Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 5

Tiếp theo Bài 4 - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

II. VẺ ĐẸP VÀ PHẨM CHẤT NGHIÊNG NƯỚC NGHIÊNG THÀNH

1. VẺ ĐẸP MƯỜI PHÂN VẸN MƯỜI

Trong mục này, chúng tôi chỉ bàn đến cái vẻ đẹp "mười phân vẹn mười" còn cái nguồn gốc của thành ngữ này, hay tại sao người xưa dùng số 10 để nói sự vẹn toàn mà không dùng 3 hay 7 hay 9 thì mời các bạn xem tiếp trong các chương mục sau.

Giới thiệu hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du đã sử dụng thành ngữ "mười phân vẹn mười" để nói về vẻ đẹp của hai chị em. Đặc trưng của thành ngữ là những tổng kết, đúc kết từ thực tế sinh động cuộc sống dưới dạng những câu nói vần điệu hết sức cô đọng tạo cho người nghe cảm nhận trực diện, nhanh chóng mà không cần phải giải thích, mô tả nhiều. Vì vậy, sau câu thành ngữ đã dùng để tóm lược một vấn đề cuộc sống nào đó thì người ta không diễn giải thêm về vấn đề đó nữa. Vậy phải chăng Nguyễn Du đã phạm vào nguyên tắc này khi tiếp tục tả thêm sắc đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân.

Trước khi phân tích vấn đề này, chúng ta cần nắm qua một số cách hiểu sai về vẻ đẹp của hai chị em mà không ít người mắc sai lầm vì không nắm rõ đặc trưng của thành ngữ.

"Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

Mai cốt cách tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"

1. Nhiều người hiểu "Mai cốt cách" là một vẻ, "tuyết tinh thần" là một vẻ và 2 chị em mỗi người chiếm lĩnh một vẻ ở mức độ "mười phân vẹn mười"

2. Hiểu Mai cốt cách là dáng người có vẻ đẹp thanh tao, mảnh khảnh như mai và tinh thần thì trong trắng như tuyết.

Hai cách hiểu trên là sai vì mệnh đề dẫn luận trong khổ thơ này là "hai ả tố nga" nên " Mai cốt cách tuyết tinh thần" là nhận xét chung cho "hai ả tố nga" và về cái vẻ thì mỗi người có một vẻ khác nhau nhưng đều ở mức "mười phân vẹn mười".

- Cái bên trong: Cốt cách và tinh thần là cái bên trong con người. Do đó mọi người thường dùng Mai, tuyết để ví phẩm chất con người.

Cao Bá Quát, trăn trở với tư cách một đại anh hùng chính nhân quân tử, thì:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái hoa mai

(Mười năm chu du tìm gươm báu

Một đời chỉ cúi lạy hoa mai)

Nguyễn Trãi, yêu hoa mai, tuyết vì:

"Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?

Vì tuyết trắng, mai thơ và tinh khiết"

Lư Mai Pha là một thi nhân đời Tống, không rõ thân thế và sự nghiệp, chỉ để lại cho hậu thế một bài thơ "Tuyết mai" tuyệt diệu. 

Tuyết và mai đều có vẻ đẹp bản thể riêng, làm sao có thể khẳng định tuyết đẹp hơn mai hay mai đẹp hơn tuyết. Nên các thi nhân thường so sánh mai và tuyết như cốt cách và tinh thần của những con người thanh cao, chính nhân, quân tử:

Tuyết mai

Mai tuyết tranh xuân vị khẳng hàng

Tao nhân gác bút phí bình chương

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch

Tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương.

(Mai tuyết dành xuân chẳng nhịn nhường

Tao nhân gác bút chẳng bình thường

Mai thua tuyết vậy ba phần trắng

Tuyết kém mai đành ở phấn hương.)

Như vậy, hiểu câu:

Mai cốt cách tuyết tinh thần

là phẩm chất của hai chị em Thúy Vân và Thúy Kiều là cốt cách thanh tao, tinh khiết, trang nhã như mai. Còn tinh thần thì trong trắng như tuyết.

- Cái bên ngoài:

 Vẻ là cái bên ngoài, là dáng vẻ, là vẻ đẹp thì mỗi người một vẻ, một sắc thái riêng không ai giống ai và đều ở cái mức "mười phân vẹn mười".

Đối với việc sử dụng thành ngữ thì sau đó không phải giải thích vấn đề thêm nữa, nhưng vì Nguyễn Du đã viết "mỗi người một vẻ" trước thành ngữ nên việc giải thích sự khác nhau về vẻ đẹp của hai chị em lại là hợp lý và cần thiết. Điều đó cho thấy thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Du tinh diệu đến mức nào. Có thể nói, thủ pháp đó như lối văn chương thời thượng của Nguyễn Du trong nền thơ ca thời của ông vậy.

Như vậy, những câu thơ tiếp theo Nguyễn Du không hề khen sắc đẹp của Thúy Kiều hơn Thúy Vân như nhiều người vẫn lầm tưởng mà chỉ tả cho ta thấy sắc thái vẻ đẹp của hai chị em khác nhau mà thôi. Đương nhiên, nhiều người yêu mến Thúy Kiều thì hết sức ca tụng vẻ đẹp của nàng và cho rằng Thúy Kiều đẹp hơn. Nhưng Nguyễn Du không hề viết như vậy, vả lại khi đã dùng thành ngữ "mười phân vẹn mười" cho vẻ đẹp mỗi người mà còn cố cho rằng Kiều đẹp hơn Vân thì đó chỉ là sự so sánh khập khiễng.

Đại diện cho định kiến về cái vẻ đẹp của Thúy Kiều đẹp hơn Thúy Vân thì có thể dẫn ra ý kiến của Thái Sơn Đặng Nguyên Cần do Tùng Ngư thuật lại (xem Tiếng dân, ngày 9 Févrer 1937):

"Tả Vân, thì:

“Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.

Đến tả Kiều thì:

“Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.

Trên nói “thua”, “nhường”, sắc trung chi hiền, đến chữ “ghen”, chữ “hờn” thì rõ là sắc trung chi thánh. Trong sắc giới mà có phân bậc thánh bậc hiền thì mấy chữ đó chính là tác giả đã khổ tâm chọn lựa, nấu nướng, hun đúc để tả ra cho rành không lẫn nhau."

Thực ra, lối khen ngợi trên cũng hơi quá!

Chữ "thua", "nhường", "ghen", "hờn" đều là thái độ chủ quan cả. Có thể nói một cách dân gian rằng "thua, nhường" là do tâm phục mà khẩu cũng phục, còn "ghen, hờn" là tâm phục mà khẩu còn chưa phục nên khó có thể phân định chữ nào giá trị hơn chữ nào.

Do đó, Nguyễn Du chỉ nhằm tả hai chị em có cái đẹp trời cho vốn như cái đẹp trong bản thể thiên nhiên sẵn có chứ không phải "người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" hay nói vui như ngôn ngữ ngày nay đẹp vì chăm sóc, dưỡng da, dao kéo, thẩm mỹ viện...

Vậy vẻ đẹp của hai chị em khác nhau là:

Thúy Vân - trang trọng, đoan trang.

Thúy Kiều - sắc sảo, mặn mà.

Sắc sảo là cái vẻ đẹp của phẩm chất thông minh, trí tuệ phát lộ ra bên ngoài.

Vì thế, Nguyễn Du viết tiếp rằng: "so bề tài sắc" thì Thúy Kiều hơn Thúy Vân và chỉ hơn Thúy Vân ở phẩm chất này. Nhưng, chỉ khi có phẩm chất này thì một người con gái đẹp mới có thể được gọi là "nghiêng nước nghiêng thành". Vậy ta có thể hiểu tài năng và sự sắc sảo (chứ không phải sắc đẹp) chỉ có ở Thúy Kiều còn Thúy Vân, Nguyễn Du không nói đến.

Ngày nay, trong các cuộc thi sắc đẹp, thi hoa hậu thì ngoài các vẻ đẹp khó phân định của các kiều nữ thì người ta phải tổ chức thêm các mục như trang phục tự chọn, năng khiếu đàn ca sáo nhị, may vá thêu thùa...Và yếu tố bằng cấp là phần không thể thiếu, rồi trả lời câu hỏi vấn đáp để xem xét khả năng ứng phó "sắc sảo" thông minh của các kiều nữ để quyết định trao vương miện hoa hậu cho thí sinh nào. Như thế đủ biết rằng, tiêu chí về cái đẹp của xã hội hiện đại ngày nay đang cố vươn tới cái ngày xưa mà cụ Nguyễn Du ở làng Tiên Điền đã nói tới.

TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.