Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam
XUÂN TRÊN ÐỈNH ĐÈO GÙ

Như thế là “Ác mộng” hay “Hiện thực” Cả hai đều đúng! Ác mộng là bây giờ, hiện thực thuộc về những năm tháng tù đày mà chúng tôi - những người thuộc phần đất tự do, phải gánh chịu vì bị buộc thua sau ngày 30/4/1975. Một giấc mơ là một lần khủng khiếp, là một lần ngất đi, là toàn chuyện rởn tóc gáy hiện về... Tiếng ú ớ không nên lời, nhờ người nhà đánh thức, giúp thoát ra cơn nguy ngập; tỉnh lại, toàn thân mệt lã, rã rời, mồ hôi toát ra như tắm... Ác mộng với chúng tôi, không giảm, mà cứ tăng lên, nhất là cứ vào độ Xuân về.

Quên làm sao được mùa Xuân năm ấy (Xuân Ðinh Tỵ)! Mùa Xuân thứ hai và cũng là mùa Xuân đầu tiên (1977) sống đúng theo nghĩa “kiếp lưu đày”! Mấy chục ngàn quân nhân, viên chức, thường dân yêu chuộng tự do, đã sống dưới chính thể VNCH, đều phải bị “khổ sai, biệt xứ” nơi vùng non cao rừng thẳm của xứ chết tiệt Hoàng Liên Sơn kia!...

Con đường độc đạo đi về bên kia phà Yên Bái dẫn đến Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sơn La, chúng tôi bị bỏ xuống rải rác dọc các sườn núi, hầu như thiếu vắng bóng dáng cuộc sống con người. “Họ”, những người Cộng Sản Bắc Việt muốn chúng tôi phải trở về sống với thời nguyên thủy nào đó chăng? “Họ” cố bắt chúng tôi làm những kẻ nô lệ bất đắc dĩ. “Bất đắc dĩ” giống như chuyện những bàn tay lông lá “cò kè bớt một thêm hai” để rồi “giờ lâu ngã giá”: Chúng tôi phải bại trận vào mùa Xuân 1975 vậy!

Thượng nguồn sông Ðà, nước đỏ đục màu máu, phân chia chúng tôi với thế giới người Tầy (Yên Bái). Cuộc sống nơi đây vẫn còn quá thấp so với người Kinh vùng đồng bằng lân cận, thì làm sao dám so sánh với dân thành thị mặc dầu đó chỉ là dân “thành thị đang thời kỳ quá độ tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa”! Ôi! Quỷ tha ma bắt cái xã hội chết tiệt, cái xã hội chỉ nhằm bần cùng hóa người dân lương thiện mà thôi. Người Tầy vẫn phải tạm bợ sống trong các nhà sàn xiêu vẹo dựa vào vách núi, đúng theo truyền thống “du cư, du canh” mà tổ tiên họ từ từng sinh hoạt bằng hình thái trồng trọt: “lúa rẫy, lúa nương”. Ðặc tính ít tập trung, sản xuất riêng lẻ, ngược hẳn với người người Kinh, từ đó, họ dĩ nhiên sống theo một phang tục tập quán khác rồi. Mỗi lần tổ chức hội hè đình đám, phương tiện thông tin duy nhất là dùng “tù và” báo cho nhau tụ về “Sóc” chính để quây quần. Lác đác ven sườn núi hiu quạnh, không nhận được một chút ánh sáng văn minh của thế giới bên ngoài soi rọi vào, họ ăn vận thiếu thốn, rách rưới, chịu khổ mọi bề... Nhưng, họ rất dễ thương, vì hay tin người và chỉ biết vâng lời. Nhìn họ, rồi nhìn mình, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài “Qua Ðèo Ngang” mà bà Huyện Thanh Quan mô tả cách đây khoảng hai trăm năm sao hôm nay nó vẫn giống hệt như vậy:

”... Lom khom dưới núi TIỀU vài chú,

Lác đác bên sông RỢ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc

Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta!”

Cảm thông nỗi niềm với Bà Huyện, nhưng “mảnh tình” của chúng tôi hôm nay không phải chỉ có “ta với ta” mà là toàn thể chúng tôi, toàn thể người dân Việt Nam không chỉ riêng có người Miền Nam mà cả miền Bắc nữa!

Gọi như ông cha ta ngày xưa có lẽ thích hợp hơn, mặc dầu nó cộc lốc, nhưng rất dễ hình dung: “Mọi!”, “Mọi núi Du Di”, “Mọi hủ đút”... Thực ra tôi cũng chẳng biết “Mọi hủ đút” là Mọi như thế nào, chỉ tưởng tượng rằng đó là những người cộc cằn, cục mịch, thiếu xả giao... Dần dà có lẽ thấy danh từ này không lịch sự mấy mới đổi thành “người Thượng”, rồi “dân tộc thiểu số”, rồi “người sắc tộc”... nghĩa là tất cả họ sự hiểu biết thế giới bên ngoài chỉ tóm gọn trong mấy chữ: “không có gì” so với chúng tôi. Thế mà, chúng tôi được “Họ” bảo: Người “dân tộc” (CSVN gọi những người miền núi) đang sống theo “nếp sống văn hóa mới”... rồi đây các anh học “nội quy” xong cũng phải biết tập sống theo “nếp sống văn hóa mới” như họ! Chúng tôi lắc đầu, nhìn nhau cùng nói thầm nói: “Hết biết!”

Ðèo Gù, nằm gọn trong làng Dần, một làng trước đây, cho đến sau hiệp định Genève (1954), Việt Minh chỉ dùng để lưu đày những người Quốc Gia. Nó trầm lặng, cô tịch, vô tình, và dửng dưng với tất cả. Ðỉnh đèo nhô lên cao như nói muốn nói rằng: sẵn sàng đón nhận gió độc từ Lào thổi về... Ðấy! Nơi đấy, chúng tôi phải sống, phải “cải tạo lao động”, một thứ lao động chân tay, không mưu cầu tạo ra của cải vật chất, mà chỉ là một thứ lao động khổ sai, dã man, có mưu đồ, có mục đích rõ ràng:

- Ðày đọa chúng tôi!

Ðây là lý lẽ của kẻ tàn bạo khi chiến thắng xong dùng trả thù kẻ chiến bại. “Tha tội chết”, nhưng “bắt tội sống” vì phải thực hiện cho kỳ được công cuộc “đấu tranh giai cấp”. Ý đồ chính của Ðảng của Bác là vậy chăng?!

Xem phim “Những kẻ khốn cùng” (Les Misérables) do Pháp sản xuất, (tác phẩm “Les Misérables” - Victor Hugo), chúng tôi thấy không mấy gì “khốn cùng” như cảnh của chúng tôi! Nó thua xa cảnh “Họ” hành hạ, chèn ép, bức tử chúng tôi về cả hai mặt: thể xác lẫn tinh thần.

Chưa đủ toại nguyện, “Họ” còn buộc gia đình chúng tôi phải giao lại tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, xí nghiệp... Và, chỉ với hai bàn tay trắng, phải lên vùng “kinh tế mới” mà “tăng gia sản xuất”, nơi mà những người “Rợ”, “Mọi” đã bỏ đi vì không thèm sinh sống ở đó nữa!

Chúng tôi, là những thây người vàng vọt, ốm yếu, bệnh hoạn, đói khát, khẳng khiu, rách rưới, thiếu ăn, thiếu thuốc men, thiếu đủ thứ, ngày ngày cứ phải “gù” lưng, người nối tiếp người, bạn nối tiếp bạn, dìu nhau trèo qua đèo Gù để gọi là “Lao Ðộng Cải Tạo”. Từ xa nếu có tiều phu nào đó nhìn lên đỉnh đèo, lúc chúng tôi di chuyển thì nhất định reo lên: Ồ! Ta thấy rồi, một mớ củi mục chờ sẵn! Ðúng. Giống lắm, như một cánh củi mục hình cung bị chôn vùi trong lòng đất từ lâu, hôm nay nhờ mưa gió thời gian, trơ ra trên mặt đất... Là như thế, chúng tôi, kẻ trước sụp bước, kẻ sau chồng lên, cứ thế, cứ thế bắt buộc phải gắng sức tàn, còng lưng trèo qua cho được đỉnh đèo. Có lẽ hình tượng “gù lưng” nầy mà người Tầy địa phương đã đặt cho nó cái tên thật thích hợp chăng? Ðèo Gù! Cũng đồng nghĩa như Ðèo Cù Mông của đất Bình Ðịnh vậy?

“Ðèo Gù”, đúng. “Họ” gọi như vậy! Toàn thể anh em chúng tôi bị “tập trung cải tạo” chung quanh khu vực có tên không mấy may mắn nầy.

Hằng ngày chúng tôi vào rừng chặt nứa, chặt giang, biến đồi hoang thành nương khoai, ngô, sắn... Vỡ hoang ven suối làm thành ruộng lúa, phải vượt qua đèo Gù. Muốn ra “đoàn” (BCH liên trại các trại tù) để gánh gồng, thay trâu bò kéo xe, kéo cày, kéo bừa, cũng phải trèo qua đèo Gù. Tất cả phải vã mồ hôi, phải rơi vài giọt máu, phải mất từng ngụm nước mắt, mới mong được sống còn... Một ai đó trong chúng tôi nói rằng: “Hôm nay tôi thực sự muốn được trèo qua đèo Gù, để đến “đoàn”, dầu lúc về có nặng nhọc, có vất vả bao nhiêu, hoặc có gì gì đi nữa, tôi vẫn cứ vui...”. Ðây là lời nói thực, phát xuất tự đáy con tim, bởi vì hôm ấy phải là hôm được đi nhận chiếc áo quan về, gói xác người bạn thân thương của mình vĩnh biệt ra đi cho đỡ lạnh dưới lòng đất vô tình tại một đồi “mua” nào đó mà thôi!

Xuân Ðinh Tỵ đến. Trước mấy ngày, “Họ” dụ dỗ chúng tôi: Các anh sẽ được hưởng một cái Tết trọn vẹn trên miến đất Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng tôi!

Chà, khá thật, đường lối đảng và nhà nước đối với “tù hàng binh” thay đổi? Chúng tôi thầm nghĩ, xong lại lắc đầu...

Rồi Tết thật, năm đó mỗi người tù có được một chiếc bánh chưng nhân khoai lang (thứ khoai lang dùng nấu thức ăn cho heo), chứ không phải nhân đậu xanh như độ còn ở nhà... Lần đầu tiên trong đời chúng tôi, gặp được thứ bánh chưng XHCN... thứ bánh mắc dịch thì đúng hơn, nó không phải loại bánh chưng đúng truyền thống và đúng sự tích như thời cổ Hùng Vương! Có lẽ chỉ ở Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa mới thực hiện được kiểu bánh thế nầy vì biết “kinh qua lao động” để “sáng tạo” chăng? Nó thể hiện cho “sự phồn vinh thực sự”? Không phải thứ “phồn vinh giả tạo” của Miền Nam chúng ta trước 1975?...

Ðói rét, bệnh hoạn, lo lắng, nhớ, lo gia đình, thân thể bị đày đọa, cá nhân bị sỉ nhục... Tất cả chỉ là chuyện nhỏ! Kiếp tù, ai cũng phải tự cố ép mình chấp nhận. Nhưng, chuyện lớn, chuyện bực mình là “Họ” bảo chúng tôi phải “an tâm tin tưởng” vào đường lối nhân đạo, khoan hồng của đảng và nhà nước đối với tù hàng binh, thì thật buồn cười! Tù đày, hành hạ, sỉ nhục chúng tôi mà bảo chúng tôi hãy tin yêu! Thật vô lý trong hàng ngàn chuyện vô lý trên đời! “Họ” bắt buộc chúng tôi phải lao động cật lực suốt ngày, nếu có phút nào nghỉ tay, thì bị “kiểm điểm” (chửi mắng thì đúng hơn): “Thiếu ý thức tiến bộ, còn mang nặng tư tưởng Mỹ Ngụy, chây lười... Phải có chuyển biến tốt. Muốn được sống hòa nhập với nếp sống văn hóa mới, thì cần nhận thức rằng lao động là vinh quang, qua lao động tích cực mới đánh giá được sự tiến bộ... Có tiến bộ, đạt được mức độ đó thì mới sớm trở về đoàn tụ gia đình, mới có thể hòa nhập vào Xã Hội tiến bộ như XHCN, v.v... và v.v...” Chúng tôi lại nói thầm với nhau: “Hết biết!”

“Duy vật biện chứng” của “Họ” là như vậy đó. Nó chỉ xâm nhập vào những người thuộc giai đoạn lịch sử ăn lông ở lỗ, chứ làm sao có thể lọt vào tai những người “tù chính trị” như chúng tôi? Thôi, thì “rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng khuây”, để “nín thở qua sông” cho êm chuyện. - Chúng tôi bảo nhỏ nhau như vậy.

Chuyện xảy ra kể lại dưới đây, đúng vào mùa Xuân Ðinh Tỵ, đó là cái chết thật vinh dự, thật kiêu hùng, thật khí phách, khác nào người xưa Trần Bình Trọng trả lời tướng Tàu Trương Phụ: “Thà làm Quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” của một tù nhân chính trị, à quên, một “cải tại viên” (theo danh từ VC) thì đúng hơn - anh là sĩ quan QLVNCH, bị bắn đằng sau lưng bằng 3 phát đạn hèn, từ khẩu K.54 của tên thiếu úy VC...

Mùa Xuân chưa dứt, Chu Văn Lộc, tên người sĩ quan, thật anh dũng ra đi, đem theo nhiều tiếc thương, thán phục trong trang lứa bạn bè. Anh chưa hề bị kết án, mặc dù đó chỉ là bản án được phán từ một tên thẩm phán không có chữ gọi như kiểu “tòa án nhân dân”! Ðối với “Họ” có lẽ chỉ biết duy nhất có một thứ luật - luật rừng, áp dụng vào thời loài người sống trong các hang động tiền sử. Lộc nằm xuống vào buổi xế trưa Xuân êm thắm, sau mấy tiếng “đoàn!... đoàn!... đoàn!”, xé tan cảnh yên lặng, tĩnh mịch của núi rừng Hoàng Liên Sơn, đánh thức chúng tôi sau khắc lim dim chờ thời gian trôi... Hết một ngày!

*

**

Khác với kẻng báo giờ lao động như mọi hôm, Hôm nay, kẻng đổ liên hồi 3 tiếng một, liên tục, liên tục nhiều lần, rõ ràng là kẻng báo động rồi! Tiếng kẻng xoáy vào tai, đinh vào óc, để tiếp theo, “Họ” ùn ùn súng cầm tay kéo xuống vây quanh khu tù:

- Tất cả, tập họp hết ra sân! Không ai được ở trong “lán”!

Tiếng kẻng pha lẫn tiếng lách cách lên cò súng, tạo cho chúng tôi bầu không khí đang bình thường trở nên ghê sợ, chết chóc:

- Hay là “Họ” mần thịt hết thảy chúng ta?

Trong anh em chúng tôi có người lên tiếng:

- Báo cáo cán bộ, mấy người đang bị bệnh thì sao ạ?

- Ra hết!

- Ðội nhà bếp đang nấu cơm chiều có ra không?

- Ðã bảo ra hết là ra hết? Không có “ný nuận”! (lý luận) Khẩn trương... khẩn trương...

Thấy cảnh lạ, một người khác bạo miệng hỏi một tên bộ đội:

- Ủa! Chiều nay đi lao động sao cán bộ? (mặc dầu hôm đó là Chủ Nhật).

- Tôi không phải là cán bộ, tôi là bộ đội. Anh muốn tâng bốc tôi phải không? Có ý đồ gì? Nói Mau?

Tên chính trị viên tiểu đoàn đứng gần đó gắt to lên:

- Không được hỏi, thi hành lập tức!

Sau tiếng gắt này là các mũi súng AK của “họ” chĩa vào phía chúng tôi. Chúng tôi e dè nhìn nhau thầm bảo: “Chuyện lớn rồi!”

Chiều hôm đó anh em chúng tôi “không được” lao động. Thật là mất cơ hội “tiến bộ” theo đúng quy định trong chính sách “Ðối với tù hàng binh” do đảng đề ra! Tình thế tuy căng, nhưng mọi người vẫn thấy nhẹ nhõm, tới đâu hay tới đó, ít nhất cũng được xả hơi, dầu chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa trời sẽ tối đến nơi. Ngày Chủ Nhật, theo nội quy, “cải tạo viên” được nghỉ, lo tắm rửa, giặt giũ quần áo. Nhưng thường cứ bị phá lệ, bởi lý do “lao động XHCN”. Hôm ấy, chúng tôi thật chưa biết nguyên cớ gì “đột xuất”, mãi cho đến khi một số anh em “thông tầm” (lao động luôn buổi trưa) về kháo với nhau: “Lộc đã bị bọn chúng bắn trưa nay, tại bãi “Gà Rừng”, lưng chừng đèo Gù, phía dốc bên chúng mình đây nè. Mọi người “ồ” lên một tiếng, rồi nhận xét tiếp: Hèn gì nghe tiếng nổ của đạn K.54 gần quá...

Chủ Nhật hôm ấy, mấy anh em làm “thông tầm” không phải bị đi LÐXHCN mà là “Họ” cần chuyển gấp một số “giang” non cho nhà máy giấy Phú Thọ, đúng với thời gian trong hợp đồng. Trường hợp đi làm “đột xuất” như thế nầy, sẽ được nghỉ bù vào ngày hôm sau, nhưng thật xui xẻo, vì hôm sau, cũng như những người không đi làm phải ra sân ngồi đội nắng, nghe “họ” giảng “đạo đức cách mạng” 3 xu... còn bực mình gấp mấy lần chuyện vào rừng.

Chúng tôi nhớ lại hồi còn ở trong Nam, những giờ “học tập chính trị”, ngoài chính sách 8 điểm, “Họ” còn cho chúng tôi học tập “quyết định” 13 điểm do Huỳnh Tấn Phát - Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời CHMNVN ký. Nét mực chưa ráo, chúng tôi đã bị đày ra Bắc, đúng nghĩa từng chữ của kiếp tù: “chung thân, khổ sai, biệt xứ”. Trong chuyện nầy chúng tôi tự hỏi có lẽ Hà Nội muốn đi ngược, muốn chứng tỏ cho những người lãnh đạo MTGPMN phải biết thế nào là quyền uy tối thượng của Hà Nội chăng? Vì rõ ràng “Họ” ra oai, vô hiệu hóa quyền lực cấp chỉ huy chóp bu cỡ như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát chứ còn gì?

Từ nhiều trại khác nhau, chúng tôi bị chia thành từng nhóm 50 người, trong đêm âm thầm leo lên những xe “motolova” bít bùng, chạy nối đuôi nhau về khu Tân Cảng. “Bộ đội cụ Hồ” trang bị đầy đủ vũ khí dàn chào nghiêm chỉnh chờ sẵn ở đấy. “Họ” lầm lì đón chúng tôi xuống tàu Sông Hương.

Ðời lặng lẽ hòa nhịp với dòng suy tư vô định!... Không mong gì một ngày mai tươi sáng hơn, kiếp người “cùng khổ” như chúng tôi hiện tại chỉ đành xuôi theo số mệnh. Nhiều anh em phải tự an ủi mình: Huỳnh Tấn Phát mà chúng còn chơi khăm, huống gì cánh của anh em chúng ta!

Hầm tàu chật ních người, 8 khoang đều như thế, mỗi khoang độ vài ngàn, vệ sinh tại chỗ, không có nơi tiêu, tiểu, chỉ mới hôm đầu nước tiểu và phân hòa sệt với nhau chỉ liêm liếm đến bàn chân, mùi hôi thối xông lên đầy mũi, ráng chịu, than thở với ai bây giờ. Tới bữa ăn “họ” thả mì gói xuống, ngâm nước lạnh, ngoạm ngoẹm ngoám ngoém, gọi là đỡ lòng thôi... Ai cũng tự biết rằng: “Anh phải sống! Anh phải sống! Ở nhà đang còn thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé... đợi chờ...” (theo ý chuyện ngắn Anh Phải Sống - Khái Hưng). Ba ngày hai đêm, không kể đêm đầu, chúng tôi chưa biết mình sẽ về đâu! Cuối cùng, chiều xuống. Cảng Hải Phòng hững hờ đón chúng tôi thật não nùng... Vật vờ như những người mất hồn, trôi theo độ dốc của thang nối con tàu vào bờ cảng, mà chúng tôi từ giả nó... Chuyện bực mình không phải vì cảnh khốn khổ dưới hầm tàu trong những ngày qua, mà ngược lại khi được thoát ra, được hít thở không khí trong lành, thì bên tai cứ nheo nhéo tiếng loa: “Các anh đang ở trên quê hương Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng tôi, miền Bắc của chúng tôi, XHCN của chúng tôi...”. Thật oái oăm! Nôn mửa!... Chúng tôi xin trả lại tất cả cái quê hương mắc dịch XHCN gì đó cho các ông! Chúng tôi đâu muốn giành giật cái chủ nghĩa quái dị đó? Nó toàn là chuyện kèm kẹp, toàn là chuyện điêu ngoa, toàn là chuyện xảo trá, và toàn là những gì ghê sợ nhất, giống hệt bản chất của thủ lãnh đầu sõ các ông! Thật tội nghiệp cho đồng bào chúng tôi, họ giống như những cô gái hiếu thảo thật thà, vì số phận đưa đẩy không may gặp Tú Bà phỉnh dụ, Sở Khanh gạt gẫm... cuối cùng chỉ biết âm thầm tự trách lấy mình:

”... Biết thân đến bước lạc loài

Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung...”

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Chuyện đã quá muộn màng!

Từ Hải Phòng, chúng tôi tiếp tục bị nhốt nữa, lần nầy còn ngạt thở gấp bội phần, nó không phải có khoảng trống lớn của hầm tàu thủy, mà là những toa tàu hỏa dùng chở súc vật!... Mỗi toa chở được 10 con bò, thì “họ” dùng nhốt 50 người tù kể cả gồng gánh, đeo xách! Thiếu dưỡng khí, ngộp ngạp, chúng tôi thay phiên nhau, mỗi người đến lỗ thông hơi rộng chừng 2dm vuông hít lấy hít để không khí bên ngoài trong vài giây, để rồi nhường cho bạn khác. Thêm một đêm, một ngày, tưởng đến chốn bình yên. Nào ngờ, cửa toa vừa mở ra, chúng tôi dìu nhau bước xuống, chưa vững thế đứng, phải nhận ngay trận mưa “đá” cục. Nhảy ngược trở lại, đóng kín cửa toa tránh né... Thì ra, Dân Quân Du Kích vùng phà Yên Bái chơi trò hèn nầy! Họ xúi giục dân địa phương, sẵn đá lót đường rầy ném bổ vào chúng tôi! Mươi phút sau, yên lặng mới trở lại, có lẽ do sự dàn xếp thỏa thuận giữa nhau của “Họ”, chúng tôi mới được xuống tàu, lội bộ lên phà sang sông. Tôi bực mình quá hỏi tên an ninh (bộ đội bảo vệ) chuyến đi:

- Sao có chuyện kỳ cục vậy cán bộ?

- Anh thấy chưa? Nhân dân họ căm thù các anh. - Hắn nói tỉnh bơ.

Qua chuyện man rợ nầy, thật tình tôi còn sợ “Họ” tái diễn, vì biết đâu đó, anh em chúng tôi sẽ còn bị “Họ” dàn dựng những trò tương tự khác, để rồi đổ thừa cho “nhân dân đang căm hận”...

Lủi thủi người sau theo bước chân người trước, rồi tận cùng phía sau xa vọng lên: có những anh em đã tắt thở... tắt thở bởi trận mưa đá, tắt thở bởi những ngày kiệt sức vừa qua...

Chiều hôm nay, có mưa, mưa lớn nữa. Trời khóc giúp chúng tôi? Không, Trời chỉ khóc cho tình đời! Ðể công bình, xin Trời hãy khóc cho cả hai nhé!...

Lại tiếp tục giúp nhau trèo lên “Motolova” bịt bùng, xe lại lăn bánh về hướng Nghĩa Lộ, Sơn La... Càng về tối, Trời mưa càng nhẹ đi, rồi trong đoàn xe ọp ẹp, một số dừng lại sau khi đổ dốc đèo Gù. Ở đây, không phải là nơi đầu tiên dành cho anh em bị nạn sau 1975 đến, mà đã có các anh em cũ (bị bắt trong trận Hạ Lào, hoặc những Biệt Kích nhảy toán) nấu sẵn những “chảo” nước lá rừng nóng hổi chờ...

Giòng suối vệ đường gầm thét, nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, kéo theo rác rến đất núi, có lẽ muốn phụ họa để hù dọa chúng tôi chăng? Chúng tôi tảng lờ: Trời mà chúng ta còn không sợ, huống hồ gì loại rác rưởi như các ngươi!

- Ai có khát, xin cứ tự nhiên! - Anh em nhóm “Hilton” cũ (tên gọi những anh em phục vụ trong chế độ VNCH, bị bắt và bị tù trước 1975 tại miền Bắc) gọi mời.

Có người làm vài hớp cho ấm lòng, có người thoát y - trầm mình trong suối, ý muốn mau được rửa sạch những dơ bẩn trong mấy ngày qua. Sáng hôm sau, những người tắm suối chiều qua, bỗng dưng trở thành những nhạc sĩ “nghiệp dư” về loại đàn cò... Thì ra trong giòng nước suối chứa đầy rác rến mục nát và chứa cả lá cây sơn rừng, thấm lên khắp người và gây nên bệnh ngứa...

Chưa hết, chuyện mới lạ vẫn còn bám theo dài dài đối với dân quen sống nơi thị, họ nào biết núi non, cây lá, thú vật, con trùng độc hại là gì đâu, như trường hợp loài vắt, lúc đầu cứ tưởng nó là con sâu đo nên coi thường, cho đến khi bị nó bám chặt vào da hút máu, khi dùng hai ngón tay bứt mạnh vẫn không rớt ra, thì mới biết đó là “vắt”, nếu phát hiện sớm, thì đỡ tốn máu bố thí, nếu không biết, để cho nó hút no, nó sẽ tự rớt ra thôi, nhưng có điều là vết cắn của “vắt” máu trong người chúng ta cứ theo đó mà rỉ máu ra mãi... Mấy ngày sau chúng tôi bày nhau biện pháp khử trừ: nào là dùng vôi, dùng xà phòng, và nhất là dùng nước hút thuốc lào bôi vào vắt đang bám, chúng nó sẽ nhả ra ngay... Vôi thì làm gì có, may ra chờ đến mùa cấy lúa mới được phân phối để rải xuống ruộng chống phèn. Xà phòng là thứ quý, anh em tù làm sao có thể xài “đại trà”? Có dư phải biết dành để lén lút “quan hệ” với dân địa phương mà kiếm thêm chút gì ăn vào bụng cho đỡ đói nữa chứ! Như vậy, chỉ còn có món nước thuốc lào “phế thải” là “OK” thôi, nhưng cũng cần dùng hạn chế, vì nó còn được tẩm lại với lá chuối rừng xắt nhỏ phơi khô gọi là thuốc lào “chế biến” để tạm ấm lòng qua đêm ngồi chờ tiếng vượn hú: “Ngày Mai mới Bắt Ðầu”. Nói như vậy là để giải quyết cho lúc ban đầu, về sau, “vắt” lánh xa chúng tôi, chỗ nào có chúng tôi ở, “vắt” bắt buộc phải nới vòng vây. Có lẽ hơi nóng của người cũng như mùi khói của lửa, đã làm chúng không dám bén mảng đến gần. Chuyện nguy hiểm bây giờ còn lại là tai nạn gặp phải khi lao động, một thứ lao động trong xã hội thời “hậu đồ đá, đầu đồ sắt, và ngay giữa thời đồ nứa”. Một cây “nứa” chúng tôi dùng được vào rất nhiều việc: Dao đâm cổ heo, cổ trâu, làm cột nhà, kèo nhà, trính, đòn tay, thậm chí đan cả những tấm tranh dùng lợp mái che... Nói chung thì đây là thứ vật liệu dễ kiếm và nhẹ nhàng vận chuyển bằng sức người so với các loại gỗ khác.

Ngày đầu tiên, chúng tôi bị đưa vào núi sâu chặt nứa, dựng “lán” ở tạm. Mấy ngày kế tiếp, đón gỗ làm nhà cho “Họ” ở, để tiện canh giữ, kèm kẹp! Nhận “nguy hiểm về mình, nhường thuận lợi cho Họ” là thế chăng? Ngày nào anh em chúng tôi cũng có người gặp tai nạn, không lớn thì cũng nhỏ, bị vắt hút máu, bị ong đốt, bị bò cạp rừng, rắn cắn, bị trượt chân vấp té... tất cả chỉ là “chuyện nhỏ”. Lỡ chặt một cây nứa, không biết cách né tránh, để mũi nhọn sắc bén của nó đâm thủng bụng, đâm thủng bàn chân - đó là “chuyện lớn”! Anh em ở dưới dốc núi đang bò lên đỉnh, gặp phải cây đón xong khiêng xuống, đứt dây tuột dốc, tống vào người đang bò lên làm người này gẫy tay, gẫy chân, có khi tắt thở tại chỗ - “chuyện lớn” hơn! Trời mưa, đất núi trơn trợt, chân bám không được, té, lăn tròn va vào hốc đá, rơi tỏm xuống suối, nước xoáy nhận chìm mất tích luôn - “chuyện lớn”! Ðấy, chúng tôi bị bắt buộc làm nhà, bị bắt buộc làm hàng rào để “Họ” giam giữ đày đọa chúng tôi. Tất cả cũng chỉ là chuyện bình thường ở huyện... mãi cho đến xế trưa Chủ Nhật hôm đó, “Họ” đánh thức chúng tôi...

Chúng tôi đã trải qua một mùa Ðông rét nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam, Hàn thử biểu chỉ từ 4 đến 6 độ bách phân, nhất là trên cao nguyên Sapa có tuyết rơi, nước suối đông thành đá, mạ lúa chết, trâu bò cũng bị chết cóng theo, người không dám ra khỏi nơi trú... thế mà chúng tôi có hôm vẫn cứ phải vào rừng lao động.

Nhọc nhằng rồi cũng qua đi, không mấy gì đau xót. Nhưng, khi nghe bạn mình - Lộc ngã xuống bỡi viên đạn hèn của kẻ thù, thì nỗi đau xót lại tự dâng trào mạnh lên...

Lộc, Tài, Phê - ba người bạn một tấm lòng. Ngay từ khi mới đặt chân xuống Hoàng Liên Sơn, họ đã chuẩn bị ngay chuyện vượt ngục. Ban đầu số người hưởng ứng khá nhiều, nhưng tiên phuông trong đám chỉ có 5 và chia làm 2 toán. Toán 1: Lộc Tài Phê, Toán 2: Chiêu Triều.

Lộc vận động anh em, gom góp được một số lương khô và thuốc men đem sẵn từ trong Nam ra. Công việc trôi chảy tốt, được anh em cùng lán trại âm thầm hỗ trợ, không ai hé môi cho “bộ đội VC” biết. Lộc đóng vai chủ chốt, dò xét điều nghiên tình hình, hầu có thể áp dụng tốt cho các nhóm tiếp theo về sau, nên còn nấng ná, và như thế Toán 2 - Chiêu Triều khởi hành trước...

Mồng Một, Mồng 2 Tết, mọi việc vẫn yên lặng, coi như không có gì xảy ra, có lẽ các nhóm vượt ngục muốn thực hiện kế “nghi binh” tạo cho “Họ” tin tưởng rằng: anh em tù chính trị đang hưởng một cái Tết vui vẻ, không có hành động chống đối nào. Mồng Ba Tết, Chiêu Triều vắng mặt. Bọn an ninh trại tù vẫn không hề nhắc gì đến. “Họ” có kế hoạch theo dõi ngầm các hành động của tất cả các tù nhân, hay “Họ” không đủ lực lượng tìm kiếm truy nã? Nhân số của “Họ” đang thiếu hụt, vì đã có một số “bộ đội” được nghỉ phép Tết về nhà.

Ðêm Mồng Năm Tết, đúng giờ G, điểm hẹn gốc cây si, Lộc nép mình chờ hai bạn Tài, Phê. Nếu lỡ bị phát hiện, chỉ cần gọi to lên: “Báo cáo bộ đội tôi đi cầu” (Có anh em chơi khăm gọi to: báo cáo cán bộ tôi đi ỉa). Trời tối đen như mực, mây mù che phủ sao đêm, Phê Tài đúng hẹn. Ba bóng đen nhận ra nhau bằng mật khẩu riêng: “Ðau bụng quá!”. Ngược lại, bất trắc gặp VC hỏi thì trả lời: “bị kiết lỵ từ hai hôm nay”. Khi nghe câu nói nầy, các anh em chưa bị phát hiện, phải tìm cách lẩn trốn về “lán”, coi như chuyến đi được tự động đình hoãn.

Lộc thấy đủ người, tay chỉ về hướng Tây Nam, ra dấu khum người xuống vạch nhẹ lá rừng bước tới... Ðược một đoạn, cách “lán” trại chừng 200m, cả ba vào một bụi rậm, kéo 3 “sac au dos” ra, mỗi người mang một, và trên tay còn có thêm con dao lớn (dụng cụ lao động hàng ngày do VC cấp phát, và phải trả lại kho sau buổi lao động chiều, nhưng Lộc, Tài, Phê khai mất, xin hứa cố gắng tìm kiếm lại sau). Bụi rậm nầy là chỗ Lộc cho dấu các thứ cần thiết dùng trong chuyến “vượt ngục” mạo hiểm nầy từ nhiều ngày trước đó, trong những giờ vào núi lao động...

Mồng Năm, Mồng Sáu, vẫn im ắng, anh em còn lại thì thầm: chắc chắn trót lọt hết rồi, tất cả đi về hướng Lào, từ đó sẽ vào biên giới Thái Lan dễ ợt, như thế nhất định xong chuyện...

Mồng Bảy, 8 giờ sáng, một số anh em được lệnh vào rừng đón gỗ như thường ngày vẫn làm, lúc đem về giao nộp chỉ tiêu, bọn quản giáo chọn ra hai cây tốt nhất về kích thước cũng như về chất gỗ. Lúc đầu “lao động cải tạo” thường giao chỉ tiêu dưới hình thức “khoán”, nên anh em chúng tôi “tranh thủ” cho đủ “chỉ tiêu” mà nghỉ sớm xả hơi. 4 giờ chiều là chụm nhau bàn tán đủ chuyện trên đời, bên cạnh tẩu thuốc lào, chờ lãnh chén bắp hẩm lót dạ qua đêm. Gà-mèn khua vang, anh em tù chúng tôi ăn cơm tối. Chương, tên trung úy VC, cán bộ quản giáo “lán 7” (lán của tôi ở) từ trên “khung” xuống bảo:

- Anh Bé, anh chọn cho tôi vài người nữa, theo tôi có việc.

Tâm lý chung, mỗi khi ai đó trong anh em chúng tôi được gọi trong những giờ bất thường, trong bụng có ý vui mừng hơn là buồn bực, vì có thể gặp được một chuyện tốt (?)(như chuyện được bồi dưỡng vài củ khoai lang...) Chính từ sự kiện vui “cười ra nước mắt” này mà phong trào chụp gắn “anthène” nở rộ. Và sau này nó trở thành “chuyện dài cải tạo”!

Theo tôi, chuyện “anthène” dĩ nhiên. Nhưng đây cũng chính là âm mưu ly gián của VC đối với khối tù chúng tôi, mục đích: chia rẻ sức chống đối, tạo kỵ hiềm lẫn nhau, giết chết hay phá vỡ sức đoàn kết trong anh em tù chính trị với nhau. Có lần, chính cá nhân tôi, khi trao đổi tâm tình với một tên sĩ quan quản giáo về chuyện đời sống khổ cực hiện tại như: Ðây là lần đầu tiên trong đời đối với anh em tù chính trị miền Nam, hắn ta mỉm cười:

- Chúng tôi biết điều đó, dầu cá nhân chúng tôi có muốn làm khác cũng không được, phải thi hành đúng lệnh trên. Việc “ăn-tên, ăn-tiếc” gì đó, tôi nghĩ rằng không phải không có, nhưng không biết người khác thì như thế nào, chứ tôi thì tôi ít tin họ, anh tưởng rằng CIA gài người được, thì chúng tôi không làm được sao? Anh có thể biết chắc rằng trong số các anh không có người chúng tôi đang ăn ở sinh hoạt chung với các anh? Có điều những chuyện tôi nói với anh hôm nay coi như chỉ nói với một mình anh thôi đấy nhé, sau này đổ bể thì anh rán mà lãnh chịu, cá nhân tôi bị thuyên chuyển đi nơi khác là cùng, chưa phải bị tù đâu!...

Tôi nghĩ: những chuyện như thế này, trong ngành tình báo vẫn là chuyện thường. Nhưng, một khi ngay miệng của hắn ta nói ra, tất nhiên bọn chúng đã thay đổi và triển khai kế hoạch mới, vì cho rằng đường dây cũ bị “cháy” rồi, không còn hữu hiệu (cháy: danh từ xử dụng trong ngành tình báo, nhóm hoạt động bị lộ tông tích).

Bé cùng 5 người bạn nữa theo chân VC Chương đi lên “khung” (tên gọi khu nhà làm việc của bọn VC coi tù). Ðến nơi họ được chia làm 2 nhóm: 4 người nhận lãnh cuốc xẻng ra sau núi đào hầm, 2 người đẽo gọt 2 khúc gỗ.

Nhóm 4 người đào hầm:

- Mầy chỗ nầy, tao chỗ nầy.

Người khác nói:

- Mau lên, làm sớm nghỉ sớm.

Một người khôi hài nói với tên bộ đội:

- Có bồi dưỡng gì không cán bộ?

Tên bộ đội gắt:

- Làm việc đi! Ở đấy mà ca cẩm, bố lếu bố láo...

Hắn ta nói xong, tay lăm lăm khẩu súng có vẻ bực tức.

Thì ra nhóm 4 người nầy chia phiên nhau đào xẻ một vách núi, khoét sâu vào giống như một cái hầm, cứ tưởng rằng sẽ làm thành một cái kho chứa vật dụng. Còn lại nhóm 2 người làm bổn phận thợ mộc. Bé phụ trách, hỏi VC Chương:

- Làm cái gì đây cán bộ?

Chương không trả lời thẳng câu hỏi của Bé, lấy que củi nhỏ vẽ dưới đất, nói:

- Hai anh phải đẽo gọt hai khúc gỗ nầy, theo hình tôi vừa vẽ, nhất là hai mặt gỗ khi chạm nhau phải ăn thật khít, hai đầu gỗ được đóng chặt bằng những “con nêm” chắt chắn nằm phía bên ngoài hầm, chỉ có bộ đội mới có thể dùng búa để mở, riêng 6 lỗ nhỏ nầy phải làm thế nào đó cho vừa sít với cổ chân, không được rộng, cứ hai lỗ gần nhau có khoảng cách vừa đúng cỡ duỗi 2 chân của một người ở tư thế nằm ngửa.

Ðến đây, Bé mới biết được là mình đang làm “trăn” để cùm người, mà lại lại cùm tới 3 người... Ai đây? Thật quá xui xẻo cho họ! Còn 4 người kia đang đào hầm gần đó là để đặt bộ “trăn” này vào. Công việc xong xuôi, nắp hầm được đắp đất cẩn thận, phía trên là chòi canh của “bộ đội VC”.

Gần 6 giờ chiều, miền núi có khác, mặt trời chưa chịu đi ngủ, tia nắng vẫn còn chiếu xuyên qua các thân cây lêu nghêu, lay động trải dài trên các thượng đạo, như kéo mắt mọi tù nhân hướng về phía “khung”. Thoáng, một bóng người rách nát tả tơi, tay đang bị trói ngoặc lại sau, chập chờn với bóng cây phản chiếu ánh sáng vàng vọt sắp tắt của mặt trời, lăn tròn theo nhịp của tam cấp từ cửa “khung” xuống lộ. Hai người khác, cũng bị trói chặt hai tay về phía sau, ăn vận cũng không khác gì người trước, dùng một chân làm trụ, chân kia dùng bàn chân làm thành cái móc, hè nhau gượng sức đỡ bạn ngồi dậy. Người thứ hai, dáng vóc khỏe mạnh hơn người bị té lăn vừa rồi, thay cho bạn mình, từng bước, bước lên tam cấp, đến cửa “khung” cũng bị lăn tròn trở lại. Rồi người thứ ba. Cuối cùng, tất cả được dẫn vào sau núi... Anh em chúng tôi, từ bên nầy đồi đứng nhìn sang bên kia, mục kích thật rõ, chuyện xảy ra. Tôi nghiệm rằng, nhất định bọn VC đang cố ý để cho chúng tôi chứng kiến...

Việc xong, Bé và 5 người về, anh em mới biết: Toán 1, ba người: Lộc, Tài, Phê bị bắt... và đang bị đóng “trăn”. Nếu ai đó gặp cảnh bị hình phạt như kiểu này, thì mới có thể biết được sự dã man của nó, nó là thứ “cùm” hoàn toàn còn sót lại từ thời thượng cổ! Người bị cùm khi mỏi, không cách gì co chân lại được, cả hai chân phải để thẳng, phải nằm ngửa, nếu chỉ xê dịch một tí thôi, là cổ chân bị lỗ gỗ kèm lại ngay, khiến đau đớn, đành chịu đựng. Sau này, khi anh em tù chúng tôi bị chuyển qua trại do công an VC quản lý, chuyện “cùm” không còn dùng “trăn” gỗ, mà là dùng móng chân ngựa vừa cổ chân có lổ xỏ thanh sắt dài xuyên qua tường, khóa cẩn thận bên ngoài, đỡ hơn cách cùm bằng “trăn”, nạn nhân có thể nằm ngửa, co chân theo độ kéo lưng của mình về phía chân bị cùm được. Trường hợp bị cùm một chân thôi thì còn dễ hơn một chút vì có thể nằm ở tư thế nghiêng nếu bị mỏi.

Lộc, Tài, Phê, bị bắt vào sáng sớm hôm đó, tại một ngọn núi không xa “lán trại” chúng tôi là bao. Có lẽ gặp số xui, toán của Lộc đêm tối lần về bếp trại kiếm thêm thực phẩm... Chảo ngô hột buổi sáng bị vơi đi, nhóm anh em lán nhà bếp sợ anh em lao động bên ngoài phàn nàn, nên đành phải báo cáo thất thoát lên “khung”. VC nghi ngay đây là việc làm của những người “trốn trại”, cho truy kích, và cuối cùng, đã chộp được cả 3 người...

Mồng Tám Tết, chúng tôi “không” được đi lao động, tất cả phải “học tập” trò “đấu tố”, chỉ thiếu một điều là những người bị đấu tố không có mặt (đang bị cùm trong hầm). Chúng tôi phải đứng phơi nắng chịu trận, còn “Họ - VC” thì thay nhau chửi bới:

- Các anh rõ ràng không chịu từ bỏ ý đồ chống phá cách mạng, không chịu học tập cải tạo, vẫn tiếp tục phản dân hại nước... Nếu không có chính sách khoan hồng của đảng, thì thử hỏi hôm nay các anh còn đứng được tại đây không? (có tiếng thì thầm thật nhỏ trong anh em tù: lại nói phét!). Các anh phải biết ơn đảng, biết ơn nhà nước, biết ơn nhân dân, thay vì bắn bỏ các anh thì tạo điều kiện tốt cho các anh cải tạo; như thế, sau này mới có thể sớm hòa nhập với nếp sống văn hóa mới XHCN. Hôm nay, chúng tôi cho tập trung các anh lại đây, mỗi người phải biết đào sâu suy nghĩ, phải biết thực sự hối cải ăn năn, dựa trên lý luận của chủ nghĩa khoa học Marx-Léninism, đứng về phía cách mạng, có nhận xét đúng đắn, để kết tội 3 tên: Lộc, Tài, Phê, một cách nghiêm chỉnh, một cách cương quyết. Có làm được như vậy, các anh mới có thể giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau cải tạo tốt... mà như các anh biết rồi: có cải tạo tốt thì mới được về đoàn tụ với gia đình, đóng góp sức mình xây dựng xã hội, chuộc lại lỗi lầm, chuộc lại tội ác, chuộc lại nợ máu, mà chính các anh đã gây ra cho nhân dân ta, cho đảng ta, cho tổ quốc ta, trong suốt thời gian các anh làm tay sai cho đế quốc Mỹ.

Anh em chúng tôi ngoài mặt giống như chú ý lời nói của “Họ”, nhưng thực ra trong lòng ai cũng mong cho bọn chúng khô cổ, không thể nói tiếp nữa, và chúng tôi sẽ được nghỉ sớm... Tối đến ngồi chuyện trò thì thầm nhau, rõ ràng anh em chúng tôi đều là những người điếc nặng, nếu có chú ý cho lắm, thì cũng chữ được chữ mất vậy thôi, hơi đâu mà nghe chuyện lải nhải hà rầm... Chúng tôi dư biết, chuyện Lộc Tài Phê, chỉ là cái cớ tập họp chúng tôi lại mạt sát, ép chúng tôi vào thế bắt buộc phải làm ngược lại với lòng: “ghép tội thật nặng cho bạn mình”, nếu có chuyện không may xảy ra, “Họ” sẵn sàng nói: đây là ý kiến chung của “anh em cải tạo” chứ không phải bản chất dã man, độc địa của “Họ”- Một hình thức cũ rích trong sách vỡ đấu tố địa chủ của Trường Chinh soạn từ những năm 1950... Thật sự, “Họ” đã bắt chúng tôi từng người lên phát biểu. Khổ tâm quá! Nói làm sao đây? Sai một ly đi một dặm! Thôi thì đành chơi trò ca bài “con cá sống vì nước” thế thôi...

Chúng tôi dùng gậy ông đập lại lưng ông:

- “Cách mạng đã thế này, cách mạng đã thế nọ, đảng thế nầy, nhà nước thế kia, v.v... và v.v... cuối cùng xác định sự “trốn trại” của ba anh Lộc Tài Phê là sai trái, là có tội (mặc dầu trong lòng ai ai cũng muốn Lộc Tài Phê trót lọt, để rồi những anh em khác có thể tiếp nối)... Nhưng, vì đây là lần đầu, đối với tâm lý con người cũng có “mặt hạn chế” của nó, xin cách mạng phạt cùm 1 tháng để 3 người đó đủ thời gian tự kiểm điểm!

Có người đề nghị ít hơn: 2 tuần, 1 tuần, nhưng sau câu nói lại lè lưỡi như sợ “Họ” bảo: còn có ý “bao che”...

Qua vụ này, anh em chúng tôi bị kèm kẹp gắt gao hơn, phải tự vào rừng chặt “giang” kết thành những hàng rào dày (giống kiểu hàng rào ấp chiến lược tại các vùng quê thời Ðệ Nhất Cộng Hòa) bọc quanh riêng khu “lán trại”, một công việc mà “Họ” gọi là để đề phòng thú dữ tấn công. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải, vì đã có một số anh em chúng tôi lỡ dại đi đường tắt bằng cách chui qua hàng rào để vào (lối đi tắt nầy gần hơn nhiều so với lối đi vòng phía trước để vào cổng chính), liền bị những tên “bộ đội” canh gát trên các chòi cao gần đó gắt lên:

- Anh kia! Anh vào “lán” kiểu gì thế? Lại đây cho tôi làm việc!

- ...

- Khẩn trương lên!... Lề mề quen thói...

Lần đầu tiên, chúng tôi không biết mình đã vi phạm tội gì, chỉ nghĩ rằng đây là cách “sáng tạo” trong khi lao động mà thôi! Rõ ràng làm như thế là chúng tôi đã “sáng tạo” mới phải chứ? Tại sao vai mình đang mang, khiêng nặng nhọc, còn phải leo trèo trên các dốc núi gập ghềnh, tại sao không “sáng tạo” ra lối đi tắt gần hơn? Nhưng, chuyện “sáng tạo” đối với “lao động khổ sai” khác với “sáng tạo” trong lao động bình thường của xã hội bên ngoài là vậy... Nếu bắt gặp một người vi phạm, thì tên bộ đội có thể “làm việc” trực tiếp ngay tại chỗ - đấm đá thoải mái. Nếu bắt gặp chừng 2 người trở lên, hắn ta hơi gờm, liền dẫn về “khung” cho cả tiểu đội chơi “bóng chuyền”.

Những anh em già yếu, “Họ” bắt phải chăn trâu bò dê, nuôi lợn, nuôi cá, trồng rau... “Lao động cải tạo” chính vẫn là “tăng gia sản xuất”: lâm nghiệp, làm ruộng, làm rẫy, trồng khoai, trồng sắn, trồng rau cải, nhặt phân súc vật, gánh phân người để chăm bón hoa màu (bốc phân người bằng hai bàn tay trần)... Ðến mùa “thu hoạch”, “Họ” bắt chúng tôi vận chuyển (gánh gồng, thay trâu bò kéo xe cũng như đã từng thay trâu bò kéo cày, kéo bừa trong việc đồng án) hàng hóa tự sản xuất được ra chợ bán... “Họ” nhận tiền cất vào túi, còn vật trao đổi với dân chúng địa phương, bắt chúng tôi mang về “khung” cho “Họ” chi dụng. Chúng tôi phải vất vả để làm, còn “Họ” cầm súng AK ngồi nhịp đùi để hưởng. Nhiều anh em ra đến chợ, thấy thuốc lá thèm quá, phải xin phép “bộ đội áp giải” để đi quanh quẩn lượm tàn thuốc, lượm thuốc bổi rơi rớt về “lán” gom lại chừng vài bi (điếu nhỏ vê tròn), chia hơi nhau để “kéo” gọi là “làm tí” thơm râu... Nghĩ lại, ông Marx nói không mấy sai: “Chế độ cộng sản nguyên thủy có trước cả chế độ nông nô...” - Như thế phải chăng với Marx có nghĩa: CSNT còn man rợ hơn cả chế độ nông nô? Chúng tôi đang sống cảnh cùng cực còn tệ hơn những nông nô, “Họ” lại muốn “cải tạo” chúng tôi trở thành những con người của chế độ Cộng Sản như sư tổ Marx của “Họ” đề ra!?

Già, trẻ, anh em chúng tôi tuy cùng nhốt chung, nhưng chỉ cùng ngồi chung với nhau trong giờ hành chánh khi “được lên lớp học tập, kiểm điểm, xây dựng nhau, giúp nhau cùng tiến bộ”, còn giờ lao động bên ngoài thì mỗi người phải tự lo làm mỗi việc khác nhau.

Chừng hơn một tuần sau, Lộc Tài Phê, không biết bằng cách nào, cả 3 thoát được. Giải đáp thắc mắc nầy, chỉ có 3 nạn nhân trong cuộc mới đủ chính xác. Chuyện nghe kể lại thì lúc nào cũng có tính chất “tam sao” sẽ bị “thất bổn”. Tài hiện đang sống trên đất Mỹ, do đó không mấy khó khăn để tìm hiểu cách tháo cùm của anh.

Khốn khổ cho anh em chúng tôi tăng thêm. “Họ” kèm kẹp theo nhiều cách. Bắt chúng tôi phải lao động cật lực, tiêu chuẩn lao động cải tạo hằng ngày thay đổi với cấp số cộng. Ban ngày tăng gia sản xuất, ban đêm học tập kiểm điểm. Thay vì ngày Chủ Nhật được nghỉ, thì chúng tôi phải đi lao động XHCN. Ăn uống hằng ngày bị áp dụng quy tắc “tỉ lệ nghịch” với lao động. Mao Trạch Ðông, trong chính sách đối với “tù chính trị”, chỉ gom gọn lại một câu: “Cho chúng ăn, bắt chúng phải làm”, còn “Họ” thì khắt nghiệt hơn: “Cho chúng ăn ít, bắt chúng làm nhiều”... Vất vả, đói khác, buốt giá, chúng tôi cũng phải vào rừng “cải thiện” đủ thứ. Nói chung không từ nan một thứ gì: cào cào - châu chấu (tự cho là “tôm bay”), ốc sên - trùn đất bỏ lén vào đống rác đang cháy, bốc mùi, khiến nước bọt như muốn chảy ra, cóc - nhái được gọi “ếch chiên bơ”, chuột - rắn - nhộng ong - sùng cây mục (loại sâu sẽ biến thể thành ve sầu, kiến dương, bọ rầy...) - bắt được thì có ngay bữa cơm ngang tầm “tiểu táo” (bữa cơm thịnh soạn - tiêu chuẩn dành riêng cho lãnh đạo cao cấp VC). Nói chung thấy bất cứ con gì còn “ngọ nguậy” thì “xực” tuốt. Ðủ thời giờ, thì nướng chín, không đủ thời giờ - chơi sống luôn. Duy nhất có loại “sâu rọm”, vì thấy lông lá trên mình của chúng hơi ghê ghê nên không dám “chén” mà thôi. Các loại trái cây rừng, không hề từ nan bất cứ một loại nào dầu cho: chua, chát, ngọt, đắng, bùi, hôi... Ai lỡ ăn trái “găng” thì chấp nhận chuyện “Tào Tháo bị rượt”, còn nếu lỡ ăn lõi chuối rừng, thì hôm sau phải chổng mông lên mà nhờ bạn “móc” hậu môn giúp chuyện táo bón... Ai lỡ “cải thiện” ngay sản phẩm của chính mình “tăng gia sản xuất” như: rau, cà, bắp cải, ớt... “Họ” phát hiện được thì chắc mẩm trăm phần trăm bị nguy kịch. Chính tôi có lần mục kích Ngộ - người bạn tù, đói quá, lén bẻ một trái bắp (ngô) non, bóc vỏ nhai ngấu nghiến đỡ bụng... Không may bị tên quản giáo một đội khác phát hiện. Sợ có tang chứng, tuy chưa kịp ăn hết, Ngộ đành vất mẩu bắp còn lại xuống giòng suối trôi đi. Tên quản giáo gọi:

- Anh kia! Làm cái trò khỉ gì đấy? Lại đây tôi bảo! Ai cho anh bẻ “bắp ngô” non thế kia?

Biết mình gặp chuyện không may, Ngộ tỉnh bơ, thong thả vừa đi vừa nói theo kiểu như chưa hề biết gì:

- Thưa cán bộ gọi tôi? Bắp ở đây tốt quá hả cán bộ? Mới có mấy tháng mà đã có trái. Ngoài trại của cán bộ trồng có được tốt như thế nầy không?

Gương Mặt tên quản giáo hầm hầm quát:

- Anh cho tôi là trẻ con đấy à! “Bắp Ngô” bẻ khi nãy đâu, đưa ngay ra đây, không thì biết tay tôi!

- Dạ thưa cán bộ, tôi có bẻ ngô, bắp gì đâu ạ?

- Ơ! Cái tên nầy láo thật! Chính mắt tao trông thấy mà mầy còn chối bừa. Ðược! Ðể ông xem...

Vừa nói, hắn ta vừa đi tới bảo Ngộ:

- Quay lưng lại. Ðưa hai tay lên đầu. Ðứng yên. Không được nhúc nhích. Sai lệnh, tao bắn bỏ!

Lục soát một hồi, vẫn không tìm ra chứng cớ, tên quản giáo tức lồng lên, quay sang nói với tôi:

- Anh làm đội trưởng cái gì thế? Bao che cho tên nầy phá hoại tài sản của trại! Anh phải tự kiểm điểm lại tư cách làm việc ngay, tôi phải đưa tên này về “khung” để tiếp tục làm việc với nó. Phần anh phải bảo mấy người khác coi đấy mà liệu hồn. Lề mề không ra cái gì cả. Anh nghe rõ chưa?

Nói xong, mặt hắn hầm hầm dẫn Ngộ về “khung”, tôi sửng người chỉ biết: “dạ”, trong khi hắn còn ngoái lại nói thêm:

- Phải khẩn trương lên! Ở đó mà lề mề, làm ăn kiểu “nín thở qua sông” đừng hòng qua mắt chúng tôi đâu đấy!

Toàn đội đi lao động chiều về đến “lán”, thấy Ngộ nằm một đống ở góc phòng, tôi hỏi:

- Sao mậy? May mà mầy vất đi kịp chứ nếu không thì khốn hơn nữa, anh em tưởng mầy chắc tối nay phải ngủ ở hầm đất?

Ngộ tỉnh bơ, trả lời:

- Tụi nó mà làm gì được em. Hắn dẫn em lên đến “khung” hỏi em thêm vài câu: Sao chối? Vất đi đâu rồi? Ði tìm cho ra ngay mới được?... Em nói: không có bẻ thì làm gì có mà kiếm. Nó nói: Còn dấu vết của cùi ngô mới thế này mà mày bảo không bẻ thì quả là ngoan cố thật. Em cứ chối phăng là không bẻ. Tức quá, nó bỏ đi ra. Tưởng yên, không dè chừng một phút sau, 5 thằng bộ đội đi vào bao chung quanh chỗ em ngồi, định vị xong, chúng nhìn nhau ra dấu riêng. Thôi thì tứ bề đấm đá, chúng coi em như trái bóng chuyền và quả bóng tròn, đấm đá túi bụi... Hề gì mô, em chịu được hết, sức của em cũng có thể chơi ngược được 2 thằng, nhưng sợ bị xử bắn, nên đành nằm ịch xuống đất, co cụm 2 chân để che bụng và hạ bộ, còn hai tay cũng co lại để che kín mặt và ngực. Chừng như mỏi rồi, chúng thở hổn hển bước ra, một thằng nói vọng lại: Ðấy, cho mầy bài học về tội chối cãi, về dưới “lán” còn bép xép thì khổ thân con ạ!...

Thấy tay chân của Ngộ xây xát nhiều chỗ, tôi liền lấy dầu Nhị Thiên Ðường xoa vào, anh ta rên khẽ:

- Rát quá anh à!

Tôi cảm thương cho Ngộ, nhưng chẳng biết làm sao hơn. Ðành hỏi:

- Giờ Ngộ muốn tôi phải làm thế nào đây?

Ngộ trả lời tỉnh queo:

- Thôi kệ mẹ tụi nó anh ơi! Mình không sao thì thôi.

Tôi nói nhỏ vào tai Ngộ:

- Ðược rồi, Ngộ cứ làm theo cách nầy có thể dằn mặt bọn chúng. Cách này chỉ có tôi và Ngộ biết thôi, không hé răng với bất cứ một ai! Vì lỡ mà bọn “anthène” mà biết được, thì đi đời cả lũ... Trước mắt, là tôi xin cho Ngộ nghỉ liên tiếp 3 ngày không lao động, gọi là dưỡng bệnh, “Họ” có hỏi thì nói bị đau khắp mình mẩy, nhức đầu, buồn nôn... kể đại nó ra là xong. Và chắc rằng sáng mai Ngộ sẽ được ăn cháo ngon lành (cháo thì được nấu bằng gạo, trong khi anh em đi lao động chỉ được ăn sắn xắt lát phơi khô và bắp hột).

Ngộ gật đầu đồng ý. Ngay chiều hôm đó tôi đi ngay lên “khung”. Thấy tôi, tên trại trưởng xã giao cuội:

- À! Anh Q. đi đâu thế? Vào đây.

Nói cho đúng, khi chúng tôi còn do Ðoàn 776 (Cục Quân Pháp) quản lý, thì cung cách đối xử của “Họ” trong mọi mặt dễ thở hơn nhiều, so với bọn “bò vàng” (công an mặc quần áo màu da bò vàng) của bộ Nội Vụ sau nầy. Tôi bước vào, hắn ta chỉ ghế ngồi rồi nói:

- Sao? Anh em có vấn đề gì trở ngại không? Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay đối với các anh, nhưng chỉ với các anh biết hối cải thôi. Tôi nói như thế anh phải “quán triệt” thật tốt, để về “lán” nói lại anh em, đừng làm gì sai quấy mà thiệt thân. Vợ con, cha mẹ, gia đình, xã hội đang từng giờ chờ đợi các anh về sum họp. Các anh phải biết chỉ có một con đường duy nhất là phải “cải tạo cho tốt” mà thôi.

Nói xong, hắn rót trà vào một cái chén nhỏ mời tôi, tiện tay hắn cho thêm một điếu thuốc “sapa”. Tôi hớp một ngụm nước, hít xong một hơi thuốc, thả khói xong mới nói:

- Thưa cán bộ, cán bộ là vị thủ trưởng cao nhất ở đây...

Nói chưa dứt câu, hắn đã chận ngay tôi lại:

- Anh không nên nói thế, chúng tôi ở đây, không ai lớn nhất mà cũng không ai lớn nhì, lớn ba gì cả. Anh em chúng tôi chỉ chia nhau công việc để cùng làm. Việc làm của chúng tôi có đảng ghi nhận, có nhân dân biết. Có điều tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách...

Tôi chưng hửng, tưởng rằng mình đề cao hắn, để hắn “chiếu cố” cho việc mình sắp nói ra, nào dè... Ðợi hắn ta lên lớp xong tôi tiếp:

- Thưa cán bộ, chính cũng vì chuyện bảo vệ uy danh của cán bộ cũng như các cán bộ khác ở đây, mà bây giờ tôi mới dám lên gặp cán bộ để trình bày chuyện xảy ra dưới đó, mong cán bộ tường, hầu xử lý kịp lúc.

Hắn nhìn thẳng vào tôi với cử chỉ thật “khẩn trương” như muốn vội biết ngay:

- Sao! Sao! Có chuyện gì? Nghiêm trọng lắm không? Thôi rồi, các đồng chí bộ đội làm sai phải không? Hay chuyện gì khác?...

Hắn hỏi tôi dồn dập, ý chừng như muốn đặt câu hỏi mãi để cho tôi không có thời gian trả lời. Tôi làm thinh, uống nước tiếp, vì kiên nhẫn chờ càng lâu càng tốt, cho đến khi hắn dứt câu, mới lên tiếng:

- Thưa cán bộ, trưa nay, có anh Ngộ, trong đội của tôi đi lao động, không biết chuyện như thế nào mà cán bộ quản giáo trại ngoài dẫn về trên nầy, sau đó giao cho năm anh bộ đội đánh ảnh, bây giờ thương tích không biết thế nào, thấy ảnh đang nằm rên “hừ... hừ...” dưới ấy. Tôi chẳng biết phải làm thế nào, thấy anh em nhiều người bất mãn việc nầy, nên tôi phải lên đây trình lại cho cán bộ biết.

Hắn trợn mắt nhìn tôi:

- Thật không? Có lẽ có “sự cố” gì đây! Tôi sẽ tìm hiểu. Bây giờ anh về lại “lán” coi xem anh Ngộ ra sao, nếu cần kiếp lắm thì xin cho chuyển ra “Ðoàn” chữa trị... Ðể giải quyết cấp thời, anh có ý kiến gì?

- Thưa cán bộ, tôi không phải là bác sĩ, chỉ thấy anh ta nằm rên, nói đau ở ngực và bụng, mình mẩy ê ẩm. Các anh em khác thì lo lăng xăng xoa dầu, nắn lại các khớp xương, v.v...

- Còn ý kiến gì khác không?

- Có lẽ ngày mai anh ta chưa lao động được và phải ăn cháo thôi.

- Ðược. Tùy anh giải quyết. Ai nói gì thì anh cứ bảo là tôi “xử lý” như thế. Tôi tin anh.

Ngày hôm sau, Ngộ được nghỉ lao động, tôi còn xin tiếp thêm hai ngày nữa, Ngộ thầm cám ơn tôi.

Trong cảnh tù tội, thì ai cũng như nấy cả, cấp bậc lớn nhỏ chỉ có trong quá khứ vàng son xa xưa thôi. Anh em quý nhau chăng là cách cư xử có tình người! Cá nhân tôi cũng như những người cùng cảnh tù tội, may nhờ gia đình thăm viếng đều đặn, do đó ít vi phạm những chuyện linh tinh, không va chạm với bất cứ ai, phần mình - mình làm, xong việc rồi nghỉ, thành ra anh em cũng mến chuộng. Nhờ không tìm ra được “vấn đề” gì so với người khác, nên “Họ” hay giao cho tôi trách vụ nhắc nhở anh em trong “lán”. Nói như thế không phải “Họ” không có đòn độc đâu! Bằng chứng, vào một buổi học tập chính trị về đề tài “sự bóc lột của Tư Bản Chủ Nghĩa về giá trị thặng dư”, tên chính trị viên tiểu đoàn VC trong giờ “liên hệ bản thân để chuyển biến tốt” hỏi tôi:

- Anh Q., anh đứng lên cho hơn nghìn anh em đây thấy mặt. Ðấy, anh Q. như thế đấy, biết học tập tiến bộ, vì luôn làm tròn bổn phận của một “cải tạo viên”... Tuy thế, theo tôi vẫn chưa đủ, mình anh không thôi, thì còn ở mức “hạn chế”, anh phải giúp những bạn mình cải tạo tốt nữa kia, đấy mới có thể là đạt “yêu cầu”... Qua bài học hôm nay, anh phải thành thực trong nhận xét...

Tôi thừa biết hắn đang “bôm” cho tôi một quả bóng “dỏm”, nên làm như mừng rỡ, nhanh miệng đáp:

- Thưa cán bộ, nhận xét cái gì ạ?

- Anh có thừa nhận rằng: thời gian qua, năng suất lao động xuống thấp, tính chây lười còn rơi rớt khá nhiều, chuyện nín thở qua sông gần như phổ biến phải không?

Tôi nghĩ thầm: tên nầy muốn gài mình vào cảnh dở sống dở chết đây! Muốn được lòng hắn thì phải “Ừ”! Nghĩa là xác nhận câu nói của hắn là đúng (thật ra thì đúng thật), như thế mặt mũi nào mà về “lán” nhìn lại anh em? Có khi nguy ngập đến tánh mạng! Ngược lại, nếu cho là không đúng, có nghĩa cãi lại lời nói của hắn? Chắc chắn anh em sẽ vui mừng. Nhưng cá nhân của mình nhất định sẽ vào ngồi hầm đất như chơi, và tội chống phá cách mạng làm sao tránh khỏi... Suy nghĩ chừng 30 giây, tôi trả lời:

- Thưa cán bộ! Thật ra thì trong những ngày vừa qua năng suất trong lao động có kém hơn lúc mới ra thật, bằng chứng tổng kết thành phẩm làm ra được ở tháng rồi quá kém, theo như lời cán bộ trại trưởng đã nói.

Tôi chưa nói hết câu, tên chính trị viên đã hét lên:

- Ðấy, đấy. Tôi nói có sai đâu, chính các anh phải tự nhận điều đó là đúng mà.

Nhiều tiếng xầm xì và nhiều cặp mắt hướng về phía tôi với vẻ hằn học, không bằng lòng. Tôi nói tiếp với hắn:

- Cán bộ, tôi xin được nói tiếp cho hết câu ạ!

Hắn dịu giọng:

- Ðược! Anh cứ tiếp.

Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn:

- Thưa cán bộ, sở dĩ vẫn còn những tồn tại mang tính hạn chế như vừa qua trong lao động cải tạo, phần chính yếu là vì sức khỏe chung của tất cả anh em chúng tôi. Chúng tôi không dám nói là chưa quen sống cuộc sống lao động chân tay nầy? Như cán bộ từng biết, những tháng mới đến đây, năng suất rất khá, nhưng qua thời gian, có lẽ vì khí hậu, vì phong thổ không hạp với người miền Nam, do đó thường hay có đau ốm, bệnh hoạn, làm sức lực yếu kém, phần khác thì ăn uống thiếu thốn... Nói chung phần thì đói, phần thì rét nên cũng rất khó hoàn tất được “chỉ tiêu” của các cán bộ giao phó. Ðây là những lời thành thật nhằm “lý giải” được việc “kém năng suất” trong suốt thời gian qua như cán bộ đã nói lúc nãy.

Một tràng pháo tay thật dòn của anh em cùng cảnh ngộ tưởng thưởng tôi. Tôi hú hồn, mình được thoát nạn từ hai phía!

Trở lại chuyện Lộc Tài Phê. Lần vượt ngục đó, Lộc Tài Phê đã tóm theo khẩu “thượng liên”, có lẽ 3 người nghĩ rằng phen nầy nhất định ăn thua đủ. Hai ngày sau, vào buổi sáng, khi phát tiêu chuẩn sáng cho anh em đi lao động, “đội nhà bếp”, một lần nữa lại phát hiện một lỗ hổng lớn trong chảo bắp sáng, sợ anh em than phiền, đội nầy cũng lại phải báo cáo... “Họ” xác định nhóm Tài Lộc Phê chưa có thể rời xa, nên ra sức truy tìm. Chiều hôm sau, “Họ” phối hợp với du kích địa phương dẫn theo chó săn, quyết bắt 3 người này cho kỳ được. Kết quả cả 3 bị bắt cách “Trại 6” không đầy 1,5km đường chim bay. Lộc, Tài, Phê, bị đem về cùm ở Trại 6 luôn. Anh em Trại 12 chúng tôi không ai biết được tình huống như thế nào xảy ra sau đó.

Những ngày cuối “Tết tù” cứ trôi đi. Vẫn chuyện lao động khổ sai nơi rừng thiên nước độc... Anh em có người ra đi vĩnh viễn vì bệnh tật, vì té suối, té núi, vì cây đè, vì thú rừng, vì sương lam chướng khí. Cầu thủ nổi tiếng Ðông Nam Á: Nguyễn Hữu Ðức, BTV Ðặng Công Huệ, BTV Lý Minh Khánh, Ð/u Nguyễn Hoành, Ð/u Tần... và nhiều người khác nữa cứ lần lược âm thầm ra đi. Ðau đớn nhất là cái chết của Tần.

Tần, người khỏe mạnh, đẹp trai. Hôm đó Tần vào núi đón gỗ, ngang qua suối Ong (suối nầy có nhiều ong) thì trợt chân té xuống, mất tích. Người bạn đồng hành đi trước không chú ý, cứ ngỡ Tần sẽ theo kịp phía sau. Nào ngờ khi lên tới đỉnh không thấy Tần, liền quay ngược trở lại kiếm, gần hết ngày lao động vẫn không thấy bóng Tần đâu cả, nên chỉ còn cách duy nhất là báo cáo lên “khung”. Hoàn cảnh xót thương như thế, nhưng “Họ” cứ cho rằng Tần “trốn trại”! Sự xác định của người bạn Tần quá cứng rắn, nên bọn “Họ” phải hướng dẫn anh em tù đến suối Ong để tìm. Ðầu nguồn của suối là một bờ thác đá cao dựng đứng chừng 10m, sức nước từ trên cao đổ xuống làm xói mòn, tạo một hố thật sâu ngay đầu nguồn, nếu ai lỡ rơi đúng vào chỗ xoáy thì sẽ không có thể trồi lên được, vì bị sức xoáy dè mạnh của nguồn nước nhận chìm. Nhưng nếu Tần chỉ gặp trường hợp đơn thuần như thế nầy vẫn có hy vọng sống sót. Ðằng này, không phải vậy, vì sau hai ngày tìm mọi cách lặn xuống, mới phát hiện xác Tần bị kẹt trong một hốc đá bên dưới mặt nước suối chừng 2m. Hốc nầy được hình thành do sự xói mòn lâu năm giữa nước và đá tạo nên một hang hình ống điếu, Tần đã bị nằm gọn vào cái hang đó. Khi người lặn xuống đụng được xác của Tần chỉ cần ấn nhẹ vào mình Tần một tí, làm sai vị thế, xác Tần liền vọt nổi lên mặt nước ngay. Tần chết sình! Anh em chỉ biết ngậm ngùi cho số phận “một kiếp tù” mà thôi!... Khoảng 10 người tìm kiếm, hè nhau khiêng xác Tần lên, quàng tại chỗ: một đôi dép cũ, một chiếc áo trận rách tươm, 1 cái quần cụt, trên lưng còn dính nguyên con dao đón gỗ, và trong chiếc túi nhỏ vẫn còn cái điếu cầy, một gói nhỏ thuốc lào, một phần bắp sáng (cỡ một vắt cơm). Tần vội vàng lặng lẽ ra đi như vậy, vội vã đến nỗi không kịp ăn vắt bắp nhịn lại từ buổi sáng... Anh em chúng tôi đưa Tần về yên nghỉ nơi một đồi mua vắng lạnh cách “lán” chừng 2km. Bùi ngùi chia tay vĩnh biệt, để rồi mỗi người tự tìm về với chính thân phận của mình:

“Thương người lại nghĩ đến ta...”

Hai Mươi Mốt tháng Giêng, toán Chiêu - Triều đi trước toán Lộc - Tài - Phê hai ngày, đã có tin về. Anh em chúng tôi cứ mừng, nuôi nhiều hy vọng ở Chiêu - Triều thế nào cũng trót lọt. Nào ngờ, không phải là tin vui, mà là tin buồn. Hết lương thực, lần xuống nhà dân, bị du kích phát hiện, Triều - Chiêu bị bắt giao về trại cũ. 18 ngày lặn lội rừng núi, toán Chiêu - Triều chỉ đi vỏn vẹn được 21 km... Chúng tôi lại bị bắt đào hầm, lại bị bắt đón gỗ làm trăn, nhưng lần nầy chỉ khoét có 4 lỗ thôi.

Lại học tập, lại ngồi đồng vào mỗi buổi tối... Thôi, đời tù mà, hơi đâu mà “no”, để cho nhà nước “no” (có nơi người Bắc đọc chữ “lo” thành chữ “no”).

Chúng tôi tưởng nhớ tới cảnh nằm hầm đất mà rùng mình, vì người bị đóng trăn như thế, làm sao chịu nổi... Ðêm về tiếng rên siết sắt lạnh của loài côn trùng miền rứng rú sao mà thấy ghê ghê, nhưng vẫn còn hơn khi phải nín thở, không được trân mình cho mỗi khi có rắn, rết, bò cạp, sâu bọ, hay bất cứ loài vật nào có nọc độc bò qua, dầu ngang miệng, mũi, mắt, ngực, bụng, chân tay... Vì lỡ run sợ, cựa nhẹ mình một tí thôi, thí các con vật ấy sẽ “quặp” ngay - Ðời chấm dứt!

Lộc - Tài - Phê đang sống trong cảnh rùng rợn này ở hầm giam Trại 6. Nhận biết mình khó sống, nếu cứ ở mãi nơi đây. Tính cho kỹ thì không còn cách nào khác ngoài cách vượt ngục tiếp... Trong lần vừa qua, đã mang thêm tội cướp súng rồi. Lộc tự vận. “Họ” phát giác kịp thời cứu chữa, từ đó nới lỏng việc cùm kẹp cho cả 3 người. Thời cơ đến, Lộc - Tài - Phê vượt ngục tiếp...

Mấy hôm sau lại bị bắt. Và rồi 3 người trở vào hầm đất để được đóng trăn như ban đầu.

Ðúng vào thời gian việc phân bố lại các trại tù vùng thượng du Bắc Việt, chúng tôi bị chia làm hai, một nửa ở lại, một nửa lên vùng Văn Bàng - một vùng khỉ ho cò gáy tận biên giới Việt-Lào, để khai khẩn đất hoang - vùng mà những người miền xuôi chuyển hàng lậu từ Lào về Hà Nội phải than:

“Ruồi vàng, bọ chó, gió Thang Uyên”!

Và nếu khách buôn chỉ cần gặp một trong ba thứ, đời kể như không mấy may mắn, riêng anh em chúng tôi tù chính trị chúng tôi phải nhận đủ luôn cả ba!

Hơn tháng sau, tưởng chuyện Lộc - Phê - Tài được yên, nào ngờ cả 3 người, được chuyển từ Trại 6 về lại trại cũ chúng tôi (Trại 12) để tiếp tục thọ hình. Ðường đi sắp đến nơi, tên thiếu úy VC giải giao Lộc - Tài - Phê trên chiếc “Watt” (Họ gọi là ô-tô con), qua khỏi đỉnh đèo Gù, đổ đốc, tới gần khoảng trống, mà chúng tôi thường gọi đó là bãi “Gà Rừng” (gà rừng hay đến đây gáy tìm địch thủ). Xe dừng hẳn lại. Tên VC bảo Lộc:

- Lộc! Tao cho mầy xuống xe. Cho mầy chạy về phía rừng! Khẩn trương lên!

Lộc hơi ngần ngại, nhưng chân anh vẫn bước đều, mặt hướng về phía “Trên đỉnh lặng yên”, nơi cao nhất của ngọn núi trước mặt. Anh đi... đi nữa... đi nữa... Tên VC đếm: một... hai... ba... năm... bảy... chín... mười! “Ðoàn! Ðoàn! Ðoàn!”

Ba tiếng chát chúa từ nòng K54 khạc ra, Lộc quỵ xuống thật chậm chạp, giống như những bước chân yếu đuối của anh sau thời gian bị cùm kẹp, đói khác, đuối sức. Xác Lộc nằm sấp trên mặt đất, hai tay bị cột tréo vắt trên lưng. Một sự yên lặng rợn người... Tài - Phê không dám nhìn theo, mà có nhìn đi nữa cũng không thể thấy gì được, vì cả hai cặp mắt đã nhòa đầy nước. Tiễn đưa Lộc, không ai ngoài Tài và Phê, tự nhắm mắt mình lại thay vì đưa tay vuốt mắt bạn!...

Tối hôm đó, chúng tôi bó Lộc vào manh chiếu cũ (tấm chiếu được lấy từ chuyến đi trên tàu Sông Hương ra Bắc). Chôn cất Lộc thật vội vã ngay tại bãi Gà Rừng ấy, vì sợ rằng qua đêm thú rừng sẽ tha xác Lộc đi mất...

Lộc tiếc thương!

Vĩnh biệt bạn với muôn ngàn đau thương. Chúng tôi biết bạn chết đi để cứu chúng tôi được sống.

Hôm nay, được sống những ngày bình yên, tự do trên đất người, chúng tôi không còn sợ gì nữa. Nhìn thẳng vào mặt kẻ thù mà thách thức: “Chúng tao đang thắng! Và sẽ thắng lớn hơn nữa!” Có vinh hạnh nầy, chính đã nhờ vào sự hy sinh, nằm xuống của những người như Lộc. Chính cái chết của Lộc lúc đó đã tạo chúng tôi đủ sinh khí chăm bón mầm sống trổi dậy: để tồn tại, để bồi đắp thêm cho việc đấu tranh đòi nhân quyền, đòi tự do cho toàn dân tộc Việt Nam đang bị kèm kẹp dưới chế độ Cộng Sản.

Chúng tôi thường cúi đầu mật niệm Lộc và những anh em khác đã hy sinh vì lý tưởng tự do, bằng những phút yên lặng linh thiêng, gọi là mật niệm để tưởng nhớ đến các anh!

HỒ QUÂN
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.