Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 6

Tiếp theo Bài 5 - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

2. CÁCH NÓI SỐ 1, 2 VÀ THÀNH NGỮ NGHIÊNG NƯỚC NGHIÊNG THÀNH

"Nghiêng nước nghiêng thành" là thành ngữ Việt Nam. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho biết câu này lấy từ hai câu thơ Trung Hoa: "Nhất cố khuynh thành, Tái cố khuynh quốc." Ý nói là người phụ nữ đẹp đến nỗi chỉ cần ngoảnh (liếc) một cái thì đảo lộn kinh thành (vì quan giữ thành bị xiêu lòng), và ngoảnh cái nữa thì đảo lộn cả nước (vì vua bị mê hồn!). Nhưng đó chỉ là cách giải thích đại ý và lại càng không phải cách dùng thành ngữ này của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Đúng là trong lịch sử không thiếu gì các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chiến tranh giữa các bộ tộc hay các quốc gia chỉ vì tranh giành một người đẹp. Nhưng những người đẹp đó chưa hẳn đã được gọi là nghiêng nước nghiêng thành đúng nghĩa mà chỉ vì thói ham sắc dục hay sự ngông cuồng của các thủ lĩnh, tộc trưởng hay vua, chúa mà xảy đến các cuộc chiến tranh cướp bóc người đẹp.

Điển tích của thành ngữ này thường được mọi người kể như sau:

"Ðời nhà Hán, Vua Võ Ðế (140- 86 trước Dương lịch) vốn người háo sắc. Vua không than thở vì mình chưa làm gì cho dân được hạnh phúc cơm no áo ấm, mà ngược lại thường than thở trong đời mình chưa được người đẹp nào vừa lòng để âu yếm trong vòng tay. Nhà vua thường trách:

- Trẫm xây đền Minh Quang kén hai ngàn gái đẹp ở vùng Yên, Triệu. Qúa 30 tuổi sa thải, cho về quê. Thế mà trong dịch đình có trên mười ngàn gái đẹp nhưng chưa có một ai đẹp cho vừa lòng trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc!

Bấy giờ, có người phường chèo danh tiếng tên Lý Diên Niên hầu trong nội điện, có người em gái sắc đẹp tuyệt vời đương làm nàng hầu cho công chúa Bình Dương. Nghe Vua than như thế, nhân một hôm hát chầu Vua, Lý hát một bài:

Bắc phương hữu giai nhân

Tuyệt thế nhi độc lập

Nhất cố khuynh nhân thành

Tái cố khuynh nhân quốc

Khởi bất tri

Khuynh thành dữ khuynh quốc

Giai nhân nan tái đắc

Dịch nghĩa:

Phương Bắc có giai nhân

Tuyệt vời đứng riêng bậc

Một nhìn người nghiêng thành

Nhìn lại người nghiêng nước

Lẽ nào không biết được

Người đẹp thành nước nghiêng

Người đẹp khó tìm gặp

(Bản dịch của Vô danh)

Nghe hát, nhà Vua thở dài:

- Thế gian quả có người đẹp đến thế chăng?

Công chúa Bình Dương nhân đứng hầu bên cạnh, tâu:

- Diên Niên có người em gái đẹp tuyệt trần, còn hơn người trong bài hát ấy nữa.

Nhà Vua truyền đòi vào xem mặt. Qủa là một giai nhân tuyệt sắc. Nàng lại còn giỏi nghề múa hát. Nhà Vua đắm đuối say mê, liền phong nàng làm phu nhân, từ ấy quyến luyến không lúc nào rời.

Sau khi sinh một đứa con trai, một hôm nàng lâm bệnh nặng, nhà Vua đến tận giường bệnh thăm hỏi. Nàng kéo mền che kín mặt, tâu:

- Thiếp bệnh từ lâu, hình dung tiều tụy, không dám đem cái nhan sắc ủ dột tàn phai ra mắt đấng quân vương. Thiếp xin gửi lại nhà Vua một đứa con bé nhỏ và mấy người anh em của thiếp.

Võ Ðế ngậm ngùi, bảo:

- Phu nhân bịnh nặng khó qua khỏi được, thì hãy giở màn cho ta nhìn mặt há chẳng làm cho ta được thỏa lòng sao?

Nàng vẫn che kín mặt, từ chối:

- Theo lẽ Vua tôi, chồng vợ, đàn bà mặt không sạch tất không được ra mắt vua hay chồng. Vậy thiếp mong nhà Vua tha thứ.

 Vua cố nài nỉ. Nàng vẫn thở dài úp mặt vào trong, không nói gì, vẫn giữ chặt lấy màn. Võ Ðế tức quá, đứng phắt dậy ra về. Nhiều người sợ nhà Vua giận nên có ý trách nàng. Nàng trả lời:

- Ðàn bà thường lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình yêu dễ sinh phai lạt. Nhà Vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc ta mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ, ta là kẻ xấu xa. Bấy giờ nhìn mặt ta, nhà Vua sẽ chán thì khi nào người còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa.

Thật đúng như lời than của Khổng Tử "Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy" (Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã)

Sau đó nàng chết. Hán Võ Ðế chôn cất rất long trọng, lại truyền thợ họa vẽ hình nàng- tất nhiên tưởng nhớ lại hình dáng khi nàng chưa bị bệnh - để treo ở cung Cam Tuyền, và phong cho anh em nàng quan tước cao. Ngày tháng trôi qua, nhưng hình bóng người đẹp vẫn lởn vởn trước mắt."

(theo Ðiển tích Truyện Kiều - NXB Ðồng Tháp)

Thật oái ăm, Vua kén 2000 gái đẹp ở vùng Yên, Triệu mà không lựa chọn được một người đẹp nên 30 tuổi sa thải, cho về quê; rồi: "Trong Dịch Đình có trên 10.000 gái đẹp, nhưng chưa có một ai đẹp cho vừa lòng trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc!"

Vậy, chỉ đẹp không thôi chưa đủ, chỉ đẹp thôi chưa thể là giai nhân tuyệt sắc, là nghiêng nước nghiêng thành và chưa thể vừa lòng Vua.

Vậy, vẻ đẹp "mười phân vẹn mười" chưa thể được gọi là "nghiêng nước nghiêng thành". Điều này thể hiện rõ trong nội dung điển tích đề cập và nhấn mạnh 3 điểm chính hay 3 yếu tố sau:

a. Sắc đẹp, vẻ đẹp (điều kiện cần)

b. Tài, tài năng: "Nàng lại còn giỏi nghề múa hát"

c. Thông minh: "Sắc sảo" khi đối đáp với Vua, với mọi người: "Ðàn bà thường lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình yêu dễ sinh phai lạt. Nhà Vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc ta mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ, ta là kẻ xấu xa. Bấy giờ nhìn mặt ta, nhà Vua sẽ chán thì khi nào người còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa."

Sự thông minh, sắc sảo của người con gái đẹp đã giữ mãi hình ảnh của mình trong tâm trí Vua theo năm tháng và giữ được cả vị thế của con cái, của anh em sau này.

Như vậy: cái đẹp đủ để mê hoặc, cái tài đủ để quý mến, trân trọng, sự thông minh sắc sảo đủ để quyến luyến, nhớ thương muôn đời.

Trở lại với Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Vậy, Kiều hơn Vân ở cái tài, cái sắc sảo. Nhưng hơn là hơn như thế nào? Bởi như câu trên "lại là phần hơn" thì cũng có nghĩa là Vân cũng có tài, sắc sảo nhưng không nổi trội, chỉ bình thường.

Còn Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ cho ta thấy cái tố chất tài năng, sự thông minh sắc sảo của nàng ở mức có thể "nghiêng nước nghiêng thành".

Như phân tích trong điển tích hay từ thực tế lịch sử, chúng ta biết rằng Vua thường tuyển hàng trăm, hàng ngàn cung tần mỹ nữ vốn xinh đẹp với cái nhan sắc trời cho, nhưng để quy tụ cả 3 phẩm chất nhan sắc, tài năng, thông minh sắc sảo thì không có được mấy người. Nên Nguyễn Du viết "Một hai" (là cách nói số ít trong dân gian) để nói về cái phẩm chất hiếm có để trở thành "Nghiêng nước nghiêng thành" mà phẩm chất "hiếm có, ít ỏi" này lại quy tụ đủ cả trong con người của Thúy Kiều nên: Tài đòi 1 thì sắc họa 2 hay sắc đòi 1 tài họa 2. Nhưng vì cả hai yếu tố, phẩm chất này khó phân định hơn thua nên phải có phẩm chất dù có khiêm tốn nhường nhịn thì cũng phải chọn một vị trí, vì thế "Sắc đành, mà tài cũng đành" nên Nguyễn Du hạ bút:

"Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai"

Ở câu này không ít người chú giải, phê bình với lối tán dương quá văn bản, cho rằng: đẹp như Thúy Kiều thì chỉ có 1 người, tài như Thúy Kiều họa may có 2 người mà mặc dù Nguyễn Du viết 1, 2 không hề có đơn vị, hay chỉ người, rồi sau đó trực tiếp giải thích cái sắc, cái tài phân định vị trí 1, 2. Thêm nữa, cũng có những chú giải từ một, hai cho rằng là dịch từ câu: "Nhất cố khuynh thành, Tái cố khuynh quốc.", "Nhất cố" và "Tái cố" trong câu này không thể dịch là một, hai. Mặt khác, Nguyễn Du còn sử dụng cách nói số ít trong dân gian này nhiều lần ở các mẫu câu tương tự: "Chút chi gắn bó một, hai" hay "Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai", "Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang", “Mà lòng đã chắc những ngày một hai.” và điều đặc biệt nữa là trong dân gian khi sử dụng cách nói số ít không lý giải về con người. (Về điểm này chúng tôi sẽ nhắc lại trong chương mục sau).

Cũng chính từ cái định kiến Thúy Kiều đẹp hơn Thúy Vân và người đẹp như Kiều thì chỉ có một, tài như Thúy Kiều họa ra có người thứ hai nên nghiễm nhiên coi Kiều là "nghiêng nước nghiêng thành". Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm vì chính từ sự không hiểu rạch ròi cách sử dụng và nói "số" của dân gian hay cụ thể của Nguyễn Du. Thực chất, Nguyễn Du chỉ mô tả cho ta thấy Thúy Kiều có phẩm chất để trở thành "nghiêng nước nghiêng thành", còn việc Thúy Kiều có vươn tới danh hiệu đó hay không thì còn phải có thời gian và không gian cùng những điều kiện nhất định. Nên cái phẩm chất, cái khả năng "nghiêng nước nghiêng thành" của Thúy Kiều được minh chứng rõ ràng nhất trong cái dự cảm, lo toan, băn khoăn của chàng trai Kim Trọng vốn xuất xứ từ gia thế, địa vị cao cùng phẩm chất anh tài trong xã hội trong lúc tương tư mà quá lâu không gặp được Thúy Kiều nên phải âu lo:

"Ví chăng duyên nợ ba sinh

Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi"

Giả sử, Thúy Kiều đã là "nghiêng nước nghiêng thành" thì không thể tránh khỏi tai, mắt của các bậc vương giả, vua, quan và không thể xảy ra sự biến của gia đình Vương ông, mặt khác Kim Trọng cũng không thể có cái âu lo mơ hồ như vậy.

Ngòi bút của Nguyễn Du thật sắc sảo và vận dụng rất biện chứng thành ngữ trên theo suốt chặng đường đời Thúy Kiều khi chỉ ra cái phẩm chất khuynh thành ấy khi Thúy Kiều đã bị rơi vào chốn lầu xanh, nơi bùn nhơ thì không thể "nghiêng nước nghiêng thành" được nữa mà chỉ có thể vươn tới một mức độ thấp hơn, đồng dạng, nên dùng từ "sóng" mang âm hưởng dân dã, "quán, đình" là nhỏ hơn "nước, thành" trong mắt Thúc Sinh:

"Lạ cho cái sóng khuynh thành

Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi".

Phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" bộc lộ theo cuộc đời Thúy Kiều như thế nào?

Trong Truyện Kiều, nhiều người thắc mắc:

Tại sao Thúy Kiều không một lần làm thơ, một lần đàn cho Từ Hải thưởng thức?

Tại sao Thúy Kiều là người tri kỷ trong mắt Từ Hải?

Tại sao Từ Hải để Thúy Kiều chủ động báo ân, trả oán mà không tham gia, can thiệp?

Tại sao vẻ đẹp trời cho của Thúy Kiều chỉ được phát lộ với bút pháp tinh xảo của Nguyễn Du qua con mắt Thúc Sinh?

Tại sao Nguyễn Du dồn tâm lực tả tiếng đàn của Thúy Kiều chỉ khi Kiều gặp Kim Trọng?

...

Và rất nhiều vấn đề trong Truyện Kiều được sáng tỏ khi ta xét đến phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" bộc lộ theo cuộc đời Thúy Kiều hay nói một cách khác là sự vận động của phẩm chất con người Thúy Kiều theo thời gian.

Trong quan niệm số của người xưa, với Pitagor (nhà toán học) thì số 3 là thần số, số 3 đại diện cho "đầu, giữa, cuối" hay ta có thể hiểu "mở bài, thân bài, kết luận", còn phương Đông trong đó có Việt Nam thì 1, 2 không thể là số, 1+2 = 3, cho nên 3 mới thành số, từ đó suy luận 3 là khởi điểm cho bất cứ nội dung nào hay bất cứ nội dung nào phải cấu thành từ 3 yếu tố. Do vậy, như phân tích trên, phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành" gồm 3 yếu tố:

a. Vẻ đẹp "mười phân vẹn mười"

b. Tài, tài năng

c. Thông minh, trí tuệ, sắc sảo

3 yếu tố này vận động theo lịch trình thời gian của cuộc đời Thúy Kiều cùng với các nhân vật gắn bó với Thúy Kiều:

A. Kim Trọng:

Xét trong quan hệ với Thúy Kiều, Kim Trọng là một thanh niên có phẩm chất một thiên tài, xuất thân trong một gia đình dòng dõi trâm anh, nhưng chỉ đang ở độ tuổi mới lớn chưa từng trải, chưa va vấp trường đời nên trong quan hệ với Thúy Kiều gắn liền với  những rung động đầu đời, vì thế chủ yếu phát triển tình cảm lãng mạn và thiên hướng tìm tòi những phẩm chất tâm hồn, tài năng, thưởng thức sáng tạo nghệ thuật:

- Về tài thơ.

Trong đoạn Thúy Kiều nhân lúc mọi người trong gia đình mình đi dự sinh nhật bạn nên sang nhà Kim Trọng tâm sự với nhau ở thư phòng, Kim trọng đã gợi ý Kiều đề lời bình trên bức tranh của chàng vừa mới phác họa không lâu "Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên"(398) "Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa"(402). Kiều đề lời bình và Kim Trọng tấm tắc khen: (405-406)

"Khen tài nhả ngọc phun châu

Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này!"

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều 10 lần làm thơ trong các hoàn cảnh cùng các nhân vật khác nhau. Nhưng với Kim Trọng, đây là lần làm thơ duy nhất của Thúy Kiều với tâm trạng vui vẻ tràn đầy cảm hứng nghệ thuật. Mặt khác, với ngòi bút Nguyễn Du, đây là đoạn đặc tả kỹ nhất về tài thơ của Thúy Kiều:

- Được Kim Trọng mời bình phẩm trong tranh là một niềm tự hào của Thúy Kiều. Đây cũng là thú nghệ thuật thời thượng của xã hội xưa, một danh tài hội họa được một thi nhân nổi tiếng lưu bút bình phẩm và việc viết chữ đẹp để phù hợp và tôn vinh tranh (Thư pháp) cũng thể hiện cái tài họa của thi sĩ (nhiều người coi chi tiết này là chi tiết Thúy Kiều vẽ tranh cũng là có lý).

- Cảm hứng nghệ thuật của Thúy Kiều xuất thần như có gió mưa giục ý thơ

- Được Kim Trọng khen "tài nhả ngọc phun châu", được ví như nàng Ban, ả Tạ. (Ban Chiêu đời Hán và Tạ Đạo Uẩn đời Tấn là hai người đẹp nổi tiếng hay chữ. Ban Chiêu có bài thơ "Quạt tròn", Tạ Đạo Uẩn có bài thơ "Vịnh tơ").

- Về tài đàn.

Sau khi Kim Trọng và Thúy Kiều viết lời thề gắn bó trên giấy, Thúy Kiều đã cắt tóc thề (447-448)

"Tiên thề cùng thảo một chương

Tóc mây một món dao vàng chia hai"

Kim Trọng đã gợi ý muốn được thưởng thức tài đàn của Thúy Kiều.(463-464)

Rằng: - "Nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ"

Với thái độ rất trịnh trọng và cầu thị cho thấy Kim Trọng yêu mến và tôn trọng Kiều (467-468):

"Hiên sau treo sẵn cầm trăng,

Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày"

Kiều khiêm tốn ý nhị (469-470):

Nàng rằng: - "Nghề mọn riêng tay,

Làm chi cho bận lòng này lắm thân!"

Và đây là bản đàn của Thúy Kiều được Nguyễn Du mô tả (471-480):

So dần dây vũ dây văn,

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.

Khúc đâu Hán, Sở chiến trường,

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.

Khúc đâu Tư mã “Phượng cầu”.

Nghe ra như oán như sầu phải chăng?

Kê Khang này khúc “Quảng Lăng”.

Một rằng lưu thuỷ, hai là hành vân.

“Quá quan” này khúc Chiêu Quân,

Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.

Và âm hưởng, tiếng đàn của Thúy Kiều (481-484):

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Cảm xúc thưởng thức nghệ thuật của Kim Trọng qua bản đàn của Thúy Kiều (485-488):

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu.

Khi tựa  gối, khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày,

Và Kim Trọng đã bình phẩm (489-492):

Rằng: "Hay thì thật là hay,

"Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

"Lựa chi những khúc tiêu hao,

"Dột lòng mình cũng nao nao lòng người?"

Thúy Kiều thanh minh và tiếp thu, hứa rằng sẽ thay đổi dần dần (493-496):

Rằng: -“Quen mất nết đi rồi,

“Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

“Lời vàng vâng lĩnh ý cao,

“Họa dần dần, bớt chút nào được không.”

Trong Truyện Kiều nếu xét chi tiết thì cả thảy có 8 lần Nguyễn Du nhắc đến tiếng đàn của Thúy Kiều, nhưng chỉ có 5 lần căn bản, có nội dung, có phản hồi từ người nghe:

Lần thứ nhất, Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe, lần thứ hai cho riêng Hoạn Thư, lần thứ ba cho vợ chồng Thúc Sinh trong bữa tiệc "đánh ghen", lần thứ tư cho Hồ Tôn Hiến trong tiệc "Hạ công" và lần cuối cùng lại cho Kim Trọng trong đêm tái hợp.

Chỉ có lần cuối cùng tiếng đàn có âm hưởng vui vẻ còn các lần khác tiếng đàn của nàng bao giờ cũng "ngậm đắng nuốt cay", cũng "muôn oán nghìn sầu" khiến người nghe phải ngậm ngùi.

So với các tình huống Kiều đàn cho Hoạn Thư, vợ chồng Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến thì trường hợp Kiều đàn với Kim Trọng là hoàn toàn tự do nghệ thuật và đầy đủ cảm hứng chơi đàn, còn các trường hợp khác đều bị ép buộc và trong hoàn cảnh trớ trêu. Do đó, dưới ngòi bút Nguyễn Du, tài đàn của Thúy Kiều được đặc tả chi tiết, đẹp và hay nhất trong trường hợp Thúy Kiều đàn với Kim Trọng.

- Về phẩm chất tâm hồn trong sáng và lời ăn tiếng nói đoan chính, lễ giáo.

Thúy Kiều tràn trề với những cảm xúc tình yêu đầu đời trong sáng, nên khi hay tin gia đình còn dở tiệc sinh nhật bạn chưa về, bèn vội sang nhà Kim Trọng (432):

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Rồi tự nhủ lòng mình (441-444):

Nàng rằng: -“Khoảng vắng đêm trường,

“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.

“Bây giờ tỏ mặt đôi ta,

“Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”

Tâm lý tranh thủ thời gian, mạnh dạn sống với xúc cảm đang trào dâng trong lòng nên Thúy Kiều đã vượt qua ranh giới nữ nhi thông thường để đến bên người yêu. Tuy nhiên, cuộc vui cũng phải có giới hạn nhất định nên khi tình cảm ở cái biên độ có thể đi quá trong mức quan hệ (497-500):

Hoa hương càng tỏ thức hồng,

Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.

Sóng  tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếu có chiều lả lơi.

Thúy Kiều đã tế nhị cảnh báo, nhắc nhở Kim Trọng (501-502):

Thưa rằng: -“Đừng lấy làm chơi

“Dẽ cho thưa hết một lời đã nao.

“Vẻ chi một đóa  yêu đào,

“Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Rồi Kiều lý luận rằng một người con gái muốn trở thành vợ hiền, theo chồng, thờ chồng thì phải lấy chữ trinh làm đầu, chứ một người con gái mà chỉ ham thói dâm ô thì chẳng ai cần, cho nên Kim Trọng đừng đẩy nàng vào cái tình huống ăn xổi ở thì để phá hỏng cái danh tiết Trời cho trong một ngày (505-510):

“Đã cho vào bậc bố kinh,

“Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu.

“Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

“Thì con người ấy ai cầu làm chi.

“Phải điều ăn xổi ở thì,

“Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày."

Nàng dẫn chứng trong lịch sử câu chuyện tình Thôi, Trương vì cái sự dễ dãi, chiều chuộng người yêu của nàng Thôi Oanh Oanh mà sau này Trương Sinh bỏ rơi và quên lời thề (511-520):

“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

“Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương.

“Mây mưa đánh đổ đá vàng,

“Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

Trong khi chắp cánh liền cành,

“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

“Mái tây để lạnh hương nguyền,

“Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

“Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

“Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai.

Do đó, nàng thỉnh cầu Kim Trọng (521-522):

“Vội chi liễu ép hoa nài,

“Còn thân ắt cũng đền bồi có khi”.

Với chúng ta, những người ngoài cuộc chứng kiến lời ăn tiếng nói rất sắc sảo của Thúy Kiều mặc dù là một cô gái tuổi mới lớn. Nhưng với Kim Trọng, người trong cuộc với men tình đang trào dâng thì khó có thể nhận ra sự sắc sảo của Thúy Kiều trong văn cảnh này nên đối với Kim Trọng, Nguyễn Du viết (523-524):

Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

Tóm lại: Trong quan hệ với Thúy Kiều, Kim Trọng là người có thể hiểu sâu sắc về cái phẩm chất tài, tài năng của Thúy Kiều - một người con gái tâm hồn trong sáng, đoan chính.

Đây cũng chính là thủ pháp văn chương của Nguyễn Du chỉ để Thúy Kiều bộc lộ phẩm chất tài, tài năng (1 trong 3 yếu tố cấu thành phẩm chất nghiêng nước nghiêng thành) duy nhất trong con mắt của Kim Trọng.

B. Thúc Sinh:

Thúc Kỳ Tâm, một người đàn ông cũng có dòng dõi nho học là người huyện Vô Tích, phủ Châu Thường nhưng theo cha buôn bán ở Lâm Tri. Kiều nhận được danh thiếp của Thúc Sinh và hai người đã gặp nhau.

- Về nhan sắc và tài năng.

Ngay từ lần giáp mặt, Thúc Sinh như con thuyền đã lạc vào bến mê của nhan sắc Thúy Kiều (1281-1290):

Trướng tô giáp mặt hoa đào,

Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa.

Hải đường mơn mởn cành tơ,

Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng.

Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,

Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?

Lạ gì thanh khí lẽ hằng,

Một dây một buộc ai giằng cho ai?

Sớm đào tối mận lân la,

Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

Trước vẻ đẹp của Thúy Kiều, Thúc Sinh đã ngấm tình si và dịp may tới khi Thúc ông về quê thăm nhà. Thúc Sinh có điều kiện gần gũi Kiều nhiều hơn (1293-1300):

Sinh càng một tỉnh mười mê,

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.

Khi gió gác, khi trăng sân,

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.

Khi hương sớm, khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.

Miệt mài trong cuộc truy hoan,

Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.

Bên Kiều, Thúc Sinh thỏa mãn các cuộc truy hoan, khi uống rượu, khi tắm hương, khi trà trưa, khi đánh cờ, vui thơ, họa đàn...Như vậy, Kiều có làm thơ với Thúc Sinh nhưng chỉ phụ họa, nối thơ cho Thúc Sinh dù là lời thơ rất đẹp "câu thần" và cũng có đàn nhưng chỉ là "họa đàn" cho không khí lãng mạn theo cái thông lệ phục vụ khách trong lầu xanh.

Do đó, việc làm thơ, đánh đàn của Kiều với Thúc Sinh cũng có thể coi như không đáng lưu tâm. Mặt khác, Nguyễn Du cho ta thấy Thúc Sinh không mảy may xúc động hay có một lời bình phẩm nào về tài thơ và đàn của Thúy Kiều.

Trước cái thói tiêu tiền như rác của Thúc Sinh, Tú Bà càng tạo điều kiện cho Thúc Sinh gần gũi Kiều để moi tiền vì thế trong một dịp Kiều tắm, Thúc Sinh bất ngờ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp không son phấn, vẻ đẹp thiên nhiên trời cho Thúy Kiều (1309-1312):

Buồng the phải buổi thong dong,

Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên  nhiên.

"Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" là một trong những câu thơ hay nhất của Truyện Kiều được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình thừa nhận và ưa thích. (Đúc một bức tượng, người ta phải tính toán, nghiên cứu tỉ mẩn, thử đi thử lại cho đến độ hoàn mỹ mới cho đúc ra - đó là việc con người đúc, còn Trời đúc thì chỉ có thể nói là tuyệt mỹ). Có thể nói, đó là cái vẻ đẹp thiên nhiên, bản thể của một cô gái trong đôi mắt của kẻ si tình Thúc Sinh được Nguyễn Du đặc tả sinh động dưới vần thơ trác tuyệt. Cái vẻ đẹp mà Kim Trọng không có cơ hội nhìn thấy, cái vẻ đẹp mà trong quan hệ Kiều với Từ Hải cũng không có dịp phát lộ dưới ngòi bút Nguyễn Du.

Rung động trước cơ thể tươi đẹp của Kiều, Thúc Sinh gửi gắm xúc cảm vào trong một bài thơ Đường luật - thất ngôn bát cú (1313-1314):

Sinh càng tỏ nét càng khen,

Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường

Theo thông lệ trong lầu xanh, Kiều phải họa lại hay "nối thơ" tiếp bài thơ này của Thúc Sinh. Nhưng Thúy Kiều làm sao có thể họa lại một bài thơ ca ngợi về vẻ đẹp cơ thể mình (đó là sự tế nhị trong tâm lý của người con gái Việt Nam) và nhất là thơ có chủ đề về cơ thể phụ nữ thời bấy giờ là một cái gai, một lối rẽ trong văn chương truyền thống.

Chi tiết này cho thấy Thúc Sinh không phải là người tế nhị, tôn trọng Thúy Kiều như Kim Trọng. Mặt khác, tuy cũng là nòi thư hương, cũng đam mê thơ ca, nhạc họa, nhưng Thúc Sinh không cảm nhận được tài thơ, đàn của Thúy Kiều nên việc họa lại thơ, đàn của Thúy Kiều cho Thúc Sinh chỉ mang ý nghĩa mua vui cho chàng Thúc mà thôi.

Vì vậy, Thúy Kiều bèn tìm cách nói thác đi, tìm cách từ chối (điều đó cũng cho thấy Thúy Kiều chẳng mảy may xúc động trước các vần thơ của Thúc Sinh) (1315-1320):

Nàng rằng: -“Vâng biết lòng chàng,

“Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.

“Hay hèn lẽ cũng nối điêu,

“Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.

“Lòng còn gửi áng mây Hàng,

“Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.

Có lẽ từ chi tiết “Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang." Thúc Sinh mới vỡ lẽ rằng Kiều không phải là con gái Tú Bà nên động lòng trắc ẩn.

- Thông minh sắc sảo.

Càng động lòng trắc ẩn nên Thúc Sinh càng thấy cơ hội sở hữu nhan sắc Kiều nên bộc bạch tình cảm, thiết tha "tính cuộc vuông tròn"

+ Dò xét tấm chân tình của Thúc Sinh.

Cảm động trước tấm lòng thương mến của Thúc Sinh dành cho mình, Kiều chỉ biết than thở thân phận lẫn hoàn cảnh (1325-1328)

-“Thiếp như hoa đã lìa cành,

“Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.

“Chúa xuân đành đã có nơi.

“Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.”

Hoa đã lìa cành là hoa đã rụng hay hoa cắm trong bình cho người ta thưởng ngoạn dăm ba ngày rồi tàn, ám chỉ thực tế phũ phàng Kiều là gái lầu xanh. Chàng (chúa xuân) như con bướm lượn quanh, như khách làng chơi dăm ba ngày thôi, nói nhiều làm chi.

Lời than mộc mạc nhưng cũng đầy khiêu khích trái tim tình si nên Thúc Sinh cương quyết

"Trăm năm tính cuộc vuông tròn,

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"

(Theo Huỳnh Tịnh Của: Vuông tròn là "toàn vẹn, bề mỏng bề dày đều được cả". Theo chúng tôi thì Đất vuông, Trời tròn (bánh chưng vuông - đất, bánh dày tròn - mặt trời). Tính cuộc là chuyện của con người ở giữa đất trời, hợp với đất trời nên tính cuộc vuông tròn là tính chuyện tình duyên, vợ chồng. Nên hiểu nguyên cả câu là: tính chuyện vợ chồng theo ý Trời (trăm năm) phải rất kỹ càng)

+ Phân tích sâu sắc tình thế của Kiều và Thúc Sinh.

Xúc động trước sự nghiêm túc và kiên quyết của Thúc Sinh, Kiều "Muôn đợi ơn lòng" nhưng cũng phân tích rạch ròi tình cảnh từ phía bản thân Thúc Sinh, bản thân Kiều "bên thú bên tòng dễ đâu" rồi thêm nữa, cái cuộc sống chung của thân phận làm lẽ, nhất là lại xuất thân từ một cô gái chốn lầu xanh, liệu có được sự chấp thuận của gia đình Thúc Sinh.

Phía Thúc Sinh: Chàng là người chơi bời, nấn ná chốn lầu xanh bấy lâu có yêu hoa cũng là chỉ yêu vẻ đẹp son phấn. Rồi sau này, khi son phấn phai lạt đi, nhan sắc tàn tạ đi và khi làm vợ chàng không trang điểm nữa, không đẹp như lúc trang điểm nữa, chàng còn yêu thiếp mãi được chăng? (1335-1338)

“Bình khang nấn ná bấy lâu,

“Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.

“Rồi ra lạt phấn phai hương,

“Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

Phía bản thân Kiều:

Nếu chen vào một tổ ấm gia đình, tình cảm vợ chồng khăng khít bấy lâu, tuy chàng có thể che chở thiếp nhưng cái phận bèo mây, bèo bọt làm gia đình chàng ngang ngửa trăm điều cũng không nỡ lòng nào, thế chẳng phải là cái tội lớn, kiếp sau trời sẽ phạt nặng ai chịu nổi đây? (1341-1346)

“Bấy lâu khăng khít dải đồng,

“Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây.

“Vẻ chi chút phận bèo mây,

“Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.

“Trăm điều ngang ngửa vì tôi,

“Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?

Hoàn cảnh sống chung, làm lẽ:

Cuộc sống chung, làm lẽ phải nhịn nhường, luồn cúi vợ cả, nhưng chỉ một cơn ghen (giấm chua) của vợ cả có thể dập tắt bao tình cảm (lửa nồng) đầm ấm xây dựng được giữa thiếp và chàng. Mặt khác, bố của chàng liệu có cảm thông, có thương cho cái thân phận bọt bèo "liễu ngõ hoa tường" (liễu trước ngõ, hoa bên tường ai vin ai hái mà chẳng được - gái lầu xanh ai cũng phải tiếp) hay lại bắt thiếp quay trở về lầu xanh? (1351-56)

“Cúi đầu luồn xuống mái nhà,

“Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.1

“Ở trên còn có nhà thông,

“Lượng trên trông xuống biết lòng có thương

“Sá chi liễu ngõ hoa tường,

“Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.

*1 “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng" xin xem giải thích ở mục sau.

(Xin xem tiếp Bài 7 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")

TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.