Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
Bài 5 - thơ MÀU TÍM HOA SIM và CHUYỆN BÊN LỀ

Tôi bèn làm một bài thơ gửi về tòa soạn.
Ngày hôm sau tôi nhận được điện khẩn của anh Xuân Diệu:
“Hữu Loan về tòa soạn ngay!”.
Chai lì như tôi mà vẫn thấy lo lắng. Vừa về gặp anh Xuân Diệu, tôi hỏi ngay:
“Cái gì đấy anh? Lành hay dữ?”
Xuân Diệu trấn an ngay:
“Bài thơ hay quá!”
Tôi không khỏi lạ. Hay sao lại phải điện khẩn về, ai mà không khỏi hoảng.
“Nhưng phải sửa một câu thì mới đăng được.”
Tôi vội hỏi:
“Câu nào?”
“Câu: Cụ Hồ như trời cao / Kêu làm sao cho thấu!”
Tôi hơi bực:
“Ðăng thì đăng cả, bỏ bỏ cả, cả bài tôi chỉ thích có câu ấy.”

Một lúc rồi Xuân Diệu mới rủ rỉ như tâm sự:

“Ðể câu ấy thì ra Bác kính yêu của chúng mình lại xa quần chúng à?”
Tôi khẳng định:
“Bác là thánh là trời thật, nhưng khi có những người cản mắt Bác thì Bác thấy quần chúng làm sao được. Chính những người như anh đang che mắt Bác đấy. Làm như tôi, lại không che. Tôi đề nghị anh thỉnh thị Bác, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài thơ này.”
Tôi không hiểu anh Xuân Diệu có dám thỉnh thị Bác không, nhưng bài thơ của tôi không được đăng. Tôi chắc lý do không đăng là vì Bác lúc nào cũng quan tâm đến quần chúng, khi quần chúng khổ đã phải thét lên thành tiếng thì Bác không thể nào bình tĩnh được.
Bài “tự phỏng vấn” dừng ở đây, để tiếp theo phần “tự thuật” của nhà thơ).
Năm 1988, tôi 'tái xuất giang hồ' sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gíó -> gió . Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Ðồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí - xuất bản và đổi mới thực sự.
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với gía -> giá 100 triệu đồng. Họ bảo, đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi.
(Chuyện này, theo Lê Thọ Bình, phóng viên VTC News , là người đưa ông Chính đến tận nhà của nhà thơ Hữu Loan vào năm 2004, kể lại như sau:
“Trời đứng bóng chúng tôi mới tới được nhà ông, đứng ngoài cánh cổng bằng tre gài sơ sài, tôi réo thật to:
“Cụ Loan ơi!... Cụ Loan ơi!...”.
Lát sau, ông lững thững đi ra, áo may ô ba lỗ màu cháo lòng, quần đùi lửng, tay cầm chiếc quạt mo, vỗ phành phạch mấy cái vào đùi hỏi vọng ra:
“Ðứa nào đấy?”.
Ông nheo mắt nhìn vào mặt tôi, rồi chợt nhận ra, có vẻ rất vui, cười sảng khoái. Ông bảo:
“Trừ mày ra, bố bảo đứa nào dám réo tên tao oang oang như rứa...”.
Khi biết mục đích chuyến thăm ông lần này là Công Ty Vitek muốn mua độc quyền bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của ông với cái giá 100 triệu đồng, ông tỏ ra khá sửng sốt.
Ông mời chúng tôi ngồi bên cái chõng, dưới gốc cây khế ngoài vườn, rồi lặng lẽ rót rượu ra mời khách. Mái tóc ông bạc trắng, để dài xõa xuống ngang vai, trước trán găm một cái bờm bằng nhựa màu huyết dụ. Bước vào cái tuổi cửu tuần rồi mà mắt ông vẫn còn tinh anh, giọng ông còn sang sảng, chỉ có điều, trông ông hơi hốc hác, những gân cổ và xương quai xanh nổi gồ cả lên, như đắp bằng thạch cao, như vạc bằng rìu. Nhấp một ngụm rượu, ông nhìn vào ông Giám Ðốc Chình (VTB ) như thăm dò:
“Thế các ông lấy bao nhiêu phần trăm?”.
“Của cụ hết cụ ạ”...
Sau khi nghe ông Chính nói vậy, ông cười khà khà, quạt lấy quạt để...”).
Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia 'lộc' cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi gìa -> già , sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan.
Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán...

Nguyễn Hữu Ðán, một trong 6 người con trai của nhà thơ kể về cha mình (qua bài viết của Lưu Hà), như sau:
“...Trong 6 anh em trai chúng tôi, không ai có được dung mạo đẹp như bố. Bởi vẻ đẹp của bố như toát lên từ tính cách, tâm hồn phóng khoáng, thẳng thắn, cao thượng nữa...”.
Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Ðán (1969) là con trai thứ tám trong số 10 người con của nhà thơ Hữu Loan. Tuy còn nhỏ so với các anh, nhưng Nguyễn Hữu Ðán có trí nhớ rất tốt về cảnh sống khốn khó của gia đình bố mẹ mình. Hình ảnh người cha lầm luĩ -> lũi , ngày ngày lo kiếm gạo nuôi con khó có thể xóa được trong tâm tưởng của anh... Anh tâm sự:
“...Thời đó, nhà nào cũng khổ, nhưng riêng gia đình của bố mẹ tôi rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo hơn, vì cả gia đình sống ngoài hợp tác, nên không hưởng được chế độ tem phiếu mà thiết yếu nhất là gạo thịt chứ đứng gì đến các loại tem phiếu khác. Chúng tôi cả thảy 10 anh em chỉ sống nhờ vào những chuyến xe đá kĩu kịt của bố và những mớ bánh bán chui nhủi của mẹ (bà Phạm Thị Nhu). Nhà Nước cấm nghiêm ngặt việc chế biến, buôn bán, giết mổ, nên muốn có mỡ làm bánh, nên bố mẹ phải nuôi chui một con lợn trong chuồng kín, đến khi giết nó để có mỡ và thịt thì bố phải trộn tro và ớt đổ cho lợn bị sặc, rồi cho vào bao tải, ngâm xuống ao cho đến lúc chết hẳn rồi mới giết nhắm tránh tiếng kêu của nó khiến cho hàng xóm biết được. Làm ra mớ bánh, gánh bún, phải bỏ ra biết bao nhiêu nhọc nhằn, lam lũ của bố mẹ... Nhưng vẫn chưa trót lọt vì có những hôm phòng thuế bắt chợ (nhân viên thuế kiểm tra những người buôn bán tại chợ), cũng như những người buôn bán không thuế khác, gánh bún của mẹ tôi bị hắt hết xuống hào... Mẹ tôi vì thương con, xót của, bà vừa chảy nước mắt, vừa lội xuống hào để bốc về. Những lần như vậy, bố tôi phải đem ra đãi nước cho hết cát đi cho cả nhà ăn trừ bữa. Nhà đông miệng ăn, gạo thường phải trộn thêm rau, nấu thành cháo, ưu tiên chia phần theo thứ tự từ đứa bé đến đứa lớn. Nhà tôi cho đến giờ vẫn còn giai thoại về những người anh húp cháo nóng rất nhanh...
Nguyễn Hữu Ðán kể đến đây như muốn khóc, anh dằn được dòng nước mắt chực trào ra lại, rồi kể tiếp:
“...10 anh em chúng tôi lần lượt lớn lên, tưởng như trời sinh voi, hẳn phải sinh cỏ. Nhưng với anh em chúng tôi thì không thể được hưởng “cỏ” hay “rác rến” gì... tất cả chỉ nhờ vào một người cha kiên cường và một người mẹ biết chắt chiu, tần tảo. Cha tôi ban ngày mòn vai, chai chân thồ đá, ban đêm còn vác te vó, xiếc tép nuôi con. Ðất nhiều, vườn rộng, ông chịu khó trồng rau, trồng sắn, để tháng ba ngày tám, phòng lúc đói có sẵn cái để đào lên cho các con ăn... Ðối với nhà nước thì bố bị chèn ép, còn họ hàng lại không chịu giúp đỡ mà còn nhiếc móc đủ điều cho rằng ông không biết “ăn theo thuở, ở theo thì”, cứ ngang bướng, khẳng khái mãi nên khổ thân. Anh em chúng tôi càng lớn lên càng tự hào về ông, ít ra thì ông đã cho chúng tôi thừa hưởng sự tài hoa và tính cách trung thực, thẳng thắn, mà trưởng thành... mặc dầu ai cũng gặp nhiều trắc trở vì thân thế của bố. Anh cả là anh Nguyễn Hữu Cương, đủ điểm đi học ở Liên Xô, nhưng không nhận được giấy báo, bố tôi buồn lắm vì nghĩ rằng chính mình đã làm cho con phải bỏ dở việc học để đi làm thợ. Rồi đến người chị thứ hai, đỗ Sư Phạm, cũng không nhận được giấy báo. Thấy cả hai đứa con đầu đều bị từ chối, bố tôi không thể ngồi nhìn được nữa, ông quyết đi hỏi cho ra lẽ. Ông lên Ty Giáo Dục huyện, huyện bảo xuống xã. Về xã, xã bảo lên huyện... Năm lần bảy lượt như thế, cuối cùng ông xông thẳng vào Ty Giáo Dục huyện tìm cho bằng được giấy báo của con... Hiện nay chị này là giáo viên dạy học ở quê.
Có thể nói trong anh em, tôi là người may mắn nhất. Sau khi tốt nghiệp PTTH , tôi không đi học lên Ðại Học, mà ở nhà mở xưởng cơ khí nhằm đỡ đần bố mẹ và các anh em. Sau 5 năm làm thợ, tôi ôn thi và thi đỗ vào trường Kiến Trúc. Bây giờ, thì tôi tạm gọi là có một cơ ngơi, rồi còn được làm Chủ Tịch Hội Ðồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Kiến Trúc Việt nữa. Ðể bù đắp một phần khổ cực và thiếu thốn của bố mẹ, tôi không thể nhìn họ làm lụng vất vả như xưa, họ cần nghỉ ngơi, thoải mái... Nhưng khổ nỗi, hình như nếp sống của họ vẫn quen theo lề lối cũ (dành dụm, chắt chiu, ăn uống kham khổ, làm lụng suốt ngày...), họ không thể chấp nhận những điều kiện có lợi cho họ mà các con đưa ra. Bố tôi vẫn cứ ăn uống rất đạm bạc, hầu như không ăn thịt, chỉ ăn ít cá và rất thích rau, dưa, hay chuối xanh chấm mắm tôm; mẹ tôi đến giờ vẫn cặm cụi giữ từng chiếc đũa sờn, vá từng chiếc thúng rách.
Vài ngày trước khi mất, bố gọi mẹ vào ngồi cạnh giường. Mẹ tôi lóng ngóng ngồi cả vào chân bố bị khuất dưới lớp chăn. Ông trìu mến càu nhàu:
“Sao đã sống với tôi cả 50 - 60 năm mà bà còn đè cả vào chân tôi thế này?”.
Mẹ tôi hỏi lại:
“Ông có thương tôi không?”
Bố tôi trả lời:
“Tôi không thương bà thì thương ai đây!”...
Bố tôi ra đi rất thanh thản. Trước đó vài hôm, ông còn âu yếm đùa vui với mẹ tôi những lời như trên. Chúng tôi cảm thấy đây quả là một sự mất mát quá lớn, không có gì bù đắp lại được. Ông đã để lại cho vợ cùng 10 người con, 37 đứa cháu nội ngoại, ngoài di sản thơ ca còn có cả một nhân cách sống.
Bố mất, tôi chẳng biết làm chuyện gì để bố ngậm cười nơi chín suối... Việc tôi chỉ có thể làm sưu tầm các bản thảo, gồm câu đối, thơ, trường ca và thơ dịch của bố mà để xuất bản rồi bảo tồn nó. Nếu có thể, thì tôi sẽ xây một “nhà lưu niệm nhỏ” tại chính nơi bố tôi đã gắn bó gần như cả cuộc đời...

Bà Phạm Thị Nhu kể về chồng mình (Tienphong Online ), như sau:
Tôi đẻ ba đứa ở Hà Nội, cũng gạo Nhà Nước đấy, nhưng đói lắm, mà cũng chỉ có rau muống chấm nước mắm thôi. Rồi vợ chồng dắt díu về quê. Ðẻ đứa thứ tư, đứa thứ năm. Hơn hai ngày đã phải dậy tráng bánh bán. Ðẻ đứa thứ sáu, bốn ngày cũng đã phải dậy tráng bánh bán. Ðẻ thằng Ðán, ba ngày liền không một hột cơm nào vào bụng, toàn đu đủ xanh luộc chấm muối thôi... Thằng Ðán thì giống tôi lắm... gương mặt bầu tròn của nó mà họa sĩ Cù Huy Hà Vũ đã vẽ tặng, tôi vẫn treo trên tường nhà, rất khác anh hai của nó thì giống bố hơn. Thằng Ðán chỉ giống bố nó ở tính cách, bản lĩnh và nghị lực thôi. Ngày mang bầu nó, người ta ốm nghén thì thèm bún ốc, hay bún chả hay gì gì khác, mình chỉ nghén cơm. Mà cơm thì... nhà chả còn hột gạo nào!
Hồi đẻ con Chung (con gái thứ sáu) chỉ một ngày sau đã phải đi chợ. Gánh đôi quang thúng không đi chợ. Vậy mà lúc về, một gánh nặng thóc gạo. Tiền đâu mà đong được? Người ta bán chịu cho thôi. Họ ế hàng, ngại gánh về, bán chịu còn hơn... Hình như họ đã nghĩ kỹ trước khi bán chịu cho tôi, vì bán cho tôi thì trước sa gì vợ chồng tôi cũng trả, không quỵt bao giờ. Ðược gánh gạo ấy, vợ chồng con cái chúng tôi sẽ xay thành bột, khi thì làm bánh đa, bánh cuốn, khi là bún, bánh đúc đem ra chợ bán, hay đổi gạo. Lấy công làm lãi, được đồng nào trả tiền nợ gạo. Chồng con được ăn bún ế, bánh ế, con lợn được ăn nước vo...
Nhiều lúc thấy tôi gánh nặng nhọc, mà còn phải đi đoạn dường dài những hai cây số, một người phụ nữ cùng làng thấy thế thì kêu lên:
- Vừa mới đẻ, chị đã gánh thế này mà không sợ sổ ruột à? Không kiêng cữ gì à? Sao không nhắn anh ra gánh đỡ?
Tôi trả lời:
- Ông ấy đi thồ đá, tối mịt mới về. Cũng chả còn hơi sức đâu mà gánh nữa!...
Người đàn bà giàu lòng thương người, ghé vai gánh hộ, lại còn dặn tôi đi chậm thôi.
Thấy vợ con đói khổ, ông nhà tôi cũng đau lòng lắm, ông gắng hết sức, đã tìm đủ cách... trong đó chỉ có “đi buôn” mà thôi! Không thể ngày ngày ngồi đập đá, tối đi xúc tép được...
Tôi nghĩ, buôn bán vặt vãnh quanh quẩn như mình thì chỉ kiếm được bữa rau bữa cháo, muốn kiếm được đồng quà tấm bánh, thì phải buôn to, chắc hẳn là kiếm được nhiều hơn. Tôi thỉ chỉ học tới lớp 4, chứ ông ấy là ông Tú thời Tây đâu phải đùa... Thế là tôi tích cóp được một món, vay thêm vài món nữa, đi đến chợ xa vùng ven biển, mua bòn cá khô của bà con mang về. Tất cả là 17 cân, với mấy chục chiếc chiếu Nga Sơn nổi tiếng quê mình. Lại thêm mấy bánh thuốc lào nữa cho đa dạng hàng hóa... đem về chọn ngày lành, đẹp trời, giao hết cho bố chúng nó chất hết lên xe thồ... Bây giờ, cũng xe thồ ấy, không những đang chất chứa hết tài sản gom góp, mà còn thêm cả niềm hy vọng lớn cho sự thay đổi được nếp sống khổ cực hiện tại của gia đình... Tôi đùa với ông:
Ông Tú Loan của tôi ơi! Ông nhớ cẩn thận, mọi khổ cực của mấy đứa nhỏ nằm hết trên chiếc xe nầy... Ông đi mau rồi về...
Ông nhà tôi chỉ cười, rồi còng lưng đẩy xe thồ ra khỏi cửa, nhằm hướng huyện miền núi Cẩm Thủy mà đi. Nhìn đôi chân khẳng khiu của ông dang từng bước kềm giữ cho xe thồ đứng vững, tôi thấy mình đau lòng quá... Cũng đôi chân đó trước đây chỉ quanh quẩn trong vùng núi Vân Hoàn, hay quẩn quanh trong xã thôi, nay phải đi xa hơn... tôi như muốn khóc, nhưng khi nghĩ đến con, tôi quay vào...
Sau chuyến đi nhiều ngày trở về, ông vui vẻ kể chuyện với vợ con về những ngày xa nhà... toàn những chuyện người nọ thế này, người kia thế nọ, nhiều nhất vẫn là chuyện ông phó cối tự xưng là hậu duệ của Trạng Trình... ông không kể gì đến chuyện lời lỗ trong chuyến bán hàng...
Tôi cứ ngồi chờ, các con cũng ngồi chờ... Ông tiếp tục:
- Ông “phó cối” ấy tốt thật, tôi đã biếu ông ta cả bánh thuốc lào!
Bà Nhu nghĩ thầm: “thôi bỏ mẹ rồi”, và hỏ:
- Tôi chỉ cần ông nói là chuyến nầy lãi được bao nhiêu?...
Nghe vợ hỏi, ông móc túi bỏ ra một mớ tiền nhàu nát quăn queo. Cả nhà xúm lại vuốt từng đồng, xếp lại từng loại, đếm từng tờ. Ðếm đi đếm lại nhiều lần vẫn chỉ có thế... Ông lại lục lọi tí này, móc hết túi kia, tìm trong bị nọ, cũng chỉ có thế... Bà buồn rầu trách:
- Ông biết đó, chuyến đi buôn này vốn của gia đình chỉ bằng móng tay, còn tiền vay thì bằng cả một vốc tay, ông làm thế này thì chỉ có “cạch” đến già... rồi thở dài chán nản...
Biết tôi giận lắm, ông giả lả với các con:
- Ði buôn kể cũng vui đáo để, hễ gặp nhà nào cũng sà vào, bán được hàng, lại được trò chuyện, khoái làm sao ấy! Một hôm đang trên đường chào hàng thì gặp một người cũng lang thang như bố, Ông nầy không buôn bán gì, mà làm nghề đóng cối xay. Cối tre, cối đất, ông ta đóng được tất. Chỉ hơn hai ngày là xong một chiếc cối, chủ nhà bỏ thóc vào xay thử, gạo, trấu rơi xuống rào rào. Sàng thử, không một hạt thóc sót mới tài... Thấy cái tài của ông ta, bố gợi chuyện... Phải công nhận là tài kể chuyện của ông ta còn tài hơn nghề đóng cối của ông ta nhiều, ông kể như thế này:
“Có lần đến vùng biển đóng cối, ông ta thăm ngôi đền thờ Trạng Trình. Ngôi đền này đã có lần bị Nguyễn Công Trứ cho dỡ đi để làm thủy lợi gì đó. Công việc phá dỡ đang tiến hành thì lộ ra một hàng chữ “Minh Mệnh Thập Tứ, Thằng Trứ Phá Ðền”... Lời tiên tri của quan Trạng ghi trong bia làm cho Nguyễn Công Trứ quá sợ, liền cho dừng việc phá dỡ lại, còn tu bổ khiến đền Trạng khang trang chắc chắn hơn. Chả biết thực hư thế nào, nhưng nghe như vậy, bố khoái chí lắm.
(Theo sử sách thì năm Minh Mệnh thứ 9 (1828 - Mậu Tý) Nguyễn Công Trứ có được phong chức Doanh Ðiền Sứ trông coi việc chiêu mộ dân (kể cả những người bị án tù, cũng được huy động, coi như để lấy công chuộc tội) để quai đê lấn biển khai khẩn đất hoang, làm nên những vùng đất trù phú là Hải Hậu (Nam Ðịnh), Kim Sơn (Ninh Bình) bây giờ. Ngoài ra, ông còn cho đào những con sông vừa để dẫn thủy nhập điền vừa làm đường giao thông thuận tiện, nay vẫn còn. Vì thế chuyện ấy cũng có thể xảy ra lắm).
Không biết vì lịch sự, hay vì thương chồng, tôi vẫn cứ nghe, ông tiếp:
- Bảo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đấy trên dưới hai trăm năm đã tiên tri như thế thì cũng khó tin lắm. Nhưng cần gì. Ðã là giai thoại thì tính xác thực không phải là vấn đề lớn, miễn là nó mang lại khoái cảm trí tuệ là được...
Thế là mẹ con chúng tôi không thể làm gì được ổng...
Từ đó chúng tôi phải tiếp tục sống như cũ...
Mãi đến sau năm 1975, đất nước hết chiến tranh, nhà tôi không bị “giam lỏng” nữa, ông mới rời Nga Sơn, ra Hà Nội, rồi đi vào Sài Gòn. Bạn bè gọi ổng “tái xuất giang hồ” gì đấy, ai mà biết. Cũng có thể vì bạn bè, mà cũng tại bạn bè, kể cả những người chưa quen biết nhưng quá hâm mộ ổng, họ mời mọc, chèo kéo... Tính ổng vẫn vậy, hễ vui là quên hết, ổng được họ mời về nhà, nếu được lưu ở lại vài ngày thì họ càng vui mà ổng cũng vui...
Tờ báo đến tay tôi, tôi tức quá, xé thủng hình của cô kia đi, chỉ còn để lại hình bố mấy đứa nhỏ... Tôi biết là trước khi cưới chị Nhiên, ổng đã yêu nhiều người, và với người yêu nào, ông cũng có thơ tặng. Ổng còn nói với tôi:
- Người ta yêu mình, mình yêu lại thì có sao đâu, nhưng chỉ lấy một người làm vợ thôi!
Tôi tin lời ổng. Chị Nhiên mất, mấy năm sau ông mới lấy tôi, và cũng có bài thơ do ổng viết tặng, bài “Hoa Lúa” ấy mà:
“Em là con gái đồng xanh
Tóc dài vương hoa lúa
Ðôi mắt em mang chân trời quê cũ
Giếng ngọt, cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm
Trong lời em từng lời
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một
Em ca giữa đồng xanh bát ngát
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ
Có dân ca quan họ
Trai thôn Thượng, gái thôn Ðoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Quê hương ta núi ngất, sông đầy
Bát ngát làng tre, ruộng lúa
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương
Xa em năm nhớ, gần em mười thương
Còn bàn tay em còn quê hương mãi
Em mang nguồn ân ái
Căng ngực trẻ hai mươi
Và trong mắt biếc nhìn anh
Em gái quê si tình
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn...

Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu
Ta đi đầu sát bên đầu
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương”.
(1955).
Về chuyện cô Lam hay chị Lam nào đó chỉ vì yêu “Màu Tím Hoa Sim” thôi, chứ chồng tôi thì già lọm khọm, cục mịch, quê mùa... ai mà “yêu” cái nỗi gì? Nhưng thấy “hình ảnh” như thế thì tôi cũng bực lắm, không chịu được... Và càng lo cho ổng hơn. Nói thật thì tính của ổng rất xuề xòa, đã là bạn rồi thì không nghi kỵ gì hết. Tôi thì biết rõ ngọn ngành, đi đâu thì cũng có bạn bè lo hết, tiền tiêu pha, quà cáp, nhưng mọi vật tới tay rồi, không biết giữ gìn, sau đó biến dâu mất...
Khi ở Hà Nội thì ổng có cô Lam lo, rồi ổng tặng thơ... Ðến khi nghe ổng vào Sài Gòn cũng theo cái “mửng” cũ lại làm thơ tặng cô Hoài Tố Hạnh và cô Nguyệt Cầm nào đó... tôi đâm hoảng thật sự... Và nhất định vào Nam kéo ổng về...
(Xem Tiếp Bài 6)

HỒ QUÂN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.