự giúp Việt Nam cải hóa, tiến lên. Buộc
lòng, cụ Phan Bội Châu đành phải hành động theo cách nghĩ của nhóm mình: cần có
sự giúp đỡ của các nước lớn mạnh, nhưng không phải cùng phe với thực dân Pháp,
và cũng không quá xa xôi với Việt Nam, cụ đã chọn Nhật Bản. Và rồi cụ hành động.
Vào cuối năm Giáp Thìn (1904), trước khi sang Nhật, cụ Phan đã làm 2 giấy ly dị
cho 2 bà vợ để 2 bà này khỏi bị liên lụy gì với cụ trong những hoạt động về sau
này… Tháng 6
năm Ất
Tỵ (1905), cụ Phan
cùng ông
Đặng Tử Kính về lại nước, mang
theo một số sách “Việt Nam Vong Quốc Sử”. Thàng 8 cùng năm, tại Hà Tĩnh cụ cùng một số người
nòng cốt của Duy Tân Hội, bàn bạc mọi việc để thực hiện kế
hoạch: - Nhanh chóng đưa Kỳ
Ngoại Hầu
Cường Để sang
Nhật. - Lập các Hội Nông, Hội
Buôn, Hội Học để tập hợp quần chúng và để có tài chánh cho Hội. - Chọn một số thanh
niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, cho xuất dương du học… “Phong Trào Đông
Du” xuất hiện. + Lập Duy Tân Hội: Đây là tổ chức yêu nước chống thực dân
Pháp do cụ Phan Bội Châu và ông Nguyễn Hàm cùng một số bạn hữu khác sáng lập
tại Quảng Nam (1904), Hội này hoạt động mãi tới năm Nhâm Tý (1912) thì tự động
giải tán. Nhưng trong những năm đầu của Hội (1905, 1906) Hội đã tạo nên luồng
tư tưởng cách mạng trong giới thanh niên trí thức, họ hướng ứng một cách sôi
nổi, nhiệt tình trong “phong trào Đông Du”, khiến phong trào này không chỉ dành
riêng cho thanh niên tại Bắc Kỳ mà còn mà lan rộng khắp Trung Kỳ và nhất là ở Nam Kỳ.
Lúc đầu Duy Tân Hội chỉ
là hội kín. Ngày 8
tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), sau khi vào Nam Kỳ trở về, cụ Phan Bội
Châu cùng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và hơn 20 người khác họp tại “Nam Thịnh Sơn Trang” nhà riêng
của Nguyễn Hàm (tức Nguyễn
Thành hay Nguyễn Tiểu La) ở Thăng Bình, Quảng Nam, lập
ra Duy Tân Hội, mọi hội viên đồng tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm Hội Chủ.
Sở dĩ Hội tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lên làm Hội Chủ là giữ được tính “tôn quân”
của các nho sĩ, sĩ phu yêu nước, sau là kết hợp được lòng dân… Các vị như: cụ Phan Bội
Châu, Nguyễn Hàm, Trình Hiền, Lê Võ,
Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân... tuy chỉ là những hội viên như
những hội viên khác, nhưng phải đảm nhận mọi hoạt động trọng yếu của Hội. Cuộc hội họp này, về sau cụ Phan
ghi trong “Tự Phán” (Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 4, trang 43) như sau: “…Đến ngày kỳ ước chính là thượng tuần tháng 4, tôi vào nhà Tiểu La (Nguyễn Hàm), có cả ông Kỳ Ngoại Hầu
tới. Giữa Hội chỉ là người trọng
yếu hơn hai chục người... Bắt đầu khai Hội từ buổi sáng qua chính trưa tan Hội. Tên Hội chỉ người trong Hội biết, không lập sổ sách, không biên chép họ tên,
chương trình kế hoạch chỉ miệng trao lòng nhớ mà thôi. Đặt Kỳ Ngoại Hầu làm Hội
Chủ, hễ lúc xưng hô chỉ
gọi bằng “ông chủ”, cấm không được hở chữ "Hội" ra... Những tiếng xưng hô nhau, chỉ gọi bằng anh em, tuyệt
không đặt ra danh mục gì... Tuy cụ Phan đã viết trong “Tự Phán” như vậy, nhưng theo
Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn thì: “Phạm
vi công tác được phân định như sau: Từ Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) trở vào Nam, do Nguyễn Hàm phụ
trách; từ Quảng Bình, Quảng Trị trở ra Bắc thì do Phan Bội Châu đảm nhiệm”. Ở đây sử gia Phạm Văn Sơn muốn làm nổi
bật vai trò chính yếu của hai nhân vật Nguyễn Hàm (Nguyễn Tiểu La) và Phan Bội
Châu trong Duy Tân Hội. Ban đầu, cụ Phan cùng
một số thân hữu vạch ra cách hoạt động chống Pháp nhằm khôi phục lại nền độc lập cho Việt Nam, cụ thể là: - Liên kết với các phần tử Cần
Vương chưa bị Pháp bắt cùng các trai tráng vùng thượng du, dùng phướng thức
bạo động để nổi dậy đánh Pháp. - Tìm người trong dòng họ vua Nhà Nguyễn lập làm minh chủ, từ đó ngầm liên kết với những người có thế lực, tập hợp những
người trung nghĩa để cùng nhau khởi sự.(Về việc tìm người trong dòng
họ Nguyễn làm Hội Chủ, thì theo “Phan Bội Châu Toàn Tập” (Tập 4. NXB Thuận Hóa 1990, tr 36), cụ Phan đã viết: “Tiểu La (tức
Nguyễn Hàm) nói với tôi rằng: Một khi ta khởi sự, trước hết phải thu
lòng người... Vả lại sắp tính việc lớn, tất phải trù có món
tiền thật to. Kim tiền nước ta là ở Nam Kỳ, mà khai thác ra Nam Kỳ là công đức triều Nguyễn làm.
Vua Gia Long lấy lại nước rặt là nhờ tài lực ở trong ấy. Bây giờ nếu
ta tìm được chính giòng Gia Long, đặt làm minh chủ, hiệu triệu Nam Kỳ tất ảnh
hưởng mau lắm". - Khi cần thiết sẽ phái người xuất ngoại cầu ngoại viện. Hai
phần một và hai, giao cho
toàn thể hội viên đảm nhận; riêng phần thứ ba, Hội ủy thác cho Nguyễn Hàm và Phan Bội Châu bàn kín rồi thực hiện, các hội viên
khác không được biết. Trong “Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 6” có viết lại lời của Tiểu La
Nguyễn Thành (tức Nguyễn Hàm) ở việc này như sau: “Tàu hiện nay quốc thể đã
suy hèn, cứu mình không xong thì cứu được ai. Duy nước Nhật Bản là một nước tân tiến ở trong nòi giống da vàng mới đánh
được Nga, dã tâm đang hăng lắm. Tới đó, đem hết lợi hại tỏ với
nó, tất nó ứng viện cho ta. Nếu nó không xuất binh nữa mà (ta tới) mướn tư
lương mua khí giới, tất có thể dễ lắm...” Khi cụ Phan đề nghị để mình đi
Nhật xin cầu viện, Hội đồng ý ngay. Với 3 công việc này, có thể nói đây là “cương lĩnh” đầu
tiên của Duy Tân Hội.Hai năm sau từ ngày Duy Tân Hội ra đời (Bính Ngọ - 1906), cụ Phan mới khởi
thảo và cho in ra một chương trình hoạt động của Hội để công bố với mọi người.
Đến lúc này mục đích của Hội mới rõ ràng: “Khôi
phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập hiến”.
TRƯỜNG XUÂN PHU TỬ - HỒ QUANG
|