Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 8

Tiếp theo Bài 7 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

III. ĐÔI NÉT VỀ QUAN NIỆM CON SỐ CỦA NGƯỜI XƯA

Lịch sử loài người đã trải qua nhiều hệ đếm khác nhau. Những cơ số chủ yếu được sử dụng như cơ số 2 (hệ nhị phân), cơ số 5 (hệ ngũ phân), cơ số 12 (một tá), cơ số 20, cơ số 60…và nhờ phát minh số 0 (khu vực Ấn Độ) số 0 (Linh) Trung Quốc mà chúng ta sử dụng cơ số 10 (hệ thập phân) phổ biến như ngày nay. Việc chọn các cơ số 2, 5, 10, 20 dường như ban đầu gắn liền với đặc điểm của cơ thể con người như cơ số 2 - hai tay, cơ số 5 - bàn tay có 5 ngón v.v…

Đó là bằng chứng về nỗ lực của con người từ thời cổ đã đặt tên cho sự đa dạng của thế giới thực tại. Khoa học đã xác định rằng, số 4 là điểm mốc của sự nhận thức về số. Ta có thể dễ dàng nhận thức 1, 2, 3, 4 vật mà không cần đếm, nhưng từ 5 trở đi thì phải đếm mới biết là bao nhiêu; và một chuỗi số gồm 7 chữ số là “giới hạn nhớ” của bộ não con người.

Việc phát hiện các con số của loài người là một quá trình lâu dài và việc phát hiện số 9 giống như một cuộc cách mạng trong nhận thức của loài người. Trong buổi sơ khai, khi loài người phát hiện ra con số 9 đã để lại ngay một ấn tượng huyền bí và kỳ lạ. Ấn tượng này rất lý thú và cũng là một dấu chấm hỏi lớn trong việc phân tích thế nào trong một ngôn ngữ nhất định, những tên gọi các số có từ thời xưa lại ổn định một cách kinh ngạc qua các thời đại. Trong nhiều ngôn ngữ Ấn - Âu, người ta ngạc nhiên sự gần gũi giữa từ chỉ số 9 với tính từ gợi lên khái niệm mới mẻ:

novem / novus    trong tiếng La tinh

neuf / neuf           trong tiếng Pháp

nine / new            trong tiếng Anh

neun / neu            trong tiếng Đức

nava / navas        trong tiếng Phạn

Do đó, các nhà sử học và ngôn ngữ học đã đi đến kết luận: Ở buổi tính toán – số 9 được nhận thức như một bậc mới, lạ sau số 8.

Bên cạnh sự phát triển nhận thức số của con người có một điều thú vị là chính những con số lại gây ấn tượng ngược lại với con người. Những ấn tượng này xuất hiện sự chinh phục thế giới tự nhiên và cải biến xã hội của loài người, nó tồn tại với một thời gian đáng kinh ngạc và nó không hề mất đi mà trái lại ngày càng ăn sâu vào tâm thức mỗi dân tộc, ăn sâu vào mọi ngóc ngách đời sống con người.

Mỗi dân tộc đều có những ấn tượng số khác nhau và ấn tượng này cũng khác nhau do hoàn cảnh địa lý, môi trường, phong tục tập quán và các luận thuyết nhân sinh khác nhau. Nhưng nhìn chung các ấn tượng dân gian số tồn tại ở 3 dạng cơ bản:

- Hình thành những ấn tượng số kiêng kỵ, số may mắn.

- Dùng ấn tượng số để diễn đạt trong các loại hình tục ngữ, thành ngữ, ca dao và văn học v.v…

- Dùng con số để giải thích đời sống con người, duyên phận v.v…

1. SƠ LƯỢC VỀ SỐ PHƯƠNG TÂY

Pi-ta-go và môn phái

Vào cuối đời, Pi-ta-go mở một trường học giảng dạy khoa học huyền bí cho các học giả phương Tây dựa trên nền tảng xuất phát từ toán học, thiên văn học, vật lý và triết học. Tuy nhiên, những gì ông giảng dạy không lưu trữ lại được. Chúng ta biết tới hệ thống số, số thuật Pi-ta-go theo lời kể của các học trò coi ông là cha đẻ của nền số thuật phương Tây. Trong hơn 2500 năm sau những điều này vẫn được chấp nhận vì không có bằng chứng gì để chống lại nó.

Pi-ta-go là nhà toán học, nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng thế kỷ thứ sáu trước CN.

Pi-ta-go xuất hiện như một thánh nhân ở Xa-mốt, mọi người đồn rằng, cha ông là thần Héc- mét, thậm chí có thể là thần A-pô-lông. Ông sáng tạo nhiều kỳ tích, đàm đạo với chư thần, thậm chí xuống âm phủ rồi lại trở về dương gian. Ông bỏ chế độ bạo chúa ở Xa-mốt, dời đến tận Ý, tại thành phố Cơ-rô-tôn ven biển. Tại đây, ông tập hợp thanh niên và nói chuyện nhiều với họ:

- Các bạn thanh niên, Pi-ta-go nói - các bạn hãy yên lặng lắng nghe lời tôi nói! Các bạn hãy nhìn xung quanh: khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng là một trật tự hài hoà. Vạn vật đều chịu sự cân đối kích thước và các số chi phối. Ngay âm thanh cũng do các số chi phối.

Pi-ta-go kéo căng, buông chùng dây đàn dính trên ván gỗ. Khi thì vặn dây ngắn lại, khi thì thả nới dây ra. Thế là âm thanh bị ông chi phối, lúc bổng lúc trầm. Bây giờ chiếc chìa khoá của bí mật đó đã tìm được. Đàn thất huyền do con số chi phối.

Pi-ta-go vẽ một hình tam giác trên cát. Ở đây, trong thế giới hình vẽ, con số cũng thống trị tất cả. Chính là số, đường và góc đã tách từ hỗn độn ra vạn vật trên thế giới; chính là số, đường và góc đã đem hình dạng cho những vật không có hình dạng, đã đưa trật tự vào trong hỗn độn.

Thế là ba đoạn thẳng đã cắt ra khỏi không gian không giới hạn một hình tam giác giới hạn khắp các phía.

Pi-ta-go chỉ cho học sinh nhìn lên bầu trời. Ở đó chính cũng do số, kích thước và nhịp điệu thống trị. Các thiên thể trong bầu trời không chuyển động vô trật tự. Chúng mọc và lặn theo thời gian nhất định của mình, đi theo con đường nhất định của mình. Giữa Vũ trụ, cũng giống như trên bàn thờ, một khối lửa rực cháy chiếu sáng tất cả và sưởi ấm tất cả. Xung quanh có mười quả cầu trong vắt hoàn toàn. Mười quả cầu này mang theo Mặt trăng, Mặt trời, các hành tinh và các vì sao. Ngay trái đất cũng do quy luật chung chi phối. Nó không phải đứng yên bất động, mà cũng tham gia vào điệu múa chung, hoà hợp, nhịp nhàng quanh ngọn lửa vũ trụ. Mười quả cầu chậm chạp quay tròn, mỗi quả đều ngân vang như một dây đàn; trên cây đàn vũ trụ mười dây đó, mỗi quả cầu đều có âm điệu của mình.

Muôn vật đều có trật tự nhịp nhàng. Hết thảy đều do con số chi phối.

Có mấy số thần thánh là: 1, 3, 4 và 10. 1 là số đầu trong các số. 3 thay cho đầu, giữacuối.  10 là cơ sở của tính toán, là số toàn vẹn nhất trong các số. Còn 4 là số làm cho 10 trở nên toàn vẹn. Nếu bạn cộng bốn số đầu 1, 2, 3, 4 thì sẽ được 10. Yếu tố cấu thành con số là tính chẵn lẻ. Cái lẻ có tính xác định, cái chẵn có tính phi xác định. Từ lẻ và chẵn sinh ra con số 1. Số 1 vừa chẵn vừa là lẻ, vì 1 đối với 2 là lẻ, còn 1 gồm hai phần 1/2 là chẵn.

Ngay Pi-ta-go cũng kinh hoàng trước phát hiện của mình. Ông cảm thấy rằng, ông đã tìm ra tất cả. Từ các con số mà sinh ra các dấu hiệu, hình trạng. Các hình trạng đơn giản nhất là “tuyến”, nhiều tuyến hợp lại thành diện tích, nhiều diện tích hợp lại thành thể tích. Có tuyến mới có diện tích, có diện tích mới có thể tích. Ông có thể dùng số để đo tất cả, thế là ông cảm thấy như số là tất cả. Số là khởi điểm và là bản chất của Vũ trụ.

Môn sinh của ông bàng hoàng, khoái trá lắng nghe ông giảng. Họ tin thầy giáo của họ. Chiếc chìa khoá để mở bí mật âm thanh, hình và thiên thể đã tìm được. Liệu thầy còn có thể đến gần những bí mật khác của vũ trụ được không?

Thầy trả lời họ: Được, hiện đang đến gần. “Số” là chiếc chìa khóa đưa tới hạnh phúc và bất hạnh, thành công và thất bại. Có những số hạnh phúc và cũng có những số bất hạnh.

Người theo trường phái Pi-ta-go tin rằng các con số có thể biểu hiện những thứ thuộc về tôn giáo, thánh thần chặng hạn số 1 biểu thị sự duy nhất (và do đó là biểu thị Thượng đế, Chúa trời), số 2 biểu thị tính hai mặt (quỷ Xa tăng), và số 4 là một con số thiêng liêng, người ta có thể nói lời thề trên  con số đó. Các con số cũng được cho là biểu thị các hành tinh và các yếu tố: số 1 biểu thị mặt trời, số 2 là mặt trăng, số 5 là lửa, số 6 là đất và số 8 là không khí.

Số, đo lường và sự cân đối thống trị khắp mọi nơi trong vũ trụ. Đâu dâu cũng là một trật tự nhịp nhàng bất di bất dịch do thần linh thiết lập. Tinh tú cũng do trật tự chi phối. Con người sao lại có thể không được trật tự chi phối? Đau thương diễn ra ở những thành phố hỗn độn đảo điên, ở những nơi mà tính tự tiện thô bạo của số đông quyết định hết thảy, ở những nơi không tôn kính quý tộc, không tôn kính cái trật tự đã do thần linh quy định đời đời.

Pi-ta-go đã đàm đạo với các môn sinh như vậy, đã đem bí mật của học thuyết của mình truyền cho các môn sinh. Học thuyết này không phải là câu chuyện thần thoại cũ chẳng còn ai tin được nữa, mà là khoa học mới bảo vệ thần cũ.

Môn sinh của Pi-ta-go ngày càng đông. Họ tổ chức thành một đồng minh. Họ suốt ngày nghiên cứu, tập thể dục, học toán học và âm nhạc.

Khoa học của họ một nửa là tôn giáo. Họ có rất nhiều điều răn, điều cấm, điều kiêng. Tại sao có thể ăn thịt cừu mà không được ăn thịt các động vật khác? Tại sao không được ăn quả đậu? Tại sao lúc đi giày phải đi chân phải trước, lúc rửa chân lại phải rửa chân trái trước? Tại sao không được đi theo con đường cái?

Ngay những người được truyền thụ cũng không hiểu rõ nguyên nhân này. Vì thầy đã từng nói: đối với thầy chỉ nên nghe theo mà không nên hỏi đúng hay sai.

Nhưng dù sao phát minh của phái Pi-ta-go cũng không bị lãng quên.

Chúng ta chỉ có thể hiểu được mối quan hệ của sự vật khi trong lý luận xuất hiện các số và các công thức. Không có các số và các công thức thì không thể chế tạo máy bay, ô tô  không thể xây dựng đường hầm, không thể bắc cầu qua sông.

Những người phái Pi-ta-go lần đầu tiên chia các số thành số nguyên tố và hợp số, lần đầu tiên nghiên cứu tỷ lệ và cấp số. Rồi định lý Pi-ta-go, định lý tổng các góc trong một hình tam giác bằng hai góc vuông, thậm chí những số nhà trên đường phố bên số chẵn, bên số lẻ cũng do những người phái Pi-ta-go phát minh ra…

Họ là những người lần đầu tiên vạch ra tác dụng to lớn của số đối với việc nghiên cứu vũ trụ. Nhưng cơ sở học thuyết của họ không chân thực và có hại đối với khoa học.

Những người phái Pi-ta-go nói: “Số là tất cả. Bước đầu và cơ sở của vạn vật không phải là vật chất, mà là số”.

Nguyên lý không chân thực này kéo khoa học lùi lại sau con đường mà khoa học đã đi được từ thời Ta-lét.

2. SƠ LƯỢC VỀ SỐ PHƯƠNG ĐÔNG

Uông Trung, nhà ngôn ngữ học đời Thanh (Trung Quốc) giải thích về cách luận số của thời cổ như sau:

1 là số lẻ, 2 là số chẵn… 1, 2 không thể là số được, 2 thêm 1 thành 3, cho nên 3 là thành số. Tính đến 10 thì lại trở về 1. 10 không thể là số vì 9 thêm 1 là 10 là vẹn toàn. cho nên 9 là số cuối cùng”.

Thời cổ lấy số lẻ là dương, số chẵn là âm, lại lấy số lẻ tượng trưng cho trời và số chẵn tượng trưng cho đất, 9 là số lớn nhất của số dương cho nên 9 được tượng trưng cho trời. Ngày sinh của trời là ngày 9 tháng giêng. Số 9 được gán ghép cho hoàng đế và ngôi vị của hoàng đế."

3. NHỮNG ĐIỂM MỤC CHÍNH VỀ NHẬN THỨC SỐ ẢNH HƯỞNG TỚI VĂN HÓA VIỆT NAM.

Như vậy, ta có thể tóm lại mấy đặc điểm chính trong nhận thức số thời cổ của cả phương Tây và phương Đông như sau:

1. Vũ trụ:

Phương Tây - vũ trụ gồm 10 quả cầu

Phương Đông - 10 mặt trời (thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Dậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý)

2. Số 3:

Phương Tây: đại diện cho đầu, giữa, cuối (thành phần của một nội dung, một quá trình)

Phương Đông: 1, 2 không thể là số, chưa là số. 3 mới là số (2+1=3) cho nên một nội dung, một quá trình gồm các thành phần, giai đoạn phải khởi từ 3 yếu tố (tối thiểu)

3. số 10.

Phương Tây: Số 10 là số vẹn toàn, là cơ sở để tính toán. Vì 1+2+3+4=10 (1.2.3.4 là số con người có thể quan sát thấy, không cần phải đếm).

Phương Đông: 10 không thể là số. (vì 9+1=10 số lớn nhất + số bé nhất trở thành vẹn toàn).

4. Các mốc nhận thức số:

 Số 3, số 4 là số quan sát thấy. Số 5 thì phải đếm mới biết. Số 9 là lớn nhất vì số 10 là phải gép 1 và 0 để diễn đạt hay 1 và "Linh".

Ngoài Nhận thức số còn có các ấn tượng các con số trong các học thuyết nhân sinh của nhân loại nói chung và của phương Đông nói riêng đã ảnh hưởng tới văn hóa Việt Nam hình thành các cách diễn đạt ước lệ số trong đời sống dân gian từ ngôn ngữ, lối nói thường ngày đến thành ngữ, tục ngữ, ca dao, văn học...

Từ một số quan niệm con số cơ bản của người xưa trên đây, chúng ta có thể làm căn cứ giải thích cách nói số, diễn đạt số trong dân gian Việt Nam nói chung và trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

(Xin xem tiếp Bài 9 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")

TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.