Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN

Bài 2

Tiếp theo Bài 1 - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

 

PHẦN I

VẤN ĐỀ SỐ TRONG TRUYỆN KIỀU

I. TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA

      1. CUỘC TRANH LUẬN VỀ CÂU MỞ ĐẦU TRUYỆN KIỀU.

"TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA"

Thực ra, chưa hề có một cuộc tranh luận nào về câu mở đầu này trên văn đàn hay trong các cuộc hội thảo về Truyện Kiều. Nhưng lại xảy ra khi chú thích Truyện Kiều và trong trường hợp dịch ra tiếng Pháp, hay tiếng Hán.

Ông Đào Duy Anh chú thích rằng: "Trăm năm" là bách niên. Trên thực tế thì lớp người trẻ tuổi sau này có lẽ ai cũng hiểu bách niên là "Trăm năm" vì bách niên là tiếng Hán mà chỉ chuyển ngữ sang tiếng Việt mà thôi. Có lẽ học giả Đào Duy Anh giải thích điều đó không nhằm việc dịch nghĩa "Trăm năm" ra tiếng Hán mà chỉ đơn giản là thời của các ông ai cũng hiểu cả (hiểu hàm ý Nguyễn Du sử dụng từ "Trăm năm"), thậm chí quen dùng nên ông chú thích không được tường nghĩa cho người đời sau.

Theo lời kể của Gs. Mai Quốc Liên: Cụ Cao Xuân Huy, thầy tôi, nói: “Trăm năm trong cõi người ta” mà chú trăm năm là bách niên là không hiểu đúng chữ Truyện Kiều. Vì sao? Vì sau trăm năm có chữ “cõi người ta”. “Cõi người ta” sao lại chỉ “trăm năm”? Vậy nên ý câu trên phải hiểu trăm năm là xưa nay: “Xưa nay trong cõi người ta”.

Bây giờ ta sẽ điểm qua các học giả dịch câu mở đầu này ra tiếng Pháp như thế nào?

Nguyễn Văn Vĩnh: “Cent années, dans cette limite de notre vie humaine”.

(Một trăm năm, trong cái giới hạn ấy của đời người)

Réne Crayssac: “Cent ans - le maximum d’une humaine existence!”.

(Trăm năm, tối đa cho một cuộc đời con người)

M.R.: “Cent ans, à peine, bornent notre existence”. (Trăm năm, trong giới hạn sự tồn tại của chúng ta.)

Xuân Phúc và Xuân Việt: “En cent ans, dans ces limites de l’humaine carrière”.

(Trăm năm, ở những giới hạn của đời người)

Như vậy, các học giả đều hiểu "cõi người ta" là cõi sống hạn hẹp của một con người với số 100 là một con số cụ thể, là số đếm số học. Cũng có học giả khác là Abel des Michels lại cho rằng số 100 là số chỉ số nhiều như trăm họ, trăm sự, trăm hoa, trăm điều, trăm voi... và cõi người ta là cõi thế gian, là không gian sống của con người.

Cái khó của các dịch giả khi dịch một câu thơ ra tiếng Pháp ở thể loại văn xuôi là phải chặt chẽ về ngữ pháp như chủ từ, vị từ, liên từ... Còn các học giả dịch câu này ra chữ Hán như thế nào?

Dịch giả Trung Quốc Lý Văn Hùng khi dịch Truyện Kiều đã phải thốt lên: " ...lối văn hàm xúc như Truyện Kiều, thi sĩ Trung Hoa nào viết giỏi lắm tới 300 câu đã ứa máu, thế mà cụ Nguyễn Du viết tới 3.254 câu thì trong văn chương cụ quả là bậc tiên, bậc thánh"

Ông dịch câu mở đầu truyện Kiều như sau:

Bách niên nhân thế chính kham kỳ

Ông Phạm Duy Nghĩa dịch:

Bách niên nhân thế nội kỳ khuy

(Hai câu trên tạm dịch là: Trăm năm của con người trong cõi đời này)

Ông Hoàng Dật Cầu dịch:

Nhân sinh bất mãn bách

(Đời người không đầy trăm)

Như vậy, các nhà Hán học cũng hiểu "cõi người ta" là hữu hạn của đời một con người, không ai hiểu là "xưa nay trong đời người."

Trở lại vấn đề chú thích từ "trăn năm", ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim chú giải là lấy ở câu “Bách niên cảnh nhi ngã do vi nhân”, có nghĩa là “Trong một cõi trăm năm mà ta vẫn là người”, tức là “trong cuộc đời người”.

Mặc dù, các học giả đã giải thích không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau về cách hiểu nhưng các học giả sau này có vẻ như không quan tâm lắm và có thể cho đó là vấn đề tồn nghi hoặc không quan trọng nên chủ yếu phân tích các tư tưởng, các quy luật diễn ra trong "cõi người ta".

Nếu phân tích câu mở đầu này dưới mô hình cấu trúc sau thì ta sẽ thấy chữ "trăm năm" quan trọng bởi vì nó là câu nghị luận mở đầu một tác phẩm văn học bất hủ của Việt Nam:

Trăm năm (=A) trong (B=) cõi người ta.

Có người lý luận như sau: cõi người ta là 100 năm. Vậy làm sao A có thể trong B.

Nếu ta bỏ vế A(trăm năm) câu thơ sẽ còn:

...Trong cõi người ta (B): (gồm)

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Bây giờ, nếu hiểu như ông Bùi Kỷ là "trong cuộc đời người" thì có lẽ ta không cần vế A "Trăm năm", chỉ cần vế B "cõi người ta" thì ta vẫn hiểu là trong cuộc đời con người "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"... Do đó, cách giải thích trên tự bản thân nó đã lược bỏ vế A, thành ra không hề giải thích gì về nội dung "Trăm năm".

Nếu ta thay A= "xưa nay" trong B "cõi người ta" (theo lời giảng của cụ Cao Xuân Huy) bao gồm các quy luật tài mệnh ghét nhau, đời là bể khổ, hồng nhan bạc mệnh... thì nội dung B "trong cõi người ta" gồm các quy luật trên mà khi đã nói cái gì đó thành quy luật thì đã bao hàm yếu tố thời gian - xưa nay rồi, nên câu "xưa nay" đưa vào vế A thành ra trùng lặp và thừa nghĩa.

Mặt khác, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn dùng mẫu câu tương tự như thế này 12 lần (câu 182, 355, 452, 510, 556, 880, 1331, 1964, 3185…) ví dụ như:

- Trăm năm trong cõi người ta

- Trăm năm biết có duyên gì hay không

- Rằng: "Trăm năm cũng từ đây"

- Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

- Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Bây giờ, nếu ta áp các nghĩa được giải thích ở trên vào các câu này thì liệu có còn hợp lý không?

Xưa nay biết có duyên gì hay không

Rằng: " Xưa nay cũng từ đây"

Xưa nay tạc một chữ đồng đến xương

Xưa nay tính cuộc vuông tròn

Hay:

Trong đời người biết có duyên gì hay không

Rằng: " trong đời người cũng từ đây"

Trong đời người tạc một chữ đồng đến xương

Trong đời người tính cuộc vuông tròn

Rõ ràng là các câu trên không rõ nghĩa và đều khập khiễng về nội dung lẫn văn cảnh của các câu đó trong truyện Kiều.

Do đó, cần phải tìm hiểu lại “trăm năm” có ý nghĩa gì?

 Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi, nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Ông là người rất gần với thời đại chúng ta mà ông vẫn dùng "trăm năm" đơn giản, giản dị như "trăm năm" vốn là thế, như cái "trăm năm" của Nguyễn Du trong bài "Chép gửi người tri kỷ đường xa":

Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi

Lại phen này lạc lối tới đây

Một đêm cảnh vội đổi thay

Rồi ra sao nữa sau này trăm năm.

Đây là một bài thơ có thể nói là mẫu mực trong việc dùng thành ngữ con số dân gian Việt Nam. Thân thế "3 chìm 7 nổi" xuất phát từ câu thành ngữ "3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh" (nguồn gốc câu thành ngữ này là từ quan niệm 3 hồn 7 vía, 9 vía) để diễn đạt cái thân phận con người long đong, lận đận, chìm nổi trong cuộc đời con người mà với đàn ông thì dùng "3 chìm 7 nổi", với đàn bà thì dùng "3 chìm 9 lênh đênh."

Ở cái tuổi để trải qua sự chìm nổi trong cuộc đời, trải qua sự long đong, lận đận của kiếp làm người mà để "suy gẫm" lại cuộc đời thì rõ ràng là đã luống tuổi, đã ngấp nghé về chiều rồi nên cái tâm sự buồn man mác trào dâng lên trong lòng tác giả khi chứng kiến cảnh tình thế thái thay đổi chóng vánh qua "một đêm". Từ đó, tác giả lại tiếp tục băn khoăn, lại trào dâng cảm xúc cao hơn của cái thân phận nhỏ bé trước nhân tình thế thái: rồi cái thân thế này sẽ ra sao nữa sau này?

Nếu hiểu số 100 (năm) chỉ là số đếm số học của đời con người, thì Phan Khôi có vẻ đã sai khi dùng "Rồi ra sao nữa sau này trăm năm" mà đúng ra chỉ nên dùng "sau này" là đủ hoặc sau này 3 năm, hay 30 năm vì đã đi gần hết cái giới hạn số học 100 năm của con người để rồi quên đi mọi sự trong cái cách mà như Nguyễn Gia Thiều nói: “Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm khúc).

Tất nhiên, sự phân tích trên bạn đọc sẽ đánh giá là thô thiển, là thiếu tư duy văn học, là đưa phép cộng trừ vào trong thơ ca...

Nhưng từ sự phân tích sai khi phát triển trên một tiền đề không phù hợp "cõi người ta" là cõi sống hạn hẹp của một con người với số 100 là một con số cụ thể, là số đếm số học" hay tiền đề "Đời người không đầy trăm" như bản dịch của Hoàng Dật Cầu thì chúng ta lại thấy rõ rằng "Trăm năm" mà ông Phan Khôi dùng là số hư, không phải số đếm, số thật.

Số hư hay hư số như "3 chìm 7 nổi" ở chính trong bài thơ này là một hiện tượng phổ biến trong dân gian ở thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam. Nhiều câu ở dạng như sau: Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao; Hà Nội 36 phố phường...

Vậy, "Trăm năm" trong bài thơ của Phan Khôi cho ta thấy rõ là một hư số để đại diện cho cái mà Phan Khôi có thể hỏi "rồi ra sao nữa sau này" và đại diện cho cái có thể đủ sức mạnh làm nên "Một đêm cảnh vội đổi thay"

Như vậy, đây là bài thơ cân chỉnh về hình ảnh mà Hư số đại diện:

"3 chìm 7 nổi" đại diện cho Phan Khôi (tác giả)

"Trăm năm" đại diện cho thế lực lớn làm nên "Một đêm cảnh vội đổi thay".

Phân tích đến đây ta có thể hiểu hư số "100 năm" là đại diện cho Trời với tư cách là một thực thể hữu hình và thực thể siêu nhiên, tâm linh chi phối đời sống con người.

Do đó, hiểu rõ ràng câu cuối "Rồi ra sao nữa sau này trăm năm" là "Trời còn định ra sao nữa sau này"

Vậy tại sao con số 100 lại có thể đại diện cho Trời? Trước khi trả lời vấn đề này, chúng ta cần nắm được vị trí của Trời trong lòng dân tộc Việt Nam và tại sao Trời lại có nhiều tên gọi trong Truyện Kiều hay trong văn hóa Việt.

(Xin xem tiếp Bài 3 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN")

TRẦN GIA ANH – TRẦN ĐÌNH TUẤN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.