Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
ĐỨC GIÁO CHỦ HUỲNH PHÚ SỔ (Bài 1)
BÀI-I

Thân thế, sự nghiệp

Ông sinh vào ngày 15 tháng Giêng năm 1920 (nhằm ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi), tại làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, Châu Đốc (gần biên giới Việt Nam - Campuchia).

Ông là con trai trưởng của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm, gia đình này rất khá giả và được người dân địa phương kính nể.

Sau khi đậu bằng đậu bằng Sơ Học Yếu Lược Pháp-Việt (Tiểu Học tại Tân Châu), tuy rất thông minh, nhưng ông không thể tiếp tục việc học hành do bị đau yếu liên miên... Thân sinh của ông tốn rất nhiều tiền của lo chạy thuốc thang, nhưng rồi bệnh ông vẫn không thuyên giảm, bệnh vẫn hoàn bệnh!.

Năm 15 tuổi, bệnh sốt rét kinh niên hành hạ, cùng nhiều căn bệnh khác nữa... khiến sức khỏe của ông trở nên xấu hơn, nhiều thầy thuốc cả Ðông Y lẫn Tây Y đành bó tay. Không chấp nhận để bệnh hoạn hoành hành, ông tự tìm phương cách cứu chữa, ông tìm lên núi Sam (một trong vùng Thất Sơn, An Giang) gặp được các vị tu hành tại đây (phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương) chữa cho khỏi bệnh và từ đó theo nghiệp tu hành.

Năm 1937, về lại làng Hòa Hảo, Ðức Thầy chữa bệnh cho rất nhiều người và bệnh nhân nào cũng được khỏi bệnh... Thời gian nầy Ðức Thầy còn viết Kinh Sách, Giảng Sấm... và xưng là Phật Thầy.  

Ngày 4 thánh 7 năm 1939 (nhằm ngày 18 tháng Năm năm Kỷ Mão), Ðức Thầy cho cử hành lễ "Ðền Linh Khứu Sơn Trung Thọ Mạng" để khai đạo, và lấy tên là Hòa Hảo. Hai chữ nầy rất có ý nghĩa vì vừa là quê hương của Ðức Thầy mà cũng vừa có ý nghĩa "hiếu hòa và giao hảo". Sau lễ này Ðức Thầy đi chữa bệnh cho mọi người, làm một nhà tiên tri, thuyết pháp... và những lức nhàn rỗi thì viết kinh kệ, làm thơ văn... Văn chương của Ðức Thầy rất thuần khiết nên rất dễ đi vào lòng người. Chỉ một thời gian sau, rất nhiều người về với Ðức Thầy, số lượng mỗi ngày một gia tăng làm thành một "phong trào tín ngưỡng" ảnh hưởng mạnh đến guồng máy cai trị của thực dân Pháp không chỉ tại địa phương Hòa Hảo mà còn lan rộng khắp Nam Kỳ (người viết không dùng chữ Bộ vì trung với tên của thân phụ của Ðức Thầy) khiến nhà cầm quyền Pháp nhiều lo ngại.

Ngày 18 tháng 8 năm 1940, Pháp cho bắt Ðức Thầy và đưa về quản thúc tại Sa Ðéc. Ðến ngày 25 thàng 3 năm 1940, nhà cầm quyền Pháp lại cho chuyển Ðức Thầy về làng Nhơn Nghĩa (Cần Thơ) để quản thúc tiếp. Tuy bị quản thúc nhưng tại cả hai nơi này dân chúng đều kéo đến để xin được nghe Ðức Thầy thuyết pháp và xin được quy y vào "Phật Giáo Hòa Hảo".

Trước tình hình này, không thể còn cách nào ngăn cản, nhà cầm quyền Pháp đành đưa ra cớ "bệnh tâm thần" để buộc Ðức Thầy vào nằm tại bệnh viện Cần Thơ (ngày 28 tháng 7 năm 1940), rồi sau đó lại chuyển Ðức Thầy về nhà thương điên Chợ Quán (Sài Gòn).

Tháng 6 năm 1941, Pháp lại đưa Ðức Thầy về Bạc Liêu để quản thúc và cấm Ðức Thầy không được "chữa bệnh" cũng như "thuyết pháp" nữa.

Vào Tháng 10 năm 1942, có tin là nhà cầm quyền Pháp sẽ đưa đi đày Ðức Thầy tại Ai Lao, nên các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng Hiến Binh Nhật đã giải cứu được Ngài, rồi đưa Ngài trở về Sài Gòn. 

Thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945, không bị quân Pháp kèm kẹp nữa, Ðức Thầy trở về các tỉnh Miền Tây (Nam Phần) để thuyết pháp và khuyến nông (tổng cộng được 107 nơi).

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Ðức Thầy cùng các ông Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Thạch... thành lập Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia.

Vào ngày 8 tháng 9 năm 1945, Phật Giáo Hòa Hảo cho tổ chức biểu tình tại Cần Thơ, Việt Minh (đã cướp chính quyền tại Sài Gòn ngày 25 tháng 8, 1945 sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh) cho quân tấn công đoàn biểu tình và bắt hết những người cầm đầu. Đến ngày 9 tháng 9 năm 1945, Việt Minh lại cho quân Quốc Gia Tự Vệ Cuộc bao vây trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo (số 8 đường Sohier, Sài Gòn để bắt Đức Thầy, nhưng không bắt được).

Vào ngày 7 tháng 10 năm 1945, các ông Huỳnh Thành Mậu (em ruột của Đức Thầy), Trần Ngọc Hoành (em ruột Trần Văn Soái tức Năm Lửa), Nguyễn Xuân Thiếp (nhà thơ Việt Châu, anh con bác của học giả Nguyễn Hiến Lê) tổ chức cho Phật Giáo Hòa Hảo biểu tình bị Việt Minh kết cho tội "âm mưu cướp chính quyền" và bắt họ đem tử hình tại sân vận động Cần Thơ.

Ngày 26 tháng 10 năm 1945, sau khi Pháp đã tái chiếm lại Cần Thơ, các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã cho lùng bắt bọn Việt Minh, nhưng vì có tạm ước 6 tháng 3 năm 1946 (ký kết giữa Pháp và Việt Minh) nên Việt Minh đã cải thiện quan hệ với Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Minh cho thành lập Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ, họ mời Đức Thầy giữ chức Ủy Viên Đặc Biệt. Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Đức Thầy cùng một số trí thức có khuynh hướng dân tộc, dân chủ đã đứng ra thành lập "Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng" gọi tắc là "Dân Xã Đảng".

Ngày 27 tháng 2 năm 1947, đại diện của Đức Thầy là ông Nguyễn Bảo Toàn cùng với các lãnh tụ của các "đảng quốc gia" như Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội), Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc Dân Đảng), thành lập Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Liên Hiệp với mục đích hậu thuẫn cho Hoàng Đế Bảo Đại trong việc đàm phán với Pháp để thành lập Quốc Gia Việt Nam.

Ngày 16 tháng 4 năm 1947, Đức Thầy đi đến Tân Phú (Đồng Tháp Mười) để hóa giải những mâu thuẫn và các bất đồng giữa Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng rồi Ngài bị mất tích luôn...

Bài viết này chỉ tới đây, xin quý vị đọc tiếp Bài II
Trường Xuân Phu Tử - Hồ Quang
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.