Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 9

Tiếp theo Bài 8 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

IV. SỐ VÀ CÁCH DIỄN ĐẠT CON SỐ TRONG TRUYỆN KIỀU

1. SỐ 1, SỐ 2 VÀ CÁCH DIỄN ĐẠT SỐ ÍT, CÁCH DIỄN ĐẠT VẤN ĐỀ CHƯA ĐỦ CẤU THÀNH MỘT NỘI DUNG

Việc sử dụng số 1, số 2 trong văn hóa dân gian Việt Nam nhằm để diễn đạt số ít, diễn đạt vấn đề chưa đủ cấu thành nội dung. Cách diễn đạt này, thời xưa không dùng cho con người như cách nói "Việc này chỉ 1, 2 người làm được" vì 1, 2 là số ít nên nó mang tính xác định, chứ không diễn đạt chung chung...mà diễn đạt đúng chuẩn là "Việc này chỉ duy nhất 1 người làm được hoặc có 2 người làm được là ông A, bà B". Vì từ sự quan sát tự nhiên, loài người tự bản thân đã là số nhiều, không thể đếm, nên để chỉ một số ít người, dân gian thường diễn đạt chỉ khoảng 3, 4 người (là số quan sát thấy, không dùng 5 vì 5 phải đếm mới biết được) hoặc cách diễn đạt số ít người không xác định như "một vài người", "chỉ có mấy người" không có cách nói "họa may có 2 người" hoặc may ra có 1 người vì 1, 2 là số ít có tính xác định. Trong Truyện Kiều có câu: "Sau chân theo một vài thằng con con" để chỉ số ít trẻ theo hầu Kim Trọng trong tiết Thanh minh.

Còn đối với một sự việc, một nội dung, để chỉ số ít, chưa đủ để cấu thành nội dung người ta chỉ dùng số 1, 2 mà tuyệt đối không dùng số 3 vì số 3 đã là "số", là sự đủ tối thiểu để cấu thành nội dung.

Vì nguyên lý nhận thức số này mà trong văn hóa phương Đông cụ thể ở Trung Quốc và Việt Nam là bất cứ một nội dung nào cũng cấu thành từ 3 yếu tố (tối thiểu) như:

Tự nhiên thì có: nước, lửa, gió.

Con người có: tinh, khí, thần.

Bầu trời có: Mặt trời, Mặt trăng, các vì sao.

Vũ trụ có: thiên, địa, nhân

Trò chơi có Ba hoa, Tam cúc, Tụ tam (Tổ tôm), sách giáo dục có Tam Tự Kinh, Phật pháp có Tam bảo...

Trong Truyện Kiều, Nguyên Du dùng cách nói số ít ở một số câu sau đây:

- Một hai nghiêng nước nghiêng thành (27)

- Chút chi gắn bó một, hai (341)

- Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang (1318)

- Mà lòng đã chắc những ngày một hai.(2282)

- Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai (288)

...

A. CHÚT CHI GẮN BÓ MỘT HAI (341):

Kim Trọng sau khi thuê được nhà hàng xóm của gia đình Thúy Kiều rồi đợi chờ cơ hội được gặp gỡ Kiều. Dịp may tới, khi Kiều chủ ý cài kim thoa trên cành đào để Kim Trọng "bắt được của rơi". Sau đó, hai người đã gặp gỡ nhau, Kim Trọng liền tặng quà để tỏ rõ thịnh tình "Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông" (318) và tỏ rõ lòng mình (323-324)

Rằng: - “Từ ngẫu nhĩ gặp nhau,

“Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.

Rồi nhún nhường, khiêm tốn (329-330):

“Tiện đây xin một hai điều,

“Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”

Xin một hai điều ở đây không phải là số lượng điều hỏi mà là cách nói khiêm tốn, tế nhị không dám làm phiền, là cách nói hàm ý tôi chưa đủ tư cách hỏi, căn vặn người đối diện. (Nếu hiểu là số lượng điều cần hỏi thì cách nói không xác định là "xin một vài điều" hoặc cách nói xác định là "tôi xin hỏi 1 điều hoặc tôi xin hỏi 2 điều"). Đó là cách diễn đạt theo quy ước số vì 1, 2 chưa cấu thành yếu tố đủ của nội dung "điều", câu hỏi. Nếu hỏi 3 điều, tức là đầy đủ tư cách hỏi và buộc Thúy Kiều phải trả lời cũng giống như cách hỏi: Cô có để ý, chú ý đến tôi không? Thì thật là bất lịch sự. Thông thường, dân gian xưa có cách nói, cách hỏi lịch sự: Khí không phải, chứ tôi có xứng với em không? Hoặc ngày nay thường dùng: Xin lỗi, cảm phiền, rằng: em có chú ý tới tôi không? Các cách hỏi lịch sự này tương đương với "xin một hai điều" chứ theo quy ước số, không có cách nói "xin 3 điều", vì 3 điều là đủ quyền hỏi, tương đương với cách hỏi bất lịch sự.

Thúy Kiều đã trả lời Kim Trọng rằng (333-334)

“Dù khi lá thắm chỉ hồng,

“Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha."

Dù chúng ta có duyên số, duyên phận với nhau thì việc dựng vợ gả chồng cũng vẫn tùy thuộc vào ý cha mẹ.

Chính vì vậy, Kim Trọng một kẻ đang thầm yêu, trộm nhớ cũng sốt ruột, nóng ruột không yên tâm, nên đòi rằng (341-342)

Chút chi gắn bó một hai,

Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh.

Vậy "gắn bó một hai" là gắn bó thế nào?

Thông thường, ta hiểu là gắn bó một ít, gắn bó một chút. Nhưng vấn đề đặt ra là cái gì được gọi là gắn bó một chút? Cầm tay nhau, vuốt tóc nhau hay tặng khăn xoa, tặng quà?...

Như chúng tôi đã phân tích câu:

"Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai"

là phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" gồm 3 yếu tố: Vẻ đẹp, tài năng, thông minh sắc sảo. Yếu tố quan trọng là tài, thông minh sắc sảo thì cũng hội tụ đủ cả trong con người Thúy Kiều.

Vì vậy, cái nội dung "gắn bó" của đôi uyên ương cũng phải được cấu thành bởi 3 yếu tố:

- Trao tặng kỷ vật tình yêu

- Lời thề gắn bó, lời thề tình yêu

- Được sự chấp thuận của bố mẹ

Vậy Kim Trọng và Thúy Kiều đã gắn bó một, hai (một chút) trước khi được gắn bó đầy đủ là được thêm sự chấp thuận từ phía bố, mẹ.

Trân trọng, vị nể tấm lòng của Kim Trọng, Thúy Kiều cũng không nỡ kìm nén cảm xúc (348-352):

Rằng: -“Trong buổi mới lạ lùng,

“Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang.

“Đã lòng quân tử đa mang,

“Một lời vâng tạc đá vàng thuỷ chung!”

Cho nên, Kim Trọng "Được lời như cởi tấm lòng" vội vã thực hiện việc gắn bó một, hai.

- Trao tặng và trao đổi kỷ vật tình yêu (354-358):

Giở kim thoa với khăn  hồng trao tay.

Rằng: - “Trăm năm cũng từ đây,

“Của tin gọi một chút này làm ghi.”

Sẵn tay khăn gấm quạt quì,

Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.

Thời khắc linh thiêng, quan trọng của đôi uyên ương bắt đầu, rằng: Trời định cho chúng ta gắn bó từ đây và vật phẩm này để làm chứng cho tình yêu đôi ta, để ghi nhớ tình yêu này...

Đây là một lễ tục rất quan trọng trong tình yêu đôi lứa, vì thế thường diễn ra trong chỗ kín đáo, không có người và rất bí mật, vì người trong cuộc không muốn để lộ sự riêng tư. Đây cũng là tâm lý muôn đời của những người yêu nhau từ cổ chí kim trên toàn thế giới.

- Lời thề gắn bó, lời thề tình yêu

Thực hiện việc trao kỷ vật tình yêu đã xong, Kim Trọng và Thúy Kiều tiếp tục thực hiện lời thề tình yêu "Một lời gắn bó tất giao". Nhưng tình thế bất ngờ xảy ra làm đôi uyên ương phải tạm dừng lại sự thăng hoa tình yêu đang trào dâng vì "Mé sau dường có xôn xao tiếng người".

Thế là, như một đôi trai gái tình tứ vụng trộm, sợ bị bắt quả tang nên (361-62):

Vội vàng lá rụng hoa rơi,

Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang.

Câu chuyện tình đang lúc gắn bó một hai bị dang dở vì mé sau có tiếng người đành phải chờ đợi cơ hội khác nên lâm vào cảnh "Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia".

Với bất cứ một mối tình nào, lời thề tình yêu rất quan trọng, nó nuôi dưỡng tình yêu, nó là nguồn sống, động lực của tình yêu. Lời bài hát "Tình xa" của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có đoạn: Tình yêu như những dòng sông nhỏ. Ôi! những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa (Những dòng sông nhỏ sống được là chủ yếu dựa vào những cơn mưa, dựa vào lượng nước mưa).

Đứng về thủ pháp văn chương, Nguyễn Du cho người đọc hồi hộp biết chừng nào. Thật chẳng khác gì phim truyền hình nhiều tập ngày nay thường kết thúc một tập vào đúng lúc tình tiết phim gay cấn hồi hộp nhất. Thế mới biết rằng, cách nay khoảng 200 năm mà Nguyễn Du đã có những thủ pháp, nghệ thuật mà thời nay còn phải học tập.

Trở lại với diễn biến hành động gắn bó một hai của Kim Trọng và Thúy Kiều. Đương nhiên, với một chuyện còn dang dở nên cả Kim, Kiều đều lo lắng và mong chờ dịp gặp nhau để thực hiện nốt sự gắn bó một hai. Cho nên dịp may tới là khi gia đình bận việc dự sinh nhật bạn bè, Thúy Kiều bèn vội tranh thủ sang nhà Kim Trọng.

Dân gian ta có câu "Đầu xuôi đuôi lọt", sự khởi đầu cho một lời thề tình yêu đã có những trúc trắc vì mé sau có tiếng người nên cô gái mới lớn Thúy Kiều vốn tin lời mộng mỵ, đồng cốt thì sao không khỏi lo lắng cho được. Vì thế tâm lý Thúy Kiều vội vã "Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường", "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" nhưng vẫn âu lo mơ hồ vì cái sự "đầu không xuôi" dẫn đến "đuôi không lọt" (441-444):

Nàng rằng: -“Khoảng vắng đêm trường,

“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.

“Bây giờ tỏ mặt đôi ta,

“Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”

Dù sao, sự gắn bó một hai cũng được thực hiện nốt (447-452):

Tiên thề cùng thảo một chương,

Tóc mây một món, dao vàng chia hai.

Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Đinh ninh hai mặt một lời song song.

Tóc tơ căn vặn tấc lòng,

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Đó là lời thề gắn bó, lời thề tình yêu nên nó cũng gồm 3 việc: Viết lời thề trên giấy (văn bản); cắt tóc thề (thể hiện lòng đã quyết); cùng nhau ghi nhớ lời thề trước Trời (lời thề có Trời làm chứng - Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.)

Như vậy, 3 việc tối thiểu của việc gắn bó, Thúy Kiều và Kim Trọng chỉ mới thực hiện được 2 việc (còn một việc chưa thực hiện được là được sự đồng ý của cha mẹ) vì thế mà gọi là "gắn bó một hai".

B. "NỖI QUÊ NGHĨ MỘT HAI ĐIỀU NGANG NGANG" (1318)

Ngang ngang là không rõ ràng, không chắc hẳn là thế này, thế kia. Ví dụ, chúng ta đến bữa cơm nhưng bụng thì ngang ngang nửa muốn ăn, nửa không.

Nỗi quê là nghĩ về quê, nhớ về quê. Cũng như cách phân tích trên, nỗi  nhớ quê gồm 3 cái nhớ: Nhớ thời thơ ấu khi mình còn ở quê; nhớ gia đình, bè bạn, làng xóm; nhớ khung cảnh quê hương.

"Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang" là tâm trạng của Thúy Kiều lúc đang tắm; lúc đó Thúc Sinh vào và vì ngây ngất trước vẻ đẹp cơ thể của Thúy Kiều mà làm một bài thơ khen tặng, nhưng Thúy Kiều từ chối họa lại thơ bèn nói thác, nói tránh đi là mình đang nhớ quê nên không có lòng dạ nào làm thơ phụ họa.

Vì vậy, hiểu câu này là nỗi nhớ không phân định được, không rõ ràng là nhớ cụ thể về cái gì.

C. "MÀ LÒNG ĐÃ CHẮC NHỮNG NGÀY MỘT HAI" (2282)

Đây là câu của Thúy Kiều trả lời với Từ Hải khi Từ Hải chiến thắng, thành công trở về với binh hùng, tướng mạnh trong đoạn đích thân Từ Hải đón Thúy Kiều ở doanh trại (2275-2278):

Cười rằng: -“Cá nước duyên ưa,

“Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

“Anh hùng mới biết anh hùng,

“Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?”

Kiều đáp rằng (2279-2282):

Nàng rằng: -“Chút phận ngây thơ,

“Cũng may dây cát được nhờ bóng cây.

“Đến bây giờ mới thấy đây,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.”

"Ngày một hai" là cái ngày mà theo nguyên tắc nói số tức là cái ngày chưa đủ nội dung của "ngày". Vì vậy, hiểu cái ngày đầy đủ nội dung "ngày" mà Thúy Kiều nói là cái ngày "bây giờ" trong Truyện Kiều tức là ngày gặp mặt nhau của Từ Hải và Thúy Kiều hẹn ước sau một năm, là ngày thành công của hai vợ chồng đã có một quân đội vững mạnh. Cho nên nội dung cái "ngày" Thúy Kiều nói tới là 3 yếu tố gồm: Những ngày bàn mưu tính kế, những ngày chuẩn bị lực lượng, những ngày tấn tới thành công.

Vì vậy, ngày một hai là ngày chưa thành công, là những ngày Kiều và Từ Hải còn đang mưu sự.

D. TUẦN TRĂNG THẤM THOẮT NAY ĐÀ THÊM HAI (288)

Trở lại đầu Truyện Kiều khi chị em Kiều du xuân, dự hội Đạp thanh, tức là đầu tháng cuối cùng của mùa xuân (39-44):

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh

Trong cuộc du xuân này, Kim Trọng đã gặp hai chị em Kiều rồi về nhà. Day dứt nỗi nhớ, tương tư nên sau đó Kim tìm đến thuê nhà bên cạnh nhà Kiều để (283-286):

“Song hồ nửa khép cánh mây,

“Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.

“Tấc gang đồng tỏa nguồn phong,

“Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.”

Thế rồi, chàng phải chờ thời gian khá lâu nữa (287-288):

“Nhẫn từ quán khách lân la,

Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai”.

Rồi sau đó mới có cơ hội gặp Thúy Kiều. Vậy đây là thời gian Kim Trọng thuê nhà.

Thông thường, các chú giải câu này trong Truyện Kiều là "Tuần trăng thấm thoắt nay đà thèm hai" và chú giải như sau: Khảo dị: Thấm thoắt: đếm đốt (N5); thèm: thêm (Qn3,Qn5,Qn8), đầy (N2). Tuần trăng: một tuần trăng là một tháng Âm lịch. Thèm hai: gần được hai, suýt được hai. Câu 287-288: kể từ khi đến trọ ở bên nhà Kiều đến nay đã gần hai tháng trời.

Qn4: "Nhân câu này mà ngẫm ra thấy có một tình sự đáng buồn cười. Kim Trọng với Vương Quan là chỗ bạn học thân mà Trọng đến trọ sau nhà Quan đã gần hai tháng hai người không hề sang chơi nhau, mà Kim chỉ để ý ngấp nghé một sự khác. Chỗ đó nghĩ sao cho hợp tình?"

Vì Nguyễn Du viết thời gian được tính theo cách nói số dân gian nên các nhà phê bình, chú giải Truyện Kiều có lẽ không nắm vững vấn đề này nên chú thích rằng câu“Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai” là thời gian đã trôi qua hai tháng. Từ đó, gây tranh cãi, thắc mắc không ít. Người không dám trực diện phê bình Nguyễn Du thì viết như bản Qn4, nhiều người thì mạnh dạn phê rằng "mùa Xuân" trong Truyện Kiều kéo đến tận giữa mùa Hè, mùa Xuân kéo dài gần 5 tháng. Vì tính từ tiết Thanh minh đầu tháng 3 sau hơn hai tháng Kim mới gặp Kiều, lúc đó Nguyên Du mới cho "Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua". Đơn cử như đoạn trích dưới đây:

Mùa Xuân trong Truyện Kiều

Chị em Kiều du xuân, xem hội Đạp thanh, vào đầu tháng ba, tức là tháng cuối cùng của mùa Xuân:

 “Ngày xuân con én đưa thoi

“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”

“Thanh minh trong tiết tháng Ba...”

Trong cuộc du xuân này, Kiều đã gặp Kim Trọng và hai người thầm yêu nhau:

“Người quốc sắc, kẻ thiên tài,

“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.”

Khi xa nhau, hai người tưởng nhớ đến nhau. Kim Trọng đã tương tư Kiều đến độ phải tìm gặp nàng, rồi thuê nhà bên cạnh nhà nàng để:

“Song hồ nửa khép cánh mây,

“Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.

“Tấc gang đồng tỏa nguồn phong,

“Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.”

Thế rồi, chàng phải chờ thêm hai tháng nữa mới có dịp làm quen với nàng:

“Nhẫn từ quán khách lân la,

“Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai”.

Như vậy, kể từ tiết Thanh minh đến lúc Kim làm quen được với Kiều, đã hơn hai tháng trôi qua. Lúc đó ít sớm cũng phải là tháng năm, tức là đang mùa hè. Nhưng đến ngày “sinh nhật ngoại gia”, người ta lại thấy:

 “Lần lần ngày gió đêm trăng,

“Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.”

Bây giờ tác giả mới cho mùa Xuân trôi qua, mà thực tế là đang giữa mùa Hè. Vậy mùa Xuân trong Đoạn Trường Tân Thanh kéo dài gần năm tháng? Đó là một điều khó hiểu đối một tác phẩm được coi là “đại tác phẩm”

Trích trong bài: “Có nên định lại giá trị của Đoạn Trường Tân Thanh không?” của Tạ Quang Khôi 3/2006. Nguồn: http://cothommagazine.com

Vì vậy, chúng ta sẽ xét xem Nguyễn Du sai hay đúng?

Chúng ta lưu ý, sau mốc thời gian Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai (288), Kim Trọng gặp Thúy Kiều ở vườn đào, nói với Thúy Kiều rằng (326-327):

Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay.

Tháng tròn như gửi cung mây,

Như vậy, thời gian mà Kim Trọng nhắc đến là một tháng tròn. Đó là thời gian tính từ lúc Kim Trọng gặp Kiều trong tết Thanh minh cho đến khi gặp được Thúy Kiều ở vườn đào. Là thời gian mà Kim Trọng với hồn tương tư gửi tận cung mây.

Trước tiên chúng ta cần xác định các mốc giới thời gian: Tiết Thanh minh và ngày lập Hạ đó là khoảng thời gian nào cho dễ hiểu.

Tiết Thanh minh

Tiết Thanh minh là một trong 24 tiết khí của lịch tiết khí được phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Lịch tiết khí là một loại Âm dương lịch nên nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay (lịch Gregory) thì nó được tính theo vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. (không phải là Âm lịch thuần túy được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái đất).

Tiết Thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết Xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong dương lịch. Nếu lấy tiết Lập xuân là gốc thì Thanh minh cách tiết này khoảng 60 ngày. Tính theo âm lịch, nó rơi vào khoảng từ sớm nhất là giữa tháng Mão (tháng Hai) đến muộn nhất là giữa tháng Thìn (tháng Ba). Cho nên, trong Truyện Kiều có câu:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

...

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Lập Hạ: (Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.)

Lập Hạ là một trong 24 tiết khí của của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nó thường bắt đầu vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 5 Dương lịch hàng năm. Ý nghĩa của tiết khí này, là Bắt đầu mùa Hè. Theo quy ước, tiết Lập Hạ là bắt đầu từ khoảng ngày 5 hay 6 tháng 5 khi kết thúc tiết Cốc vũ và kết thúc vào khoảng ngày 21 hay 22 tháng 5 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Tiểu mãn bắt đầu.

Lịch Trung Quốc, cũng như lịch Việt Nam, bị nhiều người lầm là Âm lịch thuần túy, dẫn đến ngộ nhận về việc tiết khí nói chung và Lập Hạ nói riêng được tính theo chu kỳ của Mặt trăng quay xung quanh trái đất. Trên thực tế lịch Trung Quốc cổ đại là một loại Âm dương lịch, trong đó tiết khí, từ thời Hán Vũ Đế, đã được tính theo vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo xung quanh Mặt trời. Vì vậy, bây giờ chúng ta thường gọi là Âm dương lịch để phân biệt. Tiết khí đứng ngay trước Lập Hạ là Cốc vũ và tiết khí kế tiếp sau là Tiểu mãn.

Như vậy, từ tiết Thanh minh (4;5/4) đến Lập Hạ (5;6/5) theo Dương lịch là một tháng cũng tương đương tháng cuối cùng của mùa Xuân.

Thời gian từ tiết Thanh minh đến Lập Hạ là một tháng ứng với lời Kim Trọng nói với Thúy Kiều "Tháng tròn như gửi cung mây" và sau đó Nguyễn Du viết: "Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua", bắt đầu của mùa Hè (Lập Hạ).

 Như vậy, về mốc thời gian, Nguyễn Du đã không hề sai, hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý thời gian diễn tiến trong Truyện Kiều chỉ là ước lệ, còn các mốc thời gian là chính xác và theo thứ tự.

Vậy, vấn đề đặt ra là các nhà chú giải, phê bình Truyện Kiều hiểu câu: “Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai” là đúng hay sai và hiểu câu đó như thế nào?

D.1. Hiểu câu: Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai là thêm 2 tháng?

Nếu hiểu là thêm 2 tháng thì đây là một câu chỉ một đại lượng thời gian dịch chuyển. Vậy nguyên tắc để một đại lượng thời gian dịch chuyển cần yếu tố gì?

Các đại lượng thời gian gồm: giờ, ngày, tuần, tháng (tuần trăng), năm, tuần tuổi (thập kỷ), đời người, cuộc đời (thế kỷ)...

Ta lập cấu trúc câu trên như sau:

A= tuần trăng = các đại lượng thời gian

Câu thơ sẽ là:

A thấm thoắt nay đã thêm 2 (A? hay A'?)

Nếu hiểu: thêm 2 là thêm 2 A - tháng

thì liệu câu trên còn đúng khi ta thay đại lượng thời gian vào A.

A (đời người=100 năm) thấm thoắt nay đã thêm 2

Và kết luận: thêm 2 là 2 A - đời người:

Đời người (cuộc đời) thấm thoắt nay đã thêm 2 (đời người, cuộc đời) - thật quá vô lý!

Do đó, cách hiểu thêm 2 là 2 tuần trăng là lối suy diễn ngụy biện. Suy diễn ngụy biện vì suy diễn không theo nguyên tắc dịch chuyển của đại lượng thời gian.

Muốn nói một đại lượng thời gian dịch chuyển (trôi đi) phải trên nguyên tắc:

- Phải tạo cho đại lượng đó một khung thời gian lớn hơn.

- Phải xác định không gian, thời gian của người mô tả để xác định cách nói quá khứ, hiện tại, tương lai.

Ví dụ: Muốn diễn tả "canh" trôi qua, "canh" đã tàn mà không nói rõ canh nào (canh 1,2,3...) thì người ta phải tạo cho nó một đại lượng thời gian lớn hơn "canh" để "canh" có thể dịch chuyển - đó là đêm.

Đêm thu khắc lậu canh tàn (1119)

Muốn diễn tả ngày, tháng trôi nhanh ta phải tạo đại lượng thời gian lớn hơn (ngày và tháng) là năm. Ta thường nói "Ngày tháng trôi nhanh quá, mới ngày nào mà năm hết tết đến" có nghĩa là ta đứng ở thời gian giáp ranh tết. Hay "Năm sắp hết, tết sắp đến" là ta đang đứng trong tháng "củ mật", tháng tết.

Mặt khác, khi tạo một khung thời gian để chỉ sự dịch chuyển của một đại lượng thời nhỏ hơn thì đại lượng nhỏ hơn thường là đại lượng nhỏ liền kề.

Ví dụ: tạo đại lượng lớn là năm để cho tháng dịch chuyển, tạo đại lượng lớn là tháng thì tuần hoặc ngày dịch chuyển...chứ không ai tạo năm, tháng để nói phút hoặc giây dịch chuyển...

Vậy, nếu muốn tuần trăng (tháng) dịch chuyển ta phải viết chính xác là:

Thời gian thấm thoắt nay đã qua hai tháng. Và ta đang đứng ở thời gian tiếp tục của hai tháng đó.

Hoặc ta có thể xắp xếp lại từ nay trong câu thơ này thì sẽ thấy rõ vấn đề trạng từ xác định thời gian như sau:

Tuần trăng nay thấm thoắt đã thêm hai.

Câu trên như cách nói ngày nay là: tháng này thấm thoắt đã thêm hai.

Vậy cái tháng này thấm thoắt trôi qua không thể là hai tháng mà chỉ có thể là đại lượng thời gian nhỏ hơn tháng.

d.2. Hiểu câu này thế nào.

Trong câu này, Nguyễn Du không diễn tả nội dung thời gian trôi qua là bao nhiêu vì sau số 2, Nguyễn Du không viết đơn vị như tháng, tuần, ngày. Cho nên, đây là cách diễn đạt số để giải thích nội dung tuần trăng. Vì vậy, trong những mẫu câu sử dụng số như phân tích các câu trên, chúng ta không nên áp đặt đơn vị cho số. Đối với quy ước sử dụng số thì số 3 đại diện cho sự đủ của một nội dung, sự đủ của một vấn đề cần diễn đạt. Vì vậy 2 là số ít, số chưa đủ cấu thành nội dung, mức độ, tính chất của vấn đề được nêu, vì vậy Nguyễn Du dùng số 2 để giải thích nội dung tuần trăng là chưa trọn vẹn một tuần trăng.

Nhẫn từ quán khách lân la

Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai

Nhưng tại sao Nguyễn Du phải sử dụng cách nói số này để chỉ một khoảng thời gian. Thực ra, đây là cách diễn đạt thông thường của người xưa vì chưa có các cách tính tuần, ngày, hay các công cụ lịch như ngày nay nên người ta tính một khoảng thời gian vẫn theo thói quen bấm đốt (bấm đốt ngón tay) để tính ví dụ như: ngày Canh Tý, Tân Sửu, Nhâm Dần, Quý Mão...(4 đốt). Nếu gần xấp xỉ 30 ngày thì nói "tháng tròn", nếu còn chưa hết 30 ngày thì nói theo cách như trên (thêm 2, thèm 2).

Vậy, hiểu câu này là: Kể từ ngày lân la ở nhà trọ đến nay chưa đầy (đến) một tuần trăng.

Phân tích rõ hơn, là giả sử Nguyễn Du viết: tuần trăng thấm thoắt nay đã thêm 3.

Vì 3 là sự đủ của một nội dung nên hiểu thêm 3 là cái tuần trăng đó đã đủ là tuần trăng chứ không phải là non nửa tuần trăng hoặc già nửa tuần trăng. Nhưng, trong cách dùng số thì người xưa lại không dùng số 3 như trong trường hợp này mà ở đây chúng ta chỉ giả sử để hiểu rõ thêm mà thôi.

Để hiểu rõ văn phong của Nguyễn Du, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Kim Trọng nói với Thúy Kiều là "tháng tròn", còn Nguyễn Du nói về thời gian Kim Trọng ở nhà trọ lại không dùng từ "tháng" mà dùng từ tuần trăng (cũng là một tháng). Sự lựa chọn từ ngữ này là hoàn toàn có chủ ý của Nguyễn Du. Rõ ràng, Kim Trọng chỉ có thể nói với Thúy Kiều rằng: anh ở đây đã một tháng (chỉ quãng thời gian) mà cả cái tháng đó tâm tưởng như gửi cung mây. Còn Nguyễn Du dùng tuần trăng để mô tả, để gợi cho ta thấy tâm trạng lãng mạn, tương tư của Kim Trọng vì đối với khung cảnh thiên nhiên liên quan đến quan hệ lứa đôi thì không thể thiếu Trăng.

Tóm lại: Nguyễn Du đã viết hoàn toàn chính xác. Một số nhà chú giải, phê bình sau này có thể không nắm vững cách diễn đạt số trong văn hóa Việt Nam hay cách diễn đạt số của Nguyễn Du khi chú giải câu này trong Truyện Kiều không tường nghĩa, từ đó gây sự lầm lẫn về cách hiểu nội dung Truyện Kiều.

(Xin xem tiếp Bài 10 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")
TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.