Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 4

 Tiếp theo Bài 3 - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

                  C. DÂN TỘC VIỆT - CHÍNH NGHĨA Ở TRỜI - TRỜI ĐỊNH

Với dân tộc Việt, từ trong truyền thuyết truyện "Nguồn gốc Rồng tiên" đã khẳng định dân tộc Việt là do mệnh trời, trời sinh, trời định cho dân tộc bờ cõi và phát triển bền vững. Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, dân tộc Việt luôn luôn đề cao chính nghĩa ở trời.

NAM QUỐC SƠN HÀ

(Được cho là bản tuyên ngôn độc lập cổ)

Nguyên bản Hán Văn:

南國山河

Bản phiên âm Hán-Việt:

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch thơ:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành định phận tại sách Trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Nguồnwikipedia.org

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

Nguyễn trãi

(trích đoạn)

...

-Lại ngặt vì:

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,

Nhân tài như lá mùa thu.

Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,

Nơi duy ác hiếm người bàn bạc.

Tấm lòng cứu nước vẫn đăm đắm muốn tiến về đông.

Cỗ xe cầu hiền thường chăm chắm còn dành phía tả.

-Thế mà:

Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi,

Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.

Phần thì giận hung đồ ngang dọc,

Phần thì lo vận nước khó khăn.

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Khi Khôi huyện quân không một đội.

Trời thử lòng trao cho mệnh lớn,

Ta gắng chí khắc phục gian nan.

Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới.

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.

...

 

3. SỐ 100 - TƯỢNG SỐ CỦA TRỜI ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG DÂN GIAN VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO

Để tìm nguồn gốc ấn tượng con số 100 này có lẽ phải trở lại từ thời kỳ thượng cổ của loài người. Vì trình độ khoa học chưa phát triển nên con người sớm sùng bái đối với thế giới tự nhiên. Vì Mặt trời là mạnh nhất, uy lực nhất nên người nguyên thủy sùng bái nhất là Mặt trời. Với quan niệm có 10 mặt trời mà mỗi chu kỳ của một Mặt trời là 10 ngày (gọi là tuần) thay phiên nhau ảnh hưởng tới đời sống con người. Tên của 10 Mặt trời là thập can mà chúng ta gọi bây giờ. Và truyền thuyết cho rằng 1 ngày trên trời bằng 1 năm dưới hạ giới. Có thể tóm lược quan niệm cổ về mặt trời gồm 4 nội dung:

- Tên gọi: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. (thập Can)

- Chu kỳ vận động: 10 x 10 (ngày) = 100 (ngày), rồi quay lại một chu kỳ mới.

- Chu kỳ của 1 Mặt trời là 10 ngày (gọi là tuần).

1 ngày của trời bằng 1 năm dưới hạ giới (trần thế).

Vì uy lực Mặt trời lớn vô cùng nên 4 nội dung của quan niệm về Mặt trời trên đã ảnh hưởng tới đời sống, tín ngưỡng của con người như sau:

- Về tên gọi của 10 mặt trời (thập can):

Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, một hiện tượng đáng chú ý là  tên gọi của các đế vương triều Hạ, Ân, Thương đều đặt tên gọi của thập Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Các đế Vương nhà Hạ: Thái Khang, Trọng Khang, Thiếu Khang theo khảo chứng tức là Đại Canh, Trung Canh, Thiếu Canh. Ngoài ra còn có Khổng Giáp, Dậu Giáp, Lữu Quý... Thời Ân Thương lại càng như vậy, từ Đại Ất (Thang) đến Đế Tân (Trụ). Đời Thương tất cả 31 vua, đều lấy những chữ này để đặt tên.

Hiện tượng này được các nhà phong tục học Trung Quốc giải thích bằng sự sùng bái của người nguyên thuỷ với các hiện tượng tự nhiên mà trong đó uy lực nhất, mạnh nhất là Mặt trời.

Tương truyền thời cổ có đến 10 Mặt trời với các tên gọi là Giáp, Ất, Bính... (Thập can mà chúng ta gọi bây giờ). Mỗi ngày mặt trời chiếu rọi xuống nhân gian, 10 ngày một vòng (gọi là tuần). Tên gọi của 10 mặt trời này còn gọi là Thiên can. Đời nhà Hạ, Thương các vương thất, quý tôn đều sùng bái thần mặt trời vì thế hình thành tục lệ lấy tên mặt trời làm tên vua”. * hỏi đáp phong tục nghi lễ

- Về tuổi của con người:

Vì trời uy lực là vậy nên người xưa tin rằng tuổi của con người hay đời con người cũng do trời định, trời cho. Trong Truyện Kiều hay đến nay dân gian Việt vẫn còn cách gọi tuổi của con người theo tuổi trời định. Đó là ngoài việc gọi tuổi con người theo chu kỳ sinh học như tuổi cập kê, thanh niên, trung niên, hàng cụ, thượng thọ... thì người ta vẫn gọi tuổi con người theo tuần tuổi (tứ tuần = 40 tuổi, ngũ tuần = 50 tuổi, lục tuần = 60 tuổi - tức là 1 tuần tuổi = 10 năm). Việc gọi theo tuần tuổi này chúng ta cũng cần phân biệt cái tuần trong lịch pháp.

Trong lịch pháp cổ, người ta lấy thập Can (10 vị) phối hợp với địa chi 12 vị (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn...) để tính năm, tháng, ngày, giờ. Việc chia thời gian ra năm là dựa theo chu kỳ mặt trời, tháng là dựa theo chu kỳ Mặt trăng, ngày theo chu kỳ Trái đất có sáng và tối. Còn chia thời gian theo tuần là do con người sáng tạo ra. Tuần lễ  là một tập hợp các ngày do con người ấn định, chứ không phải là quan sát từ thiên nhiên sẵn có.

Chữ “Chu” với nghĩa  Quay hết vòng rồi trở lại lúc khởi đầu cho khái niệm “Tuần” . Một tuần lễ gọi là “nhất chu” 一週. Trung Quốc cổ đại lấy tuần là 10 ngày, chia một tháng ra 3 tuần: từ mồng Một đến mồng Mười là Thượng tuần; từ Mười một đến Hai mươi là Trung tuần; từ Hai mươi mốt đến hết tháng (29 hoặc 30) gọi là Hạ tuần.

Đó là cái tuần của lịch pháp, của con người dưới trần thế thì 1 tuần chỉ là 10 ngày. Còn tuần tuổi con người là 10 năm vì do cái tuần của mặt trời quy định 10 ngày (của trời) x 1 năm = 10 năm. Truyền thuyết cho rằng một năm dưới trần bằng một ngày trên trời, cho nên trong "chúc thọ" quy ước mười năm là một tuần, như “thất tuần thượng thọ”, “bát tuần thượng thọ” chỉ người thọ 70, 80 tuổi. Hết một chu kỳ (tuần) của 10 mặt trời con người được 100 tuổi. 

Về con số cấu trúc sự vận động của mặt trời:

10 mặt trời, mỗi mặt trời chiếu rọi xuống nhân gian 10 ngày (một tuần). Do đó 10 mặt trời làm việc một chu kỳ thì sẽ suy ra con số 100. Do vậy, số 100 là tượng số (hình ảnh số) của trời, 100 là con số đặc trưng của trời vì thế 100 là sự “đủ” của trời, là con số trời định, có đến sự đủ như trời thì cũng chỉ đến con số 100, mà mặt trời là lớn nhất, uy lực nhất... nên số 100 nó đại diện cho diện rộng, dài, đông, nhiều, sâu, cao...

Vì là số đặc trưng của trời nên 100 là tượng số của trời, là dấu hiệu xuất hiện của trời, là trời định, trời sinh...

Như vậy, ta có thể hiểu con số 100 xuất hiện trong truyện Rồng Tiên là dấu hiệu của trời và số 100 được dùng với ý nghĩa là trời định cho một dân tộc phát triển bền vững. Và để đoàn kết các dân tộc thống nhất trong một khối thì đặt tên nước là Bách Việt - 100 dân tộc Việt.

Tóm lại, vì là tượng số của trời nên số 100 có thể biểu đạt các thuộc tính của trời trong tất cả các sự việc và mối quan hệ của trời theo dạng thức cơ bản sau:

 1. Biểu đạt số lượng nhiều, số nhiều, số lớn không xác định được.

Vì trời lớn vô cùng, vô tận, uy lực vô cùng nên diễn đạt một trường mà nhiều khoa thì gọi là bách khoa, mọi sự thì có thể nói là trăm sự, để chỉ số đông của các bộ tộc, dòng họ thì gọi là trăm họ, để chỉ sự phong phú các loài hoa thị gọi là trăm hoa. Từ đó, dân gian triển khai lối nói " Trăm voi không được bát nước xáo", "Trăm nghe không bằng một thấy", "Trăm người như một", "Trăm thứ bà giằn"...

Trong khi tìm cách diễn giải câu mở đầu Truyện Kiều, học giả Abel des Michels đã nhận thức từ "Trăm năm" mà Nguyễn Du dùng đã tiến tới mức hiểu là cách nói chỉ số nhiều như trăm họ, trăm hoa, trăm voi... mà không đặt câu hỏi tiếp theo rằng: Tại sao cách nói chỉ số nhiều trong văn hóa Việt Nam lại đa phần dừng lại ở số 100?

Nếu trả lời được câu hỏi này, tôi tin chắc học giả sẽ xác định được "Trăm năm" mà Nguyễn Du dùng chỉ là một Hư số.

2. Biểu đạt dấu hiệu của Trời, thuộc về Trời.

Như đã phân tích trong truyện Rồng Tiên. Ngoài ra, trong các truyện cổ tích, ca dao, thành ngữ cũng rất nhiều cách sử dụng số 100 theo nghĩa này như truyện "Cây tre 100 đốt" là cây tre của trời trừng phạt kẻ tham lam...

3. Biểu đạt quan hệ giữa Trời và Người.

Vì trời ngoài việc là một thực thể hữu hình chiếu sáng cho trái đất, tưới mưa cho cây cỏ, ruộng đồng... trời còn là một Đấng thiêng tạo dựng muôn loài, chi phối đời sống con người, phân định số mệnh cho từng người nên trời có đủ muôn mặt như Con tạo, Ai, Trời già, Khuôn xanh, Hóa nhi, Hóa công, Hồng quân...do đó, tuổi trời cho con người là 100 tuổi (có lời bài hát "...Nghe xót xa hằn lên tuổi trời. Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi. Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người..." - Bài hát "Gọi tên bốn mùa" của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn).

Vì vậy, trong dân gian mọi người thường thắp hương cầu trời cho sống trọn 100 tuổi để được hưởng trọn phần trời cho. Người ta chúc nhau sống lâu trăm tuổi, chúc cho "trăm tuổi bạc đầu râu" cũng là mang hàm ý chúc nhau hưởng hết phúc phần trời cho và làm tròn bổn phận của con Người với đạo Trời.

Và khi chết, người ta cúng cơm 100 ngày, có lễ cúng giỗ hết 100 ngày gọi là lễ Tốt khốc (thôi khóc), tiễn đưa người chết về chầu trời. (trong sách "Thọ mai gia lễ" không giải thích nguồn gốc lễ này, chỉ giải thích lễ chung thất 49 ngày của Phật giáo)

Mặt khác, "Trăm năm" (không phải tuổi của con người) mà là thời gian diễn tiến của con người, của đời người được quy định bởi trời trong nước non của trời ( Nước non là nước non trời, ai chia được nước, ai dời được non). Trong diễn tiến thời gian đó, trời định cho con người hết tất cả mọi mặt: công danh, sự nghiệp, tình duyên, số mệnh, danh tiết, phúc phần...

Cho nên: "Trăm năm" là tượng số (hư số) thời gian chỉ tính Trời định trong từng vấn đề của con người, trong mối tương quan Trời - Người. Vì thế, tùy thuộc văn cảnh cụ thể mà tượng số "Trăm năm" được hiểu đôi chút khác nhau nhưng bao giờ cũng biểu lộ dấu hiệu của trời.

4.  "TRĂM NĂM" ĐƯỢC HIỂU THẾ NÀO TRONG TRUYỆN KIỀU

Như vậy, ta xác định "Trăm năm" mà Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều là hình ảnh ước lệ tính Trời định cho con người.

Trăm năm(A) trong (B)cõi người ta

Bây giờ ta đưa nội dung trời định vào vế A ta sẽ thấy rõ ràng nội dung của câu thơ như sau:

Trời định(A)trong (B)cõi người ta

Hay có thể hiểu:

Luật trời trong cõi đời

Vậy các câu thơ mà Nguyễn Du dùng với từ "Trăm năm" sẽ trở nên rõ ràng và đúng nghĩa, hợp văn cảnh.

Câu: 181-182

Người đâu gặp gỡ làm chi?

Trăm năm biết có duyên gì hay không

Trời có định cho ta cái duyên với người này không?

Hay: đây có phải là cái duyên Trời định không?

Câu: 355-356

Rằng: - "Trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi"

Ghi nhớ trước trời thời khắc gắn bó này! hay Trời định cho chúng ta gắn bó từ đây!.

Câu: 452

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

Trời chứng giám lời thề này hay khắc ghi lời thề trước Trời.

Xét về mặt phong tục dân gian, người Việt Nam xưa khi thề thốt hay biện hộ cho mình một vấn đề gì thì lời thề có giá trị nhất là "Thề có Trời..." hay "Có Trời chứng giám...".

Sau này, dân gian phát triển nhiều cách nói thề khi trong văn cảnh thiếu vắng hình ảnh cụ thể của trời (Mặt trời) như trong buổi tối thì thề: "Thề có Mặt trăng...", nếu thiếu vắng cả trăng, thì thề: "Thề có cột đèn", nếu thiếu vắng cả cột đèn tức là ở không gian trong nhà thì thề: "Thề có bóng đèn điện..." hay "Thề có ngọn đèn dầu"... Như vậy, tất cả lối phát triển thề thốt bình dân này vẫn duy trì cái thứ ánh sáng - mà để tượng trưng cái thứ ánh sáng quyền năng nhất của Mặt trời.

Câu: 1331

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Tính cuộc vuông tròn theo ý trời phải rất cẩn thận, kỹ càng... Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

...

Khi lý giải được câu "trăm năm" mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta có thể hiểu cảm hứng kể truyện hay tư tưởng xuyên suốt Truyện Kiều là tư tưởng Trời định hay Mệnh trời mà ở trong cõi người ta tài, mệnh đố kỵ, đời là bể khổ, hồng nhan bạc mệnh chỉ là những quy luật thường thấy, hay biểu hiện ra của luật trời.

Với lối kể chuyện xưa, dẫn luận thế nào thì kết luận nhắc lại thế đó, cảm hứng kể chuyện từ đâu thì lời kết thúc khẳng định lại từ đó. Vì vậy, ta thấy rõ sự thống nhất trong 6 câu mở đầu và 14 câu kết thúc Truyện Kiều như sau:

- Về cảm hứng kể chuyện, hay nghị luận

Mở đầu: luật trời

Trời định trong cõi người ta

Kết thúc nhắc lại: luật trời

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.

- Về cách thức kể chuyện

Mở đầu: "trăm năm" bằng ngôn ngữ dân gian (sử dụng lối kể chuyện bằng cách nói thành ngữ số dân gian)

Kết thúc: Lời quê (dân gian)

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Việc xác định tư tưởng xuyên suốt Truyện Kiều - Mệnh Trời (Trời định) là thuộc quan niệm tự tại vốn có của dân gian Việt Nam hay là thuyết Thiên mệnh của Nho giáo còn là vấn đề phải nghiên cứu và xác định lại từ dung lượng, mức độ, tính chất, độ nông, sâu mà Nguyễn Du phản ánh trong Truyện Kiều trong bối cảnh các học thuyết tư tưởng, các tôn giáo tràn vào Việt Nam, hòa quyện, trộn lẫn để xác định vai trò, phân vùng ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam từ xưa cho đến thời đại của Nguyễn Du.

(Xin xem tiếp Bài 5 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")
TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.