Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 3

Tiếp theo Bài 2 - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

 

2. TRỜI VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM

                  A. MỆNH TRỜI THEO QUAN NIỆM DÂN GIAN VIỆT NAM

Việt Nam có một nền văn hóa bản địa lâu đời mà tín ngưỡng về “Trời” đã ăn sâu vào đời sống nhân dân, vào tâm hồn Việt.

Tin vào trời, nhờ trời, cầu trời... ý niệm về trời hay tín ngưỡng về trời vốn tồn tại trong tiềm thức người Việt trước khi có các tôn giáo khác du nhập vào nước ta. Ngay cả Phật giáo khi đã phát triển mạnh ở Việt Nam vẫn phải dựa vào và chấp nhận ý niệm về trời trong dân gian: Cầu Trời, khấn Phật.

Với người Việt xưa, trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, trời làm ra tất cả: trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng…; trời sinh ra tất cả: loài người, muôn vật, cỏ cây...

Trời có con mắt thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt phân minh không trừ ai. Do đó, con người tin có đạo Trời, nhờ trời, cho là trời sinh, trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu trời.

Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng trời, và chỗ giao hòa với đất ấy là chân trời. Trời vô hình vô thanh, nhưng người ta tin là ở đâu cũng có mặt của trời, không một ai tránh khỏi lưới trời, mọi việc đều do trời định. Người ta tin rằng, từng hành động của con người đều có trời chứng giám, can thiệp và không ai thoát khỏi số trời định.

Khi gặp tai nạn rủi ro dù nhỏ như đứt tay, vấp chân, té ngã, người ta kêu trời. Khi buồn khổ, chán nản, thất bại, người ta cũng kêu trời. Khi lao động làm ăn người ta cầu trời. Khi thành công, hạnh phúc, bình an, người ta nói “nhờ trời”. Khi hoạn nạn người ta cầu trời cho tai qua nạn khỏi, khi thoát nạn thì nói “trời cứu” hoặc gặp tai nạn nghiêm trọng thì nói "trời đánh"…

Hàng loạt các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đủ mọi sắc thái về Trời vẫn tồn tại cho đến ngày nay như:

“Nước non là nước non trời

Ai chia được nước ai dời được non”.

“Núi kia ai đắp nên cao,

sông kia biển nọ ai đào mà sâu?”

 “Trời sinh voi sinh cỏ”.

“Trời cho ai nấy hưởng”.

“Trời kêu ai nấy dạ”.

“Sống nhờ ơn trời, chết về chầu trời”.

“Không có trời, ai ở với ai”.

“Trời cho không ai thấy, trời lấy không ai hay”.

“Duyên ba sinh trời đã sẵn dành”.

“Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay”

“Trời nào có phụ ai đâu, hay làm thì giầu, có chí thì nên”.

“Ở xởi lởi trời cởi ra cho, ở so đo trời co ro lại.”

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

“Ở hiền thì lại gặp lành, những người nhân đức trời dành phúc cho”.

“Ông Trời có con mắt”.

“Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”.

“Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng, ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy chày”.

“Gét của nào, trời trao của ấy”.

“Thiên bất dung gian”.

“Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp...”

“Lạy trời mưa thuận gió đều, cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em”.

Tuy ông Trời là vậy nhưng rất gần gũi trong tâm trí người Việt, người ta có thể giận, than vãn và trách trời:

“Trời sao trời ở chẳng cân, người ăn không hết, kẻ lần không ra!”

"Trời sao trời ở chẳng công, người ba bốn vợ, người không vợ nào".

“Trời sinh ra kiếp ăn chơi, sao trời lại ghép vào nơi không tiền?”

“Bắc thang lên hỏi ông Trời, những tiền cho gái có đòi được chăng?”

“Nhất vợ nhì giời”

“Con Cóc là cậu ông Trời”

“Bắc thang lên hỏi ông trời, bắt ông nguyệt lão đánh mười cẳng tay”.

Và trong các truyện cổ còn lưu lại thì ông trời cũng có vợ (bà trời) và người ta cũng gọi ông Trời là Ngọc Hoàng khi văn hóa Trung Quốc và đạo Lão tràn vào Việt Nam.

B. TRỜI TRONG CỔ THI VIỆT NAM

Trời, những ý niệm, quan niệm về trời ngoài thế giới hữu hình có thể nhận thấy còn là thế giới vô hình là Đấng thiêng giữ công lệ trong vũ trụ.

Trong thi văn cổ Việt nam, Đấng thiêng liêng này ngoài danh xưng "Trời" hay "ông Trời" còn được gọi là: Tạo hóa, Hóa công, Con tạo, Hóa nhi, Trời xanh, Ông xanh, Trời già, Hồng quân, Máy huyền vi ... hoặc chỉ trong một chữ "Ai" nhằm biểu đạt mối liên quan giữa Đấng thiêng liêng với thân phận con người. Mối quan hệ này được diễn tả rất phức tạp, từ sợ Trời, cầu Trời, khấn Trời, xin Trời, kêu Trời, cậy Trời... đến than Trời, giận Trời, trách Trời, và những lời thê thảm "oán Trời" thường gặp nhiều nhất.

Các nhà thơ đều là những vị thâm nho (đạo Khổng) vào thế kỷ XIV-XV còn chịu thêm ảnh hưởng của Lão Trang, càng về sau càng thấy hiện rõ ảnh hưởng của Đạo Phật. Nhưng những câu thơ khi viết về "Trời" hầu như ở ngoài vòng ảnh hưởng và đôi khi vượt lên trên những quan điểm của Tam Giáo đều bắt nguồn từ sự tin tưởng hồn nhiên tự tại trong tâm hồn Việt Nam.

Nguyễn Trãi (1380-1442):

Sang cùng khó bởi chưng trời

Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi.

(Ngôn chí, bài 16)

Lồng lộng trời tư chút đâu. (Trần tình, bài 4)

Trẻ dầu chơi con tạo hóa. (Tự thán, bài 3)

Trong tạo hóa có cơ mầu.

(Bảo kính cảnh giới)

Được thua, phú quý đều Thiên mệnh

Chen chúc làm chi cho nhọc thân.

(Mạn thuật, bài 3)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585):

Đồ thư một quyển nhà làm của

Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền

Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế

Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.

(Bạch Vân Am Thi tập)

Lê Thánh Tôn (1442-1497):

Lòng vì thiên hạ những sơ âu

Thay việc trời dám dễ đâu. (Bài Tự thuật)

Đoàn Thị Điểm (1705-1748): viết 411 câu thơ chữ nôm để dịch bản chữ Hán "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn (1715?-1745).

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này (c3-4)

Trách trời sao để lỡ làng (c347)

Đã lòng trời gìn giữ người trung (c374 )

Nguyễn Hữu Chỉnh (? - 1787):

Tay bé khôn bưng vừa miệng thế

Giãi lòng ngay thảo cậy thiên tri.

(Ngôn ẩn Thi tập, bài Than thân)

Phải cơ, mới biết cơ trời nhiệm

Có rủi, bằng dường lại có may.

(Ngôn ẩn Thi tập, bài Tự biết mình)

Trần Tế Xương (Tú Xương) (1870-1907):

Bắc thang lên hỏi ông trời nhẻ

Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi?

(Bài Than thân)

Nguyễn Công Trứ (1778-1858):

Ngồi buồn mà trách ông xanh

Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

(Bài Cây thông)

Trót sinh ra thì phải có chi chi

Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu

Đố kỵ sá chi con tạo

Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

(Bài: Chí nam nhi)

Hồ Xuân Hương (1772-1822):

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm ... 

Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại

Rõ khéo trời già đến dở dom.

(Bài: Động hương tích)

Một đèo, một đèo, lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

(Bài: Đèo Ba Dội) 

Khéo khéo bày trò tạo hoá công

(Bài: Đá ông chồng bà chồng)

Hóa công xây đắp đã bao đời

Nọ cảnh Sài Sơn có chợ trời .

(Bài: Chợ trời Chùa thầy) 

Khen thay con tạo khéo khôn phàm

(Bài: Hang Thanh Hóa)

Chu Mạnh Trinh (1862-1905):

Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây

Chừng giang sơn còn đợi ai đây

Hay tạo hoá sẽ ra tay sắp đặt?

(Bài: Phong cảnh Hương Sơn)

Nguyễn Gia Thiều (1870-1907):

Trăn trở lớn nhất trong Cung Oán Ngâm Khúc là những câu hỏi về nhân tình thế thái, về cơ Trời:

- Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế?(c 45)

- Vắt tay nằm nghĩ cơ trời (c 47)

- Ai bày trò bãi bể nương dâu? (c 58)

- Ai mang nhân ảnh nhuốm mùi tà dương?(c 80)

Nguyễn Gia Thiều thể hiện tư tưởng, triết lý cao siêu của Đạo giáo, của tư tưởng phương Đông qua “thơ” thật thâm sâu, lời thơ tuyệt diệu nên nhiều câu như câu kinh mà người đời sau thi nhau truyền tụng. Những câu thơ thể hiện tư tưởng của Khổng, Phật, Lão, Trang như:

- Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra (c 55-56)

- Trắng răng đến thuở bạc đầu

Tử, sinh, kinh, cụ, làm đau mấy lần (c 59-60)

- Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê (c 67-68)

- Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh (c 72)

- Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. (c 103-104)

Và để tìm con đường giải thoát nên ông chọn giải pháp vừa tu Phật, vừa tu Tiên theo đạo Lão. Tu Phật để dứt mối thất tình làm duyên với hoa đàm đuốc tuệ. Tu Tiên để thoát trần, vui với thiên nhiên gió mát trăng thanh.

- Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật

Mối thất tình quyết dứt cho xong (c 109-110)

- Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa

Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên

Thoát trần một gót thiên nhiên

Cái thân ngoại vật là tiên trong đời. (c 113-116)

Nhưng tu cũng chưa hẳn là giải pháp nên Nguyễn Gia Thiều trong nhiều câu thơ sau  hầu như cảm thấy trên con người  còn có một sức mạnh huyền bí chi phối kiếp người mà con người tự mình không thể hiểu thấu đó là “Trời”

Trong "Cung oán ngâm khúc" rất nhiều câu thơ nói đến chữ "trời ":

- Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa (c 9)

- Vắt tay nằm nghĩ cơ trời (c 47)

- Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán (c 73)

- Quyền phúc họa trời tranh mất cả (c 89)

- Ai ngờ trời chẳng cho làm (c 119)

- Hay thiên cung có điều gì

Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi (c 123-124 )

- Đường tác hợp trời kia giong ruổi (c 129)

- Thử xem con tạo gieo mình nơi nao (c 132)

- Thôi đi đâu biết cơ trời (c 195)

- Hóa công sao khéo trêu ngươi (c 259)

- Ví sớm biết lòng Trời đeo đẳng (c 289)

- Tay tạo hóa cớ sao mà độc (c 329)

Như vậy, đằng sau những câu hỏi  muốn vượt qua tầm tư tưởng của Phật, Nho, Lão, Trang ... thấy ẩn hiện quan niệm về "Trời" của Nguyễn Gia Thiều, của thời đại Nguyễn Gia Thiều.

"Trời" trong Truyện Kiều được Nguyễn Du thể hiện là Đấng thiêng một cách hồn nhiên như vốn trời là vậy, không có trăn trở, thắc mắc nào. Nguyễn Du không sử dụng chữ “Tạo hóa”, chữ  "Hóa công" xuất hiện một lần; các chữ "Trời xanh" gợi hình ảnh trời ở quá xa. "Trời già", "Trăng già"  làm nghĩ tới trời tuổi già lẩm cẩm, “Hóa công” gợi hình ảnh đẹp đẽ, trang trọng quyền uy, những chữ "Hóa nhi", "Con tạo" cho cảm tưởng công việc trời làm nhiều khi giống trò con nít, chữ Hồng quân cho cảm tưởng trời cũng lả lơi như “Tao nhân mặc khách”…

Mối quan hệ giữa Trời và Người được diễn tả rất phức tạp trong Truyện Kiều và đôi khi tưởng như mâu thuẫn không còn nắm giữ công lệ.

Nắm quyền "phúc họa đạo trời", Hóa công tỏ ra phũ phàng và độc địa. Cho ai hạnh phúc người đó mới được hưởng. Bắt ai đau khổ kẻ đó phải chịu họa.

- Phũ phàng chi bấy hoá công (c 85)

- Trăng già độc địa làm sao (c 687-688)

Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên!

- Rủi may âu cũng sự trời (c 817)

- Người dù muốn quyết trời nào đã cho (c 998)

- Hóa nhi thật có nỡ lòng (c 1129-1130)

Làm chi giày tía vò hồng lắm nau!

- Ngẫm thay muôn sự tại trời (c 3241-3244)

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Trời lại có tính ghen với phụ nữ có tài có sắc:

- Lạ gì bỉ sắc tư phong (c 5-6)

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

- Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha (c2163)

- Nghĩ đời mà ngán cho đời (c 2153-2154)  

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

- Hồng quân với khách hồng quần (c 2157-58)

Đã xoay đến thế còn vần chưa tha

Trời đôi khi chẳng giữ công lệ. Người hiếu nghĩa trớ trêu thay lại gặp điều dữ. Người ngay lành bị oan ức kêu trời không thấu:

- Mặt trông đau đớn rụng rời (c 595-596)

- Oan này còn một kêu trời, nhưng xa!

- Tiếng oan đã muốn bật trời kêu lên! (c 892)

- Mấy người hiếu nghĩa xưa nay (c 2647-2648)

- Trời làm chi đến lâu ngày càng thương

Trời khắc nghiệt với người nên trong Truyện Kiều những câu thơ chán ngán buồn thảm đành chịu buông trôi cuộc đời theo định mệnh:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân (c1115-1116)

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu

Biết thân chạy chẳng khỏi trời (c 2163-2164)

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

Ngoài những câu thơ oán trời, Truyện Kiều cũng có một số câu thơ đặt hy vọng vào trời, khuyên rằng đừng "trách lẫn trời gần trời xa", mà hãy tin tưởng vào sự công minh của trời:

Khi nên trời cũng chiều người.(c 2689)

Tâm thành đã thấu đến trời (c 2717)

Trời còn để có hôm nay (c 3121-3122)

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

(Xin xem tiếp Bài 4 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")

TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.