Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU CÓ (Phần 4)

NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6
Viết theo lời kể của TRUNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU CÓ trong trại tù Hà Tây (Hà Sơn Bình, Bắc Việt Nam).

Chúng tôi, gồm một số anh em, sau nhiều năm lao động khổ sai tại vùng thượng du Tây-Bắc Bắc Việt, bị Cộng Sản ghép vào loại "nặng ký" (ác ôn), chuyển về trại Hà Tây, một trại nằm sát Hà Nội để dễ bề theo dõi kiểm soát. Tại đây, nhóm chúng tôi gặp được nhóm “13 con ma” do Trung Tướng Nguyễn Hữu Có làm "trỏng nhóm", cũng đang bị Cộng Sản Việt Nam cầm giữ ở nhà tù nầy.
Lần hồi, anh em tiếp xúc nhau, qua những câu chuyện thường tình hằng ngày, vì hầu như ai cũng muốn gởi hết niềm tâm sự mình với người đồng điệu đồng thuyền... nhất là đối với những ai mà mình thích tâm sự...
Tôi, hay gọi Trung Tướng Nguyễn Hữu Có là “anh Ba”, một cách xưng hô thân mật mà ông ta rất thích. Theo tôi, truyện này nó còn được gợi ý của 3 cái “sao trắng” trên cổ áo của ông xưa kia. Lại nữa, cũng là sự khơi lại một chút thân thương gia đình biết nhau giữa" anh Ba" và tôi trước 30/4/75.
Trong những lúc rảnh rỗi, nhất là sau giờ “thể dục”, ăn cơm tối xong, "anh Ba" hay lại trước hàng hiên cạnh phòng tôi tâm sự:
- Qua... biết không, mình chán ngấy rồi, nếu như người khác, mánh mung kiểu như thiên hạ đồn, thì giờ này đâu có đến nỗi...
Tôi không muốn đồng tình hay phản đối, chỉ đưa nhận xét về hiện tại của mình:
- Anh Ba, trong hoàn cảnh như thế này, mà anh thể dục bằng cách “tập tạ” thì nhất thiên hạ rồi. Có mấy ai được như vậy chứ? Cơm tù không thể lưng bụng, đói lên đói xuống, đi còn không muốn vững, thì sức đâu mà kéo nổi hai cục xi-măng nặng cỡ 2,3 chục ký chứ?...
Trung Tướng Có cười, trả lời như xác nhận:
- Ừ, thì mình cũng khá hơn anh em, vì được thăm nuôi đều đều. Ở trong này có 4 cái miễn phí, không hưởng thì cũng uổng lắm. Thứ nhất, ăn ngủ đúng giờ giấc; thứ hai, hít thở không khí thoải mái; thứ ba, nước tắm tha hồ, không cần e ngại vướng bận kiểu cách quần áo, vì trần truồng 100% cũng tắm được; thứ tư, không ai làm mình phải bận bịu để giải quyết mọi công chuyện như ở bên ngoài...
- So ra anh Ba đâu có phải tay vừa, cũng dữ dằn lắm chứ bộ? Vì tất cả anh em ở dây có ai được gặp gia đình qua đêm như "anh Ba" đâu? Tôi phân bì...
Ba Có cười rất tươi và tiếp:
- Anh biết đó, mình cũng tương đương với ông Giáp chứ đâu có tệ, “Cách mạng” bảo mình phê bình chủ thuyết XHCN, mình lấy quyển “Dưới Lá Cờ Vẻ Vang Của Đảng” do Lê Duẩn viết, mình bình phẩm, họ gọi mình lên và khen đáo để. Chuyện này thì đúng họ hơi thừa, vì mình đã từng là một Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng chứ đâu phải loại "dỏm". Nghĩ lại hồi xưa buồn thật, anh em với nhau vinh cùng hưởng, nhục cùng mang, nào ngờ khi có chuyện gì đổ bể thì kiếm chuyện tìm cách hạ nhau sát ván, chơi cho đến cạn tàu ráo máng... Mình nhớ lúc bị phe ông Thiệu loại phe mình ra rìa, bao nhiêu tiền của đầu tư vào Tín Nghĩa Ngân Hàng với anh Ðời (Nguyễn Tấn Ðời), để làm chức Phó Giám Ðốc, ông Thiệu không chịu tha, chơi tiếp luôn, anh Ðời thì vào tù, còn mình thì tránh sang Ðài Loan lánh nạn một thời gian. Khi trở về, mình lại hùn hạp làm “dép mềm” với các tướng Ðôn, Xuân, Kim mà anh thấy có hiệu DOXUKICO in trên các đôi dép mà dân mình thường mang dưới chân đó. Mình nghĩ, mình cũng ngu (Tướng Có vừa nói vừa cười) tự dưng lại để người ta đạp lên tên tuổi của mình!...
Uống một ngụm trà nóng do tôi mời, làm nửa cái bánh nướng vừa mới mua khi chiều của bếp trại tù (đây là loại bánh làm bằng bột mì mốc Ấn Ðộ, bên trong có nhân bằng khoai lang, bên ngoài chợ thì không ai thèm ăn, nhưng đối với cánh tù chúng tôi đây là “món ăn cao cấp”). Ba Có tiếp:
- Kể ra ăn như thế này mà vui. Trước đây, không bao giờ mình nghĩ lại có ngày hôm nay, làm sao có được cảnh anh em ngồi rất thoải mái để chuyện trò với nhau theo kiểu "chó ngồi bàn độc"?...
Tôi liền chận lại:
- Trước kia thì ai dám gặp anh, nếu muốn thì ít nhất cũng phải qua chị Ba cho phép. Nay tự dưng không mong gặp, lại được gặp, đúng là nhờ ơn “Cách Mạng”!. Tôi mỉa mai.
- Anh cay cú lắm phải không? Cay cú như tôi đây nè, mà còn chưa thấm tháp gì nữa là... lại mang tiếng với anh em đủ thứ như chuyện đồn tôi đã làm việc cho “Cách Mạng” mang lon Thiếu Tá, Thượng Tá gì đó... nhờ vào việc bán tài liệu mật vụ “Ðường Chín Nam Lào” (cuộc hành quân mang tên Lam Sơn 719 năm 1971 tại quốc lộ 9 nam Lào) do bất mãn với ông Thiệu. Anh nghĩ thử vô lý không? Ai đời một người đã mang lon Trung Tướng, từng là Bộ Trưởng Quốc Phòng, Phó Thủ Tướng một nước, lại làm cho đối phương với cấp bậc nhỏ xíu như vậy! Dầu sao mình phải biết mặt mũi mình một chút chứ, đâu mà quá tệ như thế. Chuyện tài liệu, hoặc việc thắng hay thua ở trận Nam Lào thì hỏi ông Thiệu biết rõ hơn tôi, nếu vì lý do gì đó không hỏi được, thì phải cứ hỏi CIA mới đúng, đằng này thấy thằng Có này sa cơ thất thế lại gán ghép bừa vào... Cũng như chuyện cũ rích trước kia nữa, đó là chuyện Ngày Quân Lực!
Tôi thấy câu chuyện bỗng trở nên quẹo sang một một ngả khác, ngả mà tôi muốn tìm hiểu, tôi buộc miệng hỏi:
- Ừa, anh Ba kể cho em út nghe đi, vì xưa nay chỉ nghe và thấy toàn là bản sao không hà, nay được nghe người trong cuộc mà thuật lại thì hết sẩy!
Tôi liền xin thêm thằng bạn một ấm nước chè ngon nữa, để tiếp "anh Ba"...
Hồi đó cùng ở tù với nhau, tôi có thằng bạn Nguyễn Văn An, cũng là Sĩ Quan CSQG (Khóa 14 BTV/CSQG - Rạch Dừa), gia đình mới ra thăm nuôi nên An có được trà móc câu loại thượng hảo hạng, nó tiếc lắm cứ cằn nhằn tôi hay mời khách lung tung, nhưng rốt cuộc vì chiều tôi, nó cũng đem ra cho tôi mời "anh Ba". Tôi với An sống chung nhau, nó là thằng lo cho tôi nhiều nhất, cả về miếng ăn miếng uống, tôi thì suốt ngày sau khi lao động về là hay làm công chuyện "ngồi lê đôi mách", hắn cho gì thì tôi ăn nấy, rảnh rỗi là hắn đi nằm ít chuyện vãn với ai, hai thằng hai tính khác nhau, nhưng hắn lại thương tôi mới chết chứ. Ra ngoài lao động hắn luôn tranh lấy phần nặng của tôi mà làm, hắn cứ bảo tôi rờ rờ cho có lệ, mỗi lần bình bầu cá nhân xuất sắc hắn lại đề cử tôi, thật buồn cười... chuyện nghịch lý như thế xảy ra trong tù là chuyện thường tình! Hắn được thả về trước tôi, nói như bọn cai tù thì hắn tiến bộ nhanh hơn... Tội nghiệp hắn, khi về Sài Gòn, hắn lên Thủ Ðức làm ruộng, sau vụ mùa gặt hái được chút ít gì đó lại bỏ lên Cyclo (hắn phải đạp Cyclo để kiếm sống) đem xuống giúp cho vợ con tôi, nhằm bớt đi phần độn khoai sắn theo tiêu chuẩn XHCN tời tem phiếu. Hôm nay thì nó cũng theo diện H.O. mà sang ở bên này rồi. Hắn tìm kiếm tôi suốt hai năm, nhờ đọc báo Sài Gòn Nhỏ khi nhận ra bài viết của tôi có đăng trên báo đó... Thế là qua tòa soạn nó lại gặp tôi nơi đất Mỹ nầy...
Trở lại với chuyện anh Ba, hắn cằn nhằn tôi:
- Mày nói dốc cho cố đi, còn có chút xíu trà à, lấy gì khi vào chuồng rồi mày nhìn trăng qua khung cửa mà nhấm nháp? Nó mỉa mai tôi.
Tôi trả lời:
- Thì mày cứ cho hết tao đi, ngày mai tao sẽ kiếm cái khác cho mày.
Nó nghĩ nó không cho không được, vì tính nó rất chiều bạn của mình, nên nó phải nấu sôi ấm trà khác đem ra... Tôi rót ra một chén, mời anh Ba:
- Trà này ngon, anh làm một hớp đi.
Hớp xong ngụm nước thơm, nhẹ, vị ngọt đang lan dần nơi cổ họng, anh Ba nhìn vào mặt tôi, kể tiếp:
- Anh là một người không biết mánh lới, là một người chỉ quen sống trong khuôn khổ, do đó anh chỉ thích hợp với nghề gõ đầu trẻ, còn viết lách thì thích hợp viết sử, tôi biết anh đang nghiên cứu sử học, từ khi tôi ở ban Cử Nhân của Ðại Học Văn Khoa kia, vì vậy tôi thấy chuyện này kể cho anh nghe thì hợp “gu” lắm... Anh biết không, trời ơi đất hỡi cái chính quyền Ông Sửu, không ra gì hết, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, lung tung phèn... Ông Sửu không thể thỏa mãn hết một lúc nhiều yêu sách của họ được, mới hứa cho phía này thì phía khác lại xin, chưa chấp thuận cho đảng A, thì đảng B cứ làm... riết rồi ổng cũng điên luôn, giải quyết công việc không xuể, đành phải giao quá nhiều việc lại cho ông Quát, ông Quát thì với tài năng, ông ta làm được hết chứ không phải không, ngặt nỗi, ông ta là người miền Bắc, mà tính ông Sửu bản chất con người Nam Kỳ thường hay nghe lời gièm pha, sanh ra chuyện phân chia Nam-Bắc, do đó khi những quyết định của ông Quát trình lên ông Sửu, ông Sửu bác, ngược lại những yêu cầu gì từ phía Quốc Trưởng trao xuống Thủ Tướng, ông Quát không chịu thi hành... Tình hình kéo dài quá nhiều tháng, nói như kiểu hôm nay là "khủng hoảng lãnh dạo trầm trọng" ấy mà, Cách Mạng thì cho quân đánh lấn lung tung, an nguy quốc gia không thể không giải quyết, dứt khoát phải có một chính phủ mạnh, nhất là phải mạnh về quân sự mới mong giải quyết được hết những nguy cơ đang xảy ra. Ông Sửu và Ông Quát đồng thuận trao trả quyền lãnh đạo đất nước lại cho quân đội... Bộ Trưởng Quốc Phòng hồi đó là ông Thiệu, được ông Sửu và ông Quát cho mời lên nói chuyện. Chấp thuận trọng trách, ông Thiệu về Tổng Tham Mưu mở phiên họp bàn. Với tư cách là người đứng đầu Quân Ðội lúc đó, ông Thiệu, cho triệu tập "hội đồng quân lực" với sự tham dự của những người đang giữ các trọng trách tại bộ Tổng Tham Mưu cũng như các Tư lệnh Vùng, và các Tư Lệnh những binh chủng đặc biệt. Hôm họp đó, tôi nhớ có chừng hơn mười vị tướng cấp nhỏ nhất là Chuẩn Tướng, cấp lớn nhất là Trung Tướng, ông Thiệu ngồi ghế Chủ Tọa, bên phải và bên trái có thêm 5, 6 ông Trung Tướng nữa, trong đó có “Minh nhỏ”, hàng "đại biểu" thì nhiều (không chỉ cấp Tướng mà còn có cả cấp Tá nữa). Sau phần nghi thức thường lệ, ông Thiệu tuyên bố:

Hội Đồng Quân Lực
- Thưa Quí vị, thưa anh em chiến hữu, trong tình hình nguy khốn của đất nước như thế này, chính quyền dân sự của cụ Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu không thể kéo dài được nữa, Cụ đã cho gọi tôi lên để trao trả lại quyền lãnh đạo quốc gia cho một chính quyền quân sự, Sau khi bàn bạc với Hội Ðồng Quân Lực, chúng tôi đã đồng ý chấp nhận việc nhận lãnh trọng trách này. Hôm nay chúng ta họp mặt ở đây với công việc là bầu ra một Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia trong số anh em chúng ta ở đây, sau đó vị Chủ Tịch của Ủy Ban này sẽ làm tiếp những việc cần phải làm cho một chính phủ Quân Sự.
Lúc đó người giữ chức vụ cao nhất và cấp bực lớn nhất và cũng là thâm niên nhất trong quân đội không ai khác hơn là ông Thiệu và tôi, nên việc bầu ông Thiệu làm Chủ Tịch, tôi Phó Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia không gặp gì trở ngại hay khó khăn nào. Sau thời gian khoảng 30 phút nghỉ xả hơi, phiên hội tiếp tục nhóm lại. Lần này ông Thiệu vừa là Chủ Tọa, vừa là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia tuyên bố:
- Chúng ta đã làm xong phần đầu của vai trò trọng đại đối với đất nước. Ðến đây, chúng ta phải lập ra một "ủy ban" tương tự như một Nội Các để điều hành chính quyền. Tất cả quý vị có mặt trong Hội Trường hôm nay, có ai tình nguyện đứng ra giúp tôi lập "nội các" không? Ðể tránh mất thì giờ tôi xin vị ấy đưa tay lên!
Cả hội trường im phăng phắc, người này nhìn người kia dò xét, ông Thiệu nhìn qua khắp một lược không thấy ai đưa tay cả, phải nhìn lại lần thứ hai... lần này thì khác, người nhanh tay nhất là Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ! Mình tự hỏi không biết sao các Trung Tướng, Thiếu Tướng cứ ngồi nhìn nhau, như nhường nhau vậy, rốt cuộc ông Kỳ chỉ mới Chuẩn Tướng nhưng lại nhanh tay hơn... Nói nào ngay, lúc đó thực tình thì ông Thiệu không thích cỡ cấp bậc của ông Kỳ đảm nhận trọng trách như một Thủ Tướng, mặc dầu Chuẩn Tướng Kỳ đang làm Tư Lệnh Không Quân, ý ông ta thì thích Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi kia, nhưng lỡ nói rồi, đành phải tôn trọng sự tình nguyện này. Ông Kỳ rời khỏi hàng ghế Ðại Biểu, đứng lên tư thế nghiêm đưa tay chào hàng Chủ Tọa, xong quay lại chào hàng Ðại Biểu và nói:
- Tôi xin đảm nhận trọng trách của Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia giao phó, để thực hiện việc này, tôi cần một vị giúp tôi.

Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ
Lời nói ông Kỳ lại tạo nên sự yên lặng một lần nữa, sự yên lặng lần này dĩ nhiên khác hẳn lần trước, nó không phải là chuyện dò xét nhường nhau mà là chuyện hối tiếc vì quá chậm tay để phổng đi dịp may ngàn năm một thuở... tôi là một trong những người hối tiếc này. Tôi thở phào, có vẻ tiếc thật, nhưng nếu tôi đưa tay trước ông Kỳ thì rõ ràng tôi quá tham lam vì đang làm phó Chủ Tịch Ủy Ban của ông Thiệu, lại nữa ý tôi cũng muốn để cho ông Thi, hoặc một vị Trung Tướng nào khác. Sau tiếng thở dài, cánh tay tôi đưa lên tự lúc nào không biết, cho đến khi ông Kỳ nói:
- Tốt rồi, có Trung Tướng Có giúp thì nhất!...
Thế rồi Chủ Tọa đề nghị giải lao 5 phút... Trong Hội Trường lúc nầy nổi lên những câu chuyên thật náo nhiệt, đa phần là chúc tụng nhau... Ðến lúc nầy, tôi mới nghĩ là cái đưa tay của mình là muốn phát biểu chứ không phải tình nguyện làm "phó" cho ông Kỳ... nhưng đưa tay lên đúng vào lúc ông Kỳ hỏi do sự phản xạ từ cái hích chân của ông Thiệu vào chân tôi như ngầm bảo tôi “anh phải về kèm viên tướng trẻ háo thắng này”.
Buổi hội tiếp tục, lần này, ông Kỳ lại ngồi gần bên tôi để chuyện trò và nghe ông Thiệu nói:
- Thưa quí vị, đến giờ này, chúng ta đã xong việc thành lập cái sườn của hai cơ cấu Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Rồi đây, tôi và Tướng Kỳ sẽ họp bàn về việc nhân sự của hai Ủy Ban, xong xuôi đâu đó, chúng ta báo lại với phía "chính phủ dân sự" để chọn ngày ra mắt Quốc Dân Ðồng Bào.

Ba tướng Thiệu - Kỳ - Có trong ngày Quân Lực đầu tiên (3 vị có "can" chỉ huy trên tay trái).
Mọi việc tiến hành thật tốt đẹp giữa Thiệu-Kỳ-Có và ngày được chọn để ra mắt Quốc Dân Ðồng Bào là ngày 19 tháng 6 năm 1965. Và từ đó ngày 19/6 hằng năm đã mang vai trò lịch sử, vì nó đã được Hội Ðồng Quân Lực chọn làm ngày Quân Lực của QL/VNCH.
Kể đến đây, tiếng kẻng của trại tù đổ hồi dài, tôi và Tướng Có chia tay ai về “buồng” nấy, sắp hàng điểm danh trước khi vào chuồng, chấp nhận giấc ngủ, để sáng hôm sau còn đi lao động...

(Viết lại năm 2014 của bài viết vào tháng 6 năm 1997 tại California).
HỒ QUÂN
(Những ngày tháng lưu vong)

HỒ QUÂN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.