Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU CÓ (Phần 1)

Tài liệu tham khảo:
- Wikipedia
- BBC (Tướng Nguyễn Hữu Có từ trần)
- Pháp Luật Online (Bài viết của Nguyễn Đức Hiển)
- Tuần Việt Nam (Bài viết của Lê Nhung - Thu Hà)
- Viết theo lời kể chuyện của Tướng Có (trong tù và ngoài đời của người viết)
- Nguyễn Hữu Có "Tôi nhìn biết Đức Chúa Trời"

  Trung Tướng Nguyễn Hữu Có sinh vào năm 1925 (không rõ ngày) tại Mỹ Tho, là cựu Trung Tướng của QL/VNCH, một thời là chính khách của chế độ Miền Nam (trước 1975). Ở thể chế chính trị nầy, ông từng là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch), kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, giữ luôn chức Tổng Tham Mưu Trưởng của QL/VNCH.
1939, ông gia nhập lực lượng Thiếu Sinh Quân Đông Dương.
1943 (tháng 4), gia nhập vào quân đội Pháp với cấp bậc Trung Úy (dưới quyền của Đại Úy Phan Tử Nghi), làm Chỉ Huy Phó Thiếu Sinh Quân Đa Kao.
1948 đến 1949, ông là Thủ Khoa của Khóa I Phan Bội Châu (Trường Võ Bị Đập Đá, Huế), cùng khóa với nhiều vị tướng lãnh VNCH như Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang, Trần Văn Trung... làm Trung Đội Trưởng trực thuộc Tiểu Đoàn 1 VN.
1949 đến 1952, Trung Úy Nguyễn Hữu Có làm Chỉ Huy Trưởng Thiếu Sinh Quân Gia Định.
1952, được thăng lên Đại Úy làm Đại Đội Trưởng.
1953, sau khi được thăng lên Thiếu Tá, ông Có làm Tiểu Đoàn Trưởng (?)
Từ năm 1953 đến 1957, được thăng lên Trung Tá, về làm Liên Đoàn Trưởng LĐ 33
Sau năm 1957 đến 1958, làm Tư Lệnh Sư Đoàn 31
Từ năm 1958 đến cuối tháng 10/1963, ông là Đại Tá làm Tư Lệnh Phân Khu Miền Đông (QK1, Tướng Tôn Thất Đính làm Tư Lệnh)
Ngày 1/11/1963, tham gia lật đổ nên Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Có được thăng lên Thiếu Tướng, là Ủy Viên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (Đại Tướng Dương Văn Minh làm Chủ Tịch), kiêm luôn chức Tư Lệnh Sư Đoàn 7 cho đến tháng 2/1964.
Tham gia cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh, ông được thăng chức Phó Tư Lệnh Quân Đoàn IV, cho đến ngày 9/09/1964.
Ngày 10/09/1964 ông được đề cử làm Tư Lệnh Quân Đoàn II.
Ngày 25/02/1965, nhóm tướng trẻ lật đổ Đại Tướng Nguyễn Khánh.
Ngày 15/07/1965,ông Có được đề cử giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng (QL/VNCH).
Ngày 01/11/1965, ông được thăng lên Trung Tướng.
19/06/1965, ông Có trở thành nhân vật số 3 trong chính quyền (sau Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, còn ông Có thì làm Phó cho Tướng Kỳ, kiêm luôn chức Tổng Trưởng Quốc Phòng, kiêm luôn chức Tổng Tham Mưu Trưởng - Người dân thường gọi là chình quyền Thiệu - Kỳ - Có). Đây là chính quyền "quân nhân" được hình thành từ sự trao quyền của chính quyền "dân sự" (Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, Thủ Tướng Phan Huy Quát).
Ngày 27/01/1967, trong lúc công tác tại Đại Hàn và Đài Loan, rồi trên đường về nước (từ Hồng Kông), Tướng Có bị giải nhiệm (ông bị Trung Tướng Thiệu và Thiếu Tướng Kỳ gạt bỏ ra khỏi chính trường (không còn tên tuổi trong Hội Đồng Quân Lực), buộc không được về nước, phải sống lưu vong... Trong thời gian này, mọi quyền lực điều hành "chính phủ dân nghèo" đều nằm trong tay Tướng Nguyễn Cao Kỳ (Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương).
Về vụ nầy, có nhiều nguồn tin đồn đãi: "Tướng Thiệu và Tướng Kỳ thường hay bất đồng... và sự bất đồng có thể xuất phát từ nơi ông Có "luôn dùng mưu thúc đẩy hai ông Thiệu và ông Kỳ chống lại nhau...".
Về vụ Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia cho bắt Đại Tá Vũ Ngọc Tuấn (Chỉ Huy Trưởng TTHL Quang Trung năm 1967), người Mỹ tin rằng chính vụ nầy đã khiến Tướng Thiệu và Tướng Kỳ có quyết định tước chức quyền của Tướng Có (Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng), mặc dầu vậy, nhưng ông Có theo người Mỹ nhận xét thì ông ta "luôn thân thiện với người Hoa Kỳ".
Sau gần 4 năm sống lưu vong tại Hồng Kông, tháng 12 năm 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho phép Tướng Nguyễn Hữu Có được hồi hương (lúc nầy Tướng Kỳ gần như bị mất hết quyền hành).
Về nước, ông Có như đã ngán ngẩm việc tham gia chính trường nên quay sang làm kinh tế. Năm 1971, ông làm Phó Tổng Giám Đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng. Đền nắm 1973, ngân hàng này bị sụp đổ, Tổng Giám Đốc Nguyễn Tấn Đời bị đi tù (nguyên nhân vụ sụp tiệm sẽ nói bên dưới), còn ông Có thì về hợp tác với các tướng lãnh thất sủng như Trung Tướng Trần Văn Đôn, Trung Tướng Mai Hữu Xuân, Trung Tướng Lê Văn Kim lập xưởng sản xuất giày dép (DOXUKICO - Đôn-Xuân-Kim-Có).
Ngày 27/4/1975, Đại Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng Thống.
Ngày 29/4/1975, Tướng Có được Tổng Thống Dương Văn Minh mời đảm nhận tạm thời chức "phụ tá đặc biệt".
Nhưng rồi Miền Nam bị Việt Cộng cưỡng chiếm, Tướng Có cũng gặp hoạn nạn như tất cả các anh em sĩ quan khác thuộc chế độ cũ (VNCH) bị bắt phải đi tù (thi hành lệnh Tập Trung Cải Tạo).
Năm 1987, sau 12 năm tù (kể từ sau 30/4/1975), Trung Tướng Nguyễn Hữu Có được CSVN thả về. Trong thời gian còn ở trong tù, ông tin và ngầm theo đạo Tin Lành...
Câu chuyện dưới đây do chính Trung Tướng Nguyễn Hữu Có viết nói về lý do tại sao ông ta tin theo đạo Tin Lành (Tôi nhìn biết Đức Chúa Trời - yimg.com):

Tôi nhìn biết Đức Chúa Trời
Mùa hè 1977, tôi và ban tướng lãnh (31 người) đang ở trại 5 Yên Bái. Chúng tôi từ trại Quang Trung đã được chuyển ra đây bằng phi cơ từ mùa hè trước (1976). Ở đây chúng tôi phải lao động nặng nhọc. Mỗi tuần trừ những người đau yếu, chúng tôi phải lên núi đốn củi đem về đun. Hôm ấy trời nóng bức oi ả. Sau khi đốn xong 1 vác củi đúng chỉ tiêu (khoảng 25 Kg), tôi ngồi nghỉ mệt trên đồi dưới bóng mát, chờ anh em đốn xong để được lính canh đưa về trại một lượt. Tôi nhìn xem cảnh vật chung quanh. Trên cành cây có chim đang nhảy nhót. Từng đàn bướm lượn quanh khoe cánh với đủ màu sắc sặc sỡ. Trên trời từng đàn mây trắng bay với nền trời xanh trong trẻo. Các chú chuồn chuồn bay chập chờn như những chiếc trực thăng cực nhỏ. Bất giác tôi tự hỏi ai tạo ra vạn vật trong thiên nhiên. Chẳng lẽ mọi vật tự nó có và vũ trụ đặt ra qui luật phát triển và tồn tại ư? Từ suy nghĩ đó, tôi nhìn lên trời cao và nghỉ đến một Đấng mà thế gian gọi là Ông Trời hay là Thượng Đế. Tôi nghĩ phải có đấng tạo hóa dựng nên thế gian và mọi loài vạn vật. Với ý nghĩ đó tôi so sánh ông Trời với ông Phật. Người ta thường nói Trời mưa, Trời nắng, Trời gió, Trời lạnh, v.v. Còn ông Phật thì không được gọi như thế. Sau chuyến đi lấy củi hôm ấy, tôi có một nhận thức mới. Đó là điểm khởi đầu nhìn biết Đức Chúa Trời. Từ đấy tôi nhìn và lối suy nghĩ khác hẳn trước. Đối với hoạn nạn tôi đã trải qua tôi không qui cho số phận may rủi nữa. Tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên tôi ắt có quyền trên đời sống tôi. Mọi việc xảy ra trong đời tôi đều do ơn Ngài quyết định.

Chúa làm phép lạ trong gia đình tôi - Ngài cứu con trai tôi
Gia đình tôi có 12 người con, 4 trai, 8 gái. Chúng tôi rất khổ tâm khi có đứa con trai hư đốn nghiện ngập xì ke. Đó là đứa con trai thứ nhì Nguyễn Hữu Trung, sinh năm 1955. Trung đã nghiện ngập xì ke trước ngày mất miền Nam. Sau năm 1975, gia đình túng thiếu, cuộc sống chật vật, nhưng Trung vẫn tìm mọi cách moi tiền đi hút. Gia đình có gởi Trung vào Trường Phục Hồi nhân phẩm cải tạo xì ke, ma tuý, và gái điếm) ở Bình Triệu. Được một thời gian, trường cho về nhà nhưng Trung vẫn không bỏ được xì ke. Đến tháng 08-1979, Trung bị nghiện nặng bỏ nhà ra đi một thời gian. Vì thiếu tiền, thiếu thuốc, Trung bị cơn ghiền dày vò hành hạ nên trở về nhà. Hai hôm sau Trung lên cơn sốt nặng, người gầy yếu chỉ còn da bọc xương (Trung cao 1m72 chỉ còn có 28Kg). Gia đình chở Trung lên bệnh biện Nguyễn Văn Học (Gia Định) lúc chiều. Các bác sĩ khám cho Trung, lúc ấy Trung đã hôn mê nằm như người gần chết. Bác sĩ thử tủy cột sống, Trung không còn tủy nữa . Các bác sĩ cho biết Trung không thể nào sống được tới 12 giờ đêm, và khuyên gia đình nên chuẩn bị mai táng. Hôm đó nhằm ngày thứ bảy. Gia đình tôi đã có vài đứa con tin Chúa (2 con gái Nguyễn thị Ngọc Thu, Nguyễn thị Thanh Loan , và Nguyễn thị Minh Trang là vợ Trung).
Tối hôm ấy, chúng nó đi nhóm nhà thờ Tin Lành Trần Cao Vân và xin Mục Sư Hồ Hiếu Hạ dâng lời cầu nguyện xin Chúa chữa bệnh cho Trung. Cả Hội Thánh cầu nguyện. Tan buổi nhóm, Mục sư Hạ và một số thanh niên đến nhà chúng tôi cầu nguyện cho Trung đến 11 giờ đêm. Nhưng vợ tôi vẫn chuẩn bị mọi việc để mai táng Trung. Ngày hôm sau, trời vừa mờ sáng, Ngọc Thu đã đến bệnh viện. Vì có lời dặn của bác sĩ hôm trước, nên Thu đi thẳng xuống nhà xác, không có xác Trung ở đây. Thu hơi mừng, đi gấp lên phòng bệnh chỗ Trung nằm, vừa đi vừa cầu nguyện Chúa. Đến nơi Thu rất đỗi ngạc nhiên thấy Trung đã tỉnh táo, đòi ăn cháo. Các bác sĩ cũng ngạc nhiên nói chỉ có phép lạ Trung mới sống được như thế. Sau một tuần nằm điều trị ở bệnh viện, Trung hầu như hồi phục và được xuất viện.

Chúa chữa bệnh phổi cho Trung
Về nhà được ít lâu, Trung bị bệnh lại, đó là bệnh phổi tái phát, vì năm 1973 lúc Trung còn học tại trường Hạ Sĩ quan Nha Trang, có lần đã nằm viện giải phẫu lấy mủ ở phổi. Ngọc Thu đưa Trung vào bệnh viện Hồng Bàng trong Chợ Lớn trị lao. Nơi đây sau khi chụp hình phổi, thử máu, thử đàm bác sĩ cho biết Trung đã bị lủng phổi rất nặng, phải chịu nằm viện và cách ly với vợ con. Tạm thời Trung phải trở về nhà đợi một tuần vì bệnh viện chưa có chỗ nằm. Cả gia đình cầu nguyện Chúa thương xót chữa lành cho Trung một lần nữa. Tuần sau, Trung trở lại bệnh viện để làm thủ tục nhập viện. Bác sĩ cho chụp hình trở lại. Rất kỳ lạ là hai lá phổi đều tốt hoàn toàn. Các kết quả khác đều cho kết quả tốt. Các bác sĩ đều ngạc nhiên về trường hợp nầy. Một lần nữa Đức Chúa trời đã chữa lành cho Trung, để qua đó cả gia đình đều đến với Ngài. Halêlugia, cảm tạ Chúa!
Ghi chú: sau sự việc nầy vợ Trung là Minh Trang được người cô ở Pháp giúp đỡ mua nhà ở riêng và làm ăn phát đạt. Hiện vợ chồng Trung có đứa con gái xinh đẹp và rất hạnh phúc. Nguyền xin Chúa ban ơn gìn giử gia đình Trung để chúng nó đứng vững trong đức tin mà theo Ngài.

Chúa chữa lành bệnh khó cho vợ tôi
Đầu năm 1983, vợ tôi bị bệnh tiểu đường, nước tiểu trắng đục như vôi. Nhà tôi nhờ bác sĩ Nguyễn Sào Trung chữa trị. Bệnh không thuyên giảm. Bác Sĩ Trung đề nghị vợ tôi đi xét nghiệm và hội chẩn của các bác sĩ. Thạc Sĩ Ngô Gia Hy cho biết vợ tôi bị một chứng bệnh kỳ lạ, hàng triệu người bệnh mới có trường hợp như vậy. Có một loại giun chỉ ở trong thận, dùng thuốc không thể trục chúng ra được, mà giải phẫu mới mong cứu sống vợ tôi. Nhưng giải phẫu cũng không chắc thành công vì bệnh viện thiếu phương tiện. Hơn nữa, vợ tôi sức khoẻ sa sút khó có thể chịu nổi cuộc giải phẫu kéo dài những 7 tiếng đồng hồ. Thạc Sĩ Ngô Gia Hy đề nghị vợ tôi xin đi nước ngoài để chữa trị mới có hy vọng được cứu sống. Đề nghị nầy thực khó thực hiện vì gia đình không có tiền, ngoài ra thủ tục xin xuất ngoại chữa bệnh cũng khó khăn. Trong cảnh tuyệt vọng, gia đình tôi chỉ còn có một con đường là mọi người hết lòng cầu nguyện, nài xin Chúa thương xót vợ tôi. Lúc nầy Hội Thánh Trần Cao Vân đã bị nhà nước tịch thu và ngưng hoạt động, còn Mục Sư Hồ Hiếu Hạ và các tôi tớ Chúa ở đây đã bị bắt giữ. Gia đình chuyển qua sinh hoạt tại một nhà thờ Tin Lành cách nhà chúng tôi vài trăm thước. Mục Sư Lê Quốc Chánh, Chủ Tọa Hội Thánh, đặt tay lên người vợ tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho. Vợ tôi kiêng ăn cầu nguyện. Cả gia đình cũng hết lòng cầu nguyện. Vài ngày sau, vợ tôi đi ngoài và phát hiện một con giun đũa lớn kéo theo một chùm giun nhỏ cứ theo ra ngoài. Vợ tôi lấy cả đám giun đem đến bệnh viện Bình Dân xét nghiệm. Thạc Sĩ Ngô Gia Hy xác nhận đây chính là giun chỉ ở thận của vợ tôi. Ông rất ngạc nhiên không hiểu tại sao giun lại theo đường tiêu hoá ra ngoài. Chúa cho phép bệnh tật xảy ra, thì cũng có cách chữa lành bệnh. Không việc gì Chúa không làm được vì Ngài là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri. Halelugia, cảm tạ Chúa.

Chúa mở đường cho tôi đến với Ngài
Đầu năm 1979 do tình hình chiến sự bộc phát ở biên giới Tây Bắc Việt Nam do Trung Quốc gây ra nên các trại cải tạo ở gần biên giới phía Bắc được di tản đưa về nhập với các trại phía Nam xa biên giới. Tập thể tướng lãnh chúng tôi đang ở trại Hà Tây (cách Hà Nội 25Km về phía Tây) cũng được phát tán qua các trại khác. Tôi và các tướng Lê Minh Đạo, Lý Tòng Bá và Phạm Ngọc Sang được chuyển về trại Nam Hà (Phía Tây Phủ Lý 30Km). Đến giữa tháng 04 năm 1979, thình lình tôi được lệnh tha cùng một lúc với bảy anh em khác ở trại. Anh em bàn tán xôn xao cho rằng tôi được lệnh tha là do nhu cầu chính trị, để tuyên truyền cho chính sách khoan hồng nhân đạo của chính phủ. Rồi sau đó tôi được đưa về trại Hà Tây. Nơi đây cũng có anh em khác từ các trại cải tạo ở Thanh Hoá đưa về. Tất cả chúng tôi là 13 người, được hưởng chế độ ăn uống bồi dưỡng và được đi tham quan Hà Nội, có vẻ như sắp được cho về với gia đình. Thủ tục nầy được áp dụng từ trước đến nay như một thông lệ. Sau hơn một tuần lễ sống trong tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, chúng tôi được lệnh tập trung lên phòng họp của trại để nghe cấp trên nói chuyện. Chúng tôi mừng hụt vì không phải được thả về mà để nghe động viên giải tinh thần buộc đi vào Thanh Hoá nghiên cứu thành lập một nông trường cho Bộ Nội Vụ (Cục Cải Tạo). Trước vẻ mặt tiu nghỉu của chúng tôi, trại hứa hẹn chỉ đi vài tháng thôi "rồi cho các anh về". Về sau tôi nghe các anh em kể lại: khi chúng tôi vào Thanh Hoá, và nói rằng tôi được cử làm giám đốc nông trường ở Thanh Hoá, (tôi còn là tù nhân thì làm sao làm giám đốc được!). Tin nầy làm cho anh em phẫn nộ và có ác cảm với tôi. Đây là lần thứ hai tôi bị tai tiếng. Lần trước tai tiếng đã từng xảy ra khi miền Nam bị mất, ở đâu người ta cũng đồn tôi là Thượng Tá Việt Cộng. Xin Chúa chứng giám và biện minh cho con. A-Men!
T
ôi vào Thanh Lâm (Thanh Hoá) gần hai năm. Đến giữa năm 1981, tôi được trở về trại Hà Tây để bị giam chung với các tướng lãnh. Ai cũng chê tôi gầy và đen quá.
Trong hai năm 1980-1981, trại Thanh Lâm bị bão lụt tàn phá nhiều lần, thiên tai gây tốn kém rất nhiều hoa màu, cây cối bị thiệt hại nhiều lần làm cho nông trường bị giải thể, các trại viên được chuyển về nam ở trại Hàm Tân. Thời gian ở Thanh Lâm, gia đình tôi chỉ gởi quà tiếp tế chớ không ra thăm nuôi vì đường đi khó khăn trắc trở. Về đến Hà Tây thì có người nhà tôi ra thăm (sui gia và con gái). Ngoài quà cáp, tôi còn nhận được một quyển Kinh Thánh toàn bộ. Tôi phải cất giấu mới đem được vào trại. Ở trang đầu quyễn Kinh Thánh, Mục Sư Hồ Hiếu Hạ có ghi tặng tôi câu Kinh Thánh ở Thi Thiên 119:105: "Lời Chúa là ngọn đèn cho chân bác... là ánh sáng cho đường lối bác...".
Lúc bấy giờ Chúa đã làm cho tôi hai việc: (1) Chúa trang bị cho tôi hành trang tâm linh để cho tôi để cho tôi đọc hàng ngày dọn mình đến với Chúa. (2) Chúa an bài sắp xếp cho tôi ở chung với một số con cái Chúa.
Thật lạ lùng khi tôi nghĩ ra điều nầy. Tôi được giam ở buồng 4 có cửa thông qua buồng 3, nơi đây có ba Cơ Đốc Nhân là các tướng Lê Trung Trực, Đoàn Văn Quảng, và Nguyễn Chấn Á.

Chịu Báp-Têm 
Cuối tháng 3/1983, toàn trại Hà Tây được chuyển về trại Nam Hà. Các tướng lãnh được tập trung ở một dãy buồng lớn. Tôi rất vui mừng là trại nầy có giam Mục Sư Tuyên Uý Tin Lành và một Mục Sư dân sự (Mục Sư Điểu Huynh).
Ngày Chủ Nhựt 20 tháng 3 năm 1983 là ngày đáng ghi nhớ trong đời tôi. Sáng hôm ấy, sau khi tập hợp điểm danh trước buồng, đáng lẽ người cán bộ phụ trách khoá cửa vòng ngoài cửa buồng như thường lệ, thì anh ta lại quên khoá cửa. Chế độ giam giữ cấp tướng là biệt giam. Chúng tôi không được ra ngoài liên hệ với buồng khác. Sau khi thấy được việc quên không khoá cửa, các anh em Cơ Đốc Nhân chúng tôi bàn với nhau nên lén lút thoát ra ngoài tìm chỗ nhóm họp của các Mục Sư. Sau khi đồng ý, chúng tôi hé cửa thoát ra ngoài hỏi thăm chỗ nhóm của các Mục Sư rồi đến ngay nơi ấy.
Chúng tôi vào buồng 11 leo lên trên (chỗ ngủ phía dưới là bệ xi măng, còn phía trên là sạp ván). Đang nhóm họp tại đây có các Mục Sư Dương Kỳ, Nguyễn Văn Nghi, Võ Xuân và một số tín hữu ở buồng khác đến. Chúng tôi tham gia thờ phượng Chúa và nghe Mục Sư Dương Kỳ giảng. Xong bài giảng tôi ngỏ ý xin Mục Sư Dương Kỳ làm phép "Báp-têm" cho tôi vì nếu bỏ lỡ cơ hội nầy, khó có thể có dịp khác. Được Chúa cảm động Mục Sư Dương Kỳ chấp thuận ngay. Thế là tôi được làm phép"Báp-têm" bằng nước trong bi-đông tưới lên đầu. Tôi cảm động đến rơi lệ vì tình thương của Chúa đã cứu chuộc tôi, Chúa đã rửa sạch tội lỗi cho tôi. Kẻ từ hôm ấy, tôi được địa vị làm con cái Ngài và được gọi Ngài là Cha Thiên Thượng. Rõ ràng Ngài đã dọn đường cho tôi đến với Chúa theo cách Ngài muốn. Vì tôi là cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng nên tôi nghĩ Chúa muốn chính Mục Sư Dương Kỳ, Đại Tá Tuyên Uý Trưởng Ngành Tuyên Uý Quân Đội, làm lễ Báp-têm cho tôi. Nghi thức nầy được thực hiện ngay trong chốn lao tù, nơi tôi bị giam giữ.

Sau khi tin Chúa - Những thay đổi bước đầu
Sau khi tin Chúa, tôi cảm thấy vui mừng trong nội tâm. Vui mừng vì tất cả tội lỗi của mình trong quá khứ đã được Chúa tha thứ tẩy sạch. Đó là một gánh nặng mà tôi phải mang cho đến chết nếu không được Chúa cứu. Lời Chúa trong Kinh Thánh còn hứa chắc chắn rằng Ngài dành cho tôi một chỗ ở trên Thiên Đàng khi linh hồn tôi rời bỏ trần thế nầy. Trước đây khi còn thờ hình tượng, không có đấng nào dám hứa với tôi như thế. Tôi quyết tâm ăn năn tội lỗi, sống một cuộc sống mới, thanh sạch gương mẫu. Tôi tuyệt nhiên không hút thuốc lá, uống rượu, cờ bạc là những điều dễ vấp phạm trong hoàn cảnh buồn khổ ở trại giam. Được lời Chúa dạy dỗ, nhắc nhở hằng ngày, tôi sống vui vẻ và hạnh phúc hơn, được tình thương yêu lớn lao của Chúa bao bọc, tôi nhìn bạn bè xung quanh tôi với sự yêu thương chân thật. Tôi luôn luôn tìm cách giúp đỡ bạn bè trong các công việc lặt vặt như vá quần áo, sửa chữa đồ dùng (tôi được anh em khen là khéo tay). Tôi tích cực chia sẻ công việc khó khăn, nặng nhọc ở buồng như vét giếng, sửa nhà v.v... Đối với bạn bè nóng tính, tôi luôn luôn nhường nhịn và sẵn sàng tha thứ mỗi khi bị xúc phạm. Tôi sẵn sàng chia sẻ những gì tôi có cho bạn bè thiếu thốn từ thức ăn, thuốc uống cho đến các nhu cầu khác.

Chúa sống trong tôi
Những sự thay đổi trong người tôi, không phải do tôi giỏi, đức độ, siêng năng của tôi, bèn là Chúa sống trong tôi. Chúa đã diệt cái bản ngã thấp hèn của tôi rồi. Tôi xin mượn lời Vua Đa-vít chép trong Thi Thiên 51: 9-10 để diễn tả tâm tình của tôi: "Xin Chúa ngoảnh mặt khỏi các tội lỗi tôi, và xoá hết thảy các sự gian ác của tôi, Đức Chúa Trời tôi ơi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch và làm mới lại trong tôi mắt thần linh ngay thẳng".
Tôi nghĩ lại quá khứ, không còn tin nơi tướng số, vận may. Lớn lên trong đức tin và sâu nhiệm lời Chú, tôi thấy rõ ràng tình thương của Chúa đến với con người bằng cửa hoạn nạn. Thật vậy, không có hoạn nạn chắc tôi chưa tìm gặp Chúa và được Chúa cứu. So sánh cái "được" và cái "mất " từ năm 1975 đến ngày tôi tin Chúa: tôi mất tất cả tài sản, địa vị, danh vọng, hạnh phúc, tự do, v.v... Nhưng đổi lại tôi có Chúa, có Đấng Quyền Năng, Hằng Hữu che chở dẫn dắt, ban cho. Chẳng những ban cho trong đời nầy mà cho cả đời sau nữa. Cái được của tôi thật vô cùng lớn lao. Con xin cảm tạ ơn Chúa!

Ơn phước Chúa đầy dẫy - Ơn nhóm lại thờ phượng
Mục Sư Dương Kỳ cắt cử Mục Sư Võ Ngọc Thiên Lộc phụ trách chăn giữ nhóm tín hữu buồng 3 của chúng tôi. Tôi rất quý mến Mục Sư Lộc, người còn trẻ chưa lập gia đình, tánh tình cởi mở, rộng rãi, hào phóng. Mục Sư Lộc rất được ơn trước mặt Chúa. Hằng tuần đều cố gắng trèo rào vô buồng nhóm họp thờ phượng rao giảng Lời Chúa cho chúng tôi.
Một điều lạ lùng ngoài sức tưởng của tôi là Chúa đã gìn giữ, che chở cho chúng tôi được bình an trong suốt 229 tuần lễ kể từ ngày tôi tiếp nhận Chúa đến ngày tôi được tha về với gia đình (2-9-1987). Bình thường, mọi sự xuất nhập ở buồng 3 chỉ trong khoảng khắc là được hệ thống báo cáo viên đặt ở các buồng chung quanh chúng tôi trình lên cán bộ ngay. Điển hình là đã có 4 anh em tướng lãnh vừa ra khỏi buồng 3 để liên hệ với bạn bè thì bị cán bộ trực trại xuống tập họp điểm danh làm kiểm điểm ngay. Đó là các tướng Trần Bá Di, Hồ Trung Hậu, Lam Sơn, Trần Văn Cẩm. Thế nhưng trong suốt 229 tuần lễ, Mục Sư ra vào buồng sinh hoạt tôn giáo với anh em Cơ Đốc Nhân chúng tôi thì được Chúa che chở bình an vô sự.

Chúa tiếp trợ lương thực
Giữa năm 1984, hai vị cựu tuyên uý là Mục Sư Nguyễn Văn Nghi và Mục Sư Võ Xuân được Chúa cảm động lén trèo rào vào thăm chúng tôi. Bốn anh em chúng tôi, các tướng lãnh đã tin Chúa rất vui mừng vì chúng tôi rất khao khát muốn được nghe lời Chúa qua các vị Mục Sư. 
Chúng tôi cố giữ mời hai Mục Sư ở lại dùng cơm trưa với chúng tôi. Khi được hai vị đồng ý, anh Trực bàn với tôi để anh và anh Quảng cùng cụ Á tiếp Mục Sư còn tôi lo nấu cơm. Tôi hơi bối rối vì thiếu chuẩn bị, món mặn thì có cá khô và lạp xưởng tạm được, nhưng thiếu món canh vì thiếu rau tươi. Tôi cuối đầu cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ cho chúng tôi. Cầu nguyện xong tôi đi xuống bếp thì thấy tướng Lý Tòng Bá đang ôm trên tay một bó bạc hà vừa mới nhổ ở luống rau của anh. Tôi mừng quá gọi anh Bá lại và ngỏ ý xin. Anh Bá sẵn sàng cho tôi hết bó rau. Anh nói tự nhiên sáng nay anh có ý nhổ bỏ bạc hà để dọn đất trồng rau khác và anh "không có nhu cầu" dùng rau bạc hà. Trong bữa cơm trưa, tôi nói cho hai vị Mục Sư biết món canh chua bạc hà là do Chúa tiếp trợ. Chúng tôi cúi đầu cầu nguyện cảm tạ Chúa.

Được che chở nhờ đức tin
Giữa năm 1985, nhà tôi ra trại Nam Hà thăm nuôi. Tôi được tin nầy từ chiều hôm trước và chuẩn bị sáng hôm sau ra gặp vợ. Tối hôm ấy, một số anh em ngỏ ý xin tôi cho gửi thư về nhà. Đây là loại thư mang tay viết ngắn gọn để xin thuốc men, lương thực. Việc làm nầy đầy rủi ro bất trắc. Nếu ra cổng trại bị khám xét có thư trong người thì sẻ bị đuổi trở vô, không cho ra gặp người thân. Thật ra nếu tôi từ chối thì anh em cũng thông cảm thôi, nhưng tôi cậy ơn Chúa che chở, bảo anh em cứ viết cho thật ngắn gọn, sáng mai sẽ tùy cơ ứng biến. Tôi cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, che chở cho tôi mang thư ra được bình an. Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng, bình an, tin quyết nơi Chúa.
Sáng hôm sau tôi nhận 12 lá thư xếp nhỏ gọn để dễ mang ra trại. Thay vì cất giấu trong người, tôi nghĩ ra một cách là cầm gọn trong tay trái, nếu cán bộ bắt giữ thì có cớ nói mang ra công khai để xin phép cán bộ chớ không có ý gian. Với ý nghĩ đó, tôi mạnh dạn bước ra cổng trại theo các anh em đi thăm nuôi. Hôm đó trời mưa lấm tấm, tôi mang theo áo mưa khoác ở tay trái. Khi đến trước mặt cán bộ trực trại, anh ta hỏi: "Anh có mang theo thư từ gì ra ngoài không?" Tôi không dám nói dối, vì nói dối là vấp phạm. Tôi bình tĩnh trả lời, xin cán bộ cứ khám xét người tôi, vừa nói tôi vừa giơ hai tay lên cao đưa người cho anh ta khám. Anh ta nhìn vào mắt tôi để dò xét rồi sờ mó qua người tôi từ trên xuống dưới, xong bảo tôi đi. Qua khỏi chỗ đó, tôi hết sức vui mừng cảm tạ ơn Chúa. Lòng tôi nhẹ nhõm, lâng lâng hạnh phúc vì sắp gặp lại vợ, lại sung sướng làm xong nhiệm vụ đối với anh em trong buồng giam.

Sự qua đời của một con cái Chúa
Giữa mùa Đông năm 1985, vào tháng Ba, trời trở rét đậm, cả ngày trời âm u ảm đạm. Cuộc sống nơi buồng 3 (giam cấp tướng) trong những ngày nầy bớt sinh động so với những ngày đầy nắng ấm. Ai cũng thích ngồi gần bếp lửa để sưởi ấm. Bốn anh em Cơ Đốc Nhân chúng tôi (Đoàn văn Quảng, Nguyễn Chấn Á, Lê Trung Trực, Nguyễn Hữu Có) đang quan tâm đến 2 vấn đề: ấy là chị Quảng đang trên đường ra thăm anh và việc tổ chức buổi nhóm thờ phượng cuối tuần. 
Khác với tuần lễ trước, tuần nầy Mục Sư Võ Ngọc Thiên Lộc cho biết ông gặp trở ngại không vào được buồng 3 vì cán bộ của trại dường như theo dõi ông. Tuy nhiên sáng thứ 7 khoảng 11 giờ, ông đến gần tường rào chỗ gần giếng nước cho hay là ông sẽ vào buồng chúng tôi sau 12 giờ trưa và sẽ nhóm trong phòng ăn của buồng, khác với lần khác nhóm tại bếp nấu ăn của tôi hoặc của anh Trực. Ông thận trọng thay đổi chỗ nhóm để được an toàn hơn.
Bắt đầu buổi nhóm, Mục Sư Lộc cho biết tuần nầy ông đã soạn xong bài giảng, nhưng Chúa ngăn trở không cho vào buồng 3. Sau khi cầu nguyện với Chúa nhiều lần, Đức Thánh Linh cảm dộng ông giảng về đề tài khác: về cái chết đối với Cơ Đốc Nhân. Mặc dù thời gian đã qua lâu rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ nội dung bài giảng. Đây là những ý chính: Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên con người (Ma-la-chi 2: 10a), Ngài ban cho con người sự sống và cuộc sống (Phục truyền luật lệ ký 30:15) Ngài là Đấng quyền năng (Thi-Thiên 62:11) Ngài có quyền ban cho và có quyền cất đi sự sống của con người bất cứ lúc nào (Gióp 1:21). Con người trên thế gian không ai tránh khỏi sự chết, cái chết không phân biệt tuổi tác, không phân biệt sang hèn. Con người ai cũng sợ chết, nhưng không ai tránh khỏi nó. Hoặc sớm, hoặc muộn con người đều phải chết (Truyền đạo 9:3-5). Người ngoại đạo quan niệm chết là hết. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân chúng ta có sự trông cậy về đời sau, chết là lìa bỏ thế gian tạm bợ nầy để bước vào cuộc sống đời đời. Thân xác chúng ta được Chúa dựng nên bằng bụi đất, sẽ trở về với các bụi trong lòng đất. Nhưng linh hồn chúng ta được Chúa cứu chuộc sẽ về với Ngài nơi Thiên Quốc (Truyền đạo 12:7). Chúng ta không sợ cái chết, nhưng chúng ta luôn luôn có sự bình an vui mừng. Mục Sư Lộc kết thúc bài giảng và mời anh Quảng cầu nguyện, anh cầu nguyện ngắn gọn như sau: "Chúa ơi, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì cho chúng con nhóm lại thờ phượng Ngài và nghe lời Ngài dạy dỗ, nhắc nhở, yên ủi chúng con. Con luôn luôn vững vàng đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Con sẵn sàng về với Chúa bất cứ khi nào Chúa gọi con."
Ngày thứ 2 đầu tuần lễ, sinh hoạt ở buồng 3 như thường lệ. Trong khuôn viên giữa 4 bức tường rào quen thuộc vẫn là: tập thể thao, nấu ăn, tắm giặt, nghỉ ngơi, đọc sách, v.v...
Buổi chiều sau giờ nghỉ trưa, tôi đang ngồi chơi ngoài sân thì anh Quảng qua chỗ tôi ngồi, anh đùa giỡn với tôi và phấn khởi nói với tôi chị Quảng sắp ra thăm anh rồi. Sau đó anh về phòng. Chỉ vài phút sau, anh em trong phòng nhốn nháo la to lên: anh Quảng bị ngất xỉu mau gọi cấp cứu. Tôi chạy nhanh vào phòng đến chỗ anh Quảng nằm, thì thấy anh đang nhắm mắt, tim không còn đập, hơi thở cũng không còn nữa, chúng tôi vừa xoa dầu, thoa bóp chân tay anh, vừa làm hô hấp nhân tạo. Chúng tôi vừa làm vừa theo dõi mong có được một dấu hiệu hồi sinh. Nhưng dần dần chúng tôi tuyệt vọng vì anh vẫn nằm bất động. Kế đó, buồng 3 tràn ngập đầy người: Bác sĩ, ý tá, cán bộ của trại, bạn bè ở các buồng khác. Nhưng tất cả đều thất bại. Anh Quảng đã vĩnh viễn ra đi. Chiều thứ 3 tức ngày hôm sau, lúc 4 giờ chiều anh Quảng được nhập quan trước sự chứng kiến của vài người, trong số đó có Mục Sư Tín, Mục Sư Lộc, anh Lê Trung Trực và tôi. Sáu tấm ván gỗ thường được đóng sơ sài là linh cữu của anh Quảng, được đưa ra ngoài trại bằng cửa hậu để tránh sự tò mò của các tù nhân. Chúng tôi chỉ được phép đưa anh Quảng ra khỏi cổng trại, sau đó một toán tù thường phạm khiêng linh cữu đi theo đường mòn vòng ra phía sau núi và được chôn một cách lặng lẽ trong buổi hoàng hôn u buồn. Trời đã sẩm tối, sương mù bắt đầu rơi xuống. Chúng tôi lủi thủi trở về buồng giam, lòng nặng trĩu.
Hai hôm sau, tức ngày thứ 5, chị Quảng và người con út đến trại. Anh Vũ Văn Giai và tôi được phép đến nhà thăm nuôi gặp chị Quảng. Chúng tôi thuật lại sự ra đi của anh Quảng, yên ủi chị trong nước mắt và trao cho chị di sản hiếm hoi của anh Quảng trước khi chị ra về.
Kỷ niệm đau buồn trên đây, tôi hằng nhớ mãi. Những việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã làm khiến cho mắt tôi thấy được sự hiện diện của Ngài trong mỗi giây phút cuộc đời tôi. Thật Ngài là Đấng Toàn Tri, việc gì chưa xảy ra thì Ngài đã biết trước.
Với tình yêu thương lớn lao, Ngài đã tiên liệu và chuẩn bị cho sự ra đi của anh Quảng được nhẹ nhàng, bình an. Qua bài giảng của Mục Sư Lộc, lời của Ngài đã nhắc nhở, yên ủi anh Quảng trước khi về với Ngài.
Ngài đã cảm động Mục Sư Lộc mời anh Quảng cầu nguyện, rõ ràng đó là lời kêu gọi anh Quảng về với Ngài và anh Quảng đã tuyệt đối vâng phục, sẵn sàng ra đi không do dự, không sợ hãi. Ngài cũng giục lòng đưa đường chị Quảng và người con trai út ra đến trại đúng lúc để viếng phần mộ anh Quảng.
Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng không việc gì mà Ngài không làm được. Ngài có quyền trên sự sống và sự chết của con người.
Qua sự việc anh Quãng mà tôi đã chứng kiến, tôi càng vững tiến niềm tin nơi Chúa, hết lòng tôn thờ và vâng phục theo Ngài. A-Men

Thưa các bạn đọc thân mến,
Sau khi đọc xong bài làm chứng nầy, nếu lòng các bạn thấy cảm động muốn tin nhận Đức Chúa Jesus Christ làm cứu Chúa của mình, tôi khẩn thiết nài xin các bạn hãy quyết định ngay để tội lỗi các bạn được tha, linh hồn các bạn được cứu rỗi, đời sống các bạn được Chúa biến đổi. 
Xin mời các bạn đến bất cứ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nào gần nơi bạn cư trú để được hướng dẫn tiếp nhận Chúa.
Nguyễn Hữu Có.

Năm 1994, "Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố HCM" mời ông tham gia vào tổ chức này. Tuy không phải là một "đảng viên đảng CSVN), nhưng ông Có với tư cách một "Nhân Sĩ Tự Do"  để sau đó được nhà cầm quyền CSVN đưa tên ông vào danh sách "Thành Viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam".
Đến cuối năm 2004, ông được bầu làm Ủy Viên trong Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (CH/XHCN/VN), và là "thành viên" trong "Ban Liên Lạc Việt Kiều Yêu Nước". Đến lúc nầy, Tướng Có được nhà cầm quyền CSVN xem như một "biểu tượng" cho sự "hòa giải dân tộc", nhằm xóa bỏ đi hận thù của 30 năm trước (tính từ năm 2004 về trước), đối với quân dân Miền Nam!...
Vào khoảng tháng 4/2010 báo "Tuần Việt Nam" đã có bài viết "nhắc lại cuộc gặp giữa Tướng Nguyễn Hữu Có và Tướng Võ Nguyên Giáp" (đây là lần đầu tiên vợ chồng ông Có được Mặt Trận Tổ Quốc mời ra Hà Nội họp) như sau:
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lần đầu tiên gặp ông Nguyễn Hữu Có đã cầm tay mà nói theo cách xưng hô theo giọng nói miền Trung: 'Chào mi, ta với mi lúc trước hai đứa hai chiến tuyến, nhưng nay ta đã là hai anh em’..."
Ngày 3/07/2012, tại nhà riêng ở Tân Phú (Sài Gòn), lúc 11 giờ 38 phút, Tướng Có đã vĩnh viễn ra đi... hưởng thọ 87 tuổi
(Còn tiếp)

HỒ QUÂN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.