Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
Bài 1 - thơ MÀU TÍM HOA SIM và CHUYỆN BÊN LỀ

Ðó là thời điểm những năm đầu của thập niên 60, khi bài “Những Ðồi Hoa Sim” xuất hiện, số người thích nó không phải ít... Với giọng ca lánh lót của Phương Dung cất lên, đã làm cho người nghe như chùng xuống vì như có cái gì đó làm họ phải thổn thức, phải rung động và nghẹn ngào nữa... Không chỉ dừng lại ở các cảm giác nầy mà người nghe còn đi xa hơn với sự liên tưởng đến một cuộc tình thật đẹp, nhưng quá ngắn ngủi bởi nghịch cảnh trong chiến tranh (...Ðể không chết người trai khói lửa, mà chết người em gái hậu phương...). Sự lôi cuốn của “Những Ðồi Hoa Sim” không giống như những bài hát nổi tiếng khác cùng thời. Nó không vui, không rộn ràng như bài “Gạo Trắng Trăng Thanh” của Hoàng Thi Thơ (do cặp Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm trình bày)... mà dân nhậu thường nghêu ngao trại ra: Ðêm hôm qua, đây cùng em, đi vespa trên con đường “tina” (tức Ca-ti-na)... Xe không phanh, rầm người ta, anh với em ủ tờ... Anh với em ở tù...”.
Thời đó giới thưởng thức nhạc thời trang (những bản nhạc có nhịp điệu đang thịnh hành) đa phần là “dân nghe ké”... “Dân có tiền” dĩ nhiên không thèm nghe ké, mà họ vào phòng trà, hoặc mua đĩa nhựa 45 tours về nhà bỏ vào máy hát... mở lên để thưởng thức. Nhưng đối với thành phần “nghe ké” có nhiều cách, như nghe trên Radio chẳng hạng... Họ nghe đi nghe lại nhiều lần đến nỗi thuộc lòng, rồi sau đó truyền ra bên ngoài, nhất là những nơi có những người đồng cảm... Ðiều này rất dễ thấy, vì cứ mỗi lần có dịp đi ngang qua những trụ nước cộng cộng, là thế nào cũng nghe được một vài bài ca loại này... Họ nghêu ngao theo đúng như lời của bản nhạc cũng có, mà lời hát trại ra cũng có, chủ yếu là để cùng nhau cười vui... miễn là choáng kín thời gian chờ đến phiên mình... hứng nước vào đầy thùng mang về... là được rồi. Bài “Những Ðồi Hoa Sim” cũng không tránh khỏi tình trạng này. Một điều rất thông thường (có thể có từ lâu?) đối với các bản nhạc nổi tiếng, hay bị nhại, nhưng vẫn theo đúng nhạc điệu của nhạc sĩ đặt ra, không biết có phải đây là sự thể hiện chất “văn nghệ” của người Việt Nam mình chăng?!...
Trở lại bài ca “Những Ðồi Hoa Sim”, dĩ nhiên lời ca không thể giống hệt như và bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” được. Nhạc sĩ dầu có tài giỏi cách mấy cũng khó phổ nhạc đúng theo từng câu thơ... Họ luôn luôn bị trở ngại về âm vận của thơ và “sol-fè” nhịp điệu của nhạc (thay vì trầm thì lời thơ lại bổng hoặc ngược lại)... Suy cho cùng thì ít có nhạc sĩ phổ nhạc theo đúng theo lời thơ của cả một bài thơ hay, mà họ chỉ cần làm công việc là bằng cách nào đó đưa được nội dung của bài thơ vào nhạc điệu do mình phổ để khi ca sĩ hát lên thì được thính giả hưởng ứng... Bản “Những Ðồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh đã làm được điều này.
Vào đầu bài ca, Dzũng Chinh đã mở đầu “Những đồi hoa sim... Ôi những đồi hoa sim...” chứ không theo lời mở đầu của bài thơi “Màu Tím Hoa Sim” (Nàng có ba người anh đi...) như nhà thơ Hữu Loan viết!
Trước khi bài ca “Những Ðồi Hoa Sim” ra đời, tuy nhạc sĩ Dzũng Chinh đã có nhiều ca khúc hay đóng góp vào làng văn nghệ thời bấy giờ, nhữngtên tuổi của ông chưa “nổi” lắm so với những nhạc sĩ khác cùng thời, nhưng đến khi bản “Những Ðồi Hoa Sim” với giọng ca của ca sĩ mới vào nghề Phương Dung, đã làm cho mọi người ngạc nhiên, buột miệng thốt lên hai tiếng thật ngắn gọn: “quá hay!”. Chính nó đã làm nổi bật tên tuổi của nhạc sĩ và ca sĩ!
Trước đó người ta chưa biết Phương Dung là ai vì cô ta chỉ là một cô bé tuổi học trò. Cô ta có tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946, tại Gò Công (nên sau này Phương Dung được nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho danh hiệu “con nhạn trắng Gò Công”) trong một gia đình tuy không phải là loại giàu có lắm, nhưng thuộc loại khá giả... Mẹ của Phương Dung là em gái của bà Hồ Biểu Chánh (nhà văn Hồ Biểu Chánh nổi tiếng ở đầu thế kỷ 20 của đất Nam Bộ... mãi đến ngày nay, qua bao thăng trầm của lịch sử, những tiểu thuyết của ông viết vẫn còn được độc giả mến mộ). Năm 1958, Phương Dung từ Gò Công lên Sài Gòn để thi vào lớp Ðệ Thất (trường Gia Long), rồi sau qua học tại trường Nguyễn Bá Tòng (Wikipedia.com).

Vốn ưa thích ca hát từ nhỏ nên mới 12, 13 tuổi, Phương Dung đã tự mình đến Ðài Phát Thanh Sài Gòn (1958) để xin ghi tên tham dự “tuyển lựa ca sĩ”... Sau khi vượt qua được vòng sơ khảo, rồi bán kết... nhưng đến vòng chung kết, Phương Dung bị đánh hỏng (2 trong 3 người được chấm đậu kỳ này là Nhật Thiên Lan và Thanh Sơn, Thanh Sơn là tác giả bản Nỗi Buồn Hoa Phượng). Không may mắn trong kỳ thi tuyển lựa ca sĩ, nhưng Phương Dung lại nhận được sự may mắn khác, cô được nhạc sĩ Khánh Băng (đang phụ trách chương trình Văn Nghệ Giải Trí của trường Thị Nghè) nhận dìu dắt... Từ đó, Phương Dung bắt đầu xuất hiện hát ở các phòng trà (phòng trà Tứ Hải của ông chủ Trần Cao Tăng, ông nầy từng làm Giám Ðốc Ðái Phát Thanh Pháp Á). Lúc đầu (khoảng 1959), tuy cùng hát tại các phòng trà với các ca sĩ nổi tiếng, nhưng Phương Dung chỉ được giao cho việc “hát lót” cho các ca sĩ đàn chị...

Ðến năm 1960, Phương Dung được về hát tại phòng trà Anh Vũ, nơi đây đang tụ tập nhiều ca sĩ tên tuổi đương thời. Tại phòng trà nầy, tên tuổi Phương Dung bắt đầu được nhiều người chú ý đến. Từ đây “con nhạn trắng Gò Công” cất cánh bay cao... và dĩ nhiên cô ta không còn là một ca sĩ “hát lót”nữa... Khán, thính giả đón nhận Phương Dung như đón nhận các ca sĩ nổi tiếng đương thời (Thanh Thúy, Trúc Mai, Bạch Yến, Bích Chiêu, Tâm Vấn, Phương Lan...) qua các nhạc phẩm tiền chiến như Thiên Thai, Khối Tình Trương Chi, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu...
Thế rồi bản nhạc “Nỗi Buồn Gác Trọ” của nhạc sĩ Hoài Linh và Mạnh Phát (không phải danh hề Hoài Linh, vì thời gian này “mẹ Hoài Linh 'hề' chưa về với cha”...) ra đời (1962), khán, thính giả rất ngạc nhiên khi nghe giọng ca Phương Dung cất lên...
Năm 1964, tài năng của Phương Dung lại càng được khán thính giả mến mộ hơn, xác định vị trí hàng đầu cho cô, khi giọng ca của cô vừa réo rắt, vừa nghẹn ngào trong nhạc phẩm “Những Ðồi Hoa Sim” mà nhạc sĩ Dzũng Chinh đã phổ nhạc theo bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của nhà thơ Hữu Loan. Ðến giai đoạn nầy thì tên tuổi Phương Dung “sáng chói” sánh ngang hàng với các ca sĩ “đàn chị nổi tiếng thời bấy giờ. “...
Cũng xin nói thêm (vì không dính dáng gì với bài thơ “Màu Tím Hoa Sim”...), vào năm 1965, Phương Dung ca bài “Tạ Từ Trong Ðêm” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, cô đã nhận được “huy chương vàng” của giải giành cho nữ ca sĩ trong năm! Sau giải nầy, Phương Dung còn có thêm mỹ danh “Con Nhạn Trắng Gò Công”, rồi cô ta bay mãi, bay mãi... trong vòm trời ca nhạc tại Miền Nam trước 1975.
Có nhiều người cho rằng, Phương Dung nổi tiếng nhờ vào bản “Nỗi Buồn Gác Trọ”, nhưng có nhiều người không đồng ý và cho rằng cô ta thực sự được nổi tiếng là nhờ vào nhạc phẩm “Những Ðồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh!
Theo dân thưởng thức “tân nhạc” thời đó, thì nhạc sĩ Dzũng Chinh không phải chỉ nổi tiếng ở bản “Những Ðồi Hoa Sim” mà còn có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác như “Tha La Xóm Ðạo”, “Các Anh Ði”... Người nhạc sĩ tài ba này có nhiều cống hiến cho giới văn nghệ sĩ Miền Nam, nhưng ông mất quá sớm, khiến ít người biết về thân thế của ông ta như thế nào... Chỉ phỏng đoán theo ngày tháng mà ông gia nhập quân lực VNCH cho đến khi bị tử nạn (?) trên đường công vụ...
Một số tài liệu nói rằng: Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chinh (không ghi ngày tháng năm sinh, cũng như năm mất), tham dự khóa 39 HSQ Trừ Bị Quang Trung (vào khoảng tháng 9 năm 1965), rồi sau đó một thời gian, xin tham dự vào khóa Sĩ Quan Ðặc Biệt (không ghi tên khóa) của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức (còn có tên gọi là Trường Bộ Binh Thủ Ðức, Trường Võ Khoa Thủ Ðức). Theo Lương Y Hòa trong hoa@dongnhacxua.com (bạn đồng ngũ với Dzũng Chinh) thì khi về công tác tại Trung Tâm Truyền Tin Ðà Lạt có nghe tin Dzũng Chinh “vừa chết tại Quy Nhơn”!

Một tài liệu khác thì nói rằng, Nguyễn Bá Chinh là tên do cha mẹ của ông ta đặt ra, còn Dzũng Chinh chỉ là biệt hiệu ghi trên các bản nhạc mà ông ta sáng tác ra. Khi còn là sinh viên Trường Luật (Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn, 1961, 1962 hay 1962, 1963), Dzũng Chinh cho phổ biến nhạc phẩm “Những Ðồi Hoa Sim”. Qua tiếng hát ngọt ngào của Phương Dung, khiến cho cả ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác đều nổi lên như cồn... Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức (không rõ tên khóa), Nguyễn Bá Chinh được “điều xuống miền Tây” để nhận công tác. Và trong một chuyến công tác khác, “xe của ông bị trúng mìn VC trên quốc lộ 4” nên ông (Chuẩn Úy Nguyễn Bá Chinh) đã bị tử nạn, xác được đưa về chôn ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp (?),với bia ký đề “Cố Thiếu Úy Nguyễn Bá Chinh” (?)(diemhenViet.com)

Cả hai tài liệu nói về nhạc sĩ Dzũng Chinh đều có những chỗ không mấy rõ ràng... Trong hoa@dongnhacxua.com thì nói chết tại Quy Nhơn, nhưng trong diemhenViet.com thì nói chết trên QL 4! Vấn đề thứ hai nếu đã là sinh viên của Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn từ năm 1961-1962, thì làm gì có chuyện tham dự vào khóa 39 HSQ Trừ Bị Quang Trung vào thời điểm 1965! Còn nếu sau khi tốt nghiệp Trung Sĩ khóa HSQ rồi vài năm sau được tham dự khóa Sĩ Quan Ðặc Biệt tại Trường Bộ Binh Thủ Ðức, thì Dzũng Chinh làm điều này có vô lý không? (những tiêu chuẩn do trường BBTÐ áp dụng đối với những ai được tham dự khóa này, có lẽ không cần phải có trình độ cao như sinh viên Luật Khoa Nguyễn Bá Chinh (vì bằng cấp tối thiểu của ông ta hiện có lúc đó là Tú Tài 2), mà theo tôi biết thì muốn được tham dự khóa Sĩ Quan Ðặc Biệt nầy chỉ dành cho những người từng mang cấp bậc Trung Sĩ nhưng được sự đề nghị của đơn vị trưởng mà người đó đang phục vụ với những lý do được quy định; còn nếu bình thường thì vị Trung Sĩ đó phải học thêm để có được bằng Tú Tài 1, và phải làm đơn xin được học khóa Sĩ Quan Ðặc Biệt (chỉ có quyền làm đơn thôi, còn vấn đề được đơn vị trưởng chấp nhận hay không chấp nhận là vấn đề khác).
Sở dĩ có chuyện dông dài chỗ nầy vì người viết nghĩ rằng độc giả khi đọc những dòng mà người viết vừa trình bày, sẽ có những vị hiểu biết rõ về nhạc sĩ Dzũng Chinh để “chỉnh lại” giúp, chứ hiện tại cứ nói rằng trên “bia mộ” chỉ ghi đơn giản... như thế thì thật khó tin, vì “Cố Thiếu Úy” mà không có ghi năm sinh, năm mất... thì thật vô lý.
Sau ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm, bài ca “Những Ðồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh vẫn được lưu truyền, nó không phải do “ca sĩ nhà nước” trình bày (vì đây là nhạc vàng), nên chỉ những người hành khất hát dạo, hay do các người bán kẹo kéo dùng cassette cho phát lại những băng nhựa cũ...
Thế rồi, đường xe lửa Nam Bắc làm xong, một số gia đình phía Bắc được vào phía Nam thăm bà con, trong số nầy có nhà thơ Hữu Loan. Vào một buổi chiều, đang thong thả dạo phố Sài Gòn, ông già Hữu Loan chợt nhận ra có lời ca tiếng hát nào đó vọng lại nghe “quen quen”... tò mò, ông bước đến đó... Một người cụt chân, quần áo rách rưới đang sống bằng nghề hát dạo kiếm tiền độ nhật. Ôm cây Guitar cũ rích, ông ta vừa đàn vừa hát... “Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim...”. Hữu Loan bước đến ngồi xuống bên cạnh người nghệ sĩ “nghiệp dư này một cách rất tự nhiên... Chờ cho bản nhạc dứt, Hữu Loan đề nghị với người hát dạo:
- Xin anh bạn cho tôi nghe lại bản nhạc và lời ca của bài hát này một lần nữa... có được không?
Dĩ nhiên, đối với khách yêu cầu thì người hát dạo chấp nhận, anh ta không lên tiếng trả lời mà chỉ gật đầu, dạo nhạc, rồi cất tiếng:
- “Những đồi hoa Sim,
ôi những đồi hoa sim... tím, chiều hoang biền biệt...
Vào chuyện ngày xưa
nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến, ai hẹn được ngày về...
Rồi một chiều mây bay...
từ nơi chiến trường Ðông Bắc lần ghé về thăm xóm,
hoàng hôn tắt sau đồi.
Những chiều hành quân,
ôi những chiều hành quân, tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều rừng mưa,
được tin em gái mất, chiếc thuyền như vỡ đôi...
Phút cuối không nghe được em nói, không nhìn được một lần,
dù một lần đơn sơ.
Ðể không chết người trai khói lửa,
mà chết người em gái hậu phương tuổi xuân thì...
Ðiệp khúc:
Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ
Ôi đồi sim tím chạy xa tít tan dần theo bóng tối
Xưa xưa nói gì bên em...
Một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên
Nói nói gì cho mây gi
Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết
Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang
Ðến ngồi bên mộ nàng
Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới
Thoáng buồn trên nét mi
Khói buốt bên hương tàn nghi ngút
Trên mộ đầy cỏ vàng
Mà đường về thênh thang
Ðồi sim vẫn còn trong lối cũ
Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều!”...
Nghe xong bản nhạc, ông già Hữu Loan đứng dậy, cặp mắt lờ đờ gần như ngấn lệ, móc trong túi ra hết số tiền còn lại giao cho người hát dạo, và nói:
- Anh bạn ca hay quá, tôi là tác giả bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đây!
Nói xong, nhà thơ Hữu Loan lặng lẽ bước đi, trước sự ngơ ngác của mọi người...
Về bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của nhà thơ Hữu Loan phổ biến trên (thica.net) như sau:
“Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ Quốc Quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
 bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi

Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

        Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Ðầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh...

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần.

        Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Ðông Bắc
Ðược tin em gái mất
trước tin em lấy chồng

      Gió sớm thu về
rờn rợn nước sông
Ðứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim...
Những đồi hoa sim...
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu...

      Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...”.
 (1949, khóc vợ Lê Ðỗ Thị Ninh)
Trích trong www.thivien.net: Ðây là bài thơ được xác nhận là bản gốc. Hiện nay cũng như trước đây có nhiều bài “Màu Tím Hoa Sim” lưu hành, nhưng thường chỉ đến hai câu: Áo anh sứt chỉ đường tà - Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.. là hai câu cuối...
(Xem tiếp Bài 2)

HỒ QUÂN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.