Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
CHUYỆN CƯỚI HỎI

Và giả như không có “nó” thì cuộc sống trong xã hội sẽ gặp nhiều lộn xộn, nhất là ở những nước có trình độ phát triển rất hạn chế như xã hội của chúng ta trước đây. Ðể chứng minh cho suy nghĩ nầy, khi bàn về tục lệ “cưới hỏi”, người viết xin ghi lại theo tuần tự từng giai đoạn của một đôi trai gái muốn kết hợp thành vợ chồng nhằm “ăn ở với nhau trọn đời, trọn kiếp”. Những tuần tự kể ra dưới đây, “có thể” nó không phải là một điều luật chung nhất, mà là những phong tục tập quán do từng địa phương được gọi là “lệ” (lệ làng) đúc kết từ đời này sang đời khác tuy “bất thành văn” nhưng có sức mạnh áp chế mãnh liệt, hơn cả các pháp lệnh của vua chúa, chính quyền ban ra. Tục lệ “cưới hỏi” là một chứng minh rõ ràng nhất, “nó” nói cho mọi người (kể cả những người không đồng chủng tộc) biết rằng đó là bản sắc văn hóa của dân tộc, do đó có thể có sự thay đổi theo từng hình thái xã hội, nhưng không bao giờ mất đi bản sắc dân tộc trong các tập tục đó.

Trong quần thể sống còn, thời đại nào cũng vậy, ngoài “luật vua phép nước” người dân phải biết “ăn theo thuở, ở theo thì”, “nhập gia tùy tục, nhập sông tùy khúc”, và còn phải biết “phép vua thua lệ làng”... Do vậy, một ai đó dầu có uyên bác đến đâu, có tài giỏi đến đâu, nhưng không theo đúng “phong tục tập quán” của nơi mình đang sống, thì cách duy nhất muốn yên thân... chỉ còn cuốn gói đi chỗ khác mà thôi. Ngược lại, người dân các vùng khác muốn đến sinh sống tại một làng mới, cùng phải biết tuân theo những quy định của làng mới này... Xã hội văn minh ngày nay có rất nhiều cái hay, cái đẹp, đánh đổ nhiều vấn đề rườm rà, rắc rối trong các phong tục tập quán ngày xưa, biến nó trở nên giản đơn, bớt phiền toái, làm cho cuộc sống ngày một nhẹ nhàng, dễ thở, khiến ai cũng có thể chấp nhận... Nhưng, “có lẽ” chính nó làm nẩy sinh ra lắm cảnh dở khóc dở cười, nhất là trong chuyện hôn nhân: “Cưới Hỏi” quá dễ, hậu quả “Ly Dị” cũng dễ quá... Ngược lại chuyện dựng vợ gả chồng ngày xưa hoàn toàn không phải do hai nhân vật phối ngẫu quyết định... phải do cha mẹ đặt để (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, dĩ nhiên các bậc cha mẹ này phải theo đúng phong tục tập quán của địa phương mình đang sống). Nhìn chung, chuyện trở thành vợ chồng của đôi nam nữ phải qua nhiều ải khó khăn, năm trầy bảy trật, không thể khơi khơi như ở thế hệ ngày nay: “đồi trai gái đến tuổi là nắm tay nhau ra phòng hộ tịch làm hôn thú - là được rồi!...”. Vai trò cha mẹ bây giờ trở thành “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”, không thể áp dụng như xưa, chuyện cưới hỏi quá dễ dàng nên “chia tay” càng dễ dàng... Từ đó, có thể nói nếu nhìn ở góc độ đạo đức, chuyện dựng vợ gã chồng ngày xưa là sự áp đặt, nhưng vẫn là chuyện hay vì cả người vợ lẫn người chồng phải bị trải qua nhiều giai đoạn thử thách, bị tốn nhiều thời gian, bị mất nhiều công sức, bị hao tiền tốn của... nên một khi đã thành vợ chồng rồi... có muốn ly dị, thì nhiều ràng buộc “bị chấp nhận” trước đó khiến cả hai đành đồng thuận “thà đừng ly dị còn hơn!”, vì không thể “làm lại từng bước một như lúc đầu!”. Nói như thế không có nghĩa chuyện “ly dị” không thể xảy ra. Nó xảy ra rất nhiều là đằng khác, và lúc này chính là lúc “phép vua” có quyền này, tuy phần thua thiệt vẫn là về phía người vợ... như những điều luật qui định thế nào “được quyền để vợ” (như không sinh con nối dõi tông đường, khuyết tật, v.v...). Người viết bài nầy, cho đến nay đang bước qua tuổi 75, vẫn cứ còn thắc mắc vì không thể phân biệt được chuyện “cưới hỏi” xưa và nay, cách nào “hay” và cách nào “dở”?... Thôi thì để tìm hiểu chuyện cưới hỏi cách đây gần thế kỷ, người viết xin được tuần tự ghi lại như sau:

Cái chung nhất cho việc “cưới hỏi” đó là phải có “hỏi” trước rồi mới nói đến “cưới” sau, đây là sự tuần tự bất biến, không một ai có thể đảo ngược! Còn việc trước lễ “hỏi”, trước lễ “cưới” và sau lễ “cưới” có những “lễ” gì nữa thì còn tùy vào phong tục tập quán nơi cư trú của “gia đình chú rể” hay “gia đình cô dâu”.

Ở Việt Nam có thể nói mỗi miền có phong tục riêng nên cách sống khác nhau. Nếu đem so sánh và chọn đơn vị hành chánh nhỏ nhất là làng thì chúng ta dễ dàng thấy sự khác biệt đó hơn. “Làng” có lãnh thổ nhỏ hơn “xã” nhưng khi đem những tập tục áp dụng cho dân mình thì quyền hạn của “làng” nhất định lớn hơn xã. “Xã” thường chỉ đóng vai trò hòa giải giữa các “làng” mà thôi. Trong “tục lệ cưới hỏi” nếu cặp phối ngẫu xảy ra ở hai làng khác nhau, gia đình cha mẹ của họ không những tuân theo mọi tục lệ của riêng làng mình mà còn phải tuân theo luôn cả tục lệ của làng bên kia qua trung gian của “xã”à Chuyện thành vợ thành chồng dầu áp dụng dưới hình thức nào cũng vẫn phải theo một tuần tự nhật định... và nếu có sự châm chước đôi chút, thì đó chỉ là chuyện đơn giản để “rút ngắn” giai đoạn sống chung của đôi trẻ... mà thôi.

Thường thường các bậc cha mẹ (ngày trước) muốn dựng vợ gả chồng cho con cái mình hay theo cách sau:

  1. Tuổi tác thích ứng cho lập gia đình (hay tuổi có quyền đính hôn):

Ta thường nói “Nữ thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16), đây là tuổi có thể bước vào chuyện lập gia đình. Ở tuổi này có thể nói là cả nam lẫn nữ đều còn nhỏ, nhưng kể từ ngày hai bên đính hôn cho đến lúc làm đám cưới, có thể kéo dài 3 năm sau (?)thì cả hai trẻ cũng đã đủ độ trưởng thành rồi. Do đó ở tuổi “nam thập lục” cha mẹ của người con trai có thể đi hỏi vợ cho con mình, và ngược lại cha mẹ của người con gái “nữ thập tam” cũng có thể chấp nhận lễ đính hôn cho con gái mình. Ðây là chuyện thông thường thôi, chứ việc ấn định tuổi tác đính hôn có thể du di dưới 12 và cũng có thể trên 20... Ngoài ra còn có chuyện đính hôn ngay khi đứa bé còn nằm trong bụng mẹ (chỉ phúc đính hôn) nghĩa là chỉ vào bào thai đang mang của 2 người mẹ mà hai gia đình hứa với nhau sau này sẽ cho hai trẻ (nếu một bên là trai, một bên là gái) nên duyên chồng vợ. Khổng Tử thì hơi khắc nghiệt hơn, ông nâng số tuổi lên: “Nam tam thập nhi thú, Nữ nhị thập nhi giá” (Trai 30 tuổi lấy vợ, gái 20 tuổi lấy chồng). Và nếu áp dụng theo ông này, thì chuyện “trai gái” gặp quá nhiều khó khăn khi muốn nên chồng vợ. Nội chuyện “nam nữ thụ thụ bất thân” đã là một trở ngại trong việc quen nhau của đôi trẻ rồi. Theo ông ta nam nữ muốn trao nhau cái gì, nhận nhau cái gì... đều không được trực tiếp đưa thẳng với nhau (có thể chỗ này Không Tử “sợ” những cái “nháy mắt”, những “ám hiệu” của cách trao vật mà có cuộc hẹn hò sắp tới chăng?!)... Người con gái muốn mời người con trai ăn một “miếng trầu”, việc chỉ đơn giản như thế, nhưng phải theo đúng lệ (têm trầu xong phải đem đặt giữa bàn, người được mời tự nhặt lấy mà ăn (không phải nhận nơi tay của người mời). Thời cha ông ta là vậy, việc tỏ tình trực tiếp của trai gái khó mà thực hiện, nếu gặp nhau bất ngờ, đôi trai gái muốn tỏ tình, chỉ còn cách dùng đôi mắt để nói với nhau mà thôi (đá lông nheo vậy, làm dấu ngón tay, có thể như vậy lắm! Vì “ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay” như lời ca của một bản nhạc nào đó của thời nay diễn tả được! Có thể chứng minh điều này là các cô gái con nhà giàu, các cô gài con nhà quan quyền (tiểu thư) thường bị sống cảnh “kín cổng cao tường”, vì bố mẹ của họ cho “cấm cung” các con gái của mình.

2.- Mai Mối: Nhà trai muốn hỏi vợ cho con trai mình thì phải kiếm người làm mai mối. Ông “mai” hay Bà “mai” đến tận bên nhà gái (có thể nhà trai và nhà gái đã biết nhau, hay chỉ nghe tiếng phong phanh, cũng như hai trẻ nam nữ có thể biết nhau mà cũng có thể hoàn toàn chưa thấy mặt nhau) thay mặt gia đình nhà trai, tỏ lời xin được làm sui gia... Ở đây nếu về sau, mối lương duyên do ông “mai” hay bà “mai” tác thành sống hạnh phúc, sẽ là ân nhân suốt đời của cặp vợ chồng này, nhưng nếu cuộc tình không mấy tốt đẹp, ông hay bà “mai” sẽ bị gia đình hai bên hay chính ngay cặp vợ chồng đó chửi mắng thậm tệ. Ở chỗ này tục ngữ ca dao đã có câu: “Ở đời có 4 cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu...”.

3.- Lễ Vấn Danh: Cha mẹ thấy con mình đã vào tuổi cặp kê, tâm lý ai cũng vậy, là muốn cho con mình sớm thành bề gia thất, sớm có cháu ẵm bồng và nối hậu... Cha mẹ bên trai mong kiếm được dâu hiền, nên kén chọn khắp nơi xem có chỗ nào “môn đăng hộ đối”, dòng giống đạo đức, sum sê con cái (Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống)... Thế rồi nhờ ông mai (bà mai) làm người trao đổi thông tin giữa hai bên để tìm hiểu về ngày sinh tháng đẻ của 2 trẻ, sau đó đem về nhờ “thầy tướng số” xem có “hạp” hay không “hạp” nếu sẽ sống chung với nhau... Giả như mọi việc thỏa đáng, nhà trai cho sắm lễ nhờ người mai mối đến nhà gái xin “Dạm Hỏi” (Lễ Dạm Hỏi). Ngày giờ được hai bên (nhà trai, nhà gái) thỏa thuận chọn... Về phía nhà gái, dĩ nhiên họ cũng muốn gả con gái mình về nơi nào được sống sung sướng, làm nở mày nở mặt với bà con chòm xóm. Ðối với những gia đình giàu sang phú quí, nhà gái còn đặt ra rất nhiều điều kiện để tuyển phu (chọn chồng) cho con.

Tâm lý chính của những bậc làm cha mẹ là lúc nào cũng muốn tương lai con cái mình được vinh hiển, nên thường dè dặt trong chuyện dựng vợ gả chồng, không hời hợt, coi thường:

“Cưới con dâu, sâu con mắt

Chọn thằng rể, sệ cái môi...” là như vậy!

4.- Lễ Dạm Hỏi:

Ông (hay bà) “mai”, theo lời nhà trai đến nhà gái thưa lại tất cả mọi dự định, nếu nhà gái bằng lòng, nhà trai mới dám đem “trầu cau” đến nhà gái xin “dạm hỏi”. Ðây chỉ là bước đầu, là “mới” khởi sự, từ đó trở đi nhà trai cũng như “chàng rể tương lai” còn phải qua nhiều ải, thời gian kéo dài khó mà biết trước được, vì lễ cưới chỉ được tổ chức thường thường ở lứa tuổi 20... Sau lễ Dạm Hỏi, kể từ ngày này trở đi, hễ cứ có ngày giỗ kỵ, lễ lộc, tết nhứt, chàng rể tương lai phải mang quà đến nộp lễ cho nhà gái. Mùa nào thức nấy, quà càng nhiều càng tốt (Thịt cá, trái cây, các hoa màu thu hoạch trong công việc đồng án, nếu không có phải mua sắm để chàng rể đem nộp lễ cho nhà gái)à Những buổi trưa hè, có dịp đi ngang qua xóm quê, chúng ta thường nghe những lời hát ru con đầy não nuột:

“Cha mẹ nàng muốn ăn cá thu,

Gả con về biển mù mù tăm tăm...”

Chàng rể được nhà gái trọng vọng nhiều hay ít cũng tùy theo chuyện ít nhiều của số lượng, giá trị quà. Ngày tháng trôi qua, lễ Dạm Hỏi được tiến hành. Ngày giờ tốt xấu đã có mấy ông “thầy đồ, thầy tướng số” coi lịch ấn định, nhà trai chỉ việc đem cau, trầu, chè, lợn, xôi, hoa tai... đến nhà gái xin được làm lễ hỏi vợ cho con trai mình. Ðối với những gia đình giàu có tại miền Bắc VN, lễ hỏi được tổ chức rất trọng thể, vì thường thì gia đình nhà gái đòi hỏi lễ vật rất nhiều... ví dụ: phải có hàng mấy trăm phần quà gồm cau trầu, chè, bánh quế, bánh xu xê... để nhà gái đem biếu lại họ hàng, chòm xóm của mình, gọi là “vinh dự thông báo” rằng: “con gái chúng tôi đã có nơi có chỗ” xứng đáng lắm!

Bước đầu coi như tạm ổn, nhưng những ngày kế tiếp là những ngày đầy gian nan cho chàng rể... Có chàng trai phải ở rể đến ba bốn năm mới cưới được vợ. Thời gian ở rể, chàng rể tương lai không khác nào anh chàng làm công không lương... Ăn uống thì ăn chung với thợ cày, thợ cấy, tối về ngủ ở nhà ngang một mình, không được léo hánh đến gần người vợ chưa cưới, nếu cả hai cần “háy, nguýt” đến nhau chỉ dùng ánh mắt để làm hiệu mà thôi. Chính tôi đã từng chứng kiến một người chị họ khi đem cơm trưa ra đồng cho đám thợ cày, trong đó có vị hôn phu của chị. Vì quá yêu anh ta, chị lén nhét miếng cá “chuồng gành” thật ngon (loại cá này chỉ kho riêng để cho cha mẹ và ông bà nội của chị dùng) ở dưới đáy bát cơm. Khi đám thợ cày, tát nước quây quần dùng cơm, chị ta lấy bát cơm “đặc biệt” ấy mà trao cho anh... Có lẽ “chuyện” không được thông báo trước, nên anh chàng cứ ăn uống “vô tư” (bình thường), không giấu giếm ai hết, nào ngờ khi ăn hết nửa bát, miếng cá loài ra... Bản tính thật thà, anh đưa ra cho mọi người xem, và nói với người vợ tương lai: “Em nó ơi, có lộn không? Thật xin lỗi là tôi... đã dùng cái bát lầm...”. Chị tôi đỏ mặt, tức muốn hụt hơi, mắng thầm: “Thứ gì mà đần ơi là đần!”, nói xong chị tôi như gạt lấy nước mắt mà trút miếng cá lại cất đi. Tối hôm ấy, sau khi nghe được đám thợ xầm xì, ông bác tôi cho chị một trận đòn nên thân, vì không biết giữ nề nếp, và còn gọi chị họ tôi là thứ con gái “hư”, thứ con gái không nên thân... (chữ “hư” ở Trung và Nam dụng ý nhẹ nhàng hơn ở Bắc). Tuy rằng trong thời gian sau lễ hỏi, nhà gái chiếm nhiều lợi thế, nhưng nếu có vấn đề gì mà nhà trai hoặc cá nhân chàng rể có vấn đề, hoặc có khi nhà gái không muốn tiếp tục chuyện gả con, kèm theo lý do chính đáng, thì nhà gái có thể xin hủy bỏ lễ hỏi. Muốn làm việc này, nhà gái phải đem hết tất cả những lễ vật của nhà trai (từ ngày làm lễ hỏi cho đến ngày trả lễ vật), hoàn lại đủ... không sót một món nào. Có những gia đình nhà trai không cần thiết và không muốn làm khó dễ, nhận lại không cần kiểm soát. Nhưng, ngược lại cũng có những nhà trai làm khó dễ, đem hết tất cả sổ sách đã ghi ra kiểm kê lại, và cho gọi thợ bạc đem cân tiểu ly đến cân những vòng vàng, hoa tai mà trước đây họ đã “cho” cô dâu tương lai, thậm chí còn đếm từng trái cau, từng miếng trầu, so lại từng lạng thịt lợn có trùng khớp, hoặc chất lượng của những hợp bánh xu xê có đúng cỡ, loại, hãng sản xuất trước đây hay không...

5.- Duy trì tình sui gia (còn gọi là “Xêu”): “Xêu” chỉ xảy ra sau lễ “dạm hỏi”, Có nơi còn gọi đây là tiền “cheo”.

Trước khi di vào Lễ Nộp Cheo, tưởng cũng nên nói thêm về tục lệ “thách cưới”. Tục lệ này nhằm trói buộc nhà trai cũng như nhà gái, có khi còn làm cho chàng rể bỏ cuộc (vì không đáp ứng nỗi chuyện thách cưới), nhưng sự thiệt thòi lại rơi vào cho thân phận người con gái (dẫu sao cũng mang tiếng gái một đời chồng, và làm cho những chàng trai khác ngại ngùng... không dám đến hỏi cưới cô ta vì sợ chuyện thách cưới này sẽ xảy ra nữa...). Chuyện thách cưới là do họ bên nhà gái bày ra. Những lễ vật mà họ dòi nhà trai phải đáp ứng (như thách cưới phải có quần áo may bằng vải đắc tiền, nón dép, nhẫn, xuyến, hoa tai, tiền mặt, cỗ cưới, và nhiều thứ khác... nói chung là quá nhiều, quá tốn kém, khiến nhà trai không thể kham nổi, phải chạy ngược chạy xuôi, vay nơi này, mượn nơi kia, mong lo xong việc rồi sau đó đầu tắc mặt tối cố sức làm lụng kiếm tiền trả nợ, có nhà trai phải bỏ cuộc. Ðã có những cặp vợ chồng do chuyện thách cưới này mà ngay từ sau buổi thành hôn, nghĩa vợ chồng, tình thông gia liền bị sứt mẻ. Cũng có trường hợp nhà gái túng thiếu không thể lo cung cấp cho đủ lệ làng, đòi hỏi nhà trai phải lo chu toàn giúp. Cũng có trường hợp bố mẹ cô dâu vì mặt mũi (lại giàu có) việc chi ra cho con gái về nhà chồng gấp năm gấp mười lần nhà trai, và sau khi thành thân, đã cho con gái (của hồi moan lớn), con rể nhiều thứ, nhưng họ phải đưa điều kiện thách cưới cao, nhằm tránh tiếng xì xào, đàm tiếu về con gái mình (hoặc lỡ dở duyên phận, hoặc vô duyên mất nết, phải cho không...) do đó mới nêu ra giá cả trong chuyện thách cưới. Chuyện thách cưới không chỉ là chuyện tiền bạc mà còn có hình thức thách cưới bằng “chữ nghĩa” để chọn rể... Trường hợp này thường là nhắm vào các chàng trai con nhà gia thế có học hành, với hy vọng tương lai con gái mình còn được “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Trong dân gian ta thường nghe ca:

”... Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp em một thúng xôi vò,

Một con lợn béo, một vò rượu tăm

Giúp em đôi chiếu em nằm,

Ðôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...”

Thực ra thì anh trai làng này chẳng giúp gì cả. Ðó chẳng qua đều là các lễ vật tối thiểu mà anh phải bỏ ra để cưới nàng...

Phải chăng khi gả con gái lấy chồng, cha mẹ đã có dự tính chuyện đổi chác? Những chuyện đã từng xảy ra, khiến chúng ta có thể kết luận rằng “có”. Nếu không thì làm gì có danh từ gả bán? Người viết đã từng thấy có những nhà trai, hàng năm lo vỗ béo lợn (thường thì dùng vào lễ một đùi), cặp gà trống thiến ú, chọn những ang gạo lúa mới giả bằng tay thật sạch, những cân nếp bầu thật thơm, những quả mít chín cây thật tròn trịa (loại ít xơ nhiều múi), để chuẩn bị cho con trai của mình đem đến biếu nhạc phụ nhạc mẫu tương lai (gia đình giàu có các chàng trai thường dùng tiểu đồng để quảy lễ vật đi theo mình đến nhà vợ tương lai)... Nhà gái thường nhận hết, chỉ trả lại một ít gọi là quà “lại mặt”.

Tôi có ông chú ruột, rất là “dân chơi, loại cầu ba cẳng” (một cẳng chơi, hai cẳng chạy?). Ông nội tôi thấy chú không chịu học hành hay chăm lo làm ăn mà ngày sau còn cai quản vườn tược, ruộng nương, nên mới đi cưới vợ cho chú ấy, nghĩ rằng sau khi thành gia thất rồi, nhất định chú tôi sẽ nên người, sẽ tốt hơn. Nào ngờ, sau khi làm đám hỏi xong, chú ấy vẫn tính nào tật nấy, tất cả các lễ vật “xêu”, chú không cho người hầu gánh thẳng đến nhà cha vợ tương lai, mà bảo người nầy gánh đến nhà một phú hộ làng kế cận đổi lấy tiền, vào sòng bạc ăn thua. Câu chuyện xảy ra từ đầu năm đến cuối năm, ông nội tôi mới phát hiện... Nộ khí xung thiên, ông nội tôi nọc thẳng chú tôi ra giữa sân gạch, dùng roi tre đánh cho một trận nên thân. Lằn roi ngang dọc trên lưng, trên mông nổi cộm rất rõ, có nơi rướm máu, bà nội tôi phải sai gia nhân giả muối để bà tự tay xác vào những vết sưng đó. Sáng hôm sau, ông nội tôi, sắm sửa các lễ vật khác, có thể nói nhiều nhất so với các lần trước, hình như ông nội muốn bù lại cái mất mát từ lâu của nhà gái và chờ cho chú tôi lành hẳn bắt chú tôi phải đích thân gánh đến nhà gái dưới sự giám sát của ông, phần tôi được ông dẫn theo cho vui. Chuyện chính của ông nội tôi lần này là đến nhà đàng gái xin lỗi:

- “Không dám giấu gì anh sui, xin anh cho phép tôi được gọi như vậy. Thôi thì mũi dại, lái chịu đòn, con dại cái mang, tôi xin anh chị sui miễn chấp, tôi chịu tội tất cả, hôm nay tôi bắt thằng Sáu nhà tôi đích thân mang lễ vật đến đây để xin tạ tội...”.

Ông nội tôi từ tốn, xuống nước nhỏ, tưởng là chuyện đơn giản, nên chỉ hành sử theo cách đơn giản như thế, nào ngờ người cha vợ tương lai của chú tôi “hứ” một tiếng, giằng ly nước trà gần đổ, nói:

- “Quan Tuần cứ nói tiếp, tôi nghe thử coi?”

(Lúc đó ông nội tôi là một quan tuần của một phủ đã về hưu từ lâu)

- “Thì... thì... xin thưa anh, cái thằng dại quá...”

Ông nội tôi chưa kịp dứt lời thì ông sui đáp trả:

- “Nó mà dại à! Nó còn khôn hơn tôi, và, xin lỗi, cả quan tuần nữa đó!”

Ông nội tôi ngơ ngác:

- “Tôi biết lỗi là tại tôi, không dạy bảo nó tử tế, để cho nó ham chơi bời lêu lổng, rồi vô phép quên đi lễ nghĩa đối với anh chị bên này, nó không làm tròn về cách thức của lễ “Xêu” mà ông bà ta đã đặt ra... Chuyện này, tôi xin hứa với anh chị, từ nay sắp tới tôi có thể răn dạy nó nghiêm hơn”.

- “Ông nói gì? Lễ vật của “Xêu” à? Tôi chả để ý tới chuyện này đâu? Có cũng tốt, mà lỡ quên thì cũng thôi, có sao đâu! May mà nó chỉ thỉnh thoảng ghé qua, mà cớ sự đã là dường này... Nếu nó ghé nhiều nữa, chắc vợ chồng tôi chỉ còn cách độn thổ, chứ không mặt mũi nào nhìn bà con chòm xóm... Tôi là một thầy đồ dạy học trò, làm sao tôi có thể sống thêm? Ai còn dám cho con đến đây học...”.

Ông nội tôi không hiểu điều gì xảy ra, nên khiêm tốn tiếp:

- “Thưa anh sui, tôi không rõ lắm, con tôi có gì xúc phạm đến anh chị?”

- “Vợ chồng tôi ấy à? Mười lăm bản mặt nó cũng không dám! Hôm nay tôi tưởng “quan Tuần” đích thân đến đây, trước là xin lỗi thay cho con ông về việc làm tồi bại của nó, sau là xin vợ chồng tôi làm lễ cưới gấp cho hai đứa nó”.

Ông nội tôi đi từ sửng sốt này đến sửng sốt khác về cách nói chuyện dằn từng tiếng của đối phương, và cố lựa ra câu thích hợp để hỏi nguyên cớ, nào ngờ cha vợ tương lai của chú tôi “hứ” một tiếng mạnh nữa, rồi tiếp:

- “Nó đến chỉ ít thôi, mà cái bụng của con gái tôi bị sình kia kìa! Hứ, may mà nó mới lui tới chỉ hai tháng nay thôi, chứ sớm hơn, chắc ông bà “Tuần” sớm có cháu nội... Hay là ông bà cần cháu nội lắm nên xúi biểu nó, chứ có lẽ gì nó dám...?”

Ðến đây thì ông nội tôi mới tóa hỏa tam tinh, tay đập lên trán để trấn tĩnh, đứng lên chấp hai tay xá xá đối phương, miệng lắp bắp:

- “Thật là sai quấy, cái thằng nghịch tử chết tiệt này, xin anh chị tha cho, tôi xin lãnh trách nhiệm lo liệu, không dám chần chờ...”.

Quay sang chú tôi đang cúi mặt đứng sau lưng, ông nội tôi quát:

- “Mi còn không mau quì xuống tạ tội!”

Chú tôi rón rén, khép nép, rụt rè quì xuống...

Ông nội tôi đứng chấp tay thi lễ giống như kẻ chịu tội thay cho con mình. Tôi không hiểu quyền lực nào, phép tắc nào khiến ông nội tôi phải hạ mình như vậy, vì thường ngày đối với dân làng, ông rất nghiêm nghị, không một ai dám ho hen hay tằng hắng trước mặt ông, muốn vào nhà ông, tất cả phải đi cửa hông kể cả Lý Trưởng, chỉ trừ hàng Tri Huyện trở lên mới được đón vào cửa chính giữa... Như để xác minh, ông nội tôi thưa với ông sui gia:

- “Thưa anh chị, xin phép anh chị cho phép tôi được gặp cháu để hỏi một câu không?”

Ông sui của ông nội tôi chưa kịp trả lời thì bà sui đã vội miệng lên tiếng gọi vào trong:

- “Tư à, ra đây cho thầy thằng Sáu hỏi chuyện”!

Buồng trong có tiếng lẹp xẹp kéo lê đôi guốc lồng mứt, rồi thím dâu tương lai của tôi xuất hiện. Bà ta rất lễ phép, vòng tay, cúi đầu, khép nép quì xuống bên cạnh chú tôi, thưa:

- “Thưa thầy, thưa mẹ gọi con! Thưa quan lớn mới đến...”.

Ðể phá tan sự ngột ngạt, ông nội tôi lên tiếng trước:

- “Thôi cháu đứng dậy! À mà xin phép anh chị (vừa nói ông nội tôi quay sang vợ chồng ông sui) cho tôi được dùng chữ “con” đối với con Tư (không để có phản ứng, ông nội tôi quay mặt về phía thím tương lai của tôi nói liền), “Con” đứng dậy, để thầy hỏi...

Thím tôi nhìn cha mẹ ruột rồi từ từ dứng dậy lùi về sau một bước, tay vẫn vòng trước ngực, cúi đầu xuống nghe ông nội tôi hỏi:

- “Cớ làm sao mà ra nông nỗi thế ni? Có phải do thằng quỉ sứ nầy làm ra không?”, vừa nói ông nội tôi vừa chỉ thẳng vào chú tôi.

- “Dạ thưa... dạ thưa quan lớn, ảnh ép con mấy lần rồi, nhưng con không chịu, và còn thoát được hết, nhưng hôm rằm tháng trước nữa, ảnh đi đâu về say mềm, con không biết có phải thực hay không? Con sợ thấy mồ... phần sợ ảnh trúng gió, phần sợ nếu quả thực, không chạy chữa thì ảnh chết mất... tội nghiệp, nên con dìu ảnh vào nhà sau, bảo chị ở xuống bếp ngủ, nhường chỗ cho ảnh nằm tạm, hết say sẽ trở về. Chị bếp đi rồi, một hồi lâu ảnh bảo cho ảnh xin miếng nước, con nghĩ có lẽ vì uống rượu nhiều nên khát nước... nên con mới đi lấy nước lên, uống xong, ảnh nói “mệt” trong người, rồi nằm bất động, con sợ quá lại gần xem ra sao, nào ngờ lúc con vừa cúi xuống, ảnh ngồi bật dậy đè con xuống..., ảnh ẩu tả quá chừng... Con nói: Không được, nhất định không được mà... nhưng rồi cuối cùng... như hôm nay đây”... Ông nội tôi lên tiếng:

- “Thôi. Thầy biết rồi! Thằng súc sanh, đồ chó chết, nó đã dùng đòn trí mạng! Ðể thầy quyết định...”.

Ông quay sang ông bà sui:

- “Anh chị có thể định ngày nào cho tôi chuẩn bị làm lễ đón con Tư?”.

Nhạc phụ tương lai của chú tôi lên tiếng:

- “Ðây là cách cuối cùng và cũng là cách duy nhất mà vợ chồng chúng tôi cả tuần nay bàn định. Từ rằm đến hai mươi tháng này, có nhiều ngày tốt, hợp với tuổi của bọn chúng... và chúng tôi không thể để kéo dài hơn. Hôm nay, ông không qua nhà tôi, thì chúng tôi cũng phải đến cửa nhà quan ông mà thôi!”.

Ông nội tôi lẩm bẩm một mình: “Hôm nay là mồng Năm, như thế 10 ngày nữa, tối đa chậm nhất là nửa tháng...”, rồi nhìn sang vợ chồng ông sui gia dõng dạc nói:

- “Anh chị yên tâm. Tôi thực hiện mọi việc đúng thời hạn anh chị cho phép. Bây giờ thì thăm anh chị cũng đã lâu, vậy chúng tôi xin kiếu từ...”.

Ông nội tôi xích ghế qua một bên, đứng lên, chấp tay xá xá vợ chồng người sui gia, xong quay sang chú tôi, quát:

- “Còn quỳ ở đó, không lo dọn dẹp để mà còn về?”

Chú tôi đứng lên, lạy chào từ biệt cha mẹ vợ, bước ra sân xếp gọn lại đôi quang gánh, một tay cầm đòn gánh, một tay cầm hai chiếc thúng cột chặt trong đôi gióng lồng vào nhau, hăng hái bước ra.

Cúi lạy ông bà nhạc tương lai của chú tôi, tôi chạy theo sau chú tôi. Tôi là đứa cháu cưng nhất, chú tôi biết tính ông nội hay chiềutôi, nên để chuộc lại một phần tội lỗi đã gây ra, chú tôi nói:

- “Thằng quỉ nhỏ, thót nhanh lên vai, để chú cõng cho. Nào, mau lên.”

Ông nội tôi nhìn tôi cười, hất hàm hướng về phía lưng của chú tôi. Tôi hiểu ý, làm đúng như một tay kỵ sĩ lành nghề. Trên đường về, chú tôi vui lắm, huýt sáo luôn miệng, đôi khi lại ca những bài ca gì đó, lâu ngày rồi tôi cũng quên mất. Có một điều tôi không thể quên là chú tôi đã chịu trả lời tôi một câu hỏi:

- Này chú, hồi nãy nội nói với thím Tư là “Thầy biết rồi”, “thằng súc sanh”, “đòn trí mạng” là cái gì hả chú? Nếu mà biết rồi thì cần gì nội phải hỏi lại thím Tư?

- Ồ, chuyện người lớn, con nít không được hỏi! Chú nạt tôi.

Tôi mếu máo, đòi trèo xuống không cho chú cõng nữa, nói:

- Không cần chú cõng nữa, Tý sẽ bảo ông nội cõng.

Nghe nói đến ông nội, chú tôi hoảng quá vội năn nỉ:

- Thôi, thằng ranh con, nằm yên trên lưng đi, tao sẽ nói cho nghe cái “biết rồi” và “ngón đòn độc” của ông nội mày.

Tôi vui hẳn lên thúc giục:

- Cái gì? Cái ấy là cái gì mà biết rồi?

- Cái đòn chí tử đó, thằng ngu.

Tôi lắc đầu, không biết gì hết, và chú tôi còn nói thêm:

- Mầy chỉ được áp dụng “đòn chí tử” đó khi nào mày luyện xong võ nghệ ở cỡ tuổi tao bây giờ.

Tôi lắc đầu, hoàn toàn không hiểu gì hết, trong đầu óc lúc đó của tôi cứ thắc mắc suốt quãng đường còn lại là bây giờ mình mới 5, 7 tuổi, muốn bằng chú mình phải mười mấy năm nữa, lâu quá, thôi không cần biết là xong. Mãi đến năm hai mươi hai tuổi tôi mới khám phá ra rằng “cái đòn chí tử” mà chú tôi nói nó thật là lợi hại như thế nào...

Câu chuyện thêm vào ở trên có thể mâu thuẫn với tập tục ở rể, nhưng đã xảy ra thực sự và nội dung câu chuyện không phải là ở rể mà là nằm trong tục lệ của “Xêu”.

Tóm lại, Tiền “Cheo” là khoản tiền nhà trai nạp cho bên nhà gái và nhà gái dùng tiền này chi dụng cho mọi tục lệ của làng xã nhà gái đòi hỏi. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nộp cheo nhưng có giảm bớt. Xuất xứ của lệ “nạp cheo” là tục “Lan nhai” tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Ðầu tiên thì người ta tổ chức đón mừng, chúc tụng hôn lễ. Chuyện đáp lễ của nhà trai phải được thể hiện, họ đưa trầu cau ra mời, đưa quà, đưa tiền biếu tặng phía họ hàng nhà gái đón tiếp. Dần dần có nhiều người bên làng xã nhà gái lợi dụng vòi tiền, sách nhiễu, trở thành lệ tục xấu, triều đình phong kiến phải ra lệnh bãi bỏ tục lệ này, và thay vào việc cho phép làng xã được thu tiền cheo. Khi đã nộp cheo cho làng, tức là đám cưới được công nhận có giấy biên nhận hẳn hoi. Ngày xưa, chưa có thủ tục làm giấy hôn thú, tờ biên nhận nạp cheo coi như tờ hôn thú. Khoản tiền cheo này nhiều địa phương dùng cho việc công ích như đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng...

6.- Lễ Cưới: Sau những lễ “Xêu”, hoặc ở rể (có khi vài ba năm, có khi kéo dài nhiều năm) nhà gái mới cho làm đám cưới. Những trường hợp đặc biệt không có lễ “Xêu” mà đã xin cưới (như cưới chạy tang) thì những đám cưới loại này là những “đám cưới thiếu lễ”. Muốn tổ chức đám cưới “thiếu lễ” (ví dụ đám cưới chạy tang không riêng người thân của nhà trai mà người thân cửa nhà gái nữa...) thì bên nhà trai nhờ ông hay bà “mai” cầm thư thông báo sang nhà gái với nội dung là “cần những lễ vật gì” cho việc tổ chức lễ cưới. Ông, bà “mai” sẽ cầm thư trả lời của nhà gái về cho nhà trai, nếu không có gì bàn cãi thêm hoặc có chuyện “cò kè bớt một thêm hai...”, thì nhà trai có thể nhờ “thầy” xem gấp ngày giờ tốt mà tiến hành tổ chức đám cưới trước khi người thân tắt thở (qua đời). Ngược lại nhà gái không chấp nhận nội dung đề nghị trong thơ của nhà trai gởi đến, và thêm nhiều đòi hỏi quá sức có thể thực hiện của nhà trai, thì mọi việc cần phải hoãn lại thời gian ngắn tùy theo việc đòi hỏi của nhà gái giảm xuống ít hay nhiều... Nếu nhà gái nhất định không giảm, thì nhà trai nhất định cũng phải rán sức ra vay mượn để mà lo, vì đây thứ nhất là chuyện mặt mũi, thứ hai thời gian cưới đủ lễ có thể kéo dài thêm (ít nhất là mãn tang của người thân hai bên), thứ ba là theo yêu cầu của người sắp lìa trần... Ðể tránh chuyện rắc rối thế này, phần đông các nhà trai đành chấp nhận hết các điều kiện của nhà gái đưa ra. Dĩ nhiên, sau các đám cưới mà sự đòi hỏi của nhà gái quá đáng luôn tạo nên sự hận thù giữa thông gia với nhau, và cái hố ngăn cách ấy ngày càng sâu, càng to mãi lên.

Bình thường, “đám cưới đủ lễ” tiến hành rất suôn sẻ, trừ “có việc thách cười” xảy ra trước đó. Theo phong tục Việt Nam thường thường lễ thách cưới đại để gồm: Lợn, bò, mấy chục con gà, mấy chục con vịt... bao nhiêu chè, bao nhiêu cau trầu, rượu, vòng vàng, hột xoàn, quần áo, chăn màn, v,v... và cuối cùng bao giờ cũng phải có một số tiền mặt kèm theo các lễ vật gọi là phụ thêm “tiền dọn” cho phía đàng gái. Mọi việc ổn thỏa, đám cưới tiến hành, họ nhà trai đến nhà gái để rước dâu phải chọn giờ Hoàng Ðạo mà xuất hành. “Ðoàn người rước dâu” của nhà trai vừa bước ra khỏi nhà, thì mọi người còn lại phải rêu lên: “Gặp đàn ông!”, (vì gặp đàn ông mới hên). Ðúng là chuyện “mê tín dị đoan”, nhưng mọi người thời bay giờ tin rằng phải có như vậy thì việc rước dâu luôn gặp may mắn. Trong đám người đi rước dâu, người đi trước phải là người được chọn lựa kỹ (là người đứng tuổi, đạo mạo, có gia đình song toàn hạnh phúc, con cháu đầy đàn, có uy tín trong họ hàng...). Người dẫn đầu này, tay cầm bó nhang đi trước, rồi mới đến các người bưng quả (bên trong đựng lễ vật: trầu cau, rượu, và khiêng nguyên cả một con heo quay...). Càng nhiều người bưng quả thì chứng tỏ đám cưới càng lớn. Chú rể khăn áo lịch sự, đi theo sau người dẫn đầu. Khi đến nhà gái, nhóm người rước dâu bên nhà trai theo cách chỉ dẫn của người chủ hôn bên gái mà bày biện lễ vật, xong ông này (nên nhà gái) sẽ khấn vái gia tiên để chàng rể vào lễ.

7.- Lễ Tơ Hồng: Nhà gái dựng lên một bàn thờ tế lễ tơ hồng giữa sân, gồm có gà, xôi, trầu, rượu để hai vợ chồng làm lễ tạ ơn ông “tơ bà nguyệt” (Theo sự tích xưa bên Tàu, một hôm Ngươi Vi Cố dạo chơi, gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, trên tay đang xe xe những sợi chỉ hồng dưới bóng trăng. Tò mò, Vi Cố hỏi:

- “Thưa cụ, cụ đang làm gì mà xem ra kỳ cục vậy?

Mắt vẫn hướng về vầng Nguyệt, tay tiếp tục phăng phăng từng sợi tơ hồng, không thèm nhìn lại Vi Cố, lão nói:

- “Ta là Nguyệt Lão, ngồi đây để xe duyên, tạo dựng nên những cặp vợ chồng dưới trần thế. Khi ta đã buộc sợi dây này vào chân của cặp trai gái nào, thì nhất định cặp trai gái đó phải trở thành vợ chồng, ăn đời ở kiếp với nhau”.

- “Thôi đi ông lão ơi! Ðừng có ngồi đó mà bốc phét, Vi Cố này đến nay đã ngoài năm mươi, nhưng đâu thấy ông xe duyên xe diết gì nào?... Mà nói thật với ông, tôi đây cũng chẳng cần ai cột tơ hồng vào chân cả, sống một mình không khỏe hơn chuyện rắc rối cưới vợ sao?”

- “Nhà ngươi chỉ là kẻ có mắt mà không tròng, có đầu mà không có óc, nên không thể biết gì đâu. Ta đã định vợ cho ngươi rồi, nhưng vợ của ngươi còn bé quá, chưa đầy một tuổi, đang “o oe” trong nôi tận cuối xóm dưới kia kìa; ta làm sao cột dây tơ hồng vào chân nó được, phải chờ nó lớn đã chứ? Không tin ngươi cứ thử đến đó mà xem mặt vợ sau này của ngươi đi”.

Muốn biết hư thực lời nói của Nguyệt Lão, Vi Cố tìm đến cuối xóm, thì quả nhiên có một đưa trẻ nằm trong nôi, đang khóc “o oe”. Tức mình, lão già nói bậy bạ... dám bảo rằng đứa bé đang nằm trong nôi này là vợ của mình, thì còn mặt mũi gì nữa? Nghĩ vậy, Vi Cố nhất định phải giết nó... nên lần mò xuống bếp, kiếm được con dao của chủ nhà dùng xắt thịt đem lên và đâm thẳng vào cổ đứa bé... Nghe tiếng động, con bé giật mình khóc thét lên, tiếng thét làm Vi Cố run tay, đâm chệch sang một bên và chỉ làm sứt đi một mảng nhỏ phía dưới vành tai trái của đứa trẻ... Sợ bị chủ nhà phát hiện, Vi Cố từ đó trốn khỏi làng, mất tăm tích luôn...

Thế rồi, mười tám năm sau, Vi Cố trở lại quê cũ, bây giờ không còn là người đàn ông 50 tuổi bình thường nữa mà là vị tướng quân đã về hưu, tuổi gần bảy mươi, không người hầu hạ. Trưởng Làng cảm mến hoàn cảnh đức độ của Vi Cố nên cho con gái cưng của mình là nàng Tô Ngọc vừa đúng tuổi hai mươi về hầu hạ. Vi Cố lúc đầu nhất định khước từ, nhưng rồi, sự chân thành và thiết tha của Tô Ngọc khiến Vi Cố chấp nhận... Nàng Tô Ngọc vâng theo lời cha vẫn cứ ngày đêm hầu hạ Vi Cố đúng mức, dầu Vi Cố có xua đuổi, rẻ rúng... Một đêm nọ, sau khi dạo chơi ngoài vườn dưới trăng thanh gió mát, mùi ngào ngạt của hương hoa phảng phất, Vi Cố thấy lòng hưng phấn trỗi dậy, nên cho gọi Tô Ngọc đến chuyện vãn:

- “Nàng đến đây hầu hạ ta đã hơn một năm, ta thấy vất vả cho nàng quá, lòng ta không nỡ...”

- “Ý, Tướng quân đừng nói thế. Tội nghiệp cho thiếp lắm! Vừa phải mang tội bất hiếu với cha, còn thêm tội bất nghĩa với tướng quân. Hầu hạ cho tướng quân là ước vọng trọn đời của thiếp, đây là việc làm mà thiếp nghĩ tốt nhất trên đời không còn ao ước gì hơn nữa được”.

Từ đó trở đi, nàng Tô Ngọc sống với Vi Cố như vợ chồng, không còn là kẻ hầu hạ như xưa. Trong chuyện chăn gối, Vi Cố mới phát hiện ra vành tai trái của Tô Ngọc bị sứt một mảng nhỏ... mà ban ngày nàng Tô Ngọc thường để mái tóc xòa óng ả của mình che lấp. Vi Cố hỏi nguyên cớ do đâu mà ra, Tô Ngọc trả lời:

- “Thuở còn năm nôi, thần thiếp bị một người chém hụt.”

Vi Cố giật mình hỏi tiếp:

- “Thế có phải nhà nàng lúc xưa ở xóm dưới, cuối làng không?”

Tô Ngọc trả lời:

- “Dạ, theo mẫu thân kể lại là như vậy. Sau đó mẫu thân qua đời, gia phụ sợ ở mãi dưới ấy thấy cảnh cũ người xưa mà lòng tưởng nhớ buồn bực, nên phải dời về đầu làng sinh sống”.

Vi Cố thở phào nhẹ nhõm, và tự nhủ thầm: “Chuyện vợ chồng giữa ta và nàng không phải do ta là kẻ háo sắc, mà là do Nguyệt Lão đã cột dây tơ hồng vào chân ta với nàng từ trước rồi...” Và từ đó trở đi, người ta thấy sự xuất hiện của đôi hoa tai làm vật trang sức cho nữ giới, theo truyền thuyết thì đây chính là việc Vi Cố tự sáng chế làm ra để khỏa lấp mảng tai sứt của vợ bị mình chém lúc còn nằm nôi.

Qua sự tích này, đám cưới nào khi thành rồi, cô dâu chú rể đều phải làm lễ tế tơ hồng để cảm ơn công xe duyên của Nguyệt Lão.

Sau lễ tơ hồng, chàng rể phải vào lạy cha mẹ vợ. Chờ cho họ hàng ăn tiệc xong mới được ra về, và sáng hôm sau làm lễ đón dâu.

8.- Lễ Ðưa Dâu: Thực hiện ngay sáng hôm sau. Cả hai nhà trai, nhà gái cùng làm lễ mời bà con, khách khứa hai bên đến ăn mừng. Ðây là lúc mà họ hàng khách khứa cho quà cô dâu chú rể. Sau tiệc là lễ đưa dâu. Họ nhà gái cũng chọn một người đứng tuổi, đạo đức, có gia đình hạnh phúc, con cháu đầy đàn, cầm bó nhang đi trước, dẫn cô dâu đi theo sau. Ðến nhà trai, cô dâu được các bà bên nhà gái đưa vào lạy bàn thờ gia tiên của nhà chồng, sau đó cả hai vợ chồng mới lạy cha mẹ chồng để được nhận bao lì xì... Lễ nầy chấm dứt, tiệc trà được bày ra mọi người hai họ cùng vào nhập tiệc. Chuyện rước dâu về bên nhà trai kể vừa rồi đó là gặp truờng hợp đơn giản, nên còn thiếu sót, vì chuyện nhà trai đến nhà gái rước dâu còn lắm thủ tục phiền phức như bên nhà gái có các nhóm bạn bè của cô dâu, hoặc giả bọn trẻ cùng xóm (cũng có thể những bọn phá phách, nghịch ngợm trong xóm), thường bày trò đóng cửa hay giăng dây không cho chú rể vào. Nhà trai phải đưa cho họ một ít tiền thì mới được tháo dây hay mở cửa... Nhà trai nào không cho, nhóm người này sẽ gây chuyện, nói tục tĩu bậy bạ, làm huyên náo, tạo nên cảnh không vui trong ngày rước dâu, do đó không có đám rước dâu nào mà nhà trai khỏi tốn thêm tiền ở khoản này. Tục giăng dây trong lễ rước dâu này có từ thời Ðường Huyền Tôn (Nhà Ðường - Trung Hoa). Cũng có khi họ nhà trai đến rước dâu thì họ nhà gái không cho, dùng tục lệ bắt rể, để chàng rể ở luôn trong nhà của gia đình vợ. Ðây là tục lệ rất thường xảy ra cho những chàng trai con nhà nghèo, cưới vợ giàu sang phú quí, dĩ nhiên cuộc đời chàng ta phải chấp nhận “nhiều tầng áp bức”, nếu không thì làm sao có câu: “Thà ngủ chuồng heo, còn hơn theo quê vợ”...

9.- Lễ Hợp Cẩn Giao Bôi: Tối hôm đầu tiên của ngày rước dâu về, khi vào phòng hoa chúc, chú rể trao cho cô dâu một nửa số “trầu trăm” dùng làm lễ tơ hồng ngày hôm trước, rồi tự tay rót một chén rượu, chia mỗi người uống một nửa, nếu chàng rể nào đã xỉn xỉn không cẩn thận lỡ “dứt” luôn một hơi cạn ly... thì đây là điềm báo trước chàng rể sẽ là tên vũ phu, hà hiếp vợ, ngược lại chàng rể chỉ hớp nhẹ một tí nhường lại cho cô dâu “dứt” hết, chàng rể ấy sẽ là người chồng nhu nhược sau này. Do đó cặp vợ chồng mới trong khi chia nhau rượu “hợp cẩn giao bôi” phải biết san sẻ đồng đều. Dùng rượu hợp cẩn xong, cô dâu trải chiếu và quì lạy chú rể 2 lạy, chú rể đáp lễ bằng một “bái”, tục lệ này thường áp dụng cho những nhà sang giàu quyền quí, dân bình thường ít khi thực hiện. Lễ lạt xong, tân lang và tân giai nhân cùng lên giường ngủ...

10.- Lễ Lại Mặt: Ăn nằm với nhau được 3 hôm (nếu ở nhà trai), đến ngày thứ tư, hai vợ chồng phải đem lễ vật gồm xôi, chè, bánh, trái, có cả lợn nữa để về lại nhà bên người vợ lạy tạ gia tiên bên vợ. Ðây là “lễ lại mặt” có nơi gọi là lễ “Tứ Hỉ”. Nhà gái có vinh hiển hay bị nhục nhã cũng là do hình thức “lễ lại mặt” nầy. Vì nếu hôm ấy, con lợn trong “lễ lại mặt” bị thiếu một “lỗ tai” hay sứt một khúc “đuôi”, thì nhà gái phải chuẩn bị: hoặc tiền bồi thường, hoặc nhận lại con gái vừa gả chồng.

Sự kiện như thế này thì làm sao chứng minh?

Nếu bạn có đọc qua “Ðoạn Tuyệt” của nhà văn Nhất Linh, thì bạn rõ ngay: “Sau khi uống rượu hợp cẩn, Thân (chú rể) tự tay lót chiếc khăn vuông “trắng” trên mặt chiếu, Loan (cô dâu) khinh rẻ cho hành vi đê tiện này của người chồng, nàng lặng lẽ cởi áo, nằm ngay ngắn lên trên chiếc khăn trắng ấy nhắm mắt chờ đợi...”. Chiếc khăn ấy là một chứng minh xác đáng nhất rằng trinh tiết của cô dâu còn hay không còn trước khi về nhà chồng, nghĩa là chứng minh được cô ta chưa hề mất trinh trước đó. Sau “trận” động phòng, chiếc “khăn trắng” được chàng rể xếp lại cẩn thận, để sáng hôm sau trình lại cho mẹ mình xem. Nếu trên khăn ấy có những vết máu hồng đỏ thì mọi việc không gì “thắc mắc”, lễ lại mặt, con lợn sẽ đầy đủ tai đuôi, bằng ngược lại thì chứng tỏ đã bị cảnh “bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma” vì “con ong đã tỏ đường đi lối về” như Nguyễn Du tả Kiều sau con lưu lạc, và lúc đó gia đình cô dâu không chỉ hổ thẹn với họ hàng nhà trai, mà còn bị ngay họ hàng nhà gái cũng như bà con chòm xóm khi thị cười chê...

So với người Tàu, thì tục cưới hỏi của chúng ta không khác gì mấy, vì họ cũng có 6 lễ: Nạp Thái, Vấn Danh, Nạp Cát, Nạp Tệ, Thỉnh Kỳ, Thân Nghênh. Chúng ta thường nghe các cụ đồ dạy: “Lục Lễ bất bị, trinh nữ bất hành” (Sáu lễ không đủ, thì gái trinh không đi). So sánh với tục lệ của ta thì nó cũng tương đương Lễ Dạm, Lễ Hỏi, Lễ Xêu, Lễ Cưới, v.v...

HỒ QUÂN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.