Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
NHỮNG HOẠT ÐỘNG YÊU NƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI – Bài 3

Mở đầu cho phong trào “Ngũ Long tề khởi” là ông Nguyễn An Ninh, về Sài Gòn (1922) dùng báo chí để cải hóa dân trí, khơi dậy lòng yêu nước của mọi người dân Việt. Tiếp theo ông Ninh là ông Phan Văn Trường (cuối năm 1923) hợp sức cùng với ông Ninh (cùng làm trong tòa soạn báo “Chuông Rè” (La Cloche Fêlée). Mãi đến năm 1925, thấy phong trào “tề khởi” quá rời rạc, nên Nguyễn An Ninh phải sang lại Pháp để rước cụ Phan Chu Trinh về nước (với lý do chữa bệnh). Bây giờ tại Sài Gòn đã có 3 người trong nhóm “Ngũ Long”, như thế 2 người còn lại tại sao không “tề khởi”? Ông Nguyễn Thế Truyền không về được vì có vợ Pháp nên ở lại Pháp, còn Nguyễn Tất Thành đã đổi hướng hoạt động, sang Liên Xô theo chủ nghĩa Cộng Sản. Tới đây coi như nhóm “Ngũ Long” mất đi sự hứa hẹn là cùng nhau “tề khởi” rồi.  Theo như lời Hồ Chí Minh nói về cụ Phan Chu Trinh thì “lúc đầu cụ Phan xem Thành như cháu mình vì cụ Phan là bạn đồng liêu với cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc” (đỗ Phó Bảng cùng lược với cụ Phan, ông Sắc là thân sinh của Nguyễn Tất Thành). Vì sự liên hệ này, nên cụ Phan nghĩ rằng “Nguyễn Tất Thành phải được hấp thụ nhiều điều tốt nơi nền giáo dục Nho học sẽ biết cách xử thế”. Cụ Phan đặt nhiều hy vọng nơi Thành, Thành sẽ là người “nối nghiệp” cho cụ sau này, nhưng về sau hy vọng này đã tiêu tan... Nguyễn Tất Thành gia nhập Quốc Tế Cộng Sản, chủ trương đấu tranh chống Pháp bằng “bạo lực cách mạng” một đường hướng đấu tranh chỉ gây thêm chết chóc, tang tóc cho người dân Việt mà thôi.
Hồi còn ở Pháp, “Ngũ Long Tề Khởi” được cụ Phan Chu Trinh phát động ngay tại Paris. Khởi sự cho phong trào này, cụ rời Paris xuống Marseille dự hội chợ đấu xảo (mở cửa ngày 16/4/1922, có mặt vua An Nam - Khải Ðịnh). Hội chợ tuy được tổ chức tại Pháp (Marseille), nhưng chính quyền bảo hộ (Pháp) tại Việt Nam, ngoài phái đoàn tháp tùng vua Khải Định, còn đề cử thêm phái đoán khác gồm 7 viên quan An Nam (thân Pháp) như Tuần Phủ Cao Bằng (Vi Văn Ðịnh), Tri Huyện Phong Doanh (Trần Lưu Vị), Ðại Diện Tư Vấn Nghị Viện (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn), Ðại Diện Thương Mại (Hoàng Kim Bảng) Ðại Diện Canh Nông (Nguyễn Hữu Tiệp), Ðại Diện Khai Trí Tiến Ðức (Phạm Quỳnh) đến Marseille tham dự hội chợ nầy (theo Ý Việt viết về Phạm Quỳnh - Hành Trình Nhật Ký, Paris, 1997, trang 208). Vào tháng 2 năm 1922, trước khi xuống Marseille, cụ Phan Châu Trinh đã viết thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc trên báo (có nghĩa gởi chung cho cả  5 người có cùng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc chứ không phải riêng cho Nguyễn Tất Thành, vì lúc đó Nguyễn Tất Thành tuy không “tề khởi” nhưng vẫn cứ dùng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc này để hoạt động trong đảng Cộng Sản Pháp và Cộng Sản Quốc Tế ở Liên Xô, Trung Quốc, càng về sau bút hiệu này chỉ có một mình Nguyễn Tất Thành dùng và trở thành tên của ông ta luôn. Tháng 5 năm 1922, cụ Phan gặp được các trí thức Việt Nam (sang Pháp dự hội chợ). Tháng 6 năm 1922, phái đoàn An Nam do vua Khải Ðịnh dẫn đầu tới Pháp. Thay vì mọi Việt kiều tại Pháp đến đón chào “Hoàng Ðế An Nam” bằng những lời chúc tụng “vạn tuế, vạn vain tuế...”, thì ngược lại, một phong trào bài kích nhà vua nổi lên do nhóm “Người An Nam Yêu Nước” sống tại Pháp thực hiện bằng các biểu ngữ “Thất Ðiều Thư”. Cụ Phan Chu Trinh đã dùng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc để viết “Ký Khải Ðịnh Hoàng Ðế Thư” gởi vua An Nam (viết bằng chữ Hán, ngày 15 tháng 7 năm 1922, trách vua Khải Ðịnh 7 tội:  - 1 Tôn bậy quân quyền,
- 2 Lạm hành thưởng phạt,
- 3 Thích chuộng sự quỳ lạy,
- Xa xỉ quá độ,
- 5 Ăn bận không phải lối,
- 6 Tội chơi bời,
- 7 Chuyến đi có ám muội.
Cụ Phan còn cho tổ chức trình diễn vở kịch “Dragon de bamboo” (Rồng Tre), nhằm châm biếm vua Khải Ðịnh.
Mọi việc tiến hành thuận lợi vì trước đó cụ Phan đã làm 2 việc:
- Viết thư ngỏ gởi Nguyễn Ái Quốc, tìm gặp 2 ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh từ Việt Nam sang.
- Thư ngỏ Nguyễn Ái Quốc
Ngày 18 tháng 2 năm 1922, cụ Phan Chu Trinh viết thư ngỏ (dùng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc) nhằm tâm sự cùng “độc giả” (lúc đó bút hiệu Nguyễn Ái Quốc là dùng cho cả nhóm “Ngũ Long” chứ không phải của một cá nhân nào, còn cá nhân Nguyễn Tất Thành, cụ Phan chỉ có đoạn “nhắc” riêng). Nội dung thư ngỏ này có đoạn: “...Thực trạng dân tình thế thái bên nhà, bọn mình biết rõ, bấy lâu nay, bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao. Cái khát vọng bình đẳng, tự do, bác ái mà ông Mạnh Ðức Tư Cưu (Montesquieu), ông Lư Thoa (Rousseau) khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên đất An Nam mình...” (Theo bản dịch của Hoàng Xuân Hãn, in trong cuốn “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925” của Thu Trang, Ðông Nam Á 1983 trang 135-140).
Cũng trong thư ngỏ này cụ Phan còn viết: “...Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (Văn Trường) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngọa chiêu hiền, đãi thời đột nội (ngồi ngoài đợi thời) của anh và cả cái dụng lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi phương pháp bất hòa mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng hủ nho, thủ cựu. Cái điều anh gán cho tôi đó, tôi chẳng giận tý nào cả, bởi vì suy ra thì tôi đã thấy rằng: Tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan...”. Cụ Phan trách mọi người dám coi cụ là hủ nho, thủ cựu...Còn khi có ý nói riêng với Nguyễn Tất Thành, cụ mỉa mai: “...Tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan...”. Cụ Phan cho rằng viết báo bằng Pháp ngữ thật là vô ích đối với người dân tại Việt Nam: “...Tôi coi lối ấy phí công mà thôi. Bởi vì, quốc dân đồng bào mấy ai biết chữ Tây, chữ quốc ngữ, cầm tờ báo mà đọc nổi...”. Và cụ quyết định cần phải áp dụng đường lối đấu tranh theo cách của mình: “...theo ý tôi thì mình mà học hỏi lý thuyết hay, phương pháp tốt, tóm thâu được chủ nghĩa, có trí mưu cầu lợi quyền cho quốc dân, đồng bào thì đừng có dùng cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông gõ trống, mà phải trở về ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công. Anh (nhóm Nguyễn Ái Quốc) không nghe lời tôi nói, anh ở hoài bên này, cứ cái lối đó thì tài năng của anh khác gì công dã tràng...”. Có thể sau đây là những lời nói riêng với cá nhân Nguyễn Tất Thành, cụ Phan viết: “...Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Karl Marx) ông Lý Ninh (Lénine) nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh rõ...”. Cụ Phan cho rằng chính Karl Marx và Lénine đã có lúc bị nhà cầm quyền đuổi ra khỏi nước, sau đó mới tìm cách trở về lại vận động quần chúng nổi dậy đấu tranh: “...Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho mình, như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào...”. Cụ Phan cho rằng việc dùng phương cách đấu tranh bằng “bạo lực cách mạng” để đánh đuổi thực dân Pháp thật quá nguy hiểm, vì nó đã từng đem lại nhiều thất bại đầy đắng cay, cụ viết: “...Ông Ðề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Ðình Phùng bị đào mả ném xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đày biệt xứ và nhiều không kể xiết sự đầu rơi máu chảy...”. Sau cùng cụ Phan khuyên ông Nguyễn Tất Thành nên về lại trong nước để “mưu đồ đại sự”.
Dĩ nhiên khi viết thư ngỏ “Nguyễn Ái Quốc”, cụ Phan Chu Trinh có giao cho ông Nguyễn Văn Vĩnh một bản, để ông này dịch sang Pháp Ngữ, do đó khi xem lại tập tài liệu “Kỷ niệm 115 ngày sinh ông Nguyễn Văn Vĩnh, do gia đình ấn hành năm 1997” có thư này. Chính nhờ “nó” chúng ta có thể xác định được sự khác biệt của từng người trong cách hành động của nhóm “Ngũ Long”:
Thứ nhất, cụ Phan Châu Trinh không đồng ý với đường lối hành động của nhóm Tây học (việc viết các bài báo bằng tiếng Pháp nhằm đả kích thực dân trên báo Pháp là vô ích, còn nếu quảng bá tư tưởng dân chủ của Rousseau và Montesquieu thì làm sao nó có thể đến được với người dân tại Việt Nam!).
Thứ hai, cụ Phan Chu Trinh yêu cầu mọi người nên dùng phương pháp đấu tranh: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Thứ ba, cụ Phan kêu gọi mọi người nên về nước dùng phương pháp đấu tranh “bất bạo động”, không chấp nhận phương thức đấu tranh “cách mạng bạo động”...
Ngay từ đầu, nhóm “Ngũ Long” có cùng chung mục đích là: Ðuổi Pháp, giành độc lập, dân chủ hóa đất nước. Nhưng rồi mỗi người chọn cho mình một cách hành động, như:
- Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền, chủ trương dùng ngòi bút (tiếng Pháp) để đấu tranh trên đất Pháp (và sau này trên đất Việt), vạch rõ tội ác của chính quyền thực dân đang áp dụng tại các thuộc địa, đánh động long tâm người Pháp yeu chuộng dân chủ, nhờ họ gây áp lực với chính phủ Pháp phải bãi bỏ chế độ thuộc địa.
- Phan Châu Trinh viết nhiều kiến nghị cho toàn quyền Albert Sarraut, yêu cầu thay đổi chính sách cai trị.
- Nguyễn Tất Thành chủ trương “bạo lực cách mạng” (bạo động cách mạng ngược lại với chủ trương bất bạo động của cụ Phan Chu Trinh).
Như thế trừ Nguyễn Tất Thành (sang Liên Xô theo Cộng Sản) thì những người còn lại có chủ trương dùng báo, tìm sự hưởng ứng của “người Pháp yêu dân chủ” cùng đồng lòng vạch tội ác bọn thực dân, từ đó nhà cầm quyền tại Pháp ra lệnh bãi bỏ chế độ thực dân... Nhưng ngay trong những người còn lại này, trước tiên phải nói chính cụ Phan đã không đồng ý, cho rằng “vô ích”, còn ông Phan Văn Trường cho rằng: việc cụ Phan viết thư yêu cầu “viên toàn quyền và chính quyền thực dân” phải thay đổi chính sách cũng là chuyện vô ích...
Cuối cùng, các mục tiêu: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đã được bàn bạc và cả nhóm (4 người) đã đồng ý với nhau: “phải về nước dùng phương thức đấu tranh “bất bạo động” mà hành động. Phong trào này được mệnh danh là phong trào “Ngũ Long Tề Khởi” (trừ Nguyễn Tất Thành).
“Bức thư ngỏ” của “Nguyễn Ái Quốc” cho đăng trên báo vào tháng 2 năm 1922, thì vào khoảng tháng 7, Nguyễn An Ninh về nước (ông là người đầu tiên trong nhóm Ngũ Long” hưởng ứng “tề khởi”). Ngày 10 tháng 12 năm 1923, Nguyễn An Ninh cho ra tờ La Cloche Fêlée. Tiếp theo ngày 21 tháng 1 năm 1924, ông Phan Văn Trường về đến Sài Gòn. Năm 1924, ông Nguyễn An Ninh lại trở sang Pháp (ở chừng một năm) đến tháng 6 năm 1925, ông đón luôn cụ Phan Chu Trinh cùng về. Năm 1926, cụ Phan Chu Trinh mất, ông Ninh sau khi ra tù thấy mình đã mất người đồng hành đáng kính nên năm 1927, ông lại sang Pháp để lo liệu mọi việc đưa gia đình của Nguyễn Thế Truyền cùng về Việt Nam. Như thế phong trào “Ngũ Long tề khởi” đến giai đoạn này coi như thực hiện xong (vì mọi người của nhóm Ngũ Long đã về hết trong nước trừ Nguyễn Tất Thành).
Cụ Phan Chu Trinh mất đi, nhóm người cộng tác với cụ trước đây, không ai chịu theo cách đấu tranh của cụ, mà làm theo ý riêng của họ. Họ đem tư tưởng dân chủ của người Pháp đang hưởng trên đất Pháp cho du nhập vào Việt Nam, truyền bá tư tưởng ấy để chống chế độ thực dân Pháp bằng báo tiếng Pháp ngay trên đất Việt... Xét cho cùng vẫn có hai người rất nhiệt thành với cách đấu tranh của cụ Phan Chu Trinh đó là ông Nguyễn An Ninh và ông Nguyễn Thế Truyền. Chứng kiến sự kiện này, ông Hồ Hữu Tường đã ghi lại trong hồi ký của mình, như sau: “...Theo lời cụ Phan Văn Trường thuật lại, thì năm 1922, khi Nguyễn An Ninh sắp sửa về nhà mà sáng lập tờ báo La Cloche Fêlée, thì cụ Phan Châu Trinh có đưa ra một phân công, gọi là “Ngũ Long tề khởi”. Tại quê nhà, bầu không khí thực dân và phong kiến còn quá nặng, Ninh lãnh sứ mạng đem tư tưởng dân quyền của Pháp ra mà “dĩ di diệt di”. Nên chi báo của Ninh nêu lên đường lối là “cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng Pháp” (organe de propagande des idées francaise)... Còn hai cụ Phan thì chờ Ninh xung phong, dọn dẹp chông gai bên nhà, hai cụ sẽ về góp sức mà tiến lên gây một phong trào dân chủ. Nhưng mà theo kế hoạch nầy, phân ra thì có, mà tụ lại thì chưa. Năm 1925, quả Ninh có rước hai cụ Phan về xứ. Nhưng sang năm 1926, cụ Tây Hồ lìa trần, Ninh lo tổ chức quần chúng, giao cho cụ Trường đứng mũi chịu sào tờ L'Annam. Rồi Ninh vào tù, cụ Trường ba chìm bẩy nổi, bị án tù, sang Paris chịu vào khám. Còn Tất Thành mang tên chung là Nguyễn Ái Quốc, theo cộng sản luôn, một đi không trở lại. Nguyễn Thế Truyền vào đảng cộng sản Pháp, mượn phương tiện mà thành lập Việt Nam Hồn, sau đổi lại là Hồn Việt Nam, rồi Phục Quốc...” (Hồ Hữu Tường, 41 Năm Làm Báo, Ðông Nam Á, Paris, 1984, trang 24-25).
- Cụ Phan Châu Trinh gặp hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh:
Tại Paris cụ Phan được tin hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh sang Pháp để dự “Hội chợ đấu xảo Marseille”, nên đầu năm 1922 cụ Phan đến nơi này trước đề chờ.
Theo hồi ký “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” ông Phạm Quỳnh kể rằng: “Hôm nay (11/4/1922) gặp cụ Phan Tây Hồ, là một nhà chí sĩ nước ta, nay biệt xứ bên quý quốc. Hồi cụ khởi nghiệp, tôi còn nhỏ tuổi, nên chỉ biết tiếng mà không được biết người. Nay sang đến đây mới được gặp cụ, trong lòng ngổn ngang nhiều nỗi, không sao nói xiết. Cùng nhau đàm luận trong mấy giờ. Viết cụ làm chánh đáng hay không chánh đáng, tôi đây không muốn phẩm bình, nhưng xét cái thân thế cụ, dẫu ai có chút lương tâm cũng phải ngậm ngùi. Ừ, làm người ai chẳng muốn vợ đẹp, con nhiều, cửa cao, nhà rộng, bạc đầy tủ, thóc đầy kho; thế mà có người không muốn như thế, thời con người ấy, dẫu hay dở thế nào, tưởng làm kẻ quốc dân cũng không nên a dua nhẹ miệng mà gia tiếng thị phi vậy...” (Ý Việt, Paris, 1997, trang 252).
Nhật ký này được ông Phạm Quỳnh viết và gởi bưu điện về nước đăng từng kỳ trên báo Nam Phong (từ số 58 đến số 100). Tưởng cũng nên nói thêm lúc đó ông Phạm Quỳnh đi Pháp 6 tháng, khởi hành từ Hải Phòng, xuống tàu thủy ngày 10 tháng 3 (1922), đến Marseille ngày 9 tháng 4 (1922), về lại Hải Phòng ngày 11 tháng 9 (1922). Như thế thời gian gồm 2 tháng đi về, ở Marseille 1 tháng, ở Paris 3 tháng. Khi lên Paris, ông Phạm Quỳnh viết trong nhật ký thận trọng hơn, như ngày 13 tháng 7 năm 1922 ghi rằng: “Chiều hôm nay ăn cơm An Nam với mấy ông đồng bang bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình (ông Quỳnh và ông Vĩnh) đến chơi, không khỏi có trinh tử (thám tử) dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lúc đó đứng ngoài như rươi; nhưng họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi!” (Sách đã dẫn, trang 485). Ngày 16 tháng 7 năm 1922, trong hồi ký, ông Quỳnh ghi: “Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở nhà trọ (Phạm Quỳnh ở khu La Tinh, Rue Berthollet), nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có trinh tử đi theo, chắc bọn đó đã đứng đâu ngoài cửa cả”. (Sách đã dẫn, trang 491).
Việc này trong bản mật báo gửi về Sở An Ninh Marseilleđề ngày 11 tháng 5 (1922), viết rằng: “...Có cuộc gặp gỡ giữa ba người Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh. Nội dung là Phan Châu Trinh ngỏ ý muốn lật đổ Nam Triều, lập Quốc Hội An Nam với các Dân Biểu để cai trị cùng với chính phủ Pháp. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh đã trả lời là không nên, vì người trí thức và người dân vẫn còn gắn bó với nền Quân Chủ. Vả lại vua nước Nam không giống như vua Louis14 hay 16 của Pháp đã áp bức làm khổ dân; và người dân An Nam cũng chưa đủ trình độ để sử dụng quyền Quốc Hội. Phải chờ. Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh nói sẽ suy nghĩ xem có thể đóng góp gì cho chương trình hành động của Phan Châu Trinh. (Theo Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp từ 1911 đến 1925, Ðông Nam Á 1983, trang 160).
Trong tập “Ký Ức về Trường Quốc Học” của ông Lê Thanh Cảnh, đăng trong đặc san của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học, và in lại trong tập tài liệu “Kỷ niệm 115 ngày sinh ông Nguyễn Văn Vĩnh, do gia đình ấn hành năm 1997, tập III, trang 21”, có ghi trong bài có tựa “Thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam”, ông Lê Thanh Cảnh kể lại: “...Nhân dịp phái đoàn Nam Triều đi dự cuộc triển lãm do Pháp Quốc Sử Ðịa tổ chức tại BaLê, ông Trần Ðức nói khẽ vào tai tôi, bảo hai anh em chúng mình mời bốn cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện, Cao Văn Sến đến chiều hôm ấy dùng cơm tại khách sạn Montparnass. Chúng tôi nhân mời thêm cụ Phan Tây Hồ, anh Quốc (Nguyễn Tất Thành lúc đó nhận mình là Nguyễn Ái Quốc), vợ chồng Trần Hữu Thường và ông Hồ Ðắc Ứng... Thế rồi cuộc họp đã được tổ chức với sự có mặt của 5 người gồm Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Cao Văn Sến, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Ý kiến của Phan Chu Trinh thì đã nói trong thư ngỏ Nguyễn Ái Quốc rồi, ở đoạn này chỉ ghi lại những ý kiến của các người còn lại. Cụ Phan Chu Trinh nói: “...Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây mà tôi thấy anh chủ trương cách mệnh triệt để quá táo bạo nên tôi không thể theo anh được, và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi. (...)
Anh Quốc tiếp lời: Mấy hôm nay anh Cảnh qua đây có tiếp xúc nhiều với tôi và có nói cho tôi một câu ước mơ của cụ Trần Cao Vân: Nếu cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân thành công thì sau này việc đầu tiên của chúng ta sẽ làm là viết chữ Việt Nam không phải chữ “Tuất” một bên, mà phải viết chữ Việt là Phủ Việt, “Rìu Búa”, mới kiện toàn được sự nghiệp cách mệnh. Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là xưa nay muốn giành độc lập cho tổ quốc và dân tộc thì không thể nào ngã tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng BÚA RÌU.
Ô. Nguyễn Văn Vĩnh cướp lời ngay, đã bênh vực chủ trương của mình và cũng để giác ngộ anh Quốc: “Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ Ðông Kinh Nghĩa Thục cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ lần lượt tan rã và hầu hết phần tử ưu tú chiến sĩ quốc gia bị tiêu diệt: Hết phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục, đến chiến khu Yên Thế của Ðề Thám ở Bắc, rồi đến vụ xin thuế ở miền Trung... (...) Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn vất vưởng sống ở Côn Ðảo, Thái Nguyên, Lao Bảo hay Ban Me Thuột. Bạo động như anh Quốc nói là thậm nguy! (...) Sở dĩ tôi theo lập trường TRỰC TRỊ (administration directe) là kinh nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trực trị tiến bộ quá xa hơn Trung và Bắc. Mà Bắc Kỳ nhờ chế độ mập mờ, nửa Bảo Hộ nửa Trực Trị (không công khai) mà còn hơn Trung Kỳ quá xa. (...) Cứ trực trị cái đã rồi sau khi được khai hóa theo đà tiến bộ thì tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói Trực Trị tôi chẳng khi nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay.
Ông Phạm Quỳnh tiếp: “Có lẽ ngay trong tiệc này tôi đã thấy có rất nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi hoài bão: “QUÂN CHỦ LẬP HIẾN”. Nói đến quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền Quân Chủ họ đã văn minh tột mức và dân chủ còn hơn các nền Dân Chủ Cộng Hòa khác nhiều lắm. (...)Vua chỉ là người đứng lên “thừa hành” bản hiến pháp mà chính nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định (...)”.
Ông Cao Văn Sến biện hộ cho việc dùng văn minh Tây Phương để tiến hành dân chủ; và nhìn nhận rằng ở Nam Kỳ đồng bào tiến bộ hơn nên thực dân không dám ăn hiếp như ở Trung và Bắc.
Thấy mỗi người một ý, ông Lê Thanh Cảnh nói: “Tôi khẩn khoản xin quý cụ là bậc tiền bối nên thảo luận ngay một kế hoạch hay hệ thống nào để làm việc cho có hiệu quả về sau”.
Anh Quốc nóng nẩy bảo ngay: “Thì xin Chú nói ngay ý kiến của Chú ra”.
Ông Cảnh tiếp lời: “Cũng như anh đã trả lời cho cụ Phan mấy hôm trước đây, tôi muốn nghe ngóng tất cả để sau này áp dụng một chủ nghĩa thực tiễn, lấy Văn Hóa Việt Nam làm gốc. Có thế mới hợp với tính tình dân tộc Việt Nam; Hành động gì bây giờ là thất bại ngay, mà cũng như cụ Phan Tây Hồ đã trịnh trọng cảnh cáo hai anh em chúng tôi mấy kỳ gặp gỡ trước đây, mà tôi rất bái phục: “Vô bạo động, bạo động tắc tử, vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu. Dư hữu nhất ngôn dĩ cáo ngộ đồng bào. Viết: Bất như Học”.
Anh Quốc quát to tiếng: “Nầy cụ Tây Hồ, nếu Cụ qua làm Toàn Quyền Ðông Dương thay mặt thực dân cũng chỉ nói như thế thôi. Bó tay mà chịu lầm than sao? Không được!”.
Tôi (ông Cảnh) sợ anh Quốc đi quá trớn, đứng lên thưa, ôn hòa: “Tôi xin anh suy nghĩ thêm về lời khuyên của Cụ Tây Hồ. Nếu chúng ta khôn khéo thì “bất chiến tự nhiên thành”.
Anh Quốc lại quát lớn: “Lại thêm chú này nữa kìa!”
Tôi (ông Cảnh) được dịp kịch liệt bác bỏ luận điệu anh Quốc và bênh vực chủ thuyết của cụ Tây Hồ”.
Ông Cảnh ghi lại nội dung buổi thảo luận này theo trí nhớ của ông nên có thể không đúng nguyên văn (người trích dẫn về bài viết của ông Nguyễn Thanh Cảnh không ghi rõ xuất xứ nguồn tài liệu trích dẫn như “trích trong Ðặc San của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học số mấy? Ấn hành vào tháng, năm nào? Do đó câu chuyện nầy rất khó thuyết phục người đọc nếu một nhà nghiên cứu nào đó đem ra dẫn chứng. Dầu sao khi đọc “Lời người viết” của bài viết này đã rào trước với câu: “câu chuyện năm mươi năm trước”, chúng ta có thể đoán ra sự xuất hiện của nó vào khoảng năm 1970 đến 1975 tại Miền Nam chứ không phải ở Miền Bắc (vì cách xưng hô của người viết với các nhân vật liên quan rất bình dị mang tính bạn bè, không phải của thuộc cấp đối với lãnh tụ khi dùng chữ “anh Quốc” tức Nguyễn Ái Quốc, mà HCM đã tự nhận là mình, thay vì chữ “Bác”). Và “nó” (tài liệu) cũng đã nói lên được một số thực thể mà các nhân vật tên tuổi có mặt thời đó đều là những người trong cuộc như:
- Ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương để Pháp trực trị, vì theo sự quan sát của ông về tình hình giữa Nam Kỳ và Bắc Kỳ, Trung Kỳ thì dân trí trong Nam cao hơn Bắc và Trung. Cụ thể tại Nam Kỳ các phong trào chống Pháp rất mạnh nhờ báo chí (do các nhóm Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế...).
- Ông Nguyễn Tất Thành phản đối cụ Phan Châu Trinh bằng lời lẽ nặng nề, khác hẳn cung cách “chú cháu” ngày trước, nhưng lại không có phản ứng gì đối với quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Cao Văn Sến.
- Ðể bảo vệ quan niệm bạo lực cách mạng, Nguyễn Tất Thành đưa ra biểu tượng Búa Rìu, của đảng Cộng Sản, nhưng lại giải thích bằng Hán tự và dùng ý nghĩa Búa Rìu của Trần Cao Vân. Sau này Trần Huy Liệu cũng đề cao vai trò Trần Cao Vân nhưng bị Phan Khôi phản bác, Phan Khôi cho rằng ông Thái Phiên mới là người chủ chốt trong vụ vua Duy Tân, Trần Cao Vân chỉ là “nửa là nhà nho gàn, nửa là thầy bói kiêm thầy pháp”. (Theo Ðịa Vị Của Thái Phiên Và Trần Cao Vân Trong Cuộc Biến Ở Huế Năm 1916, Sông Hương số 7, năm 1936 của Phan Khôi). Sự kiện này xét cho cùng thì Phan Khôi cũng quá đáng khi phê phán ông Trần Cao Vân, ông Vân đúng là nhà cách mạng chân chính, nhưng vì ông Phan Khôi không muốn dùng biểu tượng “búa rìu” mà Cộng Sản đã dùng nên mới viết bài đã kích người đề cao nó.
Một sai lầm mà ai cũng có thể thấy được đó là mọi hoạt động của những Việt Kiều yêu nước tại Pháp thời bấy giờ cứ cho rằng (nhất là các mật thám theo dõi nhóm Ngũ Long) “tất cả đều do cụ Phan Chu Trinh chủ xướng”, điều này thật không đúng vì sau khi ở tù tại ngục Santé (Prison de la Santé) được thả ra, cụ Phan Chu Trinh bị cắt hết mọi khoảng tiền trợ cấp, và bị mật thám Pháp bám sát, không thể làm gì được ngoài chuyện phải đi học nghề rửa ảnh, sau đó hành nghề này để hai cha con có thể sống còn... ít ra chuyện này cũng có thời gian làm gián đoạn mọi hoạt động của cụ (nhất là người con trai Phan Chu Dật phải vừa làm vừa học đến nổi sinh bệnh, đành về nước và mất tại Huế). Với hoàn cảnh như thế, cụ Phan làm sao có thể lãnh đạo các phong trào yêu nước tại Paris?... Dĩ nhiên là mọi việc cụ Phan đành tạm ngưng, ít ra theo người Pháp thì cụ cũng chỉ là thành phần “tạm thời không gây nguy hiểm như ông Phan Văn Trường...”. (Còn tiếp).

TRƯỜNG XUÂN PHU TỬ - HỒ QUANG
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.