Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
NHỮNG HOẠT ÐỘNG YÊU NƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI – Bài 2

Tuy gọi là “tề khởi” nhưng rất khó thực hiên, nhiều biến cố liên tục xảy ra... Ngay như cụ Phan Chu Trinh sau khi ra tù (bị Pháp bắt trong Thế Chiến Thứ Nhất cùng với Phan Văn Trường) sau khi được thả, bị cắt tiền trợ cấp nên, phải vất vả lo kiếm sống, Phan Văn Trường thì thì phải nhập ngũ, bị chuyển xuống Toulouse, ông Nguyễn Thế Truyền gia nhập vào Ðảng Xã Hội, sau đó vào đảng Cộng Sản Pháp (1922), chính Nguyễn Thế Truyền còn giới thiệu Nguyễn Tất Thành gia nhập 2 đảng này, chỉ còn lại một mình Nguyễn An Ninh chấp nhận về nước (5/10/1922), có lẽ trong nhóm, ông Ninh là người ít bị chi phối về điều kiện kinh tế, do đó nhóm “Ngũ Long” không thể “tề khởi” theo dự tính.
Phần lo cho cuộc sống đang gặp khó khăn, phần khác vì tuổi già sức yếu hay bệnh hoạn luôn, nên vào tháng 6/1925, cụ Phan Chu Trinh quyết định về nước để chữa bệnh, và cũng nhằm thực hiện việc “tề khởi” mà cụ là người đề xướng trước đây. Do đó cụ Phan đã nhờ Nguyễn An Ninh sang Pháp đón cụ về. Về đến Sài Gòn, cụ được nhiều người giúp đỡ, nhưng tuổi già, khó cưỡng với bệnh tật, nên cụ phải tìm người thay thế để có thể đi tiếp đoạn đường còn lại... Nhìn vào 4 con rồng còn lại trong nhóm “Ngũ Long”, Phan Văn Trường từ chối, Nguyễn Thế Truyền đang ở Pháp với vợ con (vợ ông Truyền là người Pháp), Nguyễn An Ninh theo cụ Phan là người nóng nảy, bộc trực, chuộng lối sống sôi động, phong cách rất “Tây” thay vì điềm tĩnh dè dặt của một nhà chính trị, do đó nếu được giao trọng trách sẽ dễ hư việc... Suy tính, chỉ còn một người còn lại đó là Nguyễn Tất Thành, nhưng ông nầy thì không thể được, ông Thành đã rời bỏ nhóm, có hoạt động đi ngược lại cách đấu tranh mà cả nhóm đề ra (theo Cộng Sản, ông Nguyễn Tất Thành chọn phương thức “dùng bạo lực cách mạng” để chọi thẳng với Pháp, còn cụ Phan và 3 người kia thấy dân mình (Việt Nam) quá khốn khổ rồi, còn phải “dùng bạo lực cách mạng” để đánh đuổi Pháp, tạo cảnh máu đổ, đầu rơi cho dân lành, một hành động không thể chấp nhận, nên không thể giao cho Nguyễn Tất Thành. Lúc còn ở Pháp, cả 5 người này dùng chung bút hiệu “Nguyễn Ái Quốc” để viết những bài báo đấu tranh, người viết thường nhất lá ông Phan Văn Trường, thứ đến là Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh ký tên “Nguyễn Ái Quốc”, 3 người này mới đủ trình độ Pháp ngữ để viết báo. Ngay cụ Phan Chu Trinh ở Pháp 10 năm trước khi Nguyễn Tất Thành đến Pháp mà mọi việc còn nhờ vào Phan Văn Trường giúp, thì thử hỏi Nguyễn Tất Thanh mới đến Pháp thì làm sao có thể viết báo được, nếu không có Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền giúp sức? Còn bút hiệu “Nguyễn Ái Quốc” tuy là bút hiệu chung của nhóm, nhưng Nguyễn Tất Thành khi hoạt động cho Cộng Sản vẫn không bỏ bút hiệu nầy, còn dùng nó đặt tên luôn cho mình (sẽ nói rõ ở phần dưới). Tính thế xảy ra như vậy, nhìn lại trong nhóm “Ngũ Long” không tìm ra người thay thế mình, cụ Phan phải tìm người khác, theo suy nghĩ của cụ Phan phải là người người trẻ yêu nước, đang ở trong nước, nhiều hiểu biết về dân tình, quan trọng nhất là được cụ tin tưởng.  
Ở đoạn này nhiều sách viết về cụ Phan Chu Trinh đều có chung nội dung: “...Cụ Phan Châu Trinh từ Pháp trở về nước (1925) muốn tìm người ở tại trong nước, am hiểu thật rành rọt tình hình đất nước, biết dùng ngòi bút quảng bá đường lối chính sách đấu tranh theo phương thức cụ Phan đề ra, và cuối cùng cụ đã chọn ông Phan Khôi (cháu ngoại của cụ Hoàng Diệu), người đồng hương Quảng Nam để gửi gấm “đại sự”. Khi ông Phan Khôi được cụ Phan cho vời vào Sài Gòn, cụ Phan Chu Trinh chỉ giao chỉ giao cho ông này việc duy nhất đó là là viết sách ‘Ðời Hoạt Ðộng và Sách Lược Cứu Nước của Tây Hồ’. Sách này ông Phan Khôi viết xong “bản thảo” rồi mang đến nhà in “Xưa Nay” của Nguyễn Hảo Vĩnh lo in ấn, xuất bản. Việc “in ấn” chưa hoàn tất, thì Phủ Toàn Quyền Ðông Dương đã biết, nên ra lệnh “cấm in” và “cấm xuất bản”, về phía nhà in “Xưa Nay” ông Nguyễn Hảo Vĩnh cũng được tin từ nhóm mật thám Pháp là “đang truy lùng tìm bắt những người có liên can, do đó ông ta cho hủy đi “bản thảo” (nhưng khai là bị thất lạc). Sự kiện này có ghi trong báo cáo của Sở Mật Thám Nam Kỳ trình lên Thống Ðốc Nam Kỳ đề 1/6/1926 về tác phẩm “Phan Chu Trinh”. Theo như NQT trong cuốn “Phong Trào Duy Tân - những khuôn mặt tiêu biểu, tr. 478” thì sách “Ðời Hoạt Ðộng và Sách Lược Cứu Nước của Tây Hồ” dày 94 trang đánh máy”. Sau khi cụ Phan Chu Trinh mất, mọi người ngóng đợi nơi nhà báo Phan Khôi có thể tiếp tục sự nghiệp của cụ Phan Chu Trinh, nhưng tiếc thay, Phan Khôi chỉ là một nhà báo chứ không phải là nhà cách mạng!
Về sau, Phan Khôi tuy theo Việt Minh (do Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh lãnh đạo) nhưng không được tin dùng, còn bị ghép vào thành phần phản động (do những bài viết của ông nhằm “mỉa mai” Hồ Chí Minh như tác phẩm Ông Bình Vôi). Phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm” nổi lên, nhà cầm quyền “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (Chế độ Cộng Sản Miền Bắc) cho bắt hết những người của nhóm này, đa số bị tù đày, dĩ nhiên ông Phan Khôi cũng không thể tránh được tai họa. Qua vụ “Nhân Văn Giai Phẩm”, nhiều người hiểu chuyện thời đó đã cho rằng:
- Thứ nhất, “Nếu cụ Phan Chu Trinh đừng tìm người khác, mà chỉ “chọn” duy nhất Nguyễn Tất Thành thay thế mình, thì Phan Khôi sẽ không bị khổ như hôm nay. Tuy mọi việc xảy ra đã trôi vào quá khứ, nhưng nếu thực lòng mà xét vào thời điểm năm 1925, ông Phan Khôi chưa phải là người nổi tiếng nếu đem so sánh với các ông Nguyễn An Ninh, ông Phan Văn Trường... do đó khi sự kiện “một bước lên tới trời” xảy ra đối với Phan Khôi đã khiến mọi người ngạc nhiên, và đặt câu hỏi: “Tại sao ông Phan Khôi chỉ là người mới bước chân vào làng báo... lại có được ngay 'tầm cỡ lớn của làng báo An Nam' ngang với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh?”. Ðể trả lời, nhiều người quen thân với hai ông Vĩnh và Quỳnh cho rằng: “Không phải hai ông này quen thân với ông Phan Khôi, mà họ (ông Vĩnh, ông Quỳnh) rất kính trọng cụ Phan Chu Trinh... Khi cụ Phan trở về lại Việt Nam chữa bệnh, chuyện cụ Phan “gởi gấm” người kế nghiệp với hai ông Vĩnh, Quỳnh là chuyện phải xảy ra, có gì đâu phải rùm beng vậy! (?)...
- Thứ hai, chính cụ Phan Châu Trinh tin ông Phan Khôi (chứ không tin Nguyễn Tất Thành) vì ông Khôi là người rất sống lâu trong nước, dĩ nhiên phải am hiểu tình hình trong nước hơn những người Việt khác ở hải ngoại về, nên cụ Phan Chu Trinh giao cho Phan Khôi những việc hệ trọng... (viết lại lịch sử đời hoạt động của Tây Hồ). Trong đám tang của cụ Phan Chu Trinh, chính ông Phan Khôi là người viết lời “Hiệu Triệu Quốc Dân” (thay cho cụ Phan Châu Trinh).
Từ những thực tế hiển nhiên này, ai cũng tưởng rằng ông Phan Khôi chính là người được cụ Phan Chu Trinh chỉ định thay thế mình!... (Mãi đến hôm nay, trong tất cả các văn bản tìm thấy, không có một tài liệu nào chứng minh chính cụ Phan Chu Trinh giao cho ông Phan Khôi thay thế mình điều hành mọi hoạt động khi cụ đã qua đời).
Người Việt sinh sống tại Pháp từ sau Ðệ Nhất Thế Chiến đã tăng lên hơn trước, lòng yêu quê hương, tổ quốc không ai không có, nhưng phải có người hướng dẫn họ mới có thể gây nên tiếng vang trên chính trường quốc tế, ít ra cũng tạo nên một chút áp lực nào đó để khiến cho nhà cầm quyền Pháp (lúc đó được gọi là mẫu quốc) phải thay đổi đường lối cai trị tại thuộc địa... Nhưng tiếc thay, con “chim đầu đàn” như đã “gãy cánh”, không thể vùng vẫy như trước, nhất là giai đoạn sau khi bị tù tại Pháp, rồi được trả tự do...  (Còn tiếp)

TRƯỜNG XUÂN PHU TỬ - HỒ QUANG
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.