TÂY SƠN TAM KIỆT
Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ai mới là anh?
Trường Xuân Phu Tử - HỒ QUANG
Từ trước đến nay, khi viết về phong trào
Tây Sơn, đa phần các sử gia thường đề cập đến Nguyễn Nhạc (người khởi xướng
phong trào), và tiếp đến là ca ngợi vị tài trí của anh hùng Nguyễn Huệ... Nhiều
sách vở đã ghi rất rõ ràng, nhưng như thế "Tây Sơn Tam Kiệt" đâu phải
chỉ có hai người nầy? Lập lên Nhà Tây Sơn (家西山) hay triều
đại Tây Sơn (西山朝), khởi sự từ năm Tân Mão (1771) và kết thúc vào
năm Nhâm Tuất (1802) đâu chỉ là công của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ thôi đâu,
phải có người thứ ba nữa chứ? Theo người viết thì ngưới thứ ba nầy mới là người
quan trọng nhất cho việc gây dựng nên lực lượng vững chắc cho Nhà Tây Sơn ngay
từ lúc đầu. "Vạn sự khởi đầu nan" nhưng đối với Nguyễn Lữ, nhân vật
thứ ba trong "Tây Sơn Tam Kiệt đã làm được, do đó nếu ngày nay chúng ta
không nhắc tới tầm quan trọng của ông ta trong sự nghiệp dựng nước của Nhà Tây
Sơn thì rõ ràng đây là việc thiếu công bằng! Binh đội Tây Sơn ngay từ lúc đầu đánh
chiếm được Quy Nhơn từ tay của Chúa Nguyễn đã nhờ vào ai? Trả lời câu hỏi nầy,
tức chúng ta thấy ngay được cái "tài", cái "dũng" của
Nguyễn Lữ. Nhưng mọi việc bị vầng hào quang quá lớn của Nguyễn Huệ che khuất kể
cả Nguyễn Nhạc, nếu ông nầy không phải là người chủ xướng... Trong "Tây
Sơn Tam Kiệt" tuy gọi là "tam kiệt" nhưng chỉ thấy "nhất
kiệt" là vua Quang Trung Nguyễn Huệ chứ hai người kia chưa phải là
"kiệt" chăng? Và ngay từ chỗ nầy mà quên luôn thứ tự của Nguyễn Lữ,
không đủ tư cách làm anh của Nguyễn Huệ sao? Thật là điều bất công lắm!
Ngay từ lúc đầu nếu "thầy Tư Lữ'
không tập hợp được một binh đội thiện chiến cho Tây Sơn (binh đội nầy toàn
người Thượng) thì liệu "phong trào khởi nghĩa" có đủ sức đánh dẹp
quân binh của Chúa Nguyễn không? Chúng ta ngày nay có thể tưởng tượng ra được việc
trang bị và xử dụng một người "lính Thượng" lúc đó dĩ nhiên ít tốn
kém so với một "lính thú" của Chúa Nguyễn hay Chúa Trịnh rất nhiều
rồi... Nói rằng "lính Thượng" cho có tình có nghĩa, chứ thật đây là
"người Mọi" ở trong các vùng núi cao của dãy Trường Sơn, sống thiếu
ăn, thiếu mặc, suốt năm tháng ở trần trùng trục, đi ra ngoài chỉ có mỗi tấm khố
che phía trước phần mông, còn những người ở trong "chồ" thì vẫn tiếp
tục cuộc sống gần như "ăn lông ở lỗ" chỉ trừ những gia đình khá hơn
như các "già làng" chẳng hạn. Do đó khi những người "Mọi"
trai tráng nầy được các "già làng" của họ cho họ được gia nhập vào
"tổ chức" nào đó có ăn, có mặc... là họ chấp nhận ngay. Cái
"hay" của những người "lính Thượng" là "lòng trung
thành", chủ đối đãi tốt với họ, họ hết mình trả nghĩa dầu hy sinh đến cả
tính mạng! Phong trào Tây Sơn đã khai thác được điều nầy ở nơi "họ"
nên sự thành công ở chiến trận phải đến thôi. Nhiều sách vở để lại đã nói rằng
đối với "họ" (lính Thượng) chỉ cần được ăn no thì sẽ chiến đấu hết
mình...
Từ yếu tố nầy, phong trào Tây Sơn đã tở
chức được một binh đội thiện chiến, ít tốn kém đều là công gây dựng của Nguyễn
Nhạc? của Nguyễn Huệ? Với hai người này thì không đủ điều kiện rồi. Theo các sử
sách để lại thì tiếp người tiếp xúc nhiều với người miền núi của vùng Tây Sơn
Thượng lúc đó chỉ có Nguyễn Lữ mà thôi. Sở dĩ khẳng định điều nẩy là nhờ vào
vai trò "làm thầy lang" của "thầy Tư Lữ"! (sẽ giải thích
bên dưới).
Bởi lý do cần có sự công bằng đối với
ông (Đông Định Vương Nguyễn Lữ), người viết mới đề cập đến trong bài viết nầy, mong
rằng có thể góp thêm một ít chi tiết cụ thể vào việc tìm hiểu của độc giả.
Nguyễn Lữ (阮侶) có sách viết Nguyễn Văn Lữ (阮文侶). Không
biết ông được sinh ra năm nào, nên việc xác định thứ tự giữa ông và Nguyễn Huệ,
người nào là anh, người nào là em, không phải chuyện dễ dàng. Trừ Nguyễn Nhạc
là người "anh cả" (hay anh hai) đứng đầu của "Tây Sơn Tam
Kiệt", còn hai người còn lại có sách nói Nguyễn Huệ là anh, nhưng cũng có
sách cho rằng Nguyễn Lữ mới là anh!
Như thế giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thực chất
ai là anh của ai?
Qua các tài liệu để lại, cũng như các truyền
tụng trong dân gian, thì Nguyễn Lữ được gọi là "Thầy Tư Lữ", còn
Nguyễn Huệ có tên là "Ba Thơm", dựa theo cách xưng hô nầy thì có thể
kết luận Nguyễn Huệ là anh của Nguyễn Lữ!
Vấn đề không thể đơn giản như thế nầy... Nhiều
tài liệu của các Giáo Sĩ (Tây Phương) truyền đạo Thiên Chúa Giáo tại Đàng Trong
lúc đó viết thơ để lại (thường không có bỏ dấu) gọi Nguyễn Huệ là "Ông
Tam". Chữ "Tam" có thể là chữ "tám" (nếu thêm
dấu sắc) mà "Tam" cũng có thể là 3. Ở đây chúng ta có thể xác
định ngay "Ông Tam" là "Ông Tám" chứ không phải "Ông
Ba" rồi (Cách xưng hô của người Việt khi gọi người "thứ ba"
trong gia đình là "anh ba, chú Ba, bác Ba, cậu Ba, cô Ba, v.v... mà không
bao giờ gọi anh Tam, chú Tam, bác Tam...), như thế rõ ràng các Giáo Sĩ viết
"ông Tam" có nghĩa là "ông Tám". Và một khi Nguyễn Huệ đã
là "Ông Tám" tức là con thứ 8 trong gia đình, có nghĩa phải là em của
"thầy Tư Lữ" rồi...
Tạ Chí Đại Trường khi viết về triều đại Tây
Sơn, sử gia nầy đã dẫn chứng: "Trong một bức thư đề ngày 12-5-1787 (RI, XIV, Juil-Déc. 1910, t. 44, giáo
sĩ Labartette thêm một ít chi tiết: Nhạc là anh lớn, người thứ hai là “Đức ông
bảy”, người thứ ba là “Đức ông tám". Nhiều tài liệu cho ta biết “Đức ông
tám” là Nguyễn Huệ. Lúc mới khởi nghĩa, Huệ mới 18 tuổi đầu. Cách biệt thứ bậc
với người em nhỏ cho ta thấy Nhạc là người chủ xướng cuộc chống đối...".
Đến đây người viết có thể đưa vấn đề "ai
là anh" ra phân tích để chứng minh Nguyễn Lữ chính là anh của Nguyễn Huệ. Nhưng
rồi một thực tế khác xảy đến, khiến kết luận của người viết đã "sai",
vì người viết có đến viếng "Viện Bảo Tàng Quang Trung" (Bình Định) vào
khoảng năm 1990 hay 1991 gì đó (lúc nầy người viết chưa được định cư tại Hoa Kỳ
theo chương trình "H.O..."), đã nhìn thấy ngay dưới chân tượng thờ
"Đông Định Vương Nguyễn Lữ" có ghi năm sinh là 1754 (Giáp Tuất). Tôi
giật mình, rõ ràng quá rồi, Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) sinh khoảng năm 1752
hay 1753 (ông ta mất năm 1792 lúc mới 40 tuổi... 40 tuổi theo cách tính của
người Việt, chứ theo phương Tây có thể 39 tuổi thôi), nghĩa là Nguyễn Huệ lớn
hơn Nguyễn Lữ từ 1 đến 2 tuổi. Nếu việc ghi chép ở "Viện Bảo Tàng"
nầy đã được xác định, thì vấn đề thứ tự của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ không còn là
chuyện để bàn cãi, mà phải dứt khoát kết luận Nguyễn Lữ là em của Nguyễn Huệ!
Bước ra khỏi "Viện Bảo Tàng Quang
Trung", người viết lắc đầu, nghĩ thầm: "Theo sự hiểu biết của mình, nếu
Nguyễn Lữ là em của Nguyễn Huệ thì Nguyễn Lữ phải là một thần đồng!"
Tính khó thuyết phục của năm sinh của Đông Định
Vương Nguyễn Lữ làm người viết không thể chấp nhận, nên đã phải tính lại tuổi
tác của anh em Tây Sơn... Người anh cả Nguyễn Nhạc tức Biện Nhạc còn có tên gọi
là anh Hai Trầu, thì dứt khoát không thể làm em của ai trong gia đình nầy. Nguyễn
Nhạc sinh vào năm 1743 (Quý Hợi) lớn hơn Nguyễn Huệ 10 tuổi hay 11 tuổi, do đó
chỉ còn lại Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mà thôi. Ngay tại chỗ nầy có người thắc mắc
hỏi: "Tại sao gọi Nguyễn Nhạc là "anh Cả" mà không gọi "anh
Hai", người dân Đàng Trong dùng chữ "Hai" thay cho chữ
"Cả" mà?! Ngưởi viết xin giải
thích: Cách xưng hô "anh cả" chỉ có ở miền Bắc Việt Nam, ví dụ như Cả
Trọng con trai đầu của Hoàng Hoa Thám, còn đa số người dân phía Nam gọi người
con đầu trong gia đình là "anh Hai", "chị Hai" thay vì
"anh Cả", "chị Cả"; ở trường hợp của Nguyễn Nhạc chỉ thấy
sử sách gọi ông là người anh cả trong gia đình, và người dân Tây Sơn Bình Định
gọi ông là "ông Hai Trầu", đến khi được Chúa Nguyễn cho làm một vị quan
nhỏ (thu thuế) thì ông được gọi là "Biện Nhạc". Ở phần nầy người viết
chỉ viết là "người anh cả Nguyễn Nhạc" chứ không viết "Cả
Nhạc". Nói như thế không phải chữ "cả" phải thay bằng chữ
"hai" đâu, mà ngay người dân phía Nam vẫn gọi "Đèo Cả" chứ
không gọi "Đèo Hai" bao giờ (đây là đèo ở phía nam Tuy Hòa và bắc
Khánh Hòa). Riêng trường hợp Nguyễn Nhạc đã có tài liệu cho rằng ông ta cũng chưa
phải là con đầu, vì gia đình Tây Sơn nầy có đến 4 người con trai. Theo
"Báo Thể Thao & Văn Hóa ra ngày
13/6/2008, tr 17, và tại cuộc "Hội Thảo Về Tây Sơn Nguyễn Huệ của
"báo SGGP ra ngày 6/6/2008, thì người con trai đầu của gia đình Tây Sơn là
Nguyễn Quang Hoa, nhưng Nguyễn Quang Hoa có thể chết sớm hoặc vì lý
do nào đó không tham gia vào việc lãnh đạo phong trào Tây Sơn, do đó sử sách không
nhắc đến vị nầy.
Trở lại với nhân vật Nguyễn Lữ (viết theo nội
dung sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái), thì:
Khi lớn lên, Nguyễn Lữ cũng như Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Huệ đều theo học Đinh Công ở Bàng Châu, nhưng được 2 năm rồi về lại An Thái. Lúc này ông Trương Văn Hiến, một danh sĩ từng phục vụ dưới trướng Trung Phúc
Loan, nhưng không chấp nhận sự lộng quyền của ông này nên đã trốn vào sống ẩn
dật tại đất An Thái (Bình Định). Đoán biết anh em Tây Sơn sau này có thể làm
được việc lớn, ông chấp thuận nhận dạy dỗ cho cả ba về văn lẫn võ.
Thấy Nguyễn Lữ, là người nhỏ thó, ốm yếu, mảnh
khảnh, tính nết lại trầm lặng, không ưa cảnh náo nhiệt ồn ào, thích hợp làm một
vị thầy tu hơn, vả lại "Lữ" không phải là người có chí lớn như "anh
hai" Nguyễn Nhạc (đa đoan, mưu kế), mà cũng không thể so sánh với Nguyễn
Huệ (dũng mãnh, thao lược)... nên ngay từ đầu Giáo Hiến ngoài chuyện dạy chữ
nghĩa, còn phải dạy cho Nguyễn Lữ những công phu thích hợp để phòng thân, đó là
môn võ "Miên Quyền".
Miên Quyền còn
gọi là Nhu Quyền, là
môn võ thích hợp với những người có
thể lực yếu (như nữ giới), còn đối với nam giới chỉ thích hợp với những người
như Nguyễn Lữ (yếu kém thể lực). Người luyện môn Miên Quyền chỉ nhằm tự vệ,
phòng thân, chứ không dùng nó để tranh hơn thua... Song khi được luyện tập đã
thành thục rồi, "Miên Quyền" cũng có thể giúp bản thân người đó đánh
thắng được kẻ có sức mạnh hơn mình. Ngoài Miên Quyền, Giáo Hiến còn dạy thêm cho
Nguyễn Lữ biết về Kiếm Pháp, và chính nhờ vào việc biết kết hợp giữa Kiếm và
Quyền nên không bao lâu sau Nguyễn Lữ rất nổi tiếng về sở trường xử dụng Nhu
Kiếm... Nhu Kiếm chỉ dùng thanh Kiếm mỏng và nhẹ, nhưng lại rất sắc bén, nương
vào sức mạnh của đối phương để đánh trả. Đối phương lúc đầu rất xem thường (vì vẻ mảnh khảnh, yếu ớt), nhưng nếu có cuộc giao đấu xảy
ra, đối với một người biết xử dụng "nhu kiếm" thuần thành thì khó có đao búa nào có thể đánh gãy được nó.
Vì Nguyễn Lữ thích học "văn" hơn, nên
những gì Giáo Hiến chỉ dạy ông ta đều lãnh hội hết. chính nhờ vào "văn' mà
Nguyễn Lữ có thể hiểu sâu hơn về tôn giáo... và từ cách hiểu nầy về sau đã làm
cho Nguyễn Lữ thiên hẳn về đạo pháp, để rồi ông ta tìm đến với đạo Ma Ní (thời
bấy giờ gọi là Minh Giáo) một cách dễ dàng.
Sau khi cha mất, mọi việc nhà đã có người anh
cả Nguyễn Nhạc (quyền huynh thế phụ) lo hết, Nguyễn Lữ rời khỏi gia đình để rày
đây mai đó, làm một đạo sư ngao du sơn thủy. Nguyễn Lữ đã thành công, cả vùng
Tây Sơn Thượng tên của Thầy Tư Lữ nổi lên như cồn, "thầy" là người
vừa chữa bệnh, vừa là đạo sư giảng đạo... (thời bấy giờ những người hành đạo Ma
Ní thường dùng bùa phép, phù chú để trừ tà, trừ ma, đuổi
quỷ... có làm chuyện nầy mới chữa hết bệnh, giống như cách bắt ma ếm
bùa của các thầy Pháp, thầy Phù Thủy... người Tàu). Đạo Ma Ní thờ "Thần
Lửa", đây cũng là vị thần mà các sắc dân người Thượng vùng Tây Sơn Thượng
tôn thờ, và dĩ nhiên Thầy Tư Lữ đang là đạo sư của họ nên được họ (những người
Thượng theo đạo Ma Ní) kính trọng, vâng lời.
Nhờ có được sự kính trọng (của các người Thượng)
nên Nguyễn Lữ đã chuẩn bị trước một lực lượng nòng cốt mà sau này "phong
trào Tây Sơn" bằng cách nhờ các Tộc Trưởng, Tù trưởng của các bộ lạc người Thượng như sắc tộc Sédang, Rhadé,
Djarais (Gia Rai), v.v… giúp đỡ (bằng cách gọi các
dân bản làng mình tham gia đầu quân). Thực tế cho thấy rằng ngay lúc ban đầu
binh đội Tây Sơn gồm toàn là người Thượng (đi đến đâu họ cũng chỉ biết la ó
vang dậy), và câu ca: "Binh Triều là binh Quốc Phó (Trương Phúc
Loan), Binh "ó" là binh Hoàng Dương (Nguyễn Phúc Dương)..." xuất hiện là do sự tích nầy.
Nhờ vào bản thân được trang bị "văn"
(đạo pháp), 'võ" (Miên Quyền và Nhu Kiếm) nhất là "võ" giúp cho việc
đi lại nơi vùng núi non hiểm trở, Nguyễn Lữ không gặp một trục trặc nào hết, còn
gây được nhiều cảm tình với dân các bản làng, và kết giao được một số giang hồ
hảo hán sống ngoài vòng kiểm soát của các quan quân Chúa Nguyễn (Đàng Trong),
những vị này về sau đều là tướng tài giỏi của Tây Sơn. Phải chăng lúc nầy Nguyễn
Huệ hãy còn là một cậu bé? Nguyễn Lữ thì đã là Đạo Sư chững chạc, một hiệp sĩ
trên bước giang hồ?
Nếu nói rằng Nguyễn Lữ là em Nguyễn Huệ, thì
tuổi của Nguyễn Huệ lúc đó chưa được 18, như thế Nguyễn Lữ ít hơn 16! Một người
chưa được 16 tuổi mà có thể là một đạo sư, khiến các tộc trưởng, tù trưởng kính
trọng, mọi người Thượng kính trọng, hảo hán giang hồ kết giao... thì quả là một
thần đồng rồi! Đối với người dân bình thường họ có thể coi trọng một vị công tử
con nhà giàu có không cần tài giỏi hay tuổi tác lớn nhỏ, nhưng đối với khách
giang hồ tứ phương thì ngược lại, phải có đủ tài cán thật sự mới khiến họ nể
phục.
Thế rồi cuộc sống rày đây mai đó của Nguyễn Lữ
phải dừng lại, vì Biện Nhạc khởi sự dựng cờ khởi nghĩa, "Thầy Tư Lữ" bị
anh gọi về giúp sức. Việc thu phục các bộ tộc người Thượng theo về với Tây Sơn,
công lớn là của Nguyễn Lữ (trong đó có Tộc Trưởng Bốc Kiơm - Sédang). Và chính Nguyễn Lữ
đã giúp Nguyễn Nhạc trở thành con rể của Tộc Trưởng bộ tộc Ba Na (ở Mộ
Điểu)... Khi Nguyễn Nhạc lên làm Tây Sơn Vương, thì Nguyễn Lữ cùng với
Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân được giao nhiệm vụ chăm lo lương thực cho ba quân.
Để bảo tồn sức chiến đấu
(dựa vào lực lượng chiến đấu của dân miền núi) Nguyễn Nhạc cho di tản hết lực
lượng nghĩa quân về vùng Tây Sơn Thượng, Nguyễn Lữ vẫn phải ở lại Tây Sơn Hạ lo
tạo ra nguồn lương thực để có thể nuôi quân lâu dài. Ông chỉ lên Tây sơn Thượng
khi cần việc "thượng vận", và lúc đó mới cùng anh (Nguyễn Nhạc) bàn
bạc nhất là khi muốn tiếp xúc với người Thượng thì Nguyễn Nhạc đã nhờ nguyễn Lữ
làm thông dịch. Nhờ biết được nhiều loại ngôn ngữ Thượng, nên Nguyễn Lữ là
người liên kết được các dân tộc miền núi với Nhà Tây Sơn. Vừa là thầy thuốc, vừa
là nhà truyền đạo Ma Ní, nên uy tín của Nguyễn Lữ đối với người Thượng luôn
được họ tôn trọng, do đó một khi ông muốn gì nơi họ, họ không thể từ nan. Ngay
như uy tín của Nguyễn Nhạc mỗi ngày được nâng cao (Người Thượng tôn Nguyễn Nhạc
là 'Vua Nhà Trời') đều do công của Nguyễn Lữ cả!
Thời gian ở Tây Sơn
Thượng, Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Nhạc đi đến các vùng Kontum, Pleiku để mở rộng
hoạt động cho phong trào... Đi đến đâu, ông thuyết phục được ngay người Thượng
địa phương về với phong trào (Tây Sơn), và truyền đạo "thần lửa" của
mình, còn khi chữa bệnh chỉ dùng lá cây rừng... thế mà vẫn chữa hết bệnh cho
người Thượng (không lấy tiền), đo đó việc thu phục họ về với Tây Sơn đối với
Nguyễn Lữ không phải là chuyện khó khăn.
Ngày Rằm tháng Tám năm Quý
Tỵ (1773), Nguyễn Lữ được Nguyễn Nhạc phong làm Tán Thương Quân Vụ, lo việc
tiếp tế lương thực cho binh đội. Sáng hôm sau (ngày 16), Nguyễn Lữ đã chuẩn bị
sẵn sàng lương thực tại chân núi Đồng Phong (thôn Trinh Tường) để đón tiếp đại
quân xuất phát từ núi Bà Phù đêm hôm trước. Tại Đồng Phong, các tướng Tây Sơn ra
lệnh cho binh sĩ dừng lại, ăn uống thật no nê, người nào cũng được phát lương
đầy đủ... rồi sau đó mới kéo thẳng đến Tuy Viễn. Nhờ được ăn uống no nê, binh
lính Tây Sơn di chuyển khá nhanh, mặt trời chưa lên cao mà cả huyện lỵ (Tuy
Viễn) đã bị quân binh Tây Sơn bao vây kín mít. Tiếng quân hò reo (la ó) vang
trời, viên Tri Huyện Tuy Viễn quá sợ hãi, phải bỏ thành mà chạy, quân binh
trong thành đều xin hàng. Ngày nay còn di tích "Hòn Lãnh Lương" hay
còn gọi là "Hòn Lương" (Núi Ba Phù) là do sự tích quân binh Tây Sơn
trước khi đánh chiếm Tuy Viễn đều được lãnh lương tại nơi đây...
Cuối Thu năm ấy, sau khi chiếm
được Quy Nhơn, đuổi Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ
cùng Nguyễn Văn Lộc, Võ Văn Cao cùng vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận xem
xét tình hình và liên lạc với hai Vua Thủy Xá (Potau Ea) và Hỏa Xá (Potau Apui)
để liên minh và cổ động dân địa phương hưởng ứng cuộc "nam chinh" do Tây
Sơn phát động.
Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ và
Nguyễn Lữ mang quân tiến đánh chiếm Phú Xuân (lúc này
do Chúa Trịnh, Đàng Ngoài cai quản). Theo
kế hoạch của Nguyễn Huệ, trong khi ông ta đưa quân bộ qua đèo Hải Vân nhằm tiến vào thành Phú Xuân, thì
Nguyễn Lữ cùng Đô Đốc Nguyễn
Văn Lộc mang thuỷ quân tiến thẳng tới sông Gianh. Nguyễn Lữ chia quân làm hai cánh, một cánh án ngữ sông Gianh, ngăn quân Trịnh ở Bắc Hà vào
cứu, một cánh đánh chiếm Bố Chính, rồi sau đó đánh tiếp xuống luỹ Đồng Hới (tức Luỹ Thầy)... Khi Nguyễn Lữ hạ được Luỹ
Thầy thì Nguyễn Huệ cũng đã chiếm được Phú Xuân rồi. Chiếm xong Phú Xuân, Nguyễn
Huệ giao cho Nguyễn Lữ ở lại giữ thành, còn mình theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh đưa quân Bắc tiến... Với khẩu hiệu “Phù Lê, diệt Trịnh”, chỉ trong vòng một tháng sau, Nguyễn Huệ đã vào được Thăng Long tiêu diệt họ Trịnh trả giang sơn lại cho Vua
Lê.
Nguyễn Nhạc nghe tin, liền tức tốc kéo quân từ
Quy Nhơn ra Thăng Long để gọi "em" về... Với tư cách là Vua Thái Đức, Nguyễn Nhạc tự mình
cầm quân, vào gặp thẳng vua Lê... vỗ về bá tánh Thăng Long,
rồi trao trả quyền cai quản Bắc Hà lại cho Nhà Lê. Mấy ngày sau đó, Nguyễn Nhạc
đã cùng Nguyễn Huệ bí mật rút quân về Nam. Trong chuyến trở về, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xảy ra sự bất hoà, tình trạng căng thẳng đến
nổi quân binh đôi bên sẽ phải đánh nhau. Có tài liệu nói rằng chính Nguyễn Lữ đứng ra
giảng hòa, nên mọi
chuyện được giàn xếp. Sau sự kiện này, anh em Tây Sơn lại hòa thuận. Nguyễn Nhạc phong cho
Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương đóng ở Phú Xuân, còn Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương có Thái Bảo Phạm
Văn Tham phụ trợ để vào trấn giữ đất Gia Định.
Tháng 8 năm 1787 (Đinh Mùi), Nguyễn Phúc Ánh đang lưu vong ở Xiêm, nghe tin có sự bất hòa giữa
anh em Tây Sơn, liền trở về nước... Tại Nam Bộ, được sự giúp đỡ của các điền
chủ giàu có, không bao lâu quân binh của Nguyễn Ánh mạnh lên, và chuẩn bị đánh
chiếm lại Gia Định. Được tin này, Nguyễn Lữ sợ không chống nổi, liền mang quân bản bộ chạy ra Biên
Hoà,
giao thành Gia Định lại cho Phạm Văn Tham chống giữ. Sau một thời gian ở Biên Hòa,
ngoài việc thấy thế lực của quân Nguyễn Ánh mỗi ngày một mạnh hơn, phần vì bệnh
hoạn trong người, Nguyễn Lữ không dám cho quân tham chiến, ông phải theo đường
biển mà rút quân về thẳng Quy Nhơn.
Các sử quan triều Nguyễn sau này ghi chép như
sau: "...khi Nguyễn Lữ rút quân về Biên
Hoà, Nguyễn Phúc Ánh dùng kế của tướng Tống Phúc Đạm nhằm ly gián
hai người. Cho
người giả Nguyễn Nhạc viết thư cho Nguyễn Lữ có nội dung nói rằng Phạm Văn
Tham là người của Nguyễn Huệ, nên bảo Nguyễn
Lữ phải giết Phạm Văn Tham đi... Bức thư có nội dung như vậy, Nguyễn Ánh cho người giả
đưa lầm cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham khi đọc được thư này sợ bị giết nên sai
người giong thuyền, giương cờ hiệu màu trắng là màu cờ của quân Nguyễn Ánh
khiến Nguyễn Lữ hoảng sợ, tưởng Tham đã hàng Nguyễn Ánh rồi.Do đó sợ không có
đủ khả năng xung trận chống địch, nên Nguyễn Lữ đành phải rút quân về Quy
Nhơn...". Ý kiến này của các sử quan triều Nguyễn không mấy hợp
lý, vì nếu Phạm Văn Tham mắc mưu của Nguyễn
Ánh và “đuổi” Nguyễn Lữ về Quy Nhơn, rồi sau đó phải hàng Nguyễn
Ánh (với
lý do bất mãn với Tây Sơn vì bị Nguyễn Lữ bỏ rơi và nghi ngờ...). Nhưng trên thực tế thì không
đúng như vậy, vì vào tháng 10 năm 1787 (Đinh
Mùi) viện binh của Tây Sơn do tướng Nguyễn Văn Hưng
chỉ huy mới đến tới, như vậy, người có thể “phân trần” để Phạm Văn
Tham biết là Nguyễn Nhạc không nghi ngờ gì hết, nhưng phải 2 tháng sau khi
Nguyễn Văn Hưng gặp được Phạm Văn Tham, và mới giải vây được cho ông ta. Thực
tế của cuộc chiến nầy, Phạm Văn Tham chống cự quân Nguyễn Ánh kéo dài đến một
năm rưỡi dầu cho có sự tăng việc từ Quy Nhơn tới hay không... Điều này chứng tỏ
rằng Phạm Văn Tham là tướng rất trung thành với Tây Sơn... Như vậy Nguyễn Lữ tự
bỏ về Quy Nhơn là do sự tính toán riêng của Đông Định Vương. Có lẽ với bản chất hiền lành, đô lượng, không cầu danh vọng, địa vị mà
chỉ muốn thỏa chí tự do tự tại, nên sợ chiến tranh gây cảnh chết chóc, tạo ta
thán cho sinh linh nên Nguyễn Lữ đã quyết định rút quân. Chuyện Nguyễn Lữ để mất Gia Định là chuyện không
thể chối cãi, còn việc thất thủ đó như thế nào thì còn có nhiều tài liệu khác nhau đang bàn đến.
Không lâu sau khi trở về
Quy Nhơn, cuối năm đó (Đinh Mùi - 1787) Đông
Định Vương Nguyễn Văn Lữ qua đời (?). Tính ra Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương
chưa được 1 năm, và
không biết ông có vợ con gì không (vì không sử sách nào nhắc tới chuyện này)...
Cũng có nhiều tài liệu (nhất là truyền khẩu) cho rằng sau khi để Gia Định lọt
vào tay Nguyễn Ánh, ông về Quy Nhơn gặp anh (vua Thái Đức) để chịu tội... rồi từ đó đi phiêu bạt đây đó, dùng tài chữa bệnh
giúp người, và cuối cùng không rõ ông đã đến đâu và
mất tại đâu. Những người dân sống tại vùng An Khê lúc đó kháo với nhau rằng:
"Đêm đêm hay nghe văng vẳng tiếng
sáo réo rắc, vi vu, khi hờn, khi oán...", họ cho đây chính là tiếng
sáo của Thầy Tư Lữ, vì họ đã từng nghe tiếng sáo này lúc "thầy" còn
là một "đạo sĩ" tại đất Đàng Trong.
Nhìn lại phong trào Tây Sơn từ lúc đầu do
Nguyễn Nhạc dựng nên, sự thực này không thể chối cãi. Phong trào thành công,
đem lại vẻ vang cho dân tộc Việt đều nhờ vào tài dũng lược của Nguyễn Huệ (lên
ngôi Hoàng Đế lấy hiệu Quang Trung). Một lần nữa điều này cũng không còn gì để
nghi ngờ... Như thế từ đầu và đến cuối, Nhà Tây Sơn có mặt trong lịch sử Việt
Nam đều nhờ vào Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ! Còn Nguyễn Lữ chỉ là một bóng mờ?
Ông ta ít được nhắc đến vì thiếu tài cán? Hay sử sách chỉ nhắc tới ông vì ông
là anh em, thân thuộc của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ? Nều tất cả những câu hỏi
này được trả lời "Đúng" thì thật không công bằng...
Người viết bài này ngoài việc ghi lại những gì
của tài liệu đã có, thì thấy trong đó có những chuyện thật nghịch lý:
Thứ nhất, cho rằng Nguyễn Huệ là anh của Nguyễn
Lữ thì cứ tạm tin như vậy, nhưng khó thuyết phục... Thử hỏi với tầm vóc của
người dân tại nông thôn Tây Sơn thời bấy giờ chưa tới 16 tuổi thì chỉ là một
cậu bé (Nguyễn Huệ là anh, làm Đại Tướng lúc 18 tuổi, thì người em Nguyễn
Lữ chỉ mới 16 tuổi), làm sao trước đó có thể vào các buôn làng giảng đạo
Ma Ní, và làm thầy thuốc chữa bệnh? Và còn hơn nữa là chiêu dụ được các
"già Làng" (Tộc Trưởng của các bộ lạc người Thượng), khiến những
người này tin theo, để bắt buộc dân trong "bản" mình vào binh
đội giúp Tây Sơn? Và tuyển mộ binh lính người Thượng giúp Nguyễn Nhạc gây dựng lực
lượng cho phong trào Tây Sơn? Nguyễn Nhạc với nghề buôn bán trầu từ miền ngược
về miền xuôi, rồi trao đổi các hàng hóa khác từ miền xuôi lên miền ngược, ông
nầy chỉ đến những nơi "tập trung" có nhiều người (như chợ búa, dịp
hội hè) chứ không thể hôm nay đến chỗ này, mai mốt đến chỗ kia, khắp đây đó như
việc làm của một người giảng đạo?... Và nhìn lại trên thực tế, thì dầu cho có
một vị "thầy lang bình thường" thì ít ra từ vóc dáng cho đến tuổi tác
cũng phải trông ra "hồn" xem mặt mũi phải đứng đắn một chút... mới có
thể gây niềm tin với người bệnh, chứ đâu phải một cậu bé non choẹt? Muốn mọi
người tin tưởng mình thì Nguyễn Lữ lúc này ít ra cũng đã "thành niên"
nghĩa là chững chạc lắm rồi.
Thứ hai, người ta thường nói "vạn sự khởi
đầu nan", do đó nếu không có Nguyễn Lữ thì Nguyễn Nhạc làm sao có lực
lượng để khởi xướng phong trào? Nguyễn Huệ thì trước năm 18 tuổi, ở nhà lo toan
mọi việc trong gia đình... Điều này thật không công bình... nên khi nói giúp
Nguyễn Nhạc để gây dựng lực lượng ban đầu thì ngoài bạn bè "dân buôn"
với Nguyễn Nhạc chỉ thấy có "thầy Tư Lữ" (tu hành, không vợ không
con) đóng vai trò chính yếu giúp Nguyễn Nhạc mà thôi (xem thêm gia dình anh em
Tây Sơn trong sách Trí Thức Việt Nam Cuối Thế Kỷ 18).
Thứ ba, qua hai sự kiện thiết thực trên, giúp
ta thấy nhân vật Nguyễn Lữ mới chính là người đóng góp phần quan trọng nhất vào
việc dựng nghiệp cho Nhà Tây Sơn, và ông cũng chính là người giải quyết được
câu "vạn sự khởi đầu nan" vậy.
Để kết luận cho vấn đề này, người viết xin độc
giả tự tìm câu trả lời khi thử đặt câu hỏi "Dựa vào thế lực nào, nguồn tài
trợ nào để Nguyễn Nhạc có thể kết nạp người Thượng, làm thành "đội binh Ó"? Thử hỏi Nguyễn
Huệ nhờ vào lực lượng nào để ông ta có thể san bằng các thành trì đối phương?
Nguyễn Huệ là người tài giỏi, những người theo giúp ông cũng toàn là những
người văn võ toàn tài... nhưng nếu không có lực lượng thiện chiến "đội binh ó" (chỉ biết tiến tới theo
lệnh chủ tướng chứ không biết lùi) thì "bộ tham mưu" của Nguyễn Huệ
làm gì được đây? Thực tế cho thấy lực lượng do Lý Tài và Tập Đình đánh giặc như
thế nào? Họ chỉ vì quyền lợi cá nhân thôi, khi thấy không còn lợi lộc gì nữa
thì tự trốn chạy, tan hàng!... Riêng những binh đội do Nguyễn Lữ chiêu tập từ
các bộ lạc của các Tù Trưởng, thì trung thành với chủ hết mình, họ chỉ cần ai
cho họ ăn no đủ là họ nghe lời hết mình (bản chất của người Thượng là vậy).
Cuộc sống của họ ở vùng rừng núi vào thời điểm đó thì chuyện miếng cơm manh áo
quan trọng hơn những vấn đề khác. Các Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn không thể xử dụng
nguồn binh lực này mà phải nhờ vào các tù trưởng dưới quyền, nhưng thường các
tù trưởng rất độc lập với quan quân triều đình, họ không xuống tới kinh kỳ để
trao đổi... Còn Nguyễn Lữ đã biết dùng tình cảm và việc làm thiết thực "vì họ và cho họ" nên thu phục được
họ ngay!... Chính những điều này khiến chúng ta có thể kết luận lúc bấy giờ
Nguyễn Lữ ít ra cũng là người thanh niên chững chạc ở vào độ tuổi "hăm
mấy...", chứ không phải cậu bé 16, 17 tuổi đâu!
Nghiệp dĩ đến với ông phải thế, máu nghệ sĩ chỉ
giúp Nguyễn Lữ làm được đến thế, nhưng xem ra Tây Sơn lúc ban đầu mà Nguyễn Lữ
cứ làm đúng vai trò một người tu hành, và là một thầy lang trên vùng rừng núi,
thì làm gì có sự thành công của phong trào Tây Sơn!? Nhưng không sao, qua nhiều
phế hưng của thời thế, ngày nay tại Bình Định, Nguyễn Lữ vẫn sống với dân Tây
Sơn qua bộ "Hùng Kê Quyền".
Hùng Kê Quyền
Bộ quyền nầy được Thúc Giáp (Báo Bình Định)
viết như sau:
"...Cuối
tháng 9 năm 2004, trong đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam tham dự Liên Hoan Võ
Thuật Truyền Thống Thế Giới tại Chungju (Nam Hàn), lão võ sư Ngô Bông (Quảng
Ngãi) đã 77 tuổi, biểu diễn 3 bài quyền cổ của võ cổ truyền Việt Nam, gồm: Hùng
Kê Quyền, Lưỡng Kinh Hương và Đại Đao. Riêng bài Hùng Kê Quyền khi biểu diễn, lão
võ sư đã tạo được tiếng vang lớn tại Liên Hoan Võ Thuật Truyền Thống Thế Giới
(với sự tham dự của hơn 70 môn phái võ thuật trên khắp thế giới). Tương truyền,
Hùng Kê Quyền là do ông Nguyễn Lữ (1754 -? ), qua nghiên cứu các thế gà đá
(chọi) nhau mà sáng tạo ra, xin kể lại vài chuyện góp nhặt về Nguyễn Lữ và Hùng
Kê Quyền.
Nguyễn
Lữ là em thứ ba sau Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Lớn lên theo hai anh xuống Bằng
Châu (An Nhơn) thụ giáo ông Đinh Chảng hai năm, rồi lên An Thái, theo học văn
lẫn võ cùng thầy Trương Văn Hiến. Theo Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao, "Nguyễn Lữ vốn
người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học
văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên về
môn miên quyền... Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên
quyền". Có lẽ vì thể trạng và khí chất như vậy, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm
và sáng tạo ra Hùng Kê Quyền, một bài võ phù hợp với mình cũng như phù hợp với
thân hình bé nhỏ của người Việt.
Theo
yêu cầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lúc bấy giờ, làm sao chỉ trong một thời
gian ngắn, phải huấn luyện cho các nghĩa quân Tây Sơn tinh thông võ nghệ (muốn
tinh thông võ Tàu, ít ra cũng phải mất 10 năm rèn luyện) theo phương châm: Yếu có thể đánh mạnh/ Thấp có thể đánh cao/
Nhỏ có thể đánh lớn/ Ít có thể đánh nhiều.
Và yêu cầu bức thiết đó đã khiến Nguyễn Lữ không thể thờ ơ. Qua nghiên cứu các
thế gà đá nhau, ông đã áp dụng vào võ thuật, từ đó rút ra lối võ dùng yếu thắng
mạnh, dùng mềm thắng cứng. Ông cũng nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của
con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa, để rồi
tạo ra các thế lặn hụp, tránh né, đến phản công. Cuối cùng, ông đã chắt lọc,
sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê Quyền. Cùng thời gian này, Nguyễn Huệ đã
sáng tạo ra bài Nghiêm Thương còn nữ tướng
Bùi Thị Xuân thì sáng tạo bài Song Phượng Kiếm.
Ngay
sau khi ra đời, Hùng Kê Quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và
ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó. Có thể nói, trong những chiến công
oanh liệt của quân Tây Sơn, có phần đóng góp của Hùng Kê Quyền. Tương truyền,
một võ sư Thiếu Lâm muốn khảo chứng uy lực của Hùng Kê Quyền đã đến khích bác:
Đến như hổ báo kia đã hùng được chưa mà kê đã dám xưng hùng. Khi ấy Nguyễn Nhạc
vốn đang chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà có rất nhiều hào kiệt tứ phương, ông
không muốn mất hòa khí đang gầy dựng nên bảo em (Nguyễn Lữ) cố ý tránh né nhưng
vị võ sư kia vẫn cứ muốn so tài. Cực chẳng đã, cuối cùng Nguyễn Lữ đành nhận
lời giao đấu. Vào trận, trường quyền của vị võ sư kia như giông như bão liên
tục phủ xuống... nhưng Nguyễn Lữ vẫn cứ ung dung xuyên qua xuyên lại như chú gà
con lanh lẹn trước một con gà lớn hung dữ nhưng chậm chạp. Suốt một canh giờ,
quyền của vị võ sư kia vẫn không hề đụng được vào áo của Nguyễn Lữ. Và trong
khoảnh khắc khi đối thủ lộ sơ hở, Nguyễn Lữ đã phản công và chỉ với một chiêu
duy nhất, ông đã làm cho đối phương bị "nốc ao". Kẻ thách đấu lúc đó
mới tâm phục khẩu phục.
Theo
sách cũ, tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), sau khi thành Gia Định thất thủ về tay
Nguyễn Ánh, Đông Định Vương Nguyễn Lữ xuống thuyền chạy về Quy Nhơn, chịu tội
cùng anh, rồi lên ngựa trở về Kiên Mỹ thăm lại cố hương. Sau đó 2 anh em chia
tay nhau, Nguyễn Nhạc tiếp tục chí lớn của mình, còn Nguyễn Lữ mây ngàn hạc
nội, không còn ai biết rõ ông ở đâu. Dù vậy, bài võ Hùng Kê Quyền vẫn truyền
lại đến hôm nay...".
Bài thiệu Hùng Kê Quyền
Phiên âm:
Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như bạch hổ
Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long
Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác
Hồi thủ đơn câu thủ tự hung
Khiêu, tẩu, dượt, trầm, thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung.
Dịch nghĩa:
Hai con gà chọi nhau để tranh hùng
Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên
Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng
Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh
Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)
Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch
Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho
Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.